Hôm nay,  

Công Dân Mới Bầu Cử

13/03/200100:00:00(Xem: 139816)
Bài tham dự số: 199-VB1212


Ông Đạt nhìn "tập passport" với vẻ mặt bình thản, nhưng trong lòng ông thì đang rạt rào một nỗi niềm không tên vu vơ. Ông đã trở thành một công dân Mỹ.

Hiện bây giờ, ngoài chuyện có được tập passport, ông không có gì đổi khác cả, từ thể xác, việc làm, cuộc sống... đến tinh thần, suy tư, tâm hồn. Ông còn chất Việt Nam đến độ gọi passport là tập passport. Ông nói "nó có bìa, có nhiều trang và được đóng lại như một cuốn tập thì gọi là tập passport, có gì mà trật" Thằng con bảo ông gọi là giấy, ông không chịu. Bảo ông bỏ tiếng giấy, tiếng tập phía trước, chỉ nói passport thôi, ông cũng không chịu. Thằng con đành chịu, để mặc ông cứ nhà quê gọi là tập passport.

Ông đâu có mấy lăm hơi tiếng Mỹ, nhưng bảo ông nói đó là Hộ Chiếu Mỹ, ông cũng không chịu. Ông thẳng ruột ngựa bảo rằng dịch ra như vậy thì giống như ông chưa phải là dân Mỹ, chưa nhập được quốc tịch Mỹ. Người ta nói "già khó khăn", "già lẩm cẩm"! Ông Đạt đúng là lẩm cẩm.

Có một dạo 2 cha con đụng độ nhau "danh từ" bằng lái. Ông nói, theo tên của cái thẻ thì đó là giấy phép lái xe, chứ bằng cấp bằng kiếc gì. Thằng con cãi "Có thi, được người ta cấp giấy chứng nhận đậu, thì gọi là bằng lái, mà ba cũng không chịu" Cãi chơi vậy thôi, rồi thằng con cũng chịu thua. Nó chịu thua tuổi già khó khăn, tuổi già lẩm cẩm của ông để ông được vui. Vả lại, nó biết sớm muộn gì rồi ông cũng dùng đến từ "bằng lái" như mọi người. Nó nhớ có lần ông già cũng đã phê phán 2 tiếng Việt kiều đã và đang dùng sai.

Ông giải thích với nó "Hồi xưa, nghĩa là hồi trước bảy lăm, hồi chưa có làn sóng bỏ nước ra đi ào ạt chạy trốn chế độ cộng sản, người ta gọi người Trung Hoa đến cư trú tại Việt Nam là khách trú (dân quê miền Nam nói trại ra là "các chú"), có nghĩa là người khách trú ngụ tạm ở VN. Văn vẻ hơn thì người ta gọi là Hoa kiều, người Hoa cư trú tạm tại VN. Tiếng chung "ngoại kiều" được người trong nước gọi những người nước ngoài đến cư trú sinh sống. Nói riêng cho từng nước thì người Pháp sống tại Việt Nam gọi là Pháp kiều, Ấn gọi là Ấn kiều, Anh gọi là Anh kiều. Người Việt ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ..., ở ngoại quốc thì dân bản xứ ở đó gọi họ là Việt kiều. Có đâu người Việt trong nước lại gọi người Việt từ nước ngoài về là Việt kiều, rồi đẻ ra thứ Việt kiều Mỹ, Việt kiều Pháp, Việt kiều Úc..., và đáng tức cười là thứ "Việt kiều yêu nước" do các nhà trí thức "đỉnh cao trí tuệ" ở Hà Nội đặt ra nữa!"

Thằng con không cãi với ông già. Ông già nói có lý mà cãi nỗi gì. Nhưng nó biết, ngôn ngữ, tiếng nói là thứ kỳ hoặc lắm: Dù biết đó là sai, nhưng mọi người cứ dùng hoài rồi thì nó sẽ trở thành đúng. Chừng đó người nào chủ trương sửa mấy cái sai kia sẽ trở thành những người sai. Trong chữ nghĩa tiếng Việt có biết bao nhiêu trường hợp như vậy. Nó muốn nói với ông già "Ba ơi! Lời nói, chữ nghĩa cũng biến đổi theo thời, cũng sanh thêm nghĩa mới nữa chứ Ba!..." Nhưng nó thôi. Để từ từ ông già tự nghiệm thấy... ông già sẽ hết lẩm cẩm.

Ông Đạt lo le sổ passport (không dùng tập, mà dùng sổ thì ông Đạt bằng lòng) hỏi thằng con:

- Đi bầu, mình có mang theo bằng quốc tịch hay sổ passport để trình cho nhân viên phòng phiếu không"

- Con chưa đi bầu lần nào từ 1985 tới giờ. Con thi vô quốc tịch là để lấy passport, chứ không để đi bầu cử. Chuyện bầu bán để dân Mỹ chánh gốc họ lo. Mình ăn nhằm gì. Vô quốc tịch đã 15 năm nay mà con vẫn thấy mình chỉ là kẻ ăn đậu ở nhờ...

- Bậy! Bậy! Mai con đưa ba đi bầu.

- Điều con biết là ở phòng đầu phiếu người ta không hạch hỏi giấy tờ gì của ba cả. Ba có ghi danh cử tri rồi thì ba có tên trong danh sách cử tri. Họ dò có tên ba thì họ cho ba bỏ phiếu, không đòi hỏi gì thêm, không ngờ vực gì ba hết. Mai con đi bầu với ba.

Ông Đạt có vẻ bồn chồn, lo lo sẽ không được người ta cho bầu, vì ông đã bỏ rì-sai-cồ tập Mẫu Phiếu Bầu Cử. Vô phòng phiếu ông không biết phải trình cái gì để được bầu. Bảy năm ở Mỹ mà ông vẫn còn Việt Nam trân.

Thay đồ đàng hoàng từ hồi 5:30, ông Đạt cầm tập Mẫu Phiếu Bầu Cử của thằng con, chờ nó tan sở về đưa ông đi bầu.

Ông nghĩ ngợi "Trên mặt báo chí, trên truyền thanh, truyền hình cả tháng nay, ngày nào người ta cũng nói về chuyện bầu cử năm 2000. Đi đâu cũng thấy tên các ứng cử viên. Bưu điện ngày nào cũng có thư ứng cử viên vận động gởi tới từng nhà. Tên Đạt của mình mà cũng nhận được lá thư của Tổng Thống Clinton gởi, vận động mình bầu cho Đảng Dân Chủ của ổng nữa. Mình biết lá thư đó xạo. Làm gì có chuyện Tổng Thống Mỹ biết tên, biết địa chỉ của một thằng "Việt kiều yêu nước" cỡ mình! Nhưng mình quyết bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ. Tám năm cầm quyền của Đảng Dân Chủ, kinh tế đi lên, ít thất nghiệp nhứt, mình cũng có việc làm, đi bỏ báo kiếm được 1000$ mỗi tháng..."

"Vậy mà... hôm nay là ngày bầu cử, sao đường phố lặng thinh. Công tư chức đều đi làm. Gần như chẳng ai ngó ngàng đến chuyện bầu cử. Xứ sở gì mà kỳ cục. Con người tranh đấu suốt bao nhiêu thế kỷ để tước bỏ quân quyền cha truyền con nối, tạo dựng cho kỳ được thể chế cộng hoà, dân bầu lên người cai trị. Phụ nữ tranh đấu bền bỉ cả hằng thế kỷ để được đi bầu như nam giới. Thế mà ngày được đi bầu như hôm nay sao người ta lại ghẻ lạnh, biếng nhác"...

Thằng con 15 năm nay được quyền đi bầu, mà nó chẳng đi bầu lần nào... Và nhiều người Mỹ chánh gốc và không chánh gốc khác cũng không tha thiết lắm chuyện đi bầu như một kỳ vọng sanh tử của tiền nhân đã tranh đấu cho chuyện nầy... Gần 40-50% dân Mỹ không đi bầu. Ngày xưa người dân bần cùng đổ thừa rằng vương quyền làm họ bần cùng. Họ đòi có dân chủ để họ chọn người tài đức lên cai trị họ để họ có được đời sống khá hơn. Ngày nay, những người dân cùng khốn lại ít chịu đi bỏ phiếu"! Tự mình tước đi quyền cử tri của mình. Như vậy họ cũng chẳng tha thiết với quyền ứng cử. Như vậy trở về thời cổ chăng: Chỉ những người giàu có mới có cơ hội cai trị. Người nghèo khó luôn là người bị trị..".

Ông Đạt đang nghĩ lan man thì thằng con sồng xộc về tới. Nó hối ông chuẩn bị đi bầu. Chuẩn bị là giở tập Sample Ballot ra chọn người và đánh dấu số. Ông Đạt biết ra kỳ đầu phiếu năm 2000 nầy gồm có 25 cuộc chọn lựa: 9 cuộc chọn lựa người và 16 cuộc chọn lựa Yes hay No, đồng ý hay không đồng ý. Yes / No thì ông cứ Yes mà chọn. Còn người thì ông cứ Đảng Dân chủ mà chọn hoặc người nào ông có thấy tên trong lúc học thi quốc tịch, thì ông chọn. Ông nhớ tên Ông Al Gore. Ông nhớ tên bà Dianne Feinstein. Ông lầm bầm: "Có tên nào là Nguyễn, Trần, Lê, Lý... bạn hay thù gì mình cũng chọn người đó!" Nhưng rất tiếc Quận hạt Santa Clara chẳng có người Việt nào ra ứng cử cả (Người Việt ở đây thích làm điện tử, thích đi bỏ báo (!) hơn là làm chính trị bản xứ Mỹ)

Ông Đạt và thằng con bỡ ngỡ khi lái xe vào sân trường Piedmont Middle School, vì vẻ hoang vắng, lạnh lẽo của nơi được mượn làm phòng phiếu cho cuộc bầu cử quan trọng này. Ông còn nghĩ không biết mình đi có lộn chỗ không" Ngoài cổng trường có chữ Vote và mũi tên chỉ vào như mũi tên dưới chữ Garage sale vậy, thì chắc là không lộn rồi. Ông Đạt nghĩ thầm "Nước Mỹ bôi bác thật. Cuộc bầu cử Tổng Thống 4 năm một lần, mà họ tổ chức lạnh nhạt còn thua một tiệc cưới VN."

Rốt cuộc 2 cha con cũng kiếm được phòng phiếu nhờ ánh sáng của một phòng đang mở cửa. Phòng phiếu đang vắng khách. Trước 2 cha con ông Đạt chỉ có 1 cử tri đang ký vào danh sách cử tri. Sau lưng ông Đạt cũng chỉ có một người. Không biết từ 7 giờ sáng, lúc mới mở cửa phòng phiếu tới giờ có khi nào có người xếp hàng rồng rắn như xếp hàng đi coi foot ball không. Bây giờ thì vắng ngắt! Thằng con nói với nhân viên phòng phiếu rằng "Ba tôi mất mẫu phiếu bầu cử. Tên ông là Dat Nguyen" Nó đánh vần "Đi, ê, thi. En, gi, diu, oai, i, en". Mấy nhân viên phòng phiếu lật danh sách tìm, rồi chỉ cho ông Đạt chỗ ký tên vào danh sách và đưa lá phiếu cho ông bước sang chỗ bầu phiếu. Không ai đòi hỏi thẻ cử tri hay giấy tờ chứng minh gì cả. Chỗ bầu phiếu là một dãy nhiều bàn đứng nhỏ gọn, ngăn cách 2 bên bằng vách ngăn thấp , không có màn che kín như các phòng phiếu ở VN. Thằng con nhanh gọn, bầu xong trước. Ông Đạt lụ khụ, cẩn trọng đục từng lỗ bầu, ông sợ lộn lỗ sẽ thành vô nghĩa, thành bất hợp lệ. Chậm chạp, nhưng cũng đâu chừng 10 phút là xong. Ông ra về, không có thủ tục lề mề: đóng dấu, cắt góc thẻ bầu cử để chứng minh rằng đã đi bầu cử rồi.

Ông Đạt thơ thới ra xe về. Trên đường ông kể chuyện bầu cử ở VN, thời trước 75 và thời sau 75. Thời trước, ông từng nhiều lần làm trưởng phòng bầu phiếu nữa, thời sau ông chỉ đi bầu có đôi lần, rồi sang Mỹ. Thời nào ở Việt Nam bầu cử cũng gian lận. Cuộc bầu cử nào cũng nhiêu khê, cũng phô trương , quảng cáo tùm lum: Loa phóng thanh quảng bá khắp phố phường, lân múa như ngày hội ngày Tết. Các phòng phiếu lúc nào cũng rộn rịp với cứ tri, với cảnh sát, với quân đội, với bảo vệ, với an ninh chìm nổi...

- Thời Việt Nam Cộng Hoà người ta gian lận thô thiển, nhiều người biết. Đôi khi gian lận theo chỉ thị của chính quyền vào giờ chót, trong lúc kiểm phiếu, trong biên bản kiểm phiếu, thậm chí thay đổi kết quả bầu cử bằng biên bản giả.

Thời cộng sản gian lận tinh vi hơn. Tinh vi, nhưng ai cũng biết: Họ không gian lận trong lúc bầu cử, nghĩa là họ cho bầu cử thật. Dân muốn bầu ai cứ thoải mái bầu. Họ làm thật tuốt tuột giai đoạn này. Nhưng họ gian lận trong giai đoạn ứng cử. Họ ngăn chận những người không phải là người của cộng sản, không cho lọt vào danh sách ứng cử. Mặt Trận Tổ Quốc là một công cụ để làm công việc gạn lọc đó. Thử nghĩ, toàn bộ ứng cử viên đều là người của phe mình thì còn gian lận trong lúc bầu cử để mà làm gì.

Xe về gần tới nhà, ông Đạt trầm ngâm nói:

- Ngẫm cho cùng, khi mình thật sự có cái gì thì mình không thấy cần khoe khoang cái đó ra.

Rồi ông nghĩ thêm: Chỉ khi nào mình không có cái đó thì mình nhứt định phải làm rùm beng lên rằng mình đang có nó. Rùm beng lên cho cả thế giới biết. Bọn Mỹ cũng có tâm lý y hệt vậy. Họ thật sự có cái tự do, có cái dân chủ, thì họ đâu cần phải la oang oang rằng họ có cuộc bầu cử đàng hoàng. Ai muốn quan sát học hỏi thì cứ đến. Họ không mời mọc, cũng không ngăn cản. Họ còn khác Việt Nam mình về quan niệm quyền đi bầu. Họ đề cao người đi bầu, nhưng họ không buộc tội người không đi bầu. Đó cũng là một thứ tự do.

Việt Nam mình thì khác. Việt Nam thời trước cũng như thời bây giờ, luôn luôn nói "Bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ" Quyền lợi là điều mình có thể khước từ. Còn nghĩa vụ là bổn phận phải làm, không từ khước được. Đâu có thứ gì vừa có thể không làm, vừa bắt buộc phải làm" Lối qui định "vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ" đang là lối cai trị đè đầu cỡi cổ dân Việt mình ở quê nhà.

Ông Đạt chìm trong suy tư. Ông quên bẵng ông đang là công dân Mỹ. Ông vừa đi bầu Tổng Thống và những chức vụ dân cử của Mỹ. Ông cứ mơ màng như ông đang là người Việt Nam. Ông mong đợi Việt Nam của ông có được những cuộc bầu cử không rùm beng, nhưng thật sự dân chủ, thật sự tự do. Và trước hết ông mong đợi cộng đồng người Việt hải ngoại có được tinh thần chuộng sự thật, chuộng dân chủ & tự do thật sự hơn là rùm beng với lời lẽ đao to búa lớn trong ngôn từ./-

San Jose, mùa bầu cử năm 2000
Nguyễn Phước Đáng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến