Hôm nay,  

Mỹ Quốc Và 3 Chữ T

25/04/200100:00:00(Xem: 175444)
Bài tham dự số: 02-224-vb0424


Thật ra tôi không hoàn toàn nghĩ rằng những gì tôi mắt thấy tai nghe ở xứ Mỹ này đều chỉ vì lý do tôi sống ở Mỹ trong 10 năm qua kể từ khi tôi rời bỏ quê hương yêu dấu khôn cùng của tôi và của hàng triệu đồng bào Việt Nam khác.
Nghĩ cho cùng, và theo lời kể của bạn bè của tôi còn ở trong nước, thì Việt Nam bây giờ ''cũng có nhiều thứ y như Mỹ''. Không phải quyền tự do. Cũng chẳng phải sự dân chủ. Chỉ là ba chữ T - Tình cảm, Tiền bạc, và Tấm lòng. Cho nên biết đâu nếu tôi còn ở trong nước trong thời gian 10 năm qua thì cũng sẽ tai nghe mắt thấy những điều như vậy. Đáng tiếc lắm thay!

Tình cảm con người ở xứ Mỹ này thì nói hoài không hết. Trước tiên là tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Bậc làm cha mẹ thời nay thiệt tình là phải bó tay trong việc giáo dục con cái. Lơ là con cái quá thì nó cho rằng thiếu tình cảm và thiếu sự quan tâm của cha mẹ. Lo lắng cho nó quá thì lại bị cho rằng cha mẹ không tin tưởng hay không tôn trọng sự riêng tư cá nhân của chúng. Cân bằng không phải là chuyện dễ. Chính vì vậy mà ở xã hội Mỹ thời nay, người ta thường hay nghe câu nói ''Không ai dạy cho cha mẹ cách làm cha mẹ'' để hóa giải bớt những điều không vui trong quan hệ cha mẹ và con cái, hầu để con cái thấy rõ hơn sự khó khăn của cha mẹ.
Con cái thời nay hay thắc mắc, mong ước, và có khi yêu cầu được cha mẹ đối xử theo một cách tốt đẹp và hòa thuận nào đó giữa đôi bên. Không như thời xưa, con cái chỉ biết răm rắp nghe lời cha mẹ. Xã hội Việt Nam ngày xưa không dạy con người để cái ''tôi'' lên trên những người chung quanh, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn mình, nên đã hạn chế rất nhiều những xung đột giữa cha mẹ và con cái như xã hội Mỹ thời nay.
Có thể nói thời xưa, con cái không biết gì khác hơn là phục tùng và răm rắp nghe lời cha mẹ. Bên đây thì con cái học được nào là ''my rights'', ''my options'', ''my life'', ''my wants'', ''my needs'', v.v. Những ý niệm đó càng thấm sâu và đúng với họ chừng nào thì những phong tục Việt Nam càng mờ nhạt chừng đó.
Nhà cửa ở Việt Nam lúc tôi còn ở trong nước thì bé tí, nhưng con cái cháu chắt bao nhiêu người ở cũng đủ chỗ và vui vẻ với nhau. Bên này thì ngược lại. Nhà nào cũng ba bốn năm phòng ngủ, rồi phòng chơi game, phòng đọc sách, phòng computer, phòng giặt quần áo, vậy mà con cái chẳng ai muốn ở chung với nhau.
Có người cho rằng ở Việt Nam thì cha mẹ nuôi con cái nên con cái phải nghe lời. Như vậy có phải nói là qua đây rồi thì con cái đi làm nuôi cha mẹ nên cha mẹ phải nghe lời con cái hay sao" Như vậy thì còn gì đâu cái phong tục tốt đẹp & lâu đời của người Việt Nam là con cái kính trọng và yêu thương ông bà cha mẹ" Hay là có những người chỉ sống với cái quan niệm rằng: ''Kẻ có tiền ắt có quyền''"
Rồi đến vấn đề tình cảm vợ chồng. Khi còn ở Việt Nam, trong tiềm thức của tôi, bối cảnh gia đình người Việt đơn thuần lắm. Trong gia đình có bố mẹ và con cái, đôi khi có cả ông bà. Có khi gia đình chỉ có người cha hoặc người mẹ và đám con, như nhà Út ''lác'' trong xóm tôi vì mẹ Út ''lác'' mất khi nó còn nhỏ. Gọi ''lác'' không phải vì da dẻ nó sần sùi mà vì nó ''nổ'' (nói xạo) ghê hồn! Nhưng tôi vẫn thương nó như em gái vì cái ''lác'' của nó không hề tổn hại tới những người xung quanh.
Sau đó thì ba nó đi thêm bước nữa với một người đàn bà tánh tình cũng hiền lành. Nhưng tuổi thơ của tôi không hề biết và cho tới khi tôi qua Mỹ mới nghe và thấy có nhiều gia đình người vợ hay người chồng còn sống sờ sờ ra đó mà người kia lại ăn ngủ ở nhà một người đàn ông hay đàn bà khác tỉnh bơ. Chỉ thương cho những người vợ hoặc người chồng ở nhà và những đứa con lớn lên trong một gia đình mà thái độ và tâm lý của họ về cái gọi là ''gia đình'' và quan hệ giữa người và người cũng sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi không bình thường.
Trai gái thời nay lắm người thành vợ thành chồng không phải vì hai chữ ''tình yêu'' thơ mộng kết màu hồng màu xanh nữa. Các cô ngày nay cũng gặp nhiều khó khăn lắm chứ có dễ dàng gì đâu! Chỉ yêu nhau suông thì lấy gì mua sữa cho con, lấy gì trả credit card tiền mua sắm áo quần mỹ phẩm để làm mình ngày càng trẻ ra và đáng yêu hơn, lấy gì có nhẫn kim cương 2, 3 ly mà khoe với thiên hạ, lấy gì mà down payment mua nhà hay xây nhà mới"
Thôi thì quyết định không nhất thiết phải lấy người mình yêu mà chỉ cần lấy người yêu mình. Mà có khi anh chàng yêu mình thắm thiết nhưng nghề nghiệp lại không ''in'' ra được trên năm sáu chục ngàn một năm thì cũng gay go, lưỡng lự lắm. Kẻ mà lúc xưa mình chẳng thèm ngó ngàng tới nghe đâu cũng vừa học xong ngành điện toán cít-cô hay ó-ra-cồ chi đó, lại nghe đâu là cũng đã có việc làm khá tốt và còn hay được hãng cho đi công tác khắp nơi nữa chứ. Hay anh chàng mà thời high school mình chê bai từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, vậy mà cũng ra được cái bằng nha sĩ oai phong lắm. Bây giờ nhìn kỹ lại thì các anh nào có tệ gì lắm đâu nhỉ!
Mấy cô thời nay chọn chồng cũng như mua chứng khoán vậy: Cái nào tốt thì phải chộp liền tay! Vì vậy mà lấy nhau được vài năm thì mới vỡ lẽ không hợp tình hợp tính rồi từ đó cũng chán chường nhau và tình cảm không ai xui khiến cũng nhạt dần với thời gian.
Bên này bây giờ đi đến đâu cũng nghe phái yếu đòi quyền bình đẳng. Thôi nhé các ông, phái nữ các bà cũng đi làm cả ngày, chiều về còn phải lo cơm nước con cái, tối đến thì ''phục vụ'' cho các ông, ngày nào cũng phải lo giữ tiền bạc chi tiêu sổ sách, chuyện nhà thì các ông chả bao giờ nhúng tay vào, như vậy còn gọi là bình đẳng hay sao"
Trong vài năm gần đây thì phong trào ''lấy Việt Kiều'' cũng xôm tụ lắm. Dĩ nhiên là tôi không nói đến những cuộc hôn nhân trong sạch của những đôi trai gái yêu thương nhau, chờ đợi nhau. Cái mà tôi muốn nói đến là những người chưa hề gặp mặt nhau, chỉ biết nhau qua thư từ hoặc lời ''giới thiệu'' của các ông mai bà mối.
Có người lần đầu về 1 tháng, ba tháng sau về là cưới luôn. Bỗng dưng nửa năm sau là vợ chồng đoàn tụ bên Mỹ. Cũng cậy công của các ông bà luật sư lắm đây! Có nhiều anh chàng bên này làm việc chân tay đầu tắt mặt tối, lương chẳng bao nhiêu, vậy mà về Việt Nam nghiễm nhiên trở thành triệu phú, cầm trong tay vài ngàn đô tha hồ mà ăn chơi cua gái. Anh nào có tiền riêng chút đỉnh hay có cái cửa tiệm bên này thì tệ cách mấy cũng có lắm cô nhan sắc mặn mà muốn theo chồng qua xứ Mẽo, ''lấy chồng thì phải theo chồng'' là đúng rồi còn gì!
Tiền bạc thì có nói cả đời cũng không hết chuyện, vì cái gì cũng từ hai chữ này mà ra thôi. Tiền xài thì chẳng bao giờ thấy đủ. Lúc ít tiền thì cũng xong, vậy mà khi được tăng lương thì xài cũng hết sạch.


Khi còn ở Việt Nam, tôi chỉ biết là con cái phải làm việc trong nhà, cũng như con cái có trách nhiệm học hành siêng năng. Qua Mỹ thì học thêm được cái chuyện muốn con cái làm việc nhà hoặc muốn khuyến khích con cái học giỏi thì phải có thưởng (đồ chơi, quần áo) hay tiền bạc (allowance). Học tiếng Việt là một điều mà các bậc cha mẹ Việt Nam ở Mỹ rất quan tâm vì theo các vị thì học tiếng Việt để lưu truyền văn hóa Việt Nam. Nhưng đa số các em học trò của tôi thưa với tôi rằng các em đi học chỉ vì mỗi ngày đi học tiếng Việt thì ba mẹ cho $10! Về chuyện tiền bạc giữa vợ chồng thì ở Mỹ cũng có nhiều cái đáng nói. Khi tôi còn làm ở tiệm Target, 9 trong 10 cặp vợ chồng người bản xứ mà tôi tính tiền đều mua đồ trả tiền riêng. Có khi thì mỗi người xách một giỏ riêng, có khi thì bỏ chung vào xe đẩy và lúc tính tiền thì mạnh người nào người nấy lựa đồ ra. Lại có những cặp vợ chồng rất rảnh rỗi và ''sáng suốt'' đến mức là mỗi người có cái bank account riêng, rồi có một cái chung. Có lẽ họ không muốn sau này nếu đường ai nấy đi thì tiền trong cái account chung được chia ra cũng không ảnh hưởng gì tới ''gia tài'' riêng của họ! Cách xài tiền bên đây cũng lạ. Ở Việt Nam vào những năm 89, 90, tôi có bao giờ nghe nói tới việc mua đồ không phải trả tiền ngay đâu" Bên đây vì sự tiện lợi (hay lợi dụng) và phổ biến của thẻ tín dụng (credit card), thiên hạ tha hồ mua sắm mà chẳng phải đắn đo chuyện có tiền mặt hay không. Tôi thấy có nhiều người không chỉ có một hai thẻ tín dụng mà họ mang theo cả một cặp táp nhỏ tất cả các thẻ tín dụng của họ. Thẻ tín dụng còn được dùng để ''lấy le'' hay ''hù'' người khác. Những quán nhảy xắc-xi loại sang bây giờ đã có nhận credit card. Thường là các ông chủ lớn chơi sang nên tiền mặt không đủ. Thẻ cứ trao cho mấy cô và họ vào phòng sau ''cà'' rồi trở ra xin chữ ký có kèm thêm vài cái liếc mắt đưa tình. Ngay cả sòng bài bây giờ cũng nhận thẻ tín dụng! Lúc trước chơi hết tiền thì nghỉ, bây giờ các sòng bài ''tạo sự thuận tiện và cơ hội'' cho mình. Tôi có dịp nghe hai tiết mục quảng cáo của hai sòng bài, 1 ở tiểu bang Louisiana, 1 ở Galveston, tiểu bang Texas. Lời quảng cáo của họ đại loại là: Những ai buồn chán, lo âu, hay quá mệt nhọc với đời sống thường ngày thì hãy tìm đến những nơi này để giải trí. Tôi thắc mắc: Đến những nơi này mà thua hết tiền thì mới thấy buồn chán và giận đời đấy bà con ơi! Sống ở đây riết rồi mới thấy cái gì cũng tiền, tiền, tiền. Ai cũng muốn làm chủ để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhiều khi trên cùng một con đường ngắn mà có đâu 4, 5 văn phòng nha sĩ, 4, 5 nhà hàng Việt Nam, 2, 3 tiệm cho thuê video, 2, 3 văn phòng bác sĩ, 2 cái chợ supermarket, 3 văn phòng luật sư, 2 văn phòng bảo hiểm, v.v. Con người sống ở xã hội Mỹ này nhìn nhau qua chiếc xe anh chạy, áo quần cô mặc, nữ trang bà đeo, hay nhà cửa chị mua. Tôi chỉ biết một điều là con người ít khi biết thế nào là đủ. Chính vì vậy mà họ tiếp tục lao vào con đường kiếm tiền, bất kể trong sạch hay nhoen bẩn, chỉ vì họ muốn tiền đem lại cho họ thêm nhiều sự sung sướng và thoải mái vật chất cho bản thân.

Chữ T này là Tấm lòng. Tất cả cũng chỉ vì cái chữ T - Tiền bạc đi kèm với danh vọng thay đổi cái gọi là Tình cảm và con người dần rồi cũng mất đi cái gọi là Tấm lòng. Trong những gia đình Việt Nam ở hải ngoại, vì bối cảnh tỵ nạn, cha mẹ dạy con cái phải ráng học để mà thành công ở xứ người, ra làm ông này bà kia kiếm ra nhiều tiền để nở mày nở mặt cha mẹ và làm rạng danh người Việt Nam. Về phần cha mẹ thì cũng bận rộn làm ăn kiếm tiền nuôi dưỡng con cái. Các em lớn lên với một hướng đi duy nhất là học giỏi và có việc làm tốt. Thí dụ như cha mẹ khuyên bảo con cái học bác sĩ không phải để cứu người mà vì làm bác sĩ có nhiều tiền và có tương lai. Con cái ngày nay có lẽ rất ít được nghe câu tục ngữ: ''Thương người như thể thương thân''. Sống và lớn lên ở xã hội Mỹ, tuổi trẻ thấm nhuần cái ''tôi'' (individualism) đặt lên trên hết mọi thứ. Tại sao tôi phải lo cho người khác" Lo cho họ có lợi gì cho tôi đâu" Bên cạnh những lớp trẻ dấn thân không ngừng vì người khác, tâm lý một số khá nhiều những người trẻ khác chỉ quan tâm tới việc học, việc làm, và vui chơi. Lớp tuổi lớn hơn thì chỉ quan tâm tới bản thân và gia đình. Ở đây, tôi không nói đến những cá nhân cuộc sống còn chật vật, khó khăn, đầu tắt mặt tối với việc làm lương ba cọc ba đồng, con cái thiếu thốn. Tôi muốn nói đến những người cuộc sống đã tương đối ổn định thoải mái, những người trẻ đã ra trường có việc làm đàng hoàng, hoặc những người ăn nên làm ra. Bằng chứng rành rành là tôi thấy phần lớn những cá nhân sốt sắng và quan tâm tới những người nghèo khổ cần giúp đỡ lại đều là những người rất bình dân, không giàu có gì, và là những người lớn tuổi. Cũng phải thôi, người trẻ lo học suốt 16 năm, ra đi làm rồi lập gia đình, thời gian phải dành hết cho gia đình thì còn gì mà nghĩ tới ai khác nữa. Đi học, đi làm, lập gia đình là những chuyện tốt và phải làm. Cái mà tôi muốn nói là nếu có lòng thì sẽ có thời gian. Những cá nhân làm việc thiện nguyện giúp người đâu phải là họ dư thời gian, dư tiền bạc" Ngược lại là đằng khác. Nhưng họ biết hy sinh vì người khác. Điều mà họ hiểu rõ là niềm vui họ đem lại cho người khác cũng chính là niềm vui của họ, thứ niềm vui không cần suy nghĩ, tính toán, không cần tiền bạc, trả ơn. Tấm lòng chân thật của con người ở xã hội này khan hiếm như nước trong sa mạc. Bạn bè đến với nhau vì những nhu cầu giải trí hay khi họ cần mình. Không như ngày xưa khi tôi còn ở Việt Nam, bạn bè là bạn bè, không gì khác hơn. Qua đây tôi học được bạn bè nhiều khi chỉ vì mục đích ''networking'' của người khác. Không ai trong chúng ta không có ít nhất một người bạn mà chỉ nhớ tới mình khi họ cần mình. Vài người bạn của tôi thường than phiền là con cái bây giờ cũng vậy. Khi nó có cái ngon ăn, cái đẹp mặc, cái vui chơi không thấy nó nhớ tới mình. Nhưng trong hoạn nạn thì nó không bao giờ quên mình. Lại có một số người làm việc thiện nguyện không phải vì họ thật sự quan tâm tới sống chết, vui buồn của kẻ khác mà vì họ muốn có danh, có tiếng. Có một số người Việt Nam hàng tuần đi chùa không phải vì họ thành tâm đến với Phật pháp. Bằng chứng là họ đến và nói chuyện trên phone suốt 1 tiếng làm lễ, hay họ loay hoay làm việc này việc khác, ai làm gì họ cũng mặc. Hay họ đi chùa vì không biết nơi nào khác để đi, còn mọi tuần khác thì họ đều có chương trình giải trí khác. Ngày Tết, rất nhiều người không muốn đến một ngôi chùa nào đó, tuy người đông tấp nập, vì họ nói ''năm nào cũng đầy bọn trẻ, thanh niên có, choai choai có, đám trẻ đi chùa chỉ vì một mục đích là nhập bè nhập bọn đi làm quen bạn trai bạn gái''. Thiên hạ phung phí hàng trăm hàng ngàn đồng vào những thứ như sòng bài, quán nhảy, tiệm ăn sang trọng, nhưng lại tiếc 1, 2 đồng cho một kẻ ăn xin qua đường hay 5, 10 đồng giúp cho một ngôi chùa cần sửa sang lại hoặc cứu trợ những đồng bào Việt Nam trong nước đang nổi trôi với những trận lụt hàng năm. Không có gì đáng sợ hơn là một con người đánh mất đi tấm lòng từ thiện!

Mong rằng những ai đọc được bài viết này của tôi không cho rằng tôi có mục đích phê phán. Tôi chỉ là một người nói thẳng nói thật. Tôi rất tin vào câu nói: ''Không nói ra một vấn đề gì đó không có nghĩa là vấn đề đó không tồn tại.'' Đó không phải là phê phán. Tôi chỉ hi vọng tuổi trẻ hôm nay có thể nhìn rõ mình như tôi có thể nhìn rõ chính tôi và tìm đến những người xung quanh với tấm lòng chân thật, từ thiện, và bao dung. Tôi nghĩ ở đây tôi cũng cần phải nói là những gì tôi viết ra trên đây không mô tả sự tiêu cực của cuộc sống của mọi người. Xã hội nào cũng có cái tốt cái xấu, cộng đồng nào cũng có người tốt người xấu. Những điều hay điều tốt có lẽ cũng nhiều lắm, nhưng tôi chỉ xin được nói lên những điều ngược ngạo và lệch lạc tôi chứng kiến mà nhiều người không dám nhìn thẳng vào hoặc không dám lên tiếng bình luận.

ĐỖ THỊ VÂN ANH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến