Hôm nay,  

Tại Sao Chúng Tôi Có Mặt Ở Mỹ?

11/01/200100:00:00(Xem: 206763)
Bài tham dự số: 160\1031

Tác giả tên thật là Lại Thế Lãng, cư trú tại Burlington, tiểu bang Vermont, đã góp cho Giải Thưởng Việt Báo nhiều bài giá trị. Bài mới nhất của ông lần này kể về một nỗ lực rất đáng trân trọng của tác giả: giải thích cho người Mỹ hiểu tại sao chúng ta đang có mặt tại đây.



Sau hơn ba năm sống ở Mỹ và có dịp tiếp xúc với nhiều người Mỹ, tôi nhận ra một điều là hầu hết những người Mỹ mà tôi đã từng tiếp xúc đều không hiểu nhiều về cuộc chiến tại Việt Nam. Nói cho đúng hơn, họ không hiểu gì về cuộc chiến tranh này. Họ càng không hiểu được lý do về sự có mặt của người Việt Nam trên đất Mỹ .

Vì muốn cho người Mỹ ở đây có cái nhìn đúng đắn hơn về người Việt Nam đang sinh sống ở Mỹ, hồi cuối tháng 4/1996, tôi đã quyết định viết một bài bằng tiếng Anh có tựa đề "Tại sao chúng tôi có mặt ở Mỹ"".

Tự biết khả năng viết Anh ngữ của mình còn yếu, tôi đã nhờ người thông thạo Anh ngữ sửa chữa lại bài viết này cho hoàn chỉnh trước khi gửi nó tới mục "Diễn đàn Độc giả" ( Readers Forum) của tờ Burlington Free Press, một tờ báo có số độc giả đông nhất tại tiểu bang Vermont. Nội dung bài viết này như sau:

Có lẽ bạn đã từng gặp người Việt Nam, nói chuyện với họ, hoặc làm việc chung với họ ở cùng một cơ quan hay trong cùng một công ty. Tuy nhiên có thể bạn không hiểu lý do nào đã khiến họ có mặt ở đây, trên đất nước Hoa Kỳ. Thật ra muốn hiểu được điều này bạn cần trở lui lại thời gian để hiểu được điều gì đã xảy đến trên đất nước của họ 21 năm về trước.

Biến cố xảy ra ngày 30-4-1975 là một khúc quanh lịch sử quan trọng của miền Nam Việt Nam. Đó là sự tan rã của quân đội kéo theo sự sụp đổ của chính phủ VNCH. Một số người đã rời bỏ đất nước trong biến cố này để di tản ra nước ngoài. Những người còn ở lại phải đối đầu với một tình trạng vô cùng tồi tệ tác động trực tiếp đến hầu hết mọi gia đình tại phần đất phía Nam này. Là vì ngay sau khi chiếm được miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản đã cho áp dụng hàng loạt những biện pháp mà họ tin rằng có thể củng cố quyền lực của họ trên phần lãnh thổ mới chiếm này.

Trước tiên họ đưa vào các trại tập trung hàng trăm ngàn sĩ quan, nhân viên hành chánh, viên chức thuộc các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp, đảng phái chính trị cùng tất cả những người mà họ cho là nguy hiểm hoặc có thể chống lại họ. Trại tập trung thực chất là một nhà tù . Những người bị đưa vào đây hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Họ phải làm việc nặng nhọc với phần ăn ít ỏi. Đau ốm không thuốc thang. Vô số người đã bỏ mạng tại các trại tập trung này.

Kế đó nhà cầm quyền cộng sản ban hành luật lệ nhằm quốc hữu hóa tài sản của dân chúng. Những luật lệ này đã thâu tóm mọi cơ sở kinh tế, tài chánh, giáo dục và thương mại v.v. của tư nhân vào trong tay nhà nước. Do những biện pháp này, nhiều người đang giàu có hoặc đang làm chủ những tài sản to lớn bỗng chốc đã trở thành trắng tay khiến cho nhiều người quá ất ức đã phải tự tử.

Người cộng sản cũng đã làm cho dân chúng nghèo đi bằng chính sách tiền tệ của họ. Cứ mỗi lần thay đổi tiền tệ thì khối lượng tiền mặt của dân chúng lại bị thu hẹp dần và dân chúng trở nên nghèo hơn. Dân chúng đã bị đẩy vào cuộc sống ngày càng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Trộm cắp, cướp giựt nảy sinh khắp nơi. Tội phạm xảy ra hàng ngày như cơm bữa.

Nhưng tệ hại hơn hết, người cộng sản đã tước hết mọi quyền tự do của người dân. Nói năng, đi đứng, sinh hoạt tôn giáo, làm ăn buôn bán v.v. nhất cử nhất động đều bị công an dòm ngó, theo dõi. Người nào bị nghi ngờ chống đối chế độ lập tức bị bắt đưa vào trại tập trung.

Trong bối cảnh đó, nhiều người dân Việt đành phải tìm đường bỏ nước ra đi. Họ đã phải băng rừng qua ngõ Căm Bốt để đến được Thái Lan. Họ đã phải vượt biển để tìm đến Phi Luật Tân, Mã Lai hay Hồng Kông. Dường như hiểm nguy và những trở ngại đã không làm nhụt được ý chí của họ. Họ đi tìm sự sống trong cái chết, chỉ mong đến được bất cứ một mảnh đất nào có tự do và nhân quyền được tôn trọng.

Rất nhiều người đã không hoài công. Họ đã đến được bến bờ tự do sau bao nhiêu gian lao, nguy hiểm. Những người may mắn này đã có được nơi tạm dung tại Hoa Kỳ và tại nhiều quốc gia không cộng sản trên khắp thế giới. Bất hạnh thay, nhiều người khác đã bị nhận chìm dưới lòng đại dương, bị lạc lõng giữa biển khơi cho đến khi chết đói vì cạn lương thực và nước uống hoặc bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc dã man..

Tình trạng này đã khiến quốc tế phải quan tâm. Những cuộc thương thảo với nhà cầm quyền Việt Nam đã được khởi sự nhằm giảm thiểu số người vượt biên. Những nỗ lực này cuối cùng đã đạt đến kết quả.

Chương trình "Ra đi trong trật tự" đã ra đời cho phép ba lọai người sau đây được ra đi hợp pháp để tới Hoa Kỳ hoặc những quốc gia khác.

1- Các trẻ lai: Những trẻ này được sinh ra trong khoảng thời gian quân đội Mỹ đến tham chiến tại Việt Nam. Chúng trở thành những đứa con không cha sau khi quân đội Mỹ trịêt thoái khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng bị bỏ rơi, bị bạc đãi, thiếu thốn tình thương, không được học hành. Chúng phải chịu trăm đắng ngàn cay chỉ vì đã mang trong mình dòng máu của người Mỹ.

2- Diện đoàn tụ gia đình: Dành cho những gia đình có cha mẹ, vợ hay chồng hoặc con cái đang sinh sống tại Hoa Kỳ hay các nước tự do khác. Những gia đình này đã phải chịu cảnh phân ly, đau buồn vì nỗi xa cách người thân mà nhu cầu đoàn tụ của họ trở nên vô cùng cấp thiết.

3- Những cựu tù nhân chính trị: Sau khi đã đi "cải tạo", thành phần này vẫn bị coi là nguy hiểm. Họ bị giám sát chặt chẽ, theo dõi từng đừơng đi nước bước và không thể kiếm được việc làm. Con cái họ dù học giỏi cũng không được vào đại học vì nhà cầm quyền cộng sản không muốn con cái của "thành phần có lý lịch xấu" được học hành đến nơi đến chốn. Trong kế hoạch "trồng người" của người cộng sản, thành phần này không thể ngóc đầu lên được.

Như vậy người Việt Nam đến Mỹ bằng nhiều phương cách khác nhau và có mặt trên đất Mỹ bởi những diện khác nhau. Nhưng họ có cùng một điểm giống nhau là muốn được sống trong một xã hội tự do, công bằng, không có phân biệt đối xử. Họ bỏ nước ra đi chỉ vì hai chữ tự do và muốn được hưởng những quyền mà một con người bình thường được hưởng

Đã 21 năm rồi. Thế giới đã thay đổi. Lịch sử đã giở sang trang mới. Nhưng đất nước của họ vẫn nghèo nàn và lạc hậu, người dân vẫn không được hưởng tự do. Cũng như những người Việt Nam khác đang sinh sống trên đất Mỹ, người Việt tại Vermont mong được nhìn thấy đất nước của họ thịnh vượng, dân chúng được sống trong tự do. Họ đang nỗ lực làm việc và thúc đẩy con em học hành nhằm tích lũy tiền bạc và đầu tư trí tuệ cho tương lai. Tất cả đều mong có ngày được trở về quê hương và góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Mấy ngày sau khi gửi bài viết kể trên đi, tôi nhận được thư của tòa báo (mục Diễn đàn Độc giả) cho biết họ sẵn sàng đăng bài của tôi với điều kiện rút ngắn lại.

Lá thư nói rõ lý do là những bài đăng ở mục này không được dài hơn 200 chữ.

Đọc xong lá thư tôi nghĩ nếu rút xuống còn 200 chữ thì còn nói lên được cái gì. Vả lại cũng đã quá ngày 30-4 nên tôi không làm theo yêu cầu của họ và cũng không để ý đến việc này nữa.

Đúng 4 năm sau, vào cuối tháng 4/2000 tôi nhận được một cú điện thoại từ tòa báo. Người gọi xưng tên là Leslie Koren thuộc ban biên tập của báo Burlington Free Press. Leslie Koren nói ông ta được chỉ định viết một bài nhân kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ông ta cũng nói với tôi là đã phỏng vấn ba người Mỹ và một người Việt Nam diện con lai. Ông ta ngỏ ý muốn có thêm tiếng nói của tôi và hỏi tôi có "OK" không. Tôi trả lời sẵn sàng giúp ông và chúng tôi hẹn ngày giờ gặp nhau.

Trong buổi gặp gỡ, bằng thái độ cởi mở và cử chỉ thân mật, Leslie đã gợi ý để tôi kể câu chuyện của tôi 25 năm về trước.

Trong gần hai tiếng đồng hồ, với khả năng nói tiếng Anh không được trôi chảy lắm, tôi đã kể cho ông ta nghe từ khi tôi gia nhập quân đội, vào trường sĩ quan Thủ Đức đến khi tôi ra làm việc tại đơn vị. Cấp bậc và chức vụ của tôi. Khi xảy ra biến cố 30-4 thì tôi đang ở đâu" Tâm trạng của tôi lúc đó như thế nào. Tôi đã bị đưa vào các trại tập trung nào" Đã trải qua những ngày tháng lao tù ra sao" Thất vọng rồi hy vọng, hy vọng rồi tuyệt vọng rồi lại hy vọng. Tâm trạng này đã đeo đuổi tôi trong những ngày tháng đen tối ấy.

Tôi kể cho Leslie nghe khi tôi từ giã vợ con để đi "cải tạo" thì đứa con gái của tôi được 10 tuổi. Ngày tôi trở về, đứa con gái của tôi đã không còn nhận ra được cha của nó. Những người trong xóm đã biết tôi từ trước thì tỏ ra "tội nghiệp" cho hoàn cảnh của tôi, còn những người thuộc chế độ mới thì luôn nhìn tôi dưới ánh mắt nghi ngờ, kỳ thị.

Tôi đã nói cho Leslie biết nhờ sự giúp đỡ của chiến hữu và họ hàng, tôi đã có tiền để lập thủ tục đi Mỹ. Tôi cũng đã nói với Leslie rằng tôi rất cám ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng cánh tay, cho gia đình tôi cơ hội bắt đầu lại một cuộc sống mới trên mảnh đất tự do này.

Cuối buổi nói chuyện, Leslie đặt cho tôi mấy câu hỏi:

Leslie Koren: "Lý do gì thúc đẩy ông viết bài gửi cho báo của chúng tôi cách đây 4 năm""

Tôi trả lời: "Tôi muốn người Mỹ hiểu được lý do nào khiến chúng tôi đến Mỹ. Tôi muốn nói lên một điều là không ai trong chúng tôi muốn rời bỏ quê hương. Chúng tôi đã phải làm như vậy chỉ vì không còn con đường lựa chọn nào khác."

Leslie Koren: "Sau 25 năm cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, ông nghĩ gì về cuộc chiến tranh đó""

Tôi trả lời: "Cuộc chiến tranh nào cũng đem đến tàn phá và hủy diệt. Nhưng có những cuộc chiến mà dù muốn ta cũng không thể tránh được, nghĩa là bắt buộc phải chấp nhận nó."

Leslie Koren: "Ông nghĩ thế nào về việc quân đội Mỹ có mặt tại Việt Nam trước đây""

Tôi trả lời: "Việc đó hợp tình hợp lý. Người cộng sản ở miền Bắc có Nga, Tàu tiếp tế vũ khí thì miền Nam cũng cần có đồng minh giúp đỡ. Nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, chúng tôi có thể giữ được mảnh đất tự do của miền Nam."

Leslie Koren: "Khi người Mỹ rút đi ông nghĩ sao""

Tôi trả lời: "Đó là điều bất hạnh cho chúng tôi. Vì quyết định rút quân của Mỹ đã làm cho cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía cộng sản. Rất nhiều người đã oán hận và nguyền rủa việc làm này. Tuy nhiên, nói cho cùng, tôi nghĩ cũng phải thấy được cái khó khăn của chính phủ Mỹ lúc đó. Trước áp lực nặng nề của dân chúng và quốc hội Mỹ, tôi nghĩ chính phủ Mỹ cũng khó có thể làm khác hơn được."

Leslie Koren: "Ông có ân hận vì đã tham gia vào cuộc chiến đã qua""

Tôi trả lời: "Tại sao lại ân hận" Chúng tôi đã làm đúng, làm điều cần phải làm. Tôi xin hỏi nếu như có một thế lực nào đó đến xâm chiếm lãnh thổ này với ý muốn đặt trên đó một chế độ độc tài và tước hết tự do của các cư dân ở đây thì ông có chống lại không"

Leslie Koren nhìn tôi, gật đầu. Và tôi nhấn mạnh:

"Chúng tôi chiến đấu vì tự do. Tự do là khát vọng của con người. Tôi tin rằng một ngày nào đó người dân đang sống trên đất nước chúng tôi phải được sống trong tự do. Mặc dầu chúng tôi đã thất bại trong cuộc chiến tranh này nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã nói cho thế giới biết rằng chúng tôi chiến đấu vì chúng tôi muốn được sống tự do."

Câu nói cuối cùng của tôi cũng là câu kết luận của Leslie Koren cho bài viết về câu chuyện ông đã nghe tôi kể. Câu chuyện này đã được đăng trên tờ Burlington Free Press đúng vào ngày kỷ niệm 25 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,348,235
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến