Bài tham dự số: 19\VBST
Bà Phượng sinh năm 1948, hiện định cư tại Hayward, Santa Clara miền Bắc California.
Chi tiết đặc biệt: Ông bà chỉ mới đến Mỹ từ tháng 1 năm 2000, trong diện đoàn tụ với các con. Công việc đang làm đuọc bà ghi: làm việc nhà.
"Vạn sự khởi đầu nan"
Chưa bao giờ tôi cảm nhận câu châm ngôn này của ông bà ta hay và chí lý như lúc nàỵ
Vợ chồng tôi đặt chân tới Mỹ với nhiều yếu tố mà theo ngu ý của tôi, tôi cho là thuận lợi:
-- Tháng 1 năm 2000: mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự bùng nổ về khoa học-kỷ thuật, chắc chắn sẽ mang hạnh phúc nhiều nhất cho con người.
-- Là những thuyền nhân 11 và 17 tuổi, bơ vơ trên đảo hoang tháng 5 năm 1986, hai con trai của chúng tôi đã thành đạt và đã ổn định trên nước Mỹ sau 14 năm khổ nhọc và nổ lực trong máu và nước mắt của chúng để dâng cho cha mẹ niềm kiêu hảnh khi chúng tôi còn kẹt lại ở Việt Nam: chúng sợ chúng tôi thất vọng nếu chúng không ra gì trên đất khách khi không có cha mẹ bên cạnh.
Tới phi trường San Francisco lúc 9h PM ngày January/21/2000 sau bao nhiêu phập phòng, lo lắng từ lúc đi khám sức khỏe, rồi đi gặp phái đoàn Mỹ ở số 4, Lê Duẩn, Sài Gòn, rồi lựa chọn pack đồ đạt mang đi, rồi ngày ra phi trường Tân Sơn Nhất . . . Chúng tôi chất ngất hạnh phúc trong vòng tay của hai con trai và con dâu út. Mười bốn năm dài mong đợi, gia đình tôi mới có được ngày sum họp này. Tôi ngất ngưỡng ngẩn cao đầu, hít thật sâu bầu không khí tự do với những bước đi khẳng định trên cầu Golden Gate ngày hôm sau. Tôi lạ lẫm và thỏa mãn để khám phá và làm quen với những từ: điểm sấm, đi shopping, home depot, ừ hử, tao không "care" chuyện đó đâu mày ơi, . . .
Tôi thích thú tận hưởng sự yên tỉnh của khu phố nơi con trai út và ông anh cả tôi đang sống. Đâu đâu cũng thấy bãi cỏ xanh mướt, bông hoa đẹp, và các loại cây cho bóng mát mà vùng nhiệt đới không có. Rất bực mình cái bác nháo và dơ dáy của thành phố Sài Gòn mà tôi phải chịu đựng hơn nửa đời người vừa mớt được bỏ lại sau lưng, tôi thực sự sống và tận hưởng cái từ "được giải phóng".
Tôi đã từng khóc hết nước mắt lúc còn ở Việt Nam khi đọc hai bài essays của hai con trai tôi thuật lại chuyến đi hãi hùng tìm tự do. Chúng nhớ cha mẹ và quê hương da diết qua những bài văn, bài thơ đã được học hồi còn ở quê nhà:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày...
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng...
(Đỗ Trung Quân)
Năm tuần lễ ở San Jose thăm bà con và thăm vài thắng cảnh vùng Cali: nào Muir Woods, nào Yosemite, nào Carmel, nào Monterey, nào Reno, nào tu viện Kim Sơn . . . Quả thật, thiên nhiên và con người nước Mỹ đã cho tôi những khái niêm ban đầu tốt đẹp: hùng vĩ và thân thiện. Hồi còn ở Việt Nam, vì "cơm áo gạo tiền", chúng tôi bị chết dí ở Sài Gòn, ít được đi đây đi đó nhiều nhưng những cảnh đẹp hoang sơ của quê nghèo Việt Nam nay lại được "tiếp thêm" rác rưỡi của du khách đã từng làm tôi khó chịu và thất vọng. Nay, đứng trước những vách đá sừng sững ở Yosemite, con đường số 1 chạy dọc bờ biễn dài rất đẹp từ San Jose đến Monterey, rừng thông bạt ngàn trên đường đến tu viện Kim Sơn, tôi cảm nhận được cái nhõ nhoi và yếu đuối của thân phận con ngườị
Rồi, chúng tôi bay suốt chiều ngang nước Mỹ, về định cư hẵn ở Maryland với vợ chồng đứa con trai trưởng.
Chúng tôi tới Mỹ ở tuổi ngoài 50, không còn trẻ mà cũng chưa phải là quá già để ngồi nhà chờ con cái cung phụng mặc dù chúng tôi có thể có được những điều đó. Thế là vợ chồng tôi bắt đầu học và đi thi lái xe. Đúng là "vạn sự khởi đầu nan", "nan" từ việc nhỏ, huống gì chúng tôi đang gặp cái "nan" lớn: hội nhập vào dòng sống vĩ đại của nước Mỹ. Mọi người Việt ở Mỹ đều kháo nhau về hai cái khó lúc tới Mỹ là thi lái xe và thi vào quốc tịch. Bởi vậy, chúng tôi thi lần thứ hai mới đậu được cái bằng luật lái xe "dễ ợt" như bọn trẻ nhà tôi nói. Rồi sau đó là những lần apply xin việc, được phỏng vấn tốt mà về nhà cứ phập phòng sợ "bị kêu" đi làm vì tôi chưa được phép lái xe. - Maryland, từ tháng 7 năm 1999, bốn tháng sau khi thi đậu luật mới được phép thi lái. - xứ này, không có chiếc xe hơi thì coi như cua gãy càng!!! Tôi bắt đầu cảm nhận được "cái giá" của sự hội nhập. Chúng tôi thấp thỏm đếm từ ngày thời gian chờ đợi bốn tháng như chờ đợi trong mười năm để có được cái bằng lái xe. Quỉ thời gian giành cho chúng tôi còn quá ít. Chúng tôi bắt buộc phải vội vã quá đáng. Các con tôi biết vậy nên luôn luôn trấn an:
"Mẹ ơi, Mẹ mới tới Mỹ có hai tháng thôi mà !!!"
Hình như Ông Trời luôn luôn giành cho mỗi con người một cái thắng. Ông thắng mọi người lại, Ông không cho ai vui vẻ lắm, hạnh phúc lắm!!! Tôi không thoát khỏi qui luật đó.
*
Những ngày vui qua mau . . .
Tôi như trên trời rớt xuống khi nghe tin anh tôi đưa mẹ tôi vào Nursing Home. Hai ngày sau khi biết tin, tôi tức tốc bay từ Maryland qua San Jose, bốc Mẹ tôi ra khỏi chỗ này. Còn quá sớm khi mẹ tôi phải vào đây. Tôi sợ mẹ tôi, người đàn bà Châu Á 78 tuổi với những tư tưởng cổ hủ từ muôn đời, bị giảm thọ vì cho rằng con cháu bỏ rơi.
Thêm một thế hệ nữa trong gia đình. Chúng tôi không tiện ở chung với con cái được nữa rồi. Tôi trăn trở bao đêm để miễn cưỡng đi tới quyết định: ở lại Cali và thuê nhà.
Chúng tôi đã từng trải qua "những cuộc bể dâu", nhất là từ năm 1986, khi mẹ và hai con tôi bước chân xuống chiếc thuyền mong manh và ra khơi. May mà không bị "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
Đã bao lần chúng tôi vấp ngã, thay đổi, cố đứng lên và bắt đầu lại từ con số không và đã thành công nhưng những lần đó chúng tôi còn trẻ. Nay thì khác rồi, trên 50 tuổi, "Trí cùn - lực kiệt", xã hội mới, cái gì cũng lạ lẫm, cũng mới mẽ. Chúng tôi đang có quá nhiều "challenge" cần vượt qua trên đất mới:
-- Vốn tiếng Anh nghèo nàn đang có, nhất là khả năng nghe và nói .
-- Tay trắng từ tiền bạc cho tới nhà cửa, việc làm.
-- Nuôi mẹ già bị bịnh Parkinson
Chúng tôi sợ sự thay đổi, chúng tôi sợ phải học cái mới. Mà ở nhà thuê thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Chừng này tuổi, sắp có cháu nội rồi mà cũng chưa làm chủ được cái nhà, chưa làm chủ được đời mình. Chỉ chừng ấy suy nghĩ cũng đã làm tôi trào nước mắt. Nhưng bên cạnh vợ chồng tôi có hai con trai tôi động viên và hổ trợ mọi mặt. Chúng tôi có những tấm gương vượt khó thần kỳ của những người Việt trước tôi tới Mỹ. Chúng tôi có được bối cảnh là một nước Mỹ đa chủng tộc và biết trân trọng tài năng. Tôi hy vọng "những ngày gian nan" thuở ban đầu của chúng tôi sẽ qua nhanh và gia đình nhỏ nhoi của riêng tôi cũng giống như gần hai triệu người Việt tha hương khác trên đất Mỹ đã gian nan và đã thành đạt.
Tôi cám ơn nhà nước Mỹ đã nuôi dạy hai con tôi nên người - từ tư cách cho tới tri thức - như ngày hôm naỵ
Tôi cám ơn nhà nước Cộng Sãn Việt Nam đã bức bách thúc đẩy chúng tôi để gia đình tôi tới được và sống được trên đất mới.
"Đất lành chim đậu"
Chúng tôi sẽ sống, vui vẻ nhận mọi thử thách và xây dựng quê hương thứ hai này. Truyền thống vượt khó của cộng đồng người Việt tha hương, của gia đình, luôn nung nấu trong tôi những ngày này. Nhất định chúng tôi sẽ vượt qua tất cả.
Chân trời đang rộng mở cho tất cả mọi người Việt kiên cường trên đất Mỹ.
P. P.
Hayward, Tháng 5, 2000