Hôm nay,  

Thưa Hai Ba, Hai Má Đã Là Công Dân Mỹ

24/10/200100:00:00(Xem: 214996)
nguyenha2

PHOTO: Các cụ bà cụ ông “dùi mài kinh sử” để thi quốc tịch Mỹ tại trường Hội Cộng Đồng VN.


Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Vào ngày giỗ ba tôi, trong khi má lâm râm khấn vái, tôi nghe cụ nhắc đến mấy chữ ''quốc tịch Mỹ.'' Chắc má đang khoe với ba đây mà.
Tới phiên má chồng tôi thi xong quốc tịch. Ngày giỗ ông bố chồng, tôi biểu ông xã “Lát coi nghe. Em cá khi thắp nhang, thế nào má cũng “báo cáo” với ba chuyện quốc tịch Mỹ.” Đúng boong. Bắt quả tang cụ bà khoe quốc tịch Mỹ với cụ ông, hai đứa cười quá.
“Thi quốc tịch thì có gì mà khoe.” Những người trẻ tuổi, đang đi học, đi làm chắc đều thấy vậy. Nhưng đối với hai bà cụ Việt Nam chưa từng biết và học qua tiếng Mỹ, thì chuyện thi quốc tịch quả là khó khăn, không chừng còn khó hơn những sĩ tử ngày xưa phải ”vượt vũ môn” vì nói cho cùng, các vị trạng nguyên bảng nhỡn ngày xưa đâu phải thi với giám khảo... Mỹ.
Chuyện bảng vàng quốc tịch đề tên hai cụ bàvậy là quá lớn. Không khoe, chịu sao cho thấu" Biết được thành tích này, cả hai cụ ông hẳn là phải phục lăn!
*
Lúc đầu, má tôi nhất định không chịu trau giồi kinh sử để đi thi quốc tịch. Má nói, ''Má không đi thi quốc tịch đâu, tiền già không lãnh được thì thôi chứ má nhát lắm, hổng dám đi học tiếng Mỹ.'' Có lúc bị chúng tôi thúc giục đi học ESL, má còn giận dỗi, ''Thôi được rồi, tụi bay không muốn nuôi má, bắt má phải đi thi để được lãnh tiền già thì để má đi giữ em bé cho ngườI ta kiếm tiền vậy. Tụi bây khỏi mất công nuôi má nữạ'' Sợ hết hồn, chúng tôi chịu thua, không nhắc đến chuyện thi quốc tịch nữa.
Nhưng rồi cuối cùng má cũng chịu đi học, không phải nhờ tài thuyết phục của chúng tôi, mà là nhờ ba. Năm đó, mấy bữa trước ngày đám giỗ ba, có mấy ngườI hàng xóm đi ghi danh học ESL ở HộI Cộng Đồng Người Việt, rủ má đi theo chơi. Lúc về nhà, chúng tôi thấy má buồn hiu. Đến lúc giỗ ba, má đứng khấn vái lâu lắm. Rồi mắt vẫn không rời khỏi bức hình ba trên bàn thờ, má nói:
''Bửa hổm tới trụ sở cộng đồng, thấy mấy ông bà già ngồi học chung với nhau, má nhớ ba tụi bay quá. Hồi ổng còn, ổng nói với má là nếu được đi Mỹ, nhất định ổng sẽ đi học cho giỏi tiếng Mỹ. Ba tụi bây ham học lắm. Ổng còn nói là sẽ dẫn má theo, bắt má phải đi học chung với ổng nữa.''
Giọng nói của má thấy nghèn nghẹn. Chờ hồi lâu cho má bớt xúc động, hai chị em tôi nháy nhau, ''khích tướng'' má:
''Bây giờ ba không còn để dẫn má đi học, nhưng má mà đi học tiếng Mỹ cho biết là ba sẽ vui lắm đó. Má mà vô được quốc tịch Mỹ thì ba lại càng vui hơn nữa.''
Má không nói gì, hai mắt đỏ hoe, bỏ đi chổ khác. Hôm sau, má biểu hai chị em tôi chở má đi đăng ký học ESL ở Hội Cộng Đồng Người Việt Orange Countỵ
Ngay ngày đầu đi học về, má đã ... hỏi thăm sức khỏe hai chị em tôi, ''Hello, How are you"'' Hai chị em đứng cườI hì hì, má nhất định không chịu, ''Tụi con phải trả lờI là 'I am fine, thank you,' rồi hỏi lại má 'How about you"' theo như cô giáo má dạy mới đúng chứ.''
Má học siêng lắm, tối nào cũng mở tập sách ra ''practice English,'' bỏ luôn cái thú coi video cải lương vào buổi tối. Má còn ''practice English'' với hai chị em tôi nữa chứ.
''Nè, tụi con hỏi má câu này đi.''
''Câu gì vậy má" À, how many children do you have"” Tôi hỏi má.
''I have two daughters. They are very nice,'' má trả lời, nhìn hai chị em tôi cười trìu mến.
Trong lớp, má là học trò giỏi, dẩn đầu ''đội tuyển nữ.'' Vậy mà hai chị em tôi cứ lo lắng là má sẽ học không được. Chúng tôi “kỳ thị” má như vậy là tại Ba...
Ở má, ba mê nhất là tài nấu ăn. Ba thường hay kể cho chúng tôi nghe chuyện ông Táo đã làm mai cho ba và má. Ngày xưa, ông ngoại và ba cùng làm việc ở Nha Thủy Lâm. Ông ngoại được cấp một căn nhà ngay cạnh nơi làm việc. Từ cửa sổ phòng làm việc của ba nhìn ra là căn bếp của nhà ông ngoại. Ngày qua ngày, Ba vừa làm việc vừa nhìn thấy má lui cui nấu ăn, bàn tay cứ thoăn thắt xắt, gọt, chiên, xào, rồi ngửi mùi đồ ăn thơm điếc mũi bay sang văn phòng... Chịu hết nổi, Ba liền lân la đến làm thân với ông ngoại, xin đến nhà ăn cơm. Thế rồi ba xin cướI má đem về nhà luôn, để tha hồ nhìn, ngửI, và thưởng thức.
Phục tài nấu ăn của má bao nhiêu thì ba lại ''khi dể'' tài học của má bấy nhiêu. Có lần, ba chê má đến nỗi bị má “phựt đèn màu” và “xuống xề”à ca luôn sáu câu vọng cổ (mỗi lần má làm mặt giận thì ba gọi là ''phựt đèn màu,'' còn cằn nhằn dai dẳng là ''xuống xề' 'rồi ''ca sáu câu vọng cổ''; Ba giải thích: ''Má tụi bay mà giận là mặt đổi màu, còn đã nhằn ba rồi thì tỉ tê dài thoòng đâu thua gì người ta hát... sáu câu).
Chuyện xảy ra từ tuồng cải lương ''Tiếng trống Mê Linh.'' Lúc Thi Sách (đang bị quân Tàu bắt) nghe báo tin ''chiến thuyền của Trưng Trắc đã bao kín mạn sông Dâu,'' Thi Sách-Thanh Sang đắc ý cười ha hả, khen ngợi Trưng Trắc-Thanh Nga: ''Phu nhơn ta tài lắm.'' Ba tôi cũng cười ha hả, đến gần xoa đầu má tôi và phán: ''Phu nhơn ta ... bết lắm.'' Câu phán của ba nghe ''kêú' quá, y như là nhịp gõ song lang, nhưng mà .. . gõ trật nhịp. ''Ba còn quay qua cười cười với hai chị em tôi: ''Thiệt mà, phu nhơn của ba học bết lắm, mà còn nhát hít nữa, sợ đi học và sợ ra chỗ đông ngườI thấy mồ, đâu có tài như phu nhơn của Thi Sách.'' Sau lần đó, chúng tôi bị ám ảnh với cái câu ''phu nhơn ta bết lắm'' của ba, lúc nào nói tới học hành cũng nghĩ là má ''bết''.
Cả ba lẫn hai chị em tôi đều nghĩ sai bét về ''phu nhơn của ba.' Má vừa là ''trò giỏí' vừa rất được ''thầy yêu, bạn mến.'' Má ham đi học lắm, và lần nào đi học về má cũng kể đi kể lại chuyện trường lớp cho chúng tôi nghe. Lớp má có đủ thứ chuyện vui buồn chứ đâu có chán phèo như mấy lớp học của chúng tôi, đám sinh viên ''cẳng đau' (college) mạnh ai nấy... chạỵ
Trong lớp má, đa số là mấy bác HO lớn tuổi. Các bác không những học giỏi mà còn tổ chức những sinh hoạt trong lớp thật hay, y như những lớp học đầy tình nghĩa thầy trò ở Việt Nam ngày xưa, làm cho cô Karen, cô giáo ngườI Mỹ, vừa cảm động vừa ''lé mắt'' trước truyền thống tôn sư trọng đạo của các học sinh lão thành Việt Nam. Vào các ngày lễ lớn như Tết, Christmas, Thanksgiving, các bác tổ chức rất long trọng, có làm lễ chào cờ, đọc diễn văn cám ơn cô giáo. Thanksgiving, cô Karen được tặng một con gà tây quay thật to. Ngày Tết, mỗi bác học trò cho cô giáo một bao lì xì. Có lần, cô Karen bị giựt giỏ xách và trượt té trong shopping mall, phải nghỉ dạy mấy ngày. Các bác học trò của cô buồn hiu, than vớI nhau: ''Cô giáo của mình tốt quá mà lại gặp nạn.'' Các bác hẹn nhau đi chợ, mua cam và chả lụa mang đến thăm cô. Nhìn những người học trò tóc hoa râm lui cui gọt cam, xắt chả lụa cho cô ăn, cô giáo ngườI Mỹ cảm động quá, nói với các bác, ''I am very lucky to be your teacher.''
Từ lúc đi học, chúng tôi để ý thấy má cứ lo đi hỏi xin báo cũ, lượm vỏ lon nước ngọt, vỏ chai bia đem về nhà cất. Lạ quá, không lẽ má định mở... vựa ve chai. Thì ra, má gom những thứ này để đem cho một bạn học của má, bác Ba. Ngày nào bác Ba cũng đi khắp nơi thu lượm báo cũ và vỏ lon chất đống trên chiếc xe Toyota đời ''một ngàn chín trăm hồi đó'' của bác, rồi lại hì hục khiêng lên chất trong căn apartment nhỏ hẹp của hai vợ chồng già. Khi nào đủ số, bác đem bán lấy tiền giúp đỡ cho những gia đình HO mới từ Việt Nam qua, thường là những người bạn cũ của bác. Biết chuyện bác làm, mọI người trong lớp đều lo gom góp ''ve chaí' đem cho bác.
Bên cạnh những chuyện riêng, có một chuyện chung mà các bác trong lớp má rất lo lắng cho nhau, đó là chuyện thi quốc tịch. Mỗi lần có người trong lớp đi thi là những ngườI khác đều hồi hộp, sốt ruột chờ kết quả để cùng chia xẻ buồn vui và học hỏi kinh nghiệm. Có lần, một bác trong lớp đi thi, các “bạn đồng môn” chờ suốt cả ngày hôm sau vẫn không thấy bác vào báo kết quả. Mấy bữa sau, con trai của bác mới vào lớp báo tin là bác đang ở trong... bệnh viện. Thì ra, từ phòng thi ra bác vừa đi bộ vừa lâng lâng nhớ đến lúc được ông Mỹ, nhân viên INS, bắt tay và nói, ''Congratulation! You are US. citizen now.'' Mải vui, không hề để ý gì đến xe cộ chung quanh nên bác bị xe tông ngọt xớt, cũng may là chỉ bị xây xát nhẹ.
''Thấm thoát ba mùa thu lá bay; hàn sinh nuốt lệ, kinh sử đợi chờ ngày...'' Má đã trau dồi kinh sử ngót ba năm trời. Bắt chước ba, hai chị em tôi chọc má: ''Má giống hàn sĩ Trần Minh trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa quá hà, dùi mài kinh sử đúng ba năm thì gặp hội long vân, phải lai kinh ứng thí.'
Càng gần ngày ''lai kinh ứng thí,'' má lại càng ''dùi mài kinh sử'' dữ dộị Má cặm cụi viết mấy chục thẻ 3x5, một bên là câu hỏi và một bên là câu trả lời. Hể rảnh tay một chút là má lại lật tới lật lui, lẩm nhẩm trả lời: ''The national anthem is the Star-Spangled Banner, the thirteen colonies are New York, New Jersey, Virginia ...'' Mặc dù vẫn là ''phu nhơn nhát hít'' của ba, má đã cố gắng bặm gan bắt chước ''phu nhơn của Thi Sách,'' 'xung phong lên đứng trước lớp để được phỏng vấn thử, vì má nghĩ là ''tập trước như vậy cho quen, bây giờ run trước thì tới khi ông Mỹ phỏng vấn chắc sẽ đỡ run.''


Tape luyện thi quốc tịch ra rả suốt ngày không ngừng, ngay cả lúc má nấu bếp. Tape luyện thi này má gọi là ''băng yes-no” vì có đầy đủ những câu hỏi yes-no sẽ được hỏi trong kỳ thi oral. Trong nhà, suốt ngày, hai chị em tôi phải nghe những câu ''Have you ever been a member of ...'' Một đêm, em gái tôi đang ngủ, tự nhiên ngồi bật dậy la lớn ''No!'' Thì ra trong giấc mơ, em tôi thấy một ông Mỹ to kềnh chỉ tay vào mặt nó và hỏi nó có liên hệ gì với .. . phát xít Đức không.
Đến ngày lên ''kinh,'' tức là Hội Cộng đồng người Việt, ứng thí, má đã vượt qua kỳ thi viết ngon lành. Trong bài thi viết, má viết hai câu tiếng Anh, nói lên cảm tưởng sau ba năm ''đèn sách'': ''I like to go to school'' và ''I love my teachers and my classmates.''
Vào kỳ thi nói, nhờ luyện nghe mấy câu hỏi ''yes/no' hầu như 24/24, má đã ''say no' và''say yes'' đúng chỗ. Ông Mỹ phỏng vấn còn hỏi đúng ngay câu tủ của má: ''How many children do you have"'' Má trả lời vui vẻ, cũng vui như bao lần má nghĩ tới hay nói về hai chị em tôi: ''I have two daughters. They are very nice.”
*
Má ruột tôi vừa ''xếp bút nghiên'' thì lại đến lượt má chồng tôi phải lo chuyện ai là tổng thống Mỹ, một ông tổng thống được ngồi ở Nhà Trắng tối đa là bao nhiêu năm, và những thứ khó nuốt khác.
Ngồi trước mớ tài liệu mà cô thư ký ở Hội Cộng Đồng Người Việt vừa dặn dò má phải học thật thuộc, má chồng tôi chép miệng thở dài. Với giọng buồn buồn, má nhắc tới ba:
''Hồi còn ba tụi bây, má cũng đã lo tới cái vụ quốc tịch này rồi, tại vì lúc đó người ta đồn là không có quốc tịch thì không được lãnh tiền già. Với lại má nghĩ là mình sống ở Mỹ thì cũng nên là dân Mỹ chính thức. Má hỏi ý kiến ba con, chờ ổng gật đầu thì hai vợ chồng già sẽ cùng nhau đi học. Ba bây có tú tài của Tây mà, ổng học giỏi lắm, học chung với ổng thì má đỡ ngán hơn nhiều, thế nào ổng cũng dạy cho má. Chưa gì hết, ổng đã đi rồi!''
Rồi má im lặng, mắt nhìn xa xăm, đẩy mớ tài liệu ra xa, không buồn lo tớI mấy ông tổng thống Mỹ nữạ Má đang nhớ ba...
Ngày xưa, má là con một ông Hội Đồng giàu có ở Bạc Liêu. Có nhiều cậu công tử Bạc Liêu đã hỏi cưới má, nhưng má đã gạt bỏ quí vị công tử để theo nâng khăn sửa túi cho ba, một ông thầy giáo nghèo. Má chọn ba vì nể tài, mến đức, và vì ''cảm'' anh thầy giáo dáng cao gầy, phong thái ung dung điềm đạm, có đôi mắt sâu chứa đầy tình cảm khi nhìn má.
Suốt sáu mươi năm, lúc nào ba má cũng là một cặp vợ chồng ''phu xướng phụ tùy,'' đúng như truyền thống từ thời xa xưa. Lần này, cái vụ học thi quốc tịch lại do má ''xướng.'' Chắc là ba thấy... ngộ ngộ, nên ba hay chọc má: ''Mấy con coi, bà cụ già Việt Nam chính tông nhà mình lại muốn trở thành công dân Huê Kỳ. Ngộ không"” Mặc ba chọc ghẹo, má vẫn chờ ba ''tùy” để rồi hai vợ chồng già sẽ cùng nhau “giùi mài kinh sử”. Nhưng ba đã bỏ đi xa một mình, trước khi kịp gật đầu với má.
''Má học bài tới đâu rồi" Em đã dò bài cho má chưa"'' Ông xã tôi từ ngoài cửa bước vô, miệng nói oang oang làm má giật mình.
Kéo mớ tài liệu tới gần, má lại trở về với... mấy ông tổng thống và phó tổng thống Mỹ.
Khác với lúc má ''rủ'' ba cùng học thi, bây giờ má đã lãnh được tiền già rồi. Má phải cố gắng học thi quốc tịch vì má muốn bảo lãnh cho các anh chị chồng tôi, đoàn tụ theo diện PIP, được lãnh thẻ xanh sớm hơn.
Tuy là được thi bằng tiếng Việt, nhưng với một bà cụ tám mươi tuổi, học cho thuộc hết tên của các vị tổng thống Mỹ, rồi số lượng thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, tiểu bang cũ, tiểu bang mới của Hoa Kỳ... đâu phải là chuyện dể. Thấy má học mấy cái tên Mỹ khó khăn quá, ông xã tôi phiên âm ra thành những tên Việt Nam rặt ròng cho má dễ học: ông Clinton là ông Linh Tân, bà Sanchez là bà Sang Chớ. Nghe má phát âm, mấy ông bà nhân viên INS chắc là phải nghe một đoán... mười).
Soạn ra từ mớ tài liệu, má ghi lại những điểm cần nhớ vào một tờ giấy, bỏ vào cái áo túi của má. ''Bửu bốí' này là vật bất ly thân của má, đi đâu hay làm gì má cũng nhớ lấy ra, lẩm nhẩm học. Má học cho đến khi tờ giấy bửu bối nhàu nát thì cũng vừa đến ngày thi. Theo má kể lại, nhờ thuộc lòng tên tuổI các vị tổng thống, má được ông Mỹ khen ''very good'' nhiều lần.
Con đường đi đến Convention Center ở Los Angeles để tuyên thệ ''nhậm chức'' công dân Mỹ đối vớI những bà cụ già Việt Nam thật là dài, càng dài hơn khi những cụ ông đã bỏ đi xa. Cuối cùng, hai bà má của tôi cũng đã đi đến nơi, đã được hòa giọng cùng những công dân Mỹ mới toanh của hàng chục sắc dân khác nhau, cất lời thề trung thành với Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tuyên thệ ''nhậm chức'' công dân Mỹ rồi, hai má vẫn không quên con đường dài và gập ghềnh dẫn đến Convention Center. Thỉnh thoảng gặp nhau, vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa ăn bánh, uống trà, hai cụ lại nhắc đến mái trường xưa, tức là Hội Cộng Đồng Người Việt. Đối với hai cụ, trụ sở cộng đồng chắc không kém gì trường Quốc Tử Giám ngày xưa; Quốc Tử Giám thì chuyên đào tạo những sĩ tử đoạt bảng vàng Trạng Nguyên, Bảng Nhỡn, còn mái trường cộng đồng thì giúp cho những cụ cao niên đoạt bảng vàng... Quốc Tịch Mỹ.
Có “miếng trầu làm đầu câu chuyện” các cụ ôn lại thành tích “dùi mài kinh sử Mỹ” càng lúc càng rôm rả. Bà xuôi này nói... xuôi theo bà xuôi kia:
''Mèn ơi, bà chị giỏi thiệt, từng tuổi này mà còn học nổi hết ba cái mớ lịch sử, chính trị của tụi Mỹ.''
''Bà chị cũng giỏi dzậỵ Chị đi học và đi thi toàn bằng tiếng Mỹ không hà, chèng đéc ơi!''
Rồi hai bà xuôi nhìn nhau cười hể hả, làm đám con cháu ngồi xung quanh cũng thấy vui lây với cái vui của hai bà cụ ''Vietnamese-American''.
Đến kỳ bầu cử tổng thống, hai bà công dân Mỹ cùng hăng hái rủ nhau đi bầu. Bằng giọng háo hức mà lo lắng, hai cụ hỏi nhau.
''Hình như bên Mỹ này nó bỏ phiếu bằng máy, chứ không phải bỏ lá phiếu vô thùng như ở Việt Nam đâu, phải không chị"”
“Máy chớ chị, Mỹ mà.”
“Vậy làm sao tui biết đường nào mà lần"''
''Không sao đâu bà chị ơi, tui nghe tụi nhỏ nói là cứ chọn tên rồi bấm vô mấy cái nút trên máy cũng giống như mình xài... mai-cơ-quay (microwave) vậy đó. Xài mai-cơ-quay là nghề của mình mà.''
Ngày bầu cử, hai cụ ăn mặc chỉnh tề, xách theo ô trầu, rủ nhau đi bấm nút... microwavẹ Má tôi nói, ''Đi bầu cử mà hông thấy phải đi học tập trước để bầu cho ai. Đi bầu kiểu này, gặp ba mày chắc ổng khoái lắm. Hồi đó ở Việt Nam, mỗi lần bầu ba cái Hội Đồng Nhân Dân là ổng quạu đeo hà. Sáng sớm loa phát thanh của phường kêu inh ỏi, rồi tổ trưởng, công an khu vực tớI nhà năm lần bảy lượt bắt phải đi bầu, thiệt là mệt. Làm công dân xứ tự do sướng thiệt.''
Và rồi... September 11, 2001. ''Freedom has been attacked'' (President Bush).
Giống như những công dân Mỹ ''chính hiệu,'' những người không cần phải thi cử gì cả cũng được làm công dân Mỹ, hai bà má tôi, cùng với cả cộng đồng Việt Nam, cũng đau chung nỗi đau của toàn nước Mỹ.
Hôm đó, lần đầu tiên má tôi bỏ bếp núc lạnh tanh. Suốt ngày, má ngồi lặng trên ghế theo dõi TV, đài CNN. Vốn ESL ít ỏi của má chưa đủ để nghe đài Mỹ. Biết Việt Báo có ra ấn bản đặc biệt buổi chiều về vụ khủng bố, má gọi phone bắt mua báo về cho má đọc. Đọc cong, má than ''Trời ơi, chỉ có mười mấy đứa không tặc mà làm cho hàng trăm người trên máy bay và hàng ngàn ngườI khác chết tức tưởi.''
Buông tờ báo xuống, nhìn ra mảnh vườn nhỏ sau nhà có trồng mấy loại rau thân thuộc của quê hương như rau đắng, rau lang, rau mồng tơi..., má nói nhỏ, ''Nước mình loạn lạc bao nhiêu năm, đã thấy biết bao nhiêu người chết rồi. Qua tới xứ Mỹ này là chổ yên ổn nhất, vậy mà... ''
Thình lình má đổi giọng, gọi cô em tôi, “Út à Út, Nhà mình phải treo cờ. Mai con nhớ mua cờ Mỹ cho má.”
Hôm sau, vừa thấy cô em đi làm về má hỏi ngay, “Cờ đâu, con”. Nghe con nhỏ than đi khắp nơi tìm không ra cờ, má bứt rứt ra mặt “Ông ba` Xì Mít hàng xóm treo cờ rồi. Nhà mình thì lặng thinh. Kỳ thiệt, sao mình sống ở Mỹ mà trong nhà lại không có cờ Mỹ. Con ráng di tìm thêm dùm má.”
Có vẻ không tin con em, má bốc phone gọi thăm bà xuôi. Chăng biết hai cụ bàn tán gì mà hôm sau đến phiên chính ông xã tôi cằn nhằn, “Cái bọn Mỹ kỳ thiệt, anh đi tìm khắp nơi không chỗ nào còn cờ.”
Nhà hai bà má cách nhau nửa giờ lái xe. Má chồng tôi sống ngay vùng Little Saigon, nơi có đầy khí thế của những ngày biểu tình, những đêm thắp nến. Ngày nào hai bà xuôi cũng gọi nhau hỏi thăm tin tức và thúc dục mua cờ. Tìm lá cờ Mỹ không ra, cô em tôi phải lấy mẫu cờ từ internet, mang ra Kingko in thành lá cờ giấy, dán tạm lên cửa nhà.
Có lẽ nhờ má chồng tôi có ''khí thế'' hơn, thúc dục mạnh hơn, nên mới đây, thấy ông xã tôi ôm về hai lá cờ Mỹ chia đủ cho hai nhà.
Hai bà xuôi thăm nhau, nhìn lá cờ sao xọc tung bay trươc cửa nhà, hài lòng ra mặt. Hình như oai lực của lá cờ làm các cụ công dân Mỹ gốc Việt không phải lo về bọn khủng bố nữa.
Như lệ thường, sau khi thắp nhang trước bàn thờ, hai cụ lại vui vẻ với “lá trần làm đầu câu chuyện.”
“Bà chị nhớ bà Tám Đầu Bạc hông, cái bà cùng đi tuyên thệ quốc tịch Mỹ với mình...” Má chồng tôi nói.
A, lại chuyện đi thi quốc tịch Mỹ. Bà xuôi nọ lại sắp nói... xuôi theo bà xuôi kia, cùng khen nhau giỏi.
Và, biết đâu, ở một nơi xa xăm vô hình nào đó, hai ba của tôi, hai ông xuôi, cũng sắm sửa vài xị rượu nếp thang, mấy con khô nướng, dăm trái xoài sống, rồi vừa “lai rai ba sợi” vừa hàn huyên tâm sự với nhau. Cao hứng, hai cụ sẽ ca mấy câu vọng cổ mà Thi Sách-Thanh Sang đã ca lúc sắp vĩnh biệt phu nhơn của ông: ''Phu nhơn ơi! Khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự thì ba lạy tạ từ của phu nhơn cũng đã tròn tình vẹn nghĩa ...'' Và rồi, khi nhắc tới hai bà hiền nội, nay đã là ''ngườI Mỹ gốc Việt'', thế nào hai ông cụ cũng sẽ cười khà khà, gật gù khen ngợI: ''Phu nhơn ta tài lắm!''

Nguyễn Hà
9/2001

Kính dâng hương hồn hai Ba.
Kính tặng hai Má, món quà muộn mừng hai Má đã là công dân Mỹ.

Ý kiến bạn đọc
17/12/202107:08:48
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">fastest delivery of cialis</a> cheap cialis
17/11/202114:45:51
Khách
buy cialis online <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis coupon</a>
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến