Hôm nay,  

Công Dân Thế Giới

26/11/200200:00:00(Xem: 304024)
Người viết: Ông Thụy Như Ngọc

Bài tham dự số 55\VBST

Tiểu sử Như Ngọc được cô ghi vắn tắt: 22 tuổi, sinh viên cao học ngành Tâm Lý, Đại Học Cal State Fullerton. Qua bài viết, chỉ có thể hình dung: Vào năm sinh của cô, có thể 1978, bà mẹ đã tính vượt biên đường biển, nhưng việc không thành. Mãi 14 năm sau, có thể là 1992, cô mới rời Việt Nam bằng máy bay. Tám năm sau, chữ nghĩa Việt của Như Ngọc vẫn hoàn chỉnh hiếm có. Bài viết của cô đầy tính lý tưởng và mơ mộng về tuong lai một cộng đồng thế giới. Việt Báo mong được chính tác giả bổ túc thêm chuyện kể chi tiết đời sống để hoàn chỉnh bài viết.


Con tàu chòng chành theo đợt sóng, mùi nước biển mằn mặn, cái nắng âm ấm... Chuyện vượt biển của những người Việt đi tìm tự do, nước mắt cũng mằn mặn...

Ngồi trong khoang máy bay của hãng hàng không National chuyên phục vụ các đường bay từ thành phố cờ bạc hoa lệ Las Vegas đi Miami Beach, tiểu bang Florida, dự hội nghị của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, tôi chớp mắt. Ánh nắng ban mai uể oải rửa mặt bằng nước biển của xứ cọ Florida, bỗng để lộ qua khung cửa sổ máy bay những mảng màu xanh thẳm, vàng, và các đường kẻ xanh đậm màu lá cây. Tôi ngắm. Các mảng màu chuyển động, quyện vào nhau, và xoáy thành hình trôn ốc trong bức họa "Đêm Sao" của họa sĩ Hòa Lan Vincent van Gogh, mà tôi được dịp chiêm ngưỡng ở bảo tàng viện Nghệ Thuật Hiện Đại của thành phố New York. Tôi nhớ. Những bức tranh cũng thuộc trường phái biểu hiện của họa sĩ Việt Nam Anne Phong bộc lộ táo bạo sự ra đi đau đớn của những người vượt biển.

Suýt nữa, tôi đã được sanh ra giữa đại dương mênh mông trên con tàu chòng chành, nhưng chuyện không thành.

Hơn mười bốn năm sau, tôi đến Mỹ trên một chuyến bay của hàng không Pháp. Tôi nhớ biển, nhớ dai dẳng trong tiềm thức.

Đáp xuống phi trường quốc tế ở Miami, tôi đón xe về khách sạn. Anh tài xế người da đen thấy tôi là khách ở xa tới nên rảo một vòng qua các phố để tôi xem cảnh. Nước biển nhiều quá; phố xá lúc nhúc những người gốc Latin. Anh chỉ cho tôi thấy các cửa hàng mang bảng hiệu tiếng Tây Ban Nha và cho biết dân quanh vùng hầu hết là người tỵ nạn đến từ Cuba. Hành trang vượt biển không bị ướt duy nhất của họ có lẽ là ngôn ngữ. Họ giữ gìn khá cẩn thận và đem gửi vào dòng chính Hoa Kỳ, tạo nên một thành phố Miami song ngữ. Các bảng chỉ dẫn, các câu nói nhắc nhở an toàn từ phi trường về khách sạn dùng cả hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Mỹ. Tôi thấy mình lạc vào một thế giới khác...

Ngồi trong xe "shuttle" đi từ Los Angeles về phi trường John Wayne để "đoàn tụ" với người dì tôi chưa từng gặp mặt, tôi bị nuốt chửng bởi những con rắn xa lộ khổng lồ, ngoằn ngoèo quấn quanh những toà nhà chọc trời của thành phố Los Angeles.

Tuy sanh ra và lớn lên ở Sài thành, một nơi đông đúc không kém, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình nhỏ bé đến thế. Mọi thứ đều quá khổ, từ cái "hamburger" giả trên bia quảng cáo tiệm ăn McDonald cho đến tô xà lách trộn kiểu Thái trong một quán ăn "hippy" những năm 60 ở tỉnh Fullerton.

Cơn say xe nhè nhẹ cho tôi ảo giác như mình đang ngồi trên con tàu chòng chành, chòng chành...

Anh tài xế da đen nhấc hành lý của tôi để xuống đất, miệng nhoẻn một nụ cười, "Chúc cô may mắn". Tôi cảm ơn anh.

Tám năm về trước, viên tài xế đứng tuổi da trắng cũng chúc gia đình tôi may mắn khi giúp ba tôi dỡ mấy thùng hành lý xuống vệ đường. Và mỗi người tài xế sau ông đều nói câu tương tự khi tôi xuống xe ở thủ phủ Washington (District of Columbia), Baltimore (Maryland), Albuquerque (New Mexico), New York (New York), Boston (Massachusetts), hay Portland (Oregon). Tôi công nhận mình có số may mắn nên mới được nghe những lời chúc như vậy đến từ những người tài xế mang nhiều sắc da khác nhau. Tôi thấy mình may mắn được bơi giữa biển người đủ cỡ, đủ kiểu, đủ màu, được ngụp lặn trong dòng xoáy của liên mạng tin học, được chìm nghỉm giữa hai hàng kệ sách trong thư viện nhà trường.

Mỗi lần đến một tiểu bang khác ở Hoa Kỳ, ngoài chuyện trao đổi kiến thức chuyên ngành tại các hội nghị, tôi thích dạo quanh các khu phố, ngồi ăn ở những nơi dân địa phương thường lui tới, ngắm nhìn những kiểu kiến trúc đa văn hóa, và nghe những khác biệt trong cách phát âm của người dân địa phương. Những lần đó, cảm giác tự do ùa vào tai, mắt, mũi, tứ chi, và toàn thân thể như cơn gió biển mằn mặn thấm vào từng thớ gỗ của con tàu chòng chành. Được tôi luyện bởi chất muối của biển, con tàu càng dạn dĩ, thoải mái vùng vẫy trên mặt đại dương.

Tự do là thế đấy, là được đụng chạm, được tiếp xúc, được học hỏi những điều khác nhau từ mọi phương hướng và quan điểm.

Tự do là chất liệu kiến tạo những công dân thế giới để sống trong một cộng đồng thế giới của một tương lai gần, một cộng đồng lớn không bị phân chia bởi những biên tế chính trị vô hình. Những công dân ấy sẽ có bổn phận góp vào cộng đồng thế giới các tinh túy văn hóa từ cội nguồn của họ. Họ sẽ bảo vệ lẫn nhau mà không cần vũ khí hay chiến lược vì họ yêu quý sự phong phú, đa dạng của chính họ. Tầm nhìn của họ không còn bị khuất sau những hàng rào chủ thuyết.

Những hệ thống tổ chức riêng rẽ sẽ không còn cần thiết. Sẽ không có trường học để đào tạo hay huấn luyện những công dân thế giới vì họ học hỏi lẫn nhau. Dù muốn dù không, trí não của họ sẽ được kích thích tăng trưởng bởi môi trường thông tin giàu có xung quanh. Tâm thần họ thoải mái vì họ không còn hận thù, ganh ghét nhau khi công nhận sự khác biệt và tầm quan trọng của nhau trong quan hệ bình đẳng đầy tình thương...

Bài giảng "Trân quý sự hòa hợp bằng tính đa dạng" (Cherishing harmony with diversity) của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 văng vẳng bên tai tôi. Ngồi trong thính đường của Đại Học Cal State Fullerton, nghe những lời của Ngài, tôi chao đảo bởi cảm giác tự do bất ngờ như con tàu chòng chành trên biển.

Ở Hoa Kỳ, tôi được tự do để hiểu cảm giác tự do. Hoa Kỳ là nơi tôi thực tập và chuẩn bị đón nhận bổn phận của một công dân thế giới. Tôi nói chuyện hằng ngày với những sinh viên đến từ các nước trên thế giới, những sinh viên di dân, và những sinh viên bản xứ. Tôi học hỏi ở những vị thầy cô da đen, da trắng, da vàng, da đỏ.

Thông tin cập nhật qua các mạng và sách báo tràn ngập trong thư viện khuyến khích việc nghiên cứu của tôi không chỉ trong ngành tâm lý mà còn khơi dậy sự tò mò để tôi tìm hiểu thêm các ngành học khác trong nhóm xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên.

Một mặt trong cuộc sống của tôi gắn liền với thời đại khoa học kỹ thuật, một mặt khác tận hưởng những hỷ lạc trao tặng bởi thiên nhiên.

Trong tuần tôi làm nghiên cứu qua hệ thống liên mạng, tận dụng những phương pháp thu thập thông tin nhanh nhất và những nhu liệu dùng trong việc thống kê.

Cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, tôi trở về lắng đọng bên dải cát vàng, ngắm nhìn những con tàu chòng chành, ước dại là mình được chào đời giữa đại dương bao la...

Nhưng tôi không tiếc.

Sớm muộn gì thế giới sẽ trở thành cộng đồng lớn chuyên chở những xã hội dân sự thay vì các quốc gia. Và tôi sẽ may mắn được tái sanh làm một người công dân thế giới.

Ngày 30 tháng Sáu năm 2000

Ông Thụy Như Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến