Hôm nay,  

12C3, Không Mờ Nhạt

22/11/201400:00:00(Xem: 14693)
Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 4392-14-29792vb7112214

12C3 là chuyện một lớp học thời đổi đời xẩy đàn tan nghé từ 1979, miểng văng bốn lục địa, từ Sàigòn tới San Jose, Bắc Úc rồi Bắc Âu. Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.

* * *

blank
35 năm sau, thầy trò cụng ly tại Oslo, Na Uy. Ông thầy nay là nhà thơ Cung Vĩnh Viễn. Chàng học trò xưa nay là nhà văn linh mục Nguyễn Trung Tây.

Vẫn là một điều không hiểu, bởi từ bao lâu nay có những người tôi đã gặp gỡ trên một khoảng đường đời, nhưng khuôn mặt, tính tình, và ngay cả tên tuổi xuất hiện trong tâm trí mờ nhạt. Nếu phải nói về họ, thông thường tôi ấp úng ngớ ngẩn, bởi không nhớ. Ngược lại, có những người tôi nhớ dáng đứng, lời nói; tên của họ tôi nhớ chính xác, đủ họ và tên.

Những người mờ nhạt, có một thời tôi nghĩ bởi mình không có nhiều kỷ niệm. Nhưng thấy cũng không đúng lắm, bởi có người tôi đã chia sẻ một đoạn đường năm năm chung trường, hay mười năm hàng xóm, rõ ràng một khoảng thời gian dài; nhưng quên vẫn quên! Riêng những người tôi nhớ, có người chỉ gặp khoảng ba năm thôi, nhưng nhớ, nhớ hoài, tôi muốn nói tới bạn học lớp 12C3 năm 1979 của Nguyễn Thượng Hiền; hoặc đặc biệt hơn chỉ vỏn vẹn một năm, nhưng sau hơn ba mươi năm không gặp mặt, mở miệng ra tôi vẫn đọc đúng họ và tên, tôi muốn nói tới Thầy Cung Vĩnh Viễn của 12C3 Nguyễn Thượng Hiền.

Lớp 12C3 của chúng tôi học chung với nhau từ 10C3 năm 1976. Tôi mù mờ với tên và khuôn mặt giáo viên dậy Văn lớp 10 và 11. Nhưng đầu năm lớp 12, chúng tôi học Văn với Thầy Cung Vĩnh Viễn. Ngoài dậy Văn, Thầy còn là Giáo viên Chủ Nhiệm 12C3. Tôi không hiểu các bạn khác thì sao, nhưng Thầy xuất hiện nổi bật trong tôi với hàng râu mép, giọng Bắc ấm áp, dáng phong trần với điếu thuốc lá lãng đãng khói trắng, đặc biệt Thầy giảng bài rất hấp dẫn.

Năm 77, 78, 79, C là lớp chuyên Toán Lý. Học sinh khối C thông thường không thích Văn. Nhưng lớp 12C3 mê Thầy Cung Vĩnh Viễn, đặc biệt nhóm con trai, chuyên viên cúp học giờ Văn lớp 10 và 11C3. Nhưng lên lớp 12C3, tự nhiên tên nào cũng nghiêm chỉnh ngồi học giờ Văn, bởi thầy dậy Văn là Thầy Cung Vĩnh Viễn.

Tôi không biết Thầy có hấp lực gì để đám con trai 12C3 không bỏ lớp đi hoang nữa. Nhưng giờ ngồi nhớ lại, tôi đoán có lẽ đám con trai tụi tôi khoái Thầy bởi nơi Thầy có một chút lãng mạng của Đồng Xanh (The Greenfield), "Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây, là nơi bầy thú hoang...", một chút lạ lùng Lê Uyên Phương, "Theo em xuống phố trưa nay theo dòng nước cuốn lêu bêu...", một chút triết lý hiện sinh Jean Paul Sartre trong Buồn Nôn, muốn đạp đổ tất cả... Đặc biệt nhất, những khi "phải" giảng những điều "không thật", Thầy không bao giờ nhìn tụi tôi, nhưng quay lên bảng, giả vờ viết một vài chữ gì đó. Tụi tôi thấy hết. Và tụi tôi nói với nhau về những cái quay lưng đặc biệt của Thầy. Cứ thế... Cuối cùng Thầy lấy được niềm tin của chúng tôi, đặc biệt đám con trai.

Tuổi 16, 17, con trai chúng tôi cần những thần tượng để nhìn lên, để bám lấy và để tin tưởng. Nhưng sau một cuộc bể dâu, chúng tôi mất Sài Gòn và thần tượng. Và riêng niềm tin, chúng tôi ngỡ ngàng nhìn thấy cha anh bị dối lừa dẫn vào trại tập trung cải tạo. Thời năm 79 phía Bắc mặt trận biên giới nổ ra; phía Tây Nam lính Khờ Me đỏ với mã tấu, súng AK Trung Cộng lăm le đợi chờ chúng tôi, tuổi thanh niên 18. Nhiều người bạn cùng thời đã bỏ xác tại chiến trường Cam Bốt, di ảnh để lại trên bàn thờ hương khói. Thời năm 79 còn là thời bạn bè thân thiết âm thầm lên thuyền vượt biên, tối qua còn uống càfe với nhau, mấy ngày sau, biệt tăm. Có tên tới đảo, có tên bỏ xác đáy biển. Sống trong hoàn cảnh đặc biệt của một giai đoạn bể dâu, Thầy Viễn hiện ra như một luồng gió thổi hây hây nhẹ vào đêm hè lửa đỏ! Thầy trở thành một hình ảnh, một niềm tin để chúng tôi trông lên, bám vào. Sau giờ học, đám con trai bên tách ly càfe hút thuốc lá Ara Con Két và Hoa Mai nói rất nhiều về Thầy, đặc biệt lòng tự trọng của một kẻ sỹ!...

Tuổi 17, 18 cũng là tuổi nổi loạn. Sáng hôm đó chúng tôi đứng bên hành lang cửa lớp giờ ra chơi, một tên bật miệng đề nghị 12C3 bỏ lớp dẫn nhau đi chơi. Không ngờ, cả bọn gật đầu đồng ý. Sau những âm thầm bàn luận, sáng hôm đó, chúng tôi cũng vẫn mang sách cặp tới trường, nhưng cả lớp, gái cũng như trai, đứng tụ tập ngay trước cửa trường. Chúng tôi ồn ào nói với nhau và "thông báo" với các bạn học của trường bản tin 12C3 Nguyễn Thượng Hiền hôm nay bỏ học! Tiếng chuông giờ học buổi sáng reo vang sân trường cũng là giây phút chúng tôi lái xe đạp dẫn nhau bỏ đi. Cả lớp đạp xe tới Vườn Lái Thiêu.

Sáng hôm sau, chúng tôi xách cặp vô lớp để gặp Thầy Viễn đứng đó, yên lặng chờ đợi. Cuối cùng Thầy nói, trầm tĩnh trong từng câu. Tôi cảm nhận trong từng chữ từng lời, Thầy rất thận trọng đắn đo để không thương tổn chúng tôi, tuổi trẻ mới lớn lạc loài ngay trên quê hương. Sáng hôm đó chúng tôi không phải học nữa, nhưng Thầy thông báo, theo lệnh thầy Hiệu Trưởng, chúng tôi phải mang phụ huynh lên gặp Thầy, khi đó mới được tới lớp. Tụi tôi đứng dậy xách cặp đi về. Và đương nhiên, tụi tôi, có tên tới nhà người quen, năn nỉ họ giả làm phụ huynh; có tên túng kế, quay ra lề đường nhờ tài xế xe xích lô đóng vai anh lớn tới trường gặp Thầy.

Kết quả cho một lần nổi loạn là 12C3 bị giải thể. Chúng tôi bị chia thành từng nhóm nhỏ "di cư" sang những lớp hàng xóm, 12C1, C2, C4... Giải thể, nhưng tụi tôi vẫn gặp lại Thầy trong giờ Văn của những lớp 12C hàng xóm. Thầy vẫn thế, lãng mạn, triết gia, điếu thuốc kẹp tay, và có một chút gì đó bất cần, một nét rất nhà thơ...

Mặc dù 12C3 đã bị giải thế, giờ ra chơi, chúng tôi vẫn đứng với nhau. Mỗi lần Thầy Viễn đi ngang qua, chúng tôi vẫn nghiêm trang mở miệng chào Thầy. Thầy nhìn chúng tôi, một thoáng nụ cười. Tôi không hiểu Thầy nghĩ gì khi thấy 12C3, lớp Thầy Chủ Nhiệm, bị giải thể, nhưng riêng tôi, tôi biết Thầy vẫn là Thầy Chủ Nhiệm, Thầy vẫn dậy Văn lớp 12C3.

Cuối năm 79, chúng tôi thi Tú Tài, ra trường. Tiệc cuối năm không tổ chức bởi lớp đã bị giải thể. Cánh cửa Nguyễn Thượng Hiền đóng lại sau lưng. 12C3 chúng tôi có tên Thanh Niên Xung Phong; có tên bị lệnh Tổng Động Viên năm 79 cuốn trôi sang chiến trường Tây Nam; có tên vượt biên; có tên thi đậu vô đại học, Bách Khoa, Kinh Tế, Nông Nghiệp. Nhưng khi có dịp, tụi tôi vẫn gặp nhau như ngày nào, vẫn xưng danh 12C3; con trai vẫn nhậu, vẫn uống càfe, hút thuốc Ara Con Két và Hoa Mai cháy khét; 12C3, một tên bị bắt nạt, cả nhóm con trai vẫn xúm vào bênh vực bạn (bất kể bạn đúng hay sai!); 12C3 con gái vẫn áo dài trắng ngồi ăn chè. Tụi tôi vẫn gặp nhau, băn khoăn chuyện tương lai, thì thào chuyện vượt biển... Và Thầy dậy Văn, như một ước lệ, vẫn được nhắc nhở tới. Đám con trai có tên vẫn ghé nhà thăm Thầy. Bởi thế năm 1981, lớp 12C3 nhận được tin thuyền gỗ có Thầy được tàu Na Uy vớt. Tự nhiên tôi trầm ngâm mấy phút, tôi mơ bước chân xuống thuyền gỗ như Thầy, lênh đênh trên sóng biển như Thầy, và được tàu Na Uy vớt như Thầy.

Dòng thời gian đẩy tới, năm 82 tôi xuống thuyền gỗ tại Rạch Giá. Chuyến tàu định mệnh mang nhiều bất hạnh khi vượt qua vịnh Thái Lan... Nhưng cuối cùng thuyền cũng cặp bến Marang của Mã Lai. Và thuyền gỗ (không số) Rạch Giá khoác vào mã số PB 706 trên đảo Bidong. Tôi, Sài Gòn, Việt Nam khoác lên người áo tỵ nạn! Cao Ủy Tỵ Nạn cấp thẻ Căn Cước Người Vô Tổ Quốc (Displaced Person). Năm 84 tôi tái định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng, San Jose, California.

Và thật là mầu nhiệm, chúng tôi, 12C3 gặp lại nhau trên vùng đất mới. Trên đảo tỵ nạn Pulau Bidong, tôi gặp Ngô thị Mai Phương. Tại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, tôi gặp Đỗ Thụy Tú và Nguyễn Đình Thuần. Tại Brisbane, Úc Châu tôi gặp vợ chồng Nguyễn Kế Khôi và Nguyễn Kim Yến, Lê Đức Thảo. Tại Mỹ nhận được email và tin tức của Trần Quốc Bảo, Hoàng Đình An, Nguyễn Hồng Kha, Nguyễn thị Thanh Vân, Ngô thị Giáng Tiên, Trần thị Mộng Thuý, Vương Thành Vinh, Hoàng "Ngựa". Hội ngộ 12C3 chưa dừng lại ở đó, năm 2005, tôi bay về Việt Nam 20 năm ngày giỗ Bố, tôi gặp lại gần như đủ mặt lớp 12C3, Hồ thị Ngọc Truyền, Nguyễn Ý Nhi, Trương thị Trâm Anh, Hoàng Quốc Thái, Thiều Văn Thành, Trần Văn Tráng, Trần Kính Lữ, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Đình Tuyển và nhiều bạn học khác. Chúng tôi, 12C3, vẫn đủ mặt, vẫn 12C3 của năm 1979, vẫn là bạn thân của mày và tao, vẫn chửi tục ồn ào như ngày nào, vẫn càfe đen đắng nghét, vẫn là học sinh áo trắng lớp 12C3 Nguyễn Thượng Hiền. Và Thầy Cô của ba năm, 10C3, 11C3, 12C3 vẫn được chúng tôi nhắc tới. Thầy Cung Vĩnh Viễn vẫn là một cái tên, lớp 12C3 không quên.

Cứ thế, hằng năm 12C3 gặp nhau, hoặc ở Úc Châu, hoặc ở Mỹ, hoặc ở Việt Nam.

Tháng 9 năm 2014, tôi có dịp công tác tại Hòa Lan. Sau đó tôi bay vào thủ đô Oslo của Na Uy ghé thăm người bạn thời chung trường tại Chicago, Phố Gió. Thật bất ngờ, vợ bạn tôi mang về nhà tờ đặc san Cộng đồng Việt Nam tại Oslo. Tôi mở ra, đọc thấy mấy bài thơ ký tên Cung Vĩnh Viễn. Tôi không tin vào cặp mắt mình! Hóa ra Thầy Cung Vĩnh Viễn đang sống ở Oslo. Sáng hôm đó, tôi nhờ vợ bạn tôi liên lạc. Tối hôm đó, tôi được nói chuyện với Thầy. Sáng hôm sau, bạn tôi lái xe mang tôi tới nhà của Thầy. Trời mùa đông Na Uy giá rét, mưa đông phủ mờ kính xe hơi che cản đường. Nhưng rồi cũng tới. Cánh cửa gỗ mở lớn, Thầy Cung Vĩnh Viễn hiện ra, bằng xương bằng thịt. Thầy vẫn nét phong trần lãng tử, vẫn hàng râu mép, vẫn ánh mắt tinh anh. Tôi cúi đầu chào Thầy. Thầy ôm vai tôi. Giây phút linh thiêng của Thầy và trò. Cuối cùng, sau hơn 30 năm (1979-2014), tôi gặp lại Thầy.

Quà tôi biếu Thầy là một chai rượu đỏ Tây Ban Nha. Thầy mở ra ngay mừng ngày hội ngộ. Thầy và Cô nấu cơm. Tôi hân hạnh ngồi ăn trưa với Thầy. Chuyện xưa của 12C3, chuyện lớp xẩy đàn tan nghé, chuyện thuyền gỗ lênh đênh trên biển, chuyện tỵ nạn, chuyện đời Na Uy và Hoa Kỳ. Chuyện miên man! Chuyện bất tận!

Hồi xưa Thầy dậy tôi văn chương Việt Nam. Thầy nuôi tôi thức ăn tinh thần nguyên một năm dài. Ngày gặp lại Thầy, Thầy nấu cơm, đích thân đứng dọn mâm cơm Việt Nam nhiệt đới trên đất Na Uy, Bắc Âu.

Tôi biết tôi là người học sinh duy nhất của 12C3 gặp lại Thầy sau khi thuyền gỗ của Thầy cặp bến. Thầy nói với tôi, "Đó là một cái duyên!" Thầy tiếp, có những người sống với họ, ở với họ cả một khoảng thời gian, nhưng nếu không duyên, cả hai vẫn không gặp nhau. Có đó, nhưng cũng vẫn là không!

Tôi ngồi đó, chăm chú lắng nghe. Tôi thấy mình vẫn chỉ là một tên học sinh 12C3 ngày nào. Vẫn là Thầy đang đứng lớp. Vẫn là tôi đang ngồi đó nghe Thầy giảng bài. Bài giảng chữ Duyên ngày hôm đó đi thẳng vào hồn tôi. Chữ Duyên Thầy dậy cũng đã trả lời cho tôi biết tại sao có những người tôi mù mờ về hình dáng, giọng nói, tên tuổi dù đã từng đi với nhau cả một khoảng đường dài. Hệ quả của một chữ Duyên.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Tạm dịch:

Có duyên nghìn dặm xa còn gặp.
Không duyên trước mặt vẫn cách lòng.

Lớp 12C3, tôi nhớ tên các bạn, nhớ không quên, nhớ khuôn mặt, nhớ tiếng nói dù đã là một con số dài tính từ năm 79. Lớp 12C3 hồi đó dù bị giải thể, nhưng bởi chữ Duyên, chúng tôi vẫn thế, nguyên vẹn hình hài, bạn vẫn là bạn, 12C3 vẫn là 12C3. Có dịp, chúng tôi bỏ qua mọi thứ, cương quyết gặp nhau mặc dù đời cơm áo nhiều khi quay nhanh nhanh, quay xoay xoay, quay chóng mặt!...

Thầy Cung Vĩnh Viễn, từ những ngày năm 1979 cho tới ngày hôm nay 2014, vẫn là Thầy. Gặp lại Thầy, tôi lại mặc áo trắng, tay ôm sách vở, hạnh phúc bước qua khung cửa, ngồi xuống bàn gỗ lớp học tường vôi 12C3 ngày nào. Vẫn là tàng lá me xanh xanh đong đưa bên khung cửa lớp. Thầy đứng đó trước bảng đen, tay cầm phấn trắng, giọng trầm hùng dậy tôi về ý nghĩa chữ Duyên.

Cám ơn Thầy cho những dậy dỗ một thời tiếng Việt mến yêu. Cám ơn Thầy đã xuất hiện vào một thời mất thần tượng và mất niềm tin. Cám ơn Thầy đã rót rượu đổ tràn đầy ly của em. Cám ơn Thầy và Cô cho một bữa ăn trưa quê hương trên vùng trời Bắc Âu mùa đông. Và cám ơn Thầy cho bài giảng chủ đề chữ Duyên của ngày hôm đó.

Vâng! Vẫn là câu chuyện của Không Mờ Nhạt bởi chữ Duyên.

Sydney, 2014

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
02/11/202117:19:14
Khách
tôi cũng học Nguyễn Thượng Hiền, 12C4 - ra trường năm 1977. Có lẽ tác giả lầm - sau 75 không còn thì tú tài nữa, mà thi thẳng vào đại học.
05/09/202122:06:04
Khách
Bài viết rất cảm động và sâu sắc . Cảm ơn tác giả.
05/09/202120:50:24
Khách
Cám ơn NTT, đã nhắc lại một thời xa xưa của 12C3. Cũng cám ơn, vì tình thân chúng ta vẫn thế, vẫn miên man thấm đẫm theo thời gian...
01/12/201404:42:54
Khách
Lớp của tôi cũng là 10C3, 11C3, và 12C3 nhưng ở một trường khác và năm khác. Tôi cũng có một thầy dạy Văn và chủ nhiệm đáng kính tên là thầy Nghiêm. Rất tiếc chúng tôi không giữ được cho nhau những tình cảm thân thương như tác giả NTT. Cũng vì không đủ Duyên.
Cám ơn tác giả chia sẻ một câu chuyện đầy cảm xúc quý báu.
24/11/201406:20:12
Khách
Bài viét thật sâu sắc! Cám ơn tác giả thật nhiều!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,573,481
Tác giả là một huynh trưởng viết về nước Mỹ, nhận giải danh dự từ năm 2000, và liên tục góp nhiều bài viết giá trị, để hỗ trợ và cổ võ việc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả, cư dân SimiValley, Nam California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012,với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ,
Sao Nam Trần Ngọc Bình, nguyên sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo, là một trong những tác giả thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, năm 62 tuổi, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University và trở thành bà giáo tại Marysville,
Tác giả tên thật Thái Mạc Phương Sandy, sinh năm 1942, từng học Trung học Đồng Khánh rồi Quô1c Học Huế 1959 - 1962; Đại Học Luật Khoa Sài Gòn 1962 - 1963.
Tác giả tên thật Nguyễn văn Mẫn, Sư phạm Qui Nhơn khoá 13, vượt biển năm 1978, hiện định cư ở Úc. Gia đình: vợ, 2 con. Công việc: technician bên viễn thông.
Với kiểu "viết như nói", tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001.
Với bài “Niềm Đau Ơi Ngủ Yên” viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong có tên trong danh sách tác giả vào Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2014.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến