Hôm nay,  

Chọn Mỹ Làm Quê Hương

05/01/200100:00:00(Xem: 165857)
Bài tham dự số 121\VB00920

Năm 1975, chiến trường Việt Nam sôi sục, Sài gòn rung động vì những đợt di dân từ miền Trung tràn ngập phố phường. Mọi người bàn tán và tìm cách chạy chọt để rời Việt Nam. Nơi nơi đều muốn ra đi, trốn chạy Cộng Sản. Thế mà bố tôi thì... bình chân như vại.

Tổng thống có từ chức, tướng tá có bỏ chạy, Mỹ có rút quân và dân lành có nhốn nháo thì Bố tôi vẫn cười như không. Dù Bố tôi đã từng là nghị viên hội đồng thành phố của Việt Minh trước thời di cư 1954, ông cũng đã phải bỏ chạy họ và hiểu họ như thế nào, nhưng cụ lại không sợ họ và tỉnh bơ cho rằng "Trải chiếu cặp điều tụi Việt Cộng cũng không dám tiến chiếm miền Nam".

Vì Bố tôi tự tin như vậy nên cụ không cho người con trai "Biệt Động Quân... Sát !!!" của cụ ra đi và cụ kềm giữ cả đại gia đình ở lại.

Nhưng cái nhưng quái ác kia lại hiện ra, vì Bố tôi đã sai rồi. Việt Cộng nó chiếm miền Nam tự do thật. Mọi người đổ nhào ra biển. Ông chú họ đề nghị với Bố tôi trốn đi cùng nhưng cụ vẫn thản nhiên cho là nó thua đấy. Hãy ở lại quê hương để nhìn sự thất bại của tụi nó.

Thời điểm ấy, tôi còn quá trẻ và thực tế cũng chả hiểu sự gian manh của Việt Cộng ra sao. Tôi có một ông thầy tiến sĩ du học từ Pháp về, ông ta lại mê Việt Cộng quá đáng, có thể tôi bị nhiễm tính tuyên truyền của vị thầy khả kính mà tôi cũng "cóc" sợ Việt Cộng là gì, tôi cũng thản nhiên như Bố tôi đã thản nhiên...

Rồi Việt Cộng đến, lòng thản nhiên của tôi bị xiết chặt lại khi tôi thấy "cán ngố" nghênh ngang ngoài đường. Họ thấy tôi còn trẻ, lại là sinh viên, cứ đi theo gọi tôi là "nhà", quả thật tôi không hiểu được danh xưng của họ. Sau đó, họp tổ, họp phường rồi kiểm điểm - phê bình mà họ gọi là phê - tự phê. Bạn hãy phê bình người khác trước, đó là phê, rồi bạn phải kiểm điểm lấy mình sau gọi là tự phê. Việt Cộng dạy cho dân bài học tố cáo nhau để rồi nghi kỵ nhau để rồi tự giết nhau thì đảng ngồi nhìn, vỗ tay và tự khen thưởng vì đảng đẹp được bọn ngụy do chính ngụy dẹp ngụy.

Quá nhiều phức tạp trong buổi giao thời, lúc này tôi không còn thản nhiên được nữa nhưng Bố tôi vẫn thản nhiên, lập luận của cụ vẫn là nó xuống hố...

Bốn năm sau thì Bố tôi qua đời nhưng cụ vẫn giữ trọn niềm tin là Việt Cộng thua. Trong khi đó, anh trai tôi bị đi tập trung trong lao tù mà Việt Công gọi là "trại cải tạo". Gia đình tôi sa sút nhưng vẫn còn may mắn hơn những gia đình khác vì có quen một số người thân có gốc... cách mạng.

Vốn gốc Bắc di cư nên gia đình nội ngoại của tôi đều có ông lớn bà lớn ở cả hai phe Quốc Cộng. Bên Quốc Gia thì đi tù mất mùa, còn bên Cộng thì lên làm chủ nhân ông. Nhờ đó gia đình tôi không đến nổi phải đi vùng kinh tế mới và anh trai tôi chưa đến độ bị đày đi miền Bắc cơ hàn...

Sáu năm sau, gia đình tôi được đoàn tụ với thân nhân ở Anh Quốc do sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Anh và sự chạy chọt khéo léo của Mẹ tôi. Cả nhà tôi ra đi bình yên, bỏ lại sau lưng một quê hương nghèo nàn, lạc hậu, tang thương với bọn độc tài đảng trị.

Anh Quốc chào đón chúng tôi với tình nồng ấm. Người dân Ăng lê có lòng nhân từ rất cao. Khi là bạn họ và họ nhận trợ giúp mình thì họ là những người bạn chân chính, bạn sẽ không tìm thấy đặc tính" phớt tỉnh Ănglê" của họ. Họ đã giúp đỡ gia đình tôi một cách tận tình, nhưng hỡi ơi...tôi lại KHÔNG chọn nơi này làm quê hương!!! Vì sao" Vì buồn quá, vì bị kỳ thị quá, vì cộng đồng Việt Nam phức tạp quá, v.v...

Lý do buồn, vì không có phố xá Việt Nam. Lý do kỳ thị vì nước Anh không phải là nước mới lập quốc nên người nào là dân mới đến chọn Anh làm quê hương cũng bị chung số phận là người thiểu số và bị kỳ thị trong công ăn việc làm. Không phải kỳ thị như Đức quốc xã, kỳ thị ở đây là nếu bạn ngon lành như người bản xứ nhưng chắc chắn là bạn không được nắm chức vụ lãnh đạo, thế thôi. Lý do cộng đồng Việt phức tạp vì người Việt tị nạn có hai loại, người từ miền Nam thì tôn thờ lá cờ quốc gia, màu vàng với ba sọc đỏ. Dân Việt từ Bắc thì tuy bị đuổi bởi Việt Cộng, nhưng vì họ là gốc Tàu ở Việt Nam trong thời kỳ Việt Cộng đánh nhau với Trung Quốc, nhóm này không có cờ gì cả, nhóm cờ vàng lại ít hơn. Do đó, rất là phức tạp khi có hội họp cộng đồng.

Ngoài ra, học hành thì không lấy được bằng cấp giống như Việt Nam, lên lớp là theo mỗi năm học. Nước Mỹ thì khác. Học hành lấy theo tín chỉ, muốn học nhanh hay chậm cũng được và muốn kéo dài làm mấy năm hay rút ngắn thời gian là tùy mình, miễn sao lấy đầy đủ tín chỉ là ra trường. Ở Anh thì khó khăn cho mình quyết định giữa con đường đi học và đi làm, đi làm thì làm mà thôi, còn học thì chỉ dùi mài kinh sử mà học. Ở Mỹ thì bạn vẫn đi làm và vẫn lấy được bằng cấp nếu bạn chịu khó ky cóp cho đủ tín chỉ để ra trường, học sáng hay học chiều hay học tối đều có lớp, có đủ giờ giấc để chọn lựa, miễn sao bạn có chí thì nên. Dễ dàng cho bạn sinh sống lẫn học hành.

Thế mà... tôi cũng lây lất được sáu năm nơi xứ sở này, để sáu năm nhớ giải đất quê hương cong cong hình chữ S, sáu năm nhớ mùi rau húng quế khi ăn phở, sáu năm nhớ ngọn rau răm khi ăn hột vịt lộn, sáu năm tương tư lá kinh giới khi ăn tô bún riêu, sáu năm quay quắt vì mùi tía tô khi ăn bún ốc, sáu năm nhớ ngọn húng cây khi ăn chả giò... Rồi nhớ bánh cuốn thanh trì, nhớ bánh bèo, bánh xèo, bánh tầm, bánh canh... và ngay cả bánh trung thu! Người Hồng Kông ăn bánh nướng thì làm bằng nhân hạt sen hay đậu xanh chứ không ăn bánh thập cẩm như người Chợ Lớn. Nhớ và nhớ nhiều quá.

Nhớ cho đến khi tôi đặt chân tới nơi này, Mỹ Quốc!

Tôi đã rơi lệ khi bước chân vào chợ Việt Nam. Những người chung quanh ngỡ tôi điên" Bạn ạ, không ngoa đâu, bạn không thể thông cảm cho tôi nếu bạn chưa từng bị cách xa quê hương đến sáu năm như tôi và bạn không nhìn thấy những cọng rau của quê nhà. Tôi đã ôm từng bó rau và tôi hít nó vào hơi thở, tôi đã để những mùi vị quê hương lắng đọng trong tâm hồn mình, tôi hít và tôi vuốt ve nó, có thể cường điệu hơn là vuốt ve nó để nó thấm sâu vào cơ thể còn sướng hơn vuốt ve người tình. Nếu bạn đã từng bị quay cuồng nỗi nhớ nhung đủ thứ mùi vị của quê hương thì bạn sẽ cảm thông cho tôi biết chừng nào. Tôi đã say mê nó và nó đã chiếm ngự một phần nào sự quyết định của tôi nên chọn nơi nào làm quê hương" Mỹ hay Anh Quốc"

Đi một vòng thành phố Houston, Dallas và Oklahoma... tôi chọn nơi này, vì Houston là "miền nắng ấm" theo sự cường điệu của nhà văn L. V. Phúc. Phải nói là miền "nắng cháy" vì nóng, nóng, nóng...ơi là nóng, nóng tưởng phỏng người vì tôi từ xứ lạnh đến vùng này.

Vậy mà, tôi vẫn mê mệt nơi này, vẫn tìm thấy đầy đủ tình tự quê hương, đầy đủ tình cảm nhớ nhà mà tôi đã mất sáu năm qua, kế đó - đi tìm việc cũng dễ dàng, học hành không khó khăn, thức ăn thì rẻ rề v.v... Chung quanh thấy ai cũng có nhà, có cửa, hỏi thăm thì thấy không khó khăn khi tậu nhà, tậu xe, tậu những tiện nghi vật chất cho cuộc sống, bên cạnh thì chợ Việt Nam nhan nhản với đầy đủ thực phẩm quê hương khiến tôi hít thật sâu vào lồng ngực những hình ảnh này cho thỏa lòng thương nhớ.

Ngoài sinh hoạt của người Việt thì sinh hoạt của xã hội Mỹ thật là tấp nập, làm việc 7 ngày một tuần và 24 giờ mỗi ngày, lúc nào cũng thấy xe cộ ngoài đường, tiệm ăn vẫn phục vụ cả đêm, thuốc men cần kíp thì ra tiệm thuốc 24 giờ v.v... Mua sắm tất cả mọi vật dụng đều dễ dàng và rẻ so với mức lương của người đi làm, đã vậy thỉnh thoảng lại có trò sale thì tha hồ mua giá rẻ hơn nữa.

Ngoài chuyện ăn, mua sắm, ở Mỹ bạn còn có sự tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do sinh sống, tự do mọi vấn đề và thật sự là tự do chứ không như từ ngữ Tự Do của Việt Cộng chỉ là sáo ngữ mà thôi.

Nhờ tự do nên bạn có quyền lựa chọn người mình bầu và bạn cũng có quyền tự do ra ứng cử nếu mình thấy mình có khả năng thắng, và cơ hội thắng cũng có thể xảy ra, bạn không sợ mình là người thiểu số. Có tài thì có cơ hội lãnh đạo, có cơ hội thăng tiến trong công sở ở tại đất nước tự do này.

Bao nhiêu điều tốt đẹp đã có ở đây và chỉ có ở Mỹ mà thôi, bên cạnh những tốt đẹp thì chắc chắn cũng có những cặn bã như bạo động, chỉ vì quá tự do nên con người đâm ra quá trớn và làm những điều mà xã hội khác không có. Điều này chỉ là phụ thuộc nhỏ nhoi, chứ Mỹ Quốc vẫn là thiên đường, vẫn là nước văn minh vật chất nhất hoàn cầu là một nước mà bạn tìm lại được tình cảm quê hương bị mất mát, đến đây bạn sẽ thấy được sự đền bù ở lỗ hổng tình cảm này.

Vậy, còn nơi đâu hơn ngoài nước Mỹ" Do đó, tôi đã chọn nơi này làm quê hương sau Việt Nam. Ở đây, dù xa quê hương vạn dậm nhưng rau muống, tương bắc, cà pháo...vẫn tìm được. Còn tin tức thì cập nhật hóa từng giờ, bạn vẫn hiểu được cộng đồng của mình và quê hương của mình nhờ vào những phương tiện truyền thông hiện đại. Dù ở bất cứ nơi nào trong nước Mỹ, bạn vẫn thấy còn dòng máu Việt đang chảy trong chính trái tim mình.

Càng về lâu về dài ở Mỹ, tôi lại nhận thức rõ ràng hơn về hai chữ Tự Do, đó là hơi thở cho con người. Không có hơi thở thì con người có sống được không"

Nhìn nước Mỹ, sống và hưởng tự do tại nước Mỹ, tôi nhớ bố tôi, hiểu ông hơn và thấy rằng 25 năm qua Bố tôi đã đúng. Việt Cộng đã thực sự thua khi họ vào miền Nam, thua cay đắng, thua phũ phàng. Thiên đường Cộng Sản đã được bạch hóa phơi bày ra ánh sáng. Mặt nạ ẩn dụ sau bức màn nhung đã rớt. Cái mặt thật độc đảng độc tài độc ác đưa cả nước xuống vực thẳm lầm than, đưa con trẻ vào sự còi cọt, đưa trẻ em vào con đường thất học... Cả thế giới nhìn thấy bàn tay sắt của Việt Cộng. Ngay cả những người đang mang thẻ đảng viên, liệu còn ai tin vào đảng Cộng sản nữa không" Đúng là họ đã thất bại. Khắp thế giới, tượng Lênin đã đổ, tường Bá Linh đã sập, đảng CS Ba Lan đã rã, Nam Hàn Bắc Hàn thì đã và đang bắt tay nhau... Không biết đến chừng nào thì tượng Hồ Chí Minh bị lật nhào" Không xa lắm đâu, tôi vẫn chờ và vẫn giữ niềm tin nồng nàn như Bố tôi là: Không chỉ Việt Cộng mà toàn thể thế giới Cộng sản đã thua.

Tự do đang thắng. Mỹ thắng, người dân Việt thắng. Và tôi chọn nơi này làm quê hương để một ngày nào đó, tôi cùng đồng bào tôi về xứ sở xây dựng lại quê hương. Đồng bào nơi đây đã có đầy đủ vốn liếng dân chủ, tự do, vì đã học được ở đất nước này. Vốn liếng đó sẽ là nền tảng cho Việt Nam trong một ngày gần, và những vốn liếng này mới chính là con đường tiến đến sự lãnh hội văn minh của nhân loại. Còn con đường tiến lên XHCN, đúng như lời riễu của bà con ở quê hương ngày nào, chỉ là con đường "Xuống Hố Cả Nước" mà thôi. Tôi đã hiểu vì sao Bố tôi tin là Cộng sản không thể vào miền Nam. Ai ngờ CSVN ngu quá nên bò vào miền Nam để bị ngập chìm và sụp đổ.

Nhìn quanh thế giới hiện nay, chỉ có tại nước Mỹ mới có đầy đủ những điều kiện đủ sức hâm nóng tình tự VN và đầy đủ tư liệu để mọi người dân Việt đều học được sức mạnh của Tự Do, Dân Chủ sẽ dẫn đến phú cường. Nước Mỹ đã mở rộng tầm mắt của người dân, và chỉ có Mỹ mới thật sự cho người dân hòa nhập chung trong sự thăng tiến của xã hội loài người.

Hãy nhìn từng đoàn quân trí thức trẻ cũng như già người Việt Nam thành đạt nơi đây, bạn mới thấy rằng Mỹ đã tự do và cho chúng ta cơ hội phát triển, chúng ta mới nhận thức rõ ràng về tự do, chúng ta tự phát triển để thăng tiến cho chính mình và tùy theo sự lựa chọn của mình.

Cám ơn nước Mỹ đã cưu mang đàn chim Việt bị lạc bầy. Cám ơn nước Mỹ đã đào tạo những đội ngũ trí thức người Việt. Cám ơn những con dân Việt ở xứ sở này vẫn còn mang dòng máu Việt, vẫn giữ văn hóa Việt để hòa nhập đất nước Mỹ nhưng vẫn giữ cội nguồn riêng của chính mình. Cám ơn chính tôi đã quyết định lưu lại nơi này làm quê hương.

Thế thì... chần chừ gì nữa mà không cất tiếng hát chào đón nước Mỹ bằng bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang viết cho tuổi trẻ Việt Nam ngày xa xưa: "Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương..."

Nếu bạn không thích cuộc sống chạy đua với thời gian hay cuộc sống xô bồ của xã hội Mỹ thì cũng nên chọn nơi này làm quê hương đi. Ngoài Việt Nam ra, chỉ có nơi đây mới làm cho bạn đỡ nhớ quê nhà mà thôi, bạn ạ.

Tuệ Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến