Hôm nay,  

AQ Tạ Ơn

30/12/201400:00:00(Xem: 17581)

Tác giả: Màu Xanh Nhỏ
Bài số 4426-14-29826vb3123014

Tác giả tên thật Nguyễn Vi Lam, 35 tuổi, hiện là cư dân Sacramento, cho biết ông đã theo dõi chương trình Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm nay. Đây là bài dự thi đầu tiên của tác giả. Mong ông tiếp tục viết.

* * *

Đây không phải là nhân vật A Quay hay A Quế trong câu chuyện của Lỗ Tấn "A Q Chính Truyện"; mà là một anh chàng đang sinh sống tại thủ phủ Sacramento tiểu bang California! Người viết "thay lời muốn nói" để gởi đến người đọc những tâm sự, những trăn trở của anh.

*

Reng! Reng! Reng... Tiếng alarm kêu in ỏi! AQ vớ tay tắt alarm nán ngủ thêm một chút. Lăn qua lăn lại trong chăn ấm, thật tình anh chẳng muốn dậy đi làm! Ba giờ sáng - Đây là lúc ngủ ngon nhất, mặc dù khoa học chứng minh giấc ngủ sâu nhất, chất lượng nhất là giấc ngủ đầu hôm. Bên cạnh, cô vợ đang say trong giấc nồng. Chặc! Nán thì cũng 5-3 phút thôi rồi cũng phải dậy đi làm dù muốn dù không. Đúng là "ghét của nào trời trao của ấy", AQ là chúa dậy trễ vậy mà giờ đây việc làm đòi hỏi anh phải dậy từ tờ mờ sáng mỗi ngày!

Sau khi vệ sinh cá nhân, AQ pha cho mình ly cà phê nóng, đề máy xe rồi nhâm nhi điếu thuốc! Đó là cách làm nóng cơ thể mỗi buổi sáng trước khi đi làm của anh. Cô vợ và mấy thằng bạn thân cứ "lên án" thói xấu này - vậy mà anh có bỏ được đâu. Biết là thuốc lá hại sức khỏe, gia tăng quá trình lão hoá, gây nguy cơ ung thư cao, làm kém sự thèm ăn... nhưng 1 ly cà phê, 1 điếu thuốc lại giúp anh tỉnh táo cho một ngày làm việc vất vả. Là tài xế xe tải anh cần nhất sự tỉnh táo để tập trung lái xe! Thêm vào đó ngồi 5-10 phút hút điếu thuốc với anh "như nhà tu ngồi thiền"- anh thấy lòng mình lắng lại, có chút gì đó thanh thản, cởi mở dễ dàng chấp nhận hiện tại, chấp nhận cuộc sống hơn.

Ra khỏi nhà tới bãi đậu, việc làm đầu tiên là kiểm tra dầu nhớt, thắng lốp, rồi khởi động máy xe... rời bãi cũng hơn 4 giờ. Có đi làm thật sớm thế này mới biết đường xá, con người và xã hội Mỹ không bao giờ ngủ. A Q đã đi làm sớm rồi vậy mà có nhiều người còn đi sớm hơn. Còn những người đang say trong giấc nồng thì vài tiếng đồng hồ sau họ cũng sẽ tất bật với công việc của họ, và dĩ nhiên họ sẽ hoàn tất công việc sau AQ. Có nhiều công ty mở cả 3 ca, 24 tiếng 1 ngày. Cứ thế kẻ đi người về làm xe cộ tiếp nối xe cộ!

Hôm nay AQ tiếp tục làm công việc cho hãng Archer, anh sẽ lấy dầu hắc từ nhà máy rồi kéo về Stockton cho công nhân hoàn tất đoạn cầu bắc ra freeway I5. Đoạn cầu đường này đã thi công vài tháng nay, qua nhiều giai đoạn, trình tự với đoàn đoàn người xe hối hả. Những ngày đầu mới thi công, hàng chục xe double dump (*) như xe AQ kéo đổ đất đá nối tiếp nhau, rồi những xe end dump (**) bổ xung đất đá cho những nơi nhỏ hẹp. Khi đất đá được đổ xuống nào là xe ban đất, máy đầm đất, xe với vòi nước tưới cùng đội công nhân, kỹ sư cầu đường làm việc cật lực.... Và vậy đó, chớp mắt đoạn cầu đường sắp hoàn thành!

Hơn 3 năm từ ngày AQ chuyển sang lái xe Truck. Ngày mỗi ngày biết rõ hơn, chi tiết hơn cách xây dựng cơ sở hạ tầng của nước Mỹ anh càng khâm phục sự tính toán, cách sắp xếp, sự quy hoạch hợp lý của bộ giao thông và quản lý đô thị Mỹ. Cũng chính vì vậy việc làm và bảo trì đường sá, cầu cống rất nhanh chóng, có hiệu quả lại ít tốn kém. Theo thống kê Mỹ là nước làm đường sá rẻ và chất lượng nhất thế giới. Một dặm đường trong thành phố mất khoảng 338,000 mỹ kim, một dặm đường xa lộ cần kinh phí 1 triệu mỹ kim. Và thật kinh khủng- VN sẽ phải tiêu tốn cỡ 10 triệu mỹ kim cho 1 dặm đường nhưng chất lượng “siêu khiêm tốn -chưa hoàn tất đã sụp lún, hư hại".

Cứ kéo hết chuyến đất đá này đến chuyến dầu hắc kia, nhựa đường nọ. Hàng ngày từ xe tải cao AQ thấy biết bao là "chuyện trên đường": nào là phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn, nào là cứ "nhởn nhơ" lái xe như đã mua đứt cả đường phố, nào là cứ vừa lái vừa nói hay text phone, hay quí cô quí bà tranh thủ lúc đèn đỏ tô ít son ít phấn cho mình, cũng có những người quá bận rộn "vừa lái xe vừa ăn" lót lòng trước khi đến chổ làm. Còn với cánh tài xế xe tải như anh những lúc đợi xe xúc hay đổ đất chính là lúc tranh thủ ăn uống và nghỉ ngơi ngay trên chiếc xe của mình. AQ tự nhủ "thật chán, không có đến thời gian ăn dù là mấy món nguội lạnh đem theo từ sáng sớm". Ở Mỹ con người cứ chạy đua với thời gian và vật lộn với cuộc sống, với công việc nên 12 con giáp chỉ còn mỗi tuổi "con trâu"- Có vậy mới có sức cày cấy. Công việc của anh mới nhìn vào tưởng dễ nhưng thật chất rất căng thẳng. Phải tranh thủ từng phút một cho công việc trôi chảy.

Rồi cũng đến giờ về, sign out cho AQ là một người đàn ông Mỹ trắng luống tuổi. AQ vừa leo xuống xe đưa giấy tờ cho ông ký, ông đã nheo mắt đùa:

- "Oh my god, I thought the truck ran by itself! "

A Q cũng vui vẻ trả lời: "How? I weigh 120 pounds, why you can't see I drove the truck?"( đa số tài xế xe tải là những anh chàng to lớn Mỹ trắng hay Ấn Độ )


- You're so tiny man! What's your nationality? Ông tiếp tục.

- I am Vietnamese. A Q trả lời ông.

Ông reo vui "I'm right, I did guest you're Vietnamese."

Và rồi ông đứng nghiêm nghị chào AQ theo kiểu nhà binh. Ông tâm sự, ông từng là một người lính, cũng biết rất rõ về cuộc chiến thảm khốc tại VN, rất có thiện cảm với người Việt. Ông cũng mong muốn có một lần trong đời đến thăm đất Việt.

Cuộc nói chuyện làm AQ liên tưởng đến bản thân mình. Anh được sinh ra và lớn lên tại "thành phố lính- Pleiku". Ba anh lại là một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Ba luôn là thần tượng, là niềm hãnh diện, sự ngưỡng mộ và ước ao vươn tới của anh. Với ký ức tuổi thơ anh vẫn nhớ như in ngày xưa cũ ấy! Ba đi đánh trận, anh ở nhà với má và các chị em. Có những bận gia đình nghe tin dữ - đồn ba đóng thất thủ, rồi ba đi biệt không về.

Trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, ba mất tích làm cả nhà lo lắng, hoang mang... thì hơn 20 ngày sau ba cả người xác sơ cùng vài đồng đội trở về từ cõi chết! Đánh bao nhiêu trận với bao gian khổ hiểm nguy, ba may mắn sống sót, tinh thần vẫn lạc quan, đôi mắt vẫn sáng ngời tinh anh. Vậy mà sau tháng 4 năm 75 đôi mắt ấy lịm dần, tinh thần sa sút, chỉ còn lại tấm thân tàn lê qua những trại tù cộng sản!

Tháng 10, 11 năm 1989 bắt đầu chương trình HO, bao gia đình đã sang Mỹ sống một đời sống mới trên một đất nước tự do, dân chủ, văn minh và giàu có! Có những bất đồng trong gia đình nên mãi đến 1994 gia đình AQ mới hoàn tất mọi thủ tục, thì oái oăm thay, nước Mỹ đổi luật, AQ và 2 người con lớn trên 21 tuổi khác bị bỏ lại Việt Nam. Bảy năm sau với tu chính của thượng nghị sĩ McCain thì mọi thành viên gia đình mới thật sự bước sang trang mới.

Lúc sang Mỹ định cư AQ đã có vợ và sắp làm cha. Được sang Mỹ là một niềm hạnh phúc, nhưng với hai mặt của một vấn đề, thì sự trở ngại ngôn ngữ và không bằng cấp chuyên môn là mặt tiêu cực. Vì vậy AQ đã phải làm mọi việc có thể để sinh tồn để nuôi sống vợ con. Anh làm ở chợ 1 đồng, warehouse, delivery furniture, phụ bếp, chạy bàn nhà hàng, construction... Có lúc quá cơ cực, túng thiếu anh đã ước gì "có thể hốt lá vàng rơi đổi lấy tiền". Rồi cơ duyên đưa đẩy anh trở thành tài xế xe truck, sau đó thì mua hẳn xe tự lái. Quả là cuộc đời xoay theo 1 vòng lẩn quẩn.

Gần 20 năm về trước AQ cũng từng điều khiển hàng chục xe tải đổ đất đá cho công trình đoạn đường Kon Tum, Sa Thầy (ngã ba Đông Dương). Rồi nhà nước cộng sản đổi thiết kế làm bao nhà thầu điêu đứng, phá sản trong đó có anh. Giờ đây làm lại công việc xe xúc đổ đất đá cho công trình lòng AQ không khỏi bùi ngùi gợi nhớ. Mặc dù nghề nào cũng có cái khó riêng, nhưng với một người đến nước Mỹ muộn như AQ mà tìm được công việc tự làm chủ bản thân như thế này đã là quý.

Sau 14 năm phấn đấu, học hỏi và hoà nhập, nước Mỹ đã thực sự là quê hương thứ 2 của anh. Được an cư lạc nghiệp như ngày nay cũng nhờ ba anh từng là sĩ quan, nhờ biết bao đồng đội của ba vào sanh ra tử, nhờ những người HO qua trước vận động để cuối cùng thượng nghị sĩ John McCain đệ trình tu chính đem những đứa con trưởng thành của sĩ quan cộng hoà đoàn tụ gia đình trên đất Mỹ. Nếu ba trong sâu thẳm tim AQ là thần tượng, thì ông John McCain lại là một ân nhân lớn nhất đời anh.

Phần AQ đã được, dù có than thở phải làm việc cực nhọc nhưng so với biết bao đồng bào nghèo khổ ở Việt Nam thì anh đã hơn gấp trăm lần- nhất là so với những thương phế binh Việt Nam cộng hoà và gia đình của họ bị bỏ rơi lại Việt Nam. Họ đang sống nghèo khổ, bệnh tật, tàn phế, không hy vọng, không tương lai... bị đối xử tồi tệ trên chính quê hương mình. Họ đã và đang sống "trong địa ngục trần gian" đằng đẳng mấy chục năm trời - kéo dài 1 kiếp đa đoan! Mà lẽ ra với những cống hiến, những hy sinh thân xác đó họ phải được vinh danh, phải được đối đãi như những anh hùng. Vậy thì đồng bào, những huynh đệ chi binh hãy giúp đỡ và kêu gọi giúp đỡ. Nhất là nước Mỹ ơi hãy giúp đỡ và cưu mang họ- những người đã một thời từng sát cánh, từng là đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam và cả chiến trường Đông Nam Á!

Không hề quay lưng với chiến hữu, hằng năm hội HO với hội trưởng là bà Hạnh Nhân đã tổ chức chương trình "Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh" đã quyên góp hàng trăm ngàn đôla để giup đỡ thương phế binh và cô nhi quả phụ Việt Nam Cộng Hoà còn ở lại quê hương. Cũng với tinh thần trên, nhiều nhân vật thiện chí trong đó có Nhạc sĩ Trúc Hồ đã và đang vận động với các chính trị gia. Hy vọng một ngày không xa tất cả thương phế binh còn lại đều được định cư tại Hoa kỳ! Xin nghiêng mình trước nghĩa cử này. AQ nguyện sẽ góp một bàn tay cho những chương trình " rất tình người " này.

Sacramento 12/2014

Màu Xanh Nhỏ

(*) loại xe làm công trình kéo 2 thùng, khi cần đổ đất đá sàn xe sẽ mở ra nên được gọi là double dump hay bottom dump

(**) xe tải 1 thùng đổ đất đá bằng cách chỏng một đầu lên

Ý kiến bạn đọc
12/01/201521:09:45
Khách
Vậy là Màu Xanh Nhỏ đã được lớn lên trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa, nên cách giải thích có khác với văn học ngày xưa trước 1975. Phẩm chất không thể dùng cho con người, mà phải nói là hạnh kiểm, đức tính v.v... Ví dụ: Trò A là một học sinh giỏi mà lại còn có thêm hạnh kiểm tốt! Đồng ý là ngôn ngữ ắt phải có thay đổi theo thời gian, nhưng điều đó không có nghĩa là cứ nhắm mắt mà thay đổi để rồi cái nghĩa nó không còn đi đôi theo cái chữ, thế thì thà đừng thay đổi xem ra hay hơn. Ví dụ: Ngày nay cử nghe ra rã những đài TV hay radio ở phố Little Sài Gòn nầy dùng chữ liên hệ thay cho chữ liên lạc sau phần quảng cáo của 1 cửa tiệm nào đó. Liên hệ = relate; liên lạc = contact... Thử hỏi có nên thay thế như vậy không?
Thôi thì thế nầy nhé nếu MXN nghĩ là chữ nghĩa sau nầy của bọn việt cộng dùng là đúng thì hãy cứ tiếp tục. Riêng tôi, tôi chỉ xin góp ý vì nhỡ con tôi có vào đọc thì chúng cũng không cấn phải thắc mắc nữa, bởi tôi đã có lên tiếng rồi về cái đúng, cái sai của chữ nghĩa ngày nay và chữ nghĩa thời VNCH.
12/01/201517:35:20
Khách
Bài viết càng về sau càng cảm động. Nội dung nhẹ nhàng, truyền tải cách sống biết trứơc biết sau. Mong tác giả tiếp tục viết !
10/01/201508:39:47
Khách
Wowang không rõ nam hay nữ, chỉ đọc được " dạy con tiếng Việt hằng ngày" nên đóan đã có tuổi- xin gọi bằng chú vậy. Cám ơn chú đã đọc bài viết kỹ lưỡng nên trong mấy ngàn chữ mà chú "tìm" ra cách dùng từ của cháu! Cháu năm nay 35 tuổi nên cần học hỏi thêm là lẽ thường, nhưng góp ý của chú lại không chính xác !
"Thiên hạ" là số nhiều,nên theo số đông chú à! Chất lượng thường dùng cho sự việc, vật thể; còn phẩm chất được dùng đánh giá con người. "Quá trình" để chỉ một sự việc mình đã biết truớc kết quả, 1 sự thật hiển nhiên. "Tiến trình" để nói về việc chưa biết là kết thúc là kết quả ( dùng chung cho cả 2 ý nghĩa tốt, xấu), hiệu quả ( tốt), hay hậu quả ( xấu) . Người ta dùng : quá trình phát triển, quá trình lão hóa, tiến trình ( hay quá trình) hoạt động...
Ngôn ngữ là trù tượng, không có gì là tuyệt đối cả! Mỗi vùng mỗi địa phương có cách dùng từ và cảm nhận riêng...miễn là đừng quá sai lệch, dị lập để nhiều người có thể hiểu ( đương nhiên là không phải tất cả mọi người). Ví dụ: con heo và con lợn, ông trời và ông giời, đi đâu? và "đi mô" ( của người Huế ).
10/01/201507:11:40
Khách
Cảm ơn "Trung Đạo" đã "hiểu" cho những gởi gấm của tôi qua bài viết đầu tay! Hy vọng Trung Đạo sẽ tiếp tục đón nhận những bài sau!
08/01/201521:57:51
Khách
Tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao thiên hạ vẫn dùng chữ chất lượng để chỉ cho sự tốt, xấu, bến bĩ, hay, dở thay vì chữ đúng nghĩa phải là chữ phẩm chất! Ngoài ra quá trình lão hóa trong đây dùng cũng không được chỉnh lắm, bởi vì nhân vật trong truyện vẫn còn đang trong tiến trình từ trẻ sang già mà, cho nên phải dùng là tiến trình lão hóa thì mới chỉnh hơn... Quá trình là sự việc đã xảy ra rồi! Cón tiến trính là ở thì hiện tại hoặc tương lai gần.... Xin tác giả đừng trách móc tôi, bởi tôi vẫn dạy con cái của tôi tiếng Việt hằng ngày và lo sợ lỡ chúng có vào đây đọc, mà lại thấy khác cách tôi chỉ dạy chúng thì hơi kẹt cho tôi, nên tôi đành lên tiếng trước xin góp ý một tí vậy thôi.
30/12/201418:38:18
Khách
Bài rất cảm động , nói lên mặt khổ cực vất vã của một nghề lao dộng chuyên môn ở Mỹ mà nguời tỵ nạn phải làm để mưu sinh, nghề vốn chỉ dành cho dân bản xứ to con lực lưỡng, mà ít người biết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,958,443
Với bài “Lính Mỹ Gốc Nail” và 5 bài khác trong năm, tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Trần Du Sinh cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nươc Mỹ. Sau nhiều năm phụ vụ như một viên chức tại miền Đông, bà chọn Little Saigon làm nơi hưu trí và tìm thấy an bình. Sau đây là bài viết mới nhất.
Trọng tội của chàng tài tử là chuyện 25 năm xưa: hai người Việt vô can bị chàng rủa xả và hành hung thậm tệ. Tác giả bài viết đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
“Hồ Trường” là bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 của danh sĩ Quảng Nam Nguyễn Bá Trác (1881-1945), viết trên đất Tầu trong thời ông hường ứng phong trào Đông Du.
Từ một góc cà phê Starbuck, nhìn đường phố và thế giới mù sương. Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Trong những ngày chờ Lễ Giáng Sinh năm nay, miền Bắc California có trận bão lớn. Mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng viết về người bạn thân từ thủa học trò Tuy Hoà. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Như tựa đề, bài viết là một chuyện kể cảm động xẩy ra trong một chiều giáng sinh. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học.
Tác giả là một viên chức hành chánh, sau nhiều năm làm việc tại miền Đông, đã chọn Little Saigon để hưu trí. Với nhiều bài viết đặc biệt, bà cũng đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước.
Người Việt đầu tiên ở Quận Cam từ thời 1957 là điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn. Tác giả bài viết là người đã cấp thẻ nhà báo cho Ẩn.
Tác giả là một nữ kỹ sư hiện cư trú tại Austin, Texas. Với but hiệu Chúc Chân, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ.