Tác giả Trần Phú Cơ, hiện cư trú tại Houston, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Ông Chủ Của Tôi” kể về công việc đầu tiên ông làm trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Mùa Giáng Sinh đã qua, ngày nghỉ đã hết. Nay bắt đầu một năm mới, ai cũng cầu mong đất nước thanh bình, nhà nhà an vui. Nhưng hiện thời Hoa Kỳ đang có cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, nền kinh tế đang suy thoái, nạn thất nghiệp lên tới 5,8% cao nhất trong 6 năm nay. Những người thất nghiệp đang lo âu, chỉ cầu mong sao kiếm được công việc để nuôi thân và nuôi gia đình, ngoài ra không ước mơ gì hết.
Đây là tâm trạng và hoàn cảnh của tôi cách nay đúng 22 năm, khi gia đình chúng tôi từ bang New York vừa về tới Houston, Texas, đang thất nghiệp. Trong lúc những gia đình Việt nam tại địa phương nô nức đi mua sắm để mừng Tết, thì tôi đang chạy đôn chạy đáo để xin việc qua tin tức báo chí, vì gia đình chúng tôi vừa mới tới không quen biết ai, chẳng khác nào như di dân lần thứ hai tại xứ lạ này. Đồng thời, hằng tuần tôi phải đến Sở công việc (TEC: Texas Employment Commission) khai báo để lãnh tiền thất nghiệp $77.00/ tuần, tuy số tiền ít nhưng cũng rất cần thiết đối với gia đình tôi.
Như danh xưng Sở Công việc có nhiệm vụ tìm công việc cho những người thất nghiệp, nhưng không mấy kết quả, vì nhiều yếu tố và nguyên do, như công việc không thích hợp, nơi chốn xa xôi, trở ngại chuyển vận và nhất là chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp có phần dễ dãi, có thể kéo dài trên cả năm.
Hôm đó ngày thứ năm cận Tết, có cặp vợ chồng người bạn đến thăm chúng tôi tại một chung cư ở đường Nasa Road 1, biếu hộp trà và gói mứt, chúng tôi nhận lấy mà lòng chua xót. Trong lúc chuyện trò, nhân biết tôi đang thất nghiệp, chị vợ liền bảo, trên đường từ nhà ở Pasadena đến đây, chị ta có thấy đâu đó một bảng quảng cáo của hãng Phillips 66 cần người làm việc ở kho hàng. Tôi hết sức ngạc nhiên vì tôi đã từng đi xin việc ở các hãng sở dọc hai bên đường 225 vùng Pasadena, từ hãng lốp xe Good Year đến hãng Air Products, hãng Shell, hãng Dupont và nhiều cơ sở nhỏ khác, nhưng tuyệt nhiên tôi không biết hãng Phillips 66 nằm ở đâu cả và cũng không hề thấy bản quảng cáo cần người như chị bạn đã mách bảo. Đêm đó tôi ngủ không yên, sáng thức dậy sớm. Hôm ấy là ngày Thứ Sáu. Thông thường ngày này và ngày thứ hai, ít ai đi xin việc, vì nhân viên mỏi mệt và làm việc uể oải nên dễ cáu kỉnh, khó tính. Vẫn biết như vậy, nhưng tôi sợ chậm chân, không còn chỗ trống, nên vẫn cứ đi.
Nhờ hỏi dò la trước, tôi biết hãng Phillips 66 này nằm ở đường Jefferson, sát bờ sông Houston Channel. Một đầu đường Jefferson đụng đường 225 thành góc chữ T. Bởi vậy, nếu không chú ý thì không thể tìm ra được. Đến nơi, điều ngạc nhiên đầu tiên là khi vừa bước vào văn phòng, thấy tờ cáo thị dán ngay trước cửa, ghi "Chỉ nhận đơn xin việc vào ngày thứ sáu mà thôi" (Job application on Friday only). Dưới chữ Friday còn có gạch đít để những người đến xin việc vào những ngày khác lưu ý. Điều tôi phân vân bấy lâu, không nên đi xin việc vào ngày thứ hai và thứ sáu không đúng đối với hãng Phillips 66 này. Và bây giờ tôi cảm thấy may mắn vì đến điền đơn nhằm ngày, còn vấn đề được hay không thì chưa biết.
Tôi điền đơn xin việc không để sót một mục nào như lời chỉ dẫn, ngay cả mục chú thích (comments) ở cuối tờ đơn. Ở mục công việc cần xin, tôi đề "Công việc gì cũng được" (any job), nơi mục lương, tôi đề "mấy cũng được" (open). Ngoài ra ở mục chú thích (comment) tôi ghi "tôi già và không chuyên môn, chấp nhận công việc dầu thấp hèn" (I am old and unskilled, agreeing to any offer, even menial jobs). Điền đơn xong, tôi đem nộp cho văn phòng, họ nhận đơn rồi bảo tôi ra về, khi nào cần họ sẽ gọi điện thoại, hay gởi thư thông báo cho tôi đến để được phỏng vấn.
Tôi bước ra khỏi phòng với nhiều hy vọng.
Hôm ấy cũng là ngày làm việc cuối tuần lễ, tôi bắt buộc phải ghé qua sở công việc (TEC) nộp giấy tờ chứng minh tôi có đi xin việc trong tuần, trong đó phải có chữ ký của các đại diện hãng sở mà tôi đã có đến tận nơi xin việc nhưng không được chấp nhận, như thế tôi mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp tuần lễ kế tiếp.
Thời gian đi xin việc, tôi lái xe ngoài đường suốt ngày, khi ghé lại sở này, khi tấp vào hãng nọ. Tôi ăn uống thất thường tại mấy quán ăn fast food. Chán ơi là chán. Tôi lang thang hết quán Mc Donald này đến Burger King nọ, có khi ngồi lì không muốn đứng dậy, đầu óc nặng trĩu với nhiều lo âu và chua xót, vì đây là thời gian tôi thất nghiệp lâu nhất trong gần 5 năm qua và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấm thía nổi gian truân về mưu sinh khi sống ở xứ lạ quê người. Mỗi khi về đến nhà, tôi vội vàng xem thư tín, mong nhận được thư của bất cứ hãng sở nào gọi đến phỏng vấn. Cả mấy tuần lễ nay, không được một tin mừng nào, tôi hết sức thất vọng.
Ngày thứ sáu kế tiếp, tôi trở lại hãng Phillips 66 điền đơn xin việc không sai chạy một chữ như đơn xin việc lần trước, tôi ghé qua sở công việc để nộp giấy tờ hàng tuần về trợ cấp thất nghiệp. Xong, trở về nhà, đầu tuần lễ tới phải tới xin tiếp, ngày ngày sáng đi chiều về cũng chẳng khác nào như đi làm việc toàn thời gian vậy. Có khác chăng là người ta sau một ngày làm việc, khi trở về nhà đầu óc thảnh thơi thoải mái, còn tôi thì lại lo âu phiền muộn.
Hôm đó tôi chở con tôi đến trường vì có giờ học đặc biệt, khi bước xuống xe, con gái út của chúng tôi cho tôi hay rằng, ngày hôm qua khi nó đi học về có nghe điện thoại của một ông Mỹ bảo tôi hôm nay lúc 10 giờ đến văn phòng gặp ông ta. Nó xin lỗi vì quên, nay mới báo. Tôi nghĩ ngay đến mấy ông Mỹ ở sở công việc vì tôi thường liên lạc với cơ quan này nhất. Đến nơi vì chưa tới giờ, tôi ngồi đợi vì nghĩ rằng có hẹn, chứ không sắp hàng như những lần trước. Đã qua 10 giờ nhưng chưa thấy gọi tên, tôi bèn gõ cửa và vào thẳng văn phòng của vị chủ sự, trình bày sự việc. Ông ta trả lời là không có hẹn với tôi sáng nay và đồng thời cũng hỏi quanh nhân viên thuộc quyền, ai cũng trả lời không hề hẹn gặp tôi. Ông chủ sự liền hỏi tôi có nhớ tên và số điện thoại của người gọi không, để ông ta có thể giúp tôi. Nghe vậy, tôi như người ngủ mê mới tỉnh, khờ ngốc chi lạ, điều căn bản tối thiểu này khi có hẹn mà cũng không biết, vì đầu óc tôi mấy hôm rày quá căng thẳng và lộn xộn, nhớ đó, rồi quên ngay và làm công việc gì cũng nửa vời.
Sau khi xin lỗi ông chủ sự TEC, tôi vội vã trở lại trường tìm con gái chúng tôi và hỏi lại tên, sở và số điện thoại của người gọi hôm qua. Nó trả lời không nhớ. Điều này tôi không trách nó được vì nó quá nhỏ, mới 7 tuổi. Ngay cả người lớn như tôi, khi nghe các tên riêng về người và hãng sở, tôi cũng không hiểu được, mà phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới có thể thông suốt. Biết vậy, nên tôi cố hỏi tiếp, con có nhớ số điện thoại không, vì nếu biết số điện thoại thì có thể hiểu rõ tất cả vấn đề. Con tôi đáp, cũng không nhớ. Tôi thất vọng đứng im, bỗng con gái tôi nói nhỏ nhẹ "Số điện thoại con có biên ở bao giấy đi chợ để ở bàn ăn" tôi tỉnh hẳn, mắt sáng lên, nắm tay con gái tôi, lắc nhẹ và cám ơn, rồi vụt chạy về nhà. Tôi tìm kiếm trên bàn ăn và khắp phòng cũng không thấy bao giấy đi chợ như con gái tôi đã nói. Buồn bã và chán nản, sẵn dịp tôi dọn dẹp bàn ăn một cách uể oải. Tôi mở nắp thùng rác để đổ đồ dơ vào, bỗng mắt tôi sáng lên khi bắt gặp bao rác đi chợ có số điện thoại của con tôi ghi nằm trong đó.
Tôi như cái máy, chụp ngay bao giấy, đi lại nhấc điện thoại, vừa nhìn và vừa bấm số ghi trên đó. Trong lúc chuông reo, tôi hết sức hồi hộp, chẳng khác nào như đang tham dự một cuộc xổ số, may mắn hay thất vọng không biết trước được, vì số điện thoại kia không biết của hãng sở nào, có hãng lớn có hãng nhỏ, có công việc thích có công việc không thích. Trong lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì ở bên kia đường dây có tiếng Allo của một người và xưng tên. Tôi nghe tiếng lạ hoắc, không biết là ai vì không nắm vững tên riêng. Tôi hỏi lại "Ông có phải là người của hãng Phillips 66 không"" Ông đáp phải.
Tôi chỉ mong đợi có thế. Tôi nói "Xin lỗi ông, sáng nay quý ông có hẹn gặp mặt tôi lúc 10 giờ, nhưng tôi đi lạc đường" vì lúc đó đã quá giờ hẹn, gần 11 giờ. Tôi chống chế bằng cách nói dối, tôi rất hổ thẹn, lại nữa lời nói dối quá sơ hở, vì tôi đã đến hãng này hai lần rồi, làm sao có thể lạc đường được. Nhưng đã lỡ lời rồi, không rút lại được. Tôi tự bảo mình quá ngu xuẩn, tại sao tôi không nói đi đường gặp trở ngại, chẳng hạn như bị kẹt đường hoặc xe hư bất thần, có phải là hợp lý không. Nhưng ông Mỹ nói rất ôn tồn, không hề gì, đó là sự thường. Có lẽ ông đã biết tôi từ bang New York mới tới nên chưa thông thạo đường xá vùng Houston chăng" Rồi ông hỏi tiếp, hiện tôi đang ở đâu" Tôi thành thật trả lời hiện tôi đang ở tại một chung cư, đường Nasa Road 1. Ông bảo tôi hãy lấy bút để ghi trong lúc ông chỉ đường, căn dặn tôi phải đi bằng đường chính, ra 45 North, hướng Downtown, đến 610 quẹo phải đi East sẽ gặp 225 East, hướng La Porte. Đi chừng 6 miles sẽ gặp và ra Exit Bearle, quẹo trái chui dưới xa lộ, tức là đầu đường Jefferson, sẽ dẫn tới hãng Phillips 66. Tôi nghĩ mình đã lỡ nói dối rồi nên chỉ còn cách im lặng nói Yes, sir. Yes, sir. Để trấn an, ông nói thêm, ông đang đợi tôi ở văn phòng, vì chính ông là chủ sự nhân viên (Personnel Director). Nghe vậy, trống ngực tôi đánh thình thịch, cũng may là trong cuộc điện đàm vừa rồi, tôi tuy ăn nói không mấy lễ phép, nhưng cũng không có điều gì thất thố.
Tôi cám ơn, gác điện thoại.
Tôi đến hãng Phillips 66 bằng đường Red Bluff, là con đường tôi từng đi từ chỗ tôi ở đến Pasadena ngắn và nhanh hơn mặc dầu có nhiều đèn xanh đèn đỏ, chứ không đi xa lộ như đã được chỉ dẫn. Vì tuy đi đường chính thông suốt nhưng dài hơn cả 8 miles. Đến nơi gần 12 giờ trưa, tôi vội vã ghi danh. Thấy tên tôi, nhân viên tiếp khách dẫn tôi đến trình diện ông chủ sự nhân viên ngay. Tôi rất hồi hộp và thẹn thùng khi đối diện, nhưng ông đã tiếp tôi một cách tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thấy vậy, tôi an tâm, nhìn thẳng mặt và cám ơn ông đã chỉ đường cho tôi đến đây. Vẫn như trước, ông nói không có chi với cử chỉ lịch thiệp. Dáng người ông mảnh khảnh và đôi mắt rất tinh anh, khoảng trên dưới 60 tuổi.