Tác giả chỉ mới 14 tuổi, nhỏ tuổi nhất trong số những tác giả Viết Về Nước Mỹ. Em đang cư trú tại San Jose, là học sinh trường Quimby Oak Middle School.
Trời đã bắt đầu sang đông, những chiếc lá vàng rụng vào những ngày cuối thu vẫn còn xót lại trên những thảm cỏ xanh, bên những vệ đường còn ướt đẫm nước mưa. Bầu trời u ám suốt ngày, lâu lắm mới có dịp thấy được những tia nắng ấm áp nhưng vẫn không sao xua tan nổi cái không gian lạnh giá đang bao trùm khắp nơi.
Huy qua đây được hơn hai mươi năm nhưng vẫn cảm thấy không sao thích nghi được với cái khí hậu khắc nghiệt này. Huy ghét cay ghét đắng những cơn gió cắt da cắt thịt mà mùa đông mang đến. Vũ, bạn thân nhất của Huy thường nói: "May là cậu ở Cali chứ ở mấy tiểu bang ở vùng East thì cậu trở thành snowman luôn rồi!". Huy nghĩ nếu vậy thà về Việt Nam sống còn hơn. Nhưng Vũ thì phản đối kịch liệt: "Tớ thà chết lạnh chớ không sống mà thiếu tự do!". Tính hai người bạn trái ngược hẳn nhau, Huy thì dễ dãi gì cũng được. Còn Vũ thì một là một, hai là hai, không dễ gì lay. Vậy mà hai người rất hợp nhau vì ai cũng đặt người khác trên mình, hạnh phúc của mọi người xung quanh là hạnh phúc của chính họ.
Hôm nay, khi tan sở, Huy rủ Vũ đi uống cà phê. Lâu rồi vì bận rộn với công việc, không có dịp ngồi chung vừa nhâm nhi ly cà phê vừa bàn chuyện đời. Trời mưa tầm tã bên ngoài, còn hai người bạn thì mỗi người theo đuổi một ý tưởng riêng của mình, chẳng ai nói lời nào. Hình như những giọt mưa nặng trĩu kia đang cố gắng xóa tan những âm thanh ồn ào xung quanh để họ có dịp sống với chính mình. Cuộc sống bận rộn ở đất Mỹ này làm con người ta khó có những giây phút riêng tư để trầm ngâm, nghĩ ngợi, tưởng nhớ... Chợt hai người cùng thở dài.
-Cậu thở dài cái gì" Huy hỏi.
-Vậy còn cậu cũng thở dài cái gì" Vũ hỏi ngược lại.
-Hm! Giờ này người ta có vợ có con ở nhà quây quần ăn uống, trò chuyện vui vẻ, còn tụi mình hai thằng đàn ông ngồi đây vừa uống cà phê vừa ngắm mưa rơi.
Huy than thở nghe não lòng.
-Như vậy thì lãng mạn chứ sao! Vũ chọc. Đâu phải ai có vợ có con giờ này cũng quây quần vui vẻ như cậu nói đâu. Đời mà, người này người khác, có ai giống ai bao giờ. Biết đâu có mấy ông bị vợ bỏ đói, lấy mì gói làm bạn, thuốc lá làm tình nhân thì sao" Không ít những trường hợp đó đâu cậu bạn yêu quý của tôi.
-Dù gì thì người ta cũng có cái để thương, để ghen, để tức. Còn bọn mình chẳng có cái gì để dằn trái tim.
-Đối với tớ Tự Do là trên hết. yêu, thương, ghét, hận để làm gì cho khổ tấm thân. Nghiệp chướng đều do bốn cái đó mà ra thôi. Vũ triết lý.
-Tại cậu cứ dính vào chuyện yêu đương nên nói vậy thôi. Thử vào đi rồi biết, tới chừng đó không biết đường nào mà về nhà nữa chứ nói. Huy vẫn không chịu thua.
-Thôi cho em xin anh hai ơi! Em không muốn thử chi cho mệt tấm thân già này. Ở như vầy phải sướng hơn không"
-Chắc cậu định ở giá luôn quá hả"
-Ừ! Ở thì ở, vợ con chi cho mệt.
-Tớ nghi quá! Huy làm bộ không tin tưởng.
-Nghi gì"
-Tớ nghĩa giá này là giá xúc cán đây.
-Xúc cán hay không mai mốt biết, bây giờ tớ thấy đói bụng quá. Đi kiếm cái gì ăn đi. Vũ đề nghị.
-Ừ! Đi ăn phở nha.
Hai người bước ra khỏi tiệm cà phê. Ngoài trời cơn mưa đã bớt nặng hạt. Thấp thoáng bên kia đường, một vài người mang dù đang đi trong mưa, bước chân lầm lũi. Những chiếc xe hơi chạy nhanh quá bắn nước văng lên tung tóe. Trên cao, những chiếc lá vàng muộn màng rơi khắc khoải đang được gió đưa đi khắp nơi. Những cảnh tượng đó làm Huy và Vũ bồi hồi nhớ lại khi còn bé xíu ở Việt Nam, mỗi khi trời mưa, Huy, Vũ cùng mấy đứa nhóc trong xóm rủ nhau tắm mưa và nghịch những vũng nước đọng lại trong mấy cái ổ gà trên mặt đường. Bây giờ làm sao tìm lại được những giây phút thơ ngây thuở nào! Huy bâng quơ hát "Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại. Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm. Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa…"
-Trời đang mưa đó nhe- Vũ nhắc nhở.
-Thì sao!
-Cậu hát nghe não lòng quá. Tớ sợ chút nữa thành phố này…sẽ ngập mất. Nước mưa cộng với nước mắt thì chỉ có nước lụt thôi.
-Không đến nổi đâu. Đang đói bụng lấy hơi đâu mà khóc.
Cả hai cùng cười, ai cũng vui tính, có lẽ vì vậy họ hợp nhau chăng" Cũng rất có thể chứ phải không" và một điều nữa, cả hai người đều độc thân nên họ có thể hiểu và thông cảm với nhau hơn. "Bởi vì hai tư tưởng hai tâm hồn lớn gặp nhau" Huy thường nói vậy.
Sau buổi ăn tối, mọi người về nhà riêng của mình. Căn nhà Vũ tuy rộng lớn nhưng lạnh lẽo quá, vì thiếu vắng một bàn tay chăm sóc của người vợ ngoan, một người có thể nâng khăn sửa túi và chia xẻ những thành công cũng như thất bại của người chồng. Nhưng hình như trong trái tim Vũ đã có những ấn tượng không tốt về người phụ nữ khi chàng nhìn cảnh mẹ mình khoát tay một người đàn ông khác bước lên máy bay đi Mỹ bỏ lại ba cùng chàng đứng ngẩn ngơ, nghe đau nhói trong tim. Đó là năm 1975, khi đó Vũ mới 10 tuổi.
Vũ còn nhớ trước khi đi, mẹ chàng có nhét vào tay chồng một xấp tiền lớn, cha chàng đã nói: "Tôi không cần tiền của cô, có chết đói tôi cũng không lấy" Mẹ chàng nói: "Anh không cần nhưng con tôi nó cần" "Nó không phải là con của cô, cô không phải là mẹ của nó. Nếu thật sự thương yêu chồng con cô đã không tham lam tiền bạc phú quý mà ra đi, mà bỏ lại con thơ như vậy. Cô không xứng đáng làm mẹ nó!". Giọng cha Vũ nghẹn ngào và phẩn nộ vô cùng. Thế là mẹ quay sang Vũ và nhét xấp tiền đó vào bàn tay nhỏ nhắn của chàng: "Con cầm lấy cho mẹ vui nha" Vũ đã thét lên: "Con không muốn nó, con muốn mẹ ở lại với con thôi" rồi chàng khóc sướt mướt. Không ngờ bà ấy tàn nhẫn ném một câu: "Bây giờ cho mà không lấy, mai mốt có thiếu thốn thì đừng có ngửa tay ra mà xin. Anh ráng mà nuôi nó cho thành người" rồi quây đi. Hai cha con Vũ chỉ còn đứng ôm nhau khóc, trách sao bà ấy quá tàn nhẫn. Trên đời, thiêng liêng nhất là tình mẫu tử thế mà mẹ Vũ chỉ vì vinh hoa mà đành lòng vứt bỏ nắm ruột, để Vũ trở thành một đứa trẻ mồ côi mẹ khi mới lên 10 tuổi.
Vài năm sau, Vũ và cha chàng cũng kiếm được tiền vượt biên rồi được qua Mỹ. Năm ấy Vũ được 13 tuổi. Thương cha, Vũ hết sức mình học giỏi, quyết tâm thành tài để đền đáp công ơn người. Tuy rất nghèo nhưng hai cha con yêu thương nhau lắm, kiếm được chút đỉnh tiền lời, ông Quang (ba Vũ) mua cho con chiếc áo mới để con không mặc cảm cùng bạn bè. Hay mua một con gà thật ngon, thật to về nấu cháo, món mà Vũ thích nhất. Còn ông được đền đáp bằng những điểm A, điểm A+ cùng những bằng khen mà con đem về mỗi học kỳ.
Thời gian làm Vũ từ một đứa trẻ nghèo khó ngày nào còn bỡ ngỡ khi bước đến Mỹ thành một chàng trai khỏe mạnh, tự tin và thành công trong xã hội. Nhưng thời gian cũng làm cho những nếp nhăn trên khuôn mặt xương xương của ông Quang một ngày nhiều thêm. Đã nhiều ông Quang bàn đến chuyện vợ con, Vũ chỉ trả lời chưa tìm được người vừa ý. Còn ông thì chỉ biết lắc đầu thở dài, không biết đến khi nào mới có đứa cháu để bồng. Thế mà ước vọng cuối đời chưa thành hiện thực thì ông phải lìa xa cõi đời. Biết đâu đó lại là điều tốt, để ông không phải nghe, phải thấy những thứ có thể là không mấy tốt đẹp đối với ông trong cái xã hội quá văn minh này. Trong đời ông chưa làm điều gì ác đức, rồi ông sẽ được ơn trên đón lên cõi trời để sống một lối sống thanh thản và yên bình mãi mãi.
Hoàn cảnh của Huy may mắn hơn của Vũ nhiều. Cả cha mẹ lẫn hai cô em gái đều qua đây một lượt. Vì khi xưa cha và mẹ Huy đều làm trong một sở của Mỹ. Huy gặp lại người bạn cùng xóm trong một lần đi chợ với mẹ, từ đó tình bạn giữa hai người càng thấm thiết hơn. Đặc biệt gia đình Huy cũng đã giúp đỡ cha con Vũ rất nhiều trong khoảng thời gian Vũ còn đi học đại học.
Một buổi sáng khi Vũ còn đang yên giấc trong chiếc mềm ấm áp thì chuông điện thoại reo vang. Vũ uể oải vươn mình với tay lấy chiếc điện thoại.
-Hello" Vũ nói với giọng còn ngáy ngủ.
-Giờ này mà còn ngủ" Biết mấy giờ rồi không ông anh" Giọng Huy vang lên bên kia đầu dây.
-Mới sáng sớm gọi có chuyện gì không"
-11 giờ 31 phút rồi, không còn sớm đâu!
-Oh! Vậy hả" Tối qua làm thêm tới 12 giờ mới về cho nên mệt quá, nhưng chẳng biết trời trăng gì nữa. à! Có chuyện gì vậy"
-Có chuyện quan trọng muốn bàn với cậu. Tớ lại nhà được không" muốn ăn gì không tớ mua luôn cho.
-À! Phở hay hủ tiếu gì cũng được. Nhưng thôi! Hôm nay là weekend đông lắm, thôi mua ổ bánh mì thịt đi. Cám ơn nhiều.
-No problem! Hẹn gặp cậu sau! Bye.
Huy đến mang theo cả bịch đầy bánh mì đủ loại
-Hôm nay tớ đãi cậu. Huy nói
-Kiểu này tớ thấy cậu định khủng bố tớ bằng bánh mì đúng hơn.
-Thôi mình ăn đi! Tôi có chuyện muốn hỏi ý cậu. Huy làm vẻ mặt quan trọng.
-Được rồi có gì nói đi tớ nghe đây.
Huy vừa lấy ổ bánh mì thịt ra vừa nói:
-Tớ định một tuần nữa sẽ về Việt nam chơi.
-Wow! Sướng ha, mà như vậy thì có gì quan trọng đâu"
-Cậu có biết thằng Quân không" huy hỏi
-Biết chứ! Vũ vừa nhai bánh mì vừa trả lời.
-Nó định giới thiệu cô em gái, hay nói đúng hơn là cô em họ của nó cho tớ. Lần này về nhân dịp đó làm quen luôn. Cậu thấy như vậy được không Vũ"
-"Được hay không" nghĩa là sao. Vũ hỏi.
-Nghĩa là làm quen như vậy có tốt không" Huy giải thích.
-Cậu nghĩ sao" Vũ nghiêm túc hỏi bạn.
-Tớ nghĩ chuyện này hơi đường đột quá, nhưng mà tớ cũng muốn làm quen xem sao. Biết đâu lại hợp nhau.
-Nếu cậu nghĩ vậy thì cứ làm vậy.
-Nhưng tớ mướn hỏi ý cậu. Huy nhắc lại.
-Tớ nghĩ cứ làm quen trước xem sao, như cậu đã nói: "Biết đâu lại hợp nhau" nhưng cũng phải thận trọng một chút.
-Thận trọng" Huy ngạc nhiên.
-Đừng có làm gì quá lố, đừng có hứa hẹn gì cả. Bây giờ chỉ nên xem nhau là bạn, rồi từ đó mà tìm hiểu nhau. Như vậy tốt hơn.
Huy nhìn bạn cười:
-Dạ thưa quân sư trò hiểu rồi!
-Chúc cậu may mắn! Vũ vỗ tay Huy.
*
Ngày ra sân bay về Việt Nam, Huy cảm thấy phấn khởi và rộn rã trong lòng, như là tâm trạng của những đứa trẻ nhỏ được trở về trong vòng tay âu yếm của người mẹ hiền sau bao nhiêu năm xa cách.
Huy đã có dịp thấy hình ảnh Saigon những năm gần đây qua những băng Video. Nhưng dù sao cũng không thú vị bằng chính mình đứng trong thành phố, hòa vào dòng người, xe cộ tấp nập để thưởng thức hương vị Saigon: khói bụi từ những chiếc xe, tiếng rao hàng của mấy người bán hàng rong, tiếng động cơ nổ, tiếng nhạc vang lên từ các quán cà phê bên đường….
Hơn mười tám tiếng ngồi trên máy bay, Huy chỉ thao thức, không tài nào dỗ mình vào giấc ngủ được dù trời sáng hay tối bên ngoài. Về đến Việt Nam, Huy được vợ chồng người cậu ra đón. Huy nhớ ngày xưa, cậu mợ vì thương đất nước, thương mảnh vườn, căn nhà nên không chịu qua Mỹ cùng với gia đình. Cậu Huy nói: "Đi hết rồi ai thờ cúng ông bà cha mẹ" Ai chăm sóc mồ mả khi Tết nhất đến" Thôi tôi ở lại". Đã 26 năm trôi qua, tóc cậu mợ bây giờ đã điểm bạc, gương mặt đầy phong trần, hằn vết của những tháng năm khổ cực. Nhưng vẫn còn nguyên nét đôn hậu nhân từ ngày nào.
Nhà cậu mợ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi và chỉ có 4 người ở cho nên Huy cảm thấy rất thoải mái và tự nhiên. Huy không biết đường xá nên đi lại bằng xe taxi, hay khi rãnh Huy được Tuấn, cậu em họ chở đi vòng quanh thành phố ngắm cảnh. Nhưng đường xá ngoài mấy cao ốc, nhà mới xây ra thì chẳng có gì đẹp cả. Tới đâu cũng toàn là người và xe cộ tấp nập, loạn xạ làm Huy cứ ghì chặt vào vai cậu em, sợ nếu sơ hở một chút thì văng xuống đường như không.
Hôm sau Huy nhờ cậu em chở lại nhà cô gái, người em họ mà Quân đã giới thiệu và cho địa chỉ. Huy có thưa chuyện đó với cậu mợ, hai người không có ý kiến gì, chỉ nhắc Huy hãy tìm hiểu cho kỹ, có người bề ngoài thì đẹp, nhưng bên trong tâm hồn thì không ai biết được. "Tri nhân tri diện bất tri tâm" mà.