Hôm nay,  

Những Ngày Đầu Khó Quên

26/11/200200:00:00(Xem: 221417)
Người viết: Thomas Nguyễn

Bài tham dự số 73\VBST

Tác giả tên thật Nguyễn Quí Thảo sinh năm 1949. Cựu sĩ quan QLVNCH. Cựu tù cải tạo. Đến Mỹ năm 1992. Hiện định cư tại Los Angeles.
Công việc hiện tại: Làm công (Janitor).
Ảnh trên là thời chiến binh cũ của ông.


Gia đình tôi rời Việt Nam vào ngày 20 tháng 7. Tôi nhớ mãi vì đó là ngày chia đôi đất nước. Ngày Quốc Hận. Ngày này năm 1954 gần một triệu người dân miền Bắc phải lìa bỏ quê cha đất tổ, dắt dìu nhau vào Nam tìm tự do. Thêm một lần, 38 năm sau, 20 tháng 7 năm 1992, gia đình tôi lại phải lìa xa quê hương yêu dấu đến một đất nước hoàn toàn xa lạ cũng chỉ để tìm tự do.

Tôi sinh ra, lớn lên tại miền Trung, quê hương của những nhà cách mạng, đất ngũ phụng tề phi, nhưng sau bao thăng trầm nổi trôi của đất nước, xứ Quảng của tôi vẫn khô cằn sỏi đá, nhọc nhằn.

Gần 10 năm lê lết khắp các trại tù cải tạo, từ Trảng Lớn, Đồng Pau, Trảng Táo, Chí Hòa, Xuyên Mộc, tưởng chẳng có ngày về, nhưng cuối cùng, gia đình tôi tuy muộn màng cũng đã tới được xứ sở của Tự Do.

Ngay khi tới đất Mỹ, tôi hiểu rằng, muốn hội nhập và tồn tại, phải có hai điều cần thiết nhất là tiếng Mỹ và việc làm. Trong khi chờ tìm việc, tập nghe tập nói tiếng Mỹ phải là ưu tiên một.

Hằng ngày tôi la cà ở các chợ Mỹ để thực tập nghe và nói tiếng Anh. Có lần đạp xe đi mua một bịch muối, chợ thì rộng bịch muối thì nhỏ, tìm mãi chẳng biết chỗ nào. Nhẩm đi nhẩm lại có hơn chục lần câu hỏi bằng tiếng Anh, tôi tự tin bước đến hỏi bà đầm Mỹ đang xếp đồ gần đó. Nguyên văn câu tôi nói như sau:

"Excuse me, Mam. I want to buy some salt, but I don't know where it is. Can you help me, please""

Tự thấy là đủ lễ bộ rồi. Cũng excuse me, cũng please, cũng lịch sự có thừa chớ đâu đến nỗi tệ. Bà đầm Mỹ hiểu ngay, nhoẻn miệng cười, miệng nói, tay chỉ tôi đến quầy số 6.

Đến đó tìm loanh quanh chẳng thấy muối đâu cả, cho chắc ăn, đảo qua đảo lại cho mấy vòng, bịch muối vẫn biệt vô âm tín. Tôi bèn quay lại hỏi bà lần thứ hai. Lại một nụ cười nữa trên môi, lần này bà dẫn tôi đến tận quầy số 6 và chỉ cho tôi cái thứ tôi cần mua. Thỉ ra tôi muốn mua muối mà bà ta chỉ cho tôi một mớ xà bông cục.

Nói qua nói lại vài lần không được, tôi phải lấy giấy viết ra cho bà biết cái thứ tôi cần. Bà ta thốt lên:

"Oh, My God! that is salt, not ...soap!"

Cuối cùng rồi cũng cầm được bịch muối trên tay, bước ra cửa chợ, nhìn quanh, đèn đường bật sáng tự bao giờ. Tôi rẽ trái, quẹo phải đến lấy chiếc xe đạp. Trời nhá nhem tôi, chắc mình đi lộn chỗ nữa rồi. Tôi dụi mắt nhìn kỹ đôi ba lần nữa thì hỡi ôi, chiếc xe đạp yên quý của tôi đã không cánh mà bay.

Tôi nhìn kỹ tên chợ: không phải chợ Đồng Xuân. Để gọi phone về nhà nhờ người ra đón, tôi ghé vào tiệm Donnut gần đó để đổi vài đồng 25 xu. Lại phải lôi cái sổ học Anh văn của mình ra xài nữa, tôi cố moi óc, miệng lẩm bẩm: 1 xu là penny, 5 xu là nickle, 10 là dime, 25 xu là quarter...

Chắc ăn rồi, tôi hăng hái bước vào, thấy ông chủ là người Việt Nam tôi thở phào xổ tiếng mẹ đẻ: "Chào ông chủ, cho tôi đổi mấy đồng 25 xu để gọi điện thoại tí." Ông chủ trợn tròn mắt, lắc đầu nguây nguẩy, hỏi tôi bằng tiếng Anh là mày muốn cái gì" Tau không hiểu. Tôi chưng hửng, lắp bắp "sorry! sorry!". Rồi xổ nguyên văn như sau: "Excuse me, I need some quarters, please." Miệng nói, tay đưa cho ông ta một đồng bạc giấy. Ông ta OK, cầm tiền, bảo tôi chờ một chút, quay vào trong, ông mang ra cho tôi một ...ly nước lạnh!

Tiếng Anh ơi là tiếng Anh. Quarter với chăng water, muối thì tôi nói thành xà bông cục, đồng 25 xu thì nói ra thành ly nước lạnh. Tiếng Em nói nghe dễ dàng mà sao tiếng Anh ôi thôi khó quá. Tôi cũng chẳng buồn lấy giấy ra viết lần nữa. Tay cầm ly nước lạnh bước ra, tu một hơi dà. Nước mát trôi qua cổ họng làm tôi thấy yêu đời. Hít một hơi thật sâu, tay ôm bịch muối, chân trái sẵn sàng, đếm nhịp, đàng trước bước, một, hai... "Đường trường xa, ta quyết đi cho đến cùng. Thế một lòng, quyết chiến đấu đoàn quân ra đi."

Cuốc bộ khoảng đường khá xa, đã toát mồ hôi, nhìn qua bãi cỏ bên kia đường, một chiếc xe đạp của ai vất lăn lóc ở đó. Tôi định bụng: Được rồi, mày "mượn" xe của ông thì ông cũng "mượn" xe của mày cho bõ ghét. Tôi băng nhanh qua đường đến nơi, tôi không còn tin vào mắt mình. Con ngựa sắt của tôi sao lại nằm ở đây, đúng là nó rồi, bình nước buộc chặt vào xe vẫn còn đó...

Tôi xốc nó dậy, bỗng dưng một luồng khí lạnh chạy dài theo cột sống, sợ có người cho rằng mình ăn cắp xe, tôi đảo mắt nhìn quanh rồi phóng thẳng một mạch, thỉnh thoảng quay đầu về phía sau xem động tĩnh ra sao, chỉ thấy vài ánh đèn xe hờ hững lướt qua. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Về đến nhà mới hay bịch muối tôi đã quýnh quáng bỏ lại hiện trường. Sáng hôm sau quay lại, bịch muối vẫn còn nằm đó ,ướt đẫm sương đêm.

Và cũng một lần, tôi đạp xe ra phố Bolsa để tham dự cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi tự do nhân quyền cho Việt Nam. Trước khi đi cũng lấy bản đồ ra, xác định điểm đúng, chỗ nào quẹo phải, nơi nào quẹo trái, ước tính thời gian từ nhà đến mục tiêu, tốc độ của xe đạp v.v...

Đạp mãi cả tiếng đồng hồ, chẳng thấy Bolsa đâu cả, có lúc tôi đạp lên cả đường vào freeway, cuối cùng đành phải nhờ người chỉ đường mới biết rằng muốn đi ngược về Bolsa phải mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ đạp xe nữa. Thôi thì đành hẹn Bolsa lần khác vậy.

Cha tôi lúc còn sống, mỗi lần rượu ngà ngà say, ông thường ngâm nga mấy câu chữ Hán Việt giao duyên, đại để như: "Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân trị diện bất tri tâm. Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy v.v..." Diễn ngâm rồi, ông giảng giải cho các anh chị em tôi làm bài học ở đời. Trong các bài học cha tôi dạy, tôi đắc ý nhất câu "Nhơn vô viễn lự, tất hữu cận ưu." Vì vậy sau này lớn lên làm việc gì tôi cũng chuẩn bị rất kỹ.

Chuyện đii Bolsa cũng vậy. Có lần tôi thủ sẵn 10 đô trong túi nhét thêm mấy đồng food Stamp phòng khi hữu sự. Lạc đường, bụng đói, túi có sẵn tiền, tôi ung dung bước vào một tiệm ăn Mỹ (lại Mỹ) định ăn một tô cháo lấy sức đạp xe về.

Vào tiệm, để chắc ăn, tôi xem menu thật kỹ. Cháo tiếng Mỹ gọi là soup, mà soup và soap na ná giống nhau nên tôi không dám gọi thẳng mà chỉ dám lấy ngón tay chỉ vào thực đơn cho chắc. Cô bồi bàn lườm tôi với ánh mắt vô cùng khó chịu, tôi chẳng hiểu tại sao, hay là họ kỳ thị người da màu như tôi vẫn thường nghe nói. Nhưng rồi cô cũng OK và hỏi tôi có muốn gì thêm nữa không, tôi lắc đầu, cám ơn và thư thái ngồi chờ.

Lát sau cô bưng ra cho tôi một cái khay trong đó có một tô to như là cái máng heo, toàn là nước, lợn cợn vài sớ thịt lí tí...và mấy cái bánh mặn con con bên cạnh. Tôi ngồi chờ thêm 5 phút nữa xem còn có món gì nữa không nhưng chẳng thấy gì cả. Cuối cùng tôi chẳng biết ăn cái nào với cái nào nên vội vàng nhét mấy cái bánh mặn vào túi, húp thử vài muỗng nước nhạt thếch trong tô, rồi tính tiền dông thẳng. Quí vị biết không, lần đó phải trả gần 8 đôla cho một tô nước lạnh!

Về đến nhà, vợ con hỏi đi Bolsa có vui không, tôi nói: "Vui, vui lắm." Mãi gần cả năm sau tôi mới hiểu được tại sao cô bồi bàn lại nhìn tôi với ánh mắt vô cùng khó chịu khi tôi chỉ vào thực đơn để gọi món soup. Chẳng dấu gì quí vị, tôi có thói quen chỉ bất cứ cái gì cũng bằng ngón tay giữa, đôi khi muốn nhấn mạnh lại nhịp nhịp thêm đôi ba lần nữa. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại thấy rợn cả người...

Tôi cũng đã gởi đơn xin việc đến các hãng Mỹ, thư đi thì có, tin lại thì không. Trong lúc chờ đợi, tôi cũng đã tận dụng thì giờ để xin việc ở các shop may Việt Nam. Tôi nào có biết may áo quần gì đâu, máy may công nghiệp lại càng mù tịt nhưng lại nghĩ đến câu cha tôi thường nói: "Sĩ khả bách vi, sĩ kiêm bách nghệ" nên tôi cứ liều mạng đến shop may để xin việc.

Mới vào, bà chủ shop đưa cho tôi một cái áo chằng chịt đủ màu: xanh, đỏ, tím, vàng, và hỏi: "Chú có may được không"" Tôi thú thực: "Nếu có ai hướng dẫn ráp cái nào vào với cái nào thì chắc tôi làm được." Lúc đó chắc là shop may đang thiếu thợ nên bà chủ nhận tôi liền. Đưa cho tôi hai chồng vải, bà ráp trước một cái làm mẫu, bảo tôi cứ thế làm theo, khi nào xong thì báo cho bà biết.

Ngồi vào ghế may, giống như đang ngồi vào ghế điện tử hình, tôi liếc mắt nhìn quanh xem các cô thợ điều khiển máy may như thế nào, thấy cũng đơn giản. Tôi cầm hai mảnh vải lên, miệng lẩm bẩm lời Cha dạy "Sĩ khả bách vi, sĩ kiêm bách nghệ" rồi lên gân chân phải đạp mạnh. Máy may rít lên một tiếng rợn người nghe như ai đang xé lụa. Hai tay tôi cố kéo miếng vải lại nhưng không kịp, đường chỉ chạy băng từ đầu này sang đầu kia như rồng bay phượng múa. Còn may, bàn tay tôi không hề hấn gì. Các cô chung quanh trố mắt nhìn, có cô tốt bụng chạy lại hỏi tôi: "Chú có làm sao không"" Tôi ngượng quá, đỏ cả mặt, miệng nói không nên lời.

Bước đầu khủng khiếp vậy nhưng nhớ đến lời cha tôi dạy nên càng về sau với sự cố gắng học hỏi. Với sự giúp đỡ của các đồng hương tốt bụng cùng làm trong shop, tôi cũng đã tự mình làm được mọi công việc, sau đó còn lãnh hàng về nhà may, từ đó gia đình có thêm chút tiền sinh sống.

Giờ đây, khi ngồi viết những giòng này, gia đình tôi tuy không còn tiếp tục nghề may và nữa, nhưng những chiếc máy may, máy clock, tôi vẫn còn giữ lại như những kỷ vật thời mới có việc làm. Ba đứa con lớn cũng đã tốt nghiệp Đại học với các ngành nghề khác nhau. Hai đứa nhỏ vẫn ngoan, biết phụ giúp mẹ, học hành chăm chỉ và đặc biệt, tiếng Việt rất là lưu loát.

Còn ước mơ gì hơn thế nữa, nhưng sao tôi vẫn thầm mong được một ngày trở lại quê xưa, thăm hai giòng sông Thu Bồn thuở ấu thơ một thời ngụp lặn, thăm lại con đường quê ngập đầy dấu chân trâu mỗi buổi chiều về, thăm lại ngôi trường tiểu học nghèo nàn thời tuổi nhỏ. Và mong được một lần về thăm lại ngôi mộ của cha mẹ tôi. Cho đến lúc cha mẹ tôi nhắm mắt lìa đời, đứa con trai út của ông bà vẫn còn nằm trong vòng rào trại tập trung cải tạo. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy dường như lúc nào vong linh của Ông, Bà vẫn theo mãi bên gia đình tôi, luôn phù trợ cho cháu con vượt qua bao nhiêu phong ba, bão tố.

Đoạn đời thanh xuân của tôi đã phải chôn đứng chôn ngồi trong những trại tù cải tạo, nghĩ lại, mình chẳng làm được gì cho quê hương, đất nước. Đưa được gia đình sang Mỹ, tôi tin tưởng, hy vọng vào các con của tôi, con của các anh chị. Chính các bạn trẻ sau này, những viên ngọc quý đã được trui rèn nơi lò luyện của tự do dân chủ, sẽ thay các bậc cha ông tiếp tục làm tròn trách nhiệm đối với đồng bào, đất nước. Ước mong trong một tương lai thật gần, nhưng viên ngọc quí đó sẽ lấp lánh ở trời Nam, làm rạng ngời dân tộc Việt.

Qua bài viết này gia đình tôi xin được nói lên lời cám ơn nước Mỹ đã cưu mang hàng triệu đồng bào Việt Nam tị nạn. Và cũng nhân đây, xin được cám ơn gia đình anh chị Trần Thế Ngữ, cô chú Đô Đức Kỳ, cô cậu Đặng Văn Cận, gia đình Đỗ Khái Hưng và những người quen biết đã hết lòng giúp đỡ gia đình tôi trong những tháng ngày đầu tiên nơi xứ lạ.

Tháng 7 năm 2000
Nguyễn Quí Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Nhạc sĩ Cung Tiến