Hôm nay,  

Gió Đổi Chiều

27/06/200100:00:00(Xem: 347741)
Bài tham dự số: 02-280-vb0626

Tác giả Nguyễn Hữu Thời đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ, bào nào cũng được viết với tấm lòng tử tế. Trước 75, ông là nhà giáo, là quân nhân (Khóa 18 SVSQTB Thủ Đức) nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Lê Văn Duyệt, tỉnh Quảng Ngãi. Nghề nghiệp hiện tại: Senior Computer Specialist III (Metrum- Datatape Inc, Los Angeles.) Lần này, bài viết của ông là câu chuyện thật về một chú Ba chủ tầu vượt biên trên đất Mỹ.



Trời tối đen như mực, giơ bàn tay ra không thấy, biển bắt đầu động mạnh. Gió thổi cuồng nộ, mưa càng lớn, tiếng sóng vỗ vào mạn ghe dồn dập, chiếc ghe vút lên cao theo đợt sóng, chòng chành rồi đâm vào xuống làn nước như đi sâu thẳng vào lòng đại dương. Những đợt sóng dồn dập như muốn xé nát, nhận chìm chiếc ghe theo biển nước mênh mông.
Liệt dùng hết sức bình sinh của tuổi 28, lúc trả lái, khi bẻ phải, lúc thả lỏng, khi nắm chặt tay lái cố sao cho chiếc ghe giữ được thăng bằng khỏi úp ngược trên mặt biển đen nghịt, thăm thẳm, ghê rợn. Mồ hôi ướt đẫm qua hai làn áo, Liệt dán kỹ mặt vào khung kiếng nhỏ phía trước nhưng chỉ là bóng đêm khiếp đảm, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện.
Tám mươi hai mạng người, lớn nhất là cụ Kỉnh bảy mươi bốn tuổi, nhỏ nhất là cháu Tý mới giáp nôi con của anh chị Bôi, còn cô Phượng đang mang bầu sắp đến ngày sinh. Chồng chị, anh Thụ đã chết một cách mờ ám nơi trụ sở công an huyện. Mấy tháng trước đây Thụ bị gọi lên “làm việc” ở sở công an lý do là khi ăn giỗ ở nhà dì Năm, rượu vào lời ra, Thụ đã nói gì đụng chạm đến cán bộ nên bị buộc tội là làm mất uy tín các cấp lãnh đạo Đảng. Khi chị Phượng được gọi lên nhận xác chồng về chôn, tên công an phụ trách việc thiết lập hồ sơ cho biết chồng chị bị trúng gió độc qua đời “Miệng nhà quan, có gang có thép” và vì “Thấp cổ, bé miệng” chị chỉ biết âm thầm chịu đựng, cố dồn nén thương tiếc, uất hận xuống tận đáy lòng và tìm mọi cách thoát khỏi cái chế độ độc tài, tàn độc, Đảng trị đó mặc dù sắp đến ngày sanh nở đứa con đầu lòng của hai người.
Nhờ những kinh nghiệm theo cha ra khơi đánh cá lúc mười bảy, mười tám tuổi và những năm sau đó là thủy thủ lái tàu tuần duyên của Hải quân VNCH, nên Liệt đã quen đương đầu với sóng gió. Dù vậy, lần này Liệt cảm thấy trách nhiệm thật to lớn. Chỉ một lơ đễnh nhỏ là đưa tất cả mọi người vào lòng đại dương làm mồi cho cá. Chàng cố giữ bình tỉnh để chống chọi với sóng gió điên cuồng đêm nay.
Trời sáng dần dần, gió bắt đầu nhẹ xuống, mưa thưa hột rồi ngừng hẳn. Mặt biển trở nên yên tĩnh, Liệt ngoái người nhìn xuống đằng sau, thấy kẻ nằm, người ngồi la liệt, lộn xộn, lẫn lộn những bãi nước ói mửa khắp nơi, tóc tai bùi xùi, mặt mày hốc hác, bơ phờ, những con mắt thất thần và mệt mỏi. Tuy vậy, Liệt vẫn thấy phấn khởi vì mình vừa mới đưa bà con thoát qua được một tai nạn khủng khiếp và đây là lần đầu tiên chàng chống chỏi với tử thần lâu như vậy.
Hai ngày sau, ghe đến được đảo Palau Bidong và mọi người được đưa vào trại tạm cư, phân tán rải rác trong các trại để chờ ngày được chọn đi định cư ở một nước thứ ba.
*
Đã hơn hai tuần nay, Liệt cố ý tìm chú Ba Cóon chủ ghe để thăm hỏi và nhân thể nhắc lại mấy cây vàng mà chú hứa sẽ trả công khi chàng đưa ghe an toàn tới đảo, nhưng mỗi khi đến lều trại của chú đều được người nhà cho biết là chú đi vắng. Tình cờ, chiều nay Liệt thơ thẩn ngoài bãi biển đụng mặt với chú Ba đang đi với một người con gái lạ còn rất trẻ.
- Chào chú Ba, chú vẫn khỏe chứ" Cháu có đến thăm chú mấy lần mà không gặp.
Chú có vẻ lúng túng, ngượng ngập, đáp lại một cách miễn cưỡng:
- Cảm ơn Liệt, tôi cũng thường thôi.
Chú nhìn dáo dác chung quanh rồi nói như phân bua, than thở: “Chán mớ đời! tưởng qua được tới đây họ tính sòng phẳng, ai dè họ cứ hẹn lần lựa mãi, giờ tôi như kẻ trắng tay.” Chú tuyệt nhiên, phớt tỉnh không nhắc gì đến mấy cây vàng trả công mà chú nợ của Liệt. Nghe lời than và thái độ lạnh lùng của chú nên Liệt không muốn nhắc đến, hơn nữa chú đang đi với người lạ mặt. Chú vội vàng chào Liệt và cùng người con gái vội vã quay đi.
Liệt biết rất rõ là trước khi vượt biên, chú đã thu đủ mỗi người lớn 5 cây, trẻ em dưới 12 tuổi 2 cây, trên 12 tuổi tính như người lớn. Chuyến đi trót lọt, không tốn tiền mua bãi, không bị công an bắt, không gặp hải tặc và Liệt còn biết chú dấu vàng ở đâu nữa dưới ghe. Hôm chiều Liệt cùng chú đem ghe ra đậu ở địa điểm dự định chờ khuya xuất phát, biết Liệt không bao giờ hút thuốc, nhưng chú cũng vờ hỏi:
- Liệt ạ! Có hút thuốc cho tôi xin một điếu, tôi vừa mới hết thuốc. Mỗi lần lên cơn ghiền không thuốc chịu không nổi đây!
- Cháu có hút thuốc bao giờ đâu mà có thuốc mời chú.
- Chà! Kẹt dữ đa, cháu giúp tôi đi mua cho bao thuốc nhé, tìm cho được loại basto xanh, nếu không có thì mua loại gì cũng được.
Liệt đã đi một quãng khá xa nhưng sực nhớ mình quên cái bóp để dưới ghe nên trở lại lấy, Liệt thấy chú Ba đang loáy hoáy nạy mấy miếng ván dưới sàn ghe, bên cạnh để những gói giấy nhỏ ngoài bọc nylon cẩn thận. Thấy Liệt đột ngột trở lại, chú tỏ ra bối rối và ngạc nhiên hỏi:
- Cháu đi nhanh nhỉ! Cám ơn cháu. Thuốc đâu"
- Cháu chưa mua, cháu để quên cái bóp trên phòng lái.
Nói xong, Liệt nhanh chân bước lên ghe, nhảy lên bực cấp vào phòng lái lấy cái bóp và vội xuống quay đi ngay làm như không quan tâm gì đến công việc của chú. Chú Ba cũng cố nói với theo như là gián tiếp cho Liệt biết công việc đang làm.
- Mấy cái đinh này trồi lên, không đóng xuống có người vô ý đi chân không giẫm lên thì khổ!
Liệt biết ngay mánh là chú đánh lừa mình đi mua thuốc lá, còn lại một mình dưới ghe chú nạy ván sàn ghe dấu vàng nhưng chàng cứ giả như mình ngu ngơ, không biết gì, không quan tâm gì đến công việc chú.
Thế mà khi chuyến đi trót lọt, chú ôm trọn gần ba trăm cây vàng, màø tỉnh rụi không tính trả tiền công của Liệt chỉ có mấy cây vàng như đã giao hẹn với nhau và chú còn nói xa nói gần làm như chú không có cây nào... Liệt nghĩ thầm thôi cũng đành chịu vậy, nói ra sợ mất lòng, hơn nữa mình cũng nhờ ghe chú mà đi tới đây mà. Cái tính cả nể, chịu đựng của Liệt không thể nào bỏ được nên nhiều người bạn cứ cho là “cù lần” và còn lấy đó làm đề tài nô đùa nữa. Kẹt một nỗi, ở đảo mà không có đồng nào dính túi, muốn mua sắm thêm một vài thứ cần dùng hằng ngày như kem đánh răng, bàn chải đánh răng, cục xà phòng, v.v... thật là khó khăn, lúng túng.
Một buổi chiều, sau khi cơm nước xong, như thường lệ, Liệt thả bộ quanh trại, mong tìm bạn bè quen biết mới đến sau hay đã đến lâu để hỏi thăm chuyện quê nhà, trò chuyện cho qua đi những ngày giờ chờ đợi. Bỗng từ phía trước đi ngược lại một nét mặt quen thuộc, càng gần càng rõ hơn, thôi đúng là Di rồi, Liệt mừng rỡ reo lên:
- Trời! Di mày dọt qua đây từ lúc nào vậy" Gia đình đâu" Có ai đi với mày không"
Di không trả lời ngay câu hỏi vội chạy đến nắm chặt tay Liệt, nét mặt hớn hở và nói to lên một hồi không ngừng:
- Thằng nỡm, hai bác đâu" Mày đi với ai" Tao đoán đúng mà, thế nào mày cũng chuồn mà, mày là dân đi biển lành nghề mà, tao tới đây mới có được vài tháng và có ý tìm mày đây, tao cứ lo là mày đã được đi định cư ở đâu rồi, sợ không gặp lại được mày, sợ mất liên lạc với mày.
- Ông bà già tao nhất quyết không đi, tao gởi lại cho chị Hai, tao đành đi một mình. Đừng lo! Tao mới tới đây chỉ được vài tuần lễ thôi.
“Tha Phương Ngộ Cố Tri” Hai người bạn lâu ngày mới gặp lại nhau nơi đất khách quê người có biết bao nhiêu chuyện nói cho nhau nghe những tuyệt nhiên, Liệt không thuật lại chuyện bị chú Coón gạt mấy cây vàng tiền công lái ghe.
Di thuật lại chuyện vượt biên của Di thật khủng khiếp, gặp hải tặc hai lần, chúng xét từng người và lột sạch, chúng còn chia nhau làm nhục đàn bà, con gái, trước mặt mọi người. Nhiều lần Di muốn liều chết xông ra ăn thua đủ với chúng rồi muốn ra sao thì ra, nhưng nhiều chú bác lớn tuổi cương quyết ngăn cản. Đến được đảo, ai cũng trắng tay và nhiều người chưa tỉnh lại cơn ác mộng vừa qua!
Di kể tiếp: “Túng thì phải tính. Để kiếm chút tiền dằn túi, tiêu vặt, tao đi vác gạo dưới bến, chịu khó lao động một chút cũng có đồng ra, đồng vào, rủng rỉnh có cà phê, thuốc lá đó mày”.
Nghe bạn kể chuyện đi vác gạo có tiền công, Liệt như mở cờ trong bụng, đúng là “buồn ngủ mà gặp chiếu manh”. Nhờ Di dẫn dắt việc làm nên Liệt cũng có tiền dằn túi lai rai, và còn tính để dành gởi về giúp cho cha mẹ chút đỉnh nữa.
Vào dịp Lễ Giáng Sinh, Di được đi định cư ở Canada do một bà chị bảo lãnh. Liệt vẫn tiếp tục ở đảo ngày ngày đi vác gạo và giúp phụ ban đại diện những công việc lặt vặt của trại và chờ đợi.
*

Sống qua hai Lễ Giáng Sinh trên đảo, cuối cùng Liệt được một đôi vợ chồng người Mỹ ở Pasadena, California nhận bảo lãnh. Ông bà Liming tuổi đã trên bảy mươi, về hưu gần mười năm rồi nhưng vóc dáng còn mạnh khỏe, da dẻ hồng hào, tính nết vui vẻ, hào phóng. Ông bà xem Liệt như con, họ có hai người con, một trai, một gái đã lập gia đình và hiện ở những tiểu bang xa xôi miền Bắc nước Mỹ. Người Mỹ rất thực tế nên kiếm được một việc làm để sinh sống trước đã là việc rất quan trọng đối với họ, Liệt được ông bà xin ngay cho một việc quét dọn, làm sạch sẽ ở nhà thờ, tuần bốn mươi tiếng có đầy đủ quyền lợi như một công sở, tối đến ông bà còn gởi Liệt đến học tại Trung tâm dạy Anh ngữ cho người lớn.
Làm việc ban ngày, đi học ban đêm gần được một năm, Liệt thi vào đại học Cộng Đồng (Community College) ở đây và đã được nhận vào học toàn thời gian, Liệt xin chuyển qua làm việc bán thời gian ở nhà thờ. Chỉ hai năm sau, Liệt đã đủ các tín chỉ để xin chuyển qua đại học bốn năm.
Tốt nghiệp Cử Nhân nhiệm ý là “Social Work” (công tác xã hội) ở Đại Học Cal State LA, Liệt được trúng tuyển thi vào làm nhân viên cho Sở Xã Hội của County Los Angeles (DPSS- Department Of Social Service) với chức vụ là Eligible Worker II chuyên về Intake.
Một hôm như thường lệ, Liệt xuống phòng chờ đợi để mời những người xin trợ cấp xã hội (welfare) vào phỏng vấn. Một sự trùng hợp oái ăm kỳ lạ là hôm nay “client” của Liệt có cái tên trùng với chú Ba Coón (Hứa Xèo Coón). Đến khi Liệt gọi tên người được phỏng vấn vào thì ra đúng là chú Ba Coón chủ ghe năm nào.
Đã hơn mười mấy năm không gặp, Liệt còn đang bở ngỡ, ngờ ngợ, ngạc nhiên thì chú Ba cất tiếng hỏi:
- Chào thầy, xin lỗi có phải thầy là cậu Liệt ở Phước Hải không"
- Cháo chú Ba, Cháu đâ! Liệt đây! Trời ơi! Chú bày đặt gọi thầy bà gì người ta cười cho. Cháu đọc tên trong danh sách thấy có người trùng tên với chú nhưng không ngờ là chú thật! Chú vẫn mạnh khỏe chứ"
Và Liệt thật thà hỏi tiếp:
- Cháu nghe nói chú mở nhiều tiệm bán bàn ghế, giường tủ ở Los Angeles, làm ăn phát đạt lắm sao giờ lại lạc vào đây"
Chú Ba nhìn xuống đất, rớm nước mắt, ngẩng đầu lên trông buồn bã, thất vọng, và ngập ngừng trả lời:
- Chuyện dài lắm Liệt ơi! Để có dịp nào tôi kể cho nghe, giờ đây cho tôi xin lỗi chuyện năm xưa, nghĩ lại tôi hối hận và có lỗi với Liệt vô cùng! Tôi mong Liệt bỏ qua cho tôi.
Nghe chú Ba nhắc lại chuyện xưa, Liệt thấy nhói trong tim, nhưng nghĩ lại ngay chắc chú có uẩn khúc gì đây nên đã không giữ được lời hứa với mình nên chàng vui vẻ nói:
- Thôi chú đừng nhắc đến nữa, chuyện đã qua lâu rồi chú, cháu đã quên đi rồi!
Sau này Liệt mới rõ chú Ba trắng tay nhanh như vậy là vì cái vụ Rodney King.
*
Lúc quá nữa đêm ngày 3 tháng 3 năm 1992 anh chàng Mỹ đen tên Roney King lái xe chạy phạm luật, bị cảnh sát chặn lại, anh ta bỏ chạy luôn. Cảnh sát đuổi theo bắt được và xúm lại đánh đập một cách dã man, tàn nhẫn. Tình cờ, một người Mỹ tên George Holliday (gốc Gia Nã Đại) cư ngụ gần đó quay được cảnh ấy và bán cho đài truyền hình với giá 500 đôla, các đài truyền hình liền đưa lên màn ảnh TV khai thác triệt để. Mọi người xem điều xúc động và phẫn nộ kể cả Tổng thống Mỹ nên số cảnh sát phạm luật liền bị bắt giam và giải nhiệm ngay cùng đưa ra tòa xét xử. Luật sư bào chữa ra sao mà Tòa tha bổng cả bốn cảnh sát vây đánh Roney King. Riêng cảnh sát viên Laurence Powell, người đánh đập hăng nhất và còn lấy chân đạp vào đầu nạn nhân mấy lần, cũng chỉ mấy ngày tù treo.
Dân chúng theo dõi vụ án lấy làm bất bình. Cộng đồng Mỹ đen cho là kỳ thị chủng tộc nên họ đồng loạt nổi lên (riot) đập phá và đốt cháy một góc thành phố Los Angeles, vùng South Central, lửa cháy suốt bốn ngày đêm, cảnh tàn phá thật là khủng khiếp. Thống đốc Pete Wilson gởi 2.000 vệ binh quốc gia, Tổng thống George Bush (thân phụ của Tổng Thống Bush hiện giờ) tăng cường thêm 1.000 cảnh sát Liên bang, 13.500 quân lính chính quy đến phụ giúp với cảnh sát và chữa lửa Los Angeles mới dẹp yên, thiệt hại hơn 1 tỷ Mỹ kim nhà cửa, tài sản và làm chết 58 người dân vô tội, 2.383 người bị thương nặng nhẹ, 20.000 công việc làm bị mất đi, 8.801 người bị bắt, 4.000 building bị tàn phá (The Roney King Rebellion của Brenda Wall, Ph.D trang 8, 9 African American Images, Chicago, Illinois 1992).
Trong số những khu thương mãi, những building bị cháy có những tiệm bán bàn ghế của chú Ba. Chú Ba bản chất keo kiệt, xài kỹ, chỉ thích thấy cây vàng, thấy tiền đô vào túi, chứ không muốn thấy chúng ra khỏi hầu bao, dù là chuyện cần phải ra hay làm việc từ thiện, chú vì “tính hơn, tính thiệt” nên không chịu mua bảo hiểm.
Chú thường nói với mọi người: “Ngộ làm chơi, mà ăn thiệt đấy, bảo hiểm cái gì, đất nước hòa bình mà, chiến tranh, bom đạn, Việt Cộng phá hoại khắp nơi như ở nước mình, đấm đá hà rầm liên tu bất tận mà ngộ còn không thèm bảo hiểm mấy cái chành gạo của ngộ ở bến Bình Đông nữa rồi cũng có sao đâu. Huống hồ tới đây rồi, yên ổn làm ăn, đô la ở Mỹ nhiều lắm nhưng mà phải biết cách lượm không thì cũng homeless thôi, ngộ đâu có dại gì đóng hụi chết cho mấy hãng bảo hiểm, làm giàu cho tụi nó, để tụi nó ngồi không thụ hưởng à.” Nói rồi chú nhăn hàm răng vàng ra cười một cách đắc y!
Tài sản của chú ngày càng tăng theo nhịp độ của thời gian, nhiều năm chắt bóp dành dụm, tìm mọi cách trốn tránh thuế má, qua mặt ông IRS, bóp chẹt người làm công, trả lương cho họ thật rẻ mạt bằng tiền mặt dưới cả “minimum wage.” Họ phải cắn răng chấp nhận vì đa số họ là những người ăn welfare, lãnh tiền General Relief hay tiền thất nghiệp v.v... chú biết cái tẩy ấy nên thẳng ta bóc lột họ, còn những người làm cho chú thì ham công, tiếc việc và tự an ủi rằng: “Thôi thì kiếm được đồng nào hay đồng nấy, hơn là ăn không ngồi rồi ở nhà không làm gì dễ sinh ra bệnh tật, góp gió thành bão, năng lặt, chặt bị mà” vô hình chung họ cặm cụi làm giàu cho chú.
Các cửa tiệm của chú mùa hè không bao giờ mở máy lạnh, chỉ có cái quạt nhỏ nơi bàn tính tiền, còn mùa đông không có mở máy sưởi, chỉ có cái lò sưởi nhỏ lớn hơn hộp bánh Biscuit để dưới chân của chú, chú nói mấy thứ đó không có cũng không có chết khách hàng nào đâu mà mình còn tiết kiệm bao nhiêu tiền điện, tiền gas, thế mà lạ thật khách hàng của chú tấp nập ra vào và phần đông là Mỹ đen, Mễ, Phi, Armenian, Trung Đông, ít có Mỹ trắng.
Từ khi đến Mỹ, chú chưa có dịp nào đến trường học chữ Anh, thế mà chú chỉ nghe người ta nói, chú nói theo, chỉ mấy năm thôi chú nói tiếng Mỹ bồi ào ào với khách hàng, thỉnh thoảng còn chửi thề với những người khách ưa kỳ kèo trả giá bớt một thêm hai, hay những người Mễ làm công việc khiêng dọn, lái xe giao hàng (delivery) cho chú chậm chạp làm trái ý chú.
Chú buôn bán không tuân theo qui ước, luật lệ, không sách vở, meeting, hội thảo, nghiệp đoàn, conference gì hết, một mình, một chợ, thế mà các cửa tiệm của chú đắc hàng mới lạ, là vì chú bán rẻ hơn những tiệm khác và phẩm chất khá tốt. Hơn nữa, tiếng Mỹ, tiếng Tàu, tiếng Việt chú nói ào ào, chú có tài xoay xở tán tỉnh hay, nhanh nhẹn và tháo vác, chú thường nói buôn bán phải biết “Mua tận gốc, Bán tận ngọn” và “Lấy công làm lời.”
Nhưng cái lộc của chú rồi tới ngày cũng hết. Mấy cửa tiệm của chú nằm trong vùng “RIOT” nên bỗng chốc thành tro bụi. Ba trăm lượng vàng khi xưa đầu tư vào đó bỗng trở thành mây khói. Chú không có bảo hiểm nên không được đền bù đồng nào, bây giờ chú “trắng tay” đúng như lời chú nói ở đảo hơn mười mấy năm trước khi gặp Liệt ở bãi biển Palau Bidong. Cô vợ trẻ chú cặp bên đảo cũng đã bỏ chú âm thầm ra đi biệt tích sau khi rút hết tiền còn lại của chú trong các trương mục tiết kiệm. Thiếm Ba thì chú đã ly dị từ những ngày đầu đến Mỹ và thiếm hiện đang ở với người con gái út chưa lập gia đình. Bây giờ, chính chú Ba phải phải đi xin trợ cấp xã hội để sống. Và rồi khi gặp lại Liệt chú vừa lúng túng, vừa hối hận, vừa tiếc của, vừa ngượng ngùng!
*
Liệt tiễn chú ra đến tận trạm xe bus trước sở và nói lời an ủi chú khi chia tay.
“Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên”mà chú Ba. Thôi đừng buồn nữa! Của đi thay người chú ạ. Còn nước, còn tát, chú còn sức khỏe thì xây dựng lại mấy hồi.“
Chú nói như mếu:
“Già rồi, còn tính chuyện làm ăn gì được nữa. Vả lại, có còn đồng nào, cây nào làm vốn nữa đâu!”
Liệt bắt tay chú và quay gót lững thững trở lại sở. Vừa đi, vừa nghĩ câu nói của mấy anh bạn người Mỹ đồng nghiệp thường nói khi cầm tờ giấy đưa cho Liệt ghi tên hùn tiền mua xổ số Lotto: “You Never Know What’s Going To Happen Tomorrow” (Anh không bao giờ biết việc gì sẽ xảy ra ngày mai).

Nguyễn Hữu Thời

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,340,932
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.