Hôm nay,  

Tôi Bị Đẩy Vào Nước Mỹ

26/11/200200:00:00(Xem: 250071)
Người viết: Nguyễn Bùi Lẩm Cẩm

Bài tham dự số 83\VBST

Tác giả không ghi tiểu sử, chỉ cho biết ông hiện cư trú tại Garden Grove, CA.

Là một tài công bất đắc dĩ, tôi được ơn Trời ban cho để đưa 70 nam phụ lão ấu, sau gần một tuần lễ đầy khiếp đảm trên biển cả, đến được bến bờ Mã Lai bình an.

Ngày bước chân vào trại tị nạn Pulau Bidong, 14 tháng 4-81, chúng tôi vô cùng sung sướng, vì vào được trại tị nạn rồi thì ít nhất mạng sống đã có phần được bảo đảm, sau khi thoát ra khỏi một chế độ cầy cáo.

Sau vài ngày được tẩm bổ cơm rau của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, tôi được Hội đồng trại kêu lên trình diện. Khi gặp ông Trưởng Trại và anh Hoài Điệp Tử, lúc đó là Trưởng Khối Thông Tin của Trại, (nay đã ra người thiên cổ), trao cho tôi nhiệm vụ "phối kiểm nghệ thuật, kiêm trưởng ban Chương trình Quê Mẹ". Tôi thưa với ông Trưởng Trại và anh HĐT là cái việc "phối kiểm nghệ thuật" thì phải trao cho Hoàng đức Nhã, chứ tôi đâu phải là dân cầm kéo đâu! Nhưng rồi vì việc chung tôi cũng đành phải nhận. Chuyện nầy nó lòng thòng lắm, viết bao nhiêu cho đủ, lại còn bị lạc đề bài thi.

Một tuần sau tôi được gặp phái đoàn Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ), quí vị ấy bảo tôi khai lý lịch và quá trình hoạt động trong chế độ VNCH, cũng như thời gian sau ngày 30-4-75 cho tới ngày vượt biên. Tôi khai đi lính VNCH vào tháng 3-1964, đến mùa thu năm 1965 thì tôi được lệnh Phòng 7 Bộ TTM/QLVNCH sai đi công tác một tháng trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, trong chiến dịch Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ dọc theo duyên hải Miền Trung, từ tỉnh Bình Định ra đến tỉnh Bình Tuy. Cuối năm 1965 tôi bị thương và trở về nguyên quán. Tháng 3-67, tôi được tuyển vào ngành công chức và được phái đến làm thẩm định viên tại Trung Tâm Thẩm Vấn Chính trị tỉnh Bình Thuận. Sau đó tôi làm UV.HĐX, rồi làm thông tín viên địa phương cho vài tờ nhật báo như Sóng Thần, Thẳng Tiến, Diều Hâu....Sau khi Việt Cộng chiếm Miền Nam Việt Nam, tôi trốn về Vũng Tàu một thời gian, sau đó bị bắt và bị biệt giam 18 tháng tại nhà tù tỉnh Bình Tuy. Cuối cùng tôi cũng được anh em tù cứu vượt ngục.

Cao ủy Tị Nạn LHQ ghi nhận xong, họ nói sẽ chuyển tôi qua phái đoàn Hoa Kỳ. Tôi thưa với họ cho tôi được gặp phái đoàn Úc Đại Lợi hoặc Tân Tây Lan thì họ trả lời một cách thẳng thắn là không có một phái đoàn nào khác nhận, vì họ không muốn dẫm chân lên nhau!!

Trong thời gian đó, hàng ngày anh em chúng tôi gặp nhau, hầu hết là cựu quân cán chính VNCH và rất nhiều anh em cựu tù nhân chính trị, từ cựu Chuẩn úy đến cựu Đại tá QL.VNCH, đến quý vị giáo sư, luật sư, Trưởng ty, Sở...và đã đến ở trại tị nạn nầy từ sáu tháng đến vài năm. Lúc bấy giờ, các anh em cựu tù nhân chính trị có ý định đúc kết một tuyển tập viết về những ngày bị hành hạ đau khổ, tàn nhẫn trong các nhà tù. Anh em đồng ý ủy thác việc đúc kết tài liệu và thành hình Bản Cáo Trạng Tội Ác của Việt Cộng, vì cho rằng tôi có thể làm được việc nầy, nhất là anh em nghĩ là tôi sẽ được đi định cư sớm. (Chuyện nầy nó cũng dài giòng, xin hẹn dịp khác). Do những thân tình, anh em cũng hỏi về quá khứ thời VNCH, tôi cũng trả lời với anh em khuyên tôi coi chừng bị "Xù", mất công "chờ hốt rác", không chừng ở đây làm "Chúa Đảo"! Tôi nói chỉ mong được đến một nước tự do, nếu bị đến Congo cũng được. Có một vài anh em biết nhiều chuyện ở đây, như một vài người nào đó cấp bậc thấp mà khai cao, hoặc được nước nầy nhận rồi đòi đi nước khác, nằm ở đây xé lịch hơi mỏi tay!

Tôi nửa thật nửa đùa là tôi không muốn nhìn cái mũi két và đôi mắt dã nhân của "Kít-sinh-dơ"! Cái bọn ăn trúng phẩn của băng đảng sát nhân Hà Nội, và đồng lõa đẩy toàn dân Việt xuống tận cùng hố sâu địa ngục và bọn chúng reo hò vui sướng trên nỗi thống khổ của một dân tộc! Nhưng cuối cùng, vì sự thông cảm tâm tư của tôi và lời khuyên đầy thương mến của cựu Đại tá Hoàng Xiêm (Cụ đã thanh thản về chốn Thiên Đường hoặc cõi Phật trước khi đến hưởng mùi tự do ở nước thứ ba của chốn trần gian): "Cậu mày đừng tự ái, cái đau mất nước là cái đau và nhục của mọi người, cậu mày loạng quạng thì ở đây mà làm chúa đảo, nhiều người muốn bàn giao chức vụ nầy mà chưa có ai thay thế. Cậu này có muốn không"" Do nhiều áp lực bất khả kháng, tôi phải chấp nhận để "bị đẩy đi Mỹ".

Lần thứ hai, sau gần hai tháng thì phái đoàn Mỹ gọi tôi lên. Họ cho biết là tôi được định cư tại Hoa Kỳ và đã có Hội Tolstoy bảo lãnh. Họ còn quả quyết là tôi sẽ được đi rất nhanh, không phải ở lâu sau ba tháng tại trại tị nạn. Thú thực là tôi rất vui mừng vì đã được một quốc gia chập nhận cho đi định cư, mà còn được đi sớm. Đây cũng là tâm trạng chung của hàng chục nghìn thuyền nhân. Rời trại tị nạn sớm ngày nào là phúc đức ngày đó, vì ở đây vẫn là nơi tầm gửi.

Ngày đầu tiên đạp chân lên nước Mỹ, phải nói rằng tôi tá hỏa tam tinh vì những kiến trúc vĩ đại của xứ nầy. Khi bước vào phòng đợi tại phi trường Salt Lake, tiểu bang Utah, tôi được một nhân viên của Hội bảo lãnh Tolstoy Foundation chở tôi về văn phòng của Hội. Tại đây họ chào đón tôi một cách niềm nở, trao cho một tấm ngân phiếu hai trăm đô và dẫn tôi vào nhà kho, bảo tôi muốn lấy cái gì tùy ý. Nhìn đống áo quần lẫn lộn cả những nịt vú, quần lót, cà vạt, áo vét, quần jean, áo sơ mi đủ màu sặc sỡ, nhưng cái mùi thì rất là tạp chủng... tôi cũng lom khom lựa được vài cái quần, mấy chiếc áo vừa khổ cái xác cao hơn mét bảy của tôi. Tôi nghĩ, có còn hơn không!

Tôi trân quí cầm tấm ngân phiếu và mấy bộ áo quần lựa được, cúi đầu tạ ơn Hội đã bảo lãnh tôi đến Mỹ. Họ nhìn tôi qua những ánh mắt tội nghiệp cho một kiếp tị nạn. Họ chúc tôi sớm hội nhập vào Hiệp Chủng Quốc!

Ngày đến Sở Xã Hội, tôi được một ông Mỹ thuộc loại hộ pháp gọi đi theo vào phòng làm việc. Sau khi xét đơn, ông cho biết là tôi được trợ cấp mỗi tháng 200 đô la và 35 đồng phiếu thực phẩm. Tôi mừng như vừa được trúng lô độc đắc xổ sổ "Kiến Thiết Quốc Gia", tôi trở thành triệu phú.

Ông dẫn tôi qua một phòng khác, nơi đây tôi được trao cho một tấm lệnh phiếu và một xấp giấy màu nâu, xanh, tím. (Vì là tháng đầu tiên sau khi đơn xin trợ cấp được chấp thuận thì được lãnh tại chỗ. Sau đó hàng tháng được gửi về địa chỉ cư trú, theo luật của tiểu bang Utah lúc bấy giờ. Tôi cũng được giải thích những tờ giấy màu đó là phiếu thực phẩm). Tay chân tôi rung lên vì mới vớ được của.

Vào năm 1981, thành phố tôi ở nếu thuê một căn chung cư vừa phải chỉ khoảng 70 đôla, nếu ở chung vài ba người thì thuê một căn có vài phòng thì mỗi người chỉ tốn khoảng 30 đôla. Vậy thì số tiền được trợ cấp của tôi như vậy, sau khi trừ chi phí tiền thuê nhà, tiền xăng và chi tiêu lặt vặt thì vẫn còn đủng đỉnh trong túi quần, nếu biết tiết kiệm. Nói theo kiểu vui tếu của người Việt Nam thì như vậy là cha quá rồi. Còn đòi gì nữa! Thế là mới đến Mỹ, tôi được trở thành một kẻ ăn mày có "Chứng Minh Thu" của chính phủ Cờ Sao Sọc!

Thuở còn nhỏ, tôi đã mài rách hàng chục cái đũng quần từ lớp mẫu giáo... đến mười mấy năm ở trường. Tôi ham học ngoại ngữ Pháp, lõm bõm được một nhúm, nhưng khi vào đời thì cũng đã trả lại cho Tây! Chứ lúc ấy mà ôm chân "đế quốc Mỹ" thì cũng đã đỡ ghiền. Tôi vội vã đến trường ghi danh học Anh ngữ vào lúc tuổi ba hai. Thú thực trí óc tôi bất ổn, phần vì nhớ mẹ già em dại. Phần đau hận vì bị đẩy ra khỏi tổ ấm quê hương để sống kiếp lưu vong. Hàng ngày ở lớp ESL, bà giáo cứ khen tôi là mày học khá lắm, mà khi về nhà thì bao nhiêu chữ In-lít cất cánh bay xa, trong lúc cái cục óc của tôi không lớn hơn nửa quả trứng gà mà bị dồn nén đủ chuyện. Mỗi lần đến lớp học, ánh mắt của tôi luôn như cầu khẩn bà giáo "đừng mắng tôi là thằng ngu, dù tôi vốn dốt!" Thông cảm được tâm trạng của tôi, bà giáo cũng cố nhét cho tôi mỗi ngày được dăm chữ Mỹ.

Hai tháng sau, tôi được "trát đòi" của Sở Xã Hội (quen gọi là văn phòng oeo-phe). Bà cán sự người Việt, có quốc tịch Lào-Mỹ hân hoan cho tôi biết là kể từ tháng sau tôi phải "đi làm công quả" mỗi ngày 5 tiếng đồng hồ. Tôi tả oán nếu phải đi làm như vậy thì không có thời giờ để đi học Anh ngữ nữa. Có lẽ lúc ấy tôi đã có chút da thịt, có vẻ hơi đẹp trai và sau khi liếc một cái nhanh như chớp. Bà ấy phán rằng tôi còn trẻ, độc thân thì phải đi làm. Tôi rất nghiêm chỉnh thưa là xin chính quyền giúp cho tôi một thời gian bởi vì tôi chưa nói được tiếng Mỹ thì làm sao các hãng xưởng thuê mướn" Bà ta xếp tập hồ sơ lại, rất lạnh lùng như tuyết đang đổ ngoài kia. Rằng thì "Nếu anh không đi làm việc tình nguyện như vậy thì anh không còn được nhận trợ cấp. Nước Mỹ không có nợ gì anh. Nước Mỹ cũng không phải là một cái kho tiền."

Một vài đồng hương biết chuyện tôi bị "cúp viện trợ", họ lắc đầu ngao ngán và ngỏ lời phân ưu: "Anh gặp Hoa Trà Tuyết Sơn Nữ thì đã được nhận cái búa tạ. Bà ấy điêu luyện đến nỗi cái móp bóp thành bầu dục - Kẻ từ tay có trở thành tay không!"

Ngày tôi đến nhận "nhiệm sở mới" theo lệnh của văn phòng oeo-phe, hay chính xác hơn là lệnh của "người đẹp Hoa Trà Tuyết Sơn Nữ". Nhân viên trường tiểu học giảng cho tôi là mỗi ngày phải đến đây làm việc 5 tiếng. Hàng tuần họ sẽ báo cáo về Sở Xã Hội. Tôi cũng được trình diện ông xếp "cờ-lin-ấp" của trường. Ông ta xổ cho tôi tràng giang ngôn ngữ Mỹ... Tôi thầm nói "Du-thoóc-du-hia. Ai-đông-nô-goắt-du-thoóc". Tôi đã phải vận dụng "động từ tu-quơ" đến mỏi cả hai tay. Kể ra ông ta cũng thông minh hơn tôi nhiều khi biết tôi nửa điếc nửa ngọng. Ông dẫn tôi đi vòng quanh nhà trường, và cũng học theo tôi " động từ tu-quơ", đưa tay chỉ, khi thấy rác lặt cho sạch. Rồi ông dẫn tôi vào nhà ăn, cũng bằng "bo-đi lăng-guýt" rằng đến giờ bọn nhóc học trò ăn xong, lấy cái khay đựng đồ ăn còn dư đẩy vào cho nhân viên nhà bếp. Khi bọn học trò vào lớp rồi thì quét dọn cho sạch cái "ca-phê-té-re-ra" rồi đi về!

Kể ra cái công việc ở nhiệm sở nầy nó nhẹ nhàng như mấy tờ giấy rác, và hàng trăm cái khay đựng đồ ăn cho bọn trẻ chẳng nhằm nhò gì so với cái xác nặng 150 cân anh của tôi lúc đó. Nhưng...

Buồn tủi cho thân phận một kẻ phải bỏ nước trốn chạy bọn thảo khấu răng vồ chó sói để phải lê kiếp lưu vong sầu phục. Tôi nói với nhân viên nhà trường, nơi "nhiệm sở" tôi mới nhận chức được vài ngày, thông báo cho "người đẹp có làn da ngăm ngăm, cán sự Oeo-phe" là tôi không đi làm theo lệnh của bà ấy nữa - Và cứ cắt...! Nhân viên nhà trường hỏi tôi lý do. Tôi chỉ lắc đầu! Không biết họ có hiểu rằng 5 tiếng đồng hồ ở đó quá nhàn hạ. Nhưng là cả một thời gian dài khủng bố, đầy đọa tinh thần của tôi. Không khác nào những ngày tháng nằm trong lao ngục Việt Cộng!

Tôi đưa nàng "Vodka", chính tông của Nga sô về nhà. Nàng trong trẻo nhưng cay nóng đến 80 độ. Tôi thè lưỡi liếm, hớp từng...ngụm. Nàng chạy rần rần trong châu thân và dồn lên trí não! Mỗi ngày tôi xách một nàng về, chỉ khoảng 2 xị, và trời đất quay cuồng, mặc cái xác bất động của tôi. Ngoài kia tuyết băng đổ mù mịt. Linh hồn tôi cũng chầu chực để nếu được lệnh bay đi!

Chân tôi nằm kín trong đôi bốt-đờ-sô, mà đôi giày nầy không phải của thời trai lính chiến. Tôi chuộc nó ở chợ trời với giá 50 xu, để lội tuyết mùa đông. Lần mò đến một khu thương mại, nhìn bảng hiệu "Car seat cover" có dán mảnh giấy "wanted". Tôi thập thò ở cửa, có tiếng nói Việt Nam nghe mát ngọt như nước dừa. Tôi cúi đầu chào, và ông bà chủ tiệm, người Việt Nam chính tông, di tản sang Mỹ trước ngày bọn nón cối dép râu phá sập cổng sắt của lũ quan quyền nhu nhược.

Thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, ông bà chủ cho tôi làm mỗi ngày 3 tiếng và trả 15 đô tiền công. Với thời điểm ấy, tiền công cho như vậy là sộp lắm rồi. Chỉ vì vào mùa đông tuyết lạnh nên ít khách. Tuy nhiên, tôi được nhìn thấy sinh lộ, có miếng cơm và rủ rê "nàng Vodka" về ru tôi ngủ vẫn còn vua hơn những người Homeless cầu bơ cầu bất. Thấy đau lòng nhưng bất lực vì chính thân phận của mình cũng đang trong cảnh bọt bèo trên biển khổ trần gian. Tôi tạ ơn Trời- Tôi mang ơn ông bà chủ tiệm may nệm xe! Ít ra, tôi cũng đã trả lại được "tấm thẻ bài" cho Sở Oeo-phe, thành phố Ogden, quận Weber, tiểu bang có một ngôi đền thờ tháp tượng bằng vàng ròng, nằm ở trung tâm Salt Lake City, thủ phủ của Utah!.

Số tôi cũng kị với con bích. Cũng có khi vớ được ả chuồn. Tình cờ, sau khi bao cột bộ nệm xe cho một bà Mỹ, trả tiền cho chủ, cho tới 5 đô gọi là tiền tip. Bà hỏi tôi một tràng, và sẵn có bà chủ niệm, thông dịch lại là có muốn đi học không" Tôi nói là thèm đi học lắm mà không có điều kiện! Bà Mỹ nói với chủ tiệm là ngày mai, tôi cầm tờ giấy nầy đến gặp bà ấy ở địa chỉ cho sẵn.

Sau khi điền đơn, dĩ nhiên là tôi có thông dịch viên hộ tống, bà Mỹ mà tôi bao nệm xe hôm qua, nói với người thông dịch rằng tôi được hưởng chương trình CETA. Hàng ngày tôi phải đến trường học 4 tiếng In-lít, 2 tiếng học nghề. Chương trình trong vòng 8 tháng - Và mỗi tháng được cấp 400 mỹ kim. Nghe vậy, tôi la lên "Cái gì. Đừng giỡn, Tội nghiệp tôi."

Bà Mỹ cũng rất rành tâm lý, bà hiểu được thân phận của một kẻ gần chết trôi cầu cứu một cái phao. Bà cười vui: "This isn't your dream. You were just lucky at the time!".

Tôi ôm sách bút trở lại mái trường. Bộ tịch oai hơn mấy tháng trước khi mới đến nước Hoa Kỳ. Chiếc quần jean, áo sơ mi màu đen, khoác ngoài là áo vét màu cà phê sữa mà tôi mới sắm được ở yard sale. Chân mang đôi bốt-đờ-sô cũng gần há mỏ. Gặp lại hai bà giáo cũ, họ ôm tôi rất kiểu Mỹ. Họ cũng hiểu được sự hoạn nạn của tôi. Họ vỗ về, an ủi "ông cố gắng học In-lít, ông khá thông minh thì có lẽ cũng không dốt tiếng Mỹ trong ít tháng tới. Chúng tôi sẽ giúp ông!"

Hằng ngày sau giờ học chữ Mỹ. Tôi cũng được "ăn chùa" buổi trưa ở trường. Rồi vào lớp khác học "ráp nối điện tử!"

Lúc nầy tôi tự chứng tỏ là một kẻ hiếu học. Tôi dần xa rời em bé "Vodka" kẻo cứ bị say sưa. Tôi cũng cố gắng tiết kiệm số tiền trợ giúp chương trình huấn nghệ. Nhờ đó, sáu tháng sau tôi sắm được con ngựa sắt. Mà thật, vì trước đầu có hình tượng con ngựa phi: Ford Mustang, mới ra đời khoảng mười tám năm! Tôi vuốt ve nựng nịu và thầm nói với nó: "Ngựa ơi, cứ bò cho đến trường ta học, chiều lết về nơi ta tạm trú. Đừng bất kham trở chứng nằm lề đường, tội nghiệp ta lắm nghe cưng!" Vậy mà nó cúc cung với tôi một cách dễ thương lạ!

Mỗi buổi trưa, tôi không đi ăn, chỉ hút vội điếu thuốc rồi vào lớp học nghề. Bất chợt ông thầy thấy tôi ngồi một mình. Ông hỏi tôi có phải người Việt Nam không" Thú thực lúc đó tôi cố vét óc thì biết được vốn Anh ngữ cũng khoảng một ly xây chừng! Tôi gật đầu. Rồi tự nhiên ông tâm sự trước đây là một sĩ quan TQLC, đã phục vụ tại VN từ năm 1965 đến 1967. Sau khi bị thương thì hồi hương và giải ngũ! Tôi xúc động nhìn ông, và hình như lúc đó đôi mắt có vẻ lờ mờ... Tôi cũng thật tình nói với ông:

"Vào năm 1965, tôi đi công tác trên Đệ Thất Hạm Đội, trong chiến dịch TQLC Mỹ đổ bộ dọc theo duyên hải Miền Trung từ Phú Cát, tỉnh Bình Định đến Mũi Đèn tỉnh Bình Tuy trong suốt một tháng."

Nghe tôi nói, ông trợn mắt "really"" Rồi ông ôm tôi! Cả hai đều ứa nước mắt! Ôi một cuộc hội ngộ giữa hai kẻ xa lạ mà sao quá xúc động! Phải chăng đây là tình thiêng liêng giữa những kẻ cùng chiến đấu trên một trận tuyến cho tự do mà cả hai đã cùng ê chề góp máu xương!

--------------------------------------------------------------------------------
Thưa ông Nguyễn,
Bài ông viết rất quí. Toà báo chỉ làm việc biên tập chút đỉnh cho phù hợp khuôn khổ. Mong ông cười vui. Nếu có bài thêm, xin cho luôn đĩa mềm. Kính mến. VB

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến