Hôm nay,  

Anh Không Bao Giờ Già Để Học

22/02/200100:00:00(Xem: 201327)
Bài tham dự số: 02-173-VB0224

Sau 30-4-1975 tôi đã bị bỏ phí 18 năm, thời điểm tràn đầy nhựa sống của đời người, để bị giam vào tù “Cải Tạo” 7 năm, tiếp là quản chế 11 năm. Khi được đặt chân đến Hoa Kỳ thì tuổi đã gần 62.
Tôi đi theo diện HO9, vì phải bổ túc hồ sơ cho 4 đứa con có gia đình, để được cùng đi một lúc với tôi do cặp vợ chồng đứa con thứ 2 của tôi đang sống ở Mỹ bảo lãnh nên gia đình tôi đến Mỹ trễ hơn các gia đình cùng HO9 hơn 1 năm. Gia đình tôi đến Mỹ ngày 17-09-1993, gồm hai vợ chồng, 9 đứa con (8 trai, 1 gái) 4 con dâu và 4 đứa cháu nội, tổng cộng là 19 người.
Sau 1 tháng, để hoàn tất các thủ tục cần thiết của người mới định cư, các con tôi bắt đầu đi kiếm việc làm để tự nuôi sống, khỏi làm gánh nặng cho xã hội Mỹ. Thật may mắn 8 đứa con trai và 1 đứa cháu lớn xin được việc làm cùng một hãng, cách nhà khoảng 20 phút lái xe, chủ hãng là người Việt Nam, cũng là di dân, đến Mỹ năm 1975, ông cũng thông cảm, tình đồng hương nên nhận hết. Còn 4 đứa con dâu và 1 đứa con gái , tìm đến các tiệm nails Việt Nam xin học nghề. Mấy ông bà chủ tiệm Nail cũng thông cảm hoàn cảnh, nên đã gồng mình để mỗi tiệm nhận vài đứa để học nghề.
Có chuẩn bị trước khi còn ở Việt Nam, những đứa con dâu và gái cũng biết mài, dũa, sơn móng nên khi sang đây không bị bỡ ngỡ với cái nghề Nail, sau một năm chúng thi đậu lấy được bằng Nail.
Các lao động chính đã tạm thời ổn định, ngày thì đi làm, tối đến trường học ESL. Còn 3 đứa nhỏ bắt đầu đi học, đứa lớp 1, đứa lớp 2, đứa lớp 3. Sau cùng, tôi đi xin việc. City này rất ít người Việt kinh doanh, ngoài tiệm Nail, nên những nơi tôi đến xin việc đều là chủ Mỹ. Đến đâu xin việc họ cũng đưa cho mẫu đơn để điền vào, khi điền đơn xong họ cũng vui vẻ nhận đơn, và nói về chờ điện thoại, nhưng không bao giờ nhận được điện thoại đi làm.
Không được đi làm, ở nhà coi Tivi, Video cũng mệt. Bản thân khi còn ở Việt Nam ngày làm đơn xin đi Mỹ, đã có quyết tâm đến Mỹ phải đi làm hoặc đi học, cố gắng làm lại cuộc đời ở đất Tự Do. Kể từ ngày đó đến nay tôi quyết bỏ rượu, không hút thuốc. Nay không đi làm thì đi học, không để phí thời gian mặc dù đã 62 tuổi.
Đi học với tuổi già không còn là mục đích để lấy bằng đầu tư xây dựng tương lai, mà bây giờ mình học là một cách giải trí thanh tao, học những cái kỹ thuật mới, và nếu được tốt nghiệp cũng là cái vinh dự cho bản thân và nhất là làm cái gương cho con, cháu. Cho nên tôi đến trường Victor Valley College gần nhà, trước tiên học ESL (English as a Second Language), trau dồi thêm Anh Ngữ cho vững.
Muốn học lên College phải học 12 lớp ESL từ thấp đến cao như các lớp Speaking, Listening, Reading, Writting, Vocabulary và Grammar.
Sau một năm rưỡi học xong ESL, xin học lên College, trước tiên cũng phải test Anh văn và Toán để trắc nghiệm trình độ, vì học College là phải tốt nghiệp High School, còn lớn tuổi học ngang phải Test. College ở Mỹ là Đại Học Cộng Đồng học 2 năm, còn University là Đại Học 4 năm.
Sau khi Test được đủ điểm, tôi phải đến văn phòng EOPS (Extende Opportunity Program and Service ) gặp Counselor nhờ giúp để lấy những tín chỉ (unit) cho đúng với môn học.
Gặp Counselor, ông tên là Smith Carl, khoảng 30 tuổi, rất vui vẻ, trình độ rất cao, có văn bằng B.A và M.A của trường California State University San Bernadino. Ông tiếp tôi rất vui vẻ, nhả nhặn hỏi tôi cần gì ông giúp, câu hỏi đầu tiên tôi hỏi ông là: “Nhà trường có nhận học sinh già như tôi nay đã 63 tuổi không"” Ông cười và chỉ cho tôi khẩu hiệu treo trên tường bên phải ông có hàng chữ:” YOU’RE NEVER TOO OLD TO LEARN” nghĩa là “ANH KHÔNG BAO GIỜ GIÀ ĐỂ HỌC” và ông nói với tôi: ”Ông đọc sẽ hiểu về tuổi tác giáo dục của Hoa Kỳ là học không kể tuổi”.
Ông cũng hiểu tâm sự của tôi mục đích đến xin học, và ông Smith có nói thêm: “Đối với những người trẻ tuổi thì học với mục đích theo châm ngôn này”, ông lại chỉ cho tôi một câu khẩu hiệu treo bên trái ông có hàng chữ là: “THE FUTURE BELONGS TO THOSE WHO PREPARES FOR IT”.
Tôi nói nhờ ông chọn cho một phân khoa, mà các tiết học, học để xử dụng những chức năng của Computer. Ông Smith nói: ”Computer ở Hoa Kỳ rất thông dụng, mọi nhà đều có để Học Sinh, Sinh Viên tìm tài liệu trên khắp Thế Giới mà tham khảo để làm bài, thay vì trước đây phải đến Thư Viện, các hãng xưởng, các công ty ghi các dữ kiện về nghành nghề của họ, các nơi kinh doanh buôn bán ghi hàng hóa xuất nhập, các Văn Phòng giao dịch ghi tài liệu lưu trư.õ”
Sau đó, ông xếp cho một học trình đúng yêu cầu là Phân Khoa Business Education Technologies (BET), học đủ 60 uinits sẽ tốt nghiệp với cấp bằng AS (Associate of Science). Trong 60 unit sẽ phân chia như sau: A)- Major 18 units, gồm các tiết học chính của phân khoa B)- General Education 18 units, gồm các tiết học tổng quát là: Natural Science 3 units, Social Science 3 units, English Language 6 units, Humanities 3 units, Mathematics 3 units. C)-Requirements 24 units, gồm các tiết học theo yêu cầu của phân khoa.
Như vậy Requirements và Major gồm 42 units học để xử dụng các chức năng của Computer gồm các tiết học về: Word Processing Typing, Machine Transcription, Career Application, Excel, Business English, Access, Microcomputer, proofreading, Accounting, Records Menagement, Machine Calculation, Speedwriting, Electronic Office Procedures, Business Communication, tổng cộng 14 tiết học, mỗi tiết 3 units.
Sau khi học xong các tiết học này tôi được Trường cấp thêm cho 4 chứng chỉ là: - Computer Systems I- Data typist- Computer system II- Office Services.
Ông Smith phác thảo học trình xong, ông copy cho tôi một bản, kèm thêm cuốn ”Schedule of Class fall 1995” Ông nói: ”Theo cuốn sách này ông sẽ lấy lớp theo thì giờ Ông rảnh trong ngày” và ông còn góp ý là: ”Nếu có đủ thì giờ, nên học Full time vào các Semester Spring hoặc Fall, lấy 12 units mỗi semester, như vậy khoảng 5 Semester sẽ học xong và được tốt nghiệp.” Ông cho biết thêm niên học của Victor Valley College chia làm 3 Semester, bắt đầu là Fall Semester học 4 tháng, từ giữa August đến giữa December, tiếp là Spring Semester học 4 tháng, bắt đầu giữa January đến giữa May, cuối là Summer Session học 6 hay 8 tuần từ giữa June đến cuối July.
Thấy sự góp ý rất hợp với sở thích, nên tôi OK và cám ơn ông. Tiếp theo, ông Smith còn gợi ý cho tôi, nếu tôi thu nhập thấp, ông chỉ cách cho tôi điền đơn xin Financial Aid. Tôi thành thực cho Ông biết tôi mới sang Mỹ được hơn một năm chưa có việc làm. Ông liền dẫn đến phòng financial Aid chỉ dẫn cho tôi điền đơn xin tiền, điền xong Ông bảo tôi mang về dán tem và gởi, và chờ khi nào Tiểu Bang chấp thuận gởi trả lại, rồi đem nộp cho văn phòng Financial Aid của Trường.
Khoảng 3 tuần sau, tôi nhận được đơn với sự chấp thuận của Tiểu Bang, tôi nộp cho Financial Aid của Trường, sau 2 tuần tôi nhận được giấy phân phối tiền cho tôi là $1,300 cho mỗi Semester trong niên học 95-96, và báo cho biết Fall 95 check sẽ gởi cho tôi cuối August là 60% số tiền, và đầu December là 40% số tiền. Spring 96 check gởi đầu January 60% và cuối April 40%.
Tiền phân phối của Financial Aid tùy ngân khoản của trường. Những năm kế tiếp tôi được tới $1,700 một Semester, check gởi làm 4 lần cho 4 tháng học. Điểm trung bình của Semester để tiếp tục được hưởng là phải 2.00 hoặc điểm C trở lên, nếu dưới điểm thì Semester kế tiếp nhà trường sẽ ngưng. Đầu tháng Ferbuary hằng năm phải làm thủ tục điền đơn xin Financial Aid. Hưởng Financial Aid tối đa là 100 units, khoảng 8 Semester.
Tiếp theo, ông còn hướng dẫn tôi điền thêm một form nữa để xin miễn tiền học phí (tiền học phí là $13 một unit, mỗi Semester 12 units, vậy cũng đỡ tốn $156), form này nộp ngay tại Văn Phòng Financial Aid, nhân viên văn phòng nhận và ghi vào máy Computer ngay.
Hoàn tất việc xin tiền và miễn đóng học phí, Ông bảo tôi theo ông về Văn Phòng, tại bàn giấy Ông làm việc với cái máy Computer, chừng 10 phút, xong Ông cho tôi biết niên học này Văn Phòng EOPS cấp cho tôi $100 tiền sách học cho mỗi Semester, khi nào tôi mua sách ở Bookstore của nhà trường, tự động ở đó họ trừ cho tôi $100, tôi chỉ phải trả số tiền còn lại. Ông còn cho biết thêm ở Hoa Kỳ học Đại Học phải mua sách học, trung bình cứ 3 units học một cuốn sách dầy chừng 2 inhces, học hết chương trình để tốt nghiệp phải mua khoảng 20 cuốn, (Semester đầu tôi phải mua 4 cuốn sách cho 4 môn học, số tiền là $134.49 tôi chỉ còn trả là $34.49)
Sau khi xong tất cả mọi việc Ông Smith nói ”Mọi công việc tôi có thể giúp được Ông đã hoàn tất, chỉ còn việc ông đến Phòng ghi danh để lấy tiết học, ông nên về nghiên cứu lấy tiết học nào trước, tiết học nào sau, mỗi Semester chỉ nên lấy 12 units thôi và chọn giờ cho thích hợp” Ông nói tiếp “Theo qui định, mỗi Semester phải đến gặp Ông 2 lần, để theo dõi việc học cần gì Ông sẽ giúp đỡ.”
Tôi cám ơn Ông và ra về với tinh thần hân hoan, không thể ngờ rằng tại Hoa Kỳ, một nước đúng nghĩa với hai chữ Tự Do cho cả việc giáo dục ở bậc Đại Học, bất cứ ai muốn học cũng được, không phân biệt tuổi tác, lý lịch, hoặc thành phần trong xã hội. Nếu nghèo như tôi, còn được trợ cấp tiền, tiền sách và miễn đóng học phí. Chẳng bù với những nước hiện nay còn lạc hậu, bậc Đại Học chỉ dành cho những thành phần con Ông cháu Cha, và những gia đình có tiền và phải có lý lịch tốt.
Về nhà, tôi bắt đầu nghiên cứu để lấy các tiết học cho Semester đầu tiên. Tuy vậy, tôi không hoàn toàn rảnh rỗi, còn phải đưa các cháu đi học vào lúc 8:00 sáng, đón chúng về vào lúc 3:00 chiều. Đưa các con dâu và con gái đến các tiệm Nail vào lúc 9:00 sáng. Tôi chỉ có thể lấy lớp từ 10:00, tôi lấy 3 tiết học liên hệ với Computer mỗi tiết 3 units và một tiết học History 3 units của môn General Education.
Các tiết học với Computer thì dễ dàng về giờ tại lớp, cứ lúc nào rảnh thì đến, khi có việc thì về, tại lớp mỗi học sinh một máy.


Building học với Computer gọi là BET LAP mỏ cửa từ 9:00 am đến 9:00 pm, có trên 200 máy Computer loại mới nhất, khi đến lớp thấy máy nào trống là ngồi, đọc theo sách mà thực hành với máy. Nếu chỗ nào không hiểu, hoặc máy trục trặc gì cứ việc giơ tay lên có Giáo Sư đến chỉ dẫn.
Còn các tiết học General Education thì ấn định giờ học, lớp 3 tin chỉ, ngồi tại lớp nghe thầy giảng 1 giờ 15 phút, mỗi tuần 2 buổi vào lớp, bài tập về nhà làm.

Kể từ August 15,1995 tôi bắt đầu là một sinh viên với tuổi 63, cùng sánh vai tiến bước vào trường Đại Học Hoa Kỳ với khoảng gần 10,000 sinh viên nam nữ, phần đông là Hoa Kỳ, cũng có số ít là người Á Châu rất trẻ khoảng 18-20 tuổi, mới tốt nghiệp High School. Thỉnh thoảng cũng thấy có ít người cừng 30-50. Họ thấy tôi cũng vui cười chào hỏi, bắt tay tự nhiên như những các bạn đồng tuổi của họ. Riêng tôi thì dầu sao cũng cảm tưởng tự ti mặc cảm về tuổi tác, cũng như về ngôn ngữ, giọng nói tiếng Mỹ chưa thạo, nhiều từ phát âm chưa đúng, nghe chưa hiểu hết cho nên tôi luôn tự nhủ: ”Mình là người Việt, sống ở Mỹ chưa được 2 năm, xử dụng ngôn ngữ chưa giỏi, phải cố gắng học để đạt mục đích và quyết tâm là phải tốt nghiệp lấy được bằng Đại Học.”
Tại các lớp, đầu giờ buổi học đầu tiên, Bà giáo hoặc Ông giáo tự giới thiệu, sau là các sinh viên cũng tự giới thiệu về mình. Đến lượt tôi nói: “Tên tôi là KHÔI NGUYỄN, tôi là người Việt Nam, một đất nước trước năm 1975 có hàng triệu chiến binh Hoa Kỳ sang chiến đấu rất anh dũng để bảo vệ Tự Do. Trước ngày 30-4-1975 tôi là sĩ quan Quân Đội VNCH, đã cùng đứng chung một chiến tuyến với các chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu chống Cộng Sản. Sau ngày 30-4-1975 đất nước tôi bị Cộng Sản chiếm, chúng đã nhốt tôi trong trại tù 7 năm, sau nhờ chính phủ Hoa Kỳ can thiệp, tôi được sang định cư tị nạn tại Hoa Kỳ vào ngày Sept 17,1993 tính đến nay mới sống ở Hoa Kỳ gần 2 năm. Tôi nói tiếng Mỹ chưa giỏi, phát âm chưa đúng, xin các bạn thông cảm, tôi mong giáo sư và các bạn học giúp đỡ cho để theo kịp các bạn. Cám ơn.”
Tôi giới thiệu như vậy là để nói lên cho Giáo Sư và các sinh viên Hoa Kỳ biết là Nước Việt Nam và Người Việt Nam trước năm 1975 đã có gắn bó mật thiết với người Mỹ và đất nước Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản bảo vệ Thế Giới Tự Do. Cũng như để người Mỹ hiểu rằng hiện nay có hàng triệu người Việt đang sống trên đất nước Hoa kỳ là Tị Nạn Cộng Sản. Tôi cảm thấy Giáo Sư và Sinh viên cùng lớp đã hiểu và thông cảm tôi, họ vỗ tay.
Sau này mỗi khi có khó khăn gì về bài học, họ rất vui vẻ tận tình giảng giải, và giúp sửa bài nháp cho đúng từ ngữ, đúng văn phạm. Tôi đã áp dụng ngay cả châm ngôn của Việt Nam vào lớp học Mỹ là: ”Học thầy không tầy học bạn”. Cho nên tất cả các bài Homework, Quiz, Exam, Midterm Exam, và Final Exam đều được điểm cao A hoặc B.
Bước đầu luôn có những khó khăn, đối với tôi thật là nhiều khó khăn, cứ nhìn 4 cuốn sách học, mỗi cuốn dầy 2 inhches, toàn chữ Anh, nhiều chữ chưa đọc được và nghĩa cũng chưa hiểu mà phát ngán. Trong lớp Giáo sư giảng bài chưa nắm bắt và hiểu hết, bài làm dùng chữ chưa đúng, văn phạm còn sai, nói còn chậm, phát âm chưa chuẩn. Với ý chí quyết tâm, phải cố gắng học, tôi không nản lòng.
Rồi mọi sự cũng vượt qua tốt đẹp, kết quả điểm trung bình Semester Fall 95 của tôi là 3.46 được ghi vào Honor Roll và được nhận bằng khen. Sau mỗi Semester nhà trường có tổ chức phát bằng khen cho những sinh viên có điểm cao trên 3.00. Được xếp hạng là: President’s List= 4.00, Dean’s List= 3.50-3.99, Honor Roll= 3.00-3.49. Số sinh viên được bằng khen các loại khoảng 5% tổng số sinh viên của trường. Tôi có ước nguyện là phải cố gắng hơn nữa để có tên KHÔI NGUYỄN, một tên của người Việt Nam được ghi vào Dean’s List hoặc President’s list của trường Đại Học Hoa Kỳ.
Với sự quyết tâm và cố gắng không ngừng, ước nguyện của tôi đã biến thành sự thật. Tên tôi được xếp vào Dean’s List Fall 98=3.58 và Fall 99=3.67, được xếp vào President’s List Spring 2000 =4.00.
Thời gian cứ trôi, các Semester cũng nối tiếp qua đi, nhưng càng học lên bài càng nhiều, càng khó, nhiều lúc cũng bù đầu. Với sự cố gắng không ngừng của tôi, mọi khó khăn trong việc học cũng tự tìm cách giải quyết. Nếu bài khó thì hỏi Thầy, hỏi Bạn, nếu cần đến Learning Center của trường, tại đây có rất nhiều Tutor kèm cho đủ các môn học, họ sẽ sẵn sàng giảng giải và giúp đỡ tận tình để làm bài.
Đầu Semester Spring 98, tôi thường lệ đến gặp ông Smith, Ông tổng kết, tôi đã học đủ 60 units đúng chương trình, ông chỉ dẫn tôi điền form xin tốt nghiệp vào cuối niên học 98, nộp tại Văn phòng Admission and Record. Đầu tháng April 98 tôi nhận được giấy báo, tôi được tốt nghiệp với Văn Bằng Associate in Science with a Major emphasis in Business Education Technologies. Lễ Tốt nghiệp sẽ được tổ chức tại Hội Trường ngày May 14,1998. Văn Phòng EOPS cũng gởi thư chúc mừng và cấp cho tôi mũ và áo tốt nghiệp cùng giấy mời để tôi mời thân thuộc và bạn bè.
Ngày May 14,1998 là ngày vui nhất của tôi, và gia đình tôi từ ngày đến Hoa Kỳ. Mọi người đều chuẩn bị để dự lễ. Tôi quyết định tất cả phụ nữ trong gia đình đều mặc áo dài Việt Nam, đó là biểu tượng để tất cả dân tộc khác biết buổi lễ này cũng có Người Việt Tốt Nghiệp. Buổi lễ rất trang trọng, tất cả các sinh viên Tốt Nghiệp mặc áo thung đỏ, mũ vuông đỏ. Phía nhà trường thì từ Viện Trưởng đến các Giáo sư đều mặc áo thung và mũ vuông đen. Trên khán đài hàng ngàn thân nhân tham dự, phần nhiều là người Mỹ, rất ít người Á Châu, đặc biệt có lẽ chỉ có gia đình tôi là người Việt Nam gồm 25 người, ngồi vào một khu, phụ nữ đều mặc áo dài Việt Nam, làm người Hoa Kỳ trên khán đài ngạc nhiên. Số sinh viên lên nhận bằng chỉ có tôi là nhiều tuổi nhất, là 66 tuổi.
Tuy đã có bằng, nhưng với tuổi 66 là hết tuổi lao động, nên tôi có ý định học nữa, mà chuyển lên University thì trường quá xa, cách nhà tôi 100 miles. Tôi quyết định học tiếp tại trường Victor Valley College với phân khoa khác. Lại đến gặp Ông Smith để nhờ giúp ý kiến việc tôi xin học tiếp. Ông cho biết: ”Học tiếp để lấy thêm bằng, chỉ cần học thêm 18 units Major khác là đủ tốt nghiệp.” Tôi nói với Ông, kỳ này tôi muốn theo phân khoa Liberal (Nhân văn học mở rộng). Ông Smith cho biết Phân Khoa này nếu thích về Văn Chương và Ngôn Ngữ thi học Anh Văn, Pháp Văn, Tây Ban Nha rất tiếc trường này chưa dạy Việt Ngữ. Thấy vậy, tôi liền chọn Pháp Văn.
Kỳ này học tương đối dễ hơn, vì Pháp Văn là sinh ngữ chính mà tôi đã học Trung Học tại Việt Nam trước 1954. Các units được hoàn tất theo học trình. Lại đến nhờ ông Smith tổng kết các units và lại làm đơn xin tốt nghiệp. Tôi nhận được giấy báo được tốt nghiệp, với Văn Bằng Associate in Arts with a Major emphasis in Leberal Art.
Lễ tốt nghiệp tổ chức ngày May 20,1999 tại Hội Trường. Văn Phòng EOPS lại báo cấp cho Áo, Mũ Tốt Nghiệp và các giấy mời. các thủ tục và nghi lễ cũng được tổ chức như năm 1998. Gia đình tôi cũng tham dự, phụ nữ cũng bận áo dài truyền thống Việt Nam. Tôi cảm thấy càng hãnh diện hơn, vì lần thứ 2 Tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ vào tuổi 67.
Mặc dầu đã tốt nghiệp 2 năm liền, nhưng tôi vẫn muốn học tiếp, đó là thích thú tìm hiểu những gì tôi chưa biết. Tại lớp học là nơi tôi có thể tiếp xúc với Thầy với Bạn để tìm hiểu những điều tôi còn xa lạ tại đất nước tôi mới định cư. Cũng nhờ học trong tiết học về Allied Heath của General Education dạy về các bệnh tật liên hệ đến sức khoẻ con người. Do đó được hiểu thêm là ở Mỹ mà ăn không ngồi rồi, làm cho cơ thể sinh nhiều bệnh như: tim mạch, cao mỡ trong máu, áp huyết cao, bệnh tiểu đường, các bệnh ung thư bởi rượu và thuốc lá và nhiều bệnh khác nữa. Vì vậy tại nhà tôi có thể làm tiêu đi thì giờ nhàn rỗi bằng cách làm các bài tập. Nên tôi quyết định học thêm để lấy văn bằng thứ 3.
Lại đến gặp ông Counselor giúp lấy những tiết học với Phân Khoa Electronics and Computer Technology, Major này khó hơn nhiều so với 2 Major trước. Học kỹ thuật Điện Tử liên quan tới Technical Mathematics Calculus thật khó, nhưng vẫn thích thú học hỏi để trao dồi kiến thức.
Ngày tháng qua đi, học hết bài này qua bài khác, luôn cố gắng hết mình. Đến ngày gặp Ông Smith duyệt lại units đã học. Lại làm đơn xin tốt nghiệp, lại nhận được giấy báo Tốt Nghiệp với Văn Bằng Associate in Science with a Major emphasis in Electronics and Computer Technology.
Lễ tốt nghiệp tổ chức ngày May 18,2000 tại Hội Trường. Thật vui mừng tột độ, vào tuổi 68 tôi lại tốt nghiệp lần thứ 3, Văn Phòng EOPS lại cấp Áo, Mũ tốt nghiệp và giấy mời. Các thủ tục và nghi lễ cũng như 2 lần trước. Gia đình tôi lại hãnh diện tham dự, phụ nữ với chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. Đặc biệt đối với tôi, năm nay Ông Viện Trưởng trường Victor Valley College có mời tôi đến gặp Ông tại Văn Phòng. Ông rất vui mừng chúc mừng tôi, ông nói:
”Trường Victor Valley College có từ năm 1961, đến nay Ông là người Việt Nam đầu tiên nhiều tuổi nhất Tốt Nghiệp 3 lần trong 3 năm liền 1998, 1999 và 2000, Ông là người rất thông minh và học giỏi, đã có điểm số trung bình cao, 1 lần trong President’s List, 2 lần trong dean’s List, 7 lần trong Honor Roll, thành thật chúc mừng Ông”. Tôi cảm nghĩ thật Tự Hào và Hãnh Hiện là người Việt Nam, nên tôi đáp lời ông Viện Trưởng: “Tôi thành thật cám ơn Ông, cám ơn trường Victor Valley College, cám ơn nước Hoa Kỳ, đã có những điều kiện, để tôi thực hiện ước nguyện của tôi khi đến định cư Tị Nạn tại đất nước Tự Do này”
Thật tôi cũng không ngờ, tại một đất nước rất xa lạ đối với tôi, tiếng nói, chữ, còn rất bỡ ngỡ và khó khăn khi mới đặt chân đến, mà tuổi đã cao, chỉ nhờ có ý chí và quyết tâm mà đã đạt được kết qua. Mặc dầu học vị chỉ trong phạm vi của trường College.
Cuối cùng tôi cũng không quên cám ơn một vị tác giả nào đó, đã nghĩ ra câu châm Ngôn bất hủ: ”YOU’RE NEVER TOO OLD TO LEARN”, làm kim chỉ nam dẫn tôi học đến thành công ở Hoa Kỳ.
NGUYỄN VĂN KHÔI

Ý kiến bạn đọc
16/01/202220:10:42
Khách
Rất hoan hô ông tuy tuổi đã cao nhưng y chí và quyết tâm đã mang lại niềm hạnh diện và vui mừng trước là cho riêng
Ông và niềm tự hào chung cho cộng đồng Vn. Xin thành thật chúc mừng ông , và chúc ông sức khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,620,474
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến