Hôm nay,  

Có Một Người Anh

21/03/200100:00:00(Xem: 195130)
Bài tham dự số: 02-195-vb0322

Khi cả gia đình tôi dắt dìu nhau đến Hoa Kỳ với một bầu đoàn thể tử gồm mười người -bố mẹ và tám anh em tôi- mẹ tôi đã thì thầm với tôi tại phi trường LAX bằng giọng buồn buồn:
- Con ạ, hai chỉ vàng cuối cùng mẹ đã tiêu bên Thailand rồi. Bây giờ, trong túi mẹ chẳng còn đồng nào. Không biết làm sao mà sống đây!
Chúng tôi đã vội an ủi mẹ bằng một giọng chắc như đinh đóng cột:
- Mẹ đừng lo, không sao đâu. Người Mỹ họ đã cho mình đến Hoa Kỳ thì chẳng bao giờ họ để mình chết đói! Mẹ đừng có sợ!
Và quả thật, người Mỹ rất chu đáo, đã lo cho chúng tôi gặp người bảo trợ là ông chú rể của tôi và Hội tương trợ tù nhân cải tạo. Bước đầu chúng tôi đã có một mái nhà để tạm trú trong Hội Tượng Trợ Tù Nhân Cải Tạo. Sau hơn một tháng, chúng tôi lo đầy đủ giấy tờ tùy thân và tiền trợ cấp với sự trợ giúp của nhân viên trong hội. Như chim đã đủ lông đủ cánh, gia đình mười người chúng tôi tự tách riêng ra, đi thuê một căn Apt rẻ tiền để tự sinh sống. Những người bạn cũ của bố mẹ tôi tới thăm chúng tôi đều an ủi chúng tôi rằng:
- Các cháu đừng lo, với lực lượng đông đảo như mấy cháu, lại vừa trẻ vừa có ăn học nữa, nếu ráng cố gắng chẳng bao lâu sẽ thành công tại xứ sở này.
Tôi phải kể sơ một chút về gia đình tôi. Bố tôi vốn là một sĩ quan cấp tá của quân đội VNCH. Sau ngày 30/4 cũng như bao nhiêu người khác, nghe lời phỉnh phờ của bọn Cộng Sản, ông đi học tập cải tạo, bỏ lại vợ và tám đứa con thơ, mà đứa nhỏ nhất không đầy hai tháng tuổi. Ông ra đi nhưng vẫn hy vọng sau một tháng trở về với vợ con. Thế rồi biền biệt!
Sau hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản, ông trở về với chúng tôi như một con người bị xã hội phế thải. Ông sống trong gia đình như một chiếc bóng. Sự mất đi quyền hành cùng tiền bạc đã làm ông bị lu mờ ngay đối với anh chị em của ông trong gia đình. Ông hiểu mà không biết phải làm gì để phụ giúp mẹ tôi và tám anh em tôi. Ông cũng biết rằng ông không thể làm gì khác hơn để khôi phục vị trí của ông trong gia đình, bởi lẽ sau năm tháng dài đăng đẳng trong chốn lao tù, ông dường như bị tách ra khỏi thế giới thực tại. Cái thế giới mà người đàn bà phải săn tay áo ra tranh đấu với cuộc sống, còn người đàn ông trở thành thứ yếu trong gia đình.
Trong lúc đó, chúng tôi vừa kiếm sống phụ giúp cho Mẹ, vừa phải đối phó từ những dèm pha từ phía người thân xảy ra đối với gia đình mình. Trong những năm tháng dài đó, tôi ý thức được rằng “Cái nghèo thật nhục nhã và thiệt thòi biết bao nhiêu.”
Mẹ tôi như trăm ngàn phụ nữ Việt Nam khác, vẫn phải cắn răng tảo tần nuôi chồng, nuôi con ăn học đầy đủ. Mặc cho thế sự đời khen chê, vật đổi sao dời, bà vẫn cam đảm đương đầu chống chọi. Cùng với một người bác ruột không chồng con, gia đình tôi được lèo lái bởi hai người đàn bà chân yếu tay mềm, nhưng ý chí mạnh hơn sắt thép. Trong nổi tủi cực những đứa con có cha bị tù đày, bị phân biệt đối xử như là thành phần xấu trong xã hội, chúng tôi vẫn được sự khuyến khích của mẹ và bác cố gắng học “để làm cho chúng nó (Cộng Sản) biết mặt”
Chúng tôi đã kiên trì theo đuổi sự học dù biết bao khó khăn xảy ra trong đời sống, dù chúng tôi phải kiếm ăn từng bữa. Cho đến ngày ra đi, bảy anh em chúng tôi đã có mảnh bằng tú tài đôi, và anh cả tôi thì đang theo học tại trường đại học tổng hợp Saigon.
Chuyến đi nhân đạo mà chính phủ Mỹ dành cho chúng tôi đánh đổi bằng 10 năm lao tù tưởng rằng không có ngày trở về vẫn làm cho bố tôi hả dạ lắm. Ông đã cứu tương lai của tám đứa chúng tôi. Chúng tôi cùng cha mẹ rũ áo ra đi, và tôi chợt thấm bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy “Một ngày năm tư cha bỏ quê, một ngày bảy lăm con bỏ nước”.
Những tháng đầu tiên ở Mỹ, chúng tôi phải đi học ESL và bắt đầu trước mắt sau đi tìm việc. Trong khi có những người đến Mỹ và được thân nhân bão lãnh thì lại may mắn hơn chúng tôi là họ có thể thong dong học đến khi nào hết hạn thì thôi. Còn chúng tôi thì phải bắt đầu cuộc sống mới bằng con đường tìm việc ngay lập tức. Dù rằng tiếng Mỹ của chúng tôi vừa nói, vừa múa, nhưng vẫn may đã giúp chúng tôi, khiến cho cả năm anh em tôi tìm được việc làm trong các hãng xưởng Mỹ. Và thế là cuộc đời mới bắt đầu với chúng tôi.
Trong khi chúng tôi phơi phới hy vọng ở tương lai, thì người anh cả của tôi vẫn ngập tràn nổi buồn vì chia tay với người yêu. Ngày ra đi của chúng tôi, cũng là ngày anh thật sự kết thúc mối tình vô vọng. Tôi tội nghiệp cho cả anh tôi lẫn chị ấy và cả mối tình gần mười năm của anh nữa. Vì yêu anh và biết rằng bố mẹ tôi muốn anh phải ra đi cùng với gia đình, chị đã tự động đăng ký nghĩa vụ lao động tại một nước Đông Âu, và chị tự chấm dứt mối tình ấy bằng lời từ khước bởi vì anh nghèo không đủ tiền bảo đảm đời sống gia đình sau này. Chị biết rằng anh sẽ không làm điều ấy một mình được. Chị đã tàn nhẫn (trái với ý mình) viết một lá thơ báo cho anh biết chị đã lấy chồng xa ở nơi chị đang lao động, và khuyên anh nên quên chị đi, để rồi năm năm sau tôi biết rằng chị đã nói dối, buộc phải làm anh đau lòng. Tôi biết, anh tôi như tan nát con tim. Anh lao đầu vào công việc cho quên thời gian để cốt quên đi chị. Anh nhậu nhẹt, đi chơi, đi làm bất kể ngày giờ. Lúc nào anh cũng nói với tôi “Nghèo nhục nhã lắm, mày ơi!” Anh kiếm thật nhiều tiền để đưa cho bố mẹ tôi sắm sửa chuyến đi.
Rồi đến ngày lên máy bay, trong lúc mọi người khóc lóc cho cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại, thì anh chỉ nói với chúng tôi:
- Đi càng xa nơi này càng tốt. Tao chẳng muốn ở lại cái thành phố này làm gì nữa.
Sang đến Hoa Kỳ, anh cũng là người đầu tiên lao vào tìm Job trước. Ở Việt Nam anh vốn là một công nhân điện tay nghề rất giỏi. Lúc đó anh lại đang học bổ túc tại trường Đại Học Tổng Hợp Saigon về nghành điện, nên anh có khá nhiều kinh nghiệm. Nhưng tiếc thay chỉ vì cái tiếng Anh ba rọi của mình, anh đành phải làm cho một công ty nhỏ chuyên sản xuất gỗ. Nhưng anh lại rất hồ hởi về chuyện kiếm được việc. Anh lao về nhà, ôm lấy eo mẹ tôi reo lên:
- Mẹ ơi, con kiếm được việc làm rồi không sợ đói nữa.
Anh có vẻ hãnh diện là người đầu tiên kiếm được việc làm, bởi vì anh luôn thích chứng tỏ anh cần phải cư xử như một người anh cả trong gia đình. Anh thường đùa với tụi tôi rằng:
- Có đứa nào đã từng đọc truyện “Người anh cả” của Lê Văn Trương chưa" Tao đấy, một người anh cả vô cùng xứng đáng!
Trong lúc chúng tôi lao nhao phản đối, thì anh cười lớn rồi bỏ đi. Anh lại thích nhõng nhẻo với mẹ tôi lắm, dù rằng anh đã ngoài ba mươi xuân xanh. Mỗi lần đi đâu về, câu đầu tiên anh hỏi là:
- Mẹ đâu rồi" Trời ơi, con đói bụng quá đi thôi! Có gì cho con ăn không"
Bố mẹ tôi thương anh lắm vì muốn bù đắp trong tình cảm riêng tư của anh. Thỉnh thoảng, anh nhắc về người yêu cũ của mình với một giọng buồn ray rứt. Anh tâm sự với tôi rằng:
- Tao biết cô ấy cố tình nói như vậy để tao dễ rủ áo ra đi. Tao hiểu cô ấy, nhưng thôi cái gì cũng là số mệnh. Nhưng chắc có lẻ từ đây về sau, tao khó có thể tìm thấy được người thứ hai nào như cô ấy nữa.
Tôi thấy anh thật tội nghiệp nhưng tôi chỉ có thể an ủi anh và khuyến khích anh rán cố gắng mà quên. Nhưng tôi biết tôi chẳng thể nào hiểu được tình yêu anh dành cho chị ấy lớn như thế nào.
Rồi chúng tôi quyết định xin vào đại học cộng đồng. Chúng tôi hăm hở mang đơn về cho anh cùng điền vào để đi học. Anh đẩy ra và bảo:
- Thôi, tao già rồi. Cho tao nghĩ ngơi một chút đi chứ. Tụi bay đi học đi, tao nuôi.
Tụi tôi ùa vào thuyết phục anh, thì anh nói:
- Thôi tao hứa, chỉ cần hai đứa ra trường làm phụ bố mẹ, tao sẽ trở lại học ngay. Bây giờ tao chỉ học tiếng Anh thôi.
Rồi anh cũng đi học với chúng tôi, nhưng chỉ lấy những course tiếng Anh mà thôi.
Còn tôi vốn là con gái lớn trong nhà, nên tính cứ hay lo. Tôi vừa đi làm fulltime, và học cũng gần như fulltime, vì tôi muốn ra trường thật lẹ để phụ với bố mẹ. Anh em chúng tôi có giao ước là đứa này phải đùm bọc đứa kia để tất cả đều phải học xong ít nhất là hai năm đại học. Nhưng thật không may cho tôi, sau gần hai năm làm cho hãng, tôi bị lay-off vì hết việc. Tôi trở về nhà và nói chuyện với anh. Anh nghiêm giọng bảo tôi rằng:
- Mày đi học full time đi, kiếm việc part time mà làm. Ráng học cho lẹ mà ra trường để đi làm cho khá lương. Tao sẽ làm thêm để phụ tiền nhà cho. Đừng có lo!
Như được mở cờ trong bụng, tôi lao đi tìm một công việc part time trong một trường tiểu học và bắt đầu cuộc đời sinh viên của mình từ đó. Thế là trong gia đình tôi, chỉ còn có anh và mẹ tôi đi làm toàn thời gian, còn lại chúng tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong việc chi tiêu gia đình. Anh vẫn luôn khuyến khích chúng tôi:


- Nghèo và dốt là khổ nhất đó, nhất là ở xứ này. Tụi bây phải cố lên mới được, nhất là tụi mình lại chậm chân hơn người ta. Vả lại, tao muốn có cái gì để khoe với bạn bè tao nữa chớ. Anh cười.
Tuy những tháng của năm tháng đầu của chúng tôi rất là đạm bạc, như bao gia đình HO khác, nhưng cái hạnh phúc trong gia đình lúc nào cũng tràn đầy. Anh em thì hòa thuận biết kính trên nhường dưới (có lẽ nhờ anh làm gương cho chúng tôi theo) Căn nhà nhỏ của chúng tôi không bao giờ vắng tiếng cười, bởi lẽ anh cả tôi có máu tếu ở trong người. Nơi nào có anh là nơi đó có tiếng cười, anh pha trò rất có duyên, có lẽ vì vậy mà anh có rất nhiều bạn trai cũng như gái.
Có lần, anh bị chủ hãng gỗ đuổi vì anh đã đứng lên bênh những người công nhân yếu thế. Khi về nhà anh báo tin bị đuổi việc, cả nhà chúng tôi đều lo lắng. Trong đầu tôi lúc đó đã có kế hoạch đi tìm một việc làm khác. Thì anh lại gạt đi và an ủi:
- Ôi, chẳng sao đâu! Để tao tìm việc khác có ngay thôi mà.
Sau hơn một tuần ráo riết đi tìm, anh tìm được một việc trong hãng điện vừa đúng nghề của chàng mà lại được lương khá cao. Anh hí hửng về nhà, và tự hào khoe với chúng tôi:
-Thấy chưa, tao nói rồi mà, tao có thần hộ mệnh!
Công việc bắt anh phải đi xa nhiều, đôi khi phải đi khỏi tiểu bang, nhưng bù lại lương rất cao và benefit rất tốt. Chúng tôi lại yên tâm ăn học, còn anh thì hùng hồn tuyên bố:
- Đứa nào muốn học lên cao, Master hay PhD gì đó cứ học! Tao nuôi luôn.
Trong căn Apt chật chội ba phòng, nhà thì lại đông người nên anh phải ở phòng khách vì phải dành phòng cho các em gái. Anh phải ngủ trên cái giường nhỏ và ngắn hơn chân mình (anh tôi cao như một người Mỹ vậy) nhưng anh chẳng bao giờ than phiền. Lâu lâu anh chỉ đùa với tụi tôi:
- Tụi bây sau này phải mua cho anh một cái giường King size nằm cho nó đã đấy nhé. Nếu không, tao kể cho mà nhức xương.
Tụi tôi thường cười vì câu nói đùa ấy. Cứ mỗi lần tụi tôi muốn càm ràm anh điều gì là anh lại đe:
- Này có muốn tao kể công không đấy!
Thế là cả đám im bặt ngay thôi. Chỉ có một điều là tôi để ý thấy là anh không thích bố mẹ đề cập đến chuyện anh lập gia đình. Anh thường hay né tránh điều đó. Mỗi lần bố tôi gợi ý thì anh chỉ khéo từ chối là:
- Con chưa gặp ai vừa ý hết. Vả lại bố để cho con nuôi cho mấy đứa em ra trường đi đã, rồi con sẽ tính đến chuyện của con sau. Con trai mà, bố lo chi cho mệt!
Mặc dù rất nhiều bạn gái, anh dường như không còn thiết đến chuyện yêu đương một cách đứng đắn nữa. Một điều mà tôi không ngờ ở anh, đó là anh quá nặng tình với người yêu củ của anh như vậy! Anh vẫn cứ đi chơi, quen biết và rồi cứ cô độc, một ngày như mọi ngày.
Ngày đứa em áp út của tôi ra trường bốn năm là ngày mọi người trong gia đình tôi vô cùng hạnh phúc. Sự thành công đầu tiên của đứa em gái làm chúng tôi phấn khích không ít, nhất là anh!
Em tôi, xúng xính trong bộ áo chùng đen, đội chiếc mũ đen vuông với dây tua vàng rủ xuống vai trông thật đẹp. Cả nhà tôi hãnh diện. Riêng anh, cứ ngắm mãi cô em mình rồi điệu nghệ chụp mấy bô ảnh làm kỷ niệm. Anh còn phán rằng:
- Ối chà, con nhỏ này mặc bộ đồ trông đẹp ghê. Ê, cho anh mượn mặc lấy le chút coi!
Em tôi vội tháo ngay mũ áo đưa cho ông anh mình mặc, rồi chúng tôi ùa vào chụp hình ông anh vài bô. Con bé nói:
- Nếu anh cũng lấy được mũ áo giống em, em sẽ bao anh ăn nhậu thả dàn.
Chúng tôi cũng nhao nhao cả với anh. Anh đỏ mặt tía tai nói:
- OK, nhớ đấy nhé! Chống mắt lên xem anh tụi bây giựt giải khôi nguyên.
Sau ngày ra trường của em tôi, chúng tôi khuyên anh nên trở lại trường học. Vả lại, tôi chỉ còn một năm nữa là hoàn tất học trình bốn năm của mình, cho nên chúng tôi có thể ổn định cuộc sống mà không cần phải bắt anh vất vả nữa. Với sự thuyết phục dai dẳng của chúng tôi và bố mẹ, anh quyết định trở lại trường học để lấy nốt bằng Technician về điện.
Chúng tôi vui mừng vì quyết định của anh. Anh phải tìm một công việc khác để khỏi phải đi xa. Job mới của anh cũng là job về điện (anh vốn có duyên với điện mặc dù anh là người rất sợ điện) Công việc mới, theo anh nói rất nhẹ nhàng tuy rằng lương có ít đi đôi chút, nhưng anh có thời gian để anh bắt đầu việc học của mình. Anh vui vẻ vừa làm, vừa chờ đợi niên học mới bắt đầu.
Vào một buổi chiều từ trường về nhà, tôi đã thấy một cái note trên bảng: “Chị Thu, em và bố đi đến nhà thương. Anh Hai bị tai nạn trong hãng.” Tôi chợt lạnh toát xương sống. Linh tính báo hiệu có một chuyện gì không hay đã xảy đến với anh tôi. Tôi không còn đầu óc đâu mà làm việc. Mẹ tôi, rồi các em tôi đi học về, cả nhà đều lo lắng về cái tin dữ đó. Đến khoảng sáu giờ chiều (có lẽ suốt đời tôi, tôi sẽ không quên được cái khoảng khắc hãi hùng đó) tôi thấy em gái lao vào trong nhà và ôm chặt lấy mẹ tôi khóc nức nở:
- Mẹ ơi, anh Hai chết rồi, Anh bị điện giựt chết rồi Mẹ ơi!
Tôi bàng hoàng như không tin vào lỗ tai mình. Lúc đó, tôi chỉ mong rằng em tôi đang nói sảng. Trong lúc Mẹ tôi rối rít hỏi em tôi chuyện gì xảy ra, tôi nhìn ra cửa và thấy bố tôi đang ngồi sụp xuống, tay bưng mặt khóc nức nở trước cửa nhà. Tôi chợt hiểu ra rằng anh tôi đã chết thật rồi! Tôi lặng người trong vài giây, rồi như chợt tỉnh tôi chạy ra đỡ lấy bố tôi và dìu ông vào nhà. Ông gần như tựa hẳn vào người tôi vì không còn hơi sức mà đi được nữa. Tôi nghe tiếng ông rên rĩ bên tai:
- Con ơi, bố mang con sang bên Mỹ này chỉ để mong con ăn học sớm công thành doanh toại, nào ngờ con nỡ bỏ bố mẹ, các em mà ra đi như vậy sao hở con.
Cả hai chị em tôi phải xốc nách bố tôi để dìu ông về nhà. Còn riêng mẹ tôi thì đã được một đứa em khác dìu bà ngồi xuống ghế. Bà thất thần chẳng còn thốt được câu nào cả. Nước mắt nào rơi lả chả xuống áo không ngừng, rồi cuối cùng bà chỉ gọi lên tiếng “Con ơi!” não ruột. Sau một hồi lâu, bố tôi là người gương nói trước. Ông chỉ kể là anh tôi bị Accident khi đang sửa điện trong hãng. Anh đã chết ngay tức khắc khi giòng điện chết người đó đi thẳng vào đầu anh và đốt cháy bộ não của anh.
Từng lời của bố như mũi dao nhọn đâm vào tim chúng tôi. Kể từ đây trong đời, chúng tôi không còn nhìn thấy anh nữa bởi vì giữa anh và chúng tôi giờ đã thuộc về hai thế giới. Dù cho không muốn tin, nhưng đến cuối ngày, khi nhà thương gọi về gia đình tôi và xin organs donation thì niềm hy vọng mong manh ấy đã thật sự tan thành mây khói.
Đám tang anh tôi diễn ra thật long trọng. Có rất đông người đến thăm anh lần cuối mà chúng tôi không ngờ tới. Có những người bạn của anh, chúng tôi chưa hề gặp mặt đã đến bên quan tài khóc lóc rất thảm thiết. Những điều họ kể về anh, về những gì anh làm cho họ, giúp đở họ mà chẳng bao giờ nghe anh nói tới, càng làm cho chúng tôi đau đớn thêm. Anh có những người bạn mà với vẻ bề ngoài trông thật dữ dằn, nhưng lại có tình cảm và tấm lòng bằng vàng. Họ thương anh hết lòng. Họ kể về anh với sự kính phục cũng như yêu thương. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Anh ra đi khi chúng tôi còn nợ anh quá nhiều chưa có dịp trả lại cho anh càng làm cho chúng tôi day dứt thêm nữa.
Như một nén hương lòng, tôi thắp lên để tưởng nhớ về anh, người anh cả đã làm hết mình cho những đứa em có một tương lai tươi sáng hơn. Anh lấy niềm vui của chúng tôi làm hãnh diện cho chính anh. Giờ đây, khi chúng tôi công thành doanh toại, có một mái nhà khang trang hơn, sống đầy đủ hơn, thì anh đã chẳng còn hiện trên thế giới này nữa.
Tôi biết giờ đây anh rất thanh thản ở một phương trời vô định nào đó, bởi anh biết rằng các em anh đã làm hết khả năng để đạt được niềm mong ước của riêng anh. Cho dù nơi nào đi nữa, tôi biết rằng anh vẫn có mặt khắp nơi trong ngôi nhà của chúng tôi. Hình ảnh anh vẫn được chúng tôi nhắc nhở với các con các cháu. Như một lời tự hứa với lòng, chỗ của anh sẽ ở một nơi trang trọng trong trái tim chúng tôi. Anh vẫn còn đó, và vẫn nhìn thấy những thế hệ con cháu của chúng tôi lớn lên và trưởng thành trong xã hội mới này. Tôi kính phục tất cả những người anh cả, chị cả đã hết lòng hy sinh cho các em.
Đâu đó trong cõi vô thường, mong anh nhận nơi đây tấm lòng thành của chúng em hướng về anh và tri ân những gì anh đã làm cho chúng em trong đoạn đời ngắn ngủi. Với chúng em, anh mãi mãi vĩ đại hơn cả “Người Anh Cả” của Lê Văn Trương, một nhân vật mà anh hằng ngưỡng mộ và muốn noi theo.

Calif, chiều mưa cuối mùa. 2001
Trịnh Thu Ha

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến