Hôm nay,  

Chạm Trán Với Thực Tế Ở Hoa Kỳ

20/11/200200:00:00(Xem: 246299)
Người viết: Hoàng Nguyễn Trâm-Anh

Bài tham dự số 40/VBST

Cô Trâm Anh sinh năm 1973. Qua Hoa Kỳ diện gia đình H.O 6 năm 1991.
Lập gia đình năm 1994. Một con. Hiện làm chủ một tiệm may và sửa quần áo.


Năm 1991, mới 16 tuổi, tôi đến Hoa Kỳ với bao ước mơ một đời sống huy hoàng.
Bố tôi là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bị chế độ Cộng Sản Việt Nam bắt đi tù sau năm 1975 trong một nơi có một mỹ từ là "trại cải tạo" với một thời gian dài hun hút. Khi ấy, tôi mới hơn 3 tuổi. Trong thời gian bố ở tù thì tôi đến trường, bị quàng vào khăn quàng đỏ thiếu nhi "bác Hồ," bị nghe những lời tuyên truyền nhồi sọ trong đầu óc bé thơ của tôi một xã hội Mỹ "ăn thịt người" và dã man. Nhưng rồi, bố tôi được trở về, và năm 1988, lúc ấy tôi cảm nhận một luồng dư luận mới về nước Mỹ. Mới hôm qua nước Mỹ xấu xa tàn ác thì giờ đây họ tô vẽ trong trí ở tuổi dậy thì của tôi một hình ảnh nước Mỹ giàu có đầy hứa hẹn. Tôi thầm mơ được đi Mỹ để có một cuộc đời mới. May quá, bố tôi đã được phái đoàn Hoa Kỳ chấp thuận cho đi trong chương trình H.O 6 (Humanitarian Operation) và tôi đến được Hoa Kỳ trong lứa tuổi xáo trộn nhất của cuộc đời và cũng là lứa tuổi thơ mộng và đẹp nhất của cuộc đời. Tôi được may mắn hơn các bạn của tôi nhiều.
Giấc mơ nào cũng đẹp nhưng khi va chạm với thực tế, giấc mơ này có những khiá cạnh sần suiø và phũ phàng của nó. Tôi còn nhớ vào năm 1990, tại Việt Nam có một dư luận là những tù nhân chính trị của Việt Nam Cộng Hòa khi đến Mỹ thì sẽ rất sướng vì Mỹ lo cho họ và cho con cái họ từ đầu đến đuôi. Từ đầu làng đến cuối xóm tôi nghe người ta quả quyết, vì quá hối hận, Mỹ quyết định trả lương từng ngày giờ cho các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1975 cho đến ngày khi họ đặt chân tới Mỹ. Một con số kếch sù, tha hồ mà xài.
Đâu đã hết, người ta còn nói những tù nhân chính trị vừa đến Mỹ thì sẽ được một phái đoàn ra tận phi trường đón rước long trọng, kèn trống rềnh rang, rồi sau đó sẽ được đưa về cho ở trong một căn nhà sang trọng do chính phủ Mỹ cấp, và trong căn nhà này đã để sẵn một hoặc hai chiếc xe hơi cho gia đình sử dụng. Rồi, những người Việt tỵ nạn đã đến trước sẽ đến nhà chơi, đem bia rượu thịt thà đầy dẫy để mà tha hồ vui say. Sau đó, muốn làm thì làm, muốn học thì học, muốn gì được nấy.
Hồi ấy tôi cứ ngỡ là thật, và trong đầu tôi cứ tưởng ở Mỹ vàng lá 24 rơi từ trên cây xuống cho người ta dùng. Hồi năm 1990, một số cậu Việt kiều ở Mỹ về đã "nổ" quá trời. Có người còn nói dóc: "Ở Mỹ, Ủy Ban Khoa Học của chính phủ Mỹ mới có một phát minh mới, cứ chôn một lượng vàng 24 bên gốc cây thì vài tháng sau cây này sẽ nở ra hoa và hoa ra những trái bằng vàng 24 hết." Lúc ấy không hiểu tại sao tôi và nhiều người tin lời nói dóc này như tin vào Thánh Kinh vậy. Do đó, trong đầu thơ mộng của tôi lởn vởn những hình ảnh thần tiên ở một xứ được mệnh danh là "Đẹp" (Hoa Kỳ) này, mà hình ảnh trong đầu tôi lúc ấy là ăn không ngồi rồi, coi phim chưởng, đánh móng tay làm đẹp, và các cậu trai chạy lại tới o bế.
Nói đến các cậu trai, tôi nhớ hồi ấy ở Việt Nam người ta nói ở bên Mỹ con gái là nhất, là "bà hoàng" vì tình trạng gái thiếu trai thừa. Người ta đồn rằng con gái "già, lùn, mập, lác, điếc, khờ, răng hô, v.v." mà qua Mỹ thì cũng đều có giá hết, cứ tha hồ mà làm eo, và con trai đến đứng xếp hàng ở ngoài cửa van xin lạy lục. Con gái mà có chút hương sắc (như tôi) thì tha hồ, ngồi dũa móng tay sai cậu này chàng nọ làm cái này làm cái nọ chạy quá trời. Ôi, tôi thấy đã đời quá, giống y như một bà hoàng trong phim chuyện sử dài lê thê của Hồng Kông vậy.
Chuyện gì đến đã đến. Lên máy bay rời phi trường Tân Sơn Nhất háo hức bao nhiêu thì khi xuống phi trường quốc tế ở Los Angeles và sau đó ở Houston thì tôi và gia đình "xìu" bấy nhiêu.
Ở phi trường quốc tế Los Angeles, chẳng thấy ai đón tiếp, chỉ thấy mấy ông cảnh sát cửa khẩu hỏi này hỏi nọ bằng tiếng Anh khó hiểu. Dẫu vậy, tôi hy vọng chắc khi đến phi trường ở Houston, đoạn chót của chuyến hành trình thì sẽ khác.
Thủ tục nhập cảnh rườm rà xong, chúng tôi được người ta chỉ dẫn đi tới một phòng đợi để chuyển máy bay về Houston. Trong lúc xách hành lý, tôi thích thú nhất là được đi lên đi xuống thang máy escalator. Lúc đầu cả gia đình tính dùng thang máy loại elevator, nhưng bố mẹ tôi sợ elevator vì bố tôi nói nó "bí hiểm" lắm, tự nhiên vô nó đóng cửa lại, rồi sau đó mở ra thấy mình ở chỗ khác, rùng rợn sao đó. Thế là cả nhà đồng ý chịu khó vác hành lý đi thang máy escalator. Phi trường Tân Sơn Nhất cũng có loại thang máy escalator và elevator này, nhưng ít hơn và không có "hiện đại" cho bằng.
Tôi còn nhớ cả gia đình đi qua một cái hành lang dài, dài như vô tận đủ để biết phi trường này lớn tới mức độ nào, và cô em gái út của tôi thích thú đứng lên cái "thang máy" dài vài trăm thước ở cái hành lang đó với lời bi bô: "Đã quá, hay quá. Giá gì có mấy đứa bạn của em ở Việt Nam đi với em thấy cái này rồi cùng nhau đùa chạy trên nó thì vui biết mấy."
Chúng tôi ngồi đợi ở phi trường Los Angles mấy tiếng đồng hồ trước khi đi Houston. Cả một phi trường to lớn vậy mà họ bật máy lạnh. So sánh với phi trường Tân Sơn Nhất, tôi thấy chỉ có phòng đợi dành cho hành khách mới có máy điều hòa như vậy. Tôi đi vệ sinh, đứng dậy, tự nhiên nước xả làm tôi lúc đầu hốt hoảng tưởng là "ma" nhưng chẳng cần thời gian lâu, tôi biết đây là một kỹ thuật tân tiến của thời đại.
Tôi tới bồn rửa tay, tìm hoài chỗ mở nước mà tìm không ra, cho đến khi thấy một bà Mỹ khác nhìn tôi cười, bà để tay dưới vòi nước, tự nhiên nước chảy ra. Tôi hiểu và đã cho tay mình để ở dưới vòi nước. Tôi đang học trở thành một con người văn minh mà! Bà Mỹ đến để tay dưới một cái máy sấy, máy phun hơi nóng ra, bà xoa xoa hai bàn tay của bà lại, một chốc nó khô.
Lúc ấy cô em gái út của tôi bước vào, tôi thỏ thẻ vào tai nó: "Mày coi chừng có ma khi mày đi vệ sinh." Thế là tôi dẫn nó vào phòng vệ sinh chỉ cho nó "cái tân kỳ" đó. Nó thích thú: "Ở Mỹ lạ quá he chị Trâm-Anh. Giống y như siêu hình vậy. Cái này mà mang về Việt Nam chắc mấy đứa bạn em nó há hốc miệng." Rồi, cả hai chị em tôi ra ngoài nghịch ngợm với vòi nước và máy sấy. Chúng tôi trở về buồng đợi, cô em gái tôi chạy lại khoe với bố mẹ "phát minh" mới đó của nó. Thế là tôi thấy bố mẹ tôi cùng với mấy cậu em đi vào phòng vệ sinh.
Máy bay đến Houston vào khoảng 6 giờ chiều. Chúng tôi xuống phi trường cả hơn 2 tiếng đồng hồ rồi mà cũng không thấy người bác ruột của tôi và cũng là người bảo trợ của gia đình tôi ra đón. Cả gia đình tôi loay hoay cuống cuồng rối rít mà chẳng biết làm gì.
Tôi thấy bố mẹ tôi hoang mang ra mặt. Chẳng ai dám đi xa nửa bước khỏi phòng đợi vì biết đi đâu lúc bấy giờ" Điện thoại thì cũng không biết cách gọi vì ở Việt Nam gọi qua Mỹ bằng một lô con số, bây giờ lại tới chỗ điện thoại công cộng bấm cũng từng đó số mà cứ nghe những lời ở đầu giây bên kia chả ai hiểu gì cả. Thế là ai nấy đầu hàng chịu khó đứng lên ngồi xuống đợi và đợi. Bố tôi thốt lên: "Hát với Ô cái quái gì. Hờ với ô là hố thì mới đúng."
Cuối cùng rồi bác tôi cũng tới. Bác tôi cho biết mới đi làm ra, bị kẹt xe nên đến trễ. Bác còn cho biết bác phải đi làm, ra về đúng giờ giấc, không thì bị chủ đuổi, không thể giống ở Việt Nam được. Bác cũng cho biết gia đình bác chỉ có một người con, còn đi học chưa lái xe được nên không đi đón gia đình tôi đúng giờ. Riêng về phần bác gái thì còn mắc làm, phải tới 10 giờ khuya mới về tới nhà được. Bác nói, nếu hai vợ chồng không làm thì không thể có đủ sở hụi để trang trải. Lúc ấy tôi cứ nghĩ là bác tôi nói dóc để chạy tội, nhưng cũng chính lúc ấy, tôi tự biết giấc mơ của mình cần phải "điều chỉnh" lại ngay kẻo không thì bị "hố" thật chớ chẳng phải là chuyện đùa đâu.
Ra bãi đậu xe tôi thấy chiếc xe van mà bác ấy đón chúng tôi nó thảm thương làm sao. Bác ấy cho biết vì nhà chúng tôi đông, bác không thể lấy xe riêng để đón cả nhà được, phải đi kiếm một chiếc xe van to thì may ra mới chứa đủ cả nhà và hành lý nữa. Chiếc xe van cũ, đã tháo hết băng ghế ra, ở trong rỗng, chỉ chừa lại một bánh xe sơ-cua. Thế là cả nhà "nhét" vào chiếc xe van cũ kỹ này, chạy kêu ì à ì ạch, mỗi lần quẹo gấp thì cả thân hình chúng tôi cũng ngã theo. Thế mà mấy đứa em út của tôi chẳng hiểu chuyện gì cả, cười toe toét cho là vui. Trong khi đó tôi, anh tôi, và bố mẹ của tôi trầm mặc trong giòng suy tư.
Trên đường đi, bố tôi ngây thơ hỏi bác tôi: "Ủa, em tưởng hội đoàn đến đón chúng em, chớ đâu phải có mình anh"" Bác tôi cắt nghĩa: "Nếu không có thân nhân bảo lãnh thì hội đoàn bảo lãnh chú, nhưng có người nhà ở bên này thì chính phủ buộc người nhà bảo lãnh phải lo cho chú." Bố tôi thở dài: "Vậy mà mình cứ tưởng kèn với trống!"
Mẹ tôi hỏi bác tôi: "Anh, bây giờ mình đi về nhà của chúng em hả"" Bác tôi trả lời cách thản nhiên: "Vâng, bây giờ mình đi về nhà của cô chú. Tôi đã thuê cho cả gia đình của cô chú một căn nhà trong khu làng Saint Joseph. Làng này là một chung cư do một công ty Việt Nam mua lại rồi bán cho người Việt Nam với một giá rẻ khoảng chừng 15 ngàn dollars một căn. Làng này toàn Việt Nam không à. Tiền thuê chỉ có 250 dollars một tháng thôi, rẻ, nhưng mà ở được, thoải mái hơn Việt Nam nhiều. Ở Houston mới có giá thuê như vậy thôi chớ ở California thì 250 dollars một tháng thì căn nhà giống như một chuồng heo, không ở được đâu."
Mẹ tôi ngạc nhiên: "Ủa, em tưởng chính phủ Mỹ lo chuyện nhà cửa cho chúng em mà""
Bác tôi chưa biết được giòng suy tư của gia đình tôi, cười: "Mỹ nào" Người bảo trợ phải lo hết đó cô ạ. Nay mai còn phải trả lại tiền vé máy bay nữa cơ. Đương nhiên chính phủ Mỹ lo, nhưng phải nộp đơn xin welfare hoặc foodstamp để có trợ cấp giúp thêm tiền nhà hoặc tiền ăn. Mai mốt tôi cắt nghĩa thêm cho cô chú hiểu chuyện này và biết cách nộp đơn."
Thế là mẹ tôi chưng hửng, và tôi biết trong đầu của mẹ tôi đã bị choáng váng mất toi đi một cái nhà tưởng tượng mà ở Việt Nam chúng tôi đã bị cho ăn bánh vẽ.
Bố tôi hỏi bác tôi tiếp:
"Ủa, em tưởng chính phủ Mỹ trả lương cho em từ năm 1975 đến nay thì số tiền đó lấy trả tiền vé máy bay, còn dư một số lớn để cho chúng em làm vốn đi làm ăn mà!"


Bác tôi ngạc nhiên: "Chú nói gì vậy" Chuyện hoang đường. Lạ quá. Ai nói với chú chuyện đó" Chết, chết, coi chừng lại bị hiểu lầm tôi ếm nhẹm để lấy tiền của cô chú. Trời! Thôi, để lúc nào thủng thẳng tôi cắt nghĩa cho chú hiểu. Chính phủ Mỹ chẳng có trả lương cho mấy ông lính Việt Nam Cộng Hòa nào cả chú ơi. Chỉ có trường hợp lính biệt kích nhảy dù ra Bắc bị cầm tù thì còn đang có đề nghị này nọ cứu xét hồ sơ vì những người này lúc nhảy ra Bắc thì họ còn đang làm việc cho cơ quan tình báo của Mỹ. Mà nếu họ có lãnh được số lương, cũng khoảng chừng vài chục ngàn dollars thôi. Chuyện còn đang tranh cãi dài dài. Chuyện đó chẳng ăn nhằm gì đến những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cả."
Thế là cả nhà chúng tôi một phen bị bể mộng và sau này chúng tôi mới hiểu rõ và mới biết được bác tôi nói đúng sự thật.
Về tới nhà cũng đã khuya, mọi người mệt lã. Trời Houston lúc ấy vào tháng 6, nóng oi ả, ban đêm mà vẫn còn nóng, nóng còn hơn ở Việt Nam, nóng như ở trong một cái lò nướng bánh mì vậy. Căn phòng bác tôi thuê không có máy lạnh trung ương (Central), chỉ có máy lạnh cửa sổ (window) nên nóng tàn canh. Căn nhà có 3 phòng ngủ. Bố mẹ chúng tôi một phòng, mấy chị em gái tôi một phòng, và mấy anh và em trai của tôi một phòng.
Bác gái của tôi đã nấu một nồi cháo gà từ hồi sáng, để trong tủ lạnh trước khi đi làm. Bây giờ bác trai tôi mang ra hâm nóng lại. Hâm nóng được nồi cháo xong thì bác gái của tôi cũng vừa mới đi làm về, chở cậu con trai duy nhất của hai bác ghé thăm. Bác còn mua một vài món khác nữa, nhưng cũng đã nguội, bây giờ phải hâm lại trong máy microwave mà ở Việt Nam sau này gọi là máy vi-ba. Mặc dầu đói, nhưng không ai ăn ngon miệng được. Riêng bố mẹ tôi thì không ăn gì hết, chắc có lẽ ông bà bị "shock" trước cảnh tượng đón rước rất là "Mỹ" này.
Hai bác tôi ra về. Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được, và tôi biết cả nhà tôi, nhất là bố mẹ tôi cũng không ngủ được. Chúng tôi đang va chạm một cách phũ phàng với giấc mơ của chúng tôi.
Sau vài ngày nghỉ ngơi, bác lái xe đến dẫn chúng tôi đi làm một số thủ tục để hội nhập vào xã hội của Mỹ. Bác tập cho ba tôi và anh tôi lái xe. Khi ba tôi và anh tôi đã thi lấy được bằng lái xe, bác mua cho gia đình chúng tôi một chiếc xe Wolkswagen cũ, trông rất gồ ghề không đẹp mắt nhưng rộng rãi.
Nhờ chiếc xe này, cả nhà chúng tôi lặn lội khắp đó đây để kiếm việc làm, để xin nhập học, để lăn lội trở thành một con người, một con người hữu ích cho xã hội chớ không phải một con người ăn bám mà chúng tôi trước đây bị lầm lẫn sống trong hoang tưởng khi còn ở Việt Nam.
Mấy tuần sau, tôi đi làm giây chuyền (assembly) trong một hãng lắp ráp đồ điện tử. Sáng sớm 5 giờ sáng, hai anh em tôi dậy, ăn chút đồ ăn sáng, gói đồ ăn trưa đem đi làm, và tới sở. Chiều về, tôi phụ mẹ tôi may các quần áo giây chuyền mà có một người Việt Nam nhận mối ở một hãng lớn ở Mỹ đến giao đồ cho mẹ tôi may. Tiền công may quần áo giây chuyền rẻ mạt rệp, nhiều khi tính ra chỉ có gần 2 dollars một tiếng, nhưng được một cái là họ trả tiền mặt và giờ giấc thì tùy ý mình. Trung bình ngày nào tôi cũng ngồi may đồ giây chuyền cho đến 11 hoặc 12 giờ khuya. Ngày nào mà người ta cần đồ gấp, tôi phải cùng với mẹ tôi làm suốt đêm luôn.
Đêm ngày làm việc như vậy nên giấc mơ sống huy hoàng như một công chúa hàng ngày ngồi dũa móng tay của tôi bị tan vỡ thành từng mảnh. Tôi chẳng còn có thời giờ để lo việc khác, ngày càng ốm đi, nên chẳng còn tâm trí nào mơ tưởng đợi các cậu trai tới sắp hàng để sai chạy có cờ.
Cứ như vậy thời gian thắm thoát trôi qua được hơn một năm. Gia đình tôi lúc này về phương diện kinh tế cũng đã khá hơn kỳ trước đôi chút. Cả gia đình lo làm dành dụm dè xẻn từng đồng nên hơn một năm sau cả nhà tôi đã có một chút ít vốn. Mẹ tôi quyết định mua một căn nhà, đặt cọc xuống 10 ngàn dollars và phần còn lại trả góp. Ở Houston giá nhà rất rẻ, lúc âáy một căn nhà 60 ngàn dollars là đã tươm tất lắm rồi, chớ không phải như ở California, giá nhà quá mắc, một căn nhà 200 ngàn dollars mà cũng rất xụp xệ. Cái xe Wolkswagen cũ kỹ cũng bắt đầu được thay thế bằng một chiếc xe Camry đời năm 1988 mua lại của người khác với giá 5 ngàn dollars.

Hai năm sau khi tới Hoa Kỳ, tôi quyết định vừa đi làm, vừa đi học tối ở Đại Học Cộng Đồng Houston (Houston Community College) để tăng triển kiến thức của tôi ngõ hầu tôi dễ dàng hòa mình vào giòng sinh hoạt chính của xã hội này.
Thời gian đầu học trong Đại Học Cộng Đồng, đa số thời gian là tôi học Anh Văn. Đúng, phải giỏi Anh Văn thì mới hiểu được các môn khác. Tôi ngạc nhiên khám phá ra trong lớp Anh Văn của tôi hơn một nửa là Việt Nam. Nhiều người có hoàn cảnh giống như tôi. Đặc biệt, có một số con em cán bộ cao cấp của Cộng Sản Việt Nam đi du học không có đủ khả năng Anh Văn học ở các đại học lớn, đã vào những lớp Anh Văn giống như của tôi để học. Một cậu cán bộ sáp tới đòi làm quen tán tỉnh tôi. Tôi cho "de" ra liền vì tôi biết cái đám lưu manh con ông cháu cha này ở Việt Nam rồi. Mấy cậu ấy cho tôi biết qua Mỹ học "hàm thụ" thôi, miễn sao lấy một cái bằng, bằng quái gì cũng được, để về Việt Nam lòe bịp thiên hạ là mình "học và ra trường ở Mỹ" vì ở Việt Nam không mấy ai phân biệt được những bằng cấp ở Hoa Kỳ. Đây là mốt thời thượng, phải có bằng cấp ở Hoa Kỳ, bằng gì cũng được, thì về Việt Nam mới đè đầu đè cổ thiên hạ được, ăn trên ngồi trốc sung sướng tiếp gót các cha anh Cộng Sản cai trị đám dân đen.
Học được hai năm vàø Anh Văn của tôi đã có chút căn bản, tôi quyết định lấy thử một lới Kinh Tế Học để hiểu thế nào là Kinh Tế Vĩ Mô (Macro-economics) và Kinh Tế Vi Mô (Micro-economics). Một hôm, trong lớp Kinh Tế Học, giáo sư của tôi giảng: "Nói đến Hoa Kỳ, người ta thường nói đến lịch sử tranh đấu giành độc lập từ nước Anh vào năm 1776, và sau đó là văn hóa hamburger, hot dog, coca cola. Ít người chú ý đến khía cạnh Hoa Kỳ là quốc gia chủ xướng lên một cuộc sống mới, một suy tư mới: Càng nợ nhiều thì càng có uy tín nhiều. Nợ nhiều chính là một tài sản vô hình của người đi vay nợ."
Tôi ngạc nhiên trước lời cắt nghĩa này của vị giáo sư, vì ở Việt Nam, ai mà "nợ" người ta nhiều thì coi như là tàn đời. Tôi bắt đầu học về lịch sử "vay nợ" mà người cha đẻ của quan niệm này là ông William Boyle.


Từ thời xa xưa người ta đã phát minh ra cách đúc tiền, in tiền. Tiền là phát minh quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế. Thẻ Tín Dụng là phát minh quan trọng đứng hàng thứ hai, và càng ngày nó càng có tầm ảnh hưởng lớn đến độ hầu như các mối giao dịch lớn ngày hôm nay đều phải sử dụng Thẻ Tín Dụng.
Ở bên Mỹ này, nếu không có Thẻ Tín Dụng thì rất là phiền hà, thí dụ, nếu đi thuê xe mà không có Thẻ Tín Dụng thì chẳng ai dám cho mình thuê xe cả. Thẻ Tín Dụng cũng tùy loại, loại sang như Master Card & Visa hầu như nơi nào cũng nhận. Người sử dụng phải biết cách tạo uy tín của mình để được có số tiền nhiều trong Thẻ Tín Dụng của mình, mà cách hay nhất là mượn nhiều, trả nhiều, trả đầy đủ và đúng hẹn thì sẽ được ngân hàng dần dần tăng "ngân sách" trong Thẻ Tín Dụng của mình.
Nợ nhiều và trả nhiều chính là uy tín của kẻ sử dụng, và uy tín này lại chính là "tài sản không sờ thấy" (intangible property) của người sử dụng để lấy đó "thế chấp" mượn thêm được tiền.
Quả thật đây là một quan niệm mà ở Việt Nam chưa được phổ biến tới quần chúng. Những doanh thương lớn ở Sài Gòn biết đến quan niệm này, nhưng những người miền quê như chúng tôi thì làm sao biết đến quan niệm "khá kỳ cục" đó"
Ông William Boyle, người cha đẻ của quan niệm trên, sinh tại thành phố Brooklyn tiểu bang New York vào năm 1911. Ông vừa mới mất vào tháng 5 năm 2000, thọ 88 tuổi. Ông xuất thân trong một gia đình cũng khá nghèo khó. Ông đã phải từng gõ cửa từng nhà để bán từng chai nước ngọt để sinh sống. Đệ Nhị Thế Chiến, ông tham gia Hải Quân của Hoa Kỳ. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông làm việc trong một ngân hàng, Franklin National Bank.
Lúc đó hệ thống ngân hàng chỉ biết có tiền mặt mà thôi. Chính William Boyle đã góp ý với Ban Giám Đốc cho vay lấy lời, và, những ai vay nhiều, trả đúng kỳ hẹn, thì cho họ vay một số khoản to lớn hơn để làm việc khác. Các thân chủ được cấp cho một tấm thẻ của ngân hàng có thể xài trước trả sau, và sau này người ta đặt tên cho tấm thẻ này là Thẻ Tín Dụng. Quan niệm này đem ra áp dụng thử và thành công lớn.
Một thập niên sau, cả nước Hoa Kỳ bắt chước quan niệm này. Sau đó, hầu như quốc gia phát triển nào cũng bắt chước. Thẻ Tín Dụng đi vào lòng quần chúng của Hoa Kỳ và nó trở thành một kích thích tố thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển. Bây giờ, cả Kinh Tế Vĩ Mô và Kinh Tế Vi Mô cũng đều phải lệ thuộc vào Thẻ Tín Dụng.

Trong thời gian đi học và đi làm, tôi quen được một sinh viên sau này trở thành người bạn đời của tôi. Ông xã của tôi là một người cương quyết chớ không có tính quỵ lụy, nên cả hai chúng tôi thương nhau, tôn trọng nhau chớ không phải như trong giấc mơ của tôi khi còn ở Việt Nam là làm một "bà hoàng" sai các cậu con trai chạy có cờ. Bây giờ cả hai chúng tôi đều đi làm, ai có công việc đó.
Va chạm với thực tế cuộc sống ở Hoa Kỳ dạy cho tôi một bài học: Ở đâu cũng thế, tay làm hàm nhai chớ không thể nào sống ỷ lại nơi người khác. Người Mỹ giàu có được là vì cơ chế chính quyền của họ tạo cơ hội cho dân chúng, tôn trọng quyền tự do của con người làm cho người dân thích thú sáng tạo và chịu khó làm việc. Đồng tiền không thể nào từ trên cây rơi xuống, mà phải khó nhọc đổ mồ hôi mới tạo nên được.
Nghĩ đến đây tôi sực nhớ tới chế độ Cộng Sản Việt Nam, tới giờ phút này sau 25 năm không còn chiến tranh mà vẫn không chịu "tay làm hàm nhai" cứ đi "khất thực" các quốc gia Tây Phương hoài, để cho các nguyên thủ quốc gia nhắn khéo nhiều lần mà không biết tự trọng làm cho quốc thể bị nhục, và tôi cũng cảm thấy xấu hổ lây.
Giấc mơ hão huyền của tôi về nước Mỹ khi tôi còn ở Việt Nam đã không thực hiện được, nhưng so sánh với các chúng bạn cùng lứa tuổi hiện còn đang ở Việt Nam, tôi còn may mắn hơn họ rất nhiều. Họ cũng như tôi, xuất thân cùng một vùng, cùng tuổi, cùng khả năng, vậy mà tôi qua Mỹ mới có gần 10 năm, tôi và họ khác nhau một trời một vực. Tại sao" Tại cơ chế chính phủ mà thôi.
Va chạm với thực tế ở Hoa Kỳ làm cho tôi có một giấc mơ khác: Đóng góp khả năng của tôi, cả tiền bạc lẫn kiến thức, để xây dựng lại một nước Việt Nam khi nước Việt Nam có một thể chế Dân Chủ - Tự Do thật sự biết tôn trọng con người.

Hoàng Nguyễn Trâm-Anh, Houston, 12 tháng 6 năm 2000.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,174,451
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến