Hôm nay,  

Họp Mặt “Về Đây Anh” và Cọp Biển

30/07/201800:00:00(Xem: 14633)
Tác giả: Khôi An

Bài số 5452-20-31260-vb2307018

 
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và  hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.

TQLC Co Thanh Quang Tri
Thủy Quân Lục Chiến VNCH tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị (15 tháng 9 năm 1972).

Viet ve nuoc My 2
Họp mặt 46 năm sau tại San Jose, cùng đồng ca bài Cờ Bay.

 
***
 

Ngôi nhà tôi ở từ khi sinh ra cho tới khi rời Việt Nam nằm đối diên với một hãng bào chế thuốc Tây tại Sài gòn. Hãng có cơ sở rất lớn nên trước năm 1975 lính Việt Nam Cộng Hòa thường mượn chỗ đó để đóng quân. Nhìn ngắm các anh lính một cách tò mò và thán phục là một phần của tuổi thơ tôi. Tôi nhớ có người vui vẻ, xởi lởi, có người nghiêm nghị, trầm tư. Có người mặc quân phục trơn màu lá rừng, có người mặc rằn rinhư da cọp, có người loang lổ hoa rừng. Nhưng họ đều giống nhau ở chỗ còn rất trẻ.

Ngày 30 tháng 4, 1975, người lính Cộng Hòa cuối cùng tôi thấy là một người đã chết, nằm ngay dưới dốc cầu Phan Thanh Giản, phía xa lộ Biên Hòa. Nghe nói đó là một anh lính trẻ vừa tự sát. Ai đó đã phủ lên mình anh một tấm poncho, chỉ còn thò ra đôi giày mốc thếch bụi đường. Nỗi thương xót đã thắng niềm kinh hãi, tôi đi qua, đi lại nơi đó tới mấy lần. Tôi tự hỏi anh là ai, và trong giây phút này có những người nào đang mong ngóng anh? Anh nằm đó giữaSài gòn hoảng loạn, cùng lúc đó, tất cả tin yêu quanh tôi dường như sụp đổ...

Rồi tôi vượt biển sang Mỹ. Từ đó, tôi miệt mài đi học, đi làm. Một ngày kia,giật mình nhìn lại thì đã hơn bốn mươi năm từ ngày mất miền Nam. Những em bé ngày ấy, có tôi trong đó,đã trở thành tuyến đầu của những thế hệ Việt Nam lưu vong.

Tôi tự hỏi mình đã gom góp được bao nhiêu hiểu biết từ các thế hệ đi trước để truyền lại cho con cháu mai sau. Vàthảng thốt nhận ra rằng, ngoài những kỷ niệm mong manh ngày thơ, tôi biết rất ít về những người lính chiến, lớp người đã một thời chung vai gánh sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa để tôi được sinh ra trong tự do, và được học những bài đức dục cơ bản làm vốn vào đời.

Cũng may, trong thời đại internet, tôi đã dễ dàng tìm thấy những bài viết của lính. Tôi tìm hiểu về chiến sử của Việt Nam Cộng Hòa, không qua sách của người Mỹ mà qua tâm tình của những người đã đổ máu ngoài mặt trận. Tôi đa õhọc được khá nhiều. Từ những điều đơn giản như cấu trúc của một sư đoàn cho tới những điều ít người biết như những chi tiết về các trận đánh được ghi lại bằng những người có mặt tại chiến trường.

Tôi đã có dịp quen biết với các chiến sĩ của nhiều binh chủng, được thân tình gọi họ bằng Bác, bằng Chú, bằng Anh, và được hân hạnh dự những cuộc họp mặt của họ.

Lần tôi tham dự gần đây nhất là Đại Hội Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam với chủ đề “Về Đây Anh” tại San Jose, California. Buổi họp mặt này nhằm kỷ niệm 64 năm ngày thành lập binh chủng TQLC (1954-2018) và 46 năm ngày tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị (15 tháng 9 năm 1972).


*

Phố San Jose Năm Hai Ngàn Mười Tám

Đón chờ anh quý chiến hữu Mũ Xanh

Những người lính đã một thời lưu sử:

Giặc kinh hoàng khiếp đảm gọi tên anh

(Mũ Xanh Tuấn TT)

Chiều Chủ Nhật, ngày 8 tháng 7, 2018, đã gần sáu giờ mà nắng Hè vẫnrỡ ràng. Địa điểm Unify Event Center hơi khuất nhưng Ban Tổ Chức đã chu đáo cắm Cờ Vàng tận sát đường. Thấy bóng cờ, chúng tôi reo lên vì sẽ không lạc lối.

Xe vừa vào bãi đậu, tôi thấy một người lính mặc quân phục màu lá rừng. Lưng ông còng, ông phải tựa người lên một chiếc xe đẩy nhưng vẫn từng bước chầm chậm tiến về phía hội trường cùng với nhóm người chung quanh.

Hội trường rất rộng nhưng đã đầy kín. Hơn sáu trăm người đang chào hỏi nhau, chuyện trò rộn rã. Những vị chủ tiệc trong quân phục vằn đenđã già đi khá nhiều (so với ký ức của con béhơn bốn mươi năm trước) nhưng vẫn rắn rỏi và còn nhiều nét ngang tàng của thời Cọp Biển lẫy lừng. Đặc biệt là có khá nhiều nữ quân nhân tươi cười, rạng rỡ nhưng không kém phần oai phongtrong bộ áo rằn.

Ban Tiếp Tân trong trong áo dài xanh lá mát mắt, chạy lăng xăng lo mọi việc. Tôi đoán phần lớn họ là vợ - những “cái cò lặn lội bờ sông” - của TQLC.

Theo lời chia sẻ của các Mũ Xanh, vì TQLC là đơn vị tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nên ở đâu có chiến sự ác liệt là có họ đến hỗ trợ. Các tiểu đoàn phải chia nhau hành quân liên miên trên khắp bốn quân khu, vì thế, lính ngay trong cùng một lữ đoàn cũng ít gặp nhau. Có những người bạn từ thủơ ấu thơ, nghe tin nhau cùng vào TQLC nhưng vì người đi Quái Điểu, người vào Mãnh Hổ, kẻ ûtheo Kình Ngư nên từ khi vào lính cho tới lúc mất nhau cũng chưa được một lần gặp lại. Bây giờ, người Mũ Xanh trẻ nhất cũng ngoài sáu mươi và người cao tuổi nhất đã lên trên hàng tám. Họ về bên nhau để tìm lại chính mìnhcủa thời thanh xuân rực rỡ, để cùng chửi thề với “thằng” bạn từng nằm đâu lưng trong cùng một hố chiến đấu, và để kết thân với những chiến hữu từng biết tên mà chưa biết tính.

Vì tôi là lính áo rằn

Ra đi nào biết mấy trăng

mới về

(Cố Trung Tá Mũ Xanh

Lê Hằng Minh)

Đã đọc ít nhiều các câu chuyện của Sư Đoàn TQLC, tôi quý trọng các Mũ Xanh mà không cần khoác lên họ hình ảnh “siêu nhân” mình đồng, da sắt. Tuy vậy, khi gặp mặt, tôi vẫn có chút ngạc nhiên vì sự bình dị, nhẹ nhàng của họ, nhất là của những “Đại Bàng” (1).

Dù trong bộ quân phục áo rằn huyền thoại, các Mũ Xanh trông vẫn rất bình thường, không “Râu hùm, hàm én, mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” chi cả. Tôi cố đọc tên từng người trên túi áo để kết nối từng khuôn mặt với những điều mà tôi nhớ được. Đây là Đại Tá Ngô Văn Định, một trong những người hùng của mặt trận Quảng Trị. Đây là Đại Tá Tôn Thất Soạn, người Chiến Đoàn Trưởng đã chỉ huy nhiều chiến thắng lẫy lừng. Đây là Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Trưởng của Hùm Xám, người đã chạy đôn đáo để lo cho anh em trong những giờ phút cuối cùng tại bãi biển Thuận An. Đây là Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, Tiểu Đoàn Trưởng của Mãnh Hổ đã chiến đấu đến viên đạn chót trong ngày cuối của “tháng Ba gãy súng” (2). Đây là Thiếu Tá Lê Quang Liễn, một Mũ Xanh nổi tiếng bất khuất dù trong ngục tù Việt Cộng. Và, người mà tôi gọi là chú Cấp, là Thiếu Tá Tô Văn Cấp, một Đại Đội Trưởng của Tiểu Đoàn Trâu Điên đã đánh tan nát Cộng quân tại Sài gòn năm Mậu Thân, 1968.Và còn rất nhiều vị nữa mà tôi chưa kịp nhận ra trong 162 Cọp Biển ngày hôm ấy.

Ngồi ơ ûchiếc bàn gần sân khấu có hai vị phu nhân của hai Cố Tư Lệnh TQLC Lê Nguyên Khang và Bùi Thế Lân. Rải rác trong phòng còn những goá phụ và con cái của các chiến sĩ đã hy sinh từ mấy chục năm trước. Những bà vợ đến để giữ mãi tình thân trong gia đình TQLC, những người con tìm về đe åhiểu thêm về những tháng ngày mà họ chưa được biết vì còn quá nhỏ, quãng thời gian mà cha của họ đã từng sống, chiến đấu, và tự hào.

 
*

Bát thập vấn vương đời quân ngũ

Bao năm “Cọp Biển”, đó là danh

Ưỡn ngực nhìn quanh đời, chẳng thẹn

Nước mắt rơi chỉ khóc bạn mình

(Mũ Xanh Bồng Sơn)

 

Đúng 6 giờ 30 phút, lễ rước cờ bắt đầu. Hai lá quốc kỳ Việt, Mỹ được hai chiến sĩ Mũ Xanh dương cao, lá quân kỳ của TQLC được ủy thác cho đại diện của Young Marines, thế hệ con cháu của TQLC Việt Nam.

Lễ chào cờ được diễn ra hết sức trang trọng, và tiếp theo là lễ tưởng niệm các anh hùng, tử sĩ đã ngã xuống trong suốt sáu mươi bốn năm TQLC Việt Nam chiến đấu cho lý tưởng Quốc Gia. Đại diện của mười chín tiểu đoàn đem mười chín vòng hoa lên bàn thờ. Sau đó Đại Tá Ngô Văn Định, Đại Tá Tôn Thất Soạn, và Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Tân Tổng Hội Trưởng của Tổng Hội TQLC Việt Nam, đặt thêm một vòng hoa kết hình quốc kỳ Việt Nam với hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn” ở giữa.

Không khí trang nghiêm phăng phắc, chỉ có những câu thơ và lời diễn văn đầy thương tiếc vang vang. Lúc đó, có lẽ những Cọp Biển đang nhớ lại những năm tháng mà cái chết đến với họ nhanh như gió thoảng. Vừa mới đó cười vui, mắt sáng rực,long lanh đầy nhiệt huyết, chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã gục ngã để ngườiở lại ngơ ngác hỏi nhau “Mất rồi sao?”

Trong tiếng kèn đồng thê thiết, hàng trăm Cọp Biển đứng nghiêm giơ tay chào. Có những cánh tay hơi run, phải chăng những vết thương năm xưa cùng dấu thời gian đã làm mỏi vai chiến sĩ hay vì họ đang rơi nước mắt trong lòng?

Sau phần nghi lễ, tiết mục mở đầu cho buổi sinh hoạt là hoạt cảnh cắm cờ trên Cổ Thành Quảng Trị. Đoàn chiến sĩ ôm súng chạy lên, tung người phóng lên mặt thành (sân khấu) để cắm cờ trong tiếng đạn réo đì đùng. Thì ra nhiều Cọp Biển vẫn còn nhanh nhẹn và dẻo dai lắm lắm! Niềm tự hào của Binh Chủng TQLC ngời ngời trên mặt từng người trên sân khấu khi họ say sưa phất cờ trong tiếng hát Cờ Bay vang cả khán phòng.

Nhưng “càng vinh quang thì càng nhiều khăn tang”(3), chiến thắng Cổ Thành Quảng Trị là thành tích lẫy lừng nhất nhưng cũng bi tráng nhất trong quân sử của TQLC.

“Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thân yêu …” phải đọc và biết về trận Quảng Trị, người ta mới thấm thía câu hát đó. Đường lên Cổ Thành đã phải mở bằng máu của chiến sĩ từ mọi quân binh chủng, từ Chủ Lực Quân, Địa Phương Quân, Tổng Trư øBị Nhảy Dù và TQLC, tới các đơn vị yểm trợ như Không Quân, Hải Quân, Pháo Binh, Công Binh và cả Đồng Minh. Cuối cùng, TQLC đã ác chiến trong suốt 51 ngày, giành từng căn nhà, nhích từng tấc đất để đánh bật Cộng quân ra khỏi Quảng Trị.


Khi ngọn cờ đã được các chiến sĩ TQLC cắm trên mặt thành, họ mới có dịp để nước mắt rơi nhòe nhoẹt trên những khuôn mặt đen thui bụi và khói súng. Lúc đó họ mới biết mình được sống và mới có dịp ôm nhau khóc thương 3658 đồng đội– khoảng một phần tư Sư Đoàn TQLC - đã gục xuống trong gần hai tháng tận cùng máu lửa.

Bản đồng ca kế tiếp là bài hát “Về Đây Anh”, do Thanh Tâm phổ nhạc từ cảm xúc của Mũ Xanh Tuấn TT dành cho chủ đề họp mặt. “Những chiến công ngày qua là máu xương bạn ta”, lời hát đã nhắc - một lần nữa - điều mà người lính không bao giờ quên. Khi gặp nhau, người sống nhắc mãi những kỷ niệm với người đã ngã xuống bởi vì trong lòng họ những chiến hữu thân thiết như ruột thịt đó chỉ “mờ đi chứ không bao giờ chết”. (4)

Trong buổi họp mặt, tôi đã học hỏi được nhiều điều.

Tôi kính phục khi nghe Đại Tá Đồ Sơn Ngô Văn Định giới thiệu quân kỳ TQLC đã được 8 lần tuyên dương trước Quân Đội, được mang những dây biểu chương màu anh dũng bội tinh, màu quân công bội tinh, màu bảo quốc huân chương, và màu tam hợp. Ông nhấn mạnh: “Mồ hôi, máu, và nước mắt của anh em đã tô đậm thêm những nét hào hùng cho quân sử và quân kỳ của Binh Chủng TQLC Việt Nam.”

Tôi cảm động khi thấy các Mũ Xanh không gọi nhau bằng tên mà bằng biệt hiệu truyền tin. Tango, Đồ Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Long Hồ, Cần Thơ, Bồng Sơn…, những cái tên nghe đầy hào hùng, nhưng khi phát ra trên môi người TQLC thì tràn vẻ thân yêu, gần gũi. Như thể khi ở bên nhau, con người của gia đình, của đời sống thanh bình nhường chỗ cho một nửa khác trong họ bừng dậy. Bừng dậy những người trai sẵn sàng đi vào chỗ chết để lấy lại đất, để giải vây cho đồng đội. Bừng dậy những khi họ gào tên nhau qua máy truyền tin, vượt trên tiếng đạn bom gào xé, để tìm nhau cùng đánh giặc. Bừng dậy những lúc họ thì thào tên nhau và được thêm sức mạnh khi nghe thấy nhau trong những lúc ngặt nghèo giữa vòng vây giặc thù.

Tôi nể trọng khi thấy rằngsaubao cay đắng, thất vọng khi bị ép buộc buông súng, các chiến sĩ Mũ Xanh vẫn sắt son với lý tưởng Tự Do và vẫn khắc khoải về vận mệnh nước nhà “Là thành viên của Hội TQLC, chúng tôi không chấp nhận chế độ Cộng Sản dưới bất cứ hình thức nào”(Thiếu Tá Lê Quang Liễn) và “Thế hệ kế tiếp sẽ là những nhân tố quyết định để giải trừ chế độ CS” (Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội“Về Đây Anh”)

Buổi họp mặt năm 2018, cũng như những buổi họp mặttrước đây ở khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, là lúc đểcác Mũ Xanh cùng vui và cùng trân trọng rằng họ còn sống để tìm đến nhau sau hơn hai mươi năm chiến tranh khủng khiếp và mười mấy năm tù đày khổ sai. Đại Tá Đồ Sơn nói tiếp:“Gặp nhau để trao gửi tình đồng đội và tình chiến hữu đã một thời chinh chiến bên nhau từ Cà Mau ra Bến Hải. Chúng ta còn có cơ hội gặp nhau và thư qua, thư lại được là quý lắm rồi”. Không biết tôi có tưởng tượng hay chăng, nhưng tôi nghe giọng ông có đôi lần nghẹn lại.

Buổi họp mặt còn là dịp để các chiến hữu từ nhiều binh chủng gặp lại nhau. Một chú Bộ Binh ngồi cùng bàn đã kể cho tôi nghe là nhiều lần trong các buổi họp mặt của các binh chủng, có những người bạn mấy chục năm bặt tin, đã ôm chầm nhau rồi hỏi “Mày còn sống đó sao?!”

 
*

Măng non những tưởng tre già khóc

Tương phùng chợt đến tựa chiêm bao

(Mũ Xanh Tây Đô)

Hai câu thơ trên là của Thiếu Tá Tây Đô Lâm Tài Thạnh viết về cảm xúc khi gặp lại mẹ già trên đường trốn thoát về Sài gòn sau khi bị giặc bắt làm tù binh năm 1975.

Thì ra gian khổ từng ngày, chết chóc kề bên chỉ làm cho các Mũ Xanh cứng cỏi chứ không hề lạnh lùng. Họ yêu từng tấc đất, từ miền Trung đạn bom cày nát tới miền Nam sông lạch dịu hiền. Họ yêu gia đình bằng tình cảm sâu nặng nhiều khi chưa kịp nói. Khi có dịp cầm bút, họ kể chuyện, rất thật, rất chân thành và cảm động.

Tôi biết ơn họ nhiều hơn khi hiểu rằng dù vang danh thiện chiến, người TQLC cũng chỉ là người bình thường với đau khổ, nhớ thương, và sợ hãi.

“Mày có biết không, có những lần cái chết nó gần đến nỗi tao còn nghĩ rằng nó là nhân tình chung thủy không rời. Lúc nào cũng cận kề với những thằng lính mũ xanh của tụi mình, lúc nào cũng sẵn sàng mở vòng tay chào đón bọn mình. Sự sống chỉ là một thứ không tưởng…

(Mũ Xanh Nguyễn Đức Hùng)

Tôi hiểu rằng TQLC không phải là đoàn quân bách thắng, nhưng tôi kính họ không chỉ vì hào quang của Đông Hà, Quảng Trị… Tôi kính họ bội phần vì họ đã liên tiếp đứng dậy chiến đấu sau những hy sinh, gian khổ mà nếu không nghe chính họ kể thì tôi không thể nào tưởng tượng nổi.

Tôi cảm động khi gặp mặt những người đã cho tôi niềm tự hào về quân nhânViệt Nam Cộng Hòa. Trước đây, tôi rất thích và cảm phục câu chuyện một người lính của một đất nước nào đó đã quay trở lại chiến trường tìm bạn trong lửa đạn. Nay tôi đã có dịp biết về những giờ phút hoảng loạn cuối tháng 3, 1975 trên bờ biển Thuận An nước Việt. Lúc một chiếc tàu vào đón quân đưa về Đà Nẵng, Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 7, ôm xác người em trai bơi ra tới tàu, gởi xác em tại đó, rồi nhảy xuống biển bơi trở lại.

Sau này khi được hỏi tại sao ông quay lại trong khi người ta tranh nhau chạy, khi địch đang xiết vòng vây ở chung quanh, ông trả lời đơn giản “lính tôi còn trên bờ, tôi phải trở lại để sống chết với anh em.” (ghi lại bởi Mũ Xanh Cần Thơ)

Sau bao năm tháng gian khổ, sau những chiến thắng lẫy lừng, cuối cùngcác chiến sĩ TQLC đành gẫy súng trong uất hận vì Đồng Minh phản bội. Giờ thứ 25, nhiều Mũ Xanh còn bị bỏ rơi, còn phải trải qua những khổ nạn tưởng chừng quá sức chịu đựng của con người.

Rồi những mãnh hổ sa cơ bị bắt làm tù binh đã phải chịu “sự nhục nhã đến ê chề, tủi thẹn đến tê tái cả người”(5), đã phải chịu hành hạ tàn bạo trong tù khổ sai. Càng bất khuất, oai dũng thì càng uất ức khi phải bó tay vì vận nước. Với tôi, những khổ nhục mà các chiến sĩ đã phải nghiến răng chịu đựng trong nanh vuốt của Việt Cộng cũng đáng trọng chẳng kém gì những vũng máu họ đã đổ ra trên chiến trường.

Cho tới bây giờ, lòng của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vẫn chưa được hoàn toàn bình yên. Trong cát bụi của những ngọn đồi dọc biên giới Hạ Lào có xương thịt của biết bao đồng đội. Mấy trăm bộ xương còn nằm đâu đó trên bãi biển Thuận An. Máu của mấy ngàn chiến sĩ đã thắm đất chung quanh Cổ Thành Quảng Trị. Xương máu của họ đã bồi đắp - theo nghĩa đen – cho Miền Nam Việt Nam. Bây giờ, nơi đó đang bị bọn cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bán đứng trong kế hoạch công khai bán cả nước Việt Nam cho Trung Cộng.

Chắc là có nhiều lúc họ thấy cay đắng lắm.

Tuy vậy, các Mũ Xanh vẫn sống đẹp trong hoàn cảnh hiện tại. Họ vẫn chia sẻ thu nhập khiêm tốn của những “người lính già” để cưu mang anh em thương phế binh và cô nhi của TQLC còn kẹt lại. Cọp Biển vẫn tổ chức họp mặt gần như mỗi năm dù công việc tổ chức rất bộn bề, nhất là khi hầu hết Ban Tổ Chức đã vượt qua ngưỡng bẩy mươi. Và còn nữa, họ vẫn hướng về tương lai, vẫn làm mọi cách trong khả năng của họ để giúp đỡ, giáo dục Young Marines, nói riêng, và thế hệ trẻ gốc Việt, nói chung.

Cám ơn đại hội “Về Đây Anh” cho tôi hân hạnh được gặp các chiến sĩ Mũ Xanh. Gặp để thấy rằng sau mấy chục năm dâu biển đớn đau, họ vẫn gắn bó, đùm bọc, hy sinh,và làm việc vì nhau. Trong từng cử chỉ, lời nói, tôi thấy các Mũ Xanh rất quý trọng nhau bởi vì mỗi người đều xứng đáng được kính trọng.

Ở Hoa Kỳ, người ta nói người đi sau thành công vì đã được bắc thang bằng vai của những người đi trước. Tôi nghĩ, thế hệ được sinh ra, lớn lên từ miền Nam chinh chiến điêu linh như tôi, ngày nay nếu thành công là vì chúng tôi đã được bắc thang bằng hơn ba trăm ngàn xác tử sĩ cũng như máu, nước mắt, và vô vàn đắng cay của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa còn sống.

Cám ơn các Bác, các Chú, các Anh, những người đã hy sinh cả cuộc đời để giữ Miền Nam Việt Nam. Cám ơn những tử sĩ đã ngã xuống. Cám ơn những vợ góa, con côi đã chịu thiệt thòi, đau khổ. Và, muôn ngàn tạ ơn những cha yếu, mẹ già đã cạn nước mắt khóc thương, trông đợi.

Tôi mong rằng thế hệ chúng tôi sẽ cố gắng sống, làm việc, và đóng góp xứng đáng với những gì chúng tôi đã nhận.

Tôi ước mong rằng chúng tôi sẽ có đủ kiến thức, khả năng, và nhân duyên để truyền cho thế hệ tới những hiểu biết về quân sử Việt Nam Cộng Hòa được viết một cách chính xác và thiêng liêng từ những kinh nghiệm máu lệ của các chiến sĩ tại chiến trường.

Khi biết và hiểu những sự thật lịch sử, tôi tin rằng người ta sẽ nhận ra và nhớ mãi rằng: thành tựu và hạnh phúc của mỗi người tỵ nạn gốc Việt đều được vun tưới bằng cay đắng, hy sinh của nhiều thế hệ từ quê hương Việt Nam kém may mắn. Đó là món nợ mà người cho vay không hề nghĩ tới, nhưng người vay cần ghi khắc để đền đáp lại cho quê cha đất tổ mai sau.

Khôi An

 
Chú Thích:

(1) Đại Bàng: cách các chiến sĩ TQLC gọi cấp chỉ huy.

(2) Tháng Ba Gãy Súng: Tác phẩm của Cố Nhà Văn/Chiến Sĩ TQLC Cao Xuân Huy

(3) Trích “Cháu Rất Hãnh Diện Về Cha” của Thiếu Tá Mũ Xanh Tô Văn Cấp.

(4) Tướng MacArthur: “Old soldiers never die; they just fade away”.

(5) Trích “Phương Nam, Ánh Sao Nơi Cuối Trời” của Thiếu Tá Mũ Xanh Lâm Tài Thạnh.

Ý kiến bạn đọc
23/08/201805:19:27
Khách
xin lỗi ông Nguyenvan muoi.
Ông nói giống tên VC "đỗ bù" quá. Ông thuộc đơn vị nào mà đi lẫn vào TQLC.
Đại tá nào cùa sư đoàn 1 mà đi lạc vào TQLC mà bị bắn? Lúc đó ông mưoi núp ở kẽ nào?
Ông nói CS chưa tới.mà sao ông bỏ đơn vị của ôngm dào ngũ khỏi đơn vị mình chạy theo đơn vị bạn mà có nói bậy cái gì. Theo quân pháp ông là kẻ bỏ đơn lúc chiến đấu thì bị tội gì không?
BĐQ ở đâu mà dùng 75 ly bắn lên tàu HQ. BĐQ bắn mấy quả.
BĐQ không bao giờ làm điều đó.
Ông có biết súng 75 ly tên là gì không?
Xin ông đừng nói nữa để khỏi lộ chân tướng là một tên bỏ đơn vị, bỏ đồng đội để chạy trốn
21/08/201802:36:56
Khách
Quân đội Vnch đã tan hàng ngày 30 tháng 4 năm 1975 ,sao vẫn còn những người ôm mãi các bộ đồ Rằn làm tôi nhớ mãi ở bãi biển Tư hiền , họ bắn vào các binh chủng khác không cho xuống Tàu ,bắn Chết một Đại tá sư đoàn 1 ngay trong khoang Tàu Hải quân ,Tôi và các người khác phải nhảy xuông biển ,trong khi các cấp chỉ huy của họ Lặng yên đứng nhìn ,sau khi chúng tôi lội ngược trở về bở Biệt đông quân bắn xuống mấy quả 75 ly ,và mấy tràng đại liên Tàu bốc cháy ,phe ta giết phe mình ,Cs chưa tới mà tranh nhau Chạy khong có gì nhục cho bằng , bây giờ còn Huêng hoang áo mũ thiệt QLVCH anh hùng chổ nào TQLC là đám kiêu binh ,và Nhảy dù cũng vậy Tôi ghét hai binh chủng nầy ./
02/08/201816:56:05
Khách
Cám ơn chị Đông Trinh, Một Người Đọc, và chú Sáu đã xem và để lại lời khen và góp ý.
Kh A không biết trả lời câu hỏi của chú Sáu, có lẽ phải chờ một vị TQLC nào ghé đọc bài và cho ý kiến.
Theo Kh A đoán, lính TQLC là lính đánh giặc nổi tiếng, VC thù ghét nhiều hơn nên bây giờ các Bác/Chú ấy ít ra mặt.
02/08/201801:21:11
Khách
Chào cháu Khôi An,
Bài viết cháu rất hay. Liên quan đến TQLC VNCH chú có thấy điều này. Qua bao nhiêu chuyến đi Việt Nam chú gặp nhiều cựu chiến binh VNCH nhưng chưa gặp một cựu chiến binh TQLC VNCH. Chắc có lý do nào phải không?
31/07/201817:17:18
Khách
Những người lính VNCH bị buộc tan hàng nhưng họ chưa bao giờ giải ngũ.
Vì thế, tôi nghĩ, trong những trường hợp trang trọng có liên quan tới quân đội, gọi họ bằng chức vụ cũ là xứng đáng. Nếu có thể thêm chữ "cựu" thì chính xác hơn (tuy hơi dài dòng).
30/07/201807:45:15
Khách
Nhớ những tháng ngày trước 1975 . Các binh chủng trong quân đội VNCH đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ đất nước. Xin thắp lên một nén tâm hương để tưởng niệm các anh đã bỏ mình để bảo vệ cho Tổ Quốc Việt Nam. Xin kính phục các anh hùng mũ đỏ, mũ nâu, mũ đen và các anh mũ xanh !
Cảm ơn Khôi An, bài viết thật hay, thật cảm động về cuộc họp mặt của các anh Thủy Quân Lục Chiến. Cảm ơn Thiếu tá Tô Văn Cấp với những bài viết thuật lại những trận chiến oai hùng của các anh. Rất mong đước đọc thêm bài mới của anh nha.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,418
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.