Hôm nay,  

Ân Nhân

01/10/200100:00:00(Xem: 205730)
Bài tham dự số: 02-362-vb70929


Đời tôi mang ơn rất nhiều người. Nếu chỉ kể từ ngày gia đình chúng tôi rời quê hương năm 1975 đến trú ngụ ở Mỹ quốc này cho đến nay, số ân nhân đếm không hết.
Nói tới ân nhân, ai cũng nghĩ ngay tới những cá nhân hay hội đoàn bảo trợ mình. Thông thường, những người độc thân hay những gia đình ít người được những gia đình khá giả hay hội đoàn Mỹ bảo trợ. Trường hợp gia đình chúng tôi đông, phải ở trong trại tỵ nạn lâu, may thay vào tháng 9/75 mới được một Hội Đồng Tôn Giáo (Council of Churches) bảo lãnh. Hội Đồng này gồm trên mười người, đứng đầu là hai vị lãnh đạo tinh thần, linh mục Công Giáo và mục sư Tin Lành. Trách vụ được phân chia cho từng toán nhỏ, nên chúng tôi cũng không biết ai là vị ân nhân chính. Chúng tôi đều mang ơn tất cả. Nhưng đặc biệt hơn hết, vị ân nhân tôi xin kể chuyện sau đây, đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống chúng tôi, đó là Ông Chủ của tôi.
Tháng này cách nay đúng 26 năm, gia đình chúng tôi xuất trại tỵ nạn Indian Town Gap/ Pennsylvania, đến cư trú ở Greenville/ New York do Hội Đồng Tôn Giáo nơi đây bảo trợ. Đến nơi nhằm ngày Thứ Bảy cuối tuần, được nghỉ hai ngày. Sáng thứ hai tôi được hướng dẫn đi xin việc làm. Nói đúng hơn là chỉ tới nơi điền giấy tờ mà thôi, mọi sự đã được hội đồng bảo trợ sắp đặt trước cả rồi.
Ngày mai lại, thứ ba, tôi bắt đầu đi làm việc tại hãng "Becker Electronic Loudspeaker System". Như danh xưng, hãng này chuyên sản xuất các loa phóng thanh đủ loại, có cả nhãn hiệu Nhật nữa, như Kenwood. Các hãng có đặt hàng ở đây, họ phái nhân viên đến ăn ở tại chỗ, để theo dõi và kiểm soát trước khi nhận hàng. Còn Becker là tên ông chủ hãng.
Ngày đầu làm việc đứng trong một hàng ráp nối (assembly line) tôi hết sức bỡ ngỡ vì cái gì, điều gì đối với tôi cũng mới lạ cả. Nhưng điều tôi mong mỏi nhất, là được thấy mặt ông chủ, để xem dung nhan ông ta như thế nào.
Là nhân viên hạng bét với lương tối thiểu, làm gì có cơ hội gặp mặt ông chủ. Có chăng, chỉ mong ông chủ xuất hiện khi đi quan sát hãng xưởng. Thỉnh thoảng tôi nghe gọi trên máy phóng thanh Mr Al Becker, Mr Bob Becker đến văn phòng có việc cần, tôi rất háo hức, đoán rằng ông chủ đang quanh quẩn đâu đây. Nhưng suốt mấy ngày tôi đều thất vọng, chẳng thấy tăm hơi ông chủ đâu cả. Tôi bèn đánh bạo hỏi mấy nhân công làm chung bên cạnh, Al Becker, Bob Becker là ai" Họ trả lời là hai người con của ông chủ. Vậy tên ông chủ là gì" Tôi hỏi tiếp, họ nhanh nhẩu đáp là Fred Becker. Cái tên này thì chưa hề nghe gọi trên máy phóng thanh bao giờ.
Một tuần lễ sau, trong lúc tôi đang chăm chú ráp mấy cục nam châm vào loa phóng thanh một cách cẩn thận. Khi ngừng tay, ngẩng đầu lên, tôi thấy một người đứng bên cạnh, ông ta vừa cất tiếng "Hello Mr Tran" vừa đưa tay ra bắt và tự giới thiệu "I am Fred Becker". Tôi hết sức bất ngờ và lúng túng, chỉ đáp lại "Good morning, Sir. I am sorry..." rồi bỏ lửng câu nói, vì sự chạm mặt quá đột ngột, tôi không biết nói gì. Hơn nữa hoàn cảnh và tình trạng lúc đó không cho phép tôi nói nhiều, vì đường dây ráp nối (belt line) ác liệt kia vẫn xoay chuyển đều đặn, mà tôi chưa đủ giỏi để vừa nói chuyện vừa làm việc. Hễ chậm tay chút xíu, thì công việc đang làm dở dang đã đi chuyển sang nơi khác.
Có lẽ ông chủ thấy tôi làm việc một cách lúng túng, nên chỉ đứng chốt lát, rồi đi nơi khác ngay. Tôi chưa kịp nhìn kỹ dung mạo thì ông đã quay lưng, thật đáng tiếc. Nhìn đằng sau, khổ người ông to lớn, tóc đen, trạc tuổi chừng năm mươi.
Mãi đến 6 tháng sau, sự mong mỏi của tôi mới được như ý. Nay tôi đang làm công việc mới, vừa thử máy vừa kiêm luôn kiểm phẩm (quality control) là giai đoạn áp chót trước khi đóng hộp gởi đi (packing & shipping). Hôm đó tôi đang làm việc tại phòng thử (testinng room) vừa nghe chuông reo, tôi ngừng tay nghỉ giải lao 15 phút tại chỗ, bỗng nghe tiếng gõ cửa phòng, tôi vội vàng đến mở và gặp ngay ông chủ, tôi liền mời ông vào bên trong.
Bắt tay chào hỏi xã giao xong, ông chủ mới hỏi tôi có thích công việc đang làm hay không" Nếu như ông hỏi câu này ngày tôi mới nhận công việc này thì thật khó cho tôi trả lời, nhưng nay tôi đã thành thạo, lương khá hơn và nhất là làm việc một mình trong phòng kín, khỏi chường mặt ra ngoài làm mục tiêu cho mọi người nhìn ngắm một cách soi mói, nên tôi đáp không ngập ngừng, rằng rất thích. Trong lúc trò chuyện tôi nhận thấy ông chủ có ý quan sát phòng làm việc của tôi. Trong phòng thử này luôn luôn có đôi ba cái loa hư hỏng nhẹï, tôi sẽ sữa chữa trước giờ tan việc, trên bàn cũng như trên kệ nhỏ sát vách có đủ loại dụng cụ và vật liệu cần thiết cho việc sữa chữa, mọi thứ đều ngăn nắp. Trao đổi qua loa vài ba câu chuyện, rồi ông chủ chào tôi và rời khỏi phòng, có lẽ ông sợ làm mất thì giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi quý báu của tôi.
Một hôm khác, nhằm giờ nghỉ trưa lâu đúng một giờ đồng hồ, ông chủ ghé lại nói chuyện với tôi tại phòng thử. Lần này ông không hề đề cập đến công việc, cũng không nhìn ngó dọc, ngó ngang đồ đạc trong phòng, mà nhìn thẳng mặt tôi nói chuyện hết sức bình thản, ông yêu cầu tôi nói chuyện tại Hội Sư Tử (Lions Club) vào kỳ họp tới. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, ngở ngàng thì đúng hơn, vì nhiều lẽ không tiện nói ra, nên hết sức từ chối. Nhưng ông cứ cố thuyết phục tôi mãi và bảo, ông là đương kim chủ tịch của Hội Lions Club này. Nghe vậy, thật khó mà từ chối tôi đành nhận lời.
Bây giờ chúng tôi đi thẳng vào vấn đề, về địa điểm và ngày giờ, riêng phần đề tài, ông chủ yêu cầu tôi nói về Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam War). Tôi trả lời, rằng đề tài này quá rộng lớn vì tầm quan trọng của nó, tôi không đủ khả năng để nói hết các khía cạnh, hoặc vì ý kiến chủ quan của tôi sẽ gây hiểu lầm ở các cử tọa, mà theo tôi thầm nghĩ là những thân hào nhân sĩ của địa phương này.
Sau một hồi bàn luận, tôi đề nghị với ông chủ đề tài giới hạn là: "Tại sao chúng tôi đến đây"" (Why did we come here"). Muốn cho ông chủ vui lòng, tôi giải thích rằng, trong đề tài này, phần đầu tôi sẽ đề cặp sơ qua đến chiến tranh Việt Nam. Nghe vậy, ông chủ bằng lòng. Sỡ dĩ tôi chọn đề tài này vì trước đó tôi nghe nhiều nơi có đồng bào mình đến tỵ nạn, dân địa phương đều hỏi: "Tại sao lúc này yên giặc rồi mà các ông đến đây làm gì"" Tôi muốn nhân cơ hội này nói cho các người địa phương biết, vì tôi thiển rằng, dầu có nói vấn đề gì đi nữa, đến phần vấn đáp thế nào cũng có ngưới nêu lên câu hỏi này.
Nhận lời rồi, bây giờ tôi mới bắt đầu lo lắng vì nhiều lẽ như tôi nêu ở trên, như: Tôi không thông thạo Anh Ngữ, lại phát âm không đúng, sợ cử tọa không hiểu, điều ái ngại kế tiếp là tôi không có quần áo ăn mặc chỉnh tề, vì lương ít không đủ sống, còn đâu sắm nổi quần áo mới, gia đình ăn mặc toàn đồ cứu trợ. Đang lo xoay sở, thì một bà phước (catholic Sister) tên Ghislena, mang lại cho tôi một cái áo choàng bằng nỉ và một cái cà vạt mới toanh, tôi mặc vào vừa vặn. Tôi nghi ngờ, nên gạn hỏi, bà phước trả lời đây là quà tặng của một dân dã (folk). Tôi tạm tin vì bà phước là nguời liên lạc giữa gia đình chúng tôi và Hội Đồng Tôn Giáo. Áo quần tạm giải quyết, giờ đây chỉ còn lo đề tài phải trình bày. Kể ra cũng vất vả, nhưng còn đủ thì giờ để chuẩn bị.
May thay buổi nói chuyện tại hội sư tử lần đó tuy gay cấn, nhưng tôi cũng vượt qua được, nhờ nắm vững con số thương vong của quân nhân Mỹ và chứng minh được sự liên hệ vào chiến tranh Việt nam của các chính phủ Mỹ trước đó. Bởi vậy tôi liền nói thẳng, nay mất nước (vì tế nhị nên tôi không dùng danh từ bại trận) nếu ở lại sẽ bị giết chết hay tù đày vì chúng tôi là thành phần chống kháng. Tôi lợi dụng danh từ tắm máu (blood bath) để diễn tả, hồi đó báo chí Mỹ hay dùng danh từ này để nói lên sự trả thù của cộng sản đối với thành phần quốc gia sau khi họ chiến thắng. Có lẽ ông chủ vừa ý về buổi nói chuyện này của tôi, nên ông đã dẫn tôi giới thiệu với một vài người bạn của ông ta, khi tôi thuyết trình xong và trước khi ra về.
Chừng vài hôm sau buổi nói chuyện lần đó, tôi được gọi lên văn phòng trình diện ông chủ. Tôi rất hồi hộp và lo lắng, không biết chuyện gì đã xảy ra, sợ nhất là số hàng hóa được gửi trả lại vì kiểm phẩm sơ sót, trách nhiệm của tôi. Vừa đi vừa suy nghĩ vẫn vơ, đến khi bước chân vào phòng thấy ông chủ rất bình thản, không có vẻ gì bất mãn cả, tôi mới yên tâm. Chào hỏi xong, tôi được mời ngồi. Qua một vài lời xã giao rồi mới vào đề tài chính, ông chủ cho hay là sẽ chỉ định tôi làm trưởng toán của "Ca" chiều (evening shift Chief). Như đọc được ý nghĩ của tôi khi tôi chưa kịp trình bày lý do từ chối, ông chủ tiếp rằng, ông tin tưởng khả năng của tôi và mong tôi nhận lời. Suy nghĩ, tôi nhận thấy đây là cơ hội tốt, thiết thực nhất là sẽ được tăng lương. Tôi nhận lời và hứa sẽ cố gắng. Điều tôi e ngại là sợ có sự ghen tỵ giữa đám công nhân, vì biết bao nhiêu người thâm niên, đầy đủ khả năng và tư cách hơn tôi. Nhưng tại sao ông chủ lại chọn tôi"
Bước ra khỏi phòng, trở lại làm việc, đầu óc tôi suy nghĩ miên man. Tôi tự hỏi, phải chăng đây là kết quả của buổi nói chuyện cũa tôi tại Hội Sư Tử hôm nọ"
Một vài tháng sau, hãng bành trướng, mở thêm Chi Nhánh (Annex) cách hãng chính 25 miles. Ông chủ giao cho tôi điều hành Chi Nhánh này. Trách nhiệm này không những nặng nề mà còn là một thử thách đối với tôi về phương diện giao tế, vì có một số công nhân không thích một người khác giống điểu khiển họ. Nhưng tôi nhận biết đây là sự nâng đỡ đặc biệt của ông chủ đối với tôi, nên tôi vui vẻ nhận lời, không có ý nghĩ tìm lời từ chối.

Thời gian này gia đình tôi đang trải qua mùa đông thứ hai trên đất Mỹ. Tuy nay lương khá hơn trước nhiều, nhưng cũng không đủ cho mọi phí khoản, nhất là tiền mua nhiên liệu để đốt máy sưởi mấy tháng lạnh mùa đông. Ban đầu mới đến tuy lợi tức ít ỏi, nhưng nhờ sự trợ cấp dồi dào trong sáu tháng đầu nên mức sống trong gia đình sung túc. Nay mọi trợ cấp ấy đều ngưng, gia đình tôi đang gặp khó khăn, phải cắn răng chịu đựng. Trong nhà chỉ có hơi hơi sưởi ấm từ 7 giờ chiều đến 7 giờ sáng mà thôi, để cho con cái khỏi lạnh trong lúc chúng có mặt tại nhà. Ban ngày chúng đi học, tại trường có đủ hơi ấm. Còn những người khác ở nhà thì quây quần bên lò sưởi đốt củi, ngay cả khi ngồi ăn. Tiền mua củi đốt cũng là một món tiền lớn.


Cảm thông những khó khăn của chúng tội, ông chủ đã cho phép đặc biệt chỉ một mình tôi, được lấy những mảnh gỗ vụn của hãng về đốt lò sưởi hay sửa chữa nhà cửa. Đây là những mảnh gỗ thừa rất đẹp, dùng làm loa phóng thanh (cabinet) nhưng vì một vài khiếm khuyết rất nhỏ nhặt, như sứt trầy đôi chút hay kích thước sai lệch một vài ly. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng còn sai hai người con chở tới cho chúng tôi một vài xe củi, nhưng cũng không thấm vào đâu vì lò sưởi này đốt củi liên tục hơn sáu tháng trong mùa lạnh.
Nhà chúng tôi nằm trên đồi, xây cất trên 80 năm, hệ thống sưởi bằng các ống dẫn nước nóng rất cũ kỹ. Nhà gồm 4 phòng ngủ trên lầu: phòng ăn, phòng khách và gia đình ở tầng giữa, ngoài ra thêm phòng dưới nữa (basement). Muốn đủ ấm phải mất $300.00 / tháng về nhiên liệu, vì mỗi tuần lễ tiêu thụ hết một bình chứa 150 gallons, giá $.51/gallons, giá hồi đó. Nhà có hai bình chứa như vậy.
Bỗng một hôm xe lại tiếp tế nhiên liệu như thường lệ, nhưng không giao phiếu trả tiền (invoice). Họ cho biết Mr Becker thanh toán rồi. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, liền điện thoại trình bày với ông chủ, rằng không dám nhận sự trợ cấp lớn lao này. Và cảm thấy xấu hổ vì không nuôi nổi gia đình. Ông chủ bảo rất thấu hiểu và thêm rằng cần phải có hơi nóng 24/24 giờ về mùa lạnh, nếu không, người nhà sẽ đau. Tôi cũng biết và mong được như vậy, nhưng không đủ khả năng. Cuối cùng ông trấn an tôi là chỉ giúp một lần thôi. Việc tiếp tế nhiên liệu hằng tuần sau đó đều đặn, nhưng sau đó cứ cách một tuần lễ tôi mới trả tiền một lần, còn lần kia do Hội Đồng Tôn Giáo giúp đỡ. Tôi hơi nghi ngại hỏi lại thì hai vị lãnh đạo tinh thần đều xác nhận như thế. Tôi rất yên lòng.
Không những thiếu ấm, mà còn thiếu ăn nữa. Đối với gia đình chúng tôi hồi đó, thịt bò là xa xỉ. Chỉ về mùa đông mới được ăn ngon, là những lúc bắt gặp những đùi bò, đùi heo hay những giỏ trái cây đầy ắp để trước cửa nhà. Biết có người nhằm giúp đỡ, họ dấu tên nên cũng đành chịu không cách gì tìm biết được.
Mùa rét mướt cũng nhằm ngày lễ Thanks giving hay Christmas, tất cả nhân công của hãng đều được cấp phát một con gà tây và một hộp thịt "ham". Bao giờ tôi cũng lãnh phần gấp đôi, một phần lãnh nhận trước mặt công nhân, phần thứ hai ông chủ phái người mang lại cho tôi taị nhà.
Có một hôm nhằm mùa Thanksgiving, cả gia đình tôi đang quây quần bên lò sưởi, bỗng nghe tiếng bấm chuông cửa. Tôi vội vàng ra mở, bất chợt ông chủ xuất hiện dưới trời mưa tuyết. Ông mặt áo bành tô hai tay khuỳnh ra như võ sĩ mặc áo choàng đứng trên đài. Tôi vội vàng mời ông vào nhà, nhưng ông từ chối, nói hôm nay weekend là ngày vui của gia đình tôi, ông không dám làm phiền, chỉ xin ghé lại biếu chúng tôi hai con gà tây và ngỏ lời chúc mừng nhân dịp Thanksgiving. Tôi vừa cám ơn thì ông quay bước. Chúng tôi ai nấy hết sức cảm động, sững sờ, đứng trong cửa sổ nhìn ra cho đến khi ông chủ lái xe khuất bóng sau màn tuyết trắng.
Một sự việc khác cũng bất ngờ nữa, vào những ngày lễ lớn trong năm, gia đình chúng tôi thường nhận được một số tiền mặt (cash) năm chục hoặc đôi ba trăm đựng trong phong bì nằm trong thùng thơ của chúng tôi bên cạnh đường. Tôi có hỏi bà phước Ghislena nhiều lần, cũng chỉ được bà trả lời rằng, đó là Ơn Trên giúp đỡ.
Vùng chúng tôi ở cách New York City đúng 180 miles chính Bắc, sát rặng núi Catskill, nhà cửa rất thưa thớt, ở lẫn trong rừng. Nai hươu chồn thỏ ở sát nhà dân chúng. Đường sá giao thông chật hẹp. Mùa đông, bão tuyết thường làm ngã đổ cây cối, cản trở lối đi hoặc làm mất điện lực của từng vùng. Nhiều hôm hãng chúng tôi phải đóng cửa vì hai trở ngại này, nhân công nằm nhà. Nhưng tôi vẫn lãnh lương đủ, tôi tưởng ai cũng như vậy. Nhưng có một hôm tôi nghe được công nhân than vãn, lãnh lương kỳ này ít quá vì tuần qua hãng đóng cửa mất ba ngày. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, đây là một đặc ân nữa ông chủ dành cho tôi.
Trong suốt thời gian làm việc ở đây 4 năm, công việc của hãng cũng có lúc thịnh khi suy. Tôi cũng đã nhiều lần cầm giấy sa thải màu hồng trao cho các nhân công thuộc quyền với bao nổi chua xót. Nhưng tôi và nhà tôi sau này cùng đi làm, không bị nghỉ việc trong mấy đợt sa thải.
Mặc dầu cuộc sống vật chất của gia đình tôi trong những năm kế tiếp khá giả hơn. Nhưng khí hậu Greenville này quá lạnh lẽo về mùa đông, chúng tôi không chịu nổi, thường hay đau ốm, nhất là mấy đứa nhỏ thường hay chảy máu mũi vì khí hậu bên trong nhà quá khô do hơi nóng tạo nên, không có lối thoát vì các cửa đều đóng kín. Bởi vậy chúng tôi quyết định dời đi nơi khác.
Thật là ngại ngùng khi nghĩ đến việc phải trình diện ông chủ để xin nghỉ việc. Nhưng rồi cũng đến lúc phải đối diện. Lần gặp gỡ này chính ông chủ là người ngạc nhiên sau khi nghe tôi trình bày lý do. Ông chủ vẫn nghĩ rằng vì túng thiếu nên vợ chồng chúng tôi mới xin nghỉ việc, để đi nơi khác có cơ hội tốt hơn. Bởi thế ông bảo tôi cho tôi biết nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình tôi. Tôi thành thật nói ra, trong lúc ông cầm bút ghi và lấy máy tính ra bấm, rồi bảo đảm sẽ tăng lương cho hai vợ chồng chúng tôi ngang với mức nhu cầu. Nhưng tôi vẫn một mực xin nghỉ việc vì đã quyết định. Ông chủ có vẽ miễn cưỡng trả lời rất tiếc về việc chúng tôi phải rời khỏi hãng của ông.
Còn hai tuần lễ nữa mới chính thức đến ngày chúng tôi thôi việc. Trong thời gian này ông chủ có gặp tôi hai lần và khuyên chúng tôi ở lại. Tôi đã dứt khoát, cuối cùng ông chủ chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi và mời vợ chồng chúng tôi đi ăn một bữa cơm tối.
Đúng hẹn, ông bà chủ lại đón chúng tôi đến một nhà hàng sang trọng, cách chỗ chúng tôi ở trên 30 dặm. Trong lúc ngồi ăn, ông chủ hỏi chúng tôi dự định đến nơi nào và đã co công việc làm gì chưa" Tôi thành thật trả lời rằng chúng tôi cũng chưa quyết tâm sẽ tái định cư ở đâu, nhưng chắc chắn sẽ tìm một miền nắng ấm, tránh cái lạnh cắt thịt về mùa đông, còn công việc chưa có gì hết. Khi nghe nói vậy ông bà chủ hết sức sửng sốt, cho rằng hành động của chúng tôi mạo hiểm và liều lĩnh. Ông bà có vẻ lo lắng khi biết gia đình chúng tôi nay mai đến chổ mới không ai bảo lãnh như trước, sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính chúng tôi cũng hiểu điều này.
Suốt thời gian dùng bữa, câu chuyện chỉ xoay quanh nên rời đi hay ở lại. Chúng tôi hết sức cảm động về các lời khuyên nhủ quí báu cũng như phân tách xác đáng của ông bà chủ, khi nói tới một trường hợp gia đình đông con đến sinh sống ở một nơi xa lạ, qua kinh nghiệm sống của gia đình lớn ông bà từ Đức quốc sang lập nghiệp tại xứ này cách nay nửa thế kỷ. Ông bà chủ như muốn kéo níu thời gian, bằng cách ăn xong còn mời chúng tôi sang quầy rượu uống thêm vài ly nữa.
Tiệc nào dầu vui mấy rồi cũng tan. Khi ông bà chủ chở chúng tôi về đến nhà vào đúng nữa đêm. Theo phép lịch sự, chúng tôi mời ông bà vào nhà cho đỡ lạnh. Ông bà không vào bên trong, nhưng đứng ở cổng nói chuyện thêm vào phút nữa, rồi bắt tay thật chặt để từ giã. Vừa buông tay ra chưa kịp quay đi, ông chủ bảo hãy khoan, đợi một phút. Vừa nói ông vừa đưa tay vào túi áo choàng, lấy trao cho tôi một phong bì, và bảo đây là giấy giới thiệu và "bonus". Giấy giới thiệu rất cần thiết cho tôi khi đến xin việc làm ở sở mới, thế mà tôi cũng quên mất, khờ ngốc chi lạ. Còn "bonus" là gì" Tôi chưa hề nghe ai nói đến. Hành động tỉ mỉ này của ông chủ càng làm cho tôi quyến luyến và bối rối, tôi cảm xúc không nói nên lời, chỉ bắt tay một lần nữa rồi lặng lẽ quay bước vào nhà. Khi chúng tôi vừa bước vào tới cửa, ngoảnh mặt ra đường mới thấy xe ông bà chủ khởi hành rồi mất dạng trong bóng tối.
Ngày mai lại, sáng tinh sương, gia đình chúng tôi rời Greenville bằng xe Uhaul, xuôi hướng Tây Nam, vì dự định sẽ cư trú ở Texas hay California, là hai tiểu bang có thời tiết nắng ấm hay ôn hòa. Sau ba ngày đường, chúng tôi ghé lại thành phố Houston, vì nơi đây đang mở mang, để kiếm việc. Đúng vậy, chỉ một tuần lễ sau chúng tôi kiếm được việc làm, tuy không vừa ý lắm nhưng cũng tạm sống qua ngày. Không ngờ chúng tôi đóng đô tại đây cho đến nay đúng 22 năm.
Thời gian sống tại Houston, tôi thường liên lạc với ông bà chủ và những người quen biết trước kia ở Greenville, nhất là với bà phước Ghislena là một trong những người giúp đỡ gia đình chúng tôi nhiều nhất. Mỗi tuần lễ ít nhất hai lần bà đến thăm viếng và quan sát sinh hoạt gia đình chúng tôi. Có những nhu cầu vật chất chưa nêu ra mà bà cũng đoán biết và giải quyết thỏa đáng. Bởi thế tôi tin chắc bà am hiểu rất nhiều giữa gia đình chúng tôi và Hội Đồng Tôn Giáo bảo trợ chúng tôi, nên trước ngày ra đi mấy hôm, tôi đã gặp bà cảm ơn và giã từ, tôi yêu cầu bà trả lời những thắc mắc ấp ủ trong lòng tôi suốt bốn năm qua, như cáí áo choàng và cà vạt, các thực phẩm để ngoài cửa, những món tiền nằm trong hộp thư, do ai tặng" Tiền dầu sưởi hàng tháng do ai trả" Bà cho biết, thực phẩm và các món tiền nhỏ do dân địa phương giúp, những số tiền lớn trăm trở lên cũng như cái áo choàng và cà vạt đều do ông chủ tôi tặng. Tiền dầu sưởi do ông chủ tôi đài thọ. Vì sợ tôi không nhận nên mới nói khác đi là do Hội Đồng Tôn Giáo gánh chịu. Tôi cảm kích ông chủ vô cùng, không những ông đã giúp đở chúng tôi với những món tiền mặt lớn và nhiều chi phí rất tốn kém, mà hành động giúp đở người của ông chủ rất tế nhị, đáng bái phục. Như hôm trao thư giới thiệu và "bonus" vì sợ tôi từ chối, nên vào phút chót ông mới trao ra. "Bonus" là năm tờ giấy $100.00 số tiền này hồi đó đối với gia đình tôi rất lớn. Dĩ nhiên đây là tiền túi của ông chủ tặng. Còn giấy giới thiệu đương nhiên với những lời lẽ khen ngợi, hầu giúp tôi có thể kiếm việc tốt nơi xứ lạ.
Cứ mỗi dịp thiên hạ nao nức mừng Thanksgiving và Christmas, tôi lại nhớ năm nào vào một ngày rét mướt, ông chủ của tôi mặc áo bành tô, đội tuyết, xuất hiện trước nhà, hai tay cắp hai con gà tây, giống như ông già Noel mang quà lại cho gia đình chúng tôi, chỉ có khác là áo bành tô của ông thiếu màu đỏ.
Ông già Noel tượng trưng người hiền đức, giàu lòng bác ái, hay giúp đỡ những kẻ khốn cùng túng thiếu. Đời tôi đã gặp ông già Noel thật, đó là ông Fred Becker, ông chủ và cũng là đại ân nhân của chúng tôi.

Ngày 1 tháng 9 năm 2001.
Trần Phú Cơ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến