Hôm nay,  

Thomas Vẫn Nhớ Chú VC Bé Con

25/01/201400:00:00(Xem: 17896)
Tác giả: Song Lam
Bài số 4124-14-29534vb7012514


Tác giả thuộc lớp tuổi 60, định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O., tự sơ luợc về mình “22 năm dạy học trong nước, 22 năm làm “culi job” trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết thứ mười của tác giả cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 15. Bài trích từ báo Xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ, đang phát hành khắp nơi.

* * *

Thomas đã ngoài 70 nhưng dáng dấp trông còn trẻ hơn tuổi. Lão gia này không có cái bụng phệ quá khổ như những người Mỹ già tôi thường gặp ở mọi nơi. Đã gần hai năm, Thomas và tôi cùng làm ở Wegmans, một tập đoàn lớn nổi tiếng về Super Market ở vùng North East, Đông Bắc Hoa Kỳ.

Công ty này được thành lập từ năm 1916 ở 6 tiểu bang: New York, New Jersey, Pennsylvania, Massa-chusetts, Maryland và Virginia với tổng số 79 cơ sở hoạt động hiện nay. Mỗi tiệm có từ 600-650 nhân viên và mở cửa gần như 24/24, với gần 20 Departments khác nhau, có cả nhà thuốc tây, tiệm rượu và mini nhà hàng, với gần 300 chỗ ngồi cho khách ăn uống, chưa kể ngoài patio, và mỗi tuần có từ 10.000-14.000 khách hàng lui tới mua sắm, ăn uống.

Năm ngoái Thomas và tôi làm việc ở hai department khác nhau nên thường chỉ chào hỏi khi gặp. Chừng nửa năm nay, tôi được chuyển qua Prepared Foods chổ Thomas làm, nên lão gia này mừng lắm. Điều này làm tôi cứ thắc mắc hoài. Lần đầu gặp tôi và biết tôi là người Việt Nam, chút xíu nữa Thomas ôm tôi mừng rỡ như bạn bè xa cách mấy chục năm giờ đây tình cờ gặp lại. Hắn khoe rằng hắn đã từng tham chiến ở Việt Nam từ 1967-1969. Chỉ có hai năm thôi mà Thomas quá đổi tự hào. Hắn không trực tiếp cầm súng mà chỉ là y tá làm việc với bác sĩ trong phòng mổ ở những quân y viện của Mỹ.

Mấy tuần nay, khi nào có giờ làm chung, khi vắng khách, hắn cứ xáp lại tôi kể chuyện ngày xưa trong chiến tranh Việt Nam. Thấy vậy, mấy đứa nhỏ Mỹ cùng làm nói sao hồi đó tụi bây không "xáp vô" cho rồi, bây giờ hai đứa bây cũng xứng một "cặp già" lắm. Cả tôi và Thomas đều tức cười. Lúc ở Việt Nam Thomas 24, tôi 18… thì cũng đúng "thời vụ" lắm, nhưng hắn ở Đà Nẵng, Huế, rồi sau đó ở Biên Hòa chín tháng trước khi được lệnh về nước. Lúc đó tôi còn đang học High school ở Saigon, làm sao có dịp gặp gỡ? Dáng dấp lão gia này cao, gầy, thanh mảnh cũng ô-kê, có điều cái mũi cao… bự quá khổ lúc nào cũng đỏ ké như quả cà chua!

Thomas về hưu đã hơn ba năm. Ở nhà buồn nên hắn trở lại làm part-time như tôi cho qua ngày tháng. Hắn hay gọi tôi là Miss Saigon làm tôi tức cười và có lần hắn khen tôi có nụ cười thật đẹp làm tôi cũng choáng váng… một giây! Trời đất, người ta khen con gái trẻ đẹp chứ ai đi khen bà già bao giờ? Tôi thường không tin lời khen của người Mỹ, vì làm việc với họ hơn 20 năm nay, tôi thấy cái gì họ cũng khen là beautiful, wonderful, cái gì cũng ngọt ngào, lịch sự nhưng ngày mai nó cho laid-off không chừng. Ở Thomas, tôi thấy hơi khác, hắn có sự chân thật và trân trọng hiếm thây khi nói chuyện về Việt Nam.

Qua lời kể của lão gia này, trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968, lão đang ở Phú Bài (Huế) hàng ngày chứng kiến biết bao cái chết của dân chúng, đồng đội, cả Mỹ lẫn Việt. Tao tưởng như mình đang ở trong địa ngục, hắn nói. Trực thăng tải thương gầm rú giữa những tiếng moóc-chê lở đất long trời từ cả hai phía chát chúa ngày đêm.

Thomas cũng nói về một kỷ niệm khó quên, đó là một "em nhỏ VC" bị thương ở chân được tải thương về chung với lính Mỹ. Có lẽ đồng đội của nó trên đường tháo chạy bỏ rơi bỏ rớt nó dọc đường, đói khát mấy ngày, sống chết họ không cần biết. Thằng nhỏ có lẽ bị mìn Claymore hay bị trúng đạn ở chân trái, vết thương rất nặng, mưng mủ, sưng chù vù! Lúc được đưa về trạm quân y, nó khóc sướt mướt, cứ gọi Thomas bằng anh Hai, anh Hai và ra dấu đòi ăn, đòi uống. Thằng nhỏ bị đẩy vào Miền Nam khi nó chưa đầy 16 tuổi

Nghe tới đây, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Tuổi 16, tuổi còn quá vô tư, tuổi ăn tuổi học. Trong khi ở Miền Nam lúc đó, hay ở Mỹ này, đó là tuổi thần tiên, Sweet-Sixteen, tuổi của vui tươi, được xã hội và cha mẹ chăm lo đầy đủ. Thế mà... Thomas nói thằng nhỏ VC ốm tong ốm teo, Thomas thấy tội nghiệp nên cho nó ăn uống, chữa trị vết thương gần cả tháng trời. Trời đất, nó ăn một lần cả ổ bánh mì lớn và hai hộp paté gan và… ăn không kịp nuốt. Tôi chạnh lòng và nói với chính mình: Bây giờ ở Việt Nam cũng có những "thằng lớn VC" ăn không kịp nuốt như thằng nhỏ này vậy…

Tôi nói với Thomas rằng tôi muốn quên chuyện chiến tranh, muốn quên nỗi thống khổ của đồng bào tôi, của gia đình tôi, nhưng tôi không thể. Hắn hỏi tôi có nhớ Saigon không, tôi trả lời có, nhớ nhiều. Tưởng rằng hắn hỏi cho qua chuyện, cho đúng nghi thức xã giao, ai ngờ hắn lại nói tiếp:

- Tao cũng rất nhớ Saigon, nhất là những con đường Tự Do, Công Lý, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…

Lão gia này xạo ke thiệt ta. Ở Biên Hòa có chín tháng, thỉnh thoảng xuống Saigon ăn chơi hút hít cuối tuần mà làm như là dân Saigon 100% vậy. Nhưng qua đôi mắt của hắn, tôi biết lão gia này không xạo. Những con đường này lão gọi bằng tên tiếng Anh Liberty street, Justice street, Lee Loi, New-en Hue. Tôi hỏi chàng có "dính" một em Vietnamese nào không, lão lắc đầu. Lão gia này chắc chỉ léng phéng lai rai với mấy em ở Snack Bar thôi chứ không có tình sâu nghĩa nặng gì. Tự nhiên lão cười lớn và nói ờ hé, sao hồi đó tao không gặp được mày ở Saigon ha? Cái ông… lãng nhách!

Cả ngày hôm đó, tôi cứ cười lỏn lẻn một mình về câu nói đùa của Thomas. Ừ, nếu hồi đó tôi hắn gặp nhau thì giờ này tôi đâu đến nỗi bực mình. Lão gia này rất thích học tiếng Việt nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có mấy chữ: Xin chào, chào ông, chào bà, anh Hai, lại đây, đẹp lắm… Theo lời yêu cầu, tôi dạy lão gia nói: Ăn ngon, ngủ ngon, trời mưa, trời nắng… vậy thôi, vậy mà mấy tuần qua không nói được, cứ: An-non, nu-non, chòi mua, chòi nan…, thiệt là bực bội. Ờ há, nếu 45 năm trước hắn rơi vô tay tôi thì bây giờ đâu đến nỗi nói năng ngọng nghịu. Có khi tiếng Việt còn leo lẻo, không chỉ nói mà con viết thư tình tiếng Việt cho đào nhí Việt Nam, hay làm thơ, ca nhạc tiếng Việt… biết đâu lão gia này đã chẳng thắng giải "Viết Về Nước Mỹ" như Mr. Sáu Steve Brown.

Có lẽ quý bạn đọc cũng đồng ý với chúng tôi điều này: Tìm người bạn hiểu mình đã khó, tìm người bạn có tình thương yêu với mình, với dân tộc mình lại càng khó hơn. Tôi cảm nhận ở Thomas, có nhiều ít hai điều cơ bản đó. Ông là người Mỹ, chỉ ở Việt Nam hai năm lại hiểu được sự phi nghĩa của cuộc nội chiến, hiểu được nỗi khổ của dân mình, chẳng phải là điều đáng quý lắm sao? Lão gia này suốt đời là thầy thuốc nên cũng có tấm lòng nhân hậu! Khi nói về hơn 58.000 binh sĩ Mỹ hy sinh ở chiến trường Việt Nam lão biểu lộ thái độ thương xót, kính cẩn.

Biết tôi là người dạy học nhiều năm ở Việt Nam, có lẽ Thomas thấy tin cậy, vì vợ con lão gia này đều làm việc trong ngành giáo dục. Vợ ông đang dạy học ở Mongomery County Community College, cách chỗ làm của chúng tôi chừng 7, 8 miles. Và con gái là cô giáo ở thành phố Garden Grove California. Khi nói về Cali lão gia này kêu “trời ơi” và "phấn khởi" kể là toàn là người Việt Nam, người Việt Nam khắp nơi. Ông nói về Beef noodle soup (Phở), Spring rolls (gỏi cuốn) và Egg rolls (chả giò). Tôi nói có lẽ năm tới tao về thăm Cali, lão nói tao đi theo mày nữa nha.


Giờ giấc làm việc của công ty này đan chéo, di động khác nhau mỗi tuần, cho nên có khi cả tuần Thomas và tôi không gặp. Lần nào trùng giờ, làm chung một shift, hắn vui mừng ra mặt. Ngộ thiệt. Về nhà, tôi kể chuyện cho ông xã nghe, ổng "phán" một câu: "Vậy là mộng ước của bà đạt thành rồi, về già còn có được một ông bồ Mỹ…" Thêm một ông già… lãng nhách!!

Thomas nhắc tôi những con đường nổi tiếng ở Saigon làm tôi buồn xo. Những con đường ấy đã thay tên, đổi chủ. Tự Do đã không còn để thay bằng "Đồng Khổ" và Công Lý làm gì có ở Việt Nam? Những con đường Việt Nam quá lạ lẫm với tôi bây giờ, đường gì toàn Bơ, Bánh, Bưởi bòng… Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Văn Bánh, Mạc Thị Bưởi… Tự nhiên tôi nhớ đến Orange County ở Cali được người Việt Nam gọi là quận Cam ngọt ngào, dù nhà văn Phan vì một lần đi lạc lại gọi là quận Chanh. Trong vở kịch tôi xem từ lâu, có nhân vật tên là Bà Sáu Cam, khi trả lời người Mỹ hỏi bả tên gì, bả không ngần ngại nói bả tên là Mrs Six Orange.

Saigon của chúng ta ngày xưa là "Hòn ngọc viễn đông" bây giờ không biết thành thứ gì… Mới đây, tin trong nước cho hay một cặp thanh niên nam nữ chở bà già đau yếu quặt quẹo liệng đại bên đường phường Ba Đình, Quận 8. Rồi bác sĩ "dỏm" giải phẫu thẩm mỹ cho một phụ nữ Hà Nội, đã gây thương vong cho bà này, sau đó vứt xác nạn nhân cái "ủm" xuống sông Hồng… Cái gì, điều gì đã làm cho mẫu người xã hội chủ nghĩa trong nước hiện nay đạt tới trình độ ấy?

Khi gặp lại Thomas trong tuần này, tôi sẽ nói với lão gia ý nghĩa riêng tây của tôi.

*

"Thomas thân mến,

Trước tiên tôi xin cảm ơn ông, cũng như gần ba triệu đồng hương của tôi trên khắp thế giới, vẫn một lòng cảm ơn nước Mỹ và các nước thứ ba đã cưu mang chúng tôi. Riêng đồng hương của tôi trên đất Mỹ này, vẫn mang món nợ ân tình với nước Mỹ, người Mỹ. Chúng tôi đã vượt thoát nỗi áp bức bất công, tù tội, đói nghèo, vượt thoát sự vô lương, vô nhân ở đất nước chúng tôi hôm nay. Vì thế, ngày đêm đồng bào Hải ngoại chúng tôi vẫn nhìn về Việt Nam xót thương đồng bào tôi còn ngụp lặn trong cảnh khốn cùng cả về tinh thần và vật chất."

Nói lời cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ chắc chắn mỗi phút, mỗi giờ, mỗi tháng, mỗi năm trong huyết quản của người Việt Nam lưu vong vẫn mạnh mẽ chảy hoài tấm lòng ân nghĩa. Nhà văn Huy Phương đã có lần nói: "Người ta đang kêu gọi xóa bỏ hận thù, điều đó tôi thật chưa làm được, nhưng trong xã hội loàn người này, tôi chưa thấy ai kêu gọi xóa bỏ những điều ân nghĩa." Bỏ qua những cơ mưu chính trị, những con bài kinh tế, dù sao 58.000 lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam là bài học chưa thuộc của người có thực quyền và tiêu biểu là hình ảnh em bé VC đói khát thương tật qua lời kể của Thomas, là bằng chứng của ván cờ dùng "chốt" thí "xe" của mưu đồ người phương Bắc!

Trả lời Thomas về những con đường xưa ở Saigon vẫn hiển hiện, đường hoàng rõ nét trong trí nhớ tôi, cả đời tôi; dù Tự Do không còn, Công Lý đã mất. Giờ đây, người Việt Nam ly hương chúng tôi vẫn đang đi trên Liberty street, Justice Avenue và Humanity Boulevard… ở Mỹ, sánh vai nhiều sắc dân trên thế giới, cùng chọn America là đất nước của mình. Những con đường, vẫn còn đó, Thomas. Đó là con đường Tự Do, Công Lý, Nhân Ái mà nhân dân Mỹ, nước Mỹ đã, đang mở rộng từng ngày cho nhân loại, trong đó có chúng tôi, những người Việt Nam có cái "Saigon nhỏ - Little Saigon" khắp nơi trên nước Mỹ để thay cho cái "Saigon lớn" bị cướp đoạt ở quê nhà.

Thomas thân mến, giờ đây, tại Saigon nhỏ - Little Saigon - của người Việt Nam ở Nam Cali đang ráo riết chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống. Thomas nhớ không, khi tôi nói sẽ về thăm lại Cali, ông đòi đi theo? Xin trân trọng mời! Cô Kim, con gái ông đang dạy học ở Garden Grove, chắc cũng biết ít nhiều về văn hóa chúng tôi, vì học trò của cô ấy phần đông là người Việt. Về đây, ông sẽ thấy một "quần tụ" vĩ đại của đông đảo người Việt Nam, ồn ào, không thua gì Saigon lớn ngày xưa. Thomas, ông sẽ nghe lại tiếng "Anh Hai… Anh Hai" của 45 năm về trước khi cùng tôi dạo chợ Tết Bolsa hay chợ Phước Lộc Thọ.

"Anh Hai, cúc vàng hôm nay tươi lắm, đẹp lắm, mua về chưng Tết đi Anh Hai!"

"Anh Hai, mãng cầu vườn nhà đẹp lắm, ngọt lịm, xoài thanh ca organic đây…

Mọi người chào nhau, nói chuyện nhà cửa, cười nói rộn ràng, lao xao, lộn xộn, đúng là cảnh "ngựa xe như nước, áo quần như nêm". Ngày Tết, ông sẽ thấy người Việt Nam, trẻ già đều mặc áo dài truyền thống (mà ông gọi là long dress đó) đủ màu, đủ kiểu… Họ đến Chùa, đến Nhà Thờ, đi Hội Tết, đi thăm viếng lẫn nhau. Mọi nhà, mọi nơi đều rực rỡ đào thắm mai vàng. Rồi hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lyli… bánh trái ngon ngọt, lư đồng sáng choang rực rỡ. Đồng hương của tôi sẽ chọn hàng vạn đóa hồng tươi, những đóa hoa đẹp nhất để tặng cho nước Mỹ, người Mỹ…

Chỉ nghĩ đến đây thôi mà tôi đã nghe pháo nổ… ở trong lòng! Tôi vẫn còn y nguyên, y chang cái cảm giác hồi hộp, rộn ràng, vui tươi như hồi tôi còn rất nhỏ, mỗi độ Tết đến xuân về. Thomas ơi, mấy chục năm trời xa cách quê hương, hơn bao giờ hết, người Việt Nam chúng tôi thấy thật gần nhau, thật thương nhau trong những ngày đầu xuân, lộc mới.

Điểm đặc biệt của người Việt Nam trong ngày đầu năm là bỏ hết cái cũ, chào đón cái mới, ngày mới với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn năm cũ: chuyện buồn đau sẽ quên, giận hờn nhau cũng xí xóa để tay bắt mặt mừng trao nhau những lời chúc tụng. Ông bạn quý của tôi ơi, ông muốn sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc? Ông muốn, nói theo kiểu trong nước sau 1975, "Tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê… phin?" Ông muốn sống lâu trăm tuổi? Hãy về Cali với đồng hương của chúng tôi trong dịp Tết! Những lời chúc tụng nồng ấm, đẹp đẽ đó sẽ đến với ông!

Thomas, hình như tôi chưa ra khỏi giấc mơ của chính mình và còn sa lầy thêm trong dòng chảy miên man của suy nghĩ đó. Nhưng, đừng lo, ông bạn già của tôi ơi, my dreams sẽ come true! Về phần tôi, tôi sẽ chúc gì cho ông đây? Và cho mọi đồng hương, bè bạn gần xa của tôi trên khắp năm châu? Cầu xin mọi điều tốt đẹp nhất của thế giới con người này, của cuộc sống này sẽ đến với quý vị với những nụ cười chân thật, cái xiết tay rất chặt và những trái tim nhân ái!

Như trăm lạch, trăm sông đều đổ về biển cả, trong ngày Tết thiêng liêng ấy, rồi đây bao nhiêu thương tật sẽ lành, tuổi già hóa trẻ, mọi người sẽ dành cho nhau tình cảm thắm thiết ngày xuân, giữa tiếng pháo nổ dòn đì đùng khắp nơi, người Việt Nam đốt pháo cả tuần chưa muốn dứt…

Và, Thomas, chắc chúng ta đều không quên một người.

Đó là chú lính bé con VC của ông, của chúng ta, chưa đủ 16 tuổi đã được Bác, được Đảng đẩy vào trận Huế Mậu Thân. Giờ đây em ở đâu? Dù Bến Hải hay Cà Mau, dù chân trời hay góc biển nào, chúng tôi nghĩ thương tật em đã lành, suy nghĩ của em đã tỏ tường mọi nỗi, chắc em đã thấy rõ tấm lòng nhân ái của những người đối nghịch? Phải không em?

Trong tận cùng của trái tim, tôi mong gửi được đến em tình cảm đồng bào. Từ Huế Tết Mậu Thân tới nay đã là 45 năm. Vì Thomas không nói tên em, tôi đành phải tạm gọi em là Em bé VC, nhưng trong thực tế, tôi hiểu chú bộ đôi bé con năm xưa nay đã trên 60 tuổi. và tôi tin nhiều phần chú cũng chẳng còn là một VC nữa.

Dù sao, này em, xuân đã đến gần, Thomas và tôi xin chào em, em bé VC ngày xưa, chúc em may mắn.

Và “anh Hai” Thomas, đừng quên gia đình tôi đã “lên lịch” mời ông bà về Little Saigon ăn tết.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
26/01/201408:00:00
Khách
Hay . Tình cảm pha lẫn dí dỏm .
26/01/201408:00:00
Khách
Cam on SONG LAM da viet len duoc nhung cam nghi cua minh rat la chan tinh ,cam dong lam Ong gia 70 nay
cung rom rom nuoc mat.Bai viet that hay va co y nghia vo cung.Thanh that cam on.
24/01/201408:00:00
Khách
Bài viết dễ thương thấm đẫm long từ ái. Rất đặc sắc khi nói đến Cận Tết ở Little Saigon nhưng ngụ nhiều ý nghĩa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,546,179
Tại Việt Nam, tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California.
Đây là bài viết thứ hai của Kông Li về Boston, ngày hội marathon. Bài đầu la năm trước,
Lịch sử hải quân Hoa Kỳ rồi đây sẽ có trang kể về một sĩ quan gốc Việt xuất thân từ thợ nail. Lý lịch: Mẹ là cựu tiểu thư Sàigon,
Lịch sử hải quân Hoa Kỳ rồi đây sẽ có trang kể về một sĩ quan gốc Việt xuất thân từ thợ nail. Lý lịch: Mẹ là cựu tiểu thư Sàigon,
Thành phố ít người Việt tị nạn, bao năm yên lành, bỗng có chuyện ầm ĩ kiện tụng vì một quyển lịch ghi “30 Tháng Tư” là “Ngày Giải Phóng Miền Nam”.
Sau “Một Ngày Về Quê...”, viết vê một ngôi chùa Phật Giáo, tác giả góp thêm truyện về mùa phục sinh tại nhà thờ.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục,
“Trong biến động cuối tháng Ba năm 1975, người ta thấy xác ông Nguyễn Hữu Thính trên bờ biển Thuận An. Ông được một người dân an táng tại An Bằng. Mong tìm thân nhân người quá cố.”
Nói đến việc tù nhân trốn trại ta phải đề cập đến một cuộc trốn trại thật táo bạo,
Đây là một truyện nhẹ nhàng cho thời điểm tháng Tư đau thương của người Việt tự do.
Nhạc sĩ Cung Tiến