Hôm nay,  

Nước Mỹ Đa Diện

04/01/200200:00:00(Xem: 191098)
Bài tham dự số: 02-432-vb21231

Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, tác giả Hoàng Hòa cho biết ông sinh ngày: 10 June 1956 tại Saigon, cử nhân về nguyên tử, hiện cư trú và làm việc tại San Jose. Mong ông sẽ tiếp tục góp thêm bài viết mới.

Ngày 20/5/01 vừa qua, Nhật báo San Jose Mercury News cũng như các báo khác và các Hãng Thông Tấn đồng loạt khai thác tối đa, tin một con chó con tên Leo bị người ta liệng xuống đường bị thương rồi chết! Với phương tiện thông tin tân kỳ của Thiên Niên Kỷ mới bằng Email, Fax, Satellite, Internet, vv…thì tin chó Leo chết hay tin một vị Hoàng đế của một quốc gia nào mới băng hà, tầm quan trọng đều …same same! Vì vậy, tin chó Leo chết được cả thế giới biết.
Tin này nếu xảy ra tại nước "An Nam" ta thì chỉ là "tin chó chết" cho vào sọt rác, chẳng ai thèm quan tâm! Nhưng "tin chó chết" này lại xảy ra trên nước "Cờ Hoa đa diện", văn minh, giàu có, hùng mạnh, coi trọng mọi sinh mạng, dù là sinh mạng con chim, con cò, con chó, hay mạng người đều quý ngang nhau, nên "chuyện chó chết" mới không kết thúc một cách ngang xương, dễ dàng. Theo tin các báo thì câu chuyện xảy ra như sau:
Bà McBurnett lái xe ra phi trường San Jose để đón chồng là ông Patrick Burnett, phi công hãng American Air lines. Lúc ấy khoảng 8 giờ tối, trời đương mưa tầm tã, đoàn xe chầm chậm chạy nối đuôi nhau, bỗng tất cả đều ngừng. Cản trước xe của bà McBurnett đụng nhẹ vào cản sau (rear bumper) xe của một người đàn ông tên Andrew Douglas Burnett 27 tuổi, cựu chiến binh Hải quân, hiện làm nghề sửa điện thoại cho hãng Pacific Bell tại San Jose. Xe của bà McBurnett và của Andrew D. Burnẹtt đều ngừng, và cả hai cùng xuống xe. Mặc dù Andrew D. Burnett đã kiểm điểm thấy cản xe của mình không hề bị sây sát, nhưng y vẫn tỏ vẻ khó chịu mặt lạnh như tiền không trả lời những lời xin lỗi của bà McBurnett, cứ thủng thẳng tiến đến bên chiếc xe của bà McBurnett bỗng trông thấy con chó con lông xù trắng như tuyết hiền lành ngồi thò đầu ra ngoài ngoe ngẩy đuôi như để chào mừng một người lạ đến với nó. Không hiểu nghĩ sao, bất thình lình Andrew D. Burnett nắm đầu chó Leo liệng xuống đường bị xe cán trọng thương, bà McBurnett hoảng hốt vội bồng con Leo lên, nhiều người lái xe chạy ngang chứng kiến hành động côn đồ của Andrew D. Burnett, họ ngưng xe bên lề định cho Andrew một trận đòn hội chợ. Nhưng may, có người cản nên không xảy ra chuyện đó. Người ta tự động gọi điện thoại 911 cho hồng thập tự và cảnh sát đến một mặt chở chó Leo đến bệnh viện cấp cứu, một mặt làm biên bản giải tòa về hành động tàn bạo của Andrew D. Burnett. Chó Leo được xe cứu thương chở vào bệnh viện súc vật và mặc dù bác sĩ đã có thiện chí cố cứu chữa, ít giờ sau chịu không nổi vết thương, chó Leo đã "yên giấc ngàn thu"…hưởng dương 10 tuổi! Sau tin "sét đánh" này, những người quý súc vật tự động đăng báo tài trợ để có tiền thuê luật sư đưa nội vụ ra trước "Ba tòa quan lớn" truy tố kẻ có tội. Số tiền quyên đợt đầu sơ sơ đã được $120,000 ngày 16/7/01, Tòa thượng thẩm quận hạt Santa Clara, CA do chánh án Kevin J. Murphy chủ tọa, đã tuyên phạt bị can Andrew D. Burnett ba năm tù ở, không được quyền xin tại ngoại (probation). Đấy, ở quốc gia này mạng con vật cũng được bảo vệ tối đa như rứa đó.
Cái đáng nói là "chuyện chó chết" này đã xảy ra từ hơn một năm qua, nhưng nay được "hâm nóng" lại, lý do người ta cần đến 17 tháng để "cơ quan tình báo liên bang" (FBI) có đủ thời gian điều tra kỹ càng, bí mật theo dõi thu 40 cuốn băng nhựa (tapes) mọi điện đàm mà nghi can Andrew D. Burnett vô tình "ba hoa chích chòe" nói cho thân bằng quyến thuộc biết về việc mình hệ lụy đến "chuyện chó chết"!
Năm 1975, lần đầu tiên tiện giả đến định cư tại "Nước cờ hoa đa diện" vùng Hoa Thịnh Đốn vào mùa thu lá vàng bay. Trong lúc tiện giả đương ngồi trước cửa nhà bận rộn thu vào ống kính máy ảnh cảnh lá vàng rơi lả tã, thì bỗng nghe tiếng còi hụ inh ỏi của một chiếc xe hồng thập tự đến đậu trước cửa nhà gần đó. Một nhân viên cứu thương quần áo trắng toát, từ trên xe vội vã nhảy xuống, chạy tuốt vào căn nhà nói trên. Ai cũng ngơ ngác đoán nhà này hẳn có người bị bệnh nặng. Nhưng chỉ vài phút sau, nhân viên cứu thương lại vội vã từ trong nhà hàng xóm bồng ra một con mèo tam thể bị hóc xương cá, người nhà phải gọi điện thoại 911 để đem mèo vào bệnh viện cấp cứu! Aáy đấy, nước văn minh có khác, con vật cũng được chăm sóc như người, đó là sự ngạc nhiên đầu tiên của tiện giả.
Ngôi nhà tiện giả cư ngụ sát vách với gia đình một cụ già người Mỹ, mặt tiền nhìn ra một cái ao khá rộng. Một buổi sáng, ông cụ hàng xóm gõ cửa gọi tiện giả ra xem một con quạ đen bị kẹt dưới nước đông đá. Con chim, cách bờ khoảng 20 thước tây, đương cố vùng vẫy, nhưng vô hiệu vì bị đá đông giữ chặt. Ông cụ liền vào trong nhà gọi điện thoại 911. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, hai xe cảnh sát còi inh ỏi đến. Mấy vị "bạn dân" xuống xe để nghiên cứu tình thế. Thấy vấn đề khó giải quyết, một vị bèn lý luận với các bạn đồng đội rằng cảnh sát có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, biên giấy phạt những người lái xe quá tốc độ (speeding) bắt trộm cướp, hàng lậu thuế, các nơi thờ "Thần Bạch Mi" bất hợp pháp, vv…chớ không làm việc cứu một con chim, đó là bổn phận của Sở cứu hỏa (Fire department).
Điện thoại được gọi đi, và cũng chỉ năm phút sau, xe chữa lửa còi inh ỏi đến. Họ mở máy đẩy chiếc cần trục dài ra chỗ con chim. Nhưng than ôi! Cần trục hơi ngắn, họ đành thất thủ đứng nhìn! Một nhân viên chữa lửa bèn nghĩ ra rằng thì là công việc cấp cứu này thuộc "hồng thập tự" (Red Cross) mới đúng. Năm phút sau xe chữ thập đỏ cũng còi inh ỏi tới nơi. Rất thạo công việc, hai nhân viên lấy trên xe xuống một chiếc phao bằng cao su, thả ngay xuống mặt nước đông đá. Hai người ngồi trên phao dùng máy chèo vừa đập nước đá tan ra để lấy lối cho chiếc phao ra chỗ con chim. Khi họ chỉ còn cách con chim khoảng một thước, một người dơ tay định bắt để giải thoát cho con chim lâm nạn…nhưng khi vừa giơ tay ra, con quạ đen vùng vẫy mạnh, bay vụt lên không, miệng kêu "croa croa" như để nói "Thank yoư, adios"


Hoa Kỳ là một quốc gia sanh sau đẻ muộn "Fourth of July 1776" là sinh nhật của Hoa Kỳ, chứng tỏ rằng chỉ trong vòng (1776-2001) 225 năm, Hoa Kỳ đã dẫn đầu vượt tất cả các quốc gia khác về phương diện khoa học, đã cho được người lên thăm chị Hằng. Nhờ đó, chúng ta được biết truyện "Đường Minh Hoàng Du Nguyệt- Điện" chỉ là chuyện tầm phào do các ngài ba Tàu "phịa" ra cho vui. Theo hai phi hành gia không gian Neil Amstrong và Edwin Aldrin, rồi sau đó D. Scott và B.Irwin là những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng thì trên đó chỉ là một biển cát mênh mông, ban ngày nóng trên 300 độ dương (+) ban đêm dưới 300 độ âm (-). Đứng trên mặt trăng nhìn xuống thấy hành tinh trái đất quá đẹp, quá thơ mộng, có đủ tiện nghi, Neil Amstrong đã phải đặt câu hỏi được ghi vào lịch sử "Hành tinh trái đất đẹp quá, thơ mộng quá, có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, đầy đủ tiện nghi tại sao người ta không thương yêu nhau, quý mến nhau, cùng nhau hợp tác để xây dựng một trái đất thần tiên, thay vì uổng công nghiên cứu sáng chế ra những võ khí nguyên tử với mục đích tiêu diệt cả nhân loại, đập tan cả địa cầu".
Dân tộc Hoa Kỳ giàu có, quảng đại, đức độ, trọng sự thật, văn minh đứng đầu về khoa học, không tin dị đoan, không tin ma quỷ, đồng bóng, không tin tiền hậu kiếp, tái sanh (reincarnation). Aáy thế mà, khoảng thập niên 1980 bỗng xuất hiện một giáo phái (Cult Sect) có tên "Thiên Đàng Môn" (Heaven Gate) chỉ có vỏn vẹn đúng 39 tín đồ kể cả tên lãnh đạo. Nhóm cuồng tín này tin rằng ai sớm về được Thiên Đàng sẽ được sống vĩnh cữu, nên họ rủ nhau đến thuê một khách sạn ở San Diego, tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, bên cạnh mỗi người đều có một cái bị đựng quần áo và đồ dùng lặt vặt. Trước khi trở về Thiên đàng, họ lần lượt xếp hàng đi qua một cái vại đựng độc dược để trước mặt tên lãnh tụ đứng kiểm soát. Mỗi tín đồ khi đi qua vại thuốc độc, mặt mày phải vui vẻ múc một ly độc dược, ngửa miệng tu một hơi cho cạn rồi vội vã trở về nằm ngữa bên cạnh cái bị quần áo, phủ lên mặt một chiếc khăn. Trong vòng năm bảy phút sau, thuốc ngấm vào ngũ tạng, tất cả linh hồn 39 người cuồng tín đều lặng lẽ lìa khỏi xác, bay về Thiên đàng để được sống vĩnh cửu theo sở nguyện! Tin này đã làm chấn động thế giới.
Ở nước ta, hồi thanh bình, họa hoằn mới nghe tin một vụ giết người như trường hợp ông Huyện Trường phụ tình bị người yêu đốt chết ở ngoài Bắc, và cô Hường nào đó bị quá ghen, đang đêm nổi lửa đốt chồng ở trong Nam. Còn ở các nước "Hoa Kỳ đa diện" này thì chuyện ám sát, giết người xảy ra thường xuyên. Nào tổng thống John F. Kennedy, linh mục xếp sòng người da đen Martin Luther King, Jr đều bị ám sát chết. Tổng thống Reagan cũng bị ám sát nhưng thoát chết. Vì súng được mua tự do nên thỉnh thoảng lại có tin học sinh mang súng vào trường bắn loạn vào thầy cô giáo và các bạn học sinh khác để được nổi tiếng là "người hùng" mà không bị tội vì tuổi vị thành niên (teens) năm 1995 O.J Simpson, một anh chàng cao lớn da ngăm ngăm đen, nổi tiếng về môn bóng bầu dục, khi về nhà bắt quả tang vợ đương ngoại tình "máu ghen ai chẳng chau mày nghiến răng" anh dùng dao đâm chết cả gian phu dâm phụ máu chảy tràn ngập căn phòng và lối đi, rồi rửa tay chân sạch sẽ, bình tĩnh ra khỏi nhà. Nhà chức trách đến lập biên bản, ai cũng biết là thủ phạm là người nào, nhưng không có bằng chứng cụ thể, các luật sư đã cãi bay để nghi can vẫn thảnh thơi sống ngoài vòng pháp luật.
Những vụ giết người khác cũng rất lạ lùng: năm 1994, một mụ đàn bà da trắng tên Susan Smith ở South Carolina, đã làm kinh hoàng mọi người bằng hành động tán tận lương tâm để hai đứa con trai thơ dại, kháu khỉnh ngồi vào xe hơi, buộc chặt giây an toàn vào người chúng, đoạn cho nổ máy xe, gài số cho xe tự động lao xuống hồ để hai đứa trẻ chết vì ngộp nước! Mới đây, tuần báo Newsweek số ra ngày 2July 2001 thì một vụ giết người rùng rợn lại vừa xảy ra. Sát nhân là một mụ đàn bà da trắng tên Andrea Yates, không biết có phải "Ma dẫn lối quỷ đưa đường" hay không mà có thể bình tĩnh giết năm đứa con trai kháu khỉnh do máu mủ của chính mình mang nặng đẻ đau chính tháng mười ngày sinh ra bằng cách vặn đầy nước vào hồ tắm, rồi lần lượt nhận chìm từng đứa cho đến khi ngộp nước thật tắt thở mới thôi! Không biết đầu óc mụ đàn bà sát nhân lúc ấy có là đầu óc con người hay là bị ma quỷ nhập, nên đã có hành động tệ hại hơn loài vật. Vì nếu mụ chán ghét nuôi con thì đem cho viện mồ côi, biết bao nhiêu người tình nguyện muốn xin, ưng thuận trả $10,000 mỗi đứa.
Ở nước ta hay những nước có các lực lượng đao phủ hùng hậu như Trung Quốc, kẻ sát nhân, sau khi lãnh án tử đoành hết một tràng đạn để câu "sát nhất nhân vạn nhân cụ", rứa là mọi chuyện đều êm! Nhưng ở Hoa Kỳ, mạng người quý, dù có đủ bằng chứng, tử tội đâu có bị hành quyết ngay, vẫn được vào "nhà đá" nằm dưỡng sức, cơm áo không phải lo, hằng năm công quỹ tốn kém cho can phạm trên $20,000. Trong tù, ngoài sự mất tự do ra thì tội phạm quá sướng, được đọc báo hàng ngày, theo dõi tin tức qua tivi, ăn uống đầy đủ, thực đơn thay đổi thường xuyên, được nhận quà bánh, sách vở của người thân ở ngoài gởi vào. Thỉnh thoảng còn được đặc ân, vợ được vào phòng riêng thăm chồng hàng giờ. Cửa khóa trái, bên trong tự do "đánh đấm" hàng giờ, chẳng ai ngăn cấm. Nước văn minh có khác.
Kể ra, "Nước Mỹ đa diện" còn nhiều chuyện vui giật gân, nhưng số trang có hạn, xin tạm ngưng nơi đây.
HOÀNG HOÀ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến