Tác giả tên thật là Trần Hương Thủy hiện sống tại South Carolina. Tác giả là một cây bút được yêu mến và đọc nhiều trong giải thưởng VVNM. Bà vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm 2023. Bài viết dưới đây là câu chuyện về việc con cái nuôi cha mẹ lúc già yếu, ốm đau với một kết cục đáng buồn.
*
Ông bà có cả thảy 9 người con. Không may, anh Tư và anh Tám mất sớm. Chị Bảy lúc nhỏ, hay bị giật kinh phong. Càng ngày, biến chứng càng trầm trọng, trở thành thần kinh, phải cho vào bệnh viện tâm thần.
Cũng may, những người con còn lại đều thành đạt, nên ông bà cũng được an ủi, và đỡ cảm thấy bứt rứt khi nghe miệng đời dèm pha: “Nhà đó chắc thất đức lắm, nên con cái mới bị vậy".
Ông thường hay cằn nhằn mỗi khi thấy bà buồn vì những lời đàm tiếu:
- Bà nghĩ ngợi làm gì cho mệt. Mình sống sao thì có trời biết, đất biết.
Lúc ông bà đến đây lập nghiệp, nhà đất còn rẻ lắm. Ông có nghề mộc, lại chịu thương chịu khó, nên cũng tích lũy được chút vốn liếng để mua đất xây nhà. Khi con cái lớn lên, lần lượt ra riêng. Ngôi nhà trở nên thênh thang quá cho hai vợ chồng già. Chỉ có lễ tết chúng về chơi, nhà mới ấm tiếng người.
Nhưng rồi một ngày ông cũng bỏ bà ra đi, về nơi rất xa xôi, để lại bà lẻ loi ra vào một bóng. Họa đơn vô chí. Bà bị trượt ngã và bán thân bất toại. Mọi chuyện bắt đầu nháo nhào lên.
Anh Út nhận đem bà về nuôi, với điều kiện mỗi người sẽ đóng góp một ngàn đô một tháng. Anh Ba phản đối liền:
- Nhiều quá, mậy.
Anh Năm cũng đồng tình:
- Vị chi là mày thu năm ngàn đô một tháng. Gia đình mày khỏi cần đi làm cũng dư tiền rồi đó.
Anh Út cười khẩy:
- Vậy mấy ông đem má về nuôi đi.
Hai chị dâu lớn giãy nãy:
- Má thương em nhất thì em nuôi má là đúng rồi.
Hai ông anh nín thinh. Nuôi một người già bệnh tật đâu có dễ. Thôi thì đành bấm bụng chịu , rồi từ từ tính sau.
- Vậy là mấy anh chị đồng ý rồi nghe. Nhớ thực hiện đúng nghĩa vụ đó.
Anh Út nhấn mạnh hai từ “nghĩa vụ “để mọi người ý thức.
Buổi họp gia đình chấm dứt. Bà về ở với anh út.
Nhưng hai ông anh đâu có dễ dàng để thằng em út khống chế như vậy. Thay vì đưa tiền cho nó vào đầu tháng, hai ông kéo dài đến cuối tháng. Rồi tháng này kéo sang tháng kia, thành ra tháng có tháng không.
Bây giờ đi làm về, thay vì coi ti vi, anh Út cứ cầm điện thoại lên mà réo lần lượt ông Ba đến ông Năm. Họa hoằn lắm hai ông anh mới bắt máy. Mà, bắt máy rồi là lời qua tiếng lại um sùm.
Bà nằm trong phòng, không khóc mà sao nước mắt cứ chảy ra hoài. Con nào cũng là con. Bà biết xử sao bây giờ. Hai thằng anh thì tính toán, chi li. Còn thằng Út thì hỗn xược. Chúng cứ chửi nhau chí choé bằng những từ ngữ thật chướng tai và đau lòng bà. Nhiều lúc bà nghĩ, ông thật sung sướng vì đã chết đi, không phải chứng kiến cảnh đoạn trường này.
Thấy người ta trúng chứng khoán, chị hai rủ chồng góp tiền dành dụm đổ vào, thì chứng khoán rớt giá thê thảm. Việc đầu tư của anh Ba bị thua lỗ liên tục. Anh năm bị công ty sa thải . Thật khó tin được, một CEO mà cũng bị mất việc như những công nhân khác.
Các công ty lớn nhỏ lần lượt đóng cửa. Chị Sáu, chị Chín cũng đồng cảnh ngộ thất nghiệp. Cái business nhỏ xíu của anh Út cũng đang hồi hấp hối. Không biết vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu hay vì gia đình gặp đại nạn, mà sự xui rủi cứ ùn ùn kéo đến.
Trong tình hình đó, bà lại bị nhiễm Covid. Sau hơn nửa tháng nằm trong phòng cách ly, bà được đưa ra phòng ngoài, nhưng sức khỏe còn yếu lắm. Bà vẫn phải mang ống thở và thường thiếp đi rất lâu. Những giấc ngủ dài đầy mộng mị, u u, minh minh. Không hẳn là cơn mơ, cũng không hẳn là hôn mê. Không ai biết được bà sẽ thiếp đi bao lâu và lúc nào bà tỉnh lại.
Hình như trời đang mưa lớn. Không, là bão mới đúng. Bão mạnh lắm. Gió ầm ào quăng quật từng cơn. Những cành khô gẫy lắc rắc, rớt trên mái nhà, va vào những khung cửa sổ tưởng chừng làm bể nát mặt kiếng. Bà hốt hoảng gọi ông:
- Ông coi tụi nhỏ đã vô nhà hết chưa. Còn đứa nào ngoài sân không, gọi nó vô đi.
Ú ớ, bà choàng tỉnh dậy.
- Nước, nước…
Bà thều thào qua hơi thở mệt nhọc. Phải khó khăn lắm, chị Hai mới hiểu được ý bà. Chị rót ly nước, bón từng muỗng vào cái miệng khô khốc.
Anh Ba ngập ngừng hỏi:
- Má tôi thế nào rồi ạ?
Bác sĩ chăm chú theo dõi nhịp thở bà qua ống nghe:
- Tạm thời bà đã qua thời kỳ nguy hiểm. Vấn đề bây giờ là bà vẫn còn yếu.
Một ý nghĩ thoáng qua đầu, chị Chín quay sang hỏi anh út:
- Mày có cho má làm giấy Uỷ quyền y tế chưa?
- Chưa.
Tất cả nhìn nhau, ngớ người ra. Trời ơi, sao không ai nhớ điều này vậy. Mọi người cố nén tiếng thở dài não nuột. Mà ghìm nó lại, cứ nghe tưng tức trong ngực thế nào đó.
Bác sĩ trấn an:
- Hiện bà vẫn ổn. Gia đình không phải lo.
Không hổ danh là kế toán viên, chị Chín làm nhanh một phép tính chi phí trong đầu, rồi đưa ra đề nghị:
- Để má tôi nằm đây hoài cũng bất tiện. Có thể đem bà về nhà chăm sóc được không bác sĩ?
Vậy là bà được đưa về nhà chị Sáu. Vì, nhà chị Sáu rộng rãi, lại gần bệnh viện. Mấy ngày đầu, mọi người còn lui tới hỏi han. Nhưng qua tuần rồi thì ai cũng mệt.
Tình trạng sức khỏe bà thì cứ như thế. Lúc thì mê lúc thì tỉnh. Có đến thăm bà cũng không khá hơn được. Mà không đến bà cũng không nguy kịch hơn. Thôi thì ai ở yên nhà nấy, để bà có thời gian tịnh dưỡng.
Sang tới tuần thứ ba, chị Sáu triệu tập buổi họp gia đình.
- Mấy ông bà tính sao thì tính, chứ tui thấy không ổn rồi.
- Không ổn là sao? Tiền mọi người đã đưa cho mày rồi mà.
Anh Ba hỏi vặn lại.
- Ông lúc nào cũng tiền tiền hết.
Chị Ba ngọt nhạt:
- Vậy chứ không có tiền mọi người đóng góp, chắc em chịu nuôi má hả?
Chị Sáu định sừng sộ lại, thì chị hai đã chen vào:
- Thôi, mỗi người bớt một tiếng đi, nghe chị nói nè.
Chị Hai hạ giọng ra vẻ nghiêm trọng:
- Chị với con Sáu vừa đi coi bói về. Ông thầy này nói như thần vậy.
Anh Năm phẩy tay:
- Tưởng gì, ba cái nhảm nhí đó mà cũng tin được. Tui nể mấy bà luôn.
Chị Sáu gân cổ:
- Ông chưa nghe đầu đuôi gì mà đã cãi. Ông thầy nói ba chết nhằm ngày xấu nên anh chị em lục đục, công việc trắc trở, bệnh hoạn, tai nạn tùm lum…
Chị Ba gật gù, xích lại gần bên chị sáu:
- Ừ, để từ từ nghe coi. Ổng còn nói gì nữa không em?
Lần đầu tiên trong lịch sử gia đình, chị dâu em chồng lại thuận thảo như vậy.
- Có, nhiều lắm. Nhưng đại loại là, nếu lần này má chết nhằm ngày xấu nữa là nhà mình cùng đường, bít lối luôn. Còn nếu má chết đúng ngày tốt, giờ tốt thì không những hóa giải mọi cái xấu, mà còn mang đến đại cát. Con cái phất lên như diều căng gió.
- Rồi sao nữa?
- Làm sao mà tránh được ngày xấu đây trời?
- Mà nghiệt một đỗi, năm nay chỉ có ngày 4 tháng Hai âm lịch là ngày tốt thôi. Chị Hai thở dài.
Không khí lúc này thật căng thẳng. Vẻ lo lắng hằn trên gương mặt mọi người. Anh Năm cũng đăm chiêu, không còn bài bác nữa. Nhẩm tính lại, thì ai cũng thấy ông thầy nói đúng. Cái xui này chưa dứt, lại ập cái xui khác. Đó là chỉ mới có ba chết nhằm ngày xấu. Còn rủi má cũng chết nhằm ngày xấu, thì không biết còn thêm chuyện gì nữa.
- Cả năm mà chỉ có một ngày tốt thôi sao? Lần này chắc tụi mình đi ăn mày luôn.
Anh Út rên rỉ. Chị Sáu gật đầu thở dài.
- Vậy tui mới lo. Má mà đột nhiên lăn đùng ra thì lành ít dữ nhiều đó.
Anh Ba nhấp nhổm:
- Mấy cái chứng khoán của tao vừa đầu tư vào…
Chị Ba gạt đi:
- Phỉ phui cái miệng ông.
Anh Út cũng xoắn lên:
- Cái business của tui mà có gì chắc chết.
Chị Chín bẻ đốt ngón tay, hét lớn:
- Có im hết đi không. Làm người ta rối cả đầu.
Anh Năm trừng mắt:
- Cái miệng mày mới làm nhức đầu đó.
Chị Hai lúc nào cũng tròn vai chị cả:
- Thôi, mấy đứa có thôi không. Chết là chết chùm cả lũ, không lo, mà lo cãi nhau.
Chị với con Sáu đã tính hết nước rồi. Chỉ có cách này …
Chị hạ giọng xuống, thì thào…
- Uý trời…
- Ghê quá.
- Ôi cha má ơi…
Anh Ba sáng suốt nhất:
- Gì mà ghê gớm. Thì đằng nào má cũng chết. Chỉ là trước hay sau, hay lúc nào thôi.
- Có khi vậy còn khỏe thân má hơn là bệnh rề rề vầy. Anh út gật gù phán đúng chuẩn dân business.
Chị Hai chốt lại:
- Vậy là mọi người đồng ý hết rồi nghe. Mình chuẩn bị thủ tục mai táng là vừa.
Bữa kia là mồng bốn tháng Hai rồi đó.
Bà chợt tỉnh giấc, cố nhướng đôi mắt mệt mỏi nhìn lên. Hình như có mùi hương trầm thoang thoảng đâu đây.
Hơi thở bà khò khè mệt nhọc. Giá mà có ai ở đây đỡ bà ngồidậy, rồi vuốt vuốt nhè nhẹ vào lưng bà, chắc sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nhưng chung quanh không có bóng ai.
Bà muốn lên tiếng gọi, mà cổ họng vương vướng đờm, nghẽn lại.
Căn phòng mờ mờ tối. Chút ánh sáng le lói ánh qua rèm cửa sổ he hé không giúp bà xác định được giờ giấc, để bà biết bây giờ là sáng hay chiều, mà sao không gian im ắng quá.
Bỗng dưng bà nghe thèm tiếng người, tiếng cười nói, tiếng của sự sống. Bà nhớ ngôi nhà cũ kỹ với mảnh vườn đầy hoa cỏ, những loài hoa đồng nội dung dị. Bà muốn đi về đó thắp hương cho ông. Lâu lắm rồi, từ ngày bà bệnh, không biết tụi nhỏ có nhớ về đó hương khói cho ông đỡ quạnh quẽ không.
Tim bà chợt nhói lên một cái. Ngôi nhà thân yêu của bà, không biết nó còn đó hay đã bán đi chia năm sẻ bẩy cho lũ con rồi. Như vậy, hồn ông biết vất vưởng về đâu.
Hình như có người bước vào. Bà cảm nhận có hai người ngồi hai bên giường. Bà nhận ra tiếng con Hai khi nó nắm lấy tay bà.
- Má đi nhẹ nhàng thanh thản nghe má.
Bên này, con Sáu cũng ghé sát tai bà, thì thầm:
- Má sống khôn chết thiêng về phù hộ cho tụi con nghe má.
Cùng lúc hơi thở bà gấp rút, đứt từng quãng vì ống thở rút ra. Hai tay bà chới với. Chới với quơ vào khoảng không.
Anh Ba, với cương vị trưởng nam, thay mặt gia đình báo tin buồn cho thân quyến. Khâu tẩn liệm và tiếp khách do những người còn lại đảm nhiệm.
Một bia mộ bằng đá hoa cương được khắc hàng chữ:
“ Bà Trần Thị Liên
Hưởng thọ 80 tuổi.
Hiếu tử đồng lập mộ ngày 04 tháng 02 năm… “
Biển Cát
Luật nhân quả thật là cao diễn
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai......
Bất Hiếu với cha mẹ không phụng dưỡng thì cứ làm rồi sẽ thấy hậu quả