Hôm nay,  

Lá Thư Gởi Bạn Thân Phương Xa

18/03/200200:00:00(Xem: 200338)
Người viết: TRẦN HẠNH DUY THANH
Bài tham dự số: 2-490-vb30312

Trần Hạnh Duy Thanh trẻ tuổi nhất trong số người Viết Về Nước Mỹ: cô chỉ mới 14 tuổi, đang là học sinh trường Quinnby Oak tại San Jose. Trong những bài trước đây, nhân vật của cô nhiều lần là người lớn, có khi là người thành đạt trên đất Mỹ, có khi là chàng Việt kiều về Việt Nam gặp gỡ các cô. Cách viết, cách tưởng tượng của cô bé 14 tuổi rất dễ làm người đọc ngạc nhiên. Bài viết lần này có chút khác khi đề cập tới tâm sự của hai cô học trò lớp 8, lớp 9.

Bạn thân thương mến!

Sao" Cô bạn yêu quý của tôi dạo này khỏe không" Cả mấy tháng trời rồi mà không có tin tức gì của cậu làm tớ… run ghê. Sợ cậu bị "áp lực tâm lý" từ tớ là tới bắt cậu phải viết thư cho tớ thường mỗi tháng mà sinh bệnh thì tớ đây cảm thấy lương tâm mình hơi bị… "thỏa mãn"! Chỉ giỡn một chút thôi chứ nếu mà cậu bệnh thật thì tớ đây đêm không ăn ngày không ngủ được đấy nhé! Chiều hôm nay ra giở thùng thư, thấy được thư của cậu, tớ mừng muốn chết luôn. Nhưng yên tâm đi, tớ chưa bị ngất sỉu đâu vì còn phải ráng giữ "bình tĩnh" để chạy nhanh về nhà mà còn coi thư chớ! Trước khi vào vấn đề chính: "Trả lời thư bạn thân", cho tớ kính gởi lời chúc sức khỏe đến gia đình cậu nhé! Chúc cậu và gia đình luôn hạnh phúc và vui vẻ!

Nghe tớ dặn cậu nè! Mai mốt viết thư cho tớ thì vui lòng viết những chuyện vui riêng một tấm, những chuyện buồn riêng một tấm, chứ nếu như kiểu cậu viết: nhập chung lúc chuyện vui cười bể bụng, lúc chuyện buồn rơi nước mắt như vầy thì e rằng tâm thần, cảm xúc của tớ sau một thời gian sẽ có vấn đề đó!

Các cậu năm nay học lớp 9, còn tớ bên đây vẫn lẽo đẽo theo sau với lớp 8, nghĩ lại mà thấy "tủi thân" ghê. Nhưng về tuổi thì chúng ta vẫn bằng nhau và cũng đã đến lúc sẽ không còn như ngày xưa: "Mày đi đâu tao đi đó" như bóng với hình nữa. Cái bóng hình đó đã không còn nữa khi tớ chọn con đường đi qua xứ Mỹ này, bỏ lại cậu một mình vật lộn với những bài toán khó, những công thức hóa học, những bài toán vật lý, hay với những bài văn sau cách mạng 1945 chán phèo, như bài: " Đêm nay bác không ngủ" để rồi một buổi tối của mấy chục năm sau đêm bác không ngủ đó, chúng cháu cũng không ngủ được vì phải thức đến khuya để học thuộc lòng bài văn viết về bác cho bài kiểm tra văn ngày mai.

Tớ luôn mong cậu hiểu và thông cảm cho tớ. Cậu nhớ không" Chúng ta đã từng cố gắng học và có một ước mơ chung là sẽ thành bác sĩ giỏi để giúp đỡ mọi người. Nhưng bây giờ cậu đã đổi hướng đi của đời mình, cậu sẽ thi vào khối D: Văn, Anh Văn, Toán, để học ngành thuộc ngoại giao, kinh tế. Chứ không vào khối B: Toán, Hóa, Sinh để trở thành bác sĩ như cậu mong ước. Cậu nói: "mặc dù tớ luôn ước mơ trở thành bác sĩ nhưng nhiều khi ước mơ cũng chỉ là ước mơ thôi, khi mình chẳng có thân thế, Gò Công lại không có những giáo viên dạy Sinh giỏi. " Tớ nghĩ cậu đúng, ở Việt Nam bây giờ học bác sĩ khó quá, muốn vào phải có thân thế, phải có tiền bạc. Nếu như tớ có muốn học cũng chưa chắc gì được vì ba tớ là Ngụy, nó mà thấy lý lịch như thế là gác qua một bên liền, kiểu như " Không cần biết mày học giỏi cỡ nào, ba mày Ngụy thì tao cho mày quỵ." Xã hội ấy buồn thật. Nhưng mà thôi, cậu cũng đã có hướng đi chính xác cho tương lai cậu rồi, vậy cũng tốt, tớ mong cậu sẽ luôn giữ vững tay lái cho cuộc đời mình.

Còn thân tớ vẫn còn đang lưỡng lự giữa hai ngả đường. Giờ tớ có hai sự lựa chọn cho tương lai: một là học ngành bác sĩ, hai là học ngành về Nhân văn: nghệ thuật, âm nhạc, văn chương. Thật khó quá! Tớ thích cả hai ngành trong khi trường ra điều kiện: học sinh chỉ được quyền chọn một mà thôi, như vậy cũng tốt vì như vậy mình có thể chú tâm và dồn hết sức lực vào một môn, nhưng cũng chính vì vậy mà làm tớ nhức đầu muốn điên lên đây. Cậu giúp tớ với!

Ở lứa tuổi của mình thì ai cũng có nghĩ đến hạnh phúc sau này của mình. Ý tớ nói là hạnh phúc gia đình. Ai cũng mơ ước có được một gia đình hạnh phúc, vui vẻ, nhất là những người không tìm được hạnh phúc trong hiện tại. Tớ cũng vậy. Tớ nghĩ nếu muốn có được một gia đình hạnh phúc, mình cần có nhiều thời gian dành riêng cho nó, chăm sóc và nuôi dưỡng nó. Nhưng thử nghĩ coi, nếu ra làm bác sĩ rồi, ngoài giờ làm việc quy định, còn có thêm những ca trực, những ca cấp cứu… Còn đủ thời gian đâu mà dành cho gia đình" Còn có đủ thời gian đâu mà chăm sóc, mà vun đắp cho nó" Chồng con ai lo" Vậy thì lập gia đình để làm gì" Cậu thử nghĩ coi, vì bận việc mình không có ở nhà, không ai lo cơm nước, không ai tâm sự, chồng buồn quá, đi… "lang thang trên đường mưa rơi", rồi "mưa" hoài không dứt nên thành
"lũ", và cuối cùng… "thà xa nhau còn hơn, bên nhau hoài, trách chi khi ta đến trong lầm lỡ". Ví dụ như vậy có đúng lắm không" Rồi còn con cái thì sao" Ai chăm sóc, ai dạy dỗ. Tớ thấy xã hội càng văn minh thì càng phức tạp thêm. Con càng lớn thì càng run, nhất là đến độ "tuổi chúng mình". Nào là bồ bịch, hút chích, băng đảng, hỗn hào với cha mẹ, bỏ nhà đi bụi, rượu bia, vân vân và vân vân. Ở Việt Nam dĩ nhiên là có những chuyện đau lòng như vầy nhưng dù sao tớ thấy cũng không
"truyền nhiễm" nhanh bằng bên đây. Nếu không "chữa trị" kịp thời thì "bệnh" sẽ nặng lắm và "hoành hành" khắp nơi. Chỉ cần vài cậu rủ rê, khiêu khích là đủ dính mà khi dính rồi là gỡ không ra như… keo diệt chuột mà mấy ông chạy xe đạp rao bán hàng ngày ở Việt Nam đó. (Tớ thấy sao lạ ghê! Nhiều đứa con ở đây sao cứ muốn chứng tỏ mình là người lớn khi mặt còn "búng sữa"" Khi cha mẹ lo lắng chăm sóc trước mặt bạn bè thì cứ làm mặt khó chịu và ra dáng bất cần, "con lớn rồi mà". Trong khi ở Việt Nam thì con cái dù ở tuổi nào cũng mong được có cha mẹ bên cạnh để chăm sóc, lo lắng, an ủi. Hay như vậy nghĩa là có tánh biết tự lập) Cho nên cái gì cũng nên phòng bệnh hơn là chữa bệnh.

Nhưng nhiều lúc nghĩ lại: tại sao ta không thể hy sinh hạnh phúc của một mình nhưng lại có thể cứu sống được hàng trăm mạng sống khác, như vậy thì chỉ có một người hy sinh nhưng hàng trăm người khác được hạnh phúc, vậy là "lời" quá chừng rồi còn gì" Thiết nghĩ, nếu ai cũng nghĩ đến người khác trước rồi mới đến bản thân mình thì thế gian này sẽ càng ngày càng… gia tăng dân số. Vì những người tưởng như phải "hẹn gặp nhau ở kiếp sau" thì bây giờ lại "Thôi, kiếp này trả nợ luôn cho xong". Vì vậy tớ cảm thấy khâm phục và quý mến những người bác sĩ vô cùng. Và thế là tớ lại quyết định là sẽ theo ngành bác sĩ.

Nhưng đầu óc của tớ lại không cho tớ yên, không để cho tớ rảnh rang, nó cứ cựa quậy và cứ hỏi tớ: "còn ngành kia thì sao đây"" Nào là nghệ thuật, âm nhạc, và văn học, đều có trong đó cả. Mà đó cũng là tất cả những gì tớ yêu thích và luôn mong muốn được đi sâu vào để tìm hiểu, để nghiên cứu. Nhất là âm nhạc và văn học. Với nghề đó sau này khi đi làm mà vẫn có thời gian cho gia đình nữa. Chắc cậu nghĩ tớ thật lộn xộn phải không" Đúng vậy, tớ lộn xộn lắm (mẹ tớ vẫn thường nói: "con nhỏ này lộn xộn quá!" mà!), lúc nhảy qua bên này, lúc lại nhào qua bên này, lúc lại nhào qua bên kia, cuối cùng cũng chưa có được một quyết định vững chắc. Tớ nghĩ thà mình phân tích sự việc hoặc là chỉ bằng lý trí, hoặc là làm thật mau: Ngành này không có cơ hội, không có điều kiện thì qua ngành khác có nhiều hy vọng hơn. Ai biểu tớ lại cứ thích dùng một lượt cả lý trí và con tim làm gì để phải rắc rối. Thôi đừng nói về chuyện đó nữa. Tớ bên đây luôn mong sớm nhận được thư trả lời của cậu trong đó nhớ cho tớ biết cậu nghĩ về chuyện này như thế nào nha! Tớ còn lo đợi đến lúc có thư trả lời của cậu thì tớ đã thành gì đó đó (ai biết được), không chừng thành bà ...cố!

Cậu viết: "Cậu học ở Mỹ chắc sung sướng lắm phải không" Đâu phải bù đầu như bên đây. Ước gì tớ được đi như cậu." Thì như đã từng kể với các cậu, việc học ở đây nhẹ nhàng lắm, không phải mất ăn, mất ngủ, thức khuya, dậy sớm như học như ở Việt Nam.

Chỉ cần làm đầy đủ homework, học thuộc bài, hiểu bài và làm được bài là đạt điểm tốt rồi. Không như ở Việt Nam nào là học chính thức, học bồi dưỡng (mà có mập lên chút nào đâu, càng ngày càng da bọc xương), học phụ đạo, học tăng tiết, học tư ở nhà thầy cô, khổ nhất là những lớp cuối cấp như cậu phải vật lộn với các kỳ thi học sinh giỏi, thi thử, thi học kỳ II, thi tốt nghiệp, thi tuyển vào lớp chuyên. Ở đây nhiều lúc xong bài tớ cảm thấy rảnh quá chẳng có gì làm, thì tớ nghe nhạc, đọc sách, viết truyện, nếu vẫn còn cảm thấy chán thì tớ đi…ngủ. Như vừa rồi được nghỉ cả tuần ở nhà, chẳng có gì làm ngoài việc cứ lập lại chu trình: thức dậy, ăn, đọc sách, nghe nhạc, làm bài, coi TV, ngủ và cứ thế cứ thế, mỗi ngày như mọi ngày. Tớ cứ nghĩ nếu mà chỉ cần nghỉ thêm ba ngày nữa thì tớ có thể chết vì…chán. Nhưng thật ra đâu phải lúc nào cũng vậy, đời cũng có lúc sướng, lúc cực, lúc này lúc khác chứ. Nhiều khi có bài về làm cả buổi không xong vì toàn là chữ khó, phải tra tự điển suốt buổi. Lật muốn mòn cuốn tự điển luôn mà vẫn không tìm được mấy chữ đó, cùng lúc đó là phải học cho bài kiểm tra ngày mai nữa, vậy là tớ đây nổi quạu, thế nên ai chọc một chút là sóng gió nổi lên cuồn cuộn. Cậu cũng biết tánh tớ mà, dễ nổi nóng lắm!

Tớ cũng luôn mong cậu được sang Mỹ để học và có điều kiện hơn, nhất là sức khỏe của cậu không được tốt, cứ nhức đầu và mệt hoài, qua bên đây cậu sẽ thấy thoải mái hơn. Nhưng như cậu cũng nói là không có ai bảo lãnh cậu được. Đâu phải chỉ riêng mình cậu muốn được qua đây, mà còn rất nhiều người khác nữa. Điều đó làm tớ cảm thấy mình thật may mắn và luôn cố gắng hơn để hoàn thành giấc mơ của mình. Nhưng để tớ kể cho cậu nghe một việc này nhé, để xem cậu nghĩ sao"

Vào những ngày mùa hè nóng đổ lửa, ra đường, ngồi trên xe thì có máy lạnh. Vào những đêm mùa đông lạnh buốt, ngồi trên xe có máy sưởi ấm. Đối với những người Việt Nam chúng ta đã từng khổ cực ở Việt Nam thì đây quả là một thiên đường trần gian. Nhưng hãy thử nhìn ra ngoài kính cửa sổ thì thấy những ông già homeless. Họ không có nhà không cửa, không con không cháu, không tiền không của, chỉ có một bộ đồ cũ mèm, bạc phết, một cái ba lô cũ kỹ, và một tấm bảng "Kẻ không nhà, làm ơn cho xin chút tiền" đeo trên cổ đi dọc theo bờ đan ngăn đường hai chiều để xin tiền sống qua ngày. Gặp cảnh đó thì cậu nghĩ sao" Đáng thương quá phải không" Nhưng chỉ có những người còn lòng nhân ái, còn tính người mới lấy tiền ra cho họ vài đồng, nhưng cũng không ít người thờ ơ. Không hiểu bởi vì họ không có tiền lẻ mang theo hay vì họ sợ bị lường gạt bởi những người homeless giả mạo" Nhưng dù cho những người đó có giả mạo hay thật tình nghèo đi nữa thì lòng mình mới là quý hơn cả. Có ai lại nỡ trách mình khi mình cho tiền một người nghèo nhưng lại không biết là người đó là giả mạo đâu" Mọi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng mà lý do hầu hết những người đó không có nhà, không có tiền là vì sao" Bởi vì họ không được học đến nơi đến chốn, nếu có, thì giờ này họ đã ngồi trong văn phòng, hay ít ra cũng có được một căn nhà nho nhỏ để mà ở rồi. Chứ đâu phải lang thang trên những con đường nhự hắt hơi nóng của mủa hè trên 40 độ C, hay những đêm đông lạnh dưới 0 độ âm. Tội lắm. Tớ muốn kể cho cậu nghe như vậy chỉ cho cậu thấy là cậu vẫn còn sung sướng hơn những người đó nhiều lắm rồi. Cậu được cha mẹ lo lắng cho được học dù có phải tốn kém đến đâu đi nữa. Vậy hãy nhìn xuống mà cố gắng lên chứ đừng nhìn lên mà chùn xuống nha! Tớ nghĩ "thiên đường trần gian" hay "địa ngục trần gian" đều là do bản thân ta làm nên cả. Chẳng nên trách ai hay cũng chẳng nên khen ai đã làm cho thế giới này thành địa ngục hay nên thiên đường. Hãy sống đúng với lương tâm của mình, sống trong sự trong sạch, đem lòng từ bi, khoan dung và tha thứ để hòa giải sự thù hận, mang lại sự công bằng và hạnh phúc cho mọi người là mình đã làm nên thiên đường cho chính mình cũng như cho những người xung quanh. Biết rằng khó có thể thực hành hết được những đức tính đó nhưng tại sao ta không tập lần lần, từ một bước một, như một em bé đang tập đi những bước đầu tiên: những bước đi mang ta đến dần với hạnh phúc và bình yên. Rồi từ từ những bước chân đó sẽ vững chãi hơn và cuối cùng ta có thể bước đi vững chắc trên đôi bàn chân của chính mình. Hãy hứa với tớ là không bao giờ bỏ cuộc hay chán nản. Tớ luôn ở đây cho cậu. Có chuyện gì không vui hãy viết thư cho tớ, tớ sẽ giúp cậu như giúp chính bản thân mình.

Thư cũng đã dài rồi, rất tiếc là không có thời gian để viết thêm cho cậu vì phải đi ngủ sớm. Sáng mai là đi học lại bình thường rồi. Ráng giữ gìn sức khỏe để…viết cho tớ. Hẹn thư sau. Chúc cậu luôn vui vẻ thành công trong mọi việc.

Bạn thân mãi

Duy Thanh

P.S Quên nói cho cậu biết, một lý do nữa tại sao tớ sợ làm bác sĩ là vì học bác sĩ phải học về cấu tạo cơ thể con người, cơ thể loài vật. Mà như cậu cũng biết, tớ sợ những con có tấm thân "mềm mại" như "nhung", "mượt mà" như lụa, và "óng ả" như tơ, như mấy con sâu, thằn lằn, nhện sứa… Chỉ nhìn thấy trên hình thôi là tớ đủ nổi da gà rồi, nếu mà cho thí nghiệm, mổ xẻ mấy con đó chắc tớ sẽ xỉu tại chỗ luôn quá!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến