Hôm nay,  

Hội Ngộ

13/09/200100:00:00(Xem: 250167)
Bài tham dự số: 02-346-vb20910


Từ phòng khách phi trường, Liên đứng ngồi không yên. Cặp mắt nàng như không lúc nào rời khỏi chiếc phi đạo trải dài phía trước mặt.
Mặc dầu đã được thông báo chuyến bay sẽ đến trễ khoảng 1 giờ, Liên vẫn chăm chú theo dõi mỗi khi thấy có chiếc máy bay nào đáp xuống. Nàng không muốn để cho nguòi hành khách mà nàng đang trông ngóng phải bở ngỡ, hốt hoảng khi tới phi trường mà không thấy nàng ra đón.
Còn một lý do khác nữa là Liên chờ đợi giây phút này đã lâu lắm rồi. Cái giây phút nàng được trùng phùng với chồng và đứa con gái yêu quý lần đầu tiên được gặp cha nó. Cái giây phút kết thúc cảnh sống đơn lẻ của nàng, đem lại hạnh phúc cho đứa con gái đã bao lâu nay thiếu vắng tình phụ tử. Cái giây phút đoàn tụ của gia đình nàng sau nhiều năm ly biệt. Như vậy hỏi làm sao nàng không bồn chồn cho được.
Liên nhớ lại quãng đời dĩ vãng của nàng. Quãng đời có quá nhiều gian truân mà tạo hóa như cố tình bày ra để thử thách tình yêu và đo lường lòng chung thủy của vợ chồng nàng.
Ngày ấy, trên chuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Nha Trang, người ta thấy có một nàng con gái duyên dáng với khuôn mặt trái xoan, cặp mắt bồ câu và mái tóc thề óng ả xõa xuống ngang vai. Sau khi yên vị trên ghế ngồi của mình, nàng ngửa mặt, cố hất ngược mái tóc dài ra phía sau. Bất chợt nàng bắt gặp ánh mắt của một chàng trai từ hàng ghế đối diện. Bốn mắt nhìn nhau nhưng không ai nói một câu. Từ lúc đó, hai người cố làm ra vẻ như không để ý đến nhau. Kỳ thật thì mỗi người đều theo dõi "đối tượng" rất kỹ đến nỗi bất cứ một cử chỉ nào của người này đều bị nguòi kia dò xét, nắm bắt. Thái độ im lặng và theo dõi lẫn nhau kéo dài gần suốt cuộc hành trình, mãi cho tới khi con tàu chạy tới bờ biển Cà Ná thuộc địa giới Phan Rang.
Gió mát thừ biển thổi vào đã lôi kéo cả hai nguòi đến sát khung cửa sổ để cùng nhìn ra ngoài. Và đang khi con tàu uốn khúc bên bờ biển xanh thì một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra trước mắt họ khíên cả hai cùng buột miệng kêu lên:
-Ồ, Đẹp quá!
Nói xong, cả hai đều thấy tức cười vì cùng có một ý nghĩ và cùng nói lên ý nghĩ đó một lượt. Cũng kể từ lúc đó, hai người bắt đầu làm quen với nhau. Người con trai tự giới thiệu:
- Tôi tên Phong, còn cô"
- Em tên Liên- người con gái giới thiệu tên mình.
Cuộc trò chuyện giữa chàng và nàng được khởi sự, lúc đầu chỉ bằng những câu nói bâng quơ qua lại, không đâu vào đâu nhưng về sau càng lúc càng có vẻ ăn ý và trở nên hào hứng hơn. Hai người say sưa nói chuyện đến nỗi tàu đến ga Nha Trang lúc nào cũng không biết. Khi thấy hành khách lục tục kéo nhau xuống tàu họ mới hay cuộc hành trình của họ đã đến điểm cuối. Hai người vô cùng quyến luyến lúc chia tay và họ hẹn nhau sẽ gặp lại.
Phong và Liên đều sống ở Sài Gòn. Liên đi Nha Trang vì chuyện làm ăn còn Phong, do sự ủy thác của mẹ, đến Nha Trang để thăm người dì ruột đang bệnh nặng. Trong những ngày lưu lại Nha Trang, dù mỗi người bận rộn vì có công việc phải làm, hai người cũng cố gắng sắp xếp để gặp nhau vào mỗi buổi chiều. Trong những lần ở bên nhau, khi thì hai người cùng sánh vai trên bờ biển Duy Tân, khi họ đưa nhau đi Hòn Chồng, ghé Tháp Bà . . . Những cuộc hò hẹn như thế vẫn tiếp tục sau khi hai người trở về Sài Gòn.
Sau những cuộc gặp gỡ, trao đổi dần dần hai người hiểu nhau nhiều hơn. Liên cho Phong biết nàng là con gái út trong gia đình, cha nàng là một sĩ quan thuộc chế độ cũ đi cải tạo mới về. Hai năm trước nàng còn là một nữ sinh mười tám tuổi. Vì cự tuyệt lời tán tỉnh của một thanh niên con của một Đảng viên và là cán bộ cao cấp trong tỉnh, nàng bị gây khó dễ và rồi người ta đã tìm được cớ để đuổi nàng, cho dù chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi trng học. Từ đo, nàng bị đẩy vào nghề đi buôn hàng chuyến, phụ với mẹ kiếm cơm cho gia đình. Sau việc nàng bị đuổi học cách oan ức, cha nàng vô cùng uất hận nhưng vì biết thân phận của mình, ông đành phải cắn răng chịu đựng.
Phong cũng bộc lộ với Liên về hoàn cảnh của chàng. Chàng là một giáo viên chế độ cũ bị cho nghỉ vì không đủ tiêu chuẩn làm người "kỹ sư tâm hồn" trong hệ thống giáo dục mới. Chàng muốn vượt biên đểcó cơ hội làm lại cuộc đời nhưng vì nhà nghèo, không có đủ tiền bạc để thực hiện ý định. Cuộc sống của chàng hiện rất bấp bênh, không có một việc làm nhất định.
Mặc dầu mỗi người đều nói về cái "yếu" của mình, họ không thấy đó là khuyết điểm của nhau, ngược lại càng thông cảm và gắn bó với nhau hơn. Tình yêu đã nảy sinh và phát triển giữa đôi trai gái có cảnh ngộ gần giống nhau. Hai người yêu nhau tha thiết, nhưng khi họ có ý định tiến tới hôn nhân thì lại bị phản đối từ cả hai gia đình.
Bà Quang- mẹ Phong- là người theo đạo Thiên Chúa, không đồng ý với lý do gia đình Liên không cùng tôn giáo. Về phía gia đình Liên, mẹ nàng thì sao cũng được nhưng ông Tuấn, cha của Liên không tán thành vì gia đình ông đã nộp hồ sơ xin đi Mỹ theo diện HO, đã có hộ chiếu, chỉ còn chờ phỏng vấn. Ông Tuấn không muốn Liên bị bỏ lại khi gia đình ông được chấp thuận cho đi Mỹ. Phong và Liên vừa năn nỉ, vừa giải thích lại vừa tỏ ra cương quyết nên vấn đề cuối cùng đã được giải quyết với những điều kiện kèm theo.
Mẹ Phong đòi hỏi Liên phải theo đạo. Còn ông Tuấn đặt điều kiện là sau khi cưới, hai người phải kiêng cữ, không được có con và khi gia đình ông được đi Mỹ thì Phong phải chấp nhận để cho Liên đi theo. Khi tới Mỹ sẽ tìm cách bảo lãnh sau.
Đám cưới được ít lâu thì gia đình Liên được gọi phỏng vấn. Ngày vào phỏng vấn, cả nhà đều hồi hộp, chỉ sợ có gì trục trặc. Riêng L;iên vẫn bình thản, không lo lắng gì cả. Không được đi thì càng tốt. Nàng sẽ được cùng Phong xây dựng cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng Liên đã không được toại nguyện. cuộc phỏng vấn trôi qua êm đẹp, không có gì rắc rối. Gia đình nàng được chấp nhận cho đi định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày gia đình Liên lên đường, tuy buồn nát ruột, nát gan, Phong vẫn phải tươi cười để cho vợ ra đi theo đúng lời hứa với ông Tuấn. Nhưng một trong hai điều cam kết trước đây đã không được hai vợ chồng tôn trọng. Họ không kiềm chế được sự chung đụng trong đời sống vợ chồng. Ngày lên đường, Liên đã có thai dù chẳng có ai hay biết. Trước giờ chia tay, Phong ôm chặt Liên, giọng thổn thức nói với vợ:
-Em đi bình yên. Nhớ giữ gìn sức khỏe


- Anh yên tâm. Dù phải chờ đợi bao lâu, em sẽ không thay lòng đổi dạ- Liên nghẹn ngào nói với chồng rồi nàng khóc nức nở cho đến khi bị hối thúc đi vào phòng hành khách cho kịp giờ.
Tới Mỹ, cái bụng của Liên càng ngày càng lớn, không còn che dấu ai được nữa. Nhìn thấy con gái bụng mang dạ chửa, ông Tuấn không được vui. Ông thường buông những tiếng thở dài. Tuy ông không nói ra nhưng cả nhà ai cũng biết ông tỏ ý phiền trách Liên về việc nàng mang thai, không làm theo ý muốn của ông. Ông Tuấn không ghét bỏ gì chàng rể nhưng ông thấy con đường bảo lãnh cho Phong còn quá xa vời. Ông xót xa cho con mình, có chồng mà cũng như không và trước mặt người đời, con gái ông không chồng mà chửa. Thêm vào đó, cuộc sống ở Mỹ không mấy thích hợp với tuổi tác của ông khiến càng ngày ông càng trở nên trầm ngâm, ít nói. Nhiều lúc ông giống như người thất chí.
Thấy cha quá buồn khổ một phần cũng do mình gây ra, Liên bàn với mẹ để nàng đi nơi khác sinh sống, may ra cha nàng không nhìn thấy nàng sẽ được khuây khỏa. Nghe nói có ly,ù bà Tuấn sắp đặt một chuyến đi thăm người bà con ở tiểu bang khác. Hai mẹ con cùng lên đường nhưng chỉ có một mình bà Tuấn trở về, Liên ở lại.
Liên bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống mới. Nàng chăm chỉ làm việc để có tiền lo cho con khi sinh nở và bảo lãnh chồng sau này. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Liên sinh một bé gái. Nàng đặt tên cho con là Thủy như muốn nhắc nhở mình về một lời hứa sẽ thủy chung với chồng. Dù bận rộn vì vừa đi làm vừa phải nuôi con, Liên cũng cố gắng trau dồi thêm Anh ngữ để khi đủ điều kiện sẽ thi vào quốc tịch Mỹ, giúp cho việc bảo lãnh Phong được dễ dàng hơn.
Trong cuộc sống, Liên chỉ nghĩ đến chồng và con. Nàng muốn cho con được đầy đủ và làm sao cho Phong sớm được đoàn tụ. Nàng quên hẳn chính bản thân của nàng. Liên không thích chưng diện và nàng cũng chẳng quan tâm đến việc trang điểm. Dù vậy, nhan sắc của nàng vẫn mặn mà, "gái một con trông mòn con mắt", nàng vẫn là mục tiêu theo đuổi của đám đàn ông con trai trong sở làm. Có kẻ muốn lợi dụng hoàn cảnh đơn chiếc của nàng để thực hiện ý đồ đen tối. Nhưng cũng có chàng thực sự thương nàng, ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ. Trong mọi trường hợp, nàng chỉ khéo léo từ chối. Cũng có người biết rõ nàng đã có chồng nhưng vì muốn ăn đầu heo cũng tìm cách thuyết phục nàng. Liên nghe đầy tai những câu chuyện họ kể với dụng ý xúi bẩy nàng đi lấy chồng.
Họ nói đời người con gái như một đóa hoa, chỉ đẹp một giai đoạn nhất định rồi thì héo úa, tàn phai. Tội gì phải bỏ phí tuổi thanh xuân, tội gì không hưởng thụ khi hãy còn son trẻ. Có người lại nói cứ lấy chồng rồi thỉnh thoảng gửi tiền về giúp Phong cũng được rồi. Hay là nếu tốt nữa thì vẫn lo thủ tục bảo lãnh, khi nào Phong sang Mỹ thì nói cho anh ta biết mình đã có chồng để anh ấy đi kiếm vợ khác có sao đâu. Ở Mỹ này thiếu gì những trường hợp như vậy. Nguòi ta còn nói với nàng nhiều điều nữa nhưng nàng chẳng buồn cãi. Nàng chỉ cười cho qua chuyện.
Những lời bàn ra tán vào của thiên hạ không lay chuyển được Liên, không đủ sức quyến rũ nàng bỏ chồng. Nhưng quả thật có đôi lúc nàng thấy lòng mình xao xuyến. Có những lần nàbg thức giấc giữa đêm rồi thao thức không sao ngủ lại được. Nàng biết nàng cần gì lúc đó. MỘt vòng tay, một hơi ấm và nàng ước gì có Phong ở bên cạnh. Nhiều lúc nàng tự hỏi nàng sẽ phải chờ đợi cho đến bao giờ. Liên sợ cảnh cô đơn lắm, nhất là mỗi khi mùa đông đến. Người ta sợ mùa đông chỉ có một còn Liên sợ gấp đôi . Đối với Liên, ngoài cái lạnh thể xác, nàng còn phải đương đầu với cái lạnh ở trong tâm hồn. Hai cái lạnh này như muốn cấu kết với nhau để xâu xé, để tàn phá đời nàng.
Trong lúc đó thì ở bên kia bờ đại dương, Phong cũng không hơn gì. Chàng nhớ vợ, thương con. Suốt ngày thui thủi một mình như một chiếc bóng. Bà Quang thấy con trai cu ki đơn chiếc cũng thương con lắm nhưng không thể nghĩ đến việc khác. Cuộc hôn nhân giữa Phong và Liên là một cuộc hôn nhân Công giáo, bị ràng buộc bởi những luật lệ của Giáo hội. Chừng nào Liên vẫn còn sống và chừng nào cuộc hôn nhân chưa được hủy bỏ theo đúng luật Giáo hội thì Phong không thể kết hôn với nguòi khác. Liên mãi mãi là vợ của chàng.
Phong cũng nghe người ta nói đủ thứ chuyện. Nào "Xa mặt thì cách lòng" làm sao tin được lòng dạ đàn bà. Nào là đàn bà ở Mỹ ghê lắm, chuyện đàn bà bỏ chồng xẩy ra như cơm bữa. Làm gì có chuyện thủy chung ở Mỹ. Nhiều cặp vợ chồng đã chung sống với nhau hơn nửa cuộc đời, đã có với nhau năm sáu mặt con vậy mà chỉ vì muốn thay đổi "không khí" là đã có thể bỏ chồng đi lấy người khác. Có bà còn đang sống chung với chồng vẫn có quan hệ tình dục với người đàn ông khác, đến khi bị bắt gặp, đưa nhau ra tòa y dị là xong chuyện. Phong chẳng có lý lẽ gì để bênh vực vợ, nhưng trong thâm tâm, chàng vẫn tin tưởng Liên không thuộc loại đàn bà đó. Nàng sẽ vẫn trung thành với chàng.
Thời gian trôi qua, Liên đã làm tất cả những gì nàng có thể làm được để bảo lãnh chồng. Nàng thi quốc tịch Mỹ, chạy dịch vụ, hỏi thăm người này người khác. Nàng không sợ tốn kém, chỉ mong sớm được gặp lại chồng. Nhưng tin tức về ngày đoàn tụ của Phong cứ vẫn biệt tăm. Bé Thủy nay đã được mười hai tuổi, dường như đã quên mất nó có một người cha. Còn Phong vì đã chờ đợi quá lâu cũng không còn hứng thú theo dõi hoặc thăm hỏi tin tức về chuyện đi đứng của mình nữa.Tất cả đều đã quá mỏi mệt, đều như muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận. Giữa lúc đó, tạo hóa có lẽ không còn muốn thử thách hai kẻ chung tình này nữa, Phong được gọi phỏng vấn và rồi được sắp xếp cho lên đừơng trong một thời gian thật ngắn.
Cuối cùng thì những gì Liên trông đợi, giống như chiếc máy bay nàng đang trông đợi cũng đã đáp xuống sân bay. Và kìa từ cửa máy bay, nàng đã thấy xuất hiện bóng dáng người chồng mà nàng đã chờ đợi mỏi mòn. Trong phòng khách phi trường, ba cái đầu chụm lại, sáu cánh tay ông chặt lấy nhau như không muốn để bị chia cắt nữa. Những cặp mắt đỏ hoe giàn giụa nước mắt. Họ đang khóc. Khóc vì sung sướng. Khóc vì hạnh phúc đang nằm trong tầm tay. Khóc vì cuộc hội ngộ đã thành sự thật.
Cuộc hội ngộ của họ đã nói lên một điều. Đó là trong cái thế giới đầy rẫy dối trá và phản bội này vẫn còn có những con người trung thực và vẫn tồn tại những tấm lòng chung thủy.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,186,430
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Hai bà má của tôi -má ruột và má chồng- bây giờ ''ngon lành'' hết biết. Cả hai cụ đã là công dân Mỹ, công dân của một nước ''ngon lành'' nhất thế giới.
Nhạc sĩ Cung Tiến