Hôm nay,  

Tôi Đi Xin Việc

04/02/200200:00:00(Xem: 285134)
Bài tham dự số: 2-459-vb80127

Tác giả Trần Phú Cơ, hiện cư trú tại Houston, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Ông Chủ Của Tôi” kể về công việc đầu tiên ông làm trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.


Mùa Giáng Sinh đã qua, ngày nghỉ đã hết. Nay bắt đầu một năm mới, ai cũng cầu mong đất nước thanh bình, nhà nhà an vui. Nhưng hiện thời Hoa Kỳ đang có cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, nền kinh tế đang suy thoái, nạn thất nghiệp lên tới 5,8% cao nhất trong 6 năm nay. Những người thất nghiệp đang lo âu, chỉ cầu mong sao kiếm được công việc để nuôi thân và nuôi gia đình, ngoài ra không ước mơ gì hết.
Đây là tâm trạng và hoàn cảnh của tôi cách nay đúng 22 năm, khi gia đình chúng tôi từ bang New York vừa về tới Houston, Texas, đang thất nghiệp. Trong lúc những gia đình Việt nam tại địa phương nô nức đi mua sắm để mừng Tết, thì tôi đang chạy đôn chạy đáo để xin việc qua tin tức báo chí, vì gia đình chúng tôi vừa mới tới không quen biết ai, chẳng khác nào như di dân lần thứ hai tại xứ lạ này. Đồng thời, hằng tuần tôi phải đến Sở công việc (TEC: Texas Employment Commission) khai báo để lãnh tiền thất nghiệp $77.00/ tuần, tuy số tiền ít nhưng cũng rất cần thiết đối với gia đình tôi.
Như danh xưng Sở Công việc có nhiệm vụ tìm công việc cho những người thất nghiệp, nhưng không mấy kết quả, vì nhiều yếu tố và nguyên do, như công việc không thích hợp, nơi chốn xa xôi, trở ngại chuyển vận và nhất là chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp có phần dễ dãi, có thể kéo dài trên cả năm.
Hôm đó ngày thứ năm cận Tết, có cặp vợ chồng người bạn đến thăm chúng tôi tại một chung cư ở đường Nasa Road 1, biếu hộp trà và gói mứt, chúng tôi nhận lấy mà lòng chua xót. Trong lúc chuyện trò, nhân biết tôi đang thất nghiệp, chị vợ liền bảo, trên đường từ nhà ở Pasadena đến đây, chị ta có thấy đâu đó một bảng quảng cáo của hãng Phillips 66 cần người làm việc ở kho hàng. Tôi hết sức ngạc nhiên vì tôi đã từng đi xin việc ở các hãng sở dọc hai bên đường 225 vùng Pasadena, từ hãng lốp xe Good Year đến hãng Air Products, hãng Shell, hãng Dupont và nhiều cơ sở nhỏ khác, nhưng tuyệt nhiên tôi không biết hãng Phillips 66 nằm ở đâu cả và cũng không hề thấy bản quảng cáo cần người như chị bạn đã mách bảo. Đêm đó tôi ngủ không yên, sáng thức dậy sớm. Hôm ấy là ngày Thứ Sáu. Thông thường ngày này và ngày thứ hai, ít ai đi xin việc, vì nhân viên mỏi mệt và làm việc uể oải nên dễ cáu kỉnh, khó tính. Vẫn biết như vậy, nhưng tôi sợ chậm chân, không còn chỗ trống, nên vẫn cứ đi.
Nhờ hỏi dò la trước, tôi biết hãng Phillips 66 này nằm ở đường Jefferson, sát bờ sông Houston Channel. Một đầu đường Jefferson đụng đường 225 thành góc chữ T. Bởi vậy, nếu không chú ý thì không thể tìm ra được. Đến nơi, điều ngạc nhiên đầu tiên là khi vừa bước vào văn phòng, thấy tờ cáo thị dán ngay trước cửa, ghi "Chỉ nhận đơn xin việc vào ngày thứ sáu mà thôi" (Job application on Friday only). Dưới chữ Friday còn có gạch đít để những người đến xin việc vào những ngày khác lưu ý. Điều tôi phân vân bấy lâu, không nên đi xin việc vào ngày thứ hai và thứ sáu không đúng đối với hãng Phillips 66 này. Và bây giờ tôi cảm thấy may mắn vì đến điền đơn nhằm ngày, còn vấn đề được hay không thì chưa biết.
Tôi điền đơn xin việc không để sót một mục nào như lời chỉ dẫn, ngay cả mục chú thích (comments) ở cuối tờ đơn. Ở mục công việc cần xin, tôi đề "Công việc gì cũng được" (any job), nơi mục lương, tôi đề "mấy cũng được" (open). Ngoài ra ở mục chú thích (comment) tôi ghi "tôi già và không chuyên môn, chấp nhận công việc dầu thấp hèn" (I am old and unskilled, agreeing to any offer, even menial jobs). Điền đơn xong, tôi đem nộp cho văn phòng, họ nhận đơn rồi bảo tôi ra về, khi nào cần họ sẽ gọi điện thoại, hay gởi thư thông báo cho tôi đến để được phỏng vấn.
Tôi bước ra khỏi phòng với nhiều hy vọng.
Hôm ấy cũng là ngày làm việc cuối tuần lễ, tôi bắt buộc phải ghé qua sở công việc (TEC) nộp giấy tờ chứng minh tôi có đi xin việc trong tuần, trong đó phải có chữ ký của các đại diện hãng sở mà tôi đã có đến tận nơi xin việc nhưng không được chấp nhận, như thế tôi mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp tuần lễ kế tiếp.
Thời gian đi xin việc, tôi lái xe ngoài đường suốt ngày, khi ghé lại sở này, khi tấp vào hãng nọ. Tôi ăn uống thất thường tại mấy quán ăn fast food. Chán ơi là chán. Tôi lang thang hết quán Mc Donald này đến Burger King nọ, có khi ngồi lì không muốn đứng dậy, đầu óc nặng trĩu với nhiều lo âu và chua xót, vì đây là thời gian tôi thất nghiệp lâu nhất trong gần 5 năm qua và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấm thía nổi gian truân về mưu sinh khi sống ở xứ lạ quê người. Mỗi khi về đến nhà, tôi vội vàng xem thư tín, mong nhận được thư của bất cứ hãng sở nào gọi đến phỏng vấn. Cả mấy tuần lễ nay, không được một tin mừng nào, tôi hết sức thất vọng.
Ngày thứ sáu kế tiếp, tôi trở lại hãng Phillips 66 điền đơn xin việc không sai chạy một chữ như đơn xin việc lần trước, tôi ghé qua sở công việc để nộp giấy tờ hàng tuần về trợ cấp thất nghiệp. Xong, trở về nhà, đầu tuần lễ tới phải tới xin tiếp, ngày ngày sáng đi chiều về cũng chẳng khác nào như đi làm việc toàn thời gian vậy. Có khác chăng là người ta sau một ngày làm việc, khi trở về nhà đầu óc thảnh thơi thoải mái, còn tôi thì lại lo âu phiền muộn.
Hôm đó tôi chở con tôi đến trường vì có giờ học đặc biệt, khi bước xuống xe, con gái út của chúng tôi cho tôi hay rằng, ngày hôm qua khi nó đi học về có nghe điện thoại của một ông Mỹ bảo tôi hôm nay lúc 10 giờ đến văn phòng gặp ông ta. Nó xin lỗi vì quên, nay mới báo. Tôi nghĩ ngay đến mấy ông Mỹ ở sở công việc vì tôi thường liên lạc với cơ quan này nhất. Đến nơi vì chưa tới giờ, tôi ngồi đợi vì nghĩ rằng có hẹn, chứ không sắp hàng như những lần trước. Đã qua 10 giờ nhưng chưa thấy gọi tên, tôi bèn gõ cửa và vào thẳng văn phòng của vị chủ sự, trình bày sự việc. Ông ta trả lời là không có hẹn với tôi sáng nay và đồng thời cũng hỏi quanh nhân viên thuộc quyền, ai cũng trả lời không hề hẹn gặp tôi. Ông chủ sự liền hỏi tôi có nhớ tên và số điện thoại của người gọi không, để ông ta có thể giúp tôi. Nghe vậy, tôi như người ngủ mê mới tỉnh, khờ ngốc chi lạ, điều căn bản tối thiểu này khi có hẹn mà cũng không biết, vì đầu óc tôi mấy hôm rày quá căng thẳng và lộn xộn, nhớ đó, rồi quên ngay và làm công việc gì cũng nửa vời.
Sau khi xin lỗi ông chủ sự TEC, tôi vội vã trở lại trường tìm con gái chúng tôi và hỏi lại tên, sở và số điện thoại của người gọi hôm qua. Nó trả lời không nhớ. Điều này tôi không trách nó được vì nó quá nhỏ, mới 7 tuổi. Ngay cả người lớn như tôi, khi nghe các tên riêng về người và hãng sở, tôi cũng không hiểu được, mà phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mới có thể thông suốt. Biết vậy, nên tôi cố hỏi tiếp, con có nhớ số điện thoại không, vì nếu biết số điện thoại thì có thể hiểu rõ tất cả vấn đề. Con tôi đáp, cũng không nhớ. Tôi thất vọng đứng im, bỗng con gái tôi nói nhỏ nhẹ "Số điện thoại con có biên ở bao giấy đi chợ để ở bàn ăn" tôi tỉnh hẳn, mắt sáng lên, nắm tay con gái tôi, lắc nhẹ và cám ơn, rồi vụt chạy về nhà. Tôi tìm kiếm trên bàn ăn và khắp phòng cũng không thấy bao giấy đi chợ như con gái tôi đã nói. Buồn bã và chán nản, sẵn dịp tôi dọn dẹp bàn ăn một cách uể oải. Tôi mở nắp thùng rác để đổ đồ dơ vào, bỗng mắt tôi sáng lên khi bắt gặp bao rác đi chợ có số điện thoại của con tôi ghi nằm trong đó.
Tôi như cái máy, chụp ngay bao giấy, đi lại nhấc điện thoại, vừa nhìn và vừa bấm số ghi trên đó. Trong lúc chuông reo, tôi hết sức hồi hộp, chẳng khác nào như đang tham dự một cuộc xổ số, may mắn hay thất vọng không biết trước được, vì số điện thoại kia không biết của hãng sở nào, có hãng lớn có hãng nhỏ, có công việc thích có công việc không thích. Trong lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì ở bên kia đường dây có tiếng Allo của một người và xưng tên. Tôi nghe tiếng lạ hoắc, không biết là ai vì không nắm vững tên riêng. Tôi hỏi lại "Ông có phải là người của hãng Phillips 66 không"" Ông đáp phải.
Tôi chỉ mong đợi có thế. Tôi nói "Xin lỗi ông, sáng nay quý ông có hẹn gặp mặt tôi lúc 10 giờ, nhưng tôi đi lạc đường" vì lúc đó đã quá giờ hẹn, gần 11 giờ. Tôi chống chế bằng cách nói dối, tôi rất hổ thẹn, lại nữa lời nói dối quá sơ hở, vì tôi đã đến hãng này hai lần rồi, làm sao có thể lạc đường được. Nhưng đã lỡ lời rồi, không rút lại được. Tôi tự bảo mình quá ngu xuẩn, tại sao tôi không nói đi đường gặp trở ngại, chẳng hạn như bị kẹt đường hoặc xe hư bất thần, có phải là hợp lý không. Nhưng ông Mỹ nói rất ôn tồn, không hề gì, đó là sự thường. Có lẽ ông đã biết tôi từ bang New York mới tới nên chưa thông thạo đường xá vùng Houston chăng" Rồi ông hỏi tiếp, hiện tôi đang ở đâu" Tôi thành thật trả lời hiện tôi đang ở tại một chung cư, đường Nasa Road 1. Ông bảo tôi hãy lấy bút để ghi trong lúc ông chỉ đường, căn dặn tôi phải đi bằng đường chính, ra 45 North, hướng Downtown, đến 610 quẹo phải đi East sẽ gặp 225 East, hướng La Porte. Đi chừng 6 miles sẽ gặp và ra Exit Bearle, quẹo trái chui dưới xa lộ, tức là đầu đường Jefferson, sẽ dẫn tới hãng Phillips 66. Tôi nghĩ mình đã lỡ nói dối rồi nên chỉ còn cách im lặng nói Yes, sir. Yes, sir. Để trấn an, ông nói thêm, ông đang đợi tôi ở văn phòng, vì chính ông là chủ sự nhân viên (Personnel Director). Nghe vậy, trống ngực tôi đánh thình thịch, cũng may là trong cuộc điện đàm vừa rồi, tôi tuy ăn nói không mấy lễ phép, nhưng cũng không có điều gì thất thố.
Tôi cám ơn, gác điện thoại.
Tôi đến hãng Phillips 66 bằng đường Red Bluff, là con đường tôi từng đi từ chỗ tôi ở đến Pasadena ngắn và nhanh hơn mặc dầu có nhiều đèn xanh đèn đỏ, chứ không đi xa lộ như đã được chỉ dẫn. Vì tuy đi đường chính thông suốt nhưng dài hơn cả 8 miles. Đến nơi gần 12 giờ trưa, tôi vội vã ghi danh. Thấy tên tôi, nhân viên tiếp khách dẫn tôi đến trình diện ông chủ sự nhân viên ngay. Tôi rất hồi hộp và thẹn thùng khi đối diện, nhưng ông đã tiếp tôi một cách tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Thấy vậy, tôi an tâm, nhìn thẳng mặt và cám ơn ông đã chỉ đường cho tôi đến đây. Vẫn như trước, ông nói không có chi với cử chỉ lịch thiệp. Dáng người ông mảnh khảnh và đôi mắt rất tinh anh, khoảng trên dưới 60 tuổi.


Xong phần xã giao, ông ta bắt đầu nói, còn tôi chỉ ngồi nghe, thỉnh thoảng đáp lại yes, sir hoặc trả lời rất ngắn. Ông bảo rằng, ông biết tôi từ bang New York mới tới nộp đơn xin việc hai lần. Ông hỏi tôi có biết vì sao tôi được gọi đến đây phỏng vấn không" Tôi trả lời, không rõ. Ông tiếp, vì mấy hàng chữ tôi ghi ở phần chú thích (comment) làm cho ông ta chú ý trong số hàng ngàn đơn xin việc. Tôi tròn xoe con mắt. Đoán rằng tôi không tin, ông bảo tôi hãy đứng lên nhìn những đống hồ sơ trong phòng và sau bàn giấy của ông. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi thank you luôn mồm vì tôi là kẻ may mắn trong số hàng ngàn người này.
Giờ đây tôi cố nhớ lại những gì tôi đã viết ở mục chú thích mà đã làm cho ông chú ý khi ông nói: "Your comments impressed me" để tôi có thể trả lời cho đúng, hầu tránh tình trạng tiền hậu bất nhất. Nếu sai chạy thì cuộc phỏng vấn hôm nay kể như thất bại. Nhưng ông chủ sự nhân viên không đá động gì đến công việc cả, mà chỉ hỏi tôi về gia cảnh và lúc ở Việt Nam tôi làm gì. Tôi nhất nhất trả lời và nghĩ rằng ông ta chẳng qua muốn kéo dài câu chuyện, vì những điều nầy tôi đã ghi rõ trong đơn xin việc. Sau đó ông ta nói về thời sự liên quan đến vấn đề thuyền nhân và muốn biết gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ bằng cách nào và hồi nào. Tôi tóm lược câu chuyện trong lúc ông ta có vẻ chăm chú nghe. Rồi tôi kết luận, rằng gia đình chúng tôi rất may mắn. Biết bao nhiêu những gia đình khác liều chết ra đi nhưng không đến được bờ tự do, bỏ thây ngoài biển cả vì thời tiết, vì lạc đường hay bị hải tặc cướp của giết người. Còn những quân cán chính thuộc chế độ cộng hòa cũ, trong đó có nhiều bà con, bạn bè của tôi không may mắn bị kẹt lại, nay đang sống trong những trại tù cộng sản hoặc bị lưu đày đến những vùng rừng thiêng nước độc, mà chế độ cộng sản đương thời gọi là trại cải tạo hay vùng kinh tế mới.
Cuối cùng, ông chủ sự nhân viên cho biết ông là một cựu quân nhân, rất thông cảm hoàn cảnh của tôi nói riêng và của đồng bào tỵ nạn Việt Nam nói chung. Và ông mong tôi có đời sống tốt đẹp tại xứ sở này. Ông còn nói, hiện thời cũng có ba người Việt Nam đang làm việc tại nhà máy này.
Cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi ông trao cho tôi một tập hồ sơ dày cộm, dặn tôi cố gắng điền đầy đủ tất cả giấy tờ, sáng thứ ba đem nộp và nhận việc luôn. Điều này có vẻ khác lạ, tại sao không trình diện vào sáng thứ hai đầu tuần.
Sau này khi làm việc tôi mới hiểu. Công nhân làm việc tại nhà máy chia làm 3 ca theo thứ tự: chiều, ngày, đêm. Mỗi ca làm việc tám tiếng đồng hồ, ba ca làm việc liên tục trong 24 giờ của một ngày. Ca chiều từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, ca ngày từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, ca đêm từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Ca chiều là ca đầu tiên của một chu kỳ 4 tuần lễ, luôn luôn khởi sự vào 3 giờ chiều ngày thứ ba. Làm việc hết 3 ca, chiều, ngày, đêm, cộng với các ngày nghỉ, bất chấp là ngày gì trong tuần, thì giáp một chu kỳ.
Tôi hết sức mừng rỡ, đứng dậy chào trước khi ra về, nhưng ông chủ sự nhân viên vội ngăn lại và hỏi tôi rằng, tại sao tôi không hỏi tiền lương bao nhiêu" Tôi thành thật trả lời bao nhiêu cũng được, như tôi đã ghi ở mục Wage là "open". Ông ta vội nói $9.50/giờ có được không" tôi tưởng mình nghe nhầm, vì tôi chỉ mong tìm được việc làm với lương từ $6.00 đến $7.00/giờ lá khá lắm rồi, nên ngơ ngác chưa kịp trả lời thì ông ta nhắc lại. Tôi bừng tĩnh, đáp như cái máy "It is a very good pay".
Tôi tưởng thế là xong, định lui bước, thì ông chủ sự nhân viên bảo hãy thong thả, rồi ông gọi cô thư ký mang ra một tấm bảng màu lục cùng với cái giá đặt giữa phòng. Ông cầm cục phấn gạch ngang gạch dọc trên tấm bảng. Tôi nhổm dậy cùng tiến lại đứng bên cạnh, ông bảo tôi hãy chú ý trong lúc ông cắt nghĩa, điểm A này là bảng Phillips 66, đường dọc này là Jefferson, đường ngang này là 225, điểm B là Exit 610 South, điểm C cách ½ miles là exit Galveston và đường xéo này là đường 45 south. Ông chỉ tới đâu, tôi yes sir tới đó, mặc dầu tôi thuộc nằm lòng những con đường này. Tôi cười thầm trong bụng, nên nét mặt rất tếu, nhưng có lẽ ông cho tôi ngờ nghệch hay lẩm cẩm. Ông nhấn mạnh, nếu có lạc đường thì nhớ tìm 45 South mà về nhà. Tất nhiên tôi đáp "Yes, I do" lúc đó ông mới an tâm. Ông bắt tay tôi, chúc may mắn, lái xe cẩn thận và mong gặp lại vào ngày thứ ba tới.
Tôi ra về với lòng hân hoan vì nay sắp có việc làm với lương cao ngoài sự mơ ước. Nhưng cứ áy náy về sự nói dối của tôi bị lạc đường, đã làm cho ông chủ sự nhân viên phải mất công chỉ đường cho tôi từ nhà tới hãng Phillips 66 và trở về một cách hết sức tỉ mỉ. Lẽ nào ông lại không biết tôi đã đến đây mấy lần, nay vừa mới tới được thì về được chớ. Có lẽ ông nhận thấy tôi nói dối quá vụng về, sợ tôi ngượng ngùng nên đã hành động như thế, cũng có thể nhìn thấy hình dáng tôi gầy nhom, tóc bạc phơ, vẻ mặt khờ khạo hay ngu đần, nên đã tận tình chỉ dẫn đường xá cho tôi. Dầu với lý do gì đi nữa thì ông cũng là người tế nhị, lịch sự và có lòng thương giúp kẻ khác.
Theo như lời dặn, khi về đến nhà, tôi đã điền các giấy tờ cẩn thận. Đến ngày thứ ba 20/2/80, tôi mang tập hồ sơ vào nộp và trình diện ông chủ sự nhân viên. Cùng lúc ấy cũng có bốn người khác cũng vừa mới được tuyển chọn như tôi. Sau phần chào hỏi và giới thiệu xong, năm người chúng tôi được một chiếc xe Van chở đi xem các cơ sở.
Đây là nhà máy hóa học Phillips Chemical Company của Phillips Petroleum 66, gọi tắt là Phillips 66, bản doanh chính đóng ở Bartleville, Oklahoma. Nhà máy tọa lạc tại một khu đất rộng trên một dặm vuông. Dưới đất, đường nhựa và đường xe lửa chằng chịt. Trên đầu các ống dẫn (pipeline) các dây cáp, các dây điện giăng mắc tứ phía. Vòng hướng dẫn lâu mất bảy tiếng đồng hồ, vì đi tới đâu chúng tôi cũng nghe các nhân viên thuộc các phần sở liên hệ thuyết trình và giải đáp thắc mắc.
Đến 4 giờ chiều, xe đỗ trước phòng nhân viên, mọi người đều ra về, riêng tôi được báo ở lại trình diện ông chủ sự nhân viên. Tôi hết sức hồi hộp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra và tự hỏi tại sao chỉ có một mình tôi phải trình diện trong lúc bốn người khác thong dong ra về. Tôi bước vào văn phòng với lòng hoang mang. Vừa gặp mặt, ông chủ sự nhân viên hỏi tôi có thích vòng thăm viếng vừa rồi không" Dĩ nhiên tôi đáp rất thích và nói thêm rằng, không ngờ nhà máy này rất lớn và đồ sộ đến thế. Tôi nói một cách thật lòng vì từ ngày đến xứ ngày đến nay, tôi chỉ làm việc ở những hãng xưởng nhỏ, còn đây là một nhà máy hóa học chuyên sản xuất chất nhựa plastic bằng bột hay bằng hột nhỏ bằng hạt nếp, lên tới một tỉ rưởi cân/ một năm (1.500.000.000lbs) nhiều nhất thế giới hồi đó.
Sau một vài câu trao đổi, có lẽ để dò xem phản ứng của tôi, ông chủ sự nhân viên cho hay tôi sẽ làm việc ở ban sản xuất (product department) như một công nhân nhà máy (plant operator) và được tăng lương ngay, thêm$1.00/ giờ nữa, tức là $10.50/ giờ.
Tôi vui mừng đến nổi sững sờ mất cả phút mới nói lên lời cám ơn. Đối với tôi đây cũng là một điều lạ, tôi chưa làm việc giờ nào mà đã được tăng lương. Cũng có thể hôm thứ sáu tuần trước khi phỏng vấn, ông chủ sự nhân viên đã bảo mướn tôi với lương $9.50/giờ, tôi mừng quá nên cám ơn chậm, ông tưởng tôi không vừa lòng, nên nay mới tăng lương cho tôi chăng"
Ba tháng đầu làm việc là thời gian tạm (probation) tôi rất cố gắng. Có rất nhiều ngày tôi làm việc tới 16 tiếng đồng hồ, 8 tiếng thông thường và 8 tiếng phụ trội, lại thêm thay đổi ca hằng tuần với thời khóa biểu mới, nên giờ giấc ăn ngủ cũng khác thường, làm tôi gầy hẳn đi. Khoảng 1 tháng làm việc, ông giám thị trực tiếp bảo tôi trình diện ông chủ sự nhân viên.
Làm xong công việc, tôi rửa mặt, tay chân sạch sẽ và sửa lại quần áo ngay ngắn trước khi trình diện. Khi vừa bước chân vào phòng, thấy vẻ mặt ông chủ sự nhân viên bình thản, tôi mừng thầm. Gặp mặt, chỉ trao đổi những câu hỏi thông thường như: có khỏe mạnh không, công việc có gì lạ và có ưa thích không" Lần gặp mặt đầu tôi hơi ái ngại, qua các lần sau tôi rất bình tĩnh đối đáp, vì tôi đã đoán biết một phần lý do. Cứ sau mỗi lần gặp mặt, lương tôi lại được tăng. Mỗi ngành chuyên môn có mỗi trật lương khác nhau, khi lương của tôi đã tăng đến mức tối đa của ngành tôi đang đảm trách thì ông khuyên tôi chuyển sang ngành khác. Làm việc ở ngành nào, lương của tôi cũng được tăng lên mức tối đa rất nhanh. Đúng là tôi đã gặp quí nhơn phù hộ, đó là ông Bill Purcell, Chủ sự nhân viên của hãng Phillips Chemical Company ở Pasadena, Texas.
Nay tôi tuổi đã cao, không còn làm việc để mưu sinh nữa, thỉnh thoảng cùng các bạn già hàn huyên. Khi đề cặp tới những khó khăn của bước đầu lúc xứ Hoa Kỳ này, ai cũng cho rằng việc tìm kiếm công việc làm trở ngại và lo lắng nhất. Trường hợp vượt qua được, ngoài khả năng ra, còn có yếu tố may mắn nữa, người vì lý do này, kẻ vì lý do khác. Riêng trường hợp của tôi lại do những lời tôi ghi ở mục chú thích nơi đơn xin việc như "tôi già rồi, không chuyên môn, đồng ý làm bất cứ việc gì dầu thấp hèn" nay nghĩ lại thật là dại dột ngu ngốc, vì già và không chuyên môn thì ai thèm mướn mình. Nhưng chính vì sự ngớ ngẩn này đã làm cho ông chủ sự nhân viên hãng Phillips Chemical Company lưu ý và thương giúp. Nghĩ lại cũng lạ lùng, còn một điều lạ lùng hơn thế nữa là hãng Phillips Chemical Company này khi cần người không bao giờ đăng ở các báo chí hay ghi ở các bản quảng cáo dọc đường. Tin tức cần người chỉ cần hé lộ ra hôm trước, thì hôm sau đã có rất đông người đến nộp đơn, đa số là thân nhân hay bạn bè quen biết của các nhân viên đang làm việc. Những ai làm việc ở hãng này cũng đều xác nhận như thế. Hôm chị bạn chúng tôi đến thăm, tự nhiên chị buộc miệng mách bảo công việc cho tôi, chẳng khác nào như một quý nhơn Trời sai đến giúp tôi. Nên có thể nói đây là sự phước đức hay may mắn mà thôi.
Ngày 8 tháng 1 năm 2002.
Trần Phú Cơ

Ý kiến bạn đọc
15/06/202117:38:39
Khách
tadalafil drug <a href="https://elitadalafill.com/">cialis 20 mg</a> tadalafil cvs
30/03/202111:01:48
Khách
vardenafil 20mg https://vegavardenafil.com/ vardenafil teva pharmaceutical
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến