Hôm nay,  

Tôi "viết Báo"

29/05/200200:00:00(Xem: 259002)
Người viết: Hải Triều
Bài tham dự số: 2-550-vb30523
Tác giả Hải Triều tên thật là Lai Thế Lãng, hiện định cư và làm việc tại Vermont. Ông là tác giả đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ, ngay từ năm đầu tiên của giải thưởng. Sau đây là truyện kể của ông về việc viết báo.


Hôm đó là một ngày cuối tuần. Tôi đang đánh máy một bài viết vừa hoàn thành bản nháp thì nghe chuông điện thoại. Cầm ống nghe lên, tôi nghe giọng nói quen quen nhưng không nhận ra là ai.
- Không nhận ra tôi à" - Tiếng nói ở đầu dây phía bên kia vang lên
- Xin lỗi ... ai vậy"- Tôi hỏi lại
- Đắc đây.
Thì ra là Đắc. Tr. T. Đắc, một người bạn thân của tôi trong thời gian ở trong quân ngũ. Chúng tôi không cùng đơn vị nhưng cùng làm việc tại vùng
Nha Trang- Khánh Hòa. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không có tin tức của nhau. Đắc kể cho tôi nghe vì sao có số điện thoại của tôi. Đắc nói đi ăn cưới và trong tiệc cưới, có một thực khách lên hát giúp vui trông có vẻ quen quen. Hỏi ra thì được biết con người có máu văn nghệ đó là Tr. G. Toản trước cũng ở Nha Trang. Đắc và Toản nói chuyện với nhau một chặp thì té ra hai người đều là bạn của tôi. Nhờ vậy Đắc có số điện thoại để gọi cho tôi.
- Bộ mày viết cho tờ Việt Báo Kinh Tế đó hả" - Đắc trở lại cách xưng hô thân mật giữa chúng tôi của thời kỳ xa lắc xa lơ trước đây.
Tôi ở xa Cali không biết gì về báo chí Việt ngữ. Tôi đoán có lẽ Đắc muốn nói đến Việt Báo nên tôi phải cải chính với Đắc ngay là tôi chỉ viết bài tham dự "Giải thi viết" do Việt Báo tổ chức. Nói "viết cho tờ VBKT" nghe nó to tát quá. Tôi cũng định khoe với Đắc về công việc "viết báo" của tôi nhưng rồi không hiểu sao tôi lại lái câu chuyện sang hướng khác. Thật ra "thành tích" này đâu có nghĩa lý gì nhưng đối với tôi, đó là cả một kỳ công. Là vì tôi chỉ là một tay mơ, vốn còn ngơ ngáo trong việc viết lách. Tôi cũng chưa bao giờ được hướng dẫn về lãnh vực này.
Khi còn đi học, tôi không phải là một học sinh giỏi về môn luận văn. Tôi còn nhớ năm học lớp Nhất tiểu học (về sau gọi là lớp Năm) chỉ có một lần duy nhất bài luận văn bình giải câu "Hổ chết để da, con người ta chết để tiếng" của tôi được thày chọn là bài hay nhất lớp. Khi lên trung học cũng chỉ được vài lần những bài nghị luận văn chương của tôi về Nguyễn Công Trứ được đưa ra đọc cho cả lớp cùng nghe. Đó là tất cả vốn liếng về "sự nghiệp văn chương" của tôi trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi cũng đã bỏ lỡ mất một cơ hội bằng vàng để học hỏi về nghề cầm bút. Số là tôi có một bà thím là em ruột của nhà văn HNL. Có một lần tôi đến thăm chú thím vào đúng dịp nhà văn cho ra đời tác phẩm đầu tay "Hình ảnh những mùa trăng". Thím tôi cho tôi mượn tập truyện đó, bảo tôi đem về đọc rồi nếu muốn theo đuổi nghiệp văn chương thì thím sẽ giúp giới thiệu để tôi có cơ hội lui tới, gặp gỡ nhà văn và học hỏi kinh nghiệm của ông. Tôi đọc xong tập truyện, đem trả lại cho thím mà không có lời yêu cầu nào. Không biết vì tôi ngại ngùng hay vì tôi không phải là người có duyên nợ với nghiệp văn chương chữ nghĩa. Từ đó tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc viết lách, nhất là viết bài gửi cho báo.
Nhưng rồi một cơ hội chợt đến khiến tôi thay đổi và bỗng dưng thấy thích viết. Cơ hội đó là việc Việt Báo tổ chức giải thi "Viết Về Nước Mỹ". Cuộc thi này dành cho mọi người Việt khắp nơi và điều kiện cũng dễ dãi. Điều lệ nói rõ "Người viết hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa từ cách đặt tên đến nội dung, chi tiết, bố cục bài viết miễn là có liên quan đến nước Mỹ". Đọc xong điều lệ dự thi, tôi như bị thôi thúc phải viết, không viết không được. Tôi nghĩ đã đi Mỹ, sinh sống, làm việc trên đất Mỹ thì ai mà chẳng có chuyện để viết. Tôi quyết định tham dự cuộc thi, không dám hy vọng lãnh giải thưởng mà chỉ muốn viết lại cuộc hành trình đến Mỹ của gia đình, ghi lại những cảm nghĩ và nhìn lại những chặng đường gia đình tôi đã trải qua trong việc hội nhập vào cuộc sống mới trên mảnh đất thực sự tự do này.
Bài viết được tiến hành không mấy khó khăn vì tất cả chi tiết đều là sự thực và đã có sẵn trong trí óc, chỉ cần nhớ lại và viết ra.Tôi đã hoàn tất bài viết cách nhanh chóng. Nhưng viết xong rồi, tôi lại ngần ngại không muốn gửi đi. Tôi nghĩ cuộc thi này dành cho người Việt trên toàn thế giới, qui mô thật là rộng lớn. Những bài dự thi chắc phải là những bài có tầm cỡ. Bài của mình thuộc loại "tép riu" thì làm sao tránh khỏi bị loại sổ. Nghĩ vậy nên tôi không dám gửi bài đi và tự nhủ hãy chờ xem sao đã. Sau khi đọc một số bài đã được chọn đăng tôi mới thấy mình đã nghĩ sai. Những bài dự thi không "ghê gớm" như tôi tưởng mà chỉ là những cảm nghĩ chân thực được ghi lại bằng lời lẽ đơn sơ, tự nhiên, không cầu kỳ, không bóng bẩy văn hoa. Đọc lại bài của mình, tôi thấy cũng có những tính chất đó. Thế là tôi mạnh dạn gửi bài đến giải thi "Viết Về Nước Mỹ".
Bài gửi đi rồi, tôi bắt đầu chờ đợi. Một tuần rồi hai tuần trôi qua vẫn không thấy bài của tôi xuất hiện. Tôi nghĩ chắc là bị quăng vào sọt rác rồi, biết thế thì đừng gửi làm gì. Nhưng rồi tôi lại hồ nghi hay là bài bị thất lạc, không tới tòa soạn. Nghĩ vậy nên tôi gửi email hỏi thẳng người phụ trách mục này. Trong email trả lời, tôi được biết tòa soạn đã nhận được bài của tôi và còn có một lời khuyên kèm theo "Cần kiên nhẫn chờ". Lời khuyên này cho tôi thấy số lượng bài gửi dư thi không phải là ít và có rất nhiều bài đã đến tòa soạn trước bài của tôi. Sau một thời gian chờ đợi, cuối cùng thì cũng đến lượt bài của tôi xuất hiện trên Việt Báo On line. Tôi cảm thấy vinh hạnh được góp tiếng nói của mình trên diễn đàn dành cho người Việt khắp năm Châu. Lạ thật, cũng là bài viết đó nhưng đọc trên Việt Báo On line tôi thấy hay hơn, dễ thương hơn là khi bài chưa được gửi đi. Tôi nghĩ ai viết bài cũng muốn bài của mình được đăng và người viết sẽ tự tin hơn khi đọc được bài của mình trên báo. Vì vậy nếu tăng số bài được đăng hàng ngày lên nhiều hơn thì chắc chắn số bài viết sẽ gia tăng về lượng cũng như về phẩm.
Xong bài thứ nhất, tôi tiếp tục viết bài thứ hai, thứ ba rồi những bài kế tiếp. Những bài viết này lần lượt được gửi đi và xuất hiện trên Việt Báo On line. Cũng có những bài biến mất và tôi hiểu có lẽ vì chúng còn quá nhiều khuyết điểm. Tôi trở thành người ham đọc từ đó. Tôi theo dõi mục "Viết Về Nước Mỹ" hàng ngày. Tôi đọc hết, không bỏ sót một bài nào trong mục này. Tôi nhận thấy trong mỗi bài đều có cái hay, đều có cái cho tôi học hỏi. Tôi đã rút tỉa được nhiều điều hay, nhất là ở những bài viết của quý vị đã có kinh nghiệm trong nghề cầm bút và những điều này đã giúp tôi không ít trong các bài viết của mình.
Một hôm, từ nơi làm việc, tôi nhận được email của ông B.Đ. Kỳ từ New York. Đọc xong email tôi được biết ông cũng là cựu quân nhân và đang làm việc trong cùng một công ty. Có lẽ vì biết tôi làm cùng công ty, ông đã dò được địa chỉ email của tôi trong công ty và gửi email cho tôi. Ông nói rất thích những bài viết của tôi mà ông đã đọc được trên Việt Báo On line và hỏi xin số điện thoại để nói chuyện. Trong email trả lời tôi đã thỏa mãn lời yêu cầu của ông và chỉ vài ngày sau, chúng tôi đã có một cuộc chuyện trò thân mật. Ít lâu sau tôi nhận được điện thoại từ California của anh Tr. G. Toản trước kia cùng phục vụ một đơn vị tại Nha Trang. Anh bạn nói đã đọc được một số bài viết của tôi trên Việt Báo.
Được người khác đọc và tán thưởng bài của mình, tôi cảm thấy vui vui vì đó là phần thưởng tinh thần, là những khích lệ đáng quý giúp tôi hăng hái ... tiếp tục viết. Bà xã tôi xưa kia cũng là người chịu đọc lắm. Vì vậy có mấy lần viết xong tôi đưa bài cho bả đọc. Chờ mãi tôi không thấy bả nói năng gì tôi phải hỏi bả cho biết ý kiến. Bị yêu cầu cho ý kiến, cô giáo trường Thánh Tâm thuở nào mới nhíu mày suy nghĩ một lát rồi phê cho một câu gọn lỏn "Not too bad". Sau này khi đưa bài cho bà xã đọc và không thấy bả nói gì tôi không hỏi nữa vì tôi biết bài viết của tôi có lẽ đã đạt được ở điểm "Not too bad" rồi.
Khi cuốn "Viết Về Nước Mỹ 2001" được ấn hành, tôi đặt mua mấy cuốn gửi cho thân nhân và bạn bè. Ý của tôi là muốn đóng góp vào việc xây dựng giải thưởng, quảng bá giải thi "Viết Về Nước Mỹ" và cũng muốn "quảng cáo" mình một tí. Chả là trong cuốn sách này tôi có năm bài viết. Thân nhân và bạn bè của tôi ở Mỹ đông lắm. Tôi chỉ gửi sách cho những người mà tôi chắc chắn có thì giờ để đọc hết cuốn sách.
Sau khi đọc xong sách, anh P. D. Anh ở Tucson- Arizona, một người anh họ phía vợ tôi và anh chị cũng là ân nhân của chúng tôi, đã viết thư cho tôi với những lời đầy khích lệ. Ông chú ruột của tôi sau khi đọc, đã tặng lại cuốn sách cho anh chị Lê Văn Thua ở Louisiana vì anh chị cũng là ân nhân của chúng tôi và tên anh chị được nói đến trong bài "Nhân mùa tạ ơn". Ông chú họ ở Costa Mesa, California thì coi những bài viết của tôi như những lời tâm sự và nói nhờ đọc những bài viết của tôi, chú hiểu thêm về cuộc sống của gia đình tôi. Chú có vẻ thích bài "Tại sao chúng tôi có mặt ở Mỹ". Còn anh P. B. Hân ở South Carolina thì nói đùa rằng vợ anh bảo nếu chị ấy là giám khảo thì thế nào cũng cho tôi giải ... an ủi. Thực ra thì trong đợt chung kết giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ 2000-2001" tôi đã có tên trong số 15 tác giả được Việt Báo đề nghị vinh danh và tôi đã nhận được một tấm plaque lưu niệm của The ViệtUSA Foundation và Giải Thưởng Việt Báo cùng với một số tiền thưởng. Tôi coi trọng sự đánh giá đó vì theo tôi, đó là một chứng thực khách quan về những nỗ lực của tôi.


Nhờ đọc được bài viết của tôi trên Việt Báo, chị L. T. Lan, một người chị họ mà đã lâu lắm rồi chúng tôi không biết tin tức của nhau đã gọi điện thoại cho Việt Báo tìm địa chỉ và số phone của tôi. Nhờ vậy chúng tôi đã nối lại liên lạc sau mấy chục năm chị em không gặp nhau. Bài "Người chị họ" tôi viết sau đó phản ảnh trung thực cuộc chuyện trò của chúng tôi
Gần đây sau khi đọc bài "Lấy Chồng Mỹ Không Quên Văn Hóa Việt" của tôi, chị Phạm Ngọc Bích (đúng ra phải gọi là bà nhưng gọi như vậy khó quá mà gọi bằng cô lại càng không được nên theo kiểu người Bắc, tôi gọi là chị), một kỹ sư làm cùng công ty cũng bắt đầu tham gia "Viết Về Nước Mỹ". Chị còn có nhã ý dịch những bài viết của tôi sang tiếng Anh. Khi chị hỏi ý kiến , tôi thích lắm chứ nhưng tôi thấy công việc sẽ đòi hỏi ở chị rất nhiều thời gian và công sức nên cũng ngần ngại. Tuy nhiên chị nói chị cũng bận lắm nhưng chị coi đó như là một công việc tiêu khiển và chị sẽ dịch từ từ. Trước thiện chí của chị tôi đành phải làm phiền chị nhưng cũng thật vui mừng vì sau này, khi các cháu Christina, Alexander. Vincent, Justin ... của tôi lớn lên, chúng sẽ đọc được những bài viết của tôi. Chắc chắn tôi sẽ khuyến khích các cháu của tôi học tiếng Việt để chúng có thể nói và hiểu được ngôn ngữ của ông bà và cha mẹ chúng nhưng đọc được những bài viết của tôi bằng tiếng Việt thì tôi không bao giờ dám mơ ước. Vì vậy mà những bài dịch tiếng Anh sẽ vô cùng hữu ích cho chúng. Qua những bài dịch này, chúng sẽ phần nào hiểu được những gì đã xẩy ra trong quá khứ. Chúng sẽ biết được ông nội, ông ngoại của chúng đã sống như thế nào, đã nghĩ gì và có ước vọng gì. Hiện nay chị đã dịch xong được mấy bài theo lối dịch thoát ý, đọc thấy rất thú vị. Việc làm của chị quả là một công trình quý giá đối với chúng tôi.
Một chị bạn của vợ tôi nói rằng viết lách như vậy đòi hỏi rất nhiều thời gian và đoán chắc là tôi rảnh rỗi lắm. Thực ra tôi không có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Ở Mỹ làm sao mà rảnh được. Ngoài việc đi làm, công việc ở nhà, tôi còn có những hoạt động xã hội và sinh hoạt tôn giáo. Đó là chưa kể thỉnh thoảng còn trổ tài nấu phở hoặc làm món bún giả cầy để con cháu qui tụ lại ăn uống cho "vui cửa vui nhà". Cho nên nếu phải có nhiều thời gian rảnh rỗi mới viết được thì tôi không có. Tôi đã từng thấy những bà Mỹ lợi dụng thời gian ngừng xe vì đèn đỏ để tô lại đôi môi hay chải lại mái tóc hoặc những ông Mỹ lợi dụng thời gian rất ngắn ngủi này mở vội tờ báo để đọc ngấu nghiến được chữ nào hay chữ nấy. Cuộc sống ở Mỹ là như vậy đó. Nó đã dạy cho tôi phải biết tận dụng từng thời gian vụn vặt. Hầu hết những bài viết của tôi được bắt đầu và hoàn tất trong những lúc giải lao giữa những giờ làm việc trong công ty.
Tôi làm việc ba đêm một tuần (đúng ra thì cứ một tuần làm ba đêm rồi một tuần bốn đêm nhưng tôi lấy vacation để nghỉ một đêm vào những tuần làm bốn đêm), mỗi đêm 12 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, tôi được quyền nghỉ giải lao ba lần mỗi lần 20 phút và một lần nghỉ ăn cơm 30 phút. Tôi thường dùng thì giờ nghỉ để viết. Vì vậy trong lúc giải lao tôi không thích ngồi chung với người khác. Tôi thường chọn thời gian giải lao vào lúc vắng người nhất và thường tìm một cái bàn trong góc để có thể ngồi riêng biệt. Mặc cho người khác ăn uống, trò chuyện, tôi cắm cúi viết viết xóa xóa. Có lẽ cũng có người thắc mắc không biết tôi viết gì nhưng rất may là người Mỹ ít khi tò mò và thường không xen vào chuyện của người khác nên chẳng có ai hỏi và dĩ nhiên tôi cũng chẳng cần phải nói với ai.
Khi nghĩ ra đề tài để viết tôi luôn luôn để dành đến ngày đi làm và chờ đến giờ giải lao mới viết. Sau mấy đêm nghỉ liên tiếp, ngày đầu tiên đi làm có nhiều người tỏ ra uể oải, đến đêm cuối thì họ lại thấy mệt mỏi. Bà Nancy, một người co-worker hỏi tôi sao lúc nào bà cũng thấy tôi happy và dường như không bao giờ thấy tôi mệt mỏi. Bà đâu có biết những đêm làm việc nặng nề đối với bà và người khác thì lại là thời gian thoải mái đối với tôi. Đó là thời gian để tôi viết, để tôi nghĩ suy và sống với những suy nghĩ đó. Như vậy thì làm sao mà tôi không happy chứ" Tôi viết rồi đọc lại, thêm bớt rồi tiếp tục viết. Cứ như thế cho đến khi bài được viết xong. Nếu suông sẻ thì hết một hay hai "rotation" (tức là một vòng làm việc ba đêm liền) thì tôi viết xong một bài. Cũng có khi cần đến ba hoặc bốn "rotation". Có bài phải mất nhiều thời giờ hơn mới hoàn tất mà lại không được đăng. Viết xong, tôi thu xếp để có thì giờ đánh máy. Trong lúc đánh máy, tôi lại thêm bớt. Đánh máy xong, tôi đọc lại và nếu cần tôi thay đổi vị trí của câu văn, cũng có khi là cả đoạn. Tôi đưa câu này lên trên, đưa đoạn kia xuống dưới. Đọc đi đọc lại và sửa chữa sao nghe cho êm tai hơn. Vậy mà nhiều khi bài gửi đi rồi tôi vẫn còn nhận ra có những sai sót đáng lẽ không nên có.
Một người bạn nói với tôi rằng viết cho được 4 hay 5 trang giấy đã là khó nhưng viết sao cho có đầu có đuôi, có tình có lý còn khó gấp mấy. Quả đúng như vậy. Ngoại trừ bài đầu tiên tôi viết ngon ơ vì chỉ kể lại những gì chúng tôi đã trải qua trong ngày lên đường và thời gian đầu ở Mỹ. Từ bài thứ hai trở đi, tôi thấy khó hơn, đòi hỏi trí óc phải làm việc nhiều hơn. Dần dần tôi nghiệm ra được rằng cứ chịu khó đọc và chịu khó viết thì càng ngày tôi càng thấy viết dễ hơn. "Văn ôn võ luyện" mà.
Khi mới viết được vài ba bài, tôi cứ sợ sẽ hết đề tài, sợ sẽ không còn gì để viết. Bây giờ thì tôi thấy mình đã quá lo xa. Thực ra có vô số điều để viết, không bao giờ hết được. Những điều đó ở ngay trong cuộc sống hàng ngày, chung quanh mình, ngay trước mắt mình. Chỉ cần để ý quan sát, ghi nhận và chịu khó suy nghĩ một chút thì chẳng sợ hết đề tài.
Lúc mới viết, tôi thường khổ sở về việc thiết lập một dàn bài chi tiết để rồi đến khi viết thì chính cái dàn bài đó lại làm khó mình. Nó cản trở những ý tưởng đang tuôn ra khi tôi viết. Về sau tôi chỉ làm một dàn bài sơ sài hoặc không cần dàn bài nữa. Tôi cứ viết theo dòng tư tưởng đang nảy sinh. Theo sách vở thì phải làm dàn bài trước khi viết để tránh bị lạc đề. Nhưng đó là khi còn đi học hay đi thi kìa. Khi còn đi học tôi đã từng bị ăn trứng ngỗng vì viết lạc đề, còn khi đi thi mà lạc đề thì kể như "đi không rồi lại về không". Nhưng ởÛ đây khác, viết về nước Mỹ thì đề tài là do mình chọn, đầu bài là do mình đặt tên thì đâu có sợ lạc đề. Tôi cứ viết theo dòng suy tư của mình. Khi viết xong rồi, căn cứ vào nội dung, tôi mới đặt tên cho bài viết.
Cũng có khi đang viết thì bị bế tắc, không thể tiếp tục khiến tôi định bỏ dở nhưng rồi một vài ý tưởng bỗng xuất hiện giúp tôi khai thông được bế tắc, bài viết lại được tiếp tục suông sẻ. Những ý tưởng này thường đến bất chợt và cũng đi thật nhanh, nếu không ghi lại kịp thì chúng sẽ biến mất và không làm sao còn tìm lại được nữa. Vì vậy tôi luôn đem theo giấy bút bên người để ghi ngay khi có ý tưởng nào xuất hiện.
Tôi cũng gặp phải trường hợp bài đã viết xong nhưng đọc lên thấy nặng nề mà nguyên nhân là do một vài câu hay một vài đoạn văn mà tôi rất ưng ý. Đúng là "bỏ thì thương mà vương thì tội". Nhưng rồi tôi thấy rõ không có cách gì khác hơn là phải cương quyết cắt bỏ, phải mạnh dạn hy sinh những câu hay đoạn văn đó. Chỉ có vậy thì bài viết mới trở nên nhẹ nhàng, thông suốt được.
Cũng như nhiều người khác, khi viết tôi chọn cho mình một cái tên. Tôi không hiểu vì sao đã chọn tên Hải Triều. Có lẽ sau những năm tháng sống ở vùng biển , gần gũi với cát biển, nước biển, sóng biển, gió biển ... khiến tôi ưa thích tất cả những gì có hơi hứơng với biển cả. Thú thật, khi chọn tên Hải Triều, tôi không hề biết đã có người chọn tên đó.
Mãi sau này do tình cờ tôi mới biết có ít nhất bốn vị lấy tên Hải Triều. Một vị hiện là chủ nhiệm Nguyệt San Việt Nam có trụ sở tòa soạn ở Vancouver, Canada, một vị khác là nhà văn ở New York. Còn hai vị kia một là nhạc sĩ, một là ca sĩ (không biết có phải hai vị này chỉ là một"). Khi chọn một cái tên ngoài tên thật, tôi không có ý nghĩ gì khác ngoài việc không muốn người khác biết tên thật của mình.
Tôi đã quên khuấy đi rằng mỗi khi đăng bài, Việt Báo đều ghi rõ tên thật của người viết. Nhưng như vậy cũng hay, cũng minh bạch. Nếu tôi viết có tệ hay có sai sót gì thì cũng không làm mất mặt, không làm phiền hà các vị Hải Triều đàn anh.
Tính từ khi Việt Báo tổ chức giải thi viết đến nay, tôi đã gửi cho mục này tất cả 24 bài trong đó có 19 bài đã được đăng trên Việt Báo On line. Tôi nghĩ
nếu như Việt Báo không mở rộng cửa để đón nhận những bài viết của tôi và nếu như giải thi "Viết Về Nước Mỹ" không cho tôi một chỗ đứng thì làm gì tôi viết được bằng đó bài. Nhân giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" được hai năm, tôi muốn nói lên lời biết ơn đối với quý vị đã có công sáng lập và bảo trợ giải thi này. Tôi cầu mong Việt Báo trường tồn. Tôi ao ước mục "Viết Về Nước Mỹ" sẽ tồn tại mãi mãi.
Hải Triều

Ý kiến bạn đọc
05/01/201723:59:24
Khách
Bác làm ơn chí cho cháu làm sao gởi bài VVNM. Cháu dùng cái mẫu liên lạc VVNM và đính kèm file.zip nhưng vân không gởi dước. Bài chỉ có 6 trang và hai tấm hình. Xin cám ơn. Dan
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến