Hôm nay,  

Thiên, Chàng Trai Nước Mỹ?

10/07/200100:00:00(Xem: 150881)
Bài tham dự số: 02-293-vb0710

Bạn Thiên Vũ (V) sinh năm 1961 tại Đà Nẵng. Tới Mỹ năm 1987. Ngày 29-3-75, khi quân đội Cộng sản chiếm Đà Nẵng anh chỉ mới 14 tuổi, lòng hằng yêu mến thành phố cũ. Bài viết của anh kể về tâm sự một người sau 24 năm xa xứ, tìm về thăm quê hương yêu dấu để thấy quê hương ấy không còn thân thiết với mình nữa. Vì đã có một nữ tác giả viết về nước Mỹ chọn bút hiệu Thiên Vũ trước, để phân biệt, toà soạn phải ghi thêm ký hiệu (V). Bài viết của bạn Thiên Vũ (V) kể 12 năm sau,
+
Đêm đã khuya lắm rồi nhưng Thiên không tài nào ngủ được mặc dầu cơ thể mệt nhoài sau một ngày dài làm việc, cọng thêm việc sắp xếp hành lý chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai. Thiên nằm suy nghĩ vẩn vơ, hết nghĩ về cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình, lại nghĩ về chuyến đi xa ngày mai. Chuyến đi mà Thiên từng ấp ủ hàng mấy năm nay. Mà mấy năm rồi nhỉ" Mười hai năm. Thấm thoát mà đã mười hai năm. Mười hai năm lưu vong. Mười hai năm xa quê hương.
Ngày mai là ngày Thiên trở lại quê hương, vùng trời đầy ắp kỷ niệm, nơi chôn nhau cắt rốn. Tuy đã mười hai năm sống trên đất khách quê người. Thiên cũng không thể gọi mình là người Mỹ, vì chàng là công dân Mỹ nhưng lại không biết hát quốc ca Mỹ. Thiên vẫn thích đá banh hơn là football kiểu Mỹ. Thiên có thể ăn đồ ăn Ý, đồ ăn Tàu, đồ ăn Nhật, đồ ăn Mễ, nhưng Thiên lại không thích đồ ăn Mỹ.
Mười hai năm, những tưởng đã quên hết những gì ở Việt Nam. Nhưng không. Tất cả những tủi hờn cay đắng, những kỹ niệm vui buồn, những ngày tháng cơ cực, đêm nay lại sống dậy mãnh liệt. Cuộn phim quá khứ lại từ từ quay trong đầu của Thiên.
Ngày đó, ngày đổi đời. Ngày mà mọi người gọi là ngày Quốc hận 30-04-75, Thiên còn nhỏ. Thiên đã không nhớ gì về ngày 30-04-75. Nhưng Thiên nhớ rất rõ ngày 29-03-75. Nhớ không bao giờ quên. Đó là ngày mà thành phố Đà Nẵng thân yêu của Thiên rơi vào tay quỷ đỏ. Không phải chỉ riêng gia đình Thiên. Ngày đó Thiên chỉ mới mười bốn tuổi. Thiên chẳng hiểu cọng sản là gì. Chẳng biết cọng sản là ai. Nó ra làm sao mà mọi người tất bật hối hả tìm đường chạy thoát thân. Riêng Thiên lúc đó thật vui mừng không kể xiết. Nhà hàng xóm kế bên đã chạy đi lánh nạn cọng sản để lại nguyên một hồ cá đủ loại lớn bé. Ngày thường Thiên phải dành dụm tiền để mua từng con. Nay Thiên ngồi trước một hồ cá rộng lớn muốn vớt con nào thì vớt, không phải trả tiền. Hỏi không vui mừng sao được. Nhưng gia đình Thiên cũng không ngoại lệ, cũng chạy trốn cọng sản. Những con cá Thiên đã vớt từ hồ cá nhà hàng xóm Thiên phải đau lòng bỏ lại vì mẹ Thiên không cho Thiên mang theo.
Tất cả mọi người trong gia đình Thiên không mang theo một thứ gì ngoại trừ anh em Thiên được mẹ may cho một cái túi nhỏ treo nơi cổ với lời căn dặn “Nếu lạc, trong túi có tiền, hình gia đình và địa chỉ của những người thân, con hãy nói người ta dẫn tới những địa chỉ đó.” Nhưng Thiên và gia đình đã không may mắn trong lần trốn chạy cọng sản đầu tiên đó. Khi gia đình Thiên tới được khu hải quân Tiên Sa thì thấy vô số người máu me thương tích đầy mình chạy ra. Cọng sản đã pháo kích dữ dội, bít lối thoát. Mẹ Thiên sợ quá đành phải dẫn anh em Thiên quay về nhà.
Trên đường về, Thiên đã thấy thật nhiều quân trang cùng với quân hàm, súng ống vứt bỏ hai bên lề đường. Mẹ Thiên lúc đó rất u buồn lo lắng vì đã không tìm được đường thoát thân. Riêng Thiên lại mừng thầm. Thiên lại được nhìn thấy và sống chung với những con cá và còn con chó của Thiên nữa.
Nhưng niềm vui của Thiên không được bao lâu. Khi cọng sản vào chúng buôc mọi gia đình trong cư xá phải dọn ra. Đi đâu" Ở đâu" Sống chết ra sao, chúng không cần biết. Trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ tất cả mọi người phải dọn ra khỏi cư xá. Một lần nữa Thiên phải chia tay với những con cá mà Thiên đã mất công vớt từ nhà hàng xóm và con chó nhỏ của Thiên. Thiên vẫn còn nhớ như in hình ảnh con chó nhỏ vừa chạy vừa sủa, đuổi theo chiếc xe chở gia đình Thiên rời khỏi cư xá. Thật tội nghiệp cho nó nhưng Thiên không thể mang nó theo.
Tiếp theo sau đó là những chuỗi ngày "sung sướng" trên "thiên đường xã hội chủ nghĩa." Ba Thiên chết trong trại học tập cải tạo năm 1976. Thiên thi rớt kỳ thi chuyển cấp lớp 9 lên lớp 10. Thiên phải đi bán bánh mì và sửa xe đạp để kiếm tiền.
Thiên đã chẳng thắc mắc vì sao và vì ai ta nên nông nỗi này. Gia đình Thiên dọn vào Sài Gòn sau khi ba chết. Thiên đã lưu luyến và chẳng muốn rời thành phố Đà Nẵng. Thiên còn nhớ mẹ Thiên đã tìm kiếm Thiên khắp nơi. Khi xe đò chuẩn bị lăn bánh, Thiên mới chịu xuất hiện. Thiên đã lãnh một cái tát tai của mẹ và là người cuối cùng bước lên xe. Thiên thật buồn khi phải xa Đà Nẵng. Hai tiếng Đà Nẵng mà mỗi khi nghe ai nhắc đến, Thiên lại thấy lòng mình chùng xuống, niềm thương và nỗi nhớ lại dâng lên.


Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông, không làm Thiên quên nổi Đà Nẵng. Thiên đã tự hứa với lòng rằng một ngày nào đó sẽ quay về thăm lại Đà Nẵng. Thiên luôn luôn nuôi mộng quay trở về Đà Nẵng. Nhưng Thiên đã phải chật vật làm đủ nghề để nuôi sống bản thân. Thiên đã chẳng có cơ hội nào quay trở lại Đà Nẵng, dù chỉ một lần suốt khoảng thời gian mười hai năm sống ở Sài Gòn. Thế rồi năm 1988, một lần nữa cuộc sống đã đẩy đưa Thiên đi thiệt xa, xa Đà Nẵng hơn nữa. Một lần nữa để trốn khỏi "thiên đường xã hội chủ nghĩa." Thiên đã đến thiên đường Mỹ Quốc.
Lời hứa quay trở lại Đà Nẵng tuy đơn giản nhưng nay lại khó thực hiện hơn. Lại mừơi hai năm nữa trôi qua. Thế là đã hai mươi bốn năm xa Đà Nẵng, không một lần trở lại.
Ngày mai là ngày Thiên thực hiện lời hứa của mình. Quay trở lại Đà Nẵng. Một lời hứa đã ấp ủ hai mươi bốn năm. Thiên vừa mừng vừa lo. Mừng vì cuối cùng mình cũng thực hiện được lời hứa, được nhìn thấy lại thành phố Đà Nẵng thân yêu. Lo là vì không biết số phần mình sẽ ra sao khi đem thân chui trở lại vào hang hùm của bọn quỷ dữ.
*
Không khí thật ngột ngạt và khó thở tại phi trường Tân Sơn Nhất khi Thiên bước ra khỏi máy bay. Không một nụ cười. Không niềm nở chào hỏi như Thiên đã từng thấy tại phi trường Nhật Bản hay Pháp. Không phải chỉ riêng mình Thiên. Thiên đã quan sát chung quanh. Mọi người thì thầm to nhỏ chứ không cười nói lớn tiếng một cách tự nhiên như Thiên đã thấy tại phi trường Nhật Bản.
-Tên gì đấy"
-Thưa tên Thiên ạ.
-Thiên gì"
-Thưa Thiên Vũ ạ.
Mặc dầu trên passport của Thiên có in rõ ràng tên và họ. Không hiểu vì sao anh công an, tên "đầy tớ của nhân dân" này lại xách mé hỏi Thiên một cách xấc xược như vậy. Anh ta hỏi tên Thiên với một giọng điệu như là đang hỏi cung một tội phạm. Có lẽ anh ta muốn chứng tỏ uy quyền của anh ta với Thiên. Nếu như đang ở Mỹ có lẽ Thiên đã la ó và đòi gặp manager để than phiền về thái độ của anh ta. Nhưng ở đây...
Thái độ xấc xược của anh công an cọng thêm không khí ngột ngạt như một cái tát nảy lửa làm Thiên tỉnh giấc u mê và biết Thiên đã đặt chân vào hang quỉ dữ. Quyền sinh tử của Thiên không còn ở trong tay Thiên. Thiên muốn quay trở lại phi cơ để bay về Mỹ nhưng đã quá muộn.

Khi tiến đến quầy kiểm soát của Hải Quan. Như một cái máy theo lời chỉ dẫn của em Thiên, Thiên kẹp vào giữa passport một tờ năm đô la. Mặc dầu Thiên là người luôn chống đối việc đó và đã tuyên bố nếu Thiên có về Việt Nam sẽ không bỏ ra một đồng. Nhưng sau cùng Thiên cũng hiểu ø là mất năm đồng còn hơn mất mạng. Vì Thiên biết bất cứ ai trong đám "đầy tớ nhân dân" của Thiên cũng có thể hạch sách Thiên. Thôi thì vì muốn an thân, Thiên đành nghe theo lời của người em.
Cuối cùng rồi nguyện ước cũng được thực hiện, Thiên lên chuyến xe lửa để trở về Đà Nẵng sau hai mươi bốn năm dài xa cách. Khi xe lửa sắp đến Đà Nẵng, Thiên đã bồn chồn háo hức, hồi hộp như sắp được gặp lại người yêu sau nhiều năm xa cách. Thật không có bút mực nào tả xiết niềm vui của Thiên lúc đó. Vào được thành phố thân yêu cũ, Thiên đã đi lang thang ngắm nhìn từng con đừơng góc phố đến quên cả ăn uống. Thiên đã gắng công tìm cho ra ngôi nhà nơi Thiên đã để lại những con cá và con chó nhỏ nhưng không thể tìm thấy. Khu xóm cũ đã bị phá xập.
Thiên cảm thấy thật là hạnh phúc khi bước chân trên đường phố Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng của Thiên vẫn hiền hòa và êm đềm. Không xô bồ và ồn ào náo nhiệt như thành phố Sài Gòn.
Tới ngày phải giã từ, Thiên thì thầm với thành phố cũ là anh yêu Đà Nẵng và mãi mãi yêu Đà Nẵng.
*
Thiên yêu Đà Nẵng, yêu quê hương, nhưng khi xách hành lý ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, Thiên cảm thấy nhẹ nhỏm và thanh thản như người vừa trút bỏ gánh nặng.
Thật lạ lùng, mâu thuẩn. Khi đang sống ở Mỹ, lúc nào Thiên cũng nghĩ rằng đây chỉ là đất tạm dung. Bên kia bờ đại dương, Việt Nam, đó mới chính là quê nhà của Thiên. Lúc nào Thiên cũng nghĩ về Việt Nam với nhiều nhung nhớ. Nhất là thành phố Đà Nẵng.
Vậy mà khi Thiên tìm về Việt Nam, chàng không còn cảm thấy như mình đã trở về trong vòng tay của mẹ hiền. Trái lại, chàng luôn luôn cảm thấy xa la, cách biệt và không cảm thấy an toàn suốt thời gian lưu lại chính quê hương của mình.
Khi trở lại Mỹ Thiên đã thở phào nhẹ nhỏm, cảm thấy yên tâm như vừa trở về nhà. Đất Mỹ đối với Thiên chỉ là đất tạm dung kia mà. Thiên vẫn biết vậy nhưng chàng đã bắt đầu hiểu thêm là quê hương Việt Nam mà chàng yêu dấu không còn là mảnh đất thân thiết với chàng nữa. Hơn bao giờ, Thiên thấy thấm thía câu nói của nhà văn Georghiu: "Không có nỗi bất hạnh nào hơn nỗi bất hạnh của những người không còn quê hương."
Thiên Vũ (V)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,650,544
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến