Hôm nay,  

Bơ Vơ Xứ Người

16/12/200100:00:00(Xem: 284843)
Bài tham dự số: 02-419-vb21210


Bơ Vơ Xứ Người là một tập tự truyện gồm nhiều đoản khúc ghi lại những thăng trầm của một cô gái trong những năm đầu sống trên đất Mỹ.
Tác giả Trần Tú Anh từng góp cho Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết giá trị. Bà cho biết “sẽ còn viết dài dài vì tác giả rất thích viết, và có nhiều đề tài để viết, toàn là những chuyện có thật.” Loạt tự truyện “Bơ Vơ Xứ Người” lần này được đăng 4 kỳ, mỗi kỳ là một tiểu truyện chân thực hiếm có.
GIÃ TỪ SAIGON
Trong dòng người chen chúc xô đẩy nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất, bất chợt tôi nghe tiếng kêu thất thanh của chị Kim, rồi một bàn tay xô đẩy tôi về phía trước "Anh ơi, vào mau đi, coi chừng mất giấy tờ, chị bị rạch bóp rồi." Tôi quay đầu nhìn lại. Chị Kim bạn cùng sở với tôi, hôm nay ra phi trường để tiễn tôi đi Mỹ đã bị kẻ gian rạch bóp, và tôi thì bị xô đẩy ra phía trước.
Ôm chặt valy và xách giấy tờ, tôi cùng ba má tiến vào quầy hải quan. Nhìn lại một lần nữa dòng người đưa tiễn, tôi không còn nhận diện được ai. Hai bà chị, mấy đứa cháu, bè bạn... đã ở đâu rồi, chỉ cách nhau vài bước mà sao xa cách ngàn trùng… Kiểm soát giấy tờ hành lý xong, tôi và ba má, cả ba vào ngồi phòng đợi mà lòng cứ mãi bồi hồi.
Mọi người lần lượt đi vào… đây là chuyến đi Mỹ theo diện đoàn tụ, do thân nhân cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em bảo lãnh… chờ hoài chờ mãi chẳng thấy máy bay tới để đi Bangkok, hỏi hoài thì được biết có lẽ đến chiều.
Mọi người bắt đầu sốt ruột, chạy ra chạy vào phòng vệ sinh…rồi cơn mưa kéo đến, phi trường vẫn vắng tanh như chùa bà đanh, không một máy bay nào đáp xuống hay cất cánh. Gia đình tôi may mắn được làm bạn đồng hành với anh giáo sư, nhà văn (xin dấu tên). Cám ơn anh đã là người bạn đồng hành với ba em, chuyện trò tâm sự cho qua thì giờ. Chị vợ anh còn trẻ đang bồng thằng út trên tay, còn mấy nhóc tì kia cũng hãy còn nhỏ lắm.
Trời gần tối thì hải quan tới cho biết vì bị bão nên máy bay không tới được, phải đợi đến sáng mai. Mỗi người được phát một phần ăn và nước uống. Thế là phải ở lại một đêm ở phi trường. Thiên hạ nằm ngồi la liệt ở phòng chờ nhưng có mấy ai ngủ được. Nằm mơ màng, tôi nhớ đến mấy đứa cháu còn ở lại phi trường đêm nay.
Sáng hôm sau, phái đoàn ODP lại tới. Mọi người được lần lượt gọi tên để lên máy bay của hàng không Việt Nam. Ngồi xuống ghế mà vừa khóc, vừa cười. Cười vì đã được đến bến bờ tự do sau bao năm chờ đợi, khóc vì đi rồi biết bao giờ trở lại…
Rưng rưng dòng lệ tuôn trào
Xa quê hương biết lúc nào trở về.

THU NGA
Sau khoảng vài giờ bay, chúng tôi đến phi trường Bangkok và được lên xe buýt để về trại tạm trú. Trên đường đi tôi quan sát thấy thành phố Bangkok thật sạch sẽ, không đông đúc xô bồ như Saigon.
Nơi tạm trú là một cao ốc kín cổng cao tường, có vẻ giống như một trường học. Sau khi tập trung để nghe đại diện ODP phát biểu, mọi người được về nơi tạm trú. Mỗi gia đình một phòng, có chiếu để trải dưới sàn nhà ciment. Trong trại có bán đồ ăn, giấy vệ sinh, xà bông, bột giặt…Nhờ có đem theo tôm khô, khô mực để trao đổi lấy tiền Thái hay xài đôla, chúng tôi có thể mua đồ dùng trong trại. Cơm ngày hai bữa do nhà thầu nấu, thường là món cải bẹ xanh hay bí rợ, muốn ăn thêm thì có xe bò viên đậu sẵn trong trại. Đồ Thái cay lắm ăn muốn toét miệng.
Mỗi ngày đều có niêm yết danh sách ngày giờ, chuyến bay đi Mỹ. Những vị độc thân đa số phải qua Phi học anh văn 6 tháng. Anh bạn nhà văn đồng hành của chúng tôi và gia đình phải đi Phi. Anh không phải do thân nhân bảo lãnh mà hình như do người ngoài giúp đỡ thì phải.
Trong đám người chộn rộn chờ ngày đi tôi quen được Thu Nga.
Cô người Bắc, nhỏ tuổi hơn tôi, mặt mày sáng sủa (đẹp hơn tôi là cái chắc) nên hay được mấy anh con trai để ý săn sóc, khiêng xách đồ dùm. Là người đẹp cũng sướng thật, chả bù với tôi, tay xách tay mang mà chả có ma nào để ý khiêng dùm.
Ở trại, Thu Nga thường chuyện trò với tôi. Lúc niêm yết danh sách, Thu Nga phải đi Phi, còn tôi được đi thẳng qua Mỹ cùng với ba má. Thu Nga cho biết đáng lẽ ba hay má đi cùng lần với Thu Nga nhưng chẳng may đã mất trước ngày đi nên đã hỏa thiêu và mang cốt đi. Vì Nga phải đi Phi không tiện mang theo nên nhờ tôi đem hũ cốt qua dùm cho bà chị ở Irvine. Tôi sốt sắng nhận lời vì thấy Nga đã tin mình nên mới nhờ như vậy.
Nga đi rồi tôi nói cho ba má tôi hay và tôi đã bị la rầy. Người lớn quan niệm khác với người trẻ, tuy tôi không đồng ý nhưng tôi không cãi. Nhiều quan niệm cho là đem cốt của người lạ đi là không nên, đem cốt vô nhà là xui... tôi thì nghĩ rằng mình làm điều thiện thì được phù hộ, được may mắn, chớ sao lại bị xui xẻo.
Thu Nga đã đi rồi mà tôi còn loay hoay với hũ đựng tro cốt. Không biết nên để đâu cho được an toàn. Để trong valy thì phải gởi đi, nhưng nếu valy bị mất thì sao, nhưng hũ cốt mất đi làm sao đền được" Còn xách tay thì ngoài giỏ đồ cá nhân, tôi còn cây đàn tranh và xấp hồ sơ có phim chụp hình phổi lúc nào cũng phải có bên mình. Sau cùng thì tôi bỏ hũ cốt vô xách tay, tay kia cầm cây đàn gia bảo và giấy tờ hồ sơ thì bỏ trong bao tròng trên cổ… cho chắc ăn.
Từ Bangkok chúng tôi qua Hồng Kông ở lại một đêm trong khách sạn. Lần đầu tiên được dùng hệ thống nước lạnh nước nóng sướng quá, nhưng tôi cứ lo ba má tôi vặn lộn thì bị phỏng. Buổi tối cả phái đoàn được dẫn đi tham quan một vòng Hồng Kông về đêm và ăn ở nhà hàng. Ngồi ăn mà nghe tiếng rầm rằm, chắc mấy tầng kia thiên hạ chơi mạt chược.
Thành phố Hồng Kông về đêm đông đúc vui vẻ giống như Chợ Lớn trước 1975. Chúng tôi bám theo ông hướng dẫn vì sợ đi lạc…
Hôm sau lại lên đường qua Tokyo, ở lại phi trường vài giờ nên chỉ đứng đợi trong phi trường mà thôi. Các đồ được bày bán trong cửa tiệm rất đẹp nhưng rất mắc tiền.
Lại lên máy bay. Tiếp viên cho ăn cơm với thịt vịt và brocoli (lần đầu tiên trong đời mới biết brocoli) rất ngon, đựng trong cái hộp rất đẹp.
Tới San Francisco, những con chó săn chạy tới ngửi ngửi, quan thuế kiểm soát rất kỹ. Thấy cái hủ cốt họ hỏi là cái gì, tôi cũng phục tôi quá, trình độ anh văn của tôi cũng đủ để giải thích đó là hủ cốt của thân nhân người bạn nhờ đem qua. Họ không hỏi gì thêm cả.
Ngày hôm sau, chị của Thu Nga cùng người con gái từ Irvine xuống San Diego để nhận hũ cốt. Nhiệm vụ của tôi đến đây là hoàn tất…Một cuộc đời mới bắt đầu ở Mỹ.
Quá khứ thì đã khép lại, còn tương lai thì chưa định hướng….

CỨU TÔI! CỨU TÔI!
Ở nhà buồn quá tôi nhờ ông anh ghi danh cho tôi đi học ESL. Mỗi sáng đi làm ông đổ tôi xuống góc đường của thành phố SD, từ đó tôi đi bộ tới trường. Lớp tôi đủ thành phần: Việt, Miên, Lào cũng có. Cô giáo rất dễ thương hay khen tôi hoài làm tôi rất mắc cở. Ở Việt Nam cô giáo rất ít khen học trò, mỗi khi cô khen là phải xuất sắc lắm cô mới nói. Còn ở Mỹ cái gì cũng khen nice, khen good, excellent thành ra mình đâm phân vân không hiểu mình có good thiệt không vì thấy thật ra thấy bài của mình cũng thường thôi.
Thành phố SD cũ kỷ cũng có những người homeless đứng lơ ngơ ngoài đường. Thường buổi trưa tôi hay đi bộ ra Jack in the box gần trường mua đồ về ăn ở sân trường.
Bữa đó khoảng trưa, sân trường vắng vẻ chỉ có mình tôi. Tôi ngồi trên băng ghế đá, cái ví để bên cạnh cùng mấy quyển vở. Đang nhâm nhi miếng hamburger, thình lình tôi thấy một ông Mỹ đen chạy tới, giựt cái ví của tôi và chạy như bay. Tôi chạy theo vừa chạy vừa kêu "help me, help me" nhưng không ai nghe tôi cả. Trên đường xe cộ vẫn chạy mà không ai để ý đến chuyện gì xảy ra chung quanh. Tôi đuổi theo ông ta một khúc thì quá mệt, đứng thở dốc còn ông ta thì lặn đâu mất tiêu. Tôi vào trường báo cho nhà trường biết, cũng may là trong ví không có giấy tờ gì quan trọng, chỉ có bản sao của an ninh xã hội, 50 đô tiền mặt, son phấn và một cuộn băng …Stay free..ông nào mà đụng cái bóp của tui cũng xui tận mạng cho mà coi, tôi nghĩ thế.
Tôi chợt nhớ tới chị Kim bị rạch bóp ở phi trường tháng trước đây. Chị ơi, bây giờ đến phiên em bị giựt ví, chị à.

TAI NẠN LAO ĐỘNG
•Job đầu tiên, Texas 1985.
Không ai ngớ ngẩn như tôi, nộp đơn xin việc mà không biết mình sẽ làm cái gì.
Khi nghe người bạn cho biết ở khách sạn đang cần người làm housekeeping, tôi nhào vô nộp đơn, không cần biết mình có làm nổi hay không, đến lúc nhận việc mới biết là đi dọn phòng của khách sạn, mỗi ngày phải hoàn tất 18 phòng. Công việc gồm có thay nệm giường (rất nhiều lớp) hút bụi, lau bàn, lau TV, chùi buồng tắm, cầu tiêu…
Mỗi buổi sáng tới chỗ làm, trước hết là bấm thẻ giờ. Xong là xuống tầng dưới thay đồng phục (mỗi người có một ngăn đựng đồ cá nhân có khóa) đẩy xe chở đồ nghề lên phòng. Tôi cùng cô bạn Sophie người Rumani, hai đứa làm một tầng lầu.
Sau khi gõ cửa, kêu "housekeeping" thấy không ai trả lời thì dùng thẻ mở cửa để vào phòng, còn nếu khách không muốn bị quấy rầy thì họ để tấm thẻ có chữ "occupied" ở ngoài cửa.
Ở Việt Nam chỉ làm việc văn phòng, tánh lại kỹ lưỡng nên tôi không thể nào hoàn thành 18 phòng trong một ngày được. Trung bình mỗi phòng tôi làm mất 30 phút, ngày làm 8 giờ giỏi lắm chỉ làm có 16 phòng, đó là chưa kể nửa giờ ăn trưa. Lần nào cũng vậy, Sophie và cô bạn Mỹ đen phải giúp tôi dọn thêm hai phòng nữa mới kịp. Mình thì tất bật, múa may quay cuồng mà không xong, còn hai cô bạn trẻ của tôi, làm sao mà lẹ quá.
Nhiều lần tôi nói thầm với tôi "hãy mở mắt ra. Thực tế là cái bằng đại học của mày ở Việt Nam chả giúp gì cho mày cả, mày làm còn thua mấy cô bạn nhỏ…" cho nên tôi không hề hé môi tiết lộ thân phận của mình cho một ai biết.
Xong việc, tôi lại phải lội bộ mất nửa tiếng đồng hồ mới về đến khu apartment tôi ở, về phòng là lăn đùng ra mà thở dốc… Đó là lúc trời quang đãng. Những lúc trời tuyết (khoảng tháng 1&2) lúc này tôi đã dọn qua Texas đi bộ dưới tuyết mà bị té hoài. Có lúc lu bu làm việc, bất chợt ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài trời, thấy tuyết rơi mà bụng cứ đánh lôtô, vì biết lúc đi về sẽ rất vất vả. Có hôm tuyết rơi nhiều quá đành phải thuê xe taxi về, thế là mất toi gần nửa ngày lương. Tính lui tính tới, tôi quyết định bỏ job ở khách sạn vì thấy mình không kham nổi, không lẽ nhờ vả bạn bè hoài, dù là các cô chỉ muốn giúp tôi mà không đòi hỏi gì cả.
Hai cô bạn của tôi ơi, giờ này các cô ở đâu, tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng tử tế của các cô đối với tôi.
•Job thứ hai
Bỏ job ở khách sạn để kiếm job ở Burger King thật là môi trường đi xuống. Lương từ 6.5/giờ xuống còn 4.5/giờ. Tuy nhiên đây là công việc tôi có thể làm nổi.
Scott là Manager của tôi. Anh còn trẻ, rất hiền lành, dễ thương, đã cho tôi làm 5 ngày/ tuần từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều được ăn trưa miễn phí. Lương sau khi trừ thuế đươc $110/tuần đủ để cho tôi chi dùng và trang trải tiền phòng.
Công việc của tôi thì lung tung, cứ như là quản gia: chùi bàn ghế, cầu tiêu, dọn bếp núc, chùi nhà, ngoài ra còn phụ trách quầy salad bar. Công việc bận rộn nhất là lúc trưa, khách vào rất đông mà chỉ có mình tôi dọn dẹp.
Các bạn cùng làm với tôi còn rất trẻ. Ngoài Tina, sau này là roommate với tôi, còn có Susie, cô bạn Mỹ đen rất thương tôi, bà Ruth, assitant manager, rất tử tế. Còn Scott, manager rất là tốt không bao giờ nói nặng với tôi một lời. Có lẽ vì vậy mà dù công việc có tất bật, tôi cũng vui vẻ hoàn thành mà không than van một lời. Chỉ có một tên cà chớn, tôi quên mất tên, hắn là Mỹ đen, tướng rất là lất cấc, lúc nào cũng mang bên mình một cái cassette, trên đầu thì mang headphone, vừa đi vừa nhún nhảy theo điệu nhạc. Đáng lẽ ra tôi cũng không quan tâm đến hắn làm gì, nhưng mà tại vì hắn cà chớn thật. Hắn làm ở khâu cook. Sau khi làm xong những khay nhôm, kẹp gắp thịt… hắn không bao giờ chịu đem đến tận bồn rửa chén để cho tôi rửa như những người khác mà hắn chơi trò… phóng phi lao liệng cho chén bay, dĩa bay từ chỗ hắn cho đến cái bồn nơi tôi đang đứng rửa làm nước văng tung tóe lên mặt, lên quần áo tôi… Susie rất ghét hắn, mỗi lần thấy vậy là cô vì thương tôi mà la hắn ầm ĩ mà hắn vẫn chứng nào tật đó.
Ông Nguyễn Hữu Thời trong bài "Ông housekeeping" tuyển tập Viết về nước Mỹ 2001 có nói: "ngồi nghĩ lại những ngày đầu tiên đến Mỹ thấy mình thật là lố bịch, cứ ngỡ rằng với những văn bằng đại học mà mình có ở Việt Nam, biết anh văn là kiếm được việc làm vừa ý, lương cao. Đó là ảo tưởng và sai lầm lớn của tôi" ông Thời à, đó không phải là ảo tưởng và sai lầm của riêng ông đâu, mà còn cả của tôi nữa. Tôi đã tự đặt cho mình một chỗ đứng quá cao, nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng kiếm được job, cho đến khi phải bỏ job ở khách sạn tôi mới mở mắt ra để chấp nhận thực tế.
Tuy nhiên, nhờ có căn bản học vấn nên việc tiếp thu anh ngữ của tôi rất dễ dàng và mau chóng. Bù lại, phải chung đụng với nhiều thành phần, nhiều khi gặp nhiều người cà chớn cũng khiến tôi buồn lòng đôi chút. Tuy nhiên, tôi đã học được đức tính nhẫn nhục chịu đựng vì biết rằng tương lai của mình không phải chỉ dừng ở đây mà sẽ có ngày tôi được trở lại mái trường.
Ngoài việc dọn dẹp, tôi còn phụ trách khâu salad bar. Mỗi lần cần cắt dưa leo hay cà chua tôi đều dùng dao. Tuy trong bếp có máy Slide để cắt cà chua thành từng lớp nhưng tôi thấy không cần dùng đến nó.
Hôm đó đang đứng trong bếp rửa chén, tôi nghe mấy vị ở khâu cook đang cần thêm cà chua slide để bỏ vào hamburger, vị phụ trách khâu này lặng đi đâu mất tiêu mà khách hàng thì hối quá. Thấy vậy tôi sốt sắng qua giúp. Chưa dùng máy slide lần nào mà tôi cũng nhào vô. Bỏ trái cà chua vào máy, đậy nắp lại, quay cái cần một vòng để cho cà chua ra khỏi máy thành từng lát. Có lẽ vì tay tôi yếu nên cà chua còn kẹt trong máy, phản ứng tự nhiên một cách ngu ngốc, tôi đút mấy đầu ngón tay phải vào đẩy cà chua ra. Máy rất sắc, thế là mấy ngón tay tôi đẫm máu, máu chảy từng giọt, tôi thấy hoa mắt lên, chỉ nói được mấy câu "tôi không thấy gì nữa cả" rồi lăn đùng té xuống đất, bên tai mơ màng tiếng la thất thanh của bà Ruth "Mày nói đi, mày nói cho tao nghe, mày đừng chết nghe Ann..".


Lúc tôi mở mắt ra thì thấy mình nằm trên giường dưới ánh đèn điện sáng choang và mấy ngón tay phải đã được băng bó lại. Bà Ruth chở tôi về apartment và tôi được nghỉ một tuần. Christina cô bạn mới cùng phòng lấy xe chở tôi đi mua thêm bông băng và phụ tôi làm việc nhà. Scott, manager rất tế nhị, có lần anh vào trong Mall gặp tôi đang làm ở Michael's barguette (job thứ hai của tôi buổi tối) khi hay tôi bị thương đã tự động đến đó và xin phép cho tôi được nghỉ một tuần. Manager của tôi ở Michael's barguette đã cho tôi biết như vậy. Không ai chỉ bảo gì nên tôi cũng không biết để khai SDI hay worker com gì cả, lại còn bị mất một tuần lương vì nghỉ làm mà không được ăn lương.
Sau đó Scott hết làm và Joe lên thay. Ông này hắc ám lắm, cứ đì tôi hoài, bắt tôi làm hết cái này đến cái kia không ngừng tay. Cho đến một hôm, có supervisor tới, y hăm he tôi "Mày hãy làm tốt đó nhe." Xui cho tôi, buổi đó đông khách quá, dọn sạch bàn này lại thấy dơ bàn kia. Ông supervisor đã thấy điều đó. Quê quá, tôi phải tới xin lỗi ông "Xin lỗi ông tôi đã cố gắng rồi nhưng khách đông quá, tôi làm không xuể…" ông trả lời "Đừng nói xin lỗi, không phải lỗi tại mày. Tại Joe không cho người phụ với mày...” Sau đó Joe bay chức và Christine, vợ Scott về làm manager. Cô năn nỉ tôi ở lại khi tôi xin bỏ việc này vì ngày đi học đã gần kề.
Được cắp sách đến trường là niềm vui đối với tôi. Tôi còn ham học lắm. Cho nên, tôi quyết định từ giã Burger King…

BỐN BÀ ROOMMATES
Kiếm được Job ở khách sạn, từ nhà người em, tôi dọn về ở Dallas và ở chung với bốn bà Phi Luật Tân.
Sunny, già nhất đám, kế đó là Ying, em của Sunny. Ngoài ra còn có Lisa, Francis và tôi nữa, năm người chen chúc trong một apartment một phòng ngủ. Trong đám, bà Sunny có vẻ chững chạc nhất. Bà đã ly dị chồng và hình như đang cặp bồ với một ông người Balan. Ying, em bà có vẻ khó chịu và nhiều chuyện nhất trong đám, chuyện gì bà cũng biết. Hàng tháng tiền nhà tôi đều đưa cho Ying , một điều nữa khiến tôi không thích Ying là bà hay phì phà điếu thuốc trên môi mà tôi thì rất kỵ khói thuốc.
Lisa người cao lớn, khoảng chừng tuổi tôi, hiền lành và ít nói, còn Francis thì nhỏ con như tôi nhưng trẻ hơn, tóc tém, hay lí lắc và thích Madona, tối ngày cứ nhún nhảy "like a virgin, touch for the very first time" mà tối nào cũng dẫn bồ về ngủ chung ngoài phòng khách, phòng trong kê 2 giường, tôi và Lisa, Sunny, Ying bốn người nằm ngang nằm ngửa. Khổ nỗåi, mấy vị kia làm trong Mall, 12 giờ mới làm nên ngủ rất trể, còn tôi phải đi làm sớm hơn lại khó ngủ, nên không bao giờ được ngon giấc. Tôi bị quấy rầy bởi mùi khói thuốc, quấy rầy bởi những tiếng cười, tiếng nói ồn ào, rồi tiếng TV vặn to.
Có sống chung mới thấy mấy bà Phi này nhiều chuyện lắm. Thấy tôi thật thà, Ying hay bắt nạt. Mọi người tự túc nấu ăn nhưng lần nào tôi nấu cũng bị Ying cảnh cáo "nấu ít thôi, sọ tốn điện". Có lần Ying còn bảo tôi phải ra khỏi nhà sớm, 7 giờ tối mới được về vì manager sẽ tới xét nhà, thấy nhà đông người sẽ bị phạt… nhưng sau đó tôi mới biết là Ying bịa ra để chọc phá tôi mà thôi. Buổi hôm đó, làm về 2 giờ chiều, báo hại tôi phải lang thang trong mall, muốn tìm một chỗ để ngủ mà không biết đi đâu.
Từ lúc về ở chung với mấy bà Phi này tôi ngủ rất ít vì hay bị phá rầy.
Rồi thứ bảy, chủ nhật bạn bè người Phi tới party nhảy đầm liên miên. Người Phi sống cởi mở lắm nhưng nhảy đầm không phải là thú vui của tôi.
TINA
Chịu không thấu sự ồn ào, tôi giã từ mấy bà Phi và dọn về sống chung với Tina, cô bạn làm cashier ở Burger King. Tina, là người Mỹ dễ chịu, mập mạp, tóc hoe vàng. Tina đang ở một mình, thỉnh thoảng có ông bồ người Iran đến ở lại.
Ngày đầu sống với Tina, tôi đã ngủ được một giấc ngủ rất ngon mà không bị ai quấy rầy. Hàng ngày hai đứa đi bộ từ nhà đến Burger King khoảng nửa tiếng đồng hồ, vừa đi vừa trò chuyện cho nên con đường dài cũng được thu ngắn lại. Tina cũng có cha mẹ nhưng bỏ đi sống tự lập rất sớm, ông bồ là người Iran lái xe taxi.
Sống với Tina được vài tháng tôi lại phải xa cô và kiếm roommate khác vì Tina phải dời về Garland. Ông bồ Tina đã chìu ý gia đình mà cưới một cô vợ cùng xứ. Thấy Tina đau khổ, tôi cũng an ủi cô và hứa có dịp sẽ qua Garland thăm cô.
CHRISTINA
Christina cũng là người Phi, đạo công giáo, đàng hoàng hơn mấy bà roommate trước của tôi. Christina làm kế toán, giỏi anh văn, có ông anh nhưng không thích sống chung mà muốn sống tự lập. Tôi và Christina hai đứa chia nhau 2 phòng ở gần Burger King. Sau này chúng tôi dời nhà thêm 2 lần nữa. Christina là người bạn sống chung với tôi lâu nhất và đã chia sớt với tôi nhiều kỷ niệm. Cô không có bạn trai và tôi cũng không thấy cô đề cập đến đời sống tình cảm của cô.

XIN ĐỪNG LÀM BÀ MAI
Tánh tôi cũng hay bao đồng, thân mình không chịu lo, cứ lo chuyện thiên hạ cho nên nhiều khi gặp phải rắc rối.
Mấy năm trước có chuyện buồn phiền, bèn cùng chị bạn đi xem bói ở Santa Ana. Ông thầy nhắc nhở "số bà lận đận lắm, nhớ đừng bao giờ đi làm mai cho ai nghe" Thầy ơi, phải chi biết thầy sớm thì đỡ khổ cho tôi rồi. Tôi nhớ lại chuyện xảy ra khi còn ở chung với Christina cách đây mười lăm mười sáu năm.
Christina cô bạn của tôi, nước da ngăm đen, mắt huyền với mái tóc chấm ngang lưng trông khỏe mạnh và duyên dáng hơn tôi nhiều. Cũng như tôi cô chưa có ai và rất khó khăn trong việc chọn bạn nên đã gần 30 rồi mà còn độc thân. Sống với nhau lâu, tôi biết cô là người đàng hoàng nhưng tánh tình cương nghị hơn tôi, tôi thì mềm như bún nên nhiều khi hay bị cô chỉnh hoài.
Mỗi cuối tuần tôi đều đi ngang đi ngửa trong mall. Tôi còn một công việc bán thời gian, dư thì giờ nên làm chơi cho vui, đó là bán hàng ở quầy giải khát của General Cinema.
Y là người Puerto Rico, nhân viên bán hàng gần chỗ tôi làm việc. Gặp tôi, y thường chào hỏi, vì lịch sự nên tôi chào lại rồi lần lần quen nhau.
Sau khi đôi lần thăm hỏi, y muốn biết nhà tôi để tới chơi. Từ chỗ y đứng bán, tôi chỉ cho y thấy khu apartment xa xa chung quanh mall, đó là nơi tôi ở. Y xin địa chỉ và tôi cho nhưng cũng không nghĩ là y tới. Tôi nhớ tới Christina và nghĩ thầm nếu y gặp cô, tôi sẽ làm mai cho hai người quen nhau, vì tôi thấy y cũng tử tế hiền lành.
Chiều chủ nhật đó khoảng 3 giờ, y tới kiếm tôi, Christina đang ngủ trong phòng. Cô mê ngủ lắm.
Tôi mở cửa cho y vào và mời y ngồi chơ, nói là ngồi cho phải phép, chớ tụi tôi nghèo lắm, TV không có, bàn ghế cũng không, ngồi ăn cơm thì trải tờ báo dưới đất mà ăn. Tôi xin lỗi y và mời y ngồi chơi... dưới đất.
Sau đôi câu trò chuyện, tôi tính đứng dậy để chạy vào đánh thức Christina, thình lình y đè tôi xuống. Tôi có vùng vẫy, nhưng càng vùng thì y càng đè mạnh hơn. Người y nặng chịch trên người của tôi làm tôi muốn nghẹt thở. Tôi nghĩ tới Christina, giờ này đang làm gì, mê ngủ quá không chịu ra cứu bồ. Bàn tay y lần lần mò xuống váy tôi. Đúng lúc đó tôi bật lên tiếng khóc, tiếng nấc thì đúng hơn vì tiếng khóc bị mắc nghẹn bởi khối thịt đè. Có lẽ tiếng nấc của tôi làm y tỉnh giấc, y buông tôi ra, tôi ngồi dậy thở dốc… y lầm bầm mấy câu xin lỗi rồi bỏ đi, sau khi nói mấy câu vớt vát "tôi phục cô lắm". Y có vẻ sợ hãi, đi như chạy. Nếu tôi gọi cảnh sát thế nào y cũng bị tù về tội hãm hiếp nhưng tôi không làm. Từ đó tôi rất cẩn thận mỗi khi giao du với người lạ và nhất quyết không bao giờ làm mai Christina cho ai nữa.
Christina ở trong phòng không hay gì cả. Khi tỉnh dậy, tôi kể mọi chuyện cho cô nghe và cô cũng ngán ngẫm. Mong rằng, cô bớt ngủ một tý cho tôi được nhờ!

QUYỂN THÁNH KINH VÀ HAI NGƯỜI BẠN MỸ
Thứ bảy, chủ nhật, mấy bà roommate của tôi hay tổ chức party. Tôi tham dự nhưng không cảm thấy hứng thú vì tôi không biết và cũng không thích nhảy đầm.
Trong đám quan khách được mời, lần đầu tiên tôi gặp Robert và Marc, hai người Mỹ, hàng xóm của chúng tôi. Cả hai vì lịch sự mà tham dự cho tôi biết cả hai cũng không thích cái không khí ồn ào, nhộn nhịp này đâu. Robert làm manager cho Blooming dale, còn Marc làm cho Radio Shack. Tôi không đoán được họ bao nhiêu tuổi. Qua cử chỉ điệu bộ thấy họ còn trẻ, còn qua nét mặt, thấy họ có vẻ già. Robert để râu bồm xồm, nước da trắng hồng, tóc vàng quăn tít, lúc suy nghĩ điều gì thì vầng trán xếp li thành từng rãnh, nhưng lúc mỉm cười thì nụ cười thật hiền lành dễ thương với hàm răng trắng tinh. Marc thì bị tật ở tay và chân thì đi cà nhắc. Trông Marc còn con nít lắm (Robert thì chín chắn hơn) mỗi lúc nói chuyện thì hay đưa tay lên ngoáy lỗ mũi nên hay bị Robert la hoài.
Cả hai là dân New York. Robert ở Rochster, còn Marc ở Brooklyn. Họ bỏ gia đình về Texas để kiếm việc. Thì giờ rảnh, cả hai nghiền ngẫm thánh kinh, đi nhà thờ, đi rao giảng đạo và có một cuộc sống rất đạo hạnh. Họ không uống rượu, không hút thuốc, không có bạn gái, bật tivi lên thì chỉ coi có những đài giảng đạo. Họ theo đạo cơ đốc. Christinanity.
Không thích ồn ào ở nhà, tôi thường nghe theo người hàng xóm đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật. Tôi là Phật giáo nhưng tôi cũng thích nghe giảng về các tôn giáo khác, vả lại tôi cũng muốn qua đó, trau dồi thêm Anh văn, và còn nữa, nhạc ở nhà thờ hay lắm các bạn ạ.
Lúc tôi bị thương ở Burger King, ngày mở băng Robert giúp chở tôi đến nhà thương và vui vẻ, kiên nhẫn ngồi chờ mà không hề phàn nàn một câu. Sau đó không biết Robert kiếm được ở đâu một quyển thánh kinh bằng tiếng Việt và đem đến cho tôi, trang trong có lời đề tặng như sau:
4/30/85
Ann mến,
Chúng tôi hy vọng rằng cuốn thánh kinh này sẽ đem đến cho chị một sự hiểu biết lớn lao về Chúa kính yêu của chúng ta. Xin nhớ rằng: "Đức tin đến bằng sự người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của đấng Christ được rao giảng" (Romans 1017) chúng tôi cầu nguyện rằng chị sẽ tiếp tục tìm kiếm Đức Chúa Trời rằng ngài sẽ ban phước cho chị với sự an bình, tình thương yêu và làm mới đức tin trong con của ngài.
Chúng tôi sẽ luôn luôn yêu mến chị,
Người anh em Marc và Rob.
Lần đầu tiên tôi đọc quyển thánh kinh bằng tiếng Việt, tôi rất thích thú. Tôi thích nhất là phần Tân Ước, càng đọc càng thấy háo hức muốn tìm hiểu thêm. Sau đó tôi mua thêm một cuốn thánh kinh bằng tiếng Anh, đi đâu tôi cũng mang theo hai quyển để dễ dàng đối chiếu.
Tục ngữ Việt nam có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" câu đó rất đúng. Bây giờ nhớ lại, tôi rất tự hào là tuy đời sống vật chất của tôi lúc đầu rất thiếu thốn nhưng bù lại, đời sống tâm linh của tôi rất là dồi dào! Ngoài giờ học, tôi hay đi theo hai người bạn Mỹ, qua đó tôi quen thêm nhiều người bạn Mỹ khác cũng rất tốt và có một niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa.
Tiếng Anh của tôi cũng tiến bộ rất nhanh, tuy nhiên chỉ là những câu xã giao thông thường, còn bắt tôi giảng hay nói như trong thánh kinh thì eo ôi, còn khó quá. Như câu "con lạc đà chui qua lỗ kim" làm sao mà nói cho đúng đây" Thường thì tôi nghe nhiều hơn nói. Các bạn còn bắt tôi cầu nguyện nữa chứ, mỗi lần như vậy tôi rất lúng túng vì tôi không phải là người nói hay và cũng không hay nói.
Sau này tuy tôi đã dời nhà hai ba lần nhưng mối liên lạc của tôi đối với hai người bạn này vẫn được duy trì. Tất nhiên chỉ trên phương diện học đạo mà thôi (với tôi còn là học tiếng Anh) chớ Marc và Rob không bao giờ thố lộ, tâm sự gì với tôi về tình cảm cá nhân. Cả hai cho là những gì liên hệ đến tình cảm, như tình yêu giữa trai và gái là tội lỗi, là xác thịt (flesh) cần xa lánh. Điều đó khiến có lúc tôi hiểu lầm đó là gay, nhưng sau đó tôi mới biết điều đó không đúng. Có lẽ cả hai thuộc loại hơi cuồng tín, không tưởng nên nhiều khi có những quan điểm không bình thường.
Có lần, tôi nghe Robert nói "Không ai có thể chia xẻ tình yêu của tôi với Đức Chúa Trời" và thường cố đè nén tình cảm của mình.
Robert nấu ăn rất giỏi, làm bánh rất khéo và đối với tôi rất đàng hoàng, lịch sự, tế nhị. Tôi rất vui mỗi khi đến chơi chỉ có tôi và hai người bạn, khi đó tôi được săn sóc tỉ mỉ. Nhưng những lúc có người bạn khác, có Peggy, có Karen thì tôi bị bỏ quên vì người Mỹ với nhau họ dễ trò chuyện, dễ cảm thông với nhau.
Hai người bạn của tôi, họ rất gần nhưng cũng rất xa tôi. Họ không bao giờ để ý đến tâm tư, tình cảm của tôi. Những lúc làm việc quá mệt nhọc, học hành quá căng thẳng, tôi chỉ muốn có một chỗ dựa, tôi cần một lời an ủi, nhưng không thể dựa vào vai họ. Tôi có bạn nhưng vẫn cô đơn "hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghĩ" (Matthew 11:28). Vâng, Chúa thì quá xa, bạn thì ở gần. Bạn thuộc lòng thánh kinh nhưng bạn không thực hành những gì bạn đã học được. Người khát, bạn không cho uống, người đói bạn không cho ăn, chỉ đứng đó mà cầu nguyện thôi. Bạn của tôi, đừng giận tôi nhé. Phải nói thật bạn là người không tưởng, quá rời xa thực tế…
Tôi xa bạn tôi đến nay đã hơn 14 năm. Hy vọng thời gian sẽ giúp hai bạn trở nên chững chạc, chín chắn hơn. Nếu ngày nào đó, gặp lại cả hai, không biết tôi sẽ nói câu gì đầu tiên" Có lẽ là "tôi nhớ các bạn lắm" các bạn đã cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm, trong sáng mà tôi sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời.

LỜI KẾT TẠM
Tôi nhớ một câu hát trong một bài ca của hướng đạo "Bát cơm tuy vơi mà đầy khổ cực đắng cay", dù cuộc sống ở Mỹ không dễ dàng nhưng đất nước này đã cống hiến nhiều cơ hội cho người có ý chí, có nghị lực để đạt tới thành công. Ai cũng phải trải qua những bước đầu khó khăn nhưng từ từ mọi người đều sẽ ổn định. Hãy nhớ cái may mắn của mình, đừng nghĩ tới nổi bất hạnh đã xảy ra để làm mình chùn bước.
Tôi nhớ lúc xưa, mỗi lần thấy tôi buồn bã, Christine thường hay cằn nhằn "Tại sao bạn phải than thân trách phận như vậy"" khó khăn trải qua đã rèn luyện con người tôi trở nên tự tin, lanh lẸ, cứng rắn hơn và giúp tôi thành công nhưng quan trọng hơn giúp tôi thành nhân.
Trần Tú Anh
11/20/01

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,575
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Năm 2016, bà nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới đây kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Sau đây, thêm một bài viết về trại tù cải tạo ở biên giới Việt-Hoa. Bài đăng 2 kỳ.
Với bút hiệu Trần Như Nguyện, tác giả hiện là phóng viên truyền thông cho một số báo Việt và Đài Truyền hình tại Hoa Kỳ. Định cư Mỹ 27 năm, nhưng đến 2017 lần đầu tiên tham gia Việt Báo và đã đoạt giải Đặc Biệt VVNM 2018 với tác phẩm " Mẹ Lúa, cơn bão Harvey ". Sau một năm vắng bóng, nay cô xuất hiện lại với bài viết thứ tư dự thi.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn.
Mừng nước Mỹ tuyên bố Độc Lập từ 1776, mời đọc bài viết mới của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín. Bà cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tu. Bài viết cho thấy tác giả bắt đầu thêm một chặng đường mới với cách nhìn, cách viết chín chắn sâu sắc hơn. Bài đăng 2 kỳ, bắt đầu bằng “Chuyện Con Bé Tuổi Mùi”. Mong bà tiếp tục.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước khi ông còn ở Việt Nam và đã nhận giải đặc biệt 2005. Hiện tác giả đã an cư tại Hoa Kỳ và đây là bài thứ hai ông viết từ quê mới.