Hôm nay,  

Mùa Hè Năm Ấy

26/11/200200:00:00(Xem: 225387)
Người viết: Bùi Thanh Liêm

Bài tham dự số 72\VBST

Tác giả tên thật Vũ Thành Long, sinh năm 1962, tốt nghiệp tiến sĩ ngành kỹ thuật không gian, đại học Mississippi State, hiện là kỹ sư ngành không gian cho NASA và giảng sư đại học Alabama A&M University, ngành kỹ thuật cơ khí. Câu chuyện mùa hè năm ấy kể chuyện tình vui của chàng sinh viên Mít với người đẹp Mỹ trắng.

"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn".
Ngày xưa, mỗi lần nghe bà ca sĩ Thanh Tuyền cất cái giọng kim cao vút của bả để trình bày ca khúc trên, là tự nhiên trong tôi có một cảm giác buồn vu vơ chợt "len lén vào hồn". Bài ca đó như muốn nhắc nhở tôi sắp đến ngày bãi trường; ngày chia tay bạn bè, thầy cô; ngày chuẩn bị cho những cánh cổng trường khép kín, để lại bên trong hoa phượng vĩ đỏ thắm ngập lối đi. Tuy nhiên, cái cảm giác buồn này chỉ chợt đến rồi đi, vì hồi còn nhỏ tôi ham chơi lắm, chỉ đợi đến 3 tháng hè ở quởn để đi phá làng phá xóm.
Mãi cho đến sau này, vượt biên tỵ nạn, đi học đại học bên Mỹ, thì cái cảm giác buồn vui lẫn lộn của ngày xa xưa hoàn toàn không còn nữa, bởi vì tôi còn phải lăn lộn trong cuộc sống mưu sinh trên xứ người. Bốn mùa hè ở trường là bốn mùa tôi phải đầu tắt mặt tối, lao động vinh quang.
Mỗi dịp hè, trong khi bạn bè đổ xô nhau đi làm co-op hay kỹ sư tập sự cho các hãng xưởng trong vùng, để đánh bóng cái resume của bọn nó, với chút vốn kinh nghiệm của ba tháng hè, thì tôi lại ở lại trường để sơn mấy cái dorm. Mùa hè đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình chưa có đủ kinh nghiệm để đi kiếm kinh nghiệm, vì mấy lớp học của niên học đầu tiên toàn là mấy lớp căn bản, chưa đi sâu vào ngành học, thôi thì làm tạm một cái gì, để mùa hè năm tới tính sau. Nhưng rồi đúng là nghiệp chướng, và cái nghiệp thợ sơn này đã bám theo tôi suốt mấy mùa hè liên tiếp sau đó.
Cho đến mùa hè thứ tư thì có thể nói là tôi đã trở thành một thợ sơn chuyên nghiệp. Tất cả những công việc từ nhỏ cho đến lớn, như chạy băng keo ven theo lề tường, trộn sơn, sơn tường, sơn trần nhà, cầu thang, hành lang, cửa sổ, hay chà giấy nhám mấy cái kệ tủ, đánh vẹc-ni, tôi làm một cách thành thạo và nhuyễn nhừ.
Bốn mùa hè trôi qua là bốn tốp thợ sơn khác nhau được nhà trường mướn lại với đồng lương tối thiểu. Bốn toán thợ sơn nhưng duy chỉ có mình tôi là tồn tại năm này sang năm khác. Riết rồi già Mac, lão supervisor của nhóm lao động mùa hè, nhìn mặt tôi mãi phát chán.
Kể sơ về lão già tên Mac này: Lão là một người Mỹ da trắng thuộc loại nhỏ con. Có lần lão kể cho tôi nghe là lão xuất thân từ tiểu bang Kentucky, nơi nổi tiếng của những cuộc đua ngựa hàng năm. Với vóc người nhỏ thó trời cho, hồi nhỏ Mac nuôi ước mơ được trở thành kỵ mã của những kỳ thi Kentucky Derby, nhưng trong một lần tập đua, lão ngã ngựa và bị gãy xương ống quyển nên đành giải nghệ. Tuy nhiên bây giờ lão vẫn để dành tiền và bay từ California về Kentucky để dự kiến những kỳ thi Kentucky Derby hàng năm.
Công việc của già Mac rất nhàn hạ, lão chỉ việc huấn luyện lại toán thợ sơn trong vòng tuần lễ đầu, sau đó lão chỉ việc chỉ tay năm ngón. Cả ngày bọn tôi không biết già đi đâu, buổi sáng sau khi phân công cho mọi người xong là già biến mất, do đó bọn tôi tha hồ mà câu giờ; có đứa còn chui vô phòng đóng cửa mà ngủ cho đã.
Tôi còn nhớ trong toán thợ sơn của mùa hè thứ hai có một thằng Mỹ trắng tên là Adam, nổi tiếng lười. Trong khi mọi người làm việc thì thằng con chui vô mấy cái phòng trong dorm, khóa kín cửa mà ngủ. Một hôm, trời trở lạnh. Khí hậu Cali nhiều khi quái đản lắm, mùa hè lạnh căm căm là chuyện thường. Bọn tôi phải mặc áo len đi làm. Mấy thằng còn đang bận sơn quét cái hành lang thì thấy có một cái bóng to lớn ở phía cuối dãy hành lang. Tôi chỉ về phía cái bóng đang nhấp nhô, hỏi thằng Ken:
- Ê, Ken. Ai vậy mày"
Thằng Ken dừng sơn, cầm cái roller chĩa về phía cái bóng, nói như ra lệnh:
- Thằng nào đó" Làm cái gì trong này"
Tụi tôi rón rén bước theo thằng Ken đi về hướng cái bóng, đến gần thì tụi tôi nhận ra là thằng Adam đang hít đất. Thấy bọn tôi, nó dừng lại, thở, và than:
- ĐM, hôm nay trời lạnh quá, nằm một chỗ lạnh quá chịu không thấu, tao phải làm vài động tác thể dục cho nóng người.
Một hôm bọn tôi đang làm việc thì già Mac đi đến kiểm tra. Mỗi lần già Mac đến tụi tôi có thể biết trước từ mấy chục thước. Già Mac có cái tướng đi khập khiểng, kết quả của lần ngã ngựa, do đó bước đi của lão tạo ra một âm thanh đặc biệt. Thêm nữa già thường hay huýt sáo và cầm chùm chìa khóa lắc lắc nghe leng keng. Bọn tôi nghĩ rằng già cố ý tạo ra những tín hiệu này cho bọn tôi biết trước từ xa, để già khỏi phải chứng kiến cái cảnh mấy thằng ngồi không câu giờ. Hôm đó nghe thấy tiếng già Mac từ đằng xa, thằng Adam từ trong phòng vội chạy ra chụp vội cái cọ, nhúng sơn, rồi làm bộ quệt quệt vô góc tường. Tôi vừa nhìn nó vừa ôm bụng cười. Thằng Adam nổi sùng, nhìn tôi:
- Mày cười cái chó gì, hả thằng Mít tị nạn"
Cả bọn dừng tay làm việc, lắng nghe. Tôi nói:
- Mày nhìn lại mày đi, không giống ai hết.
Thằng con nhìn lại nó rồi nhìn lại chúng tôi, và dần dần vỡ lẽ; trong khi bọn tôi thằng nào thằng nấy mình mẩy dính sơn thì nó sạch sẽ từ đầu đến chân. Già Mac đã gần kề, tiếng huýt sáo nghe rất rõ. Không một phút do dự, thằng Adam cầm nguyên sô sơn tự tạt mạnh lên mình một cái ào.
Những bước chân của già Mac nhỏ dần và nhỏ dần, thì ra già chỉ đi ngang qua mà không thèm vào thăm bọn tôi, làm uổng công thằng Adam hy sinh cái áo T-shirt mới toanh và cái quần jean Levi đắt tiền. Đợi già Mac đi xa, cả bọn ôm bụng cười lăn, trong khi thằng Adam đứng yên như trời trồng, với khuôn mặt méo xệch lấm tấm bọt sơn trắng, trông y như thằng hề bozo.
Thằng Adam chỉ có cái tội là làm biếng ra mặt thôi, chứ thật ra bọn tôi thằng nào cũng lười thầy chạy, chỉ có khác ở chỗ là kín đáo hơn nó mà thôi. Riêng về phần tôi, không những lâu lâu bắt chước 2 câu thơ hưởng nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người kiếm chốn lao xao" mà tôi lại còn hay thích hù cha con tụi nó.
Lâu lâu tôi bắt chước già Mac, cầm xâu chìa khóa rung leng keng, vừa đi vừa huýt sáo, lắm phen làm cha con nhà nó tưởng già Mac thiệt nên vội lật đật trở lại làm việc. Đến khi thấy tôi đút đầu vô phòng, mấy thằng biết bị là lừa nên nổi sùng, không ngớt lời văng tục. Mặc kệ cho tụi nó ghét bỏ và hăm dọa, tôi cứ tiếp tục cái trò hù đồng nghiệp này. Tôi khoái làm sao khi nhìn thấy cái bản mặt ngẩn tò te của tụi nó, khi vỡ lẽ là tôi chứ không phải già Mac.
Tuy nhiên cái trò hù này chỉ kéo dài một thời gian là mất hiệu lực, vì riết rồi tụi bạn không còn tin tôi nữa. Cho đến một hôm, tôi đang ngồi sơn trong phòng một mình, mấy thằng bạn Mỹ yêu dấu của tôi đang phè cánh nhạn ở phòng bên cạnh, nằm tán dóc và kể chuyện tục cho nhau nghe, thì bỗng dưng từ đằng xa nghe có tiếng leng keng và huýt sáo. Tôi nghe giọng thằng Ken:
- ĐM, lại thằng Liêm nữa chứ không ai vô đây hết!
Tiếng thằng Adam phụ họa:
- Cái thằng Á-Đông tị nạn này sao lì quá. Nó tưởng tụi mình sợ già Mac hay sao, mà bày đặt hù hoài.
Bước chân già Mac đến gần. Tôi bụm miệng, nén tiếng cười. Giọng thằng Adam oang oang:
- Lão lùn Mac ơi! Tụi tao đang ở trong đây ngồi chơi nè. ĐM, mày dám làm cái gì, khôn hồn đi chỗ khác chơi, rút đầu vô đây tao đập lòi sh..
Sau đó là giọng già Mac:
- Cái gì" Mày vừa nói cái gì"
Tôi nghe tiếng chân cả bọn chạy rầm rầm. Già Mac nói như ra lệnh:
- Tất cả đứng lại. Thằng Adam mày vừa nói cái gì" Mày đòi đập tao lòi...
Tiếng thằng Adam lí nhí xin lỗi. Đến nước này thì tôi không còn nén được nữa. Tôi há miệng, cho tràng âm thanh tuôn trào qua khóe mép, vang rộn khắp căn phòng. Tôi còn đang ôm bụng rũ rượi thì thấy bóng già Mac và thằng Adam xuất hiện nơi cánh cửa. Thằng Adam chỉ tôi, nói:
- Tất cả tại nó!
Tôi không nói gì, tiếp tục ôm bụng cười lăn, cười nghiêng ngửa trời đất, cười đến muốn lòi phèo. Đám đồng nghiệp còn lại thấy vậy cũng phụ họa cười theo. Sau đó tôi và Adam được mời lên văn phòng. Hai thằng chỉ bị cảnh cáo nhẹ, già Mac không dám đuổi tụi tôi, bởi vì lúc đó nhà trường không mướn được người thay thế vì cái job này sinh viên nào cũng chê, hơn nữa lúc đó công việc chồng chất, bọn tôi đang chạy theo sau thời khóa biểu ấn định.
Hết kỳ hè năm ấy Adam với tôi thân hơn một chút, sau này tôi với nó còn có dịp gặp nhau nhiều hơn vì hai thằng học cùng chung một ngành. Hễ gặp nhau, cứ nhắc đến chuyện cũ là tôi với nó lại ôm bụng cười.

Mùa hè năm thứ tư, tôi lại có mặt trong toán thợ sơn của trường. Thật ra tôi tham gia nhóm thợ sơn kỳ này là vì già Mac. Lúc đó tôi chuẩn bị tốt nghiệp và đã được công ty Lockheed ở dưới Sunnyvale nhận. Thấy già Mac năn nỉ ĩ ôi quá, cộng với mối thân tình của tôi và già được hình thành qua 3 khóa hè trước, tôi quyết định ở lại thêm một lần rồi thôi.
Khác với những lần trước, trong đội sơn nghiệp dư kỳ này xuất hiện hai em Mỹ trắng, là Rhonda và Janice. Sự xuất hiện của hai nàng đã vô tình khuấy động lòng tà đang bị dồn nén trong tôi trong suốt mấy tháng hè "nhàn cư vi bất thiện" này.


Janice thì tôi không để ý, vì nhìn cô nàng chẳng có gì là lôi cuốn; con gái Mỹ gì mà ngực nghiếc phẳng lì như phi đạo, khuôn mặt thì lúc nào cũng quạu quọ, cau có. Còn ở Rhonda thì hoàn toàn trái ngược; ở nàng, tất cả những vẹn toàn của nữ phái có thể thấy được, với đôi mắt xanh lơ đa tình, làn da trắng mướt, đôi môi căng hồng nhìn vô là muốn hun ngay một phát, còn thân hình thì khỏi nói, không khác nào một tòa thiên nhiên lộng lẫy, lúc nào cũng mời gọi. Nói chung, nhìn qua Rhonda là thằng thanh niên nào cũng muốn ở tù liền.
Tôi mưu toan trả thù dân tộc. Mấy tháng hè sẽ trôi qua nhanh, tôi phải đánh nhanh, rút lẹ. Bằng bất cứ giá nào, tôi nhất định phải để lại một kỷ niệm với người em bản xứ trong mùa hè năm nay. Thế là tôi tiến hành kế hoạch tán tỉnh Rhonda. Nhưng kẹt cho tôi là mỗi lần tôi rủ nàng đi chơi là nàng liền bán cái sang Janice. Nàng nói:
- Sorry, tao bận. Sao mày không thử con Janice xem" Nó nói với tao là nó thích coi xi-nê lắm.
- Nhưng nó đã có bồ.
- Nó xạo mày đó. Tao biết rất rõ là nó vẫn còn "available".
- Vậy chắc nó không thích tao, giả bộ nói có bồ để tao đừng hó hé, phải không"
- Mày khờ lắm, Liêm à! Tự ái con gái bắt nó phải nói như vậy, chẳng lẽ nó phải nói với mày là nó đang ế bồ"
Trời! Tôi không ngờ con gái Mỹ cũng có cái tự ái kiểu này. Tuy nhiên tôi muốn rõ ràng với Rhonda:
- Đó là chuyện của nó, mắc mớ gì đến tao" Tao có để ý nó bao giờ, tao chỉ muốn rủ mày đi chơi thôi mà!
Rhonda cười ruồi, trả lời thẳng thắn:
- Tại vì mày nói mày muốn chơi với Mỹ cho biết nên tao mới đá mày qua con Janice. Về phần tao, tao không cần nói xạo mày, mày cũng không cần biết là tao có bồ hay chưa, mày chỉ nên biết một điều này: Mày không phải là "type" người của tao, chỉ có thế thôi.
Câu nói đó của Rhonda không làm tôi nản chí anh hùng. Tôi áp dụng chiến thuật "li huyền". Tôi hy vọng nàng sẽ xiêu lòng. Mấy tháng hè vù vù trôi qua, đã gần đến ngày tôi về Sunnyvale trình diện Lockheed mà Rhonda vẫn cự tuyệt. Tôi cuối cùng phải bỏ cuộc, tôi không thể thả mồi bắt bóng mãi, tôi phải binh đường khác, đường nào cũng được, miễn là khóa hè này tôi có một kỷ niệm với người em bản xứ là được. Cuối cùng tôi quay mũi dùi qua tấn công Janice, lần này tôi không gặp một sự phản kháng nào.
Tôi hẹn Janice đi xem ciné, vì tôi còn nhớ có lần Rhonda mách cho tôi hay là Janice rất thích xem phim chiếu bóng. Hơn nữa, rạp hát cũng là nơi thuận tiện cho tôi làm ăn. Nhưng không hiểu tại sao đến gần ngày hẹn đào đi chơi mà tôi chẳng thấy háo hức chút nào. Cái cảm giác mong chờ đến ngày đón em ở trước cổng Trưng Vương hay Gia Long chắc chẳng bao giờ có thể tìm lại được.
Tôi đến nơi hơi trễ chút xíu. Từ xa tôi đã thấy bóng Janice. Nhìn nàng hai tay giữ chặt chiếc váy đầm để gió khỏi tốc lên làm tôi nhớ lại hình ảnh người xưa đang quấn quít vân vê tà áo, đứng đợi tôi ở trước cổng trường đại học Văn Khoa năm nào.
Tôi xin lỗi đến trễ vì bị kẹt xe. Janice nói không sao, xong rồi cô nàng chìa ra tấm vé, nói:
- Tao đã mua vé trước cho mày, như vậy mày thiếu tao 5 tì.
Tôi chỉ cái túi giấy Janice đang cầm, hỏi:
- Cái gì trong đó vậy"
Janice trả lời:
- Ồ, tao thủ sẵn thức ăn, lỡ lát nữa xem phim đói bụng có cái ăn cầm hơi. Đồ ăn trong này tụi nó chặt đẹp lắm. Ủa, mày không mang theo đồ ăn hả Liêm"
Tôi móc bóp, tìm ông tổng thống Lincoln trao cho Janice. Tôi nhủ thầm: "Lãng mạn kiểu Mỹ là như thế này đây hả trời"". Tôi nhìn thẳng vô hai con mắt xanh lè như hai viên bi, nói:
- Hôm nay mày đi chơi với tao, một thằng Mít tị nạn chưa mất gốc, mày phải tuân theo luật chơi kiểu Việt Nam tao, và một trong những điều luật đó là khi thằng con trai rủ bạn gái đi chơi nó có nhiệm vụ bao thầu hết các khoản chi phí ăn uống.
Nói xong tôi giằng lấy cái túi giấy từ tay Janice, ném vào trong thùng rác, sau đó đi ra mua bắp rang tẩm bơ và nước ngọt. Tôi hành động nhanh quá làm Janice không kịp trở tay. Tôi quay trở lại trao cho Janice cái hộp đựng bắp rang và nắm tay cô nàng, hai đứa chúng tôi nối tiếp dòng người, vào bên trong rạp hát.
Vào rạp tụi tôi chọn một chỗ khuất phía đằng sau. Tôi còn đang phân vân, không biết đã đến thời cơ chưa, thì Janice chồm qua bên tôi, nói:
- Liêm, hôn tao đi Liêm!
Những gì tôi đã làm sau đó chỉ là tuân theo bản năng, bản năng của một thằng con trai còn dồi dào sinh lực. Suốt gần hai giờ đồng hồ trong rạp tôi chẳng biết trên màn ảnh đang trình chiếu phim gì. Những hình ảnh rời rạc thay phiên nhau nhảy múa trên khung hình đại vĩ tuyến. Bên dưới tôi và Janice còn đang gắn bó keo sơn, với những bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, mò mẫm. Ôm Janice trong vòng tay mà trong đầu tôi lại liên tưởng đến Rhonda. Tôi biết tôi làm như vậy là sai, nhưng con tim đôi khi có lý lẽ của riêng nó, tôi biết làm sao hơn!
May thay cho tôi, ánh đèn trong rạp phựt sáng, cuốn phim vừa chấm dứt. Tôi ngượng ngập kéo Janice ra khỏi rạp. Trên đường chở nàng về ký túc xá, Janice quay qua hỏi tôi:
- Mày muốn đi đâu" Nhà mày hay nhà tao" Hay là mướn motel"
- Hả"
Tôi đã hiểu Janice muốn nói gì, tôi chỉ hơi xốc một chút. Tôi đã từng nghe kể về lối sống buông thả, tự do của con gái Mỹ. Hôm nay tôi mới cảm thấy thấm thía. Tôi còn đang do dự thì Janice nói tiếp:
- Hay là làm đại trong xe. Ừ, phải đó Liêm à, làm trong xe đi, để nhắc lại tao cái kỷ niệm thời còn trong trung học. Mình có thể đậu xe ở trong công viên thành phố, chỉ cách đây vài block đường.
Tôi tuân lệnh và làm theo ý nàng, cho xe rẽ vào trong khu công viên thanh vắng. Xe vừa đậu lại là Janice chồm ra băng sau, lôi kéo tôi theo. Nàng nhanh tay lột xác tôi rồi mới tự thoát y. Tôi nhắm mắt lại, nghe những cảm xúc trào dâng. Hình ảnh Rhonda lại hiện ra, rực rỡ kiêu sa. Janice chồm lên trên người tôi, bắt đầu những tiếng rên khe khẽ. Tôi ôm chặt nàng trong vòng tay, và gọi tên "Rhonda". Janice dừng lại, hỏi tôi vừa gọi tên ai. Tôi như sực tỉnh, tôi vội đẩy cái thân thể lõa lồ ra khỏi mình, nói:
- Không thể được!
Janice nhìn xuống, nói:
- Tại sao không, mày không muốn nhưng "nó" muốn.
Tôi xô Janice ra, xỏ quần áo vào, nói nhỏ:
- Tao thành thật xin lỗi mày. Tao không thể làm được, chắc tao suốt đời vẫn chỉ là một thằng Mít tị nạn, mãi mãi và mãi mãi.
Janice lấy áo che ngực, giọng nàng run lên vì giận:
- Tao không thể hiểu được mày!
Tôi lắc đầu, lầm bầm trong cổ họng:
- Tao cũng không biết làm sao để giải thích cho mày hiểu được.
Sáng hôm sau. Lần đầu tiên trong bốn khóa hè làm việc ở đây, ngày hôm đó có thể nói là ngày dài nhất. Qua giờ ăn trưa, Rhonda tìm đến tôi, nàng hỏi:
- Liêm, mày với con Janice có chuyện gì mà không nói chuyện với nhau" Hôm qua đi chơi vui không"
Tôi nhún vai, trả lời nhát gừng:
- Thấy chơi không được thì rã đám, tao thấy chẳng có chuyện gì đáng quan trọng!
Rhonda cười hề hề:
- Hóa ra mày cũng bị nhiễm tính Mỹ mất rồi, vậy mà tao tưởng đàn ông Á-Đông ai cũng chung thủy.
Tôi biết giải thích làm sao Rhonda cũng không hiểu được. Cuối ngày hôm đó tôi lên tìm già Mac, báo cho già biết là hôm nay là ngày cuối của tôi. Tôi phải về vùng thung lũng Silicon chuẩn bị đi làm cho tuần tới. Già Mac nắm chặt tay tôi, luôn miệng chúc may mắn.
Tôi ra đi, bỏ lại hai người em bản xứ không một lời từ giã, bỏ lại kỷ niệm sau lưng chưa được đánh dấu, bỏ lại mối thù dân tộc chưa trả được.

Tôi về Sunnyvale bắt đầu cuộc đời mới, tôi hy vọng những bận rộn trong công việc mới sẽ làm tôi nguôi ngoai. Nhưng không. Không hiểu sao tôi không thể quên được hình bóng của Rhonda.
Mặc dù chỉ tiếp xúc nàng qua ba tháng hè làm việc chung, tôi với nàng chưa hề có được một cái nắm tay, mặc dù những cố gắng của tôi không khác dã tràng se cát vì nàng đã từ chối thẳng tay từ đầu đến cuối, nhưng tôi không hiểu sao hình bóng nàng lại ghi khắc vào trong tâm khảm của tôi đậm đến như vậy. Tôi thoáng rùng mình; hay là tôi đã yêu cô bé tóc vàng, mắt xanh này mất rồi. Nhưng tôi phì cười ngay sau đó, tôi nghĩ thầm làm gì có chuyện đó được. Tuy nhiên tôi phải công nhận một điều là những giây phút rảnh rỗi là tôi lại nhớ đến Rhonda, nhớ đến đôi môi xinh, đôi mắt đa tình, làn da trắng mướt, giọng cười trong như tiếng thủy tinh tan vỡ.
Nhưng trời đã không phụ lòng người. Một tháng sau. Rhonda lái xe hai tiếng đồng hồ từ trường về Sunnyvale đến thăm tôi.
Nàng cho tôi biết là Janice đã kể cho nàng nghe tất cả việc gì đã xảy ra trong cái đêm hẹn hò của tôi và Janice. Nàng trách tôi sao ra đi không một lời từ giã. Nàng cho tôi biết là nàng đã yêu tôi từ cái hôm đầu tiên đến nhận việc trong toán thợ sơn. Nàng đã ghen thầm khi tôi rủ Janice đi chơi. Như vậy là nàng đã đóng kịch qua mặt tôi và mọi người thật tài tình.
Những ngày tháng sau đó là những ngày tháng êm đềm và tươi đẹp nhất trong cuộc đời của hai đứa tôi.

Đến hôm nay Rhonda đã là vợ của tôi và cũng là mẹ của những đứa con của tôi. Bây giờ nhắc lại chuyện cũ, chúng tôi phải cám ơn lão Mac rất nhiều khi lão năn nỉ tôi ở lại làm việc trong mùa hè năm ấy. Nếu không thì làm sao mà chúng tôi có cơ hội gặp và yêu nhau. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn dẫn vợ con về trường thăm Mac. Lão năm nay già và yếu lắm, đến nỗi không còn có thể du lịch sang Kentucky hàng năm để xem giải đua ngựa Kentucky Derby nữa.
Bây giờ mỗi khi nhớ lại mưu đồ năm xưa khi tôi toan tính trả thù dân tộc bằng cách đánh dấu một kỷ niệm với người em bản xứ, tôi chợt cười vu vơ một mình. Mối thù dân tộc đã trả được rồi, và kỷ niệm với người em bản xứ không ngờ đã trở thành một kỷ niệm để đời.

Bùi Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,211,196
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.
Nhạc sĩ Cung Tiến