Hôm nay,  

Mù Sương Tháng Chạp

26/12/201400:00:00(Xem: 15829)

Tác giả: Phan
Bài số 4422-14-29822vb6122614

Từ một góc cà phê Starbuck, nhìn đường phố và thế giới mù sương. Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài Viết Về Nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013.

* * *

Nơi tôi ở, ai thường đi làm sớm sẽ thấy mùa sương về khi trời chớm thu. Những sáng tháng mười trời đã thôi rạo rực một ngày nắng bắt đầu, không gian tĩnh lặng hơn với màn sương sớm mờ phủ núi đồi xa, hàng cây bên đường thôi xào xạc gió hạ để trầm mặc, cánh chim trời thôi há mỏ sinh nhai lao đi những đường bay mạo hiểm, đôi cánh bạc màu khép lại mùa qua trên cột điện. Con chim chết cô đơn trong cái gắp rác của người công nhân Sở vệ sinh thành phố. Cánh thiên di đã bỏ đường bay, hay người ngồi quán thường bơ vơ sau vất vả ngày thường...

Và làn sương ru hồn người bềnh bồng nhuốm lạnh khi tháng mười hai về. Không gian xám với núi đồi như đã thoát khỏi tầm tay, hàng cây đứng bên đời khô khốc, những cánh chim bặt tăm... Tháng mười hai theo lịch Gregorius là tháng cuối của một năm, tháng có 31 ngày trong năm 365 ngày của mười hai tháng trong năm. Tháng mười hai còn có tên gọi là tháng chạp theo lich Tàu mà người Việt vẫn hay gọi là Âm lịch.

Ở phương tây, tháng mười hai đồng nghĩa với mùa lễ hội đã bắt đầu từ Lễ Tạ ơn cuối tháng mười một. Sang tháng mười hai với Lễ Giáng sinh, rồi bao rộn rã đón năm mới về... Làm nhớ tháng chạp ở quê xa, mùa gió chướng hanh khô tràn về không khí tết. Cái nắng nhạt đi trong làn gió hiu hiu thổi, chút lạnh hời áo đỏ, áo xanh, những bản nhạc xuân hắt qua bờ giậu làm chơi vơi lòng người lữ khách nhớ nhà. Nơi tuổi nhỏ chỉ còn những hàng cây sao thả xuống những bông dù xoay tít, góc quán cheo leo theo dòng đời làm người ta nhớ nhau khi năm cùng tháng tận.

Tháng mười hai mù sương từ một góc Starbucks nhìn ra phố xá Wylie. Con đường 78 sáng chủ nhật không còn những cỗ xe vùn vụt lao nhanh, xe thưa như ngày tết ở quê xa, ngoài đường chỉ vài người thưa thớt đi chúc tết bà con. Sao tôi lại không ở trong căn nhà thoang thoảng mùi nhang trầm, ngoài ngõ còn hăng mùi xác pháo giao thừa đêm qua. Sự yên lặng làm tăng lên không khí thiêng liêng ngày đầu năm ấy nay đâu? Sao tôi chỉ lẳng lặng cầm cái laptop rời nhà để ngồi cô lẻ trong góc quán cà phê, không nghe được một tiếng động nhỏ nhoi mà hào hứng như tiếng pháo chuột ở quê xa, không nghe được một lời đơn giản như câu chào hỏi nhau bằng tiếng Việt. Không có ai trong nỗi đợi chờ ngoài tháng mười hai lại về bên đời hiu quạnh...

Mồ hôi kính chảy sọc dưa nơi Starbucks nên tôi thấy được bên ngoài trời vẫn mù sương. Hớp ngụm cà phê trong cái ly giấy, nắp nhựa, đường vàng, quấy bằng cây que gỗ; mà nhớ cái nồi ngồi trên cái cốc với cái muỗng nhôm đã vĩnh viễn trở thành hoài niệm. Cuộc tha phương nào chả mù sương khi người đi bước vào tháng mười hai của cuộc đời.

Thế giới một năm qua trong mù sương cuối năm 2014 ở Wylie-Texas. Nước Mỹ vào mùa với luồng khí lạnh khác thường từ bắc cực thổi về tận cùng nam là Florida. Những gì còn nhớ được từ thế giới ảo nơi Starbucks này trong năm qua?

Dường như việc thế giới tổ chức Lễ Kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6 là lời cầu an cho cuộc cách mạng dù ở Hong kong. Tạ ơn Thượng đế đã đoái hoài tới dân tộc lớn trong tay bọn cường quyền nhỏ.

Sự kiện khác nổi bật trong năm 2014 là sự không may của hãng hàng không Malaysia, hai vụ tai nạn phi cơ liên tiếp xảy ra với tháng 3/2014, chuyến bay MH370 của hàng không Malaysia Airlines mất tích trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh (Beijing). Cuộc tìm kiếm 239 nạn nhân kém may mắn đến nay hãy còn vô vọng. Đến tháng 7/2014, hỏa tiễn của Nga bắn rơi một chiếc boeing 777 cũng của Malaysia Airlines trên không phận Ukraine, 298 hành khách lẫn phi hành đoàn đều tử nạn. Gương mặt KGP hắc ám từ thời chiến tranh lạnh lại làm đau lòng người tới bao giờ trên thế giới, (nhân loại) mới hết ám ảnh, đau buồn với họa cộng sản.

Tháng năm. Khu tưởng niệm và bảo tàng "National September 11 Memorial Museum" được khánh thành để tưởng nhớ biến cố World Trade Center ở New York bị khủng bố. Người Mỹ sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị tấn công ngay trong nội địa. Nghĩ theo một cách riêng nào đó, khi thế giới chứng kiến Hoa Kỳ bị tấn cống ngay trong nội địa thì vùng trời bình yên đã thực sự không còn ở bất cứ nơi đâu trên quả địa cầu cho người ta yên vui. Thế kỷ của dịch bệnh và khủng bố khai tiệc với 3.000 xác người ngay trên thiên đàng Mỹ quốc.

World Cup 2014 tổ chức trên thánh địa của bóng đá là xứ sở Brazil vào tháng 6. Nhưng những nghệ sĩ sân cỏ áo vàng lại phơi áo trước đoàn xe tăng Đức. Nỗi buồn Brazil khó quên khi nhớ về năm 2014.

Thế giới bất an với dịch Ebola khởi đi từ Guinea vào cuối năm 2013, sau đó lây sang Liberia và Sierra Leone. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) ước tính đến tháng 12/2014 sẽ có hơn 18.000 người bị lây nhiễm và 6.500 người tử vong.

Lò lửa Trung đông nổ ra cuộc nội chiến ở Syria từ tháng 3/2011, đã có 200,000 người chết khi bước sang năm thứ tư, và chiến tranh không bao giờ dứt ở cái nôi của sự cuồng tín và hận thù. Cố tổng thống Sadam yên nghỉ với cái dây thòng lọng của phương tây, để lại một đất nước Iraq không thể thiếu một bạo chúa trị vì cái xã hội cuồng tín, tối tăm. Nên một Sadam bạo chúa chết đi thì nhiều Sadam bạo tàn khác sinh ra với cải danh là các tay súng thuộc "Quốc gia Hồi giáo" hay ISIS.

Nhìn về phương Đông, cuộc cách mạng dù nổ ra ở Hong Kong với đa phần người biểu tình là sinh viên học sinh, phản đối Bắc Kinh không cho họ tự do chọn ứng cử viên đứng đầu chính quyền Hong Kong trong các cuộc bầu cử tương lai. "Umbrella Revolution - cuộc cách mạng dù" diễn ra năm 2014, nhưng đánh dấu thời đại tuổi trẻ xuống đường.

Tháng 8/2014. Bùng phát cuộc bạo loạn chống đối kỳ thị màu da nổ ra ở thị trấn Ferguson, sau khi người thanh niên da đen Michael Brown ngã xuống vì họng súng phân biệt chủng tộc mang theo viên đạn pháp luật Hoa Kỳ của một cảnh sát da trắng. Làm người ta nhắc tới cha đẻ của đạo luật xóa bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ, nhưng cũng chính là người từng để lại cho hậu thế câu nói đáng suy nghĩ về màu da trên đất nước Hợp chủng quốc này. Tổng thống Abraham Lincoln từng thẳng thắn nhìn nhận: "không đời nào có sự hòa hợp chủng tộc giữa hai giống dân đen và trắng; giữa họ có những sự khác biệt mang tính trời sinh mà con người không tài nào hóa giải được."


Cuộc xuống đường đòi công lý mất ý nghĩa vì song song với những người da màu đòi công lý có quá nhiều người cùng màu da tiến hành hôi của, đốt phá vô trách nhiệm...

Tháng mười một, Đảng Cộng Hoà nắm được lưỡng viện trong tay sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ ngồi chơi xơi nước tới mãn nhiệm. Nhớ 1 giờ 30 đêm hôm nào, nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp gởi ra cái email; "từ nay đã hết gọi là nhà trắng rồi anh em ơi...! Ông John Mc. Cain đã gọi điện thoại chúc mừng ông Barack Obama..." Tôi viết luôn bài báo "black house". 5 giờ sáng hôm sau thức dậy, đã thấy chạy trên website Cali Today. Còn nhớ những ý kiến đóng góp của độc giả gió chiều nào che chiều nấy, thì người anh hùng da màu đã ngồi chơi xơi nước ngay khi còn tại chức. Sự đời.

Tháng mười hai, mùa Giáng sinh và Năm mới lại vang lên những giai điệu "Jingle Bells" "We Wish You A Merry Christmas" "Silent Night"... niềm tin yêu hy vọng từ những ca khúc bất hủ sưởi ấm không gian xám và lạnh lẽo của mùa đông. Tuyết trắng làm cho màu xanh của cây chrismas tree xanh thêm, êm đềm; màu đỏ của trạng nguyên hoa điểm tô thêm sắc màu ấm cúng trong từng căn nhà mùa đông, làm người ta động lòng trắc ẩn với những kẻ không nhà, ấm áp của người được ơn trên ngó xuống chả bù cho kẻ bị lãng quên.

Trời mù sương bên ngoài quán cà phê thơm lừng mùi cappuccino và mùi nước hoa theo lọn gió cửa mở đánh thức ký ức, khiến người ngồi huyễn mộng với mù sương, những tiếc nuỗi trôi vào quên lãng trong lãng quên đời thường. Thêm một khoảng thời gian nhất định là 365 ngày khác đang đến để vùi chôn cung thời gian 365 ngày của năm 2014 sắp hết. Thế giới chẳng có gì đổi thay ngoài một số người mệt mỏi bước xuống chuyến xe đời để nhường chỗ cho những người háo hức bước lên.

Trời mù sương tháng chạp khiến lòng người chùng xuống với kỷ niệm, dư âm từ quá khứ vọng về. Nỗi đau không muốn nhớ nhưng cũng chẳng thể quên u uẩn trong đời. Ngồi đọc lại tùy búy "cây cà phê" trong quán cà phê vào một sáng mù sương tháng chạp. Lòng tôi chơi vơi, không biết về đâu từ tháng chạp đã viết tùy bút này, và cũng không dám tin vào tháng chạp nào được biết. Tuỳ bút “Cây cà phê” ngắn thôi, như lá thư không gửi vì không biết gửi ai:

Cây hồng dại bên hiên tòa báo, anh gọi là cây cà phê từ hôm lá thu bay. Anh vẫn ngồi với băng ghế cũ. Mùa xuân đi qua, những búp lá rụt rè cuối đông e ấp, tiếng chim cười. Những mùa xuân trở xanh lá hạ, lá còn xanh nên anh vẫn đợi. Chợt chiều hè hoa rụng rơi bay, hoa lìa cánh rụng vàng trên mặt đất, có tâm sự cùng cỏ xanh những gì đã mất, em chưa một lần tâm sự với anh. Lá thâm kim úa vàng, cành trơ trái mọng. Thu về rồi đó em, vàng phai chất ngất.

Mưa nắng và thời gian làm ghế bạc màu, một thanh gỗ gãy mất, chắc ai đó đã đứng lên trên ghế để hái trái bằng gót chân vô tình. Như người ta thường giẫm đạp lên nhau, để lại vết thương lòng mà người giẫm không hay biết. Thời gian và cuộc sống đã xói mòn lòng tin đơn sơ. Những ngày xưa, anh đã đi tìm thanh gỗ khác để đóng vào. Không biết sao sự cầu toàn, hoàn thiện trong anh không còn thôi thúc. Một chút không hoàn thiện có vẻ thực hơn, tự nhiên hơn trong đời chắp vá. Băng ghế cũ mang thương tật trên mình sau tháng năm tận tụy, anh mang vào chữ nghĩa vết thương tâm khi chiếc lá cuối cùng vừa chơi vơi, ly cà phê cạn.

Cây cà phê gọi tên bốn mùa, anh gọi tên em. Gió đông về, áng mây quen, cánh chim di buồn bã, ly cà phê không đủ ấm đôi tay, bóng ngày qua... Sự bất an, cô đơn phủ phê hà hiếp, anh sợ bóng đêm về như lần đó chia tay, gió đêm không nhiều sao lá rơi bay, đường dài suốt như đêm dài thao thức, tình yêu bây giờ đã là sự thực, có cánh tay nào che khuất mặt trời đâu, em có về ngang hoa úa tình sầu, hoa lìa cánh rụng vàng trên mặt đất, có tâm sự cùng cỏ xanh những gì đã mất, em chưa một lần tâm sự với anh, cuộc chia tay nào cũng đến rất nhanh, anh còn lời nào để nói với em, những cánh hoa vẫn rơi rớt êm đềm, vỗ nhẹ mối tình sầu em có biết, mây vẫn trắng trôi theo nhau biền biệt...

Em có về con đường ấy nữa không? Anh ngồi nhìn sự vững chãi với thời gian của cây cà phê cổ thụ, một sự thầm lặng bất tử, bởi thời gian chỉ được dùng để đo lường sự ồn ào. Âm thanh, náo hoạt nào cũng qua đi, thời gian chết vì không đo được sự thầm lặng. Gốc cây cà phê im lặng, già cỗi đến nứt ra ngoài vỏ, nhưng nhựa sống vẫn bền bỉ bên trong như anh nhớ em. Một ngày kia bến bờ cành khô rễ mục, cây về lại cội nguồn theo gió đến đây. Em về đâu, nỗi nhớ đong đầy. Đêm đã xuống ngọt ngào, gió mang sương khuya về nhẹ trên thân cây cà phê bị thời gian hủy hoại vì im lặng khác thường. Anh im lặng, đi giữa bầy thú dữ...

Mưa qua mùa, nắng cũng qua mùa, thời gian không trở lại. Gốc cây cà phê không chiến thắng ai hết, lòng anh không hận thù. Mưa đâu còn để thấy gốc cà phê cũng biết lạnh, nắng đâu còn để thấy gốc cà phê cũng đổ mồ hôi, thời gian không có thời gian để hoài niệm. Gốc thời gian quên mùa, anh ngồi đếm hư không giữa mùa lễ ngoài kia lên tiếng gọi, nụ cười ngôi sao không trăng, ánh mắt trẻ được quà, người homeless co ro trong tả tơi. Anh mễ tỉa cây, cắt cỏ, nhớ nhà, mặt buồn như tận thế, ngày qua.

Anh nhớ em trong xót xa quanh mình, niềm nhớ sang xuân. Mai sáng trời âm u, nghe có mưa trên vùng châu lục cổ xưa, rất xa, và em. Tháng ngày qua, mùa xa... Những giây mơ rễ má truyền về niềm nhớ lặng thinh. "thế giới vui từ mỗi lẻ loi". Cảm ơn em, thu tàn, đông xám, xuân sang và buổi tối. Xin cảm ơn hạnh phúc nhỏ nhoi như que diêm soi lối đêm về. Phan

Hãy yêu quý một ngày nào đó để qua đời, như một sáng mù sương tháng chạp đẹp não nùng ngoài kia. Giữ làm chi cố chấp, sai lầm với lòng thành của người khác để mãi mãi cô đơn, tuyệt vọng nhìn vào nỗi buồn của lòng mình mà chẳng bao giờ hỏi mình đã làm ai buồn? Tình yêu có cánh, không để thử tài thợ săn với cây cung mà thử thách lớn hơn là người ta hiểu được gì khi dương cung là đoạt mạng mình trước khi tên tới đích.

Tháng mười hai mù sương bên ngoài Starbucks Coffe ở Wylie, Texas. Con đường 78 hun hút về phía hồ Lavon. Những vạt rừng đẹp buồn vào mùa này, chạy dọc hai bên đường đã chỉ còn nham nhở cho những khu nhà mới mọc lên giữa hoang vu. Tôi không còn sức lái tiếp đến hồ để thoả lòng, nên quay về cứ địa của mình là cái garage đèn vàng đã lộp độp tiếng mưa thưa trên mái. Một ngày năm tàn tháng tận nữa đi qua trong đời...

Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,197
Với bài “Lính Mỹ Gốc Nail” và 5 bài khác trong năm, tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Trần Du Sinh cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa.
Tác giả tên thật Nguyễn Vi Lam, 35 tuổi, hiện là cư dân Sacramento, cho biết ông đã theo dõi chương trình Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm nay.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nươc Mỹ. Sau nhiều năm phụ vụ như một viên chức tại miền Đông, bà chọn Little Saigon làm nơi hưu trí và tìm thấy an bình. Sau đây là bài viết mới nhất.
Trọng tội của chàng tài tử là chuyện 25 năm xưa: hai người Việt vô can bị chàng rủa xả và hành hung thậm tệ. Tác giả bài viết đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
“Hồ Trường” là bài thơ nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 của danh sĩ Quảng Nam Nguyễn Bá Trác (1881-1945), viết trên đất Tầu trong thời ông hường ứng phong trào Đông Du.
Trong những ngày chờ Lễ Giáng Sinh năm nay, miền Bắc California có trận bão lớn. Mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng viết về người bạn thân từ thủa học trò Tuy Hoà. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Như tựa đề, bài viết là một chuyện kể cảm động xẩy ra trong một chiều giáng sinh. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học.
Tác giả là một viên chức hành chánh, sau nhiều năm làm việc tại miền Đông, đã chọn Little Saigon để hưu trí. Với nhiều bài viết đặc biệt, bà cũng đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước.
Người Việt đầu tiên ở Quận Cam từ thời 1957 là điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn. Tác giả bài viết là người đã cấp thẻ nhà báo cho Ẩn.
Tác giả là một nữ kỹ sư hiện cư trú tại Austin, Texas. Với but hiệu Chúc Chân, cô đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ.