Hôm nay,  

Galveston Island: Lễ Hội Mùa Xuân

16/05/200200:00:00(Xem: 192699)
Người viết: PHAN TỊNH TÂM
Bài tham dự số: 2-544-vb60517
Tác giả Phan Tịnh Tâm, sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, đoàn tụ gia đình năm 1993, hiện cư trú và làm việc tại Los Angeles. Trong bài viết sau đây, bà Tâm kể lại một tình bạn đôn hậu hiếm có.
Thấm thoát gia đình tôi định cư ở Mỹ được 7 năm, sáng nay nhìn ra vườn, cây ổi ngoài vườn đã ra hoa.
Ngày ăn mừng tân gia, Kim Phụng cô bạn thân của tôi đã mang cây ổi đến làm quà. Thấy cảnh nhớ người. Cuối cùng rồi hai đứa cũng phải chia tay. Đám cưới con gái xong, Phụng sang Texas. Tôi buồn vì vắng bạn nhưng cũng mừng cho Phụng, bạn tôi đã có nơi nương tựa khi tuổi về chiều.
Người bạn đời hiện nay của Phụng biết Phụng từ lúc Phụng còn nhỏ, mẹ của anh ấy là em kết nghĩa với ba Phụng.
Mùa xuân năm rồi sang thăm bạn, tôi thấy bạn mình trẻ ra, nhìn bạn tôi biết bạn hạnh phúc.
Vợ chồng Phụng được cô em giao đứng bán tiệm Liquor và tiệm cho mướn xe đạp để du khách đạp dạo chơi trên bãi biển, tôi sang thăm Phụng đang lúc đảo Galveston chuẩn bị lễ hội đầu xuân vào giữa tháng ba đêm thứ bảy và đêm chủ nhật, du khách tràn ngập bãi biển vui hội hoa đăng, đoàn xe hoa đang diễn hành, hàng loạt xâu chuỗi đủ màu trên các xe hoa được tung ra hai bên đường tặng du khách, xâu chuỗi mang lại may mắn đầu năm theo tục lệ của dân trên đảo, Phụng để anh Sơn coi tiệm cùng với tôi ra lượm chuỗi, cuối giờ người nào cũng đeo cả chùm xâu chuỗi, riêng phần Phụng cũng ôm được hơn 50 sợi, Phụng tách ra một phần treo trên tủ hàng để dành những ngày sau du khách đến trễ vào mua hàng Phụng tặng lại du khách, ai cũng vui vì có được xâu chuỗi may mắn đầu năm. Nhìn Phụng bán hàng nói giá rành rẽ, tôi phục bạn nhưng Phụng cười rồi kể cho tôi nghe những ngày đầu mới sang bán hàng với anh Sơn, lúc đó Phụng chẳng biết gì, cô em dâu của anh Sơn phụ bán hàng trong thời gian chờ Phụng quen mặt hàng, cô em bán rất giỏi, Phụng cứ ao ước mình chỉ giỏi được phân nữa cô em là đã mừng lắm rồi. Có lần hai bố con du khách vào mướn xe, anh Sơn đang bận lấy xe cho khách, cô con gái chỉ ống Lotion hỏi Phụng giá bao nhiêu, không thấy giá tiền ghi trên bảng giá, Phụng nói đại $2,99, cô bé mừng quá cầm lấy ống Lotion ra nói với Bố:
- Bố ơi, cái này chỉ có $2,99, rẻ quá.
Anh Sơn đang dắt xe nghe thấy vội nói:
- Xin lỗi ông, cái này $5,99, vợ tôi không biết giá.
Sang thăm hai bạn tôi chỉ đem mấy trái ổi ngon nhất của cây ổi Phụng đã tặng tôi hôm ăn tân gia. Nhìn mấy trái ổi, trái nào cũng đủ cành lá, hai đứa nhìn nhau cười và tôi nhớ lại vào năm 1968 hai đứa tôi lên nhà chị Ba của Phụng chơi, trước nhà chị Ba có cây ổi, chị Ba biểu cậu con trai lớn trèo lên cây hái ổi cho hai dì, thằng bé vừa hái được hai trái vất xuống, hai chị em Phụng cùng nhìn trái ổi rồi nhìn nhau:
- Uûa! Trái ổi răng lạ ri.
Phụng cũng nói:
- Trái ổi răng cộc lốc ri hè, thiếu cái chi hè, cu mi hái ổi chi lạ rứa.
Tiếng thằng cu! Thì trái ổi đó chứ hái chi.
Cả ba chị em cùng cười khi chợt hiểu ra trái ổi trông vô duyên vì thiếu cành và lá. Dù ba trợn đến đâu, bản tánh lãng mạn và mơ mộng của cô gái Huế ở Phụng vẫn có. Tôi nhớ ngày còn đi học, hai đứa ra bờ sông Hàn dạo chơi, thấy con đò nhỏ như chiếc lá đang cặp bờ, hai đứa thuê cô lái đò đưa sang bờ An Hải rồi đưa về, những kỷ niệm dễ thương đó cả hai cùng nhớ mãi.
Phụng nói với tôi Tết vừa rồi về Việt Nam, Phụng ra Đà Nẵng có dạo bờ sông Hàn, những cây phượng vĩ, cành phượng vươn ra mặt sông Hàn vẫn còn và vẫn đẹp nhưng những lá đò hai đứa vẫn thường thấy đã không còn, thay vào đó là những chiếc tàu buôn lớn, Phụng đã đi qua đường Quang Trung, hai hàng cây Kiên kiển che mát cả con đường vẫn còn nhưng ngôi nhà số 10 đường Quang Trung nhà của Nguyễn Quang Lang, người tình học trò của Phụng đã không còn.
Phụng và Lang quen nhau vào giữa năm 1966, hai người cùng học ngang lớp nhưng Lang học sinh ngữ Pháp còn Phụng sinh ngữ Anh, ngày thi lục cá nguyệt Lang ngồi đầu bàn, Ái Liên ngồi giữa rồi đến Phụng, cả Lang và Liên đều giỏi toán, chỉ có Phụng kém, làm toán Phụng nhờ Liên chỉ nhưng Liên không chỉ, Lang thấy vậy đẩy Liên ra ngoài dành ngồi giữa vừa làm bài vừa giải cho Phụng làm theo, tình cảm hai người bắt đầu từ đó.
Tôi nhớ năm 1966, mẹ của Phụng đã sắm cho Phụng chiếc xe Honda Dam đỏ để Phụng đi học, ngày đó nữ sinh ở Đà Nẵng chỉ một mình Phụng có, đa phần đi học bằng xe đạp một số ít có xe cady hoặc velo solex, thỉnh thoảng Lang mượn xe của Phụng đi chơi, Phụng giao xe không thắc mắc gì nhưng rồi một ngày cuối tuần, Phụng dắt xe ra sân múc nước giếng rửa sạch sẽ cho bạn mượn, chiều đến một mình buồn Phụng đi bộ ra phố và đã gặp Lang chở cô gái khác trên chiếc xe Honda của mình, chiều tối Lang trả xe Phụng vẫn vui vẻ nhưng rồi thời gian Lang đi học sĩ quan Thủ Đức, Phụng lặng lẽ làm đám cưới với anh Nghĩa. Ngày đó Phụng tâm sự với tôi Phụng không yêu anh Nghĩa bằng Lang nhưng Phụng thật sự tìm thấy hạnh phúc bên chồng. Hạnh phúc ngắn ngủi nhưng đẹp, cho đến bây giờ Phụng vẫn tiếc nhớ những ngày hạnh phúc bên chồng.
Còn phần Lang nghe bạn bè ở Việt Nam nói Lang đi tù cải tạo về rồi một mình vượt biên, hiện tại gia đình Lang đã đoàn tụ và Lang đã là ông chủ của mấy tiệm ăn ở Cali, bạn bè ở Đà Nẵng có bạn đưa địa chỉ của ông già vợ Lang tại Saigon nói Phụng vào Saigon xin địa chỉ của Lang ở Mỹ rồi, về Mỹ nhắn Lang nếu có dịp về Việt Nam ra Đà Nẵng họp bạn cho vui nhưng Phụng đã không kiếm vì Phụng đang sống ở Mỹ nên biết đa phần những người Việt định cư ở Mỹ và nhất là những người ăn nên làm ra tại Mỹ rất ít tình cảm.
Một lần Phụng đang bán hàng, có thanh niên Mỹ cụt chân chống nạng vào tiệm xin tiền, Phụng cho 5 đồng. Anh Sơn từ tiệm Liquor về thấy biểu Phụng có cho thì chỉ cho 1 đồng thôi, mấy người đó đã có tiền trợ cấp, Phụng nói:

- Em không cần biết, nếu anh Nghĩa còn sống anh ấy cũng cụt chân giống chú đó
và mắt Phụng đỏ hoe, anh Sơn phải vội nói:
- Ừ! Thôi anh không nói nữa, em muốn cho bao nhiêu cứ cho, anh hiểu rồi.
Thương chồng đã khuất, về Việt Nam ra Đà Nẵng mãi vui với bạn bè nhưng rồi cách ngày Phụng dành thời gian về thăm mẹ chồng, có lần mãi ba ngày Phụng mới về thăm, mẹ khóc, cô em chồng phải lên tiếng: Chị Sáu còn bà con bạn bè của chị ấy, má phải thông cảm cho chị con.
Nhưng từ đó mỗi lần về Việt Nam ra Đà Nẵng hàng ngày Phụng đều dành thời gian về thăm mẹ, Phụng kể với tôi có lần giữa trưa Phụng về, lặng lẽ đứng ở cửa sổ nhìn vô phòng ăn thấy ông bà cụ đang ăn cơm với một chén rau và một chén tôm thịt kho rim, bà cụ đang gắp tôm cho ông, cả hai đều đã trên 80 tuổi, nhìn thấy hai ông bà săn sóc cho nhau trong gian nhà quạnh quẻ Phụng đã ứa nước mắt, ngày sắp về Mỹ Phụng hỏi má có cần gì không, con biểu hai đứa cháu nội của má lo, nhưng mẹ chỉ trả lời má không cần chi, chỉ mong con về Mỹ mang hai đứa cháu nội của má về đây thăm má là má vui lắm rồi, tiền mẹ con mi cho mấy năm ni má chỉ xài có nữa tờ giấy trăm đô.
Thế là năm sau, trước ngày con gái Phụng vu quy, ba mẹ con dắt díu nhau về, gặp lại cháu bà khóc vì mừng, Phụng nói vui:
- Con dắt cháu của má đi Mỹ giờ hai đứa về đứa mô cũng tròn quay, trắng da dài tóc, con nuôi cháu nội của má vậy đó, má đã bằng lòng chưa.
Đảo Galveston đầu hè trời đã rất nóng, một lần giữa trưa nắng, bốn cha con người Mỹ đen áo quần lem luốt vào tiệm mua lon nước ngọt móc túi chỉ còn 50 cents. Phụng bán nhưng khi thấy ba đứa con của ông ta còn nhỏ quá Phụng còn lấy thêm 2 lon coca mở cửa chạy vội ra cho thêm thì thấy người bố lấy trong túi ra 2 chai không chuẩn bị chia cho 3 em bé và Phụng đã kịp trao cho hai lon nữa.
Nhìn Phụng ôm 2 lon coca chạy lúp xúp ra cửa, anh Sơn cười nói với tôi: Bạn của Tâm là vậy đó, rồi anh kể tôi nghe chuyện anh có ông bạn láng giềng da đen tên là Nangy nhà ở sau tiệm, mỗi ngày Nangy uống ít nhất là 4 chai rượu Thunderbird và chuyên môn mua thiếu nhưng lúc có tiền thì sang hàng khác mua, anh Sơn ghét không bán thiếu, Nangy đứng ngoài parking lot canh me anh bận lấy xe cho khách là chạy vội vào mua thiếu, Phụng bán, anh Sơn biết rày mãi nhưng Phụng chỉ cười, một chai $1.50 Nangy chỉ đưa 1 đồng hoặc $1.25 còn lại xin thiếu, dĩ nhiên Phụng không dám ghi vô sổ nợ vì sợ chồng rầy.
Ở chơi với bạn được 10 ngày, tôi chuẩn bị về lại Cali và nói với hai bạn cố gắng thu xếp về Cali ăn Tết trung thu với gia đình tôi. Tôi kể anh Sơn nghe những ngày hai đứa tôi cùng học chung ở Đà Nẵng, nhà tôi ở trong hẻm nhỏ nên mẹ tôi không buôn bán được, đất vườn rộng, mẹ tôi đào ao thả sen và nuôi cá, bên cạnh ao sen là những luống hoa huệ mẹ tôi trồng để ngày rằm, mồng một mẹ hái hoa sen và hoa huệ bán cho bà con hàng xóm cúng Phật, bố tôi quê Bắc Ninh, mẹ tôi quê ở Minh Hương Hội An, đi làm về lúc nào bố tôi cũng mặc bộ đồ vải nâu, màu áo mà những người đàn ông Bắc Ninh vẫn mặc ở nhà, nhớ quê hương Bắc Ninh trung thu năm nào bố tôi cũng bày cổ trông trăng, mâm cổ mẹ tôi muốn nấu món gì thì nấu nhưng nhất định thì phải có món lươn bung củ chuối và món chè kho tráng miệng, lươn của ao nhà, củ chuối cũng có mấy bụi chuối, nước trồng cạnh ao, tôi và Phụng lo đào củ chuối để mẹ tôi kịp ngâm trước cho ra bớt chất chát, đêm trung thu bố tôi trãi chiếu trước sân, cả nhà quây quần ăn cổ, mâm cổ bày ra với hương thảo quả của chè kho hòa với hương sen và hương hoa huệ thơm ngát, bố tôi và Phụng chỉ ăn độc món lươn bung củ chuối tôi biết gia đình Phụng chỉ ăn loại cá có vãy nên gặp món lươn bung Phụng rất thích.
Sang đất Mỹ tôi cũng cố kiếm mấy bụi chuối nước để trồng chờ Tết trung thu đào củ bung lươn đãi bạn. Anh Sơn hứa với tôi sẽ đưa Phụng về kịp Trung thu vì đảo biển bán hàng chủ yếu nhờ vào khách du lịch, cuối tháng tám dương lịch biển vắng khách hai bạn về Cali thăm con cháu và bạn bè cho đến cuối năm mới về đảo bán hàng lại.
Đêm cuối cùng với Phụng, hai đứa tôi bắt ghế ra balcon ngồi tâm sự, hai bạn có căn condo rất xinh trước mặt biển, mấy chậu lan tím Phụng trồng xếp hàng ở phòng khách đang kết nụ. Phụng hỏi thăm tôi về các bạn học chung khóa Nail, tôi nói với Phụng tháng rồi đi chợ Ái Hoa tôi có gặp Tuyết Lan, Lan là y tá học thêm Nail để có thêm nghề tay trái. Nhắc đến Lan tôi nhớ lúc vào học trường Nail, trong lớp có chị Minh người gầy gò ốm yếu nhưng kể chuyện rất vui, buổi trưa đến giờ ăn Phụng ngồi đối diện cứ hả tròn miệng nghe chị Minh kể chuyện, Lan phải kéo Phụng ra sân nói riêng:
- Phụng nghe bằng tai chứ bộ bằng miệng sao phải há miệng ra, muốn nghe thì ngậm miệng lại ngồi xa xa một tí, bà Minh ho lao đó, hả họng cho lớn rồi lây ho lao cho mau, bộ Phụng là siêu nhân hả"
Phụng nhìn lại thân hình chị Minh rồi bật cười nói:
- Lan đúng là thầy thuốc, nhìn đâu cũng thấy vi trùng.
Trong lớp có thằng Hằng, nhỏ hơn tôi hai tuổi, mới qua Mỹ được vài tháng, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết nhưng mua vé số cào để cào thì lẹ lắm. Thấy chúng tôi cười, Hằng bảo là Hằng có máu mê cờ bạc, ở Saigon Hằng làm đầu nậu số đề ngoài chợ An Đông.
Hai đứa cứ ngồi nhỏ to tâm sự, trăng nước biển đã lên cao, sương muối đã rơi nhiều, tôi hẹn bạn tháng tư sang năm sẽ sang thăm bạn và dự lễ hội Kapa, một lễ hội đặc biệt của dân trên đảo.
Chia tay bạn, tôi thấy lòng mình ấm lại, nhìn hai bạn tôi nói thầm: Phụng ơi, kể từ năm 1972 chồng Phụng hy sinh, nhìn Phụng cô đơn với hai con còn quá nhỏ, Tâm cứ quặn thắt trong lòng, đã 24 năm Phụng mới tìm được hạnh phúc, dầu hạnh phúc muộn, cuộc đời là vô thường, tiền bạc là phù du, Tâm chỉ cầu xin ơn trên cho đôi bạn mãi mãi hạnh phúc bên nhau.
Los Angeles, May 02, 2002.
Phan Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,179
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến