Hôm nay,  

Một Thời Để Nhớ

14/03/200100:00:00(Xem: 360962)
Bài tham dự số 210-VB1223

Tác giả cư trú tại Santa Clara, Bắc California. Đây là bài thứ hai của cô tham dự Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Bài đầu viết về "Chương cuối của cuộc đời", số131/VB1001. Cả hai bài đều duợc viết với chữ nghĩa chừng mực hiếm có. Riêng bài viết này, có thể coi là một chia sẻ quí giá với những bạn trẻ có quyết tâm học hành tại Mỹ.



Bây giờ, và có lẽ mãi mãi về sau khi nhìn lại quãng đường đi qua mà chị em chúng tôi vẫn gọi là "một thời gian nan" khi mới đến Mỹ chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng là mình đã đi qua một cách bình yên, tốt đẹp, mà lúc đó chúng tôi không hề biết là mình đã sống dưới mức sống trung bình của người Mỹ rất nhiều.

Ngược lại, thời đó chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, và đầy đủ sau mười năm sống chịu đựng dưới chế độ Cộng sản, thiếu ăn, thiếu mặc, và không được học lên cao, cái giới hạn cao nhất dành cho những đứa con có bố " học tập cải tạo" ở núi rừng Việt Bắc, "có nợ máu với nhân dân" (không hiểu cái nghĩa "nhân dân: được diễn dịch theo ý nào") là tốt nghiệp Trung học.

Mẹ cắn răng dạy từng đứa một trong lũ con ra biển Đông, chỉ để mong chúng tôi được học hành thành người, và được sống trong tự do. Có những lúc Mẹ phải "thăm nuôi tù" từ Bắc vào Nam, thăm ba ở Nam Hà, Ba Sao; thăm một trong các con ở Mỹ Tho.

Do vậy, chúng tôi đến Mỹ, từng đứa một từ nhiều trại tỵ nạn khác nhau, từ Galang ở Nam Dương, từ Pulau Bidong ở Mã Lai, hay từ Banthad ở Thái Lan trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ là đặt chân đến Mỹ chỉ có cái túi xách nylon của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đựng giấy tờ, và mấy bộ quần áo được phát từ trại tỵ nạn, không một đồng dính túi. Dĩ nhiên, đứa đến sau được đứa đến trước hướng dẫn về thủ tục, cộng với kiến thức được trang bị trong các lớp "culture orientation" ở trại chuyển tiếp Bataan, Philippines, và số vốn liếng Anh ngữ hạn hẹp có được từ những năm Trung học, và từ những ngày làm thiện nguyện trong trại tỵ nạn, chúng tôi mang tuổi hai mươi đầy sức sống lao vào "đất nước của tự do và cơ hội".

Con đường của chúng tôi bắt đầu từ trường Community College của Mỹ. Thi xếp lớp và ghi danh đi học. Chương trình ở hai năm đầu sau Trung hoc tương đối dễ dàng, tất cả chúng tôi đều đi học và đi làm full time cùng lúc. Đời sống lúc đó với chị em chúng tôi chỉ là một hình Tam giác mà ba đỉnh là Trường học, Sở làm, và Thư viện. Chúng tôi chỉ có mặt ở nhà, thực ra đó chỉ là một phòng lớn (master bedroom) với phòng tắm nằm ngay trong phòng, để ngủ, và tắm. Mọi sinh hoạt khác đều diễn ra ở những nơi khác, chẳng hạn như làm bài trong Computer Lab của trường, ăn trong Cafeteria của trường, đôi khi "ăn lén" trong thư viện, hay ăn trong xe khi ngừng xe vì đèn đỏ, hay vì kẹt xe trên xa lộ.

Xin được mở ngoặc nói về từ "ăn lén": nghĩa là phải ăn không có âm thanh, và không có mùi. Nguyên tắc là không được ăn trong thư viện, nhưng ở trường Đại học, hình như hầu hết sinh viên đều ăn trong những "quiet study area", trong những "ngăn học cá nhân" bằng gỗ cao khoảng hơn một mét, khi ngồi trong "ngăn học cá nhân" đó, khoảng trời thu nhỏ, chỉ có sách vở, và những vách gỗ bao quanh, rất dễ tập trung để học, người ngồi "ngăn bên cạnh" không hề thấy bạn nếu bạn không dứng lên. Mặt bàn học khá rộng, đủ chỗ để bày hai quyển sách lớn mở rộng, và đủ chỗ để bày cả...thức ăn, nước uống. Do vậy hầu hết sinh viên "ăn lén" trong "ngăn học cá nhân". Trong không khí tuyệt đối im lặng đó, thường nằm ở tầng cao nhất của Thư viện, nếu may mắn chọn được chỗ ngồi đối diện với cửa sổ, bạn có thể tha hồ thả hồn theo những đám mây trắng bay lững lờ trong những ngày mùa Hè, mùa Xuân; hoặc ngắm nhìn màu xám không bi quan chút nào của bầu trời mùa Đông. Nếu bạn nhai potatoes chips, hay lột vỏ một trái cam, bạn đã "lạy ông tôi ở bụi này", tự tố cáo mình đang "ăn lén". Sinh viên vẫn ăn trong thư viện, với điều kiện không có mùi thức ăn, và không có tiếng động, chỉ cần sau khi ăn xong, hoặc trước khi rời chỗ ngồi phải dọn dẹp sạch sẽ, không để lại "vết tích".

Chúng tôi vẫn ăn trong thư viện để tiết kiệm thì giờ, có thể vừa ăn, vừa học. Mỗi phút đều có giá trị, nhất là sắp đến kỳ thi giữa khóa (midterm test) hay kỳ thi cuối khóa (final test). Khắp thư viện đều có những tấm bảng nhỏ "No Food, No Beverage" những sinh viên vẫn phớt lờ, coi như...mình không biết đọc!

Đến Mỹ muộn màng, hơn mười năm sau ngày miền Nam sụp đổ, biết thân mình là "trâu chậm uống nước đục", chúng tôi lao vào học, không dám để mất thêm một giờ nào. Hơn nữa, hình ảnh ba với đầu tóc bạc trắng ở tuổi gần năm mươi trong các trại tập trung đầy nhục hình cho những người lính thất trận; và hình ảnh mẹ với đôi mắt vời vợi buồn mênh mang, cùng những giọt nước mắt long lanh trong những ngày chuẩn bị cho chúng tôi vượt biên là nguồn năng lực không bao giờ cạn, tiếp sức cho chúng tôi trong những ngày chân ướt chân ráo ở Mỹ.

Hai năm đầu ở Community College, trường đào tạo kiến thức hai năm đầu của bậc Đại học, chương trình còn dễ, tất cả chúng tôi đều đi làm full time, và đi học nhiều hơn full time, nghĩa là lấy được càng nhiều lớp càng tốt trong khả năng của chúng tôi.

Hai năm cuối Đại học ở University, bài vở nhiều hơn, nhất là cho Engineering Major, các em tôi chỉ làm part time để đủ tiền trang trải mọi chi phí. Hơn nữa, khi chuyển trường, phải đi học ở những thành phố xa, tìm một việc làm cho sinh viên không dễ như ở những thành phố lớn. Dĩ nhiên, tất cả chúng tôi đều có một thời làm Work Study, một phần trong chương trình giúp đỡ tài chính cho học sinh nghèo. Công việc ở trường nhàn hạ, có thể vừa làm vừa học, có điều không thể làm nhiều giờ, vì trường muốn sinh viên tập trung vào học hơn là làm để kiếm tiền.

Vào những dịp hè, hay nghỉ Đông, trong lúc mọi người nghỉ ngơi mua sắm, hay đi du lịch, chúng tôi lại lao vào làm việc nhiều hơn, giống như những con kiến cần cù trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine, phải làm việc vất vả trong mùa hè, mùa xuân để dành thực phẩm cho mùa Đông. Nhất là dịp nghỉ Đông, lễ Giáng sinh, và Tết tây là dịp để sinh viên kiếm tiền. Các cưa hàng mở nhiều giờ hơn, có nơi mở đến 18 tiếng mỗi ngày, và thuê mướn rất nhiều nhân viên làm trong dịp lễ, đa số là sinh viên, dĩ nhiên là sinh viên nhà nghèo, hay một vài sinh viên con nhà giàu, nhưng bố mẹ họ muốn họ đi làm để biết giá trị đồng tiền.

Làm ở các cửa tiệm của Mỹ trong mùa lễ, mệt nhưng vui, được nghe nhạc, được tha hồ ngắm hàng hóa, ngắm thiên hạ đi mua sắm. Cũng có lúc gặp phải những khách hàng kho tính, phải làm nhiều việc hơn, nhưng may mắn là con số đó không nhiều. Và mỗi một lần phải va chạm với những khách hàng như vậy, quyết tâm của tôi "ra trường càng sớm càng tốt" lại được nâng cao.

Một lần đứng ở quầy tính tiền cho một cửa tiệm trong mùa he, tôi đã gặp lại được cô giáo cũ năm đầu Trung học ở Việt Nam. Dĩ nhiên là thầy trò đều rất vui mừng. Cô không còn trẻ như thời mới ra trường Đại học Sư phạm đứng trên bục giảng ngày xưa, và tôi cũng không còn ngây thơ với đôi mắt bi ve trong sáng, hồn nhiên vô tư của những ngày mới lớn. Nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau vì ánh mắt ngày xưa vẫn còn, mặc dù đã già đi nhiều theo năm tháng chất chồng, và thầy trò chúng tôi tìm lại được nhau từ một nửa kia của bán cầu. Từ đó, tôi càng tin hơn là quả đất tròn, rất tròn.

Để tự nuôi thân, và đôi khi "yểm trợ" cho ba mẹ, hay một vài thân nhân khác ở Việt Nam, chúng tôi đã làm đủ mọi nghề lương thiện để tự tồn tại một cách độc lập.

Là con gái, tôi không thể chịu được sức nặng của những chồng báo mỗi sáng như các em tôi vẫn làm, do vậy tôi chỉ đứng bán trong các Department Stores của Mỹ, với mức lương gần như là tối thiểu, những công việc tương đối nhàn hạ nhất trong những entry level jobs (công việc bắt đầu, không cần nhiều kỹ năng, hay kinh nghiệm, kiến thức). Bù lại, tất cả nhân viên ở Department Stores được hưởng giá hạ (discount) từ 10 đến 20 phần trăm cho bất kỳ món hàng nào mình muốn mua. Mỗi năm lại được thêm hai hoặc ba lần mua hàng với nửa giá (50% discount). Điều duy nhất phải phàn nan la phai dung ca ngay, những lúc được nghỉ giữa giờ, chúng tôi chi ngoi. Bạn có khi nào hiểu được cái hạnh phúc "dược ngồi" không" Nếu bạn đã từng làm cho bất cứ một cửa hàng nào, bạn sẽ hiểu được cái hạnh phúc giản dị, nhưng to lớn đó.

Khác với tôi, thời đó, công việc giao báo mỗi sáng tạo cho các em tôi một hạnh phúc khác, hạnh phúc được ngủ bù. Mỗi kỳ lễ Giáng sinh, người Mỹ có tục lệ tặng quà hay tiền cho những người đã phục vụ họ quanh năm. Ở hộp thư của họ một sáng nào đó gắn lễ Giáng sinh, sẽ có những "money holder" đựng check bên trong cho người phát thư (mail carrier) va người đua báo (paper boy), đó là một cách để tỏ lòng biết ơn . Là một paper boy, em tôi cũng được một số tiền nhỏ vào dịp lễ Giáng sinh. Số tiền đó với thời kỳ còn "cơ hàn" quý vô cùng. Mãi về sau này, khi đã có được nhà ngay trên khu phố ngày xưa phải đi đưa báo mỗi sáng, nhiều ông bà cụ già người Mỹ vẫn gọi em tôi là Paper Boy, và đôi khi vẫn hào phóng tặng em một cái check nhỏ vào lễ Giáng sinh.

Thời đó, trong thư gởi về cho ba mẹ, chúng tôi không hề dám đề cặp đến những vất vả, gian nan, đến những lúc cậu con út cưng của ba mẹ phải dậy sớm từ lúc ba giờ sáng, đi bỏ báo với cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ , rất là vất vả nhất là vào mùa Đông, có lúc lạnh dưới 20 độ F; hay những tối thứ sáu tôi phải nấu ăn đến gần 10 giờ đêm để dành ăn dần cho cả tuần sau. Vã chăng những khó nhọc thời đó vẫn không có ý nghĩa gì so với những năm chúng tôi còn ở Việt Nam, khi ba còn trong trại cải tạo ở núi rừng Việt Bắc, và mẹ vừa làm bố, vừa làm mẹ, bảo vệ đàn con trong những giông bão của đời sống.

Chúng tôi chỉ kể cho ba mẹ nghe những thành đạt trong việc học, nhưng học bỗng đất được, dù khiêm nhường về vật chất, nhưng là một an ủi tinh thần lớn lao cho mấy chị em lưu lạc quê người, chỉ đến Mỹ bằng mấy bộ quần áo cũ, và với hai bàn tay trắng.

Hồi đó, những lúc được scholarship (học bổng), được thiệp mời cho gia đình, tôi không biết phải mời ai, các em lúc đó phải đi học ở xa, hoặc đi thực tập ở Tiểu bang khác, chỉ có một cô giáo người Mỹ, cùng chồng đến dự lễ thay mặt ba mẹ chúng tôi. Hoặc đôi khi cô bận, thầy giáo dạy năm trước đến dự cùng tôi. Trong khi những học sinh Mỹ ăn mặc rat đẹp, tôi vẫn mặc cái áo rẻ tiền, mua với giá discount 50% từ một cửa tiệm tôi vẫn đi làm mỗi mùa hè. Điều làm tôi được an ủi là các thầy cô giáo vẫn khích lệ tôi, và vẫn cho tôi những lời khuyên cần thiết khi tôi hỏi ý kiến.

Rồi chúng tôi cũng quen, quen dần với nỗi buồn của những tiệc tùng, hay lễ phát học bỗng mà cái thiệp mời dành cho ba mẹ để trống, hay các thầy cô giáo Mỹ đi thay nếu hôm đó họ không có giờ dạy, hay không bận chấm bài. Duy chỉ có một lần, tôi đã quay đi âm thầm chùi nước mắt là ngày ra trường, trong khi các học sinh Mỹ, hay cả một số học sinh Việt Nam ra trường với điểm thấp hơn mình vẫn được người thân tặng hoa, tặng quà, bong bóng; thậm chí có học sinh Mỹ may mắn có bố mẹ giàu được tặng cả xe hơi mới, chúng tôi ra trường lặng lẽ, đôi khi chỉ có một mình, và tự khen mình bằng câu "I did that" (tôi đã làm được điều đó) .

Lễ ra trường ở Mỹ, cũng như mọi dịp kỷ niệm khác : đám cưới, sinh nhật, đám ma, thường đươc tổ chức vào sáng thứ bảy cuối tháng năm, hay đầu tháng sáu hàng năm để tiện cho mọi người tham dự. Có cả những học sinh may mắn được cả gia đình, hay cả những người thân bay đến từ tiểu bang khác dự lễ ra trường của họ. Sau lễ ra trường, thường là tiệc tùng mừng "tân khoa" ở nhà, hay nhà hàng. Sinh viên mới ra trường có cả một ngày thứ bảy đầy hoa, quà, và niềm vui sau ít nhất là bốn năm vật lộn với sách vở. Trước lễ ra trường khoảng ba tuần, văn phòng trường gởi danh sách của từng "tân khoa" đến Book Store (tiệm sách) của trường. Áo và mũ đều giống nhau, thường là màu đen, nhung tassel (giải dây ngắn đính vào mũ có đính hai số cuối của năm ra trường) sẽ nói lên phân khoa của sinh viên. Những sinh viên ra trường loại giỏi có thêm một tassel trắng, hay vàng, ngoài tassel thường của phân khoa mình. Sinh viên tốt nghiệp danh dự có thêm một giải băng đeo trước cổ. Thông thường người ngoài ít biết chi tiết, nhưng sinh viên trong trường biết khả năng, và ngành học của nhau qua y phục ra trường. Book Store cũng bán nhẫn ra trường, và nhiều thứ khác như một kỷ niệm của một năm đáng nhớ trong đời.

Ngày tôi ra trường không có ai đến dự ngoài cậu em út đến rất trễ vì phải bận thi cuối khóa từ một trường Đại học khác ở cách trường tới gần 50 dặm. Các bạn cùng lớp chụp hình cho tôi. Và ngay sau lễ ra trường, tôi đã phải chạy ngay ra xe, để đến kịp cho giờ làm buổi chiều ở một cửa tiệm. Hôm đó, cái kính đen trong mắt tôi không chỉ để che bớt cái nắng chói chang đầu mùa hè, mà còn để che cặp mắt đỏ vì lâu lâu có những giọt nước mắt rớt ra. Tôi cũng không hiểu chính xác minh khóc vì lý do gì, có điều tôi chỉ buồn là không có ba mẹ ở đây để thấy tận mắt thành quả của mình.

Là phái nam, các em tôi không ủy mị như tôi, cậu em kế không dự lễ ra trường của chính mình. Cậu em út may mắn hơn, có đầy đủ các anh chị trong ngày lễ ra trường.

Cuộc sống trở nên an nhàn hơn rất nhiều sau khi chúng tôi xong Đại học. Điểm ra trường, và giá trị của trường tốt nghiệp chỉ chiếm ưu thế nếu sinh viên mới tốt nghiệp không có kinh nghiệm, và chỉ ở công việc chuyên môn đầu tiên. Về sau này, trên resume, kinh nghiệm và khả năng ăn nói trong các kỳ phỏng vấn là yếu tố quyết định .

Ở năm cuối Đại học, tôi có rất nhiều bạn học cùng lớp đến từ đủ các nước khác. Và bạn có biết không, bằng Đại học, hoặc sau Đại học của Mỹ (Master Degree, Ph. D. Degree) rất có giá trị ở các nước khác, ngay cả những nước châu Âu có nền văn minh lâu đời như Anh, hay Pháp. Họ đến đây, phải trả một giá rất cao để được học ở Mỹ, và rất nhiều người trong số họ tìm đủ mọi cách để được ở lại làm việc, sinh sống ở Mỹ. Tuy vậy, bất cứ một người nào có đầy đủ kỹ năng mà nước Mỹ đang cần, thì không những riêng bản thân họ, mà ngay cả tất cả những người thân trực hệ của họ cũng được vào Mỹ một cách dễ dàng. Nhờ chính sách đó, nước Mỹ đã trở thành một nước giàu mạnh nhất thế giới chỉ trong vòng hơn hai trăm năm lập quốc.

Cũng ở năm cuối đại học, tôi đã học được rất nhiều điều "behind the scene", những điều không hề được đề cập trước đại đa số quần chúng. Hồi đó tôi may mắn có một ông thầy dạy philosophy (triết học) rất yêu nghề, và thích nói thật, nên tôi càng hiểu rõ hơn về cơ cấu trúc của xã hội Mỹ.

Sau này, đời sống được nâng cao, và có nhiều dịp tiếp xúc với các bạn đồng nghiệp Mỹ ở sở, hay tại nhà riêng của họ, tôi vẫn cố học những điều tốt của người Mỹ như tính đúng giờ, và tinh thần trách nhiệm, và rất nhiều, nhiều điều khác. Nhưng tôi cũng nhớ lời ba mẹ để giữ gìn truyền thống, và những điều tốt đẹp của phương Đông.

Mỗi ngày tám giờ ở một góc phòng làm việc, tôi đã rất là Mỹ, trong giao tiếp, trong ăn uống, và trong cả cách ăn mặc. Nhưng trong đời sống riêng ở nhà, tôi vẫn là một người Việt Nam, rất thuần túy Việt Nam. Bởi vì, quê hương đã mất hơn hai mươi năm qua, tôi không thể đánh mất chính mình. Tôi còn có ba mẹ, và có một quê hương thân yêu ở bên kia bờ đại dương.

Bài học lớn nhất tôi đã học được từ người Mỹ "No pain, no gain". Không có một thành công nào không phải trả giá. Thành công càng lớn, cái giá càng cao. Và nước Mỹ là một nước cơ hội cho tất cả mọi người. Tất cả mọi người đều có thể đạt được mơ ước bình thường, mà người Mỹ thường gọi là "American Dream": đời sống trung lưu, có nhà, có một công việc nhàn hạ thích hợp với khả năng của mình.

Ngày xưa, tôi cứ phải nhìn đồng hồ để mong đến giờ break, ngồi nghỉ chân cho đỡ mỏi. Và rất nhiều người có thể sai tôi làm những việc họ không muốn làm. Bây giờ, bạn biết không, tôi đang viết lại chuyện này trong giờ làm việc, tai có headphone nghe nhạc Việt Nam, và có được E mail update về mọi tin tức từ những hệ thông tin tức lớn của Mỹ như hệ thống ABC, NBC, CNN; tôi còn có thể sai lại nhiều người bản xứ những việc tôi không muốn làm. Tôi không dám tự hào về điều đó, chỉ cảm nhận được rằng mình đã may mắn có ông bà ba mẹ truyền cho hạt giống tốt, trong đó có cả đức tính kiên nhẫn, chịu khó của người VN, và sự quyết tâm đạt được mục đích của mình.

Tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể đạt được giấc mơ của mình ở xã hội Mỹ. Chúng tôi đã làm được điều đó, không quá dễ dàng, nhưng cũng không đến nỗi gian nan. Bạn cũng có thể làm được, hãy tin như thế.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Xin được tặng "Phạm Kim", những người chứng minh được "Hạt giống tốt gặp đất tốt sẽ nảy mầm, và cho hoa thơm trái ngọt".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến