Hôm nay,  

Giấc Mơ Của Mẹ

09/01/200100:00:00(Xem: 192141)
Mẹ tôi là nhân viên nấu ăn cho toà đại sứ Mỹ từ năm 1970. Trí nhớ tuổi thơ của tôi vẫn còn hình dung được với những người chủ Mỹ rất vui tính và thích trẻ con.

Có lần, lúc dộ 6, 7 tuổi, tôi bị một nhọt mủ lớn ở hông, cũng chính người chủ Mỹ tận tình đưa tôi đi vào quân y Mỹ chữa cho lành. Ba tôi rời bỏ gia đình từ khi tôi còn nhỏ, nên công việc làm ỡ toà đại sứ Mỹ đã cho những ngày tháng thật sung túc cho gia đình hai mẹ con tôi.

Ngay từ đầu tháng tư 1975, toà đại sứ đã cho phép gia đình tôi di tản sang Mỹ nhưng không biết vì một lý do gì, mẹ tôi từ chối không đi, để mà mãi cuối sau cho đến lúc bà mất đi, vẫn còn ray rứt không nguôi một niềm ân hận.

Miền Nam thất thủ, Saigon mất, Việt Nam thống nhất, vậy mà cả đất nước vẫn chìm đắm trong khổ đau, thống hận sau đó. Mẹ tôi mất ở tuổi 48, năm 1984 tại Saigon, sau khi nằm trên giường bệnh mê man hơn một năm trời với căn bệnh đứt mạch máu não. Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẩy nói mẹ tôi chết vì những căng thẳng quá sức chịu đựng của bà trong đời sống. Làm sao bà chịu nổi sự căng thẳng của cái đất nước thống nhất, nhưng với ba bốn lần đổi tiền, tài sản dành dụm tiêu tan, với hội phụ nữ, rồi uỷ ban nhân dân, công an phường mỗi ngày vào nhà, doạ nạt, khuyên dụ, ép buộc hai mẹ con tôi phải đi kinh tế mới.

Ngày mẹ tôi mất đi, mưa đầy trời giông bão, trong cuộc đời lần đầu tiên tôi mới hay như thế nào là nỗi đau của sự vĩnh biệt. Tôi phải tự cố an ủi mình rằng, mẹ tôi đã được bước sang một thế giới mới, thế giới của sự vĩnh hằng, và nơi đó chắc chắn tốt đẹp hơn nhiều cái thế giới mà tôi đang sống.

Một mình còn lại sống trong căn nhà kỷ niệm để lại của mẹ, tôi lăn lộn ra đời làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Tình cờ gặp lại người bạn cũ ngày xưa, nhận được sự giúp đỡ tái sinh, tôi cùng gia đình người bạn rời khỏi Việt Nam từ kênh năm Rạch Giá, trên một chiếc ghe nhỏ mong manh với 40 người dân địa phương vào một đêm của tháng Tư 1988.

Cũng như hầu hết những chuyến vượt biên khác của cả triệu người Việt, tàu chúng tôi cũng đi lạc hướng, lênh đênh hơn 7 ngày trên biển, hết nước và lương thực. Tôi bị phỏng nặng do một tai nạn bất cẩn trên ghe lúc cố gắng làm lửa hiệu cầu cứu. Vừa bị phỏng toàn thân, vừa đói khát, tôi còn nhớ trong cơn nửa tỉnh nửa mê, tôi mơ thấy mẹ bưng đến cho một ly nước đá chanh, lúc vừa bưng lên miệng uống, thì bừng tỉnh, biết chỉ là mơ, lòng sao xót xa. Tôi còn nhơ ù nổi khát khao của những ngày lênh đênh trên đại dương ấy chỉ là một ly nước đá, mới hay ước mơ của con người cũng đổi thay theo mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Trải qua nhiều gian truân, kể cả được một tàu đánh cá Campuchia cứu và kéo vào một đảo nhỏ do bộ đội Việt Nam chiếm đóng trong vùng biển Campuchia. Tôi đứng ra thương lượng với viên sĩ quan trưởng đảo, đổi số vàng còn lại của đoàn người trên ghe với sự tự do được tiếp tục ra đi.
Ghe chúng tôi cặp vào giàn khoan dầu của Mỹ tại ngoài khơi vịnh Thailand buổi tối tháng tư 1988. Nhìn những nhân viên Mỹ tại giàn khoan, mặc đồng phục màu cam, chạy tràn xuống cứu cấp cho chiếc ghe tơi tả chúng tôi giữa biển đông của đêm ấy, như những thiên thần. Nhân viên Mỹ tại giàn khoan cấp tốc đưa tôi lên phòng cấp cứu, do vết phỏng lúc ấy đã bị nhiễm trùng nặng. Lần thứ hai trong đời, tôi xin gởi lời tri ân đến người Mỹ.

Tôi đến tiểu bang Texas Hoa Kỳ vào buổi chiều tháng sáu năm 1990, sau hơn hai năm trời nổi trôi tại các trại tỵ nạn Banthad, Panat tại Thailand.
Tưởng tượng nước Mỹ với bầu trời giá lạnh tuyết rơi, hoàn toàn ngược hẳn với hơi nóng kinh người hơn 100 độ F tạt vào mặt ngay khi tôi bước chân ra cổng phi trường Dallas Forworth với gia đình bạn thân của mẹ tôi nhận bảo trợ. Nước Mỹ đây rồi, nơi mà mẹ con tôi và hàng triệu triệu đồng bào Việt Nam khát khao được đến. Tôi mới nhận ra đây quả là một thiên đường đối với những người từng trải nhiều đau khổ.

Tôi cũng chợt nhận ra, cái quá khứ khổ đau của đời tôi nơi quê nhà, trên đường vượt biển…chính là món quà của thượng đế ban cho. Làm sao nhận chân được sự sung sướng, nếu chưa từng sống qua đau khổ" Bây giờ tôi mới hiểu tại sao tài tử Holywood Mỹ cuộc sống nổi tiếng giàu sang lại vẫn tự tử vì chán đời; có lẽ bỡi vì đời sống của họ quá sung sướng ngay từ lúc mới sinh ra, nên họ không thể nhận ra cái sung sướng của một đêm ngủ ngon giấc mà không sợ công an gõ cữa, họ không thể nhận ra cái sung sướng của đói bụng thì chạy ngay vào Mac Donald thì có ngay một cái hamburger để ăn, chứ không phải xếp hàng cả ngày, để mua được 9 kg gạo đầy thóc lúa, hay một miếng thịt đã bốc mùi tại một hợp tác xã.


Tôi còn nhớ, có lần ra Phan thiết năm 1982, gặp hai mẹ con bác nọ, đang lượm mót những củ khoai sùng còn rơi rớt sau mùa thu nhặt của một nông trường. Nói chuyện với hai mẹ con với khuôn mặt hằn sâu cuộc sống lầm than, vất vã này mới hay, gạo là thứ thực phẩm sang trọng, xa xí phẩm đối với gia đình bác, chỉ để dành ăn vào dịp tết, còn ngày thường thì chỉ được ăn khoai. Sang Mỹ, có lúc tôi làm bồi bàn cho một nhà hàng, nhìn thấy họ vứt bỏ vô số thức ăn còn ngon lành bán không hết mỗi đêm, mà thấy lòng quặn thắt, thương cho hai mẹ con bác ở Phan Thiết ngày xưa, thương cho dân mình.

Tôi còn nhớ, mẹ tôi có một quầy nhỏ bán trái cây trước nhà, mỗi buổi sáng sớm phải ra chợ đễ lấy hàng, có một lần hai tay xách nặng, đường trơn ướt, bà trợt chân té bật máu vào vũng sình chợ Trương Minh Giảng, hàng chục người đi chợ xung quanh cười ồ mà không một người nào đến để vực đỡ.

Tôi sang Mỹ vào học trường Texas A&M. Một buỗi chiều trong khuôn viên trường, đạp xe đạp vấp vào một mô đất, mặt té đập xuống mặt đường, bể nát cặp mắt kiếng, đau đến hôn mê vài phút, khi hồi tỉnh lại thấy mình đang nằm trên xe cứu thương, một học sinh nào đó đã gọi số cấp cứu cho tôi.

Hồi còn ở Việt Nam, tôi học tư lớp Hoá với thầy Nguyễn Dzực, thầy có bông đùa một câu mà tôi nhớ hoài "người Việt mình đi trước thời đại văn minh của thế giới, trai gái nắm tay đi ngoài đường thì mắc cỡ, nhưng chuột chết hay tiểu tiện thì đem ngay ra đường phố không ngại ngùng".

Sau tháng tư năm 1975, có lúc hai mẹ con tôi phải buôn bán than để mưu sinh. Chúng tôi phải gánh hàng chục bao than 100kg mỗi ngày đến tận nhà cho người mua. Một buổi tối, sau một ngày làm việc chân tay đau, thân thể đau rã rời, mẹ tôi bùi ngùi nói trong nước mắt "mẹ đã sai lầm không đem con sang Mỹ lúc được toà đại sứ cho đi". Sau đó không lâu, mẹ mất đi trong tủi buồn, uất ức, khổ đau.

Bốn năm sau, tôi mang giấc mơ của mẹ sang Mỹ để thấy nước Mỹ quả thật chẳng phải là một thiên đường tuyệt đối, người Mỹ chẳng phải là người rộng lượng, văn minh bậc nhất thế giới, nhưng nơi đây nên chính là cái mốc điểm, mà tôi mơ quê hương mình một ngày nào đó sẽ đến được.
Một người cha cuả bạn tôi, 65 tuổi, một sĩ quan cao cấp của chế độ cộng hoà, đến Mỹ qua chương trình HO, sau khi được "giáo dục" tại các trại cải tạo miền Bắc, miền Nam hơn 13 năm trời. Tính vốn siêng năng, đến Mỹ ông lao ngay vào công việc làm cho những hãng điện tử trong vùng. Sau 8 năm định cư, ông dành dụm được số tiền khá lớn. Mặc dầu ông vẫn than phiền nước Mỹ là một nước bóc lột sức lao động, nhưng tôi vẫn tin rằng, không một nơi nào trên thế giới có thể cho ông một cơ hội kiếm sống như vậy. Có lẽ ông đã chóng quên, hay không được nhìn thấy một người lương thiện, hiền lành trong xóm tôi, đã bị tù hơn 3 năm vì tội "chây lười lao động", chỉ vì gia đình anh giàu có, nên anh không phải đi làm kiếm sống như những người khác.

Con người sinh ra để luôn nhận nhiều ưu phiền khổ đau hơn là hạnh phúc, nên chẳng có một nơi nào trên thế giới này là thiên đường. Nếu không được trang bị một hành trang của khổ đau, thì có khi tôi quên, để không nhận ra cái "được" mà nước Mỹ đã cho trong 10 năm qua.

Chúng tôi vừa có cháu gái đầu lòng, gần ngày cháu phỏng đoán được sinh, đột nhiên nhịp tim của vợ tôi giảm xuống trầm trọng đột ngột. Nửa đêm ở bệnh viện, nhìn hàng chục y tá, và 2 bác sĩ chạy tất bật đưa vợ tôi vào phòng mổ để giải phẩu cứu cháu bé ra, tôi chợt nghĩ, thêm một lần thứ ba, tôi và con phải tri ân người Mỹ, đất nước Mỹ.

Bốn đêm chúng tôi lưu lại bệnh viện, bối rối vì đứa con đầu lòng, thêm mẹ cháu bé chưa bình phục sau cuộc giải phẩu, tôi liên tục gọi các cô y tá vào để giúp, 12 giờ đêm hay 2, 3 giờ sáng, lúc nào các cô cũng tươi cười, nồng nhiệt giúp đỡ.

Dẩu hiễu rằng chi phí tại bệnh viện Mỹ rất cao, các cô y tá được trả lương hậu, nên có lẽ "lương bổng tương xứng, sinh phục vụ tận tình", hơn nữa, tôi tin rằng chúng ta vui lòng với cách phục vụ này, hơn là mỗi lần vào bệnh viện lại phải đút lót bác sĩ, y tá để được phục vụ tận tình hơn những bệnh nhân nghèo không có tiền để hối lộ khác.

Mẹ tôi còn một người cháu ruột ở Việt Nam, anh có cháu bé gái mới lên hai tuổi mới đây bị chó cắn. Đêm cháu trong bệnh viện lên cơn sốt dữ, phòng thuốc đóng cửa, cả bệnh viện không tìm ra một viên thuốc hạ sốt cho cháu, cha của em phải chạy xe khắp Saigon đến 6 giờ sáng mới tìm được thuốc cho con!

Bây giờ đã hơn 10 năm xa xứ, 16 năm mẹ mất đi, mặc dầu tôi đã quen với cái đời sống thật yên tỉnh của căn nhà trên nước Mỹ, nhưng vẫn rất nhớ cái tết của quê nha øvới hai mẹ con ngồi bên nồi bánh chưng đêm, nhớ bạn bè quen với ly chè thơm ngay ngoài phố, nhớ khu xóm lao động ồn ào nhưng ấm tình người… hiểu lẽ được-mất của cuộc đời, nên sống bình an và vui trên quê hương mới.

Tôi cũng nghĩ, không một ai muốn sống đời của tha phương. Ngày xưa, hầu như chỉ những ai vì một lý do gì đó, không thể sống ở làng quê nhà, mới phải mang thân đi tha phương. Ngày nay giấc mơ sang Mỹ của mẹ tôi và hàng triệu đồng bào Việt Nam có lẽ cũng vì chung một nỗi niềm như vậy.

Phan Kỳ Long

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,715,136
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến