Hôm nay,  

Nỗi Buồn Xa Xứ

13/11/200200:00:00(Xem: 188572)
Người viết: Lê Phạm Xuân Hồng

Bài tham dự số 38/VBST

Bà Hồng sinh năm 1936, nguyên là giáo viên tiểu học lúc còn ở quê nhà. Bài viết của bà Hồng kể chuyện một chuyện buồn gia đình: bà mẹ chồng đành phải đi "trông nom con người ta" vì không thể ở nổi với vợ chồng người con trai, dù chỉ để trông nom dùm đứa cháu nội mà bà rất yêu quí.


Đêm đã khuya mà tôi không tài nào chớp mắt được. Tiếng đứa con dâu nói từ ban chiều vẫn còn văng vẳng bên tai tôi:

"Anh hãy chọn lựa đi. Một là mẹ, hai là em và con, chứ em không chịu nỗi cảnh này nữa đâu!"

Tiếng thằng con trai tôi nhỏ nhẹ giải hòa:

"Thì mẹ vẫn ở nhà trông cháu, hằng ngày chúng ta đi làm từ sáng đến tối, mẹ vẫn chu toàn nhiệm vụ, nào tắm rửa, nào cho cháu ăn. Không có mẹ thì em phải thuê người giữ tụi nó, vừa tốn tiền mà lại không chắc gì cẩn thận và chu toàn hơn mẹ, phải không""

Con dâu tôi vẫn giữ lập trường của nó:

"Cẩn thận cái nổi gì" Mới tuần trước mẹ để nó bò lê bò lết ở sàn nhà, vừa bẩn lại vừa bị đụng đầu vào bàn, đau quá khóc thét lên, anh còn nhớ không" Em không chịu nổi bà già cổ hủ đó nữa đâu!"

"Em không được hỗn với mẹ".

Vừa nói, con trai tôi vừa sấn tới gần vợ nó, tay giơ cao định tát. Từ buồng trong, tôi vội vàng tông cửa chạy ra để cản ngăn thằng con kẻo nó đánh vợ thì nhất định vợ nó sẽ gọi cảnh sát và sự việc sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng may sao, tôi chưa ra đến nơi thì con tôi đã kịp dừng tay. Tánh tình nó tôi biết, thường ngày hiền lành ít nói nhưng cộc tánh, chẵng hiểu sao hôm nay, cám ơn phật trời, lại dằn được.

Tôi đứng giữa hai đứa, cất tiếng nói đầy nước mắt:

"Các con đừng cãi nhau nữa, Mẹ đã tìm được chỗ làm rồi. Một tuần nữa, người ta sẽ đến đưa mẹ đi đến nhà người ta để trông nom con người ta và ở lại đó luôn. Mẹ không muốn hai con phải vì mẹ mà chia tay, vì mẹ quá thương cháu nội của mẹ nữa."

Con trai tôi chận lời ngay:

"Không! Mẹ không phải đi đâu cả. Đây là nhà của Mẹ, mẹ cứ ở lại đây. Con không muốn mất mẹ, mất vợ thì còn..."

Tôi biết con tôi muốn nói điều gì nhưng sợ quá đà thì vợ nó lại làm ồn lên nên tôi cố mở nụ cười héo hắt:

"Thì có mất mẹ đâu mà các con lo. Thỉnh thoảng mẹ về thăm cháu, thăm con luôn. Mẹ hiểu tấm lòng hai con và mẹ không muốn hai con sống mà cứ hục hặc vì sự hiện diện của mẹ mà mất hạnh phúc."

Thế rồi tôi trở vô phòng. Bữa cơm tối diễn ra buồn tẻ. Dọn dẹp xong, tôi chơi với thằng cháu nội một lát rồi giao lại cho mẹ nó, quay vào phòng.

Tiếng chuông đồng hồ thong thả buông ba tiếng, tôi vẫn nằm chong mắt nhìn lên trần nhà. Đêm đã khuya, ngoài đường đã vắng tiếng xe qua lại. Có tiếng chim ăn đêm bay ngang qua, buông tiếng kêu rời rạc buồn tẻ. Tiếng chim lạc lõng cô đơn làm tôi liên tưởng đến thân phận mình.

Ba năm về trước, khi thằng con trai gởi thư về ngỏõ ý lập hồ sơ bảo lãnh cho tôi qua đoàn tụ, tôi viết thư từ chối ngay: "Mẹ không muốn rời bỏ quê hương, nơi có mồ mả ông bà tổ tiên nội ngoại, nhất là có nấm mồ của ba con. Ba con mất đi trong cuộc chiến, trong những ngày tàn khốc nhất để làm tròn chữ trung với tổ quốc Ba chỉ mong con, đứa con duy nhất của ba mẹ, lớn lên học hành thành đạt và nên người. Nay, con đã lấy được mãnh bằng kỹ sư nơi xứ người, đã có vợ và sắp làm cha, đó là những gì mẹ mãn nguyện lắm rồi và chắc là ba con cũng đang mỉm cười nơi chín suối."

Nhưng những lá thư sau dồn dập gởi về làm tôi không thể từ chối được cái tấm lòng hiếu thảo của nó: "Thưa mẹ, con hiểu nỗi lòng của mẹ. Từ khi ba con mất đi, dù còn tuổi xuân nhưng mẹ vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con. Với đồng lương ít ỏi của một cô giáo tiểu học, mẹ vẫn dành cho con những gì đầy đủ nhất để khỏi thua kém bạn bè ở lớp ở trường. Con không thể nào quên được nét mặt vui tươi rạng rỡ của mẹ khi con báo tin con thi đỗ trung học. Mẹ thắp nhang trên bàn thờ ba, lâm râm khấn vái, và rồi mẹ khóc. Những giọt nước mắt sung sướng tự hào vì mẹ đã hoàn thành một phần nhiệm vụ với người đã khuất. Những cực nhọc đã qua nay đã có một phần đền đáp. Nhưng khi con xin phép cho con đi tìm việc làm khoan vào đại học, có thêm đồng lương để phụ mẹ đỡ ngược xuôi gian nan trong cuộc sống thì mẹ giận ngay: "Tôi có què quặt gì đâu mà anh phải đi làm nuôi tôi. Thôi thì anh cứ kiếm việc còn tôi thì vào chùa tôi tu." Con vội vàng thi vào đại học. Và thời cuộc dồn dập xảy ra, mẹ thôi dạy học, mở một quán nhỏ ngay trước hiên nhà, buôn bán tạp hóa. Mẹ nhịn đói nhịn khát, chắt chiu từng đồng một cho con vượt biển đi tìm tương lai. Trầy truột bốn năm lần thì con thoát. Lúc con đặt chân lên đảo Bidong thì đôi mắt mẹ đã thâm sâu vì bao nhiêu lo lắng dồn dập, vì bao đêm mất ngũ. Con nhớ những sáng trời lạnh, mẹ dậy sớm đễ ra chợ mua thêm hàng về bán, cơm nguội tối hôm qua vẫn còn trong nồi nhưng mẹ không ăn, sợ con dậy sau ăn không đủ. Mẹ thường nói với con là ăn không no thì học chữ không vô. Mẹ nhịn cho con no, mẹ chắt chiu cho con có tương lai và nay con đều có cả mà mẹ thì vẫn vò võ ở quê nhà, cò mẹ vẫn lặn lội bờ ao thì thử hỏi con có xứng đáng là con của mẹ hay không" Thưa mẹ, con tin rằng khi biết con bảo lãnh mẹ qua sum họp với con bên này thì ba con chắc rất là vui mừng lắm."

Thế rồi phỏng vấn, rồi có nhập cảnh, tôi sang Mỹ đoàn tụ với con sau gần năm trời hoàn tất thủ tục. Phải công nhận một điều là vợ chồng nó thương nhau lắm. Chúng nó có học vấn, đi làm cho những hãng có tiếng tăm, thu nhập chắc khá lắm mới có căn nhà thật lộng lẫy, trang trí toàn đồ Ý đồ Pháp mắc tiền.

Thằng cháu nội sinh ra càng làm cho không khí hạnh phúc của chúng nó thêm nhiều hơn. Nuôi thằng cháu nội hàng ngày, tôi mừng thầm trong bụng vì tông đường đã có người nối dõi. Nhưng có điều mà mãi đến giờ tôi mới nhận ra được: con dâu tôi không muốn mẹ chồng sống chung trong gia đình. Không biết nhận xét tôi có đúng hay không nhưng vì tôi là người đàn bà Việt Nam đã từng làm dâu, nhất là làm dâu trong gia đình gốc Huế cổ kính, cho nên luân lý đạo đức cổ truyền Việt Nam vẫn luôn tồn tại trong tôi.

Đáng lẽ tôi phải nhìn nhận sớm hơn cuộc sống ở Mỹ này khác nhiều hơn cuộc sống ở quê nhà thì chắc con dâu tôi không gọi tôi là "Bà già cổ hủ". Nhưng thật mà nói thì tôi hoàn toàn không giận gì nó vì tôi thương thằng con trai có hiếu của tôi, và thương thằng cháu nội mà tôi mong ước từ lâu, không muốn gia đình nó xáo trộn.

Câu chuyện ban chiều mà tôi buộc miệng nói ra bây giờ lại làm tôi lo lắng. Từ khi qua Mỹ đến nay, nào mấy khi tôi ra khỏi nhà vì mình chẳng quen biết ai. Tìm được chỗ làm chỉ là một lời nói dối mà trong lúc quá cấp bách, tâm trí tôi đã mách bảo như vậy để qua cơn sóng gió gia đình.

Chuông đồng hồ lại buông năm tiếng, tôi vẫn chưa ngủõ được, cứ trở trăn mãi. Cái nệm dày và êm mọi khi nay lại thấy cưng cứng, không thoải mái như cái chõng tre trong gian nhà nhỏ ở quê An Cựu, nhưng rồi cũng thiếp đi lúc nào cũng không biết.

Trong giấc mơ, tôi thấy một ngọn đèn nhỏ luồn lách từ hẽm này sang hẽm khác với tiếng rao khàn đục lê thê: "Ai...hột vịt lộn..." Đúng rồi, tiếng rao đêm của người bạn giáo viên dạy cùng trường, con đông mà ông chồng lại nghiện ngập nên ban ngày đi dạy, tối đi bán hột vịt lộn kiếm thêm tiền. Khi đi ngang qua nhà tôi, chi ngưng tiếng rao và cố đi nhanh, ánh đèn con hắt hiu đong đưa theo nhịp chân của chị. Đứng trong bóng tối nhìn theo bóng dáng gầy còm của chị, nước mắt tôi cứ tuôn rơi. Tôi thương chị, biết bao giờ chị mới hết khổ, hay cuộc sống hẩm hiu cứ bám lấy chị cho đến ngày chị xuôi tay nhắm mắt.

Mộng và thực, thực và mộng cứ quyện lấy nhau làm cho tôi bàng hoàng, không biết rằng mình mơ hay tỉnh. Tôi nhớ đến Cồn Hến nơi có giống bắp vừa ngọt vừa bùi, lại vừa túi tiền của người bình dân. Tôi nhớ con đường Nam Giao thẵng mà không bằng, một chiều cuối năm tôi cầm bó nhang đi thăm mộ chồng trước khi xuất cảnh. Trong cảnh vắng lặng chiều hôm, tôi nghe rõ từng tiếng chuông chùa Linh Mụ thu không. Khói nhang bay nghi ngút, tôi vừa nhỗ cỏ vừa tỉ tê trò chuyện cùng chồng: "Không biết có phải lần này là lần cuối em viếng mộ anh hay không" Thôi thì sống khôn thác thiêng, anh hãy phù hộ cho em đi đường bình an để đoàn tụ với con, để nuôi cháu nội."

Sáng hôm sau, vợ chồng nó đi làm và tôi thì trông cháu như thường lệ.

Lúc dọn dẹp phòng khách, tôi chợt nhìn thấy tờ báo Việt ngữ dưới chiếc bàn nhỏ mà thỉnh thoảng con tôi đem về để mẹ đọc giải trí. Trong tờ báo này có mục tìm việc làm và có các gia đình tìm người giữ trẻ. Tôi ghi lại những địa chỉ và số điện thoại cần thiết, gọi liên tiếp đến gia đình thứ năm mới gặp được một cô người Huế, chồng ly dị hiện sống với hai con. Tôi được ăn ở luôn trong nhà cô ấy, khi nào muốn về thăm con và cháu, cô ta sẵn sàng đưa về thăm.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là giây phút chia tay. Một buổi sáng chủ nhật, tôi đợi hai đứa ra phòng khách rồi lên tiếng:

"Sáng nay sẽ có người đến đón mẹ về giúp trông nom nhà cửa và hai đứa trẻ. Đó là cháu gái gọi mẹ bằng dì chứ mẹ không đi ở đợ với người dưng, hai con cứ an tâm."

Thằng con trai chạy đến ôm chầm lấy mẹ và khóc rấm rức như đứa trẻ lên ba: "Rõ ràng là con bất hiếu và bất lực. Đến cuối cuộc đời mà mẹ vẫn hy sinh."

"Không con ạ, khi nào mẹ cũng hiễu con và đặt hạnh phúc của con lên trên hết, con ngoan của mẹ."

Tay tôi vỗ nhẹ lên tấm lưng vạm vỡ của nó như ngày xưa tôi từng ru nó bằng những câu ca dao trên chiếc võng đay cột ở chái nhà. Đứa con dâu mở tủ, lấy ra hai bộ quần áo, ý chừng mới mua rồi đặt vào chiếc xách tay nhỏ của tôi.

"Mẹ đem theo mấy cái này để mà thay đổi."

"Mẹ cảm ơn con."

Có tiếng chuông reo ngoài cửa. Cô gái Huế xuất hiện, khuôn mặt phúc hậu và theo lời dặn trước của tôi trên điện thoại, cô cất tiếng:

"Cháu chào Dì, chào hai em. Dì đưa cháu xách đồ dì cho."

Rồi quay sang hai đứa , cô nói tiếp:

"Hai em đừng buồn. Thỉnh thoảng chị đưa dì về thăm. Nhà chị cũng ở gần đây." Tôi vội vàng ôm hôn đứa cháu nội và như sợ nếu chậm trễ phút giây nào, tôi không thể rời khỏi nơi đây, tôi theo gót cô gái ra cửa, không quay đầu lại.

Nỗi buồn vẫn còn đó nhưng dù sao, hạnh phúc mong manh của con tôi đã tạm thời hàn gắn. Đó là niềm an ủi duy nhất của những ngày còn lại cuối đời tôi.

Lê Phạm Xuân Hồng, Ngày 10 tháng 6 năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,141,723
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến