Bài tham dự số 42\VBST
Năm sanh: 1951. Trước 1975: sinh viên Luật Khoa; Thiếu Uý. Sang Mỹ năm 1980, vượt biên.Nghề nghiệp hiện tại: chuyên viên điện toán. Cư trú: Hạ Uy Di.
Một hôm lúc đang lái xe, tôi bỗng khám phá ra là mình đóng một vai trò khá quan yếu trong "cụm Việt kiều" chưa đến 10 ngàn người ở đây: tôi là cái gạch nối, cái cầu nổi dã chiến giữa hai nền văn hoá: văn hoá làng thôn Việt Nam và văn hoá Internet Mỹ Quốc.
Khởi đầu từ nhiều năm trước, bà Kiều gọi điện thoại cho biết gia đình bà có cái máy computer bị hư, muốn tôi sửa, và thằng Tiến con trai 10 tuổi của bà muốn gắn in-tờ-nét để thư từ với chị nó ở xa.
Năm nay gia đình bà Kiều rất vui và hãnh diện vì chị hai của Tiến học hành giỏi giang. Chị vừa tốt nghiệp Trung Học hạng danh dự mấy tháng trước, và đã đi nhập học trường lớn xa tuốt bên Washington DC. Chị đi để lại cho Tiến cái máy computer.
Cái máy IBM PS/2 đời đầu tiên bị hư cái key board và không in được. Tôi giải quyết hai bệnh đó xong, tính tiền, và nói với bà Kiều rằng máy chạy internet không nổi. Hơn nữa tôi mạn phép bàn rằng việc cu Tiến cần gắn internet để liên lạc với chị hai nó bằng i meo (e-mail, điện thư) tính ra quá tốn kém và không hợp lý.
Phí tổn sơ khởi để dùng intenet khoảng năm 1994 là trên dưới 30 USD mỗi tháng, trong khi mỗi con tem chỉ có 28 xu. Đến lúc muốn thôi không dùng internet nữa thì các công ty internet services chơi xấu, ngâm cho ba, bốn tháng mới cắt, và người dùng cứ phải è cổ trả tiền cho các tháng ấy.
Đó là cu Tiến mới học đến lớp 5. Đối với các phụ huynh có con học lớp 8 trở lên, việc đem tiền dành dụm chắt chiu ra cắn răng mua cho con cái computer hết trên 2,000 đô la "cho nó học" có thể nói là một việc đầu tư chẳng đặng đừng. Tuy vậy, tôi cũng nhất mực bàn ra chứ không muốn kiếm tiền trong việc nối internet, set up, rồi dạy các em cách dùng internet và điện thư.
Đợi lúc không có các em ở gần bên, tôi kiên nhẫn giải thích với cha mẹ các em rằng internet cũng có cái hại của nó.
Lúc đầu các em háo hức dùng internet để lấy các kiến thức và dữ kiện cần thiết cho bài vở, nhưng chỉ ít ngày sau là "đi" khắp nơi, rồi cuối cùng chui vào "chat room" bút đàm những chuyện vớ vẩn với người lạ ở tuốt đâu đâu, và đó là không kể việc các em có thể lén vào các nơi cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Các em ngồi ì vào máy suốt 4, 5 giờ đồng hồ mỗi đêm, và những lúc đó gia đình không ai dùng điện thoại được. Rồi các em bị cha mẹ than phiền hoặc bị mắng nhẹ. Kế tiếp là các em chờ đến gần nửa đêm khi không còn ai cần dùng điện thoại, các em mới "lên net", ngồi cho đến 3, 4 giờ sáng. Thế là hôm đó các em trễ học, rồi ngáp lên ngáp xuống trong lớp.
Sau khi nghe tôi giải thích như vậy, hầu hết các phụ huynh đều đồng ý với mối quan tâm không vụ lợi này của tôi, và không vội nối internet.
Chuyện dài Web page
Những web pages của cá nhân và gia đình chính là lãnh vực cho tôi thấy được thêm ít nhiều sự hội nhập xã hội Mỹ của một số đồng hương và thế hệ con cháu.
Có gia đình nọ trưng một bức ảnh của cả nhà. Ai nấy mặt mày sáng rỡ, áo quần bảnh bao, trông rất lịch sự và văn minh. Đây là ông bố, đây là bà mẹ, từ hai đấng sinh thành này mà đời có được các kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, v.v. xắp hàng hai bên song thân đây. Tôi cũng cảm thấy vui vui và vinh dự lây. Phần phụ đề Việt ngữ ngay phía dưới đại để như sau: Đây là thằng Hăng Rư, nó ra trường năm đó, đang làm cho hãng lớn đó, lương cao lắm, "big bucks". Còn đây là thằng Hăng Rô, và em nó là Hăng Rết, hai đứa cũng đang làm cho hãng lớn nọ, lương cao hơn lương của anh hai nó lận, "big bucks". Đây là con Jen Nét, nó đang làm cho nhà băng lớn hạng nhì của Mỹ Quốc, "big bucks"... (Gần cả lố "big bucks" như thế.) Cuối cùng là thằng út. Thằng út còn đang học, và nó còn thiếu tôi mấy trăm đô la nó mượn để tổ chức sinh nhật đãi bạn bè hồi tháng trước.
Chưa hết, ở cuối trang còn có một câu rằng: "If you want to be a member of our family or have comments, e-mail us!"
Cứ theo gia phả nhà này, nếu độc giả nào ở không, huởn, muốn "nhập gia" với họ thì điều kiện tiên quyết là phải có "bick bucks". Cầm lòng chẳng đậu, tôi click vào cái địa chỉ nằm rõ ràng trên đó và gởi đi một thư.
Thư rằng: "Bick bucks! Big bucks! All you guys care about is 'big bucks' """""
Chỉ vài giờ đồng hồ sau, tôi nhận được hồi âm:
"Huh" Who are you" And what does this message mean"""""
Cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn còn gặp những web pages Việt Ngữ trưng bày quá nhiều hình ảnh và hoạ ảnh lên trang nhất, khiến độc giả phải nghệt mặt ra chờ mãi cho chúng hiện lên.
Đến khi tất cả đã hiện lên đầy đủ thì, ôi thôi, có khi là cả một bầu trăng sao vũ trụ chớp nháy xanh đỏ vàng tím khiến tôi thất vọng muốn phát khóc được. Có khi là một tấm ảnh núi sông, cây cỏ to tướng, choán hết cả màn ảnh "đại vĩ tuyến", có khi là một tấm hình vớ vẩn kèm theo hàng chữ sai văn phạm: "We sorry for the inconvenience".
Đọc dòng chữ ấy tôi vừa buồn vừa tức cười, ngậm ngùi nhớ lại những ngày tháng sống mỏi mòn, lây lất ở trại tị nạn Cherating, Mã Lai.
Số là có một chị lén chun rào ra chợ mua hàng về trại bán lại kiếm lời, bị lính canh bắt gặp. Chị chạy loanh quanh trong cái nhà tôn lớn, còn thằng Mã Lai thì ra vẻ hùng hổ rượt, tay cầm cái gậy giơ lên cao. Chị vừa chạy vòng quanh vừa la, "I sorry! I sorry! I sorry you! I sorry you!" Thằng Mã Lai vừa nhá nhá cái gậy vừa rán nín cười, nhăn hàm răng trắng nhởn: "Sorry what" Sorry what""
Đau lòng con quốc quốc hơn hết là khi trang nhất của một đảng chính trị nọ hiện lên. Giữa hai lá cờ vàng ba sọc phất phới tung bay là một câu nói tôn vinh tự do "Give me liberty or give me death" của ông Mẽo Henry Patrick.
Than ôi! Bốn ngàn năm văn hiến, hàng trăm chiến trận oanh liệt chống ngoại xâm, cả trăm ngàn người bỏ xác ngoài biển khơi kinh hoàng, trên dưới 2 triệu người lưu vong, thế mà không có lấy được một lời tôn vinh tự do của chính người Việt Nam mình nói hay sao"
Web page của một chú rể tương lai cho thấy chàng đang nhìn đời qua cặp kính màu hồng. - một góc, chàng có câu: "Click here to see what I got for my future wife." Đã qua những chỗ huênh hoang khác, đọc hết câu này tôi liền nghe rờn rợn trong lòng. Chắc là chàng trưng ảnh chiếc nhẫn kim cương to bằng ngón chân cái đây. Tôi lưỡng lự, rồi e dè click vào.
Không! Không phải cái nhẫn kim cương hay cặp bông tai nhận hột soàn tổ bố, cũng không phải cái lắc vàng nặng 3 kí lô hay cái vòng chuỗi hột trai đen nhánh giá 10 ngàn đô la. Chỉ là một bản nhạc! Bản... "Romeo and Juliette".
Tôi nhớ đôi trẻ Rô Méo và Giu Lé (hồi sống trong vùng "Kinh Tế Mới", tôi nghe một em bé gọi vậy) thương yêu nhau, nhưng tình duyên trắc trở, mộng ước không thành. Thế là ông nhóc 16 tuổi uống độc dược chết queo, cô bé 14 tuổi đau khổ ôm xác người yêu, rồi cầm dao lụi vào tim mình, và cũng chết queo luôn.
Có lẽ nào chú rể tương lai này chỉ biết bản nhạc tình ra riết ấy mà không biết gì về cốt truyện của Shakespeare, và cũng chưa từng xem phim tuồng này"
Nếu quả đúng vậy thì thời vận của tệ khách này đã đến rồi đây! Số là tệ khách có ôm ấp một mộng ước lớn lao đã biết bao năm trường, và bây giờ mộng ước ấy sẽ phải thành sự thực. Đến ngày đám cưới của đồng hương này, tệ khách sẽ treo cày, rửa cuốc, tự tiện đến dự tiệc. Sau khi uống ly rượu nồng, tệ khách sẽ ôm cây đàn guitar cũ đã mua ở chợ trời, bước lên sân khấu hát mừng tân lang và tân gia nhân. Bản đầu tiên sẽ là "Chuyện tình Lan và Điệp". Sau đó, dù cho chỉ có vài ba thực khách vỗ tay lẹp bẹp, tệ khách cũng cứ thỏ thẻ ủi tới "Xin chân thành cảm tạ quí vị. Để đáp lại tấm thạnh tình của quí vị, em xin hát bài "Trong quan tài buồnÃ". Hết bản này, nếu chẳng có ai vỗ tay thì đúng là tất cả đang cảm động hết chỗ nói, tệ khách sẽ làm thêm một bài chót: "Đồi thông hai mộ".
Có những web page chào đón khách bằng những câu vô duyên như "Please remove your shoes", cũng có những nơi khách được cảnh giác một cách rất dễ thương: "Xin vào cửa chính, đừng leo rào, coi chừng chó cắn", và có một con chó con chạy tung tăng qua lại. Có những nơi thành thực, khiêm tốn, và cũng có những nơi sạo trơ trẽn. Web page của mình mới lên net có 3 tháng, với hình thức lẫn nội dung chẳng có gì đáng để mọi người ghé xem đọc cho được 5 phút, mà con số người đến viếng đã lên đến vài ba trăm ngàn, hoặc phóng tuốt lên gần nửa triệu người. Những ai biết làm web pages cũng đều biết là mình có thể sửa con số ấy bất cứ lúc nào, và tăng số lên cao bao nhiêu tùy ý thích.
Các web pages của người mình, có nơi nhã nhặn, nghiêm túc, và cũng có nơi làm vớ vẩn cho vui. Có nhiều nơi trưng bày thân thế mình với đầy đủ tất cả hình ảnh không thiếu tí gì. Từ lúc còn là cô/cậu bé tiểu học ở Việt Nam, cho đến khi xuất dương tìm đường cứu nước năm nào, học trường nào, làm sở nào, nhà ở đâu, khu nào, thành phố nào, tiểu bang hoặc quốc gia nào, v.v. Đây là ảnh công ty (của chủ mình), ảnh vợ chồng và con cái, đây là ảnh bà con cô bác anh chị em bạn dì cô cậu nội ngoại trong và ngoài nước, còn đây là ảnh thân hữu, hàng xóm, v.v. và v.v. Cũng không thể thiếu ảnh cái xe đẹp, cái nhà to, những nơi đã đi du lịch, các danh lam thắng cảnh đã thưởng ngoạn, đã gặp ai, con gì, ở đâu, hồi nào, v.v. và v.v.
Có thể nhiều độc giả lấy việc tưởng lãm các mục như trên làm vui thú sau một ngày cấy cày phờ phạc. Ngược lại, cũng có thể có nhiều người ngạc nhiên và bực mình: Ai cần biết đến những chuyện ấy của các ông, các bà, các cô, các cậu"
Talk! Talk! Talk!
Thay vì gọi là "Chat Room", có nơi gọi là "Forum" cho có vẻ trịnh trọng. Người dùng internet khắp nơi trên thế giới hội họp nhau trong những loại Chat Room khác nhau, do có cùng một sở thích, cùng một mối liên hệ, muốn bàn tán một vấn đề chuyên môn, thời sự, hoặc chỉ thuần tán gẫu, đúng nghĩa của chữ "chat".
Nhiều Chat Room của người Việt chúng ta có đến hằng trăm người khắp nơi đến dự, phần lớn là các em học sinh và sinh viên. Mỗi người có thể phát biểu ý kiến cho cả phòng cùng đọc, hoặc mời một người nào đó trong danh sách "ra một góc nói chuyện riêng với nhau".
Nhiều người đã đi từ chỗ lúc đầu tán gẫu vì rảnh không có chuyện gì làm, đến sau biến thành ghiền, rồi tối nào cũng phải vào Chat Room tán dóc vài ba giờ đồng hồ.
Bởi chẳng ai thấy mặt ai, và danh tánh dùng cũng chỉ là danh tánh giả, nên có lắm mối liên hệ cá nhân khi đã đến lúc chín mùi muốn gặp mặt nhau, hoặc cần trao đổi ảnh, thì mới té ra "nam" chẳng phải là "nam", và "nữ" thiệt tình "hổng phải là nữ". Lắm chuyện không ngờ, vớ vẩn hoặc nguy hại khác không dự kiến được đã xảy ra, và sẽ còn xảy ra. "Bà Tám câu cá" ở kế nhà tôi không biết gì về internet nhưng bà rành điều đó lắm.
Bà Tám và bà Năm làm bạn thân thiết với nhau đã trên 15 nay năm nay, cả hai bà đều ghiền đánh tứ sắc và có con cái cùng trang lứa. Một buổi chiều cuối tuần như thường lệ, trong khi chờ các bà khác đến cho đủ tay "câu cá", hai bà tán gẫu với nhau. Nhắc đến con cái, bà Năm thở dài, than:
"Thiệt khổ quá chị Tám ơi! Con dâu tui nó đòi ly dị con trai tui để nó theo thằng Mỹ trắng, cũng chỉ vì nó lên in-tờ-nét rồi gặp thằng kia ở trên đó..."
Bà vừa nói vừa bí xị ra, đang tính kể lể thêm thì bà Tám đã ngậm ngùi:
"Chị vậy còn đỡ !"
"Đỡ gì chị Tám " Chị nói đỡ là đỡ làm sao""
Bà Tám không cầm được nữa. Giọng bà đứt quãng:
- "Cũng vì in-tờ-nét như vậy đó... mà con gái tui nó bỏ chồng nó... để đi theo một đứa con gái khác... chị Năm ơi! Hu hu hu! "
Đỗ Bá Văn Ngạn
">www.candipharm.com</a>