Tôi cố gắng xoay người qua bên phải, cho đỡ đau và đở mỏi, nhưng dù hết sức cố gắng tôi vẫn không xoay được và gây ra tiếng động, làm con tôi đang ngủ ở trên ghế cạnh giường bệnh, choàng dậy. Nó vội vàng đứng lên, hỏi tôi: ”Má cần gì" Má có thấy đở chút nào không"”
Thấy vẻ mặt ân cần và hốt hoảng của con, tôi thật xúc động. Ta có câu: ”Nước loạn mới biết tôi trung, nhà nghèo mới biết con hiếu thảo.”
Đã ba ngày, tôi nằm ở bệnh viện này, sau một cuộc giải phẫu về túi mật và ruột thừa. Khi mổ xong, tôi bị biến chứng về phổi và đường ruột. Thời gian này tôi đau đớn đến nỗi tưởng hết chịu nổi, nhưng tôi cố gắng chịu, không dám rên la một tiếng.
Sau khi con tôi xoay thế nằm cho tôi lại rồi, tôi bảo nó: ”Má đã nói là nhà thương họ săn sóc quá chu đáo, lúc nào cũng có người túc trực ngày đêm, chỉ cần má bấm chuông là y tá đến tức khắc, con đâu có cần ngủ ở đây vất vả như thế này làm má còn lo và mệt thêm nữa”.
Nó cầm tay tôi vừa xoa bóp vừa cười: ”Bữa nay nói được dài rồi, lại đuổi các con như đuổi gà thì má ngủ đi rồi con về.”
Các con tôi, đứa ở xa, đứa ở gần, từ lúc tôi nằm ở đây tụi nó thay phiên nhau lúc nào cũng có mặt bên giường mẹ. Tôi nhớ ngày thứ ba, khi cả nhà được con tôi gọi vào, lúc nghe giọng nói nghẹn ngào của nó, tôi mới biết chính mình vừa qua cơn thập tử nhất sinh. Gia đình đang an vui tự nhiên mình lâm bệnh ngặt nghèo để cho cả nhà đau khổ buồn lo, nếu lỡ mà mình mà chết thì tình trạng còn đau khổ đến đâu nữa.
Có nằm bệnh viện ở Mỹ rồi, chúng ta mới thấy có rất nhiều điều làm cho ta phải suy nghĩ. Không ai có thể chối cãi là nhà thương Mỹ quá sức đầy đủ, từ thuốc men, đến săn sóc, ăn uống, vệ sinh thật hết sức chu đáo đến mức tôi có cảm tưởng họ được quyền tiêu pha cho bệnh nhân không có giới hạn. Thành ra bệnh nhân ngoài những đau đớn về bệnh tật, thì không có gì phiền trách về nền y tế nước Mỹ cả, nhưng chúng ta phải đủ điều kiện nhận lãnh và thụ hưởng những điều kiện này.
Thời gian ở nhà thương thấy và nghe rất nhiều trường hợp của bạn bè, của thân nhân, tôi rút ra một kinh nghiệm cộng chung với kinh nghiệm về trường hợp của mẹ tôi nữa, mà nói ra có thể có hai luồng dư luận: Chống và thuận.
Xin kể về trường hợp của mẹ tôi. Cụ sang đây do tôi bảo lãnh năm 92, lúc ấy đã 89 tuổi, cụ mạnh khỏe được đến năm 96. Sau khi bị tai biến mạch máu não, cụ được đưa vào bệnh viện và trải qua bao nhiêu là phương pháp trị liệu.
Thấy mẹ ngày càng yếu dần, cho nên khi Bác Sĩ đề nghị phương pháp nào có lợi cho mẹ tôi là tôi nhận lời, thí dụ, cụ không còn ăn và nuốt được nữa thì họ đề nghị mỗ đút ống dẫn thức ăn lỏng vào bao tử. Tôi chỉ biết khóc và nhận lời. Mẹ tôi vẫn sống nhưng cứ yếu dần đi. Cụ rất sợ nhà thương, nên tôi đã xin đem về nhà săn sóc.
Nuôi một người bệnh như vậy tại nhà hết sức là cực khổ, tôi tự động bị biến dần thành y tá lúc nào không hay. Năm 92 chính phủ Mỹ không cho thụ hưởng tiền trợ cấp, mà chỉ cho ai trên 65 tuổi được hưởng thẻ y tế thôi, thành ra nào là chuyên viên vật lý trị liệu, y tá, chuyên viên cho ăn, cắm ống dẫn nước tiểu, cách thay tã, cách tắm rửa, thôi thì đủ thứ chuyên viên đến dạy tôi. Cũng may là tôi học và làm được, sau đó các cô em tôi phụ giúp tôi những ngày thứ bảy, lâu ngày chày tháng, ai cũng đâm nản. Hơn nữa thấy mẹ tôi càng ngày càng tiều tụy, chúng tôi ai cũng xót xa thương me, các cô em tôi đâm ra trách tôi, nói tại sao cho phép nhà thương kéo dài đời sống ra để tính tiền cho chính phủ cho nhiều, khi bệnh tình đã không thể chữa được.
Mấy tháng sau, lúc mẹ tôi đã kiệt lực và nằm lâu nên thân thể bắt đầu lở ra, ống dẫn tiểu bắt đầu bị nhiễm trùng, cụ bắt đầu sốt. Kêu y tá lại, họ bắt phải đưa vào nhà thương. Lại thêm một thời gian cụ sống thoi thóp mê man gần như thực vật. Các cô em tôi lại lời nặng tiếng nhẹ, tôi chả biết mình đúng hay sai.
Một hôm, thấy mẹ khổ quá, tôi khóc với người y tá Việt Nam xin cô ấy tháo sợi dây chuyền thức ăn cho mẹ tôi. Có lẽ cô ta tội nghiệp tôi, nên cô bằng lòng tháo ra. Bác Sĩ nghe báo vội chạy xuống, la mắng cô y tá thậm tệ, rồi họ ầm ầm kêu cán sự vào làm việc với tôi. Họ cho hay là tôi biểu cô y tá tắt máy chuyền thức ăn như thế là tôi giết mẹ tôi. Chuyện tưởng rắc rối to nhưng sau rồi cũng dàn xếp được. Tuy vậy, câu chuyện trở nên phức tạp và trầm trọng hơn, vì gia đình bắt đầu chia hai phe đối lập nhau. Bên thì bảo là không cho ăn bằng cách chuyền thức ăn là dã man, vì như thế là muốn cho mẹ chết vì đói. Bên kia thì cho rằng thụ động, biết là bệnh không chữa được nữa mà vẫn cố tình nghe theo nhóm Bác Sĩ cố kéo dài đời sống bệnh nhân ra càng lâu thì càng có tiền càng nhiều...
West Covina, ngày 14 tháng 1-2001
VŨ THỊ MÃO