Hôm nay,  

Vùng Đất Hứa

20/11/200200:00:00(Xem: 208642)
Người viết: Thảo Hương

Bài tham dự số 47\VBST

Thảo Hương, 52 tuổi, Software Engineer, hiện làm cho một ngân hàng Mỹ tại Virginia.


"Máy bay đang hạ cánh xuống phi trường San Francisco. Xin quý vị cột dây an toàn cho đến khi đèn báo hiệu chấm dứt. Thời tiết bên ngoài quang đãng, 70 độ F. Chào tạm biệt và hẹn gặp quý vị trong những chuyến bay tới..."

Tiếng cô chiêu đãi viên như lảnh lót vào tai tôi những âm thanh tuyệt diệu. Tôi đang ở trên đất Mỹ: một sự thật tôi đã mong đợi từ bao nhiêu năm.

Trước ngày mất nước, tôi không bao giờ chấp nhận đi ngoại quốc. Tôi yêu mảnh đất của tôi, không gian, bè bạn, xóm giềng. Tôi muốn mình là một phần tử của đất nước, tôi muốn chia sẻ hết những ngọt bùi, cay đắng đang hiện diện trên quê hương tôi.

Nhưng rồi, ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã ập đến như một trận cuồng phong. Cuộc sống của tôi đã đảo lộn đến kinh hoàng. Hàng ngày, đối diện với những cơ quan chính quyền hoàn toàn xa lạ, tôi không còn cảm giác đang sống trên đất nước của tôi nữa.

Tôi đã mất hết những tự do cần thiết và căn bản. Tôi không còn được nghe đến rợn người. Tôi đã mất hết những tự do cần thiết và căn bản. Tôi không còn được nghe những bản nhạc tôi thích, những tạp chí tôi ưa chuộng. Thay thế vào đó, tờ báo nào cũng là báo của nhà nước. Hàng xóm có án mạng tôi cũng không hay biết gì, vì báo của nhà nước không hề đăng những tin cá nhân, xã hội. Báo nào cũng chỉ đầy rẫy những tin sản xuất tăng gia.

Tôi mất hoàn toàn liên hệ với thế giới tự do. Báo chí, truyền thanh, truyền hình không có mục nào nói đến những quốc gia tôi vẫn lưu tâm, có chăng chỉ những nước Cộng Sản anh em đang sản xuất ra sao, coi như đã chết. Thể xác tôi chỉ tiếp tục ăn, ngủ để sống còn. Tôi quyết đinh: phải vượt biên. Chẳng thà chết trên biển còn hơn tiếp tục cuộc sống ngục tù này.

May mắn cho tôi, sau bao lần bị bắt, bị gạt, cuối cùng tôi đã đặt chân đến trại tỵ nạn Thái Lan và được chấp nhận cho đi Mỹ, thời điểm năm 1980.

Từ trên máy bay nhìn xuống, nước Mỹ thật là tuyệt vời, đồ sộ và ngăn nắp. Những căn nhà trong những ô vuông, bao bọc bởi những vạch thẳng. Tôi thật là thán phục sực sắp đặt nhà cửa, đường xá, xe cộ của họ. Nhìn những chiếc xe hơi đậu ngay ngắn trong những bãi đậu, sự giàu sang của nước Mỹ như bừng lên. Tôi hài lòng với quyết định vượt biên của mình, và hình dung đâu đó hình ảnh của chính mình đang lái xe hơi chạy trên những con đường rộng mở, sạch và đẹp của nước Mỹ, mặc dù tôi cũng chưa hiểu bằng cách nào tôi sẽ hội nhập vào xã hội ấy, bằng cách nào tôi cũng sẽ có xe hơi, nhà lầu như họ.

Gia đình ông anh ra đón tôi tại phi trường, ai cũng mặc complet trông thật là sang trọng. Trên đường về nhà ông anh, đèn của những hàng xe đối diện đằng trước như đang kết hoa đăng, trông như hội rước đèn. Tôi không ngớt tấm tắc:

"Thật là vĩ đại"

Ông anh tôi cười:

"Trông như vậy nhưng khi em quen đi thì cũng dễ hội nhập như ở bên nhà. Riết rồi quen, anh thấy cũng giống như mình đang sống ở Saigon thôi".

Tôi nghe vậy nhưng không tin như vậy chút nào. Nước Mỹ lộng lẫy và sang trọng quá, khác hẳn nước Việt Nam nghèo nàn của tôi. Một nỗi buồn chợt len lõi dâng lên trong tôi cho thân phận nhược tiểu của mình, ở một xã hội được coi như cường quốc của thế giới. Tôi lo ngại hỏi ông anh:

"Ở bên đây có gạo không anh""

Ông anh tôi cười:

"Em muốn ăn cái gì mà chẳng có. Cả nước mắm, mắm nêm cũng có chứ đừng nói đến gạo".

Tôi reo lên:

"Ồ vậy thì đỡ quá. Em cứ tưởng ở bên đây không có gạo nên mấy ngày ở trại, em ăn cơm quá chừng để qua đây khỏi thèm".

Những ngày sau đó, tôi ăn uống thật là thoải mái. Những lúc đi chợ, ông anh cứ giục tôi:

"Muốn ăn gì cứ mua đi, đồ ăn ở bên đây rẻ lắm, em đừng lo."

Đúng là Coke thì uống 2 lít, trứng thì ăn cả dozen, thịt thà chẳng ai buồn để ý, y như người bạn tôi đi trước đã gửi thư về. Tuy nhiên có một điều tôi thèm thuồng mà không dám tận hưởng, đó là nghe nhạc. Tôi đã thiếu món ăn tinh thần đó từ bao nhiêu năm qua, bây giờ, bến bờ tự do tôi đã đến, tôi có thể nghe bất cứ bản nhạc nào tôi yêu thích, nhưng chưa một lần tôi dám mở cái cassette ông anh cho. Bởi vì, tôi biết chắc, tôi sẽ khóc cho nỗi buồn xa xứ của tôi. Và như vậy, tôi sẽ không còn đủ nhiệt huyết để vươn lên trong một xã hội hoàn toàn xa lạ và tân tiến này.

Rồi ông anh tôi đưa tôi đến County xin việc làm. Đã từng làm việc với người Mỹ ở Việt Nam nên tôi nói năng thông thạo, thi viết cũng đậu ngay. Tôi được mướn với chức vụ thư ký của phòng kế hoạch Cộng Đồng. Con trai lớn của ông anh tôi, mặc dù là cháu nhưng tuổi thì xấp xỉ như tôi, khuyên tôi rằng:

"Nếu Cô đi làm ngay thì cũng tốt, nhưng tại sao Cô không đi học lại, sẽ khá hơn nhiều."

Phân vân, tôi tự làm một bài toán cho mình. Thời điểm đó, kinh tế Mỹ đang xuống, công việc rất là khó khăn. Nếu tôi đi học, ra trường mà không xin được việc thì cùng lắm, tôi cũng sẽ làm thư ký như ngày hôm nay. Nhưng nếu tôi xin được việc thì tôi sẽ khá hơn nhiều như đứa cháu đã nói. Vì vậy, tôi quyết định đi học lại, coi như đánh một ván bài.

Thời gian trôi qua, sau bao nhiêu lo âu, chật vật, cuối cùng, tôi cũng đã ra trường và may mắn có việc làm ngay. Nước Mỹ rõ ràng ưu đãi tôi. Thời gian tìm việc làm, mỗi lần điền đơn, câu hỏi gần như căn bản trong những đơn xin việc là: Bạn sẽ làm gì sau 5 năm sắp tới " Tôi luôn luôn hãnh diện trả lời: Tôi sẽ làm Giám Đốc quản trị. Những năm đầu tiên, tôi như con chim non, tung tăng với những ước vọng bình thường của người Mỹ chính gốc. Tôi không hề nhận ra một sự kỳ thị chủng tộc nào. Tất cả mọi người trong sở đều rất là tử tế, lịch thiệp với tôi. Tôi hầu như quên hẳn thân phận nhược tiểu của mình. Tôi hội nhập thật là dễ dàng với đời sống Mỹ trong mọi môi trường. Tôi đi ăn trưa thường xuyên với các bạn Mỹ đồng nghiệp. Tôi dự các buổi tiệc của hãng, của các bạn trong sở, không bỏ qua một dịp nào. Thời gian đầu, tôi rất vui và không thấy có gì khác biệt cả. Nếu có người Việt nào nói dân Mỹ kỳ thị chủng tộc là tôi cãi đến cùng. Tuy nhiên, một hôm, một cô bạn Mỹ đen lại nói với tôi:

"Tụi Mỹ trắng kỳ thị lắm, thứ nhất là dân da màu, thứ hai là đàn bà."

Lúc đó, tôi vẫn không tin và thầm nghĩ chính cô ta kỳ thị Mỹ trắng thì có, vì ngoài sở ra, ở đâu có Mỹ trắng là cô ta không muốn tới. Nhưng dần dà, tôi bắt đầu để ý. Tôi thấy những người tôi gần gũi nhiều, vẫn tiếp tục nói những chuyện vu vơ, thời tiết với tôi.. Không bao giờ nghe họ tâm sự một điều gì. Thỉnh thoảng, tôi tâm sự với họ thì họ nghe và xuýt xoa, trầm trồ theo câu chuyện nhưng thái độ lại có vẻ như không muốn tìm hiểu thêm những chuyện coi như là riêng tư của tôi. Có lần, tôi nghe một người bạn cằn nhằn:

"Cái con đó, nó cứ nói mãi những chuyện lẩm cẩm ở nhà cửa nó cho tao nghe, làm như tao là cái thùng rác của nó vậy, cứ trút vào người tao những chuyện bực mình".

Tôi vỡ lẽ. À, thì ra hai "tư tưởng lớn" không gặp nhau mất rồi. Người Việt mình, nếu có ai tâm sự, mình sẽ hãnh diện vì được tin cậy, mình sẽ hết lòng khuyên lơn, tìm hiểu, vỗ về người đối diện. Còn người Mỹ thì ngược lại, họ chỉ muốn nghe chuyện vui, không thích chuyện buồn. Từ đó, tôi bắt đầu cẩn thận, không nói chuyện bừa bãi nữa. Không biết tại mặc cảm hay tại sự thật như vậy, Mỹ trong sở. Có một lần, tôi đi uốn tóc về, hôm đó, tôi biết chắc là tóc tôi xấu, không hạp với khuôn mặt tôi chút nào. Một cô bạn đồng nghiệp đi ngang qua, khen tôi tới tấp:

"Ồ, tóc mày đẹp quá, tao thích lắm".

Tôi nghi ngờ:

"Tóc tao đẹp thiệt không" Tao tưởng nó đâu có đẹp".

Cô bạn nhìn tôi:

"Vậy chứ mày muốn tao nói như thế nào"".

Tôi đành cười xòa:

"À, mày nói đúng".

Cô ta đã nói đúng phép lịch sự chứ không đúng phép một người bạn. Thì ra thế. Người Mỹ luôn luôn lấy lễ phép và lịch sự làm hàng đầu. Những lời khen của họ không chắc là sự thật. Từ đó, tự cảnh tỉnh nhiều hơn trong cung cách tiếp xúc với họ. Càng chú tâm, tôi càng thấy mình lạc lõng giữa những phong tục tập quán khác biệt hoàn toàn. Tôi bắt đầu mất hứng thú gần gũi họ. Tôi bớt đi ăn trưa, bớt đi dự tiệc và bớt luôn cả giấc mơ làm Trưởng Phòng. Làm sao tôi có thể chỉ huy những con người khác biệt với tôi như thế. Tôi sẽ nhức đầu lắm vì phải làm họ hài lòng. "Không, tôi sẽ không đi vào quản trị, tôi sẽ tiếp tục làm kỷ thuật mà thôi". Đó là câu trã lời của tôi trong những dịp cứu xét lên lương từ đó trở về sau. Dù có được thăng thưởng cho làm quản trị, tôi cũng sẽ từ chối. Tôi đã nhận chân được đâu là chỗ đứng của tôi trong xã hội Mỹ.

Cố gắng cách nào đi nữa, tôi cũng không nghĩ tôi có thể san bằng những khác biệt trong nhân sinh quan của một người Việt Nam thuần túy như tôi, và những người bạn Mỹ khác đang sống kề cần bên tôi. Kể cả trong gia đình, người Mỹ luôn luôn khuyến khích, gần như bắt buộc, con cái, người thân tự phát triển từ tinh thần đến vật chất. Không ai nương dựa vào ai, nếu đã trưởng thành. Trong khi đó, tư tưởng bao bọc gia đình như một lý tưởng của những người Việt như tôi, khó mà thay đổi được.

Bản chất cả nể, chịu đựng, tha thứ của người Việt như là một đối chọi với bản chất thẳng thắn, không nhẫn nhục, không bao che của người Mỹ. Tôi thường hay đọc những mẫu chuyện gỡ rối tơ lòng trên báo Mỹ để tìm hiểu họ cư xử ra sao với những rắc rối trong cuộc đời. Rất nhiều lần, tôi phải giật mình vì những câu khuyên quá thẳng thừng. Tuy nhiên, sau đó, tôi ghiền ngẫm lại thì mới thấy có lẽ đó mới là cách để chấm dứt những hệ lụy cuộc đời. Nếu cứ giải quyết theo kiểu Việt Nam, nhiều tình cảm, thiếu dứt khoát thì không chừng những người trong cuộc sẽ phải khổ suốt đời vì chịu đựng.

Một anh bạn Mỹ trong sở than không có bạn gái vì các cô bây giờ hiện đại quá. Tôi đề nghị:

"Sao anh không thử chọn một cô Á Đông"".

Anh ta lắc đầu:

"Có, tôi đã thử rồi, nhưng các cô Á Đông có vẻ thụ động, không độc lập chút nào. Mỗi lần đi chơi, các câu trả lời bao giờ cũng là: đi đâu cũng được, ăn gì cũng được.. Tôi thích người có sáng kiến hơn".

Ô, vậy mà theo tôi, tánh tình nhu mì, không đòi hỏi của người Á Đông là nhất. Tôi có hai thằng con vào tuổi Đại Học. Thằng lớn, Lym, rất là Việt Nam, từ đời sống gia đình đến Xã hội. Bạn của nó toàn là người Việt.

Thằng em, Lam, không có một người bạn Việt Nam nào, nó có vẻ Mỹ hóa. Tôi thường phải tranh luận tư tưởng với nó mỗi lần nói chuyện. Quan niệm của nó không khác gì mấy những người bạn Mỹ của tôi. Mỗi lần tôi dặn dò nó đừng chơi với bạn Mỹ đen, là nó lại nhì nhằng:

"Tại sao vậy mẹ" Tại sao mình không muốn người Mỹ trắng kỳ thị mình, mà mình lại kỳ thị người Mỹ đen. Vậy mình có gì khác hơn họ"".

Một hôm, trong lúc dọn dẹp phòng của Lam, tình cờ tôi được đọc một trang nhật ký nó viết trong cuốn sách bỏ dở:

"...nhìn bạn bè của anh Lym, họ có vẻ vui nhộn và hòa hợp quá, mình cảm thấy thèm thuồng làm sao. Thật là buồn. Bằng cách nào mình mới được như vậy"".

Tim tôi se lại. Thì ra con tôi nó cũng bị giằng co trong đời sống tinh thần, không phải hoàn toàn vô tư như tôi tưởng. Những hành động Mỹ hóa của nó chỉ là để che đậy trước mắt tội một nội tâm đang dằn vặt nó. Mùa hè năm đó, nó vào Đại Học, tôi dò dẫm:

"Lam à, con thích có bạn Việt Nam không" Hay là để mẹ yêu cầu nhà trường cho con vào chung phòng với một bạn Việt Nam nhé"".

Lam ngập ngừng:

"Dạ, cũng được Mẹ".

Đầu niên khóa, Lam dọn vào trong cư xá Đai Học với một sinh viên Việt Nam. Tôi hài lòng về sự sắp đặt của mình, hy vọng nó sẽ thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày với một người cùng chũng tộc. Ba tháng sau, Lam gọi điện thoại về:

"Mẹ ơi, con đổi phòng rồi mẹ".

Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng:

"Sao vậy con"".

"Người bạn Việt đó cứ đưa bạn về nói chuyện, làm ồn cả đêm, không e ngại gì con cả, làm con không ngủ được".

"Có sao đâu con, thì con đề nghị họ nói chuyện nhỏ một chút".

"Mẹ à, họ còn dùng những vật dụng cá nhân của con mà không hỏi gì con trước. Mẹ bảo con phải làm sao""

Thế là hết. Tôi không còn cách thuyết phục nó gần gũi bạn Việt Nam như ước mong thầm kín của nó. Tội nghiệp cho con tôi. Nó thầm nhuần tập quán của người Mỹ nhưng sâu trong tâm hồn, nó vẫn biết nó là người Việt Nam, mặc dù không thể nào trở về với tập quán Việt Nam. Dù sao, Lam và thế hệ của nó có thể tiến thân nhiều hơn tôi và thế hệ của tôi trong xã hội Mỹ này.. Nội tâm vẫn là điều khó tránh được . Hy vọng thế hệ sau nữa, đời cháu của tôi, sẽ không có những dằn vặt vì mâu thuẫn trong phong tục tập quán như tôi.

Mặc thế nào đi nữa, địa vị của tôi ngày hôm nay trong xã hội Mỹ cũng phần nào đạt được do sự công bằng của người Mỹ, cộng với sự cố gắng của tôi. Dĩ nhiên, bề mặt nào cũng có bề trái. Người Mỹ hay người Việt, đều có những ưu khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, những trở ngại nhỏ tôi gặp trong đời sống hàng ngày không thay đổi quan niệm của tôi về nước Mỹ: "Đây là một vùng đất hứa. Tất cả ước vọng đều có thể thực hiện, nếu có ý chí và quyết tâm".

Trong những dịp nghĩ phép, tôi cũng đã du lịch các nước Âu Châu, Á Châu tự do với gia đình. Mỗi nơi có một vẻ riêng, nhưng có lẽ không ở đâu tiện nghi, và tốt đẹp như ở Mỹ. Một người hình như sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ những điều cần thiết cho nhau trên đường phố. Chợ búa tha hồ lựa chọn. Mua xong trả lại không cần lý do.

Mỗi lần đi ngoại quốc về, khi phi cơ hạ cánh xuống phi trường nước Mỹ, cảm giác vui sướng của 20 năm về trước, khi chiếc phi cơ đầu tiên chở tôi đến nước Mỹ, lại trở về. Vật chất: không ở đâu sung sướng hơn ở nước Mỹ, mọi tiện nghi trong tầm tay.

THẢO HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,261,291
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2003. Sau nhiều năm ngưng viết, tháng Năm 2017, Iris tái ngộ bạn đọc Việt Báo với "Chuyện Góc Bếp," tự sự của một bà mẹ độc thân nuôi con trên đất Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa. Bài viết mới của ông có lời ghi “Xin cám ơn Ba vì câu chuyện đã kể, là nội dung chính cho bài viết này!”
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả từng nhận các giải bán kết từ năm đầu tiên 2001, và từ 8 năm qua, là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một hạm trưởng hải quân VNCH,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu là Fathers Day 2017. Mời đọc bài viết cho ngày này của Đoàn Thị. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010.
Chủ nhật 18 tháng 6 là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Năng Khiếu: đứa con được sinh ra tại khu kinh tế mới Sông Ray, tỉnh Long Khánh, trở thành một nữ dược sĩ tại Mỹ kể về người cha H.O.
Chủ Nhật 18 tháng Sáu sẽ là Fathers Day 2017, mời đọc bài mới của Trương Ngọc Bảo Xuân. Tác giả hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC)
Tác giả đa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù
Chủ Nhật 18-6 tới đây là Fathers Day 2017. Xin mời đọc bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Cũng “Ngày Lễ Cha” hai năm trước đây, tác giả đã có bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên kể về Ba.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến