Hôm nay,  

Hoa Ve Chai Trên Đất Mỹ

19/02/200100:00:00(Xem: 264109)
Bài tham dự số: 02-168-VB 0217

Tác giả Nguyễn Văn Hưởng 52 tuổi, định cư tại San Diego, đã góp cho giải thưởng Việt Báo bài “Cái Tên”. Bài viết đã phổ biến và rất được bạn đọc yêu thích. Kèm theo bài, trong vài dòng sơ lược về tác giả, có ghi chú “nghề nghiệp: buôn bán ve chai.” Bài viết mới nhất của ông Hưởng sau đây là câu chuyện đầy chân tình về dòng ghi chú nghề nghiệp kể trên. Việt Báo trân trọng cám ơn tác giả và uớc mong bài viết “Hoa Ve Chai” sẽ là một gợi ý sâu sắc để mọi người cùng ôn lại, viết lại và chia sẻ với nhau thêm những bông hoa quí giá từ nhiều nghề nghiệp khác.



Mọi người thường cho Tạo nói bông đùa khi trả lời về nghề nghiệp mình, nhưng Tạo trả lời rất chân tình vì mình là người sống bằng nghề buôn bán ve chai trên đất Mỹ.
Nhắc đến hai chữ ve chai, người Việt nào cũng liên tưởng đến hình ảnh những "chú ba" quảy đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, rao tìm mua hầm bà lằng nào nồi niêu xoong chảo hư lủng móp méo không còn dùng được nữa, rồi cả ve chai lông vịt... Nhiều người còn đi xa hơn, liên tưởng đến chú Hỏa ngày xưa, từ bên nước "Đàn anh Trung Quốc" xuôi nam lập nghiệp tại Việt nam bằng gánh ve chai, tiến dần lên thành một trong những người giàu có nhất, với bao nhiêu cơ ngơi để lại cho đến ngày hôm nay.
Tạo vào nghề ve chai trên đất Mỹ hết sức tình cờ, như một định mệnh, không chủ đích trước. Chỉ hơn một năm sau ngày định cư, Tạo đã bắt được cái "job" tương đối thơm tho trong một hãng sản xuất cơ phận cho ngành hàng không và không gian. Công việc ấy đã cho Tạo một cuộc sống tuy không giàu có nhưng thật an nhàn. Nhưng đời mấy ai học được chữ ngờ, cuộc sống đang phẳng lặng đột nhiên nổi sóng. Sau gần 15 năm gắn bó với hãng, Tạo bị cho nghỉ việc (lay off). Khi hay tin Tạo mất việc, anh bạn thân đã chia xẻ niềm đau "hơn bị bò đá" bằng một câu phán:
-Thời buổi kinh tế xuống dốc, còn đi làm mới là chuyện lạ đời, bị cho nghỉ việc là việc bình thường, phải sống cho giống như mọi người chứ!
Lời nói chơi tuy hơi nghịch nhĩ, nhưng nghĩ kỹ lại nó biểu tượng cho một nếp sống Mỹ rất trung thực. "Không ăn hamburger, không hiểu và xem football, không thấm được nỗi buồn lay off là chưa từng sống ở Mỹ."
Cũng nhờ câu ấy mà Tạo vơi sầu. Thế rồi rút hầu bao có bao nhiêu tiền ki cóp, Tạo đem ra hùn hạp mở một garage sửa xe. Những người chung vốn đều có tay nghề giỏi, garage lại nằm nơi thị tứ đông dân cư, nên khách hàng tấp nập.
Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ chủ nhân gặp thời sắp giàu to, nhưng thấy vậy chứ không phải vậy. Vì yếu kém trong việc quản trị, nên tháng nào cũng lo tiền thợ, tiền mua hàng thiếu chịu muốn bá thở. Không lỗ lã là may lắm rồi, nhưng nhờ đó Tạo học được nhiều bài học quý giá để dấn bước vào thương trường.
Toàn, một ông bạn phốp pháp gốc gác "chú ba" nên Tạo đặt cho cái tên Chú Thoòng, nhìn sự "phồn vinh giả tạo" của tiệm sửa xe, rất khâm phục Tạo, mon men lại dò hỏi xem có việc gì cho ông ta làm chung. Ông bạn này cũng đang lãnh lương theo diện "bảy nghề", xe cộ nhà cửa cũng đang được nhà băng chiếu cố. Tạo chẳng biết nói gì hơn là cho ông toa thuốc "cố gắng" và ráng nín thở qua sông, sống cho qua hết thời buổi kinh tế lụn bại này.
Tạo có người bạn xông pha thương trường ngay từ ngày đến Mỹ, nhờ vậy nội công rất thâm hậu. Minh, tên bạn, cũng là nơi Tạo trút những phiền toái khó khăn của tiệm sửa xe, để được nghe lời mách nước miễn phí.
Trong thời kỳ nhà cửa đất đai lên giá vù vù, Minh tậu được một khu đất khá to, và đặt nhiều hy vọng trên mảnh đất ấy. Bỏ ra bao nhiêu tiền xin hết dự án này đến dự án khác đều không được chấp thuận, cuối cùng có một người gốc Ả Rập đến hỏi thuê mở “recycling” với một giá rẻ mạt. Minh cho thuê để nhẹ bớt tiền trả lời hàng tháng. Cơ sở mở ra, nhưng buôn bán không mấy khấm khá, phải đóng cửa trả lại đất cho Minh. Nghĩ đến bạn, không mấy thích hợp trong nghề sửa xe, nên Minh bàn cùng Tạo mở lại recycling trên mảnh đất ấy. Tạo đâu biết chi về nghề nghiệp này, nhưng nghĩ đến chú Thoòng mà làm nghề này thì còn ai thích hợp hơn. Trong thời kỳ huy hoàng ông từng một thời làm chủ cây xăng nên có chút "kinh nghiệm chiến trường". Khi Tạo ngỏ lời, chú Thoòng mừng hết lớn và Tạo có người cộng tác ngay.
Nghĩ ngợi mãi không biết "chuyển âm" chữ recycling thế nào, nên một hôm gặp một ông chủ báo đến sửa xe, Tạo lợi dụng ngay.
- Nhờ ông dịch dùm chữ recycling, vì tôi sắp nhảy vào nghề này.
Ngẫm nghĩ một lúc ông bảo:
-Tái biến chế.
-Tiếng gì mà sao giống như họ hàng của Tái Côn Lôn trong Nhục bồ đoàn vậy, lại toàn chữ Hán Việt, làm phúc tìm dùm chữ nào dễ hơn đi ông.
Tạo và ông đều vò đầu vỗ trán, nhưng chẳng tìm được chữ nào thích hợp. Đột nhiên một chữ chạy qua đầu, và Tạo đề nghị cùng ông nhà báo.
-Hay là đặt ve chai lông vịt đi ông, nhưng mình không mua lông vịt thì xài chữ ve chai thôi, ông nghĩ có chỉnh không"
Thế là Tạo thành chủ "Vựa ve chai" cùng với chú Thoòng từ đó. Ở Mỹ, mọi tên riêng, từ tên tiệm đến tên người, đọc xong bao giờ cũng phải đánh vần thì người nghe mới viết đúng được. Nghĩ tới nghĩ lui để chọn một cái tên cho vựa, cuối cùng vựa mang tên ABC, với tên này không còn ai bắt mình đánh vần nữa vì mình đánh vần trước khi họ hỏi.
Thời gian qua mau, mới ngày nào mà nay vựa ve chai đã hơn 7 tuổi, với biết bao vui buồn, Tạo ghi lại đây một vài niềm vui nỗi buồn sinh ra từ đống ve chai, đồng nhôm sắt vụn ấy.
Một hôm nhìn đoàn xe đẩy của các chợ (shopping cart) hùng dũng tiến vào vựa ve chai, Tạo nổi hứng phong cho chú Thoòng làm bang chủ Cái Bang đời thứ 101. Nếu đem Hồng Thất Công, một bang chủ giỏi nhất trong lịch sử võ hiệp Cái bang mà so với chú Thoòng đương kim bang chủ, thì chú Thoòng hơn rất xa. Đệ tử dưới trướng Hồng Thất Công trước đây chỉ toàn là Hán tộc. Đến đời Chú Thoòng bang chủ đã gồm thâu được mọi chủng tộc, từ khắp năm châu bốn biển quy phục dưới trướng.
Ngày xưa, cao trọng nhất sau bang chủ là hạng đệ tử 8 túi, 8 túi ngày xưa thì làm sao so với hàng chục bao thật lớn được treo lủng lẳng chung quanh các xe của chợ hàng ngày được bang chúng đẩy đến cho Thoòng bang chủ.
Nói bá láp một chút, chớ làm nghề buôn bán ve chai này, hàng ngày tiếp xúc với khoảng 5% khách hàng thuộc thành phần vô gia cư (homeless), Tạo không khỏi bùi ngùi xúc động. Năm ba đồng, một hai chục bạc bán được từ những lon nhôm, lon nhựa, chai lọ... mà họ nhặt được trên đường hay moi ra từ những thùng rác, chỉ đủ lo miếng ăn. Đêm xuống, họ chọn những mái hiên nhà thờ, hay dưới tàng cây làm nơi trú qua đêm. Vì vậy nơi rửa tay cho khách, đôi khi biến thành chỗ tắm giặt cho những kẻ khốn cùng này. Người Việt mình, Tạo chưa thấy có trong thành phần vô gia cư.
Đôi khi bận rộn, con cái trong nhà cũng ra vựa để phụ giúp Tạo. Trong bữa ăn từ biệt Việt, đứa con trai út qua New York học, Việt đã chia sẻ với mọi người trong gia đình nguyên nhân nào thúc đẩy Việt ghi tên theo học nha khoa.
- Những ngày làm ở vựa ve chai, con thấy được những nụ cười của người homeless, răng cỏ họ "vàng úa trống vắng". Con hy vọng nếu trở thành nha sĩ biết đâu sẽ giữ lại cho họ vài cái răng để nhai pizza hay hog dog và nụ cười tươi tắn trên môi.
Tạo chúc mộng ước của Việt sớm thực hiện được, để đền trả phần nào cái nợ quá to lớn của đất nước và dân tộc này đã cho gia đình Tạo.

Ngoài những nụ cười "vàng úa trống vắng", Việt còn thấy những đôi tay đầy cáu bẩn sung sướng đếm đi đếm lại từng đồng penny, từng đồng dime, từng đồng quarter. . . Đôi tay họ cáu bẩn, nhưng họ cầm những đồng tiền thật sạch, đồng tiền được tạo ra bằng chính sự khổ cực của mình.
Tâm sự với họ, Tạo thấy được không phải chỉ quê hương mình mới khổ đau, mà dường như bất cứ một sắc dân nào, đến lập lại cuộc đời nơi đây, đều cùng chung một nỗi ưu tư là kẻ ra đi lo cho người ở lại. Mỗi một người khách mang hàng đến bán, lắng nghe được tâm tư sâu kín của họ Tạo không tránh khỏi xúc động bồi hồi.
Một ông khách đã ngoài 70 người Ethiopia, sống một mình, hàng ngày đi lượm lon kiếm tiền gởi về quê lo cho gia đình vợ con làng nước. Ông là khách đến vựa hàng ngày, thu nhập mỗi ngày khoảng 25 đồng. Bẵng đi một thời gian không thấy ông lui tới. Hỏi thăm mới hay, trong lúc đẩy xe chợ đi lượm "ve chai", xe bị trượt bánh trên đường dốc, sức xe quá nặng, sức già yếu đuối ngã xuống, đầu va vào lề đường bị nứt sọ, phải nằm nhà thương cả tháng trời.
Ngày ông quay lại vựa, Tạo nhìn ông không ra vì ông quá ốm yếu. Chiếc xe chợ của ông từ nay và những ngày sắp tới sẽ chẳng bao giờ còn được đầy tràn như xưa. Không biết nơi quê nhà vợ con có hay biết và thương tâm cho hoàn cảnh ông không. Nhưng Tạo tin chắc một điều món tiền gởi về hàng tháng sẽ còm cõi đi, biết đâu ông lại nhận được đôi lời trách khéo, ông quên cội quên nguồn.
Để mừng ông sống lại, vợ chồng Tạo mời ông dùng cơm tối, và kết bạn cùng ông. Lẽ sống của ông là tạo niềm vui cho người khác, ông đã cho cả gia đình Tạo một bài học quý giá về ban phát tình thương và nghĩ đến tha nhân.
Tạo có anh công nhân trẻ người Mễ, không biết một chữ tiếng Anh, nhưng làm việc hết sức siêng năng cần mẫn. Lương ve chai nào được là bao, lo cho mình còn chưa đủ huống chi còn cả một dòng họ nơi quê nhà. Có công ăn việc làm nhưng anh cũng trở thành kẻ vô gia cư, làm được bao nhiêu tiền anh gởi hết về nhà. Nơi ngủ của anh là lòng chiếc xe van mà một người bạn cho ngủ nhờ. Ăn thì bữa cái taco, bữa cái borritto, ngon lắm được bữa pizza trong những ngày đông khách được chủ cho thêm tí tiền "bồi dưỡng", nước uống và tắm rửa thì ra cái vòi phía sau vựa ve chai. Một ngày có tin cảnh sát tìm kiếm anh. Thì ra vì nhu cầu nơi quê nhà quá lớn, lương anh dù đã gởi gần hết về nhà, gia đình vẫn than túng thiếu. Muốn có tiền nhiều và nhanh, anh lạc vào đường bán ma túy. Hay tin cảnh sát truy lùng, sợ hãi, anh trốn về Mễ. Tạo mất đi một người thợ tốt, nhưng không biết giờ này cuộc sống anh công nhân trẻ ra sao"
Còn với khách Việt, Tạo cùng chú Thoòng có được nhiều tình thân qua chuyện buôn bán, càng dễ chia sẻ hơn qua tình đồng hương và cùng chung ngôn ngữ. Nhờ vậy Tạo thấu hiểu được nhiều nỗi thương cảm, xót xa, cao thượng... chung quanh vựa ve chai này.
Có mấy ai ở quê nhà biết được mẹ cha mình sang Mỹ, phải moi ra từ trong thùng rác, để tìm từng xu từng cắc, ăn uống dè xẻn, ở đậu trong garare... để có bạc trăm bạc nghìn gởi về lo cho con cái cũng như cứu trợ đồng bào thiên tai nghèo khổ bên nhà.
Trong đống ve chai, trong đám đồng thau phế thải, đã nở lên trăm ngàn đóa hoa muôn sắc về "tình ruột thịt nghĩa đồng bào", làm át đi mùi tanh tưởi của những phế liệu. Tạo bắt chước nhạc sĩ Trần thiện Thanh đặt cho loài hoa ấy cái tên "Hoa ve chai". Loài hoa này không may mắn như Hoa trinh nữ được quân vương sủng ái, không lên ngôi hoàng hậu, nhưng thắm đượm tình người, tình yêu thương đồng bào dân tộc. Với khả năng hạn hẹp, Tạo không đủ sức diễn tả hết những thắm tươi, cao đẹp của loài hoa mà Tạo ngắm nghía suốt bảy năm nay. Tạo ngắt một cành "Hoa ve chai" trong hàng trăm đóa hoa nở rộ, gởi đến người bạn, một linh mục khả kính trong ngày đầu xuân.

. . .
Kính gởi
Linh mục Trần thanh Tùng
Kính thưa Cha.
Rất cảm động khi nhận được điện thoại chúc tết của cha từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Thêm một lần nữa, cầu xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân xuống cho cha trong năm mới này. Từ nay chúng ta đã có nhiều phương tiện truyền thông hiện đại để liên lạc cùng nhau. Hy vọng sẽ kết chặt thêm tình thân, rồi từ đó chia xẻ những vui buồn các việc Chúa cũng như việc đời trong thời gian sống xa quê hương. Mong rằng chúng ta sẽ làm được vài điều để vinh danh Chúa, để giúp người dân Việt nghèo khổ có cơ hội vươn lên.
Hôm nay con xin kể hầu cha một câu chuyện, cũng tương tự như câu chuyện con kể lúc đi dạo dọc theo bãi biển gần khách sạn Coronado Del, một khách sạn to lớn và sang trọng nhất của thành phố San Diego.
Vài tuần sau khi cha rời San Diego, vợ chồng con có dịp trở lại xem lễ tại nhà thờ đường 42. Phía trên vài hàng ghế, con thấy một người đàn bà đứng tuổi phúc hậu gọn ghẽ trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, gương mặt hơi quen quen. Nghĩ một lát, mới nhớ ra đó chính là bà Phong, bà chủ nhà đãi cơm trưa chúng mình trong ngày đầu cha đến San Diego. Cạnh bên bà, một người đàn ông tóc hoa râm, có lẽ là chồng bà Phong, ông quạt luôn tay cho vợ để xua bớt đi cái nóng buổi trưa hè.
Thánh lễ xong, mặt đối mặt con mới nhận ra ông ta cũng là chỗ quen biết. Sở dĩ con nhận không ra ngay vì hôm ấy với quần áo tươm tất gọn ghẽ, khác xa với những lần thường gặp. Thưa cha, ông Phong chính là người khách hàng ngày đến bán những lon chai nước ngọt, lon bia, giấy báo. . . cho vựa ve chai của con. Những lúc vắng khách, anh em cũng nói đôi ba câu chuyện về quê hương về giáo hội khi biết ông cùng là người Công giáo. Hàng ngày cầm trao ông đôi ba chục bạc, tiền công của cả một ngày lao động cực nhọc, con thường ân cần vui vẻ săn sóc ông, đôi lúc giúp ông lựa chai nhôm, chai nhựa, chai thủy tinh... để tránh cho ông những mặc cảm.
Khi nhận ra được ông là ai, thì hình ảnh ba trăm đồng bạc mà bà Phong gom góp được trong gia đình, trao cha chuyển về quê nhà để đóng góp xây dựng việc Chúa, con thấy nó cao cả và quý hóa quá. Làm thế nào để những người thụ hưởng món tiền ấy thấu hiểu hết được ý nghĩa của nó, làm thế nào để cân đo được sự nặng nhẹ của đồng tiền trong khi mọi người chỉ nhìn vào những con số không hồn"
Nhìn những người về thăm quê hương, giúp đỡ họ hàng thân tộc bạn bè hay những công việc xã hội, ai cũng nghĩ rằng tiền bạc bên trời Tây rất dễ kiếm. Biết đâu được rằng, để có những đồng tiền ấy, cả vợ chồng con cái phải ngồi thật nhiều giờ bên bàn máy may gia công, phải dũa hàng ngàn bàn chân bàn tay cho khách. Hoặc như ông Phong kia, mỗi sáng phải moi móc từng thùng rác để kiếm được cái lon cái chai mang bán kiếm sống qua ngày và gởi về cho bà con thân thương từ ngàn dặm xa xôi.
Đó là câu chuyện nối tiếp chuyến thăm viếng San Diego mà con muốn kính gởi đến cha.

. .
Cách đây mấy năm, nhân dịp về thăm quê, một ông bạn già nhờ Tạo vào Văn Miếu Hà Nội tìm giúp tên tổ tiên đỗ đạt được ghi danh bia đá.
Nghĩ lại phận mình, tổ tiên không ai đỗ đạt cao để "lưu danh muôn thủa", đến đời mình, tuy làm "Việt Kiều Mỹ" - nghe có vẻ thơm tho- nhưng gắn thêm tí nghề nghiệp vào thành “Việt kiều ve chai” chắc không khỏi báng mùi.
Mùi vị tủi thân ấy, với Tạo, đã hết từ ngày thấy được loài “hoa ve chai” nở đẹp. Làm bất cứ ngành nghề nào chắc cũng không khác nghề vun trồng cây cối là bao. Cây cối biết nở hoa, mọi công việc đều vậy.
Hiểu ra điều này, Tạo cùng chú Thoòng càng yêu thương và hãnh diện với nghề nghiệp của mình. Cả hai lo vun phân tưới nước cho vườn hoa chung trong vựa ve chai và cho vườn hoa riêng trong gia đình mỗi người.

NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến