Hôm nay,  

Nhớ Về Trại Pendleton

11/01/200100:00:00(Xem: 196311)
Nhận được điện thư của Quang, một người bạn thân hiện ở Việt Nam báo cho Vinh biết Quang và hiền thê là Thanh Vân sẽ ăn mừng ngày kỷ niệm 25 năm chung sống vào đầu tháng 10 và họ hỏi Vinh có thể về chung vui với họ được không.

Cái email nầy làm Vinh không khỏi không nhớ đến một người bạn gái đầu tiên trên xứ người vào 25 năm về trước trong trại tỵ nạn Pendleton, cũng có tên là Thanh Vân.

Vinh rời Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư năm 1975 bằng phương tiện của Mỹ. Sau một đêm tá túc ở Subic Bay Phi Luật Tân, Vinh được đưa đến đảo Wake thay vì là đảo Guam trước khi nhập cư vào lãnh thổ Mỹ.

Đảo Wake là một căn cứ quân sự của Mỹ, khá rộng nên có xe buýt để người Việt di chuyển chung quanh đảo. Khí hậu trên đảo Wake lành lạnh thật mát mẻ.

Ba tuần lễ sống trên đó Vinh có cảm tưởng mình đang nghỉ mát ở trên Đà Lạt vậy. Ngoài ra còn có một điểm thích thú nữa là có sự hiện diện của ca sĩ Khánh Ly trên đảo Wake nầy ở những ngày đầu tỵ nạn.

Nhiều đêm văn nghệ dã chiến được ca sĩ Khánh Ly hát cho đồng bào nghe trong đêm tối không sân khấu không ánh đèn không dụng cụ âm thanh, chỉ có một cây đàn guitar. Khánh Ly hát say sưa không ngừng nghỉ đến khuya và đồng bào ngồi quanh quần bên nhau thưởng thức một cách say mê, quên hết cái hiện tại đen tối trước mắt.

Đêm cuối cùng ở trên đảo Wake ,Vinh và đứa em trai đón xe buýt đi nghe Khánh Ly hát, trên xe đầy chỗ ngồi nên Vinh phải đứng gần nơi cửa. Xe buýt vừa ngừng lại thì một cô gái hấp tấp bước lên xe, vô tình đạp lên chân Vinh. Rồi cả hai quen nhau lúc xuống xe, Vinh được biết tên nàng là Thanh Vân, nữ sinh đệ nhất trường Lê Văn Duyệt. Vinh nói với nàng:

- Sáng mai gia đình tôi phải rời đảo nầy rồi, rất tiếc quen với Vân trễ quá và biết bao giờ mới gặp lại nhau"

Vân có chút ngạc nhiên, nhìn chàng rồi đáp nhẹ:

- Dạ, chúng ta biết nhau quá trễ nhưng nếu có duyên với nhau thì sẽ gặp lại nhau

Hơn 25 năm về trước chính phủ Mỹ đã lập ra ba trại tạm cư để đón người Việt Nam bỏ nước ra đi sau khi miền Nam thất thủ. Một trại tạm cư Fort Chapphy ở tiểu bang Indiana, một trại tạm cư Arkanso ở tiểu bang Arkansas và một trại tạm cư Pendleton ở tiểu bang California. Gia đình Vinh được đưa đến trại Pendleton vào đêm tối cuối tháng 5 năm 1975.

Vinh không thể nhớ nhiệt độ là bao nhiêu vào cái đêm đầu bước vô lều vải của trại Pendleton, nhưng chàng vẫn còn nhớ cái cảm giác lạnh run bần bật, lạnh thấu thịt da đến không thể ngủ được. Chàng không thể nín cười khi nghe mấy thanh niên ở chung lều lải nhải mãi điệp khúc: "Ô, lạnh quá bác Hồ ơi, lạnh quá bác Hồ ơi".

Lạnh đến nỗi có một số gia đình đốt lửa ngay trong lều để sưởi ấm và lập tức bị lính MP trong trại đến dập tắt ngay.

Sau nầy mỗi người tỵ nạn được cấp cho mùng mền và áo lạnh nên không còn thấy lạnh nhiều vào những đêm khuya nữa. Nhưng trái lại vào buổi trưa thì trời nóng kinh khủng, nóng cháy thịt da, mọi sinh hoạt trong trại đều ngưng lại sau giờ ăn trưa, không ai muốn rời khỏi lều vào buổi trưa hết, thậm chí để trốn cái nóng bức có một số người không muốn sắp hàng đi ăn trưa nữa.

Camp Pendleton được chia làm tám trại để chứa người tỵ nạn. Gia đình Vinh được ở trại số 8 là trại lớn nhất và có nhiều người tỵ nạn nhất. Hằng ngày ai cũng đều thích ra bãi đậu xe buýt để trông ngóng trong chuyến xe chở người tỵ nạn mới đến có ai là bà con thân nhân hay bạn bè của mình không.

Trong trại số 8 có những trailer lo thủ tục nhập trại, làm thẻ ID- 94 cho người tỵ nạn, có trailer lo tìm người bảo trợ (sponsor), có trailer khám bệnh, phát thuốc, có trailer phát quần áo cũ v.. v.. Ngoài ra còn có những lều lo về thư tín, những lều dạy học Anh Văn, những lều tôn giáo, có vườn trẻ cho trẻ em, có sân chơi bóng rổ, bóng chuyền v..v.. được lập ra để phục dịch đồng bào tỵ nạn.

Quan trọng và cần thiết nhất cho mọi người là cái lều nhà bếp lo việc ăn uống, lều nầy do lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ phụ trách, không có một người tỵ nạn Việt Nam nào phụ giúp cả.

Những năm sau nầy sau khi xuất trại và làm quen với cuộc sống ở Mỹ, Vinh đã khách quan thấy rằng người Mỹ phục dịch cái bao tử cho người Việt tỵ nạn là toàn hảo và ngon lành nhất ở trại Pendleton. Mỗi người tỵ nạn ở đó được cấp cho ăn ba bữa, sáng trưa và chiều mỗi ngày giống như còn ở Việt Nam vậy.

Buổi sáng trong trại trời vẫn còn lạnh, đôi khi còn sương mù. Đồng bào đến lều nhà bếp lãnh phần ăn, có hai quả trứng luộc, hai lát bánh mì với mứt, hai cục sausages, có scrambled eggs nữa, có hộp sữa, có cà phê, có trà lipton nóng, tóm lại cái phần ăn buổi sáng mà người Mỹ cung cấp cho người tỵ nạn còn hơn một cái big breakfast ở Mc Donald's.

Vinh cũng khách quan nhận thấy rằng người Việt tỵ nạn mình mau chóng bắt chước người Mỹ trong việc xếp hàng get on the line, có thể đây là bài học đầu tiên người Việt mình nhập gia nghiêm túc và nhanh nhẩu nhất trên xứ người.

Hằng ngày mọi người tự động xếp hàng một, nối đuôi nhau trước lều nhà ăn vào ba buổi sáng trưa và chiều, không có cảnh chen lấn nhau để không tủi thẹn mà nghe nói 4000 năm "chen lấn" nữa.

Mọi người tự trọng, vui vẻ kẻ trước người sau tuần tự xếp hàng một nhận phần ăn của mình. Đôi khi có một vài thanh niên làm bộ đến xin mồi thuốc, hay có một vài bà giả vờ đến bắt chuyện với người quen rồi chen hàng luôn.

Có điều ngạc nhiên và buồn cười cho các quân nhân Mỹ là họ thấy ngày nào khẩu phần ăn trưa hay chiều là cá, thì nhà ăn vắng vẻ như chùa bà đanh, đồng bào không chờ đợi lâu khi xếp hàng, các lính Mỹ làm việc nhàn nhã nhiều và Vinh có cơ hội thực hành nói tiếng Mỹ với họ. Ngược lại ngày nào mà khẩu phần ăn là gà, thì đồng bào xếp hàng dài thật là dài bất kể trời nắng gay gắt và dưới cái nóng hừng hực.

Bọn Vinh cứ nằm trong lều phóng mắt ra nhà ăn mà thấy đồng bào ta xếp hàng thật dài, thì biết ngay khẩu phần ăn ngày hôm đó chắc chắn là gà.

Có thể nói sinh hoạt trong trại sinh động, ồn ào và vui vẻ hơn hết là giờ phút xếp hàng lãnh phần ăn. Vì tại đây mọi người có thể nhận diện nhau để xem có ai thân quen với mình không, hay để mọi người có thể bắt chuyện làm quen với nhau trong tình đồng hương vừa mới xa xứ.

Ngoài việc lo ba buổi ăn cho người tỵ nạn, chính quyền Mỹ còn lập ra các cơ quan thiện nguyện như USCC, Lutheran, Hyaat v..v.. để tìm người bảo trợ cho người tỵ nạn. Và người tỵ nạn được xuất trại cho tới khi có người bảo trợ, có thể là cá nhân hay gia đình hay nhà thờ hay cơ sở thương mại v..v.. Người bảo trợ cũng có thể là Việt kiều đã qua Mỹ trước năm 1975.

Vấn đề bảo trợ đã làm cho mọi người buâng khuâng và lo âu nhất, bởi vì mình không biết sẽ gặp người bảo trợ như thế nào, họ sẽ đối xử với mình ra sao, họ hiện ở đâu, ở tiểu bang ấm áp hay miền giá lạnh, họ hiện làm gì v..v.. Nhưng cũng có một số người có tính vô tư thì nghỉ rằng việc nhận người bảo trợ như sự may rủi, thân tỵ nạn 12 bến nước trăm nhờ đục chịu.

Vì có chút vốn liếng Anh Văn nên Vinh tình nguyện dạy tiếng Mỹ cho đồng bào trong trại. Lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, Vinh thấy mọi người rất cố gắng trong việc trao dồi tiếng Mỹ, ai cũng biết đó là vấn đề sinh tử, là chìa khóa thành công trên đất khách.

Lớp học tiếp tục đến tuần lễ thứ ba thì trên bảng gỗ Vinh bắt được một ánh mắt quen quen đăm đăm nhìn chàng một cách trìu mến, thiết tha. Vinh mừng rỡ mỉm cười, gật đầu nhẹ đáp lại ánh mắt đó, ra dấu cho nàng biết chàng đã nhận ra nàng là ai.

Làm sao Vinh quên được nàng, người con gái mỹ miều xinh đẹp mà chàng đã quen, rồi vội vã chia tay ở đảo Wake mới hồi tháng rồi. "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay chăng", Vinh còn nhớ người con gái tên Thanh Vân đã nói với chàng rằng nếu có duyên thì chúng ta sẽ được gặp lại nhau. Cái duyên kỳ ngộ cho chàng gặp lại nàng ngay trong lớp học Anh Văn mà chàng đang dạy!

Lớp học hết giờ, mọi người đều rời lều học, duy chỉ có một mình Thanh Vân ngồi lại, nàng gầm mặt xuống, mắc cỡ không dám nhìn Vinh. Ô hay, lạ thay cho con gái, lúc nãy nhìn chàng đăm đăm mờ bi chừ ngồi một mình với chàng thì không dám nhìn không dám nói lời nào!

Đến giờ Vinh vẫn còn nhớ dáng vẻ mắc cỡ và e thẹn của Thanh Vân lúc gặp lại chàng ở trại Pendleton. Nó đẹp làm sao, thánh thiện làm sao!

Rồi sau ngày tao ngộ với Vinh, Thanh Vân không đến lớp học Anh Văn nữa. Và Vinh cũng không còn dạy nữa, chàng trao lớp học lại cho người bạn vừa tới trại, có cử nhân ban Anh Văn ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Để hẹn hò với Thanh Vân.

Buổi trưa cả hai chờ nhau ở phòng ăn, buổi chiều cả hai đợi nhau ở lều tôn giáo và buổi tối cả hai ngồi bên nhau truyền hơi ấm cho nhau coi phim hoạt họa và tính chuyện tương lai.

Lúc ấy cái tương lai của người tỵ nạn năm 1975 thật là xa vời, tăm tối, không ai biết được sau khi xuất trại đời mình sẽ nổi trôi ra sao. Chính quyền Mỹ không hề cho người tỵ nạn biết về những chương trình trợ cấp Welfare, về Foodstamp, về những trợ cấp học bổng đại học v..v.. mà mỗi người tỵ nạn được thụ hưởng sau khi xuất trại. Từ đó phát sinh những mơ ước thật tầm thường và bé nhỏ của người tỵ nạn năm 75.

Vinh được nghe có người mơ ra ngoài đi vắt sữa bò, có người mơ đi hái cam, có người mơ đi cắt cỏ, có người mơ đi rửa chén ở nhà hàng v..v.. Ai cũng lo âu cái tương lai mờ mịt trước mắt, nên ai cũng muốn nương tựa vào nhau và cần có nhau trên đất khách quê người.

Một vài đám cưới tỵ nạn được tổ chức nhanh chóng và đơn sơ ở trong trại Pendleton. Nhiều người ghép hộ chung để xuất trại với nhau. Những người độc thân hay những gia đình ít người thì dễ có người bảo trợ để sớm được xuất trại, còn đông người như gia đình Vinh đến 11 người thì phải nằm chờ lâu hơn mới có được người bảo trợ.

Trong thời gian nằm đợi chờ có người bảo trợ, Vinh đã gặp nhiều khuôn mặt quen như các nhà văn, các nhà thơ, các nhà báo, các giáo sư đại học v..v..

Đáng nhớ nhất có lẽ là ngày làm lễ tiễn đưa giáo sư đại học Luật Khoa Nguyễn-Văn-Canh xuất trại. Trước ngày hôm đó Vinh và các bạn hữu đi tới từng lều quyên tiền để đi ra ngoài phố mua vật dụng, thức ăn làm buỗi lễ tiễn biệt thầy Canh.

Muốn đi ra ngoài trại Vinh và các bạn phải sáng sớm đi lên khai bệnh, rồi từ lều khai bệnh họ cấp giấy phép đi khám bệnh ở bệnh viện Hãi Quân ngoài trại bằng xe buýt.

Có một buỗi lễ nữa cũng làm Vinh nhớ đến, đó là Đại Lễ Vu Lan được tổ chức rất trang trọng vào tháng 9 ở trại Pendleton.

Ngày qua ngày sinh hoạt trong trại cứ đều tiếp diễn, mọi người kiên nhẫn đón chờ người đến bảo trợ, mỗi ngày tự động xếp hàng đi ăn ba bữa cũng thấy hết giờ. Và đêm nào trong trại Pendleton cũng chiếu phim cho người tỵ nạn giải trí, toàn là phim Cartoon hoạt họa trắng đen không hay ho gì. Nhưng với Vinh thì khác, màn đêm vừa phủ xuống là bắt đầu cho các đôi tình nhân như chàng và Thanh Vân tìm đến nhau, ngồi bên nhau trong đêm tối lạnh lẽo, cả hai truyền hơi ấm cho nhau, thì thầm âu yếm với nhau. Tình yêu đã đến với cả hai hồi nào không hay,

"Mây bay bay hồn ngây ngây

Ta yêu ai chừ có hay"

Sau hơn 4 tháng ở trại Pendleton, gia đình Vinh được cơ quan thiện nguyện Luthuran báo cho biết nhiều nhà thờ ở tiểu bang Minneasota nhận bảo trợ vào đầu tháng 10 năm 1975. Và gia đình Thanh Vân cũng được biết sẽ định cư ở tiểu bang Wyoming, nhưng chưa biết xuất trại vào ngày nào.

Đêm cuối cùng cả hai buồn bã ngồi bên nhau, nàng vùi đầu vào vai Vinh khóc ấm ức. Cuộc chia ly nào mà không nước mắt!

Đêm đã khuya, phim đã tắt, mọi người đã tan, chỉ còn lại chàng và nàng ngồi lại, cả hai không muốn rời nhau, không muốn xa nhau. Cuối cùng Vinh nắm chặt tay nàng, đưa nàng cái địa chỉ mà gia đình chàng sắp đến, rồi dặn dò nàng:

- Nhớ siêng viết thư cho anh, anh sẽ ráng tạo công danh lập sự nghiệp rồi sẽ đến tìm gặp em.

Nàng dựa đầu vào vai chàng, nghẹn ngào đáp:

-Anh cũng nhớ thường viết thư cho em và anh ráng đừng để mất liên lạc với nhau, nhe anh.

Thời gian mãi đều trôi và trôi nhanh hơn phi cơ phản lực. Mới ngày nào đặt chân đến trại Pendleton còn là một thanh niên đầy sức sống, mà nay đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, tóc Vinh đã đổi màu, hai con trai chàng sắp vào đại học và chàng chưa hề gặp lại Thanh Vân kể từ khi hai đứa chia tay nhau vào cuối tháng chín 25 năm về trước ở trại Pendleton.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại Vinh thấy tại lỗi ở chàng cả. Sau ngày xuất trại chàng đổi chỗ ở biết bao nhiêu lần, từ đại học nầy qua đại học khác, từ tiểu bang nầy qua tiểu bang nọ, từ chỗ trọ nầy qua chỗ trọ kia, bưu điện không đuổi theo kịp chàng nữa nói gì thư nàng! Không công danh thà nát với cỏ cây, Vinh miệt mài đèn sách, kiếm tìm job tốt, thư từ cho nàng thưa dần, thưa dần. Để rồi lạc thư nhau. Để rồi bặt tin nhau. Và mất nhau luôn.

Rồi 15 năm sau, vào cuối tháng tư năm 1990 Vinh có theo phái đoàn ở tại phố Bolsa về thăm lại Camp Pendleton. Trước là muốn nhìn lại nơi chốn cũ, là nơi đầu tiên như một mái nhà nhỏ bé từ khi Vinh rời bỏ quê hương, và là một nơi đã để lại trong lòng chàng bao kỷ niệm êm đềm khó quên. Sau là muốn trùng phùng với cố nhân hay những người thân quen với nàng.

Cảnh cũ đã đổi thay. Người xưa cũng không thấy đâu! Tất cả lều vải đã được tháo gỡ, không còn là một trại tỵ nạn nữa, để trở lại là một trại huấn luyện lính Thủy Quân Lục Chiến.

Vinh cũng như nhiều người Việt tỵ nạn năm 1975 đã thầm cảm tạ và biết ơn sâu xa chính quyền Mỹ, nhất là những quân nhân Thủy Quân Lục Chiến tại trại Pendleton đã lo chu đáo và đối xử nhân đạo với những người mới tới đất nước họ.

Hình ảnh Camp Pendleton không bao giờ phai mờ trong trí Vinh. Mà nhớ về trại Pendleton thì chàng không thể nào không nhớ đến Thanh Vân. Nhưng cố nhân thì đã bay cao, đã xa nhau kể từ ngày xuất trại.

Xa Pendleton là xa Thanh Vân. Chàng và nàng có duyên gặp gỡ, mà sao không có nợ gì nhau! Cuộc đời sao oái oăm, trong khi bạn Vinh ở Việt Nam sắp làm lễ ăn mừng ngày 25 năm cưới nhau với hiền thê cũng tên là Thanh Vân, thì ở đây Vinh ngậm ngùi tiếc nhớ về Thanh Vân ở Camp Pendleton 25 năm về trước.

Mây xanh vẫn mãi bay lơ lửng trên bầu trời Pendleton, mà nay Thanh Vân ở đâu"

"Mây vẫn bay hồn say say
Ta nhớ ai chừ có hay"

Whittier, ngày 27-9-2000
Quốc Thông

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến