Hôm nay,  

Nước Mỹ, Chuyện Mẹ Và Em

14/03/200100:00:00(Xem: 176846)
Bài tham dự số 207-VB1220

Thiên Vũ sinh tháng 12, năm 1975, bẩy tháng sau khi Cộng sản chiếm miền Nam. Tháng này, cô vừa tròn 25 tuổi. Tới Mỹ từ tháng 10 năm 1992, Thiên Vũ hiện đã tốt nghiệp đại học và đang làm bán thời gian tại một trường Đại Học Cộng Đồng (Community College) của miền Nam California.



Nước Mỹ, danh từ quen thuộc này tôi đã được nghe đến từ những năm đầu thập niên 80, khi tôi chỉ mới lên năm, lên sáu.

Trong trí nhớ nhỏ nhoi và trí khôn còn kém cỏi của một bé gái mới được năm, sáu tuổi, nước Mỹ đối với tôi là một nơi xa xôi, xa lắm, nhưng chắc hẳn là vui sướng hơn khu xóm nhỏ nghèo của tôi nhiều. Tôi nghĩ vậy vì dạo ấy, vào một ngày đầu năm 1982, anh Cả tôi cầm bức điện tín trên tay và bảo, "Giết bê ăn mừng, con Ty đi canh me lọt rồi!"

"Giết bê ăn mừng," câu nói được dùng như một thổ ngữ mỗi khi bà con trong làng có chuyện gì vui.

Sau biến cố 1975, cũng là năm tôi được mở mắt chào đời, gia đình tôi dọn về Đà Lạt làm nghề nông và nuôi gia súc. "Giết bê ăn mừng," tôi đã nghe nhiều lắm lắm, nhưng chẳng bao giờ tôi được ăn thịt bê cả. Câu nói quen thuộc chỉ được dùng để làm dấu chỉ của một tin vui.

Như vậy là chị Ty, người con thứ sáu của Bố Mẹ tôi đã đi lọt. Lúc ấy chị mới được 15 tuổi. Gia đình tôi vui mừng khôn tả. Các anh chị lớn của tôi bảo với tôi rằng, "chị em mình sắp được ăn cơm trắng rồi." Chỉ cần nghĩ tới bát cơm trắng không độn, lòng tôi đã cảm thấy lâng lâng vui sướng rồi.

Từ khi có đủ trí khôn và trí nhớ để nhớ, để biết một chút xíu, thì những bữa ăn đầu tiên đi vào tiềm thức tôi là những bữa ăn chỉ có cơm độn và nước mắm giềng. Ôi, tôi sợ cơm độn khoai lang lắm. Những miếng khoai lang tươi đỏ, rất to, hoặc những lát khoai lang khô trắng mỏng! Chúng làm tôi ngán làm sao, nuốt không vô. Tôi thà liếm vỏ chuối vừa bóc của thằng con chị bán thịt heo ở gần nhà hoặc ăn trái ngũ sắc màu đen ửng để thưởng thức chút vị ngọt còn hơn là phải ăn những miếng khoai lang ngọt đỏ tươi! Nghĩ lại, tôi thấy thương tâm và tội nghiệp quá! Tuổi thơ dại đã nếm mùi cay đắng!

Quả là chị Ty đi Mỹ được vài tháng là gia đình tôi hết phải ăn cơm độn. Không những chỉ có quà và thư từ, chị Ty còn gửi rất nhiều hình. Hình chị Ty tấm nào cũng đẹp. Hình màu và cảnh thì có vẻ bình an. Chị Ty lại mặc đầm, mặc rốp, mặc quần jean; nhìn tân thời lắm. Chị còn hứa sẽ làm bảo lãnh cho chị em chúng tôi được sang Mỹ nữa.

Đời sống tài chánh trong gia đình tôi đã đỡ hơn nhiều từ ngày chị Ty đi Mỹ. Tuy nhiên, vì đông con, tiền chị Ty gửi về cùng với phần thu nhập của gia đình chỉ đủ để Bố Mẹ tôi lo hai nhu cầu căn bản nhất; ăn và mặc. Làm sao dám mơ đến chuyện sắm sửa, giải trí, hoặc học hành" Chị em tôi vẫn xài chung chiếc xe đạp duy nhất của gia đình mỗi khi có việc xuống phố Đà Lạt.

Sau biến cố 1975, trong nhà tôi chỉ có những ai còn ở bậc tiểu học mới tiếp tục được đi học. Tuy tuổi còn thơ, tôi đã qua sát và nhận thấy sự nghèo khổ của đất nước Việt Nam, điển hình là gia đình tôi.

Bắt đầu từ năm học lớp Bốn, cứ mỗi khi năm học mới bắt đầu, nguyện ước của tôi là sẽ làm được học sinh giỏi. Có hai lý do thôi thúc tôi muốn đạt học sinh giỏi.

Thứ nhất, tôi thương các Thầy Cô tôi; ngày ngày trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, cực nhọc dạy dỗ chúng tôi, mong mỏi cho chúng tôi được nên người; mà đồng lương thì chẳng bao nhiêu. Thấm thía nỗi vất vả của các Thầy Cô, tôi muốn học giỏi để các Thầy Cô vui lòng.

Lý do thứ hai, tôi thương Bố Mẹ tôi lúc nào cũng lo lắng chạy từng bữa ăn cho gia đình. Đạt học sinh giỏi, tôi sẽ được phần thưởng. Dù phần thưởng chỉ là vài quyển tập, chiếc cặp đi học, lố viết bích, hoặc bộ sách giáo khoa; cũng đỡ cho Bố Mẹ lắm.

Cứ thế, mỗi học kỳ trôi qua, tôi miệt mài ra sức học; học trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, của cả làng cả xóm. Mỗi tối trước khi đi ngủ tôi còn nài xin Thượng Đế cho =ôi được học giỏi nữa. Sự phấn đấu của bản thân cùng niềm tin nơi Ơn Trên đã giúp tôi luôn thực hiện được giấc mơ canh cánh của cả một thời áo trắng thơ ngây dưới ngôi trường nhỏ nằm trong vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt. Đến bây giờ, tôi vẫn còn yêu lắm khoảng đời học sinh thân thương đó!

Học giỏi, học giỏi rồi làm gì" Làm gì để giúp đỡ bản thân, gia đình, và đất nước Việt Nam nghèo khổ mến thương" Đó là nỗi suy tư khắc khoải của tôi khi bước vào lớp Mười.

Sinh viên ra trường thiếu việc làm. Thi vào Đại Học cũng khó khăn. Đậu vào Đại Học rồi, có tiền mới tiếp tục theo học được. Mà Bố Mẹ tôi tiền đâu ra để lo cho tôi đi học" Một ước mơ tha thiết bắt đầu nảy nở trong tôi. Tôi mơ được đi Mỹ. Đi Mỹ để được như chị Ty, vừa học vừa làm, tự lo cho mình.

Qua thư từ chị Ty, chúng tôi biết rằng Chính Phủ Mỹ giúp học sinh nghèo đi học bằng hình thức cho financial aids, gồm có grant(*), work-study(*), và student-loan(*). Nghĩ tới được đi Mỹ, tôi vui sướng lắm. Nhưng chị Ty còn nhỏ, lại một thân một mình. Biết đến bao giờ"...

Thế rồi một hôm, vào một ngày đầu năm học Mười Một, tôi đang trên đường đi học về thì gặp anh Cả tôi. Với nét mặt tươi vui, anh bảo gia đình tôi có giấy gọi đi phỏng vấn để đi Mỹ. Ôi, tôi sung sướng quá! Tôi nghĩ ngay, một sự trùng hợp ngẫu nhiên; cách đây mười năm, tôi cũng đã được nghe tin vui chính từ miệng anh Cả, "giết bê ăn mừng..."

Nhờ sự giúp đỡ của người chồng mới cưới của chị Ty, quá trình bảo lãnh đã được tiến hành thật nhanh chóng. Chỉ đến giữa tháng Mười năm 1992, Mẹ và năm chị em tôi, tức những người còn độc thân, tạm biệt Việt Nam để lên máy bay đi Mỹ. Bố tôi vì tuổi già sức yếu, bị tê liệt, đi lại rất khó khăn, nên đã quyết định không đi.

Tôi tạm biệt Việt Nam! Tạm biệt Đà Lạt với những hàng thông xanh dịu mát, với những hàng quỳ, hàng mimosa hoa nở vàng rộ cả một góc trời.

Ngồi trên máy bay, chị em tôi lòng rạo rực, háo hức vì sắp được đặt chân đến miền đất lạ. Mẹ tôi thì lo. Mẹ lúc nào cũng lo lắng nhiều. Bấy giờ Mẹ mới 58 tuổi mà Mẹ nhìn già quá.

Sau khoảng 20 giờ đồng hồ trên máy bay, chúng tôi đã được đặt chân đến nước Mỹ, miền đất của bao kỳ vọng mong chờ. Phi trường LAX hào nhoáng, hiện đại, với những cửa tự động, cầu thang tự động; khác hẳn phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn.

Gặp lại chị Ty sau mười năm xa cách, câu đầu tiên Mẹ nói là, "Con này sao bây giờ ốm thế." Chị Ty bảo, "Ở bên Mỹ một mình con cực lắm. Vừa học vừa làm lo cho gia đình bên Việt Nam nên mới ốm như vậy." Tội nghiệp Mẹ tôi thương con nên luôn mong mỏi được nhìn thấy con mập mạp. Có lẽ vì suốt cuộc đời Me,ï lúc nào cũng gầy ốm.

Ngồi trên xe chị Ty đón từ phi trường về nhà, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là sao ở Mỹ có nhiều xe hơi đến thế. Trên xa lộ rộng lớn, biết bao xe đủ màu đủ kiểu đang chạy vùn vụt. Tuy nhiều xe hơi nhưng vì đường rộng, xe chạy có trật tự, nên tôi đã không bị nhức đầu và thấy náo nhiệt lắm. Ngồi trong xe nhìn qua cửa kiếng, tôi cảm thấy có một cái gì đó rất hùng vĩ đang bao trùm lấy tâm trí tôi.

Nước Mỹ, nước Mỹ đây rồi! Những đường lộ vắt chéo qua nhau. Tôi đang ở trên con đường này. Phía trên tôi lại có một con đường khác cũng nhiều xe không kém. Ôi, tôi thiết nghĩ, những con đường ở Mỹ thực sự là một kỳ công tuyệt vời của con người! Sau này tôi thường nghe chị Ty ca ngợi, "hệ thống đường ở Mỹ hay lắm. Có freeway nên chỉ cần coi bản đồ là đi đâu cũng tới." Ấn tượng ban đầu của tôi về những con đường ở Mỹ quả là không sai.

Chị Ty đưa chúng tôi vào một khu nhà mà chị gọi là "apartment", ở thành phố Garden Grove, tiểu bang California.

Vừa mở cửa bước vào nhà, Mẹ ngạc nhiên thốt lên, "nhà đẹp quá!" Chị Ty chỉ cười, "nhà này mà đẹp gì." Mẹ tôi vốn dĩ bình dân quê mùa, từ nhỏ đến lớn chỉ biết đến những mái nhà tranh, hoặc nhà gỗ lợp tôn nền láng ximăng. Nay nhìn thấy nhà trải thảm nâu, tường sơn trắng tinh, nền nhà trong bếp thì lát gạch màu xanh lạt; Mẹ thấy đẹp cũng là phải. Sau này ở Mỹ một thời gian, Mẹ con tôi mới biết ở bên đây có nhiều nhà lầu xây đẹp hơn nhiều.

Ngay ngày đầu tới Mỹ, chị Ty đã chở Mẹ đi chợ Việt Nam. Mẹ về nhà háo hức kể với chúng tôi rằng chợ ở đây cũng đẹp và ngộ lắm. Đi chợ không cần phải có giỏ như ở Việt Nam. Trong chợ có sẵn những chiếc xe đẩy. Chỉ cần đẩy xe đi mua đồ khắp chợ rồi ra quầy tính tiền là xong. Hàng hóa trong chợ được sắp đặt rất ngăn nắp đâu ra đó. Mẹ còn bảo sao ở Mỹ Mẹ thấy cái gì cũng to. Quả chuối ở đây chắc to bằng ba quả ở Việt Nam. Tuy lo lắng cho cuộc sống mới, sự ngạc nhiên ban đầu cùng niềm vui đoàn tụ làm cho chúng tôi thấy hồ hởi, phấn chấn hẳn ra.

Thời gian trôi qua. Cuộc sống mới khó khăn nhưng rồi dần dần cũng đi vào ổn định. Mẹ tôi ở với gia đình chị Ty, giữ hai bé trai con của chị. Mấy chị em tôi mướn chung cư ở riêng cho tiện việc học việc làm.

Các chị tôi ban đầu làm may ở những hãng may của người Việt Nam. Một thời gian sau, các chị xin vào làm dây chuyền ở hãng Mỹ để học hỏi thêm; buổi tối đi học các lớp Anh Văn giành cho người lớn. Tôi vẫn đi học. Hết Trung Học rồi lên đến Đại Học. Tôi được hưởng tất cả những khoản tiền trợ giúp của Chính Phủ Mỹ cho sinh viên nghèo không cha mẹ đỡ đầu như tôi. Tiền không nhiều, chị em tôi cố gắng tiêu xài dè dặt cũng tạm đủ sống. Thỉnh thoảng lại còn giúp được Bố và các chị bên Việt Nam một chút nữa!

Trong cuộc sống, có những ngày thật đáng nhớ. Những ngày mà khi muốn ôn lại, ta không cần giở lịch cũng không cần khó khăn suy nghĩ mới nhớ lại được.

Ngày Lễ Độc Lập đầu tiên tôi được biết đến, ngày mồng 4 tháng Bảy năm 1993, là một ngày đáng nhớ. Ở Mỹ, người ta gọi ngày Lễ Độc Lập là Independence Day, hoặc Lễ July 4th, gọi như nào cũng được cả.

Tháng Bảy đang là mùa hè, tôi đã không có cơ hội được Thầy dạy ESL phát cho nguyên một bài viết về ngày lễ lớn này. Tuy nhiên, tôi cũng đã được biết nước Mỹ bắt đầu có ngày Lễ Độc Lập vào năm 1776. Đây là ngày mà người dân Mỹ ăn mừng tưởng nhớ vì họ đã chiến thắng quân đội Anh, giành được sự tự do độc lập chính thực ở trong tay.

Ngày Quốc Khánh nước Mỹ! Dọc đường phố xuất hiện những quầy nho nhỏ với dòng chữ to ghi là "fireworks." Tôi đã được làm quen với từ "fireworks" từ đây. Về nhà tra tự điển, tôi biết "fireworks" có nghĩa là "pháo bông." Như vậy người ta sẽ bắn pháo bông để ăn mừng ngày Lễ Độc Lập! Tôi liên tưởng đến ngày 30 tháng Tư năm 1985, khi tôi sắp tròn mười tuổi, mấy anh bạn học của chị tôi đã chở tôi đi xem pháo bông. Lúc đó, tôi sung sướng lắm vì được xem một cảnh đẹp, một biến cố lạ.

Lớn dần lên, tôi đã thấu hiểu hơn về hoàn cảnh quê hương mình. Nhiều khi tôi nghĩ, biến cố 1975 đã giết chết cả một thế hệ. Rất nhiều bạn cỡ tuổi tôi có chiều cao thật khiêm tốn. Các chị tôi thường đùa chọc rằng bạn của tôi sao đứa nào cũng lùn lùn giống tôi. Hỡi ôi, thuở sơ sinh cơm sữa không có làm sao cơ thể có thể phát triển được"

Hồi còn nhỏ, tôi thường nói với Bố, "Bố ơi, con sinh năm 1975, như vậy nước mình giải phóng được bao nhiêu năm, là con được bấy nhiêu tuổi." Bây giờ sang Mỹ, yôi hiểu ngày được gọi là "giải phóng" tại quê hương tôi thực tế là ngày QUỐC HẬN!

Năm nào thơ ngây không biết gì, tôi ham vui theo các anh lớn đi xem pháo bông. Bây giờ nếu còn sống ở Việt Nam, mà họ có bắn pháo bông đẹp đến đâu đi nữa chắc tôi cũng không thèm xem đâu. Pháo bông ở bầu trời Việt Nam không phải là pháo bông để vui mừng tự do, mà chỉ là thứ pháo bông làm lụi tàn sức sống của biết bao những con người Việt Nam nghèo khổ đau thương!

Ngày mồng 4 tháng Bảy năm 1993, tôi đã không ra một nơi nào đặc biệt để xem pháo bông. Tuy nhiên, hôm đó gia đình tôi rủ nhau đi thăm nhà một người quen. Buổi tối trên đường về, ngồi trong xe chạy trên freeway, tôi đã được nhìn thấy xa xa, những chùm pháo bông xanh đỏ rực rỡ tỏa sáng cả một vùng trời. Cuộc sống, có ai ngờ trước được bao giờ"

Ba năm sau, năm 1996, cũng vào buổi tối ngày mồng 4 tháng Bảy, mấy chị em tôi cũng đang lái xe trên freeway để về nhà, dọc đường cũng nhìnthấy pháo bông. Nhưng lần này không phải chúng tôi đang từ nhà người quen về lại nhà mình, mà là từ bệnh viện.

Cuối năm 1995, sau chuyến thăm Việt Nam trở về lại Mỹ, Mẹ tôi cảm thấy hơi bị đau chân. Đến đầu tháng Năm năm 1996, tình trạng đau chân của Mẹ trở nên trầm trọng hơn. Mẹ phải rời nhà chị Ty, dọn về chung cư ở với chị em tôi cho tiện việc đi bác sĩ.

Vào khoảng giữa tháng Sáu, hai cẳng chân của Mẹ bị sưng tấy lên; chỗ xương chậu nổi một đám lốm đốm những chấm đỏ. Đầu tháng Bảy, đám đỏ ở xương chậu vỡ ra. Chị em tôi gọi điện thoại khẩn cấp (911). Họ chở Mẹ vào bệnh viện Fountain Valley, thành phố Fountain Valley, miền Nam California. Mẹ rạng rỡ vui mừng tin tưởng rằng các bác sĩ trong bệnh viện sẽ chữa chứng đau chân cho Mẹ.

Nhưng buổi tối ngày Lễ Độc Lập hôm ấy, sau khi từ bệnh viện trở về, chị em tôi chuẩn bị đi ngủ thì nghe chuông điện thoại reng. Chị Ty gọi hốt hoảng báo rằng bác sĩ vừa gọi chị nói Mẹ bị ung thư xương và phổi. Chúng tôi đau đớn đến choáng váng mặt mày. Một cú sốc quá lớn. Ung thư. Ung thư nghĩa là gắn liền với cái chết! Tôi đã khóc, khóc thật nhiều. Nước mắt cạn đi sau hai ngày thổn thức. Đau đớn lắm, nhưng tôi biết làm gì để cứu Mẹ"

Nhờ bạn bè khuyến khích, tôi lại tiếp tục miệt mài với sách vở. Bước vào năm thứ hai của Đại Học, tôi bâng khuâng chọn cho mình một hướng đi. Nghề mà tôi yêu thích nhất là nghề dạy học. Tuy nhiên, vấn đề ngôn ngữ là một trở ngại lớn cho tôi. Dẫu biết rằng những năm tháng ở Đại Học sẽ giúp tôi nói tiếng Anh khá hơn, nhưng tôi vẫn lo.

Sang Mỹ ở lứa tuổi 17, tôi không thể dấu được chất giọng rất Việt Nam của mình khi nói tiếng Anh. Có lẽ vì tôi không có khiếu nói ngoại ngữ lắm. Quên ước mơ trở thành cô giáo, tôi chọn môn học chính là Hóa Học; dự định sau khi tốt nghiệp cử nhân, sẽ xin vào trường dược. Tôi cũng thích học về thuốc.

Tôi tiếp tục học, học trong cơn đau nhức nhối của Mẹ tôi. Có nhiều đêm, nằm nhìn Mẹ thở phều phào, thỉnh thoảng đưa tay bấm vào cái máy nhỏ đeo trước bụng để truyền chút thuốc phiện (morphin) cho bớt đau, tôi lo lắng về cái chết của Mẹ. Tôi đã biết chấp nhận Mẹ sẽ ra đi. Nhưng Thượng Đế ơi, xin cho Mẹ con ra đi được bình yên, đừng đau đớn quá.

Than ôi, Thượng Đế không nhận lời cầu xin của tôi cho Mẹ. Chiều thứ Bảy 22-11-1997, Mẹ tôi đã ra đi, ra đi trong đau đớn tột cùng. Cái ngày mà tác giả quyển sách nổi tiếng Tâm Hồn Cao Thượng gọi là "ngày đau khổ nhất" của đời tôi đã đến...

Tô nhớ mùa Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ, chị Ty đã chở Mẹ tới nhà anh chồng của chị ăn gà Tây.

Tôi nhớ lúc ấy, tôi đã giải thích chữ "Thanksgiving" cho Mẹ như sau: Thanks" là "những lời cám ơn", "giving" là "cho đi." Như vậy, ngày Lễ Thanksgiving" nghĩa là ngày để "cho đi những lời cám ơn." Tôi trầm trồ tự nhủ lời dịch từng từ của mình nghe cũng cảm động không kém nhóm từ "Mùa Lễ Tạ Ơn" mà chúng ta thường xài.

Mùa Lễ Tạ Ơn năm 1997, trời Cali cũng lành lạnh như bao mùa Lễ Tạ Ơn khác, chúng tôi buồn bã đưa Mẹ ra nơi yên nghỉ cuối cùng. Nghĩa trang của Mẹ nằm trong thành phố Huntington Beach. Từ xa nhìn vào, nghĩa trang trông giống như một công viên, với những dải cỏ xanh mát và những chậu hoa khoe bao màu vàng đỏ thắm tươi. Không có bia mộ nhô cao lên; tất cả đều được đặt bằng với cỏ. Khung cảnh ở nghĩa trang trông thật thanh bình, đúng như vai trò của nó; một nơi an nghỉ ngàn thu cho những người quá cố.

Mất mẹ ít lâu, tôi có bạn trai, người bạn trai thực sự đầu đời của tôi. Bạn tôi cũng là sinh viên, vừa đi học vừa đi làm thêm như tôi.

Mẹ mất rồi, có bạn trai làm chỗ dựa tinh thần, tôi thấy cũng an ủi lắm. Khi đã thật sự có bạn trai rồi, tôi mới thấu hiểu được sự cần thiết có nhau của người nam và người nữ trong cuộc đời này. Không phải chỉ vì lý do xác thịt mà hai người cần có nhau, mà còn có nhiều nhiều lý do quan trọng khác nữa. Có nhau trong đời để thương yêu nhau, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với nhau, và để cùng nhau xây dựng gia đình lành mạnh tốt đẹp, đem chút hương hoa cho đời.

Thấm thía những giá trị cao quý của tình yêu, tôi lại càng thấy thương Mẹ. Mẹ tôi đã sống những năm cuối đời không có sự hiện diện của Bố tôi bên cạnh. Có lẽ những năm tháng trên giường bệnh, Mẹ cảm thấy cô đơn lắm nhưng đã không chia sẻ cho tôi hay" Lúc đó tôi còn thơ dại trong chuyện tình cảm, nào có thể đoán được tâm trạng nỗi lòng của người vợ phải xa chồng trong lứa tuổi đã xế chiều và lại đang trên giường bệnh" Tôi thương Mẹ thật nhiều. Nỗi đau mất Mẹ từ từ có bớt đi, nhưng niềm thương nhớ sẽ theo tôi suốt đời.

Thời gian thấm thoát, tôi đã tốt nghiệp Đại Học với tấm bằng cử nhân về Hóa Học. Còn mối tình đầu, tôi vẫn giữ và luôn trân trọng. Tôi cũng đã được nhận vào chương trình dược của trường Đại Học USC (University of Southern California). Vui mừng vì mình đã hoàn tất các lớp học mà USC đòi hỏi, đã vượt qua đợt phỏng vấn trực tiếp cũng như bài thi viết. Tuy nhiên, tôi đã phải đau lòng ký tờ giấy từ chối gửi đi cho trường.

Đắn đo suy nghĩ, tôi đã quyết định không tiếp tục theo học nữa. Lý do là vì vào một buổi tối, trong thời gian chờ đợi kết quả phỏng vấn của USC, đang ngồi học bài tôi bị đau lưng khủng khiếp, đau đến nỗi phải bỏ sách vở qua một bên. Lưng của tôi ngay từ nhỏ đã phát triển không đều, phần lưng bên phải hơi bị bự hơn phần bên trái. Các bác sĩ nói lưng tôi giống như một cái tật, không chữa chạy gì được. Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng đã thường bị đau lưng; nhưng là đau nhẹ thôi chứ không như buổi tối nọ. Hình như càng lớn, sự đau nhức có tăng thêm một chút. Tôi có thể sống và chịu đựng được với căn bệnh đau lưng thất thường này. Nhưng nếu phải ngồi học lâu với cái lưng bị nhức nhối, tôi biết mình sẽ không thể chịu được. Học dược cần phải miệt mài, chăm chỉ; tiền học phí thì rất mắc; mà thỉnh thoảng cái lưng lại bị đau khủng khiếp như buổi tối đó thì làm sao tôi có thể học có chất lượng được" Tôi quyết định hủy bỏ giấc mơ trở thành cô dược sĩ.

Bây giờ tôi đã đi làm, chỉ làm bán thời gian. Tiền lương không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi tiêu xài và làm những gì mình thích. Mỗi năm khi mà miền Trung hay miền Nam Việt Nam có bão lụt, tôi luôn góp năm ba chục đồng để giúp đỡ, vì tôi rất hiểu "một miếng khi đói bằng một gói khi no."

Trước kia, khi Mẹ còn sống khỏe mạnh, tôi thường ao ước sau này học xong đi làm có dư chút tiền, tôi sẽ mua đủ loại băng video Việt Nam cho Mẹ xem, vì tôi biết Mẹ rất thích. Giờ đây, cuộc sống có khấm khá hơn. Tôi đã có thể mua cho Mẹ nào là băng Thúy Nga Paris By Night, băng Asia, băng Vân Sơn, Hoài Linh, hoặc những băng hề của các danh hài bên Việt Nam như Hồng Vân và Thành Lộc; nhưng tiếc thay, Mẹ tôi không còn nữa...

Suốt cuộc đời Mẹ đã luôn hy sinh cho tôi. Tôi chỉ có giấc mơ đơn sơ đó để đáp trả cho Mẹ, nhưng lại không bao giờ có cơ hội làm được. Mẹ đã mất, mất thật rồi...

Từ ngày Mẹ ra đi, tôi đã rất ít khi khóc. Nhưng hôm nay, tôi lại khóc. =ước mắt rơi lã chã trên má, rớt cả xuống cổ, xuống ngực áo tôi...

Nước Mỹ có ngày Lễ Độc Lập; nước Mỹ có ngày Lễ Tạ Ơn; và nước Mỹ, nước Mỹ còn có Nấm Mồ Mẹ Tôi, nấm mồ nhỏ bé nằm lặng yên dưới dải cỏ xanh rờn.

Hôm nay, suy ngẫm về cuộc sống, tôi muốn CÁM ƠN NƯỚC MỸ; tôi muốn TẠ ƠN TRỜI; và tôi cũng muốn TẠ ƠN MẸ, người đã cưu mang tôi.

Thiên Vũ, California December 7th, 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến