Hôm nay,  

Tử Thần Bỏ Sót

10/04/201800:00:00(Xem: 12096)
Tác giả: Sắc Võ

Bài số 5357-19-31198-vb3041118

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng một hồi ức Mậu Thân. Ông sinh năm 1942 tại Huế. Qua Mỹ diện HO 21 định cư tại Thành Phố Tucson Arizona, hiện nghỉ hưu. Mong ông sẽ tiếp tục viết.

 
***
 

Mậu Thân 1968. Những ngày đầu năm mới, Huế tang tóc, Huế bi thương.

Năm nay, Mậu Tuất, 2018. Thời gian qua đã 50 năm.

Nén hương thành kính xin tưởng nhớ bà con, anh em trong hai làng Nguyệt Biều, Lương Quán đã bị những người thân ruột thịt theo CS sát hại dã man trong biến cố Mậu Thân.

Kể lại chuyện cũ, nhưng không cũ, vì năm nào sau thú vui mừng Xuân, làng Nguyệt Biều nằm bên bờ tả ngạn sông Hương cách trung tâm thành phố Huế 5 km về hướng tây, nhiều gia đình lại bùi ngùi tố chức lễ kỵ cho thân nhân là nạn nhân chiến cuộc Mậu Thân.

Điểm lại danh sách những người bị giết tức tưởi, họ không mang tội gì ghê gớm để phải đền mạng, họ là những ông già, đàn bà, trẻ em, cha, con của những người không cùng giới tuyến với Cộng Sản hoặc sống vùng nào làm việc theo chế độ vùng đó. Khá nhiều người là nạn nhân của sự trả thù cá nhân mà bọn thời cơ lợi dụng.

Hận thù nên gỡ không nên buộc.  50 năm thời gian dài đủ nguôi ngoai, quên đi hận thù và cùng bắt tay nhau xây dựng.  Nhưng năm nào đến Tết, chính quyền Cộng Sản cũng tổ chức ăn mừng chiến thắng Mậu Thân 1968, vui trên thành tích tàn sát đồng bào, huyênh hoan khoe công trạng, tuyên truyền một chiều, gắn cho những nạn nhân bị giết oan là “mang nợ máu”, làm cho lớp hậu sinh không phân được trắng đen.

Vì vậy, những nhân chứng không thể không kể lại. Nhân chứng phản biện để nói lên tội ác diệt chủng mà chính quyền CS qua tay bọn nằm vùng và bọn thời cơ đã giết dân Huế nói chung và dân hai làng Nguyệt Biều, Lương Quán nói riêng. Mong nỗi oan khiên được giải để cho các nạn nhân được siêu thoát.

Trong số người bị sát hại, điểm qua không thấy ai chống Cộng mãnh liệt, họ sợ cộng sản nhiều hơn chống, phần lớn họ là dân thường, chỉ muốn bình an. Hầu hết những người có thành tích chống cộng thì đã tự lánh mặt, vào ở trong các đồn trại của QĐVNCH, như đồn Long Thọ, Văn Thánh từ lúc nghe tin Cộng quân bất ngờ phản bội ký kết lệnh ngưng bắn, tấn công vào thành phố Huế trong đêm 30 rạng mồng một Tết.

Mậu Thân, 1968. Lệnh các đài phát thanh thông báo: hưu chiến ba ngày. Hai phe ngưng tiếng súng để mừng vui trong ba ngày Tết. Chiều 30 tết, tiếng pháo nổ đì đùng khắp đó đây. Khuya 30 tiếng nổ lại rền vang hơn. Sáng mồng một Tết tin Việt cộng đã tấn công vào Huế. Nhưng Nguyệt Biều vẫn còn yên tĩnh, chỉ nghe tiếng nổ và chớp loé sáng ở xa.

Sáng nào tôi cũng sang nhà anh A. ngồi bàn chuyện và nghe ngóng tình hình. Hai anh em cũng đã bàn chuyện ra đồn Long Thọ lánh nạn. Cuối cùng, quyết định ở nhà vì cả hai là giáo viên, tự nghĩ, dại gì ra đồn quân sự mà lãnh đạn.

 Anh Thân Trọng A. lớn hơn tôi chừng 4 hoặc 5 tuổi, nhà đối diện nhà tôi. Anh là thầy dạy kèm toán cho tôi thời tôi học trung học, vừa là cháu rể của nhà tôi. Anh là giáo sư trường trung học Đồng Khánh. Tôi quen anh, ở gần anh tôi biết khá rõ. Anh ở trong nhóm học sinh, sinh viên ngoại thành Huế trước năm 1954. Bạn bè cùng lứa của anh đi tập kết ra Bắc, Anh vì hoàn cảnh bà nội già, mồ côi cha mẹ, còn phải đùm bọc hai em còn nhỏ nên ở lại miền Nam.

Anh có giấy gọi quân dịch lớp sĩ quan từ khoá 13 vào năm 1962. Nhưng lần nào Anh cũng nhịn đói để không đủ cân và được hoãn dịch, lần lữa cho đến khoá 25 trừ bị Thủ Đức, năm 1967 anh mới bị dính. Sau 9 tháng ở quân trường, anh được phân bổ về Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Dịp nghỉ Tết, lệnh cho phép hoãn trình diện. Anh nằm nhà, nghĩ mình có cảm tình với Việt Minh, sợ gì đi tránh, nhưng anh lầm.

Ngày 13 tháng giêng  m lịch, khoản 9 giờ sáng cậu Nguyện tôi từ ngoài đường chạy vào, hổn hển:

 - Việt cộng về tới trên đập rồi. Hai bên bắn nhau đã có người chết. Lính kéo nhau chạy ra Long Thọ hết!

 Ba tôi bảo:

 - Cậu và thằng Sắc lên trần nhà trốn đi.

 Hai cậu cháu kéo nhau lên trần nhà ngồi, chừng 10 phút sau, nghe nhiều tiểng nói ngoài đường, rồi một toán không biết bao nhiêu người vào nhà.

 - Chào Bác, Bác khoẻ không?

 - Chào mấy anh.

 - Cháu là Thân, đây là Gô và đây là Chiêm.

Hai cậu cháu ngồi trên trần, cậu tôi thì run cầm cập. Sao lạ lúc này tôi không thấy sợ sệt gì hết. Lại nghe hỏi:

 - Con Bác đi đâu hết rồi?

 - Thằng lớn thì về ăn Tết nhà vợ, chưa thấy lên. Còn thằng nhỏ thì đi khỏi, vào Buôn mê thuột thăm chị nó.

Toán người chỉ thăm hỏi qua loa một chút rồi đi. Nói thật, trước Mậu Thân tôi không mảy may ác cảm với Việt cộng mà còn có cảm tình, vì hào quang Việt minh chiến thắng Điện Bièn Phủ, có công trong kháng chiến chống Pháp. Vì thế, lúc đó tôi có ý muốn leo xuống gặp.  Cậu tôi thì thầm, van vỉ:

 - Cậu lạy con, con xuống là cậu chết.

 Sau khi cả toán rời nhà tôi chừng 10 phút, mợ tôi le te bồng con nhỏ vừa chạy vào, vừa khóc.

 - Anh lo về ngay, ngươi ta đòi bắn thằng Sinh nếu anh không ra trình diện!

 Mạ tôi cũng giục.

 - Cậu về đi! Mợ đã biết cậu ở đây thì ai cũng biết! Về đi.

Cậu tôi với gương mặt âu lo, băng qua vườn O Liễn về nhà và đã bị đem đi, đến nay, vẫn chưa tìm ra tông tích. Chức vụ cậu tôi lúc đó là phó ấp trưởng.

Tôi thì xuống hầm tránh bom đạn, ẩn mình luôn.

Trưa ngày 18, có hai bộ đội vào xin được ăn cơm tối, mẹ tôi từ chối, xong chạy vào hầm mách lại với hai cha con. Tôi nghĩ chuyện này chắc mạ chết rồi, không kịp đắn đo tôi rời hầm ra đường đón hai anh bộ đội nói:

 - Mời hai anh chiều ghé ăn cơm, mẹ tôi không biết, vì gạo hết từ hôm qua, nhưng vợ tôi đã qua hàng xóm mượn được một ít.

 - Lần sau nghe. Có nhà bên kia cho ăn rồi!

 Từ đó tôi không còn trốn được nữa mà hằng ngày theo lênh tập trung tại nhà thờ họ Hoàng để nghe phổ biến tin tức và thông báo tin thắng trận. Trưa ai được về nhà nấy, ai cũng yên tâm, nghĩ chắc không có gì xảy ra cho mình. Nhưng vài người thân quen rỉ tai nhau cho biết tên một vài người trong làng đã bị bắt đi, kể cả anh A. Sau này mới tìm ra là anh A. bị chôn sống.

Những ngày đến điểm tập trung, tôi mới nhận ra, lâu nay số bạn bè qua lại với mình cũng như một số dân trong xã họ là cảm tình viên hoạt động chìm cho cộng sản.

Sáng 25 tháng giêng âm lịch. Anh Gô đạp xe đạp vào nhà tôi bảo:

 - Anh Sắc, anh có lệnh đi học tập hai mươi ngày, xong về đi dạy. Đem theo 20 ngày ăn và đồ dùng cá nhân, 10 giờ đúng, tập trung tại nhà thờ họ Hoàng nghe.

 Tôi mặc vội vào người bộ đồ đen của xây dựng nông thôn, ngoài mặc thêm bộ đồ ngủ màu xanh dương, bỏ gạo, thức ăn, đồ dùng cá nhân vảo trong cái bao cát do vợ may cho, bao có hai quai để mang sau lưng thế cái ba lô.

Gần 10 giờ rời nhà, vợ bồng con đầu ba tháng tuổi đi theo lên tập trung tại nhà thờ họ Hoàng. Khi đến nơi tôi thấy rất đông, đủ các hạng người, đông nhất là hoc sinh, sinh viên.  Mười ba người đuoc gọi tên đi học tập là:

Nguyệt Biều: Sắc, Đằng, Hưng, Mẫn, Thổ, Vũ, Tâm (đàn bà )

Lương Quán: Khá, Thú, Đủ và 3 người nữa tôi không nhớ tên là nghĩa quân hoặc lính trong quân đội về phép vì có lệnh đình chiến. (Số người này bị đưa ra Bắc, đến năm 1976 mới được cho về, trừ Vũ nghe nói bị bệnh chết.)

Một du kích có mang súng dẫn đi lên hướng đập đầu làng, băng qua nhà máy nước Vạn Niên, vào địa phận Thuỷ Xuân, nhốt vào trong một nhà thờ cũ ba gian tên gọi nhà thờ Trung Chỉ.  Ở đây đã tập trung rất đông chừng khoảng 200 người.

Cả hai hôm đó chúng tôi bị cầm giữ tại đó, thỉnh thoảng thấy đưa thêm một số người vào, nhưng không thấy ai ở Nguyệt Biều nữa. Lúc mới nhập kho nghe thấy em Hồ ngọc Vinh người Lương Quán được cho về nhà.  Trong số nạn nhân bị nhốt chung tôi còn nhớ mãi là: ông Võ Thành Minh người thổi sáo tại Geneve phản đối Hiệp định chia đôi dất nước năm 54, và hai cha dòng Thiên An. Sau này các báo đều đã đăng tin và hình ảnh cả ba người bị thảm sát tại một địa điểm gần lăng Tự Đức.

Tuy chỉ hai đêm nhưng tôi thấy mỗi đêm có cán bộ Cộng sản vào gọi tên một vài người và dẫn đi, sau này về được, tôi nghe những người đó đều bị chôn sống. Cái ghê gớm của người Cộng sản là khéo che dấu, nạn nhân đến khi chết mới biết được tâm địa gian ác của họ.

Đêm thứ hai, lệnh cho 13 người Nguyệt Biều ăn cơm dể di chuyển, mỗi người được phát một chén cơm và mấy lát su hào kho muối.

 Thật là điếc không sợ súng, tôi không thấy buồn, lo lắng gì cả, còn bạo miệng nói:

 - Thưa đồng chí, số 13 xui, xin dồng chỉ cho thêm một người cho đủ 14.

 - Ai đồng chí với anh? Cách mạng 13 hay 14 gì cũng tốt hết.

Mắng thì mắng nhưng rồi họ cũng cho chuẩn uý Tôn Thất Bưởi rể ông Khương ở Trường Đá, đi theo cùng toán.

Khoảng 8 giờ 30 tối khởi hành. Trời cuối tháng giêng, tối mờ mờ, mưa, lạnh cắt da. Đang đi lệnh đột ngột dừng lại. Đằng xa, cảch khoảng chừng mười lăm mét có bóng một lính Mỹ đen, tay xách khẩu AR 15 đang bước băng qua đường.

Lạy trời! Chỉ đi nhanh hay chậm một phút cả toán lọt vào ổ phục kích của Mỹ tại Cầu Lim rồi! Lệnh cho trở lui lại nhà thờ Trung Chỉ, ngày mai đi tiếp. Lần đi hôm sau trót lọt, chúng tôi được dẫn đi lên qua cầu Lim, vòng ngã sau quận Nam Hoà, lên Võ Xá, Định Xá đi đò qua sông, băng rừng, lội bộ và ngừng ở hai triền đồi, dưới có dòng suổi chảy. Ở đây đã sẵn láng, trại và số người đang bị giam giữ chừng ba trăm người, tôi thấy có vài người người ngoại quốc, tất cả đều sinh hoạt quanh lán trại, không ai bị cùm trói.


Hai ngày sau toán Thuỷ Biều mười người được gọi tên, phân công đi tải gạo, men theo đường rừng, đến các làng sau chùa Thiên Mụ để tải về cho trại một số gạo. Cả đi và về thời gian 6 ngày. Toán đươc một bộ đội người Bắc tên Chèo mang khẩu AK 47 dẫn đi. Đang thanh niên, lúc bấy giờ tôi mới 27 tuổi không hiểu gì về người Cộng sản cũng như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lại lém miệng, tôi liên tục chuyện trò với tay bộ đội suốt cả đường đi. Gã có cảm tình với tôi đến nỗi đeo súng thấy nặng, giao cho tôi mang giúp. Chúng tôi đi theo đường mòn băng qua một con đường lớn là con đường 612 Tuần -Asao và Aluoi. Đường đươc mở rộng và hoàn chỉnh từ năm 1962.

Ngày thứ hai trên đường đi tải gạo về, cả toán bọn tôi thấy toàn bộ cán bộ cũng như số người mới theo Việt Cộng của Nguyệt Biều hớt hơ, hớt hải chạy lên. Chỉ gặp thoáng qua thôi những vẫn giọng tên Gô:

 - Viết thư đi! Viết thư đi! Mai tôi chuyển về cho!

Thật là Cộng sản.  Láo đến cùng! Đang bỏ chạy mà cũng còn láo.

Lúc gặp nhau thì trên vai tôi đang mang khẩu AK 47. Không biết đám Việt Cộng đang vội chạy thoát có nhìn thấy không? Mà thấy, không biết họ nghĩ sao về tôi? Chắc chắn khi thấy tôi mang súng họ sẽ một phen kinh ngạc!

Về lại trại, chúng tôi được lệnh chuẩn bị sửa soạn mai lên đường ra Bắc. Việt Cộng không còn dấu giếm che đậy, tuyên bố công khai.

Tôi bắt đầu đánh giá tình hình. Trên trời, trực thăng, L19 đã hoạt động rộng quá vùng tù binh đang bị giam giữ. Vì gặp Việt Cộng đào tẩu, tôi tin chắc quân đội VNCH đã đẩy lùi Cộng Sản.

Lúc kêu mình đi, Việt Cộng nói là học tập hai mươi ngày, có học gì đâu?

Chết rồi! Tôi đã sáng mắt. Tù rồi! Ra Bắc thì bao giờ mới trở lại?

Vợ thì mới cưới, con vừa sinh, cha mẹ già yếu. Phải trốn. Tôi bàn với người bạn tên Hưng, Hưng thuận ý. Hai anh em quyết định ngày mai. Đêm nay, hai đứa nhịn ăn dể lại phần cơm dành vượt thoát. Hưng bảo tôi lội khe theo đường nước chảy. Tôi nghĩ khác, theo đường mòn ra đường 612 chạy về hướng đông tuy mạo hiểm, trống trải mà nhanh, không lạc, đang tranh tối tranh sáng, cán bộ, dân công di chuyển xô bồ, mình giả dạng dân công.

Hưng đồng ý, tôi học thuộc bốn câu bài hát thời mở trận chiến Điện Biên Phủ để vừa di vừa hát tránh khỏi nghi ngờ:

 "Hành quân xa tuy có nhiều gian khổ.  Vai vác nặng ta đà đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta tiến lên."

 Sáng 7 giờ khới hành, đi 55 phút nghỉ 5 phút, đoàn tù binh tống số lên gần ba trăm, chỉ hai bộ đội dẫn đường, một trước, một sau. Tôi nháy Hưng đi vào đoạn giữa, xong 5 phút nghỉ, lại bắt dầu tiếp tục, tôi bấm tay Hưng, hai đứa lách vào bụi, chờ toán qua hết tôi cởi bộ ao quần ngủ cho vào bao cát thêm một ít sỏi dá, cùi vào vai. Hai anh em chạy theo đường cùi gạo mà hôm trước đã di qua, lên đường 612.

Bất ngờ một giọng hỏi lớn:

 - Đi đâu?

 - Công tác.

 Sau tiếng đáp trả của tôi, không gian im bặt, tụi tôi vẫn chạy, vừa chạy vừa hát bốn câu hát đã thuộc lòng. Tôi liếc qua thấy Hưng run cầm cập. Hưng ở làng nổi tiếng gan lì, lại là quân nhân, trong bụng tôi từng nghĩ trốn thoát dựa vào Hưng mình sẽ an tâm hơn mà sao giờ này cậu ta run quá! Còn tôi không biết sao giây phút đó lại bình tĩnh lạ. Tôi chạy sát vào Hưng thì thầm:

 - Đừng sợ.  Nó kêu đứng lại. Đừng đứng. Cứ chạy. Nó bắn, cứ chạy. Bị thương cũng cứ chạy nghe.

Nhắc xong tôi lại càng hát to hơn. Mọi việc vẫn bình yên, không một bóng người qua lại, chỉ thấy trên đường loang lổ những vết đạn pháo bị cày xới.

Chạy vào khoảng 3 hoặc 4 cây số, thấy chiếc trực thăng đằng xa, tôi lấy khăn tay vẫy, vẫy, nó bay mất dạng.  Chừng 5 phút sau, một chiếc trực thăng khác xuất hiện. Lần này khi vẫy khăn thì phi công đã phát hiện người kêu cứu. Máy bay quần hai lần trên đầu, lần thứ ba, một cánh tay đưa ra vẫy, ý bảo chạy tiếp về hướng trước. Một đoạn máy bay hạ xuống đậu trên đường cách hai anh em ba chục mét. Một ông Mỹ cao, to, tay xách súng bước xuống máy bay gọi lớn bằng tiếng Việt:

 - Đứng lại. Cới hết áo quần ngoài, bỏ xách xuống. Bước tới trước năm bước, nằm sấp, hai tay giơ thẳng về đằng trước.

Sau khi quan sát từ xa thấy chúng tôi làm đúng theo lệnh, ngươi Mỹ tay vẫn cầm súng trong thế sẵn sàng, tiến lại gần, lục soát, xong cho lệnh mặc lại áo quần dẫn dến máy bay, bảo lên và chở về hạ xuống ở vị trí gần lăng Minh Mạng.

Chừng vài giờ sau lệnh cho chúng tôi lên máy bay trực thăng bay về Phú Bài căn cứ cuả Sư đoàn Không kỵ Hoa kỳ. Tai đây tôi được đưa vào phòng phỏng vấn. Một Trung uý Mỹ nói tiếng Việt như người Việt sau khi hỏi qua các câu hỏi lý lịch ông ta nói:

 - Mày Việt cộng.

 - Tại sao ông gọi tôi là Việt cộng?

 - Mày đeo dồng hồ là mày là Việt cộng. Tau vừa cứu một thằng Việt nam như mày, nó bảo Việt cộng lấy đồng hồ của nó. Tại sao Việt cộng không lấy đồng hồ của mày?

 - Ông biết, quân đội nào cũng có người tốt người xấu. Tôi với người ông vừa nói, không cùng bị bắt một chỗ. Tôi gặp được thằng Việt cộng tốt nó không lấy đồng hồ của tôi, đơn giản thế thôi.

 Nói vừa dửt câu, một tiếng hỏi lớn từ bên ngoài.

 - A! Mi trong đó há Sắc?

 Tay Mỹ bảo tôi ngồi chờ một lát, anh ta ra ngoài xem ai. Khi trở vào anh tươi cười bảo:

 - Thằng Ron. Thân trọng Ron thông dịch viên ở đây. Nó xác nhận mày đã bị Việt cộng bắt, anh nó cũng bị bắt nhưng bị giết rồi. Tau chúc mừng mày. Giờ mày cần gì tau sẽ giúp

 - Tôi cần tắm, mấy ngày ni tôi chưa được tắm.

Mười phút sau nó đem cho môt viên xà phòng Dove và cho người dẫn đến một cái hồ ở Phú bài.

Sau khi cho tắm và cho ăn, hai anh em bị đem nhốt ngoài trời, chung quanh và trên đầu được bao bọc bởi dây kẽm gai, khom người ngồi như trong cái lồng chim. Người đã ngồi sẵn trong lồng đông lắm, người Nguyệt Biều tôi còn nhớ có ông Giáo Đường, ông Kiểm Kha.

Mấy ngày sau nhờ Ron can thiệp, hai anh em được chuyển về Sư đoàn 1 đơn vị quân đội Việt nam. Hưng đang là quân nhân nên được chuyển qua an ninh quân dội đóng tại Tàng Thơ, Mang Cá. Riêng tôi trong người không còn giấy tờ gì khác nên bị xe dân sự chở qua nhốt tại lao Thừa Phủ.

Vừa lọt vào cổng lao nghe hai ba tiếng gọi tên. Nhìn lên, thấy Bác Phạm Tập và anh Nguyễn hữu Hạng, hai người ném cho hai ổ mì. Cám ơn hai người, khi hoạn nạn mới biết chân tình.

Lao Thừa phủ, rệp ơi là rệp! Tôi nhốt tại đó hơn 10 ngày.  Buổi sáng tù nhân đươc phân công di dọn dẹp các nơi, vì sau chiến sự tất cả đã bị đổ vỡ, ngổn ngang. Tôi thường được phân qua toán thu dọn sạch sẽ chợ Đông Ba. Sáng sớm chưa rời lao đi làm thì nghe gọi tên có người gặp. Anh họ tôi là Thiếu Tá Ngô đình Trung về Huế chôn cha và em chết Mậu Thân, đến bảo lãnh. Không có anh Trung không biết tôi còn trong lao Thừa Phủ bao lâu nữa, có lẽ phải đợi chính quyền xã, quận về can thiệp.

Thế là thoát nạn.  Hơn một tháng qua bốn nhà tù. Nhà tù nào cũng có cái đau thường, nghiệt ngã của nhà tù đó. Quá bất hạnh cho dân tộc Việt nam, thời chiến một cổ hai tròng. Khôn cũng chết, dại cũng chết, mà biết cũng chết, chỉ may mắn mới còn sống.

Sau khi được về lại với gia đình tôi mới lạnh gáy. Tử thần đã bỏ sót tên tôi.  Tất cả mọi người bị Việt Cộng gọi đi học tập về chủ trương đường lối Cách mạng trong các đợt ngày 13, 17, 22 tháng 1 năm 1968 đều bị giết. Họ chết vì bị chôn sống hoặc bị đập vỡ sọ bằng cuốc xẻng, báng súng, hoặc bắn vào đầu. Xác tìm được hơn sáu mươi người, thân nhân họ moi lên từ các hầm chôn vội quanh lăng Tự Đức, mang về quàng trước lò vôi Long Thọ để làm đám. Còn một số nữa không tìm ra xác (như cậu Nguyện, chú Bạn, cháu bé mới mười ba tuổi con chú Dung).

Bi thương, oán hận ngập trời xanh. Tiếng kêu than dậy đất. Dân cả làng muốn tìm bọn Việt Cộng nằm vùng và cảm tình viên của Cộng Sản để trả thù, nợ máu phải trả bằng máu. Nhưng may thay, Thiếu tá Ngô đình Trung thuộc Tổng Nha Cảnh Sát (có cha và em là nạn nhân), Đại uý Hoàng trọng Khuê chỉ huy lực lượng tái chiếm Nguyệt Biều (có hai cháu ruột một trai, một gái bị sát hại) đã kịp thời ngăn cản tránh cuộc đổ máu, đồng hương sát hại lẫn nhau. Đám cảm tình viên trong làng sau 1975 và cho đến bây giờ, chẳng thấy được đãi ngộ gì! Một số không sống chung đựợc với lũ CS, đã vượt biên, vượt thoát tìm cách định cư tại các nước phương Tây.

Kể từ Mậu Thân, suy nghĩ của tôi về người Cộng sản đã thay đổi hoàn toàn.

Tôi thấy sự khác biệt lớn lao giữa người Quốc Gia và Cộng Sản.

Người Quốc Gia: nhân đạo, nhân bản, pháp luật được tôn trọng. Ai làm, người đó chịu.

Người Cộng Sản: giết, giết, giết.  Giết lầm còn hơn bỏ sót. Giết để diệt khẩu. Giết để trả thù. Giết để khủng bố. Giết để gây tâm lý sợ hãi.

Bạo lực “cách mạng” tại Huế đã được lãnh đạo Cộng Sản ra lệnh và khuyến khích để gây một tội ác không thể quên. Oan khiên không nguôi đi được khi dân Huế dân Việt vẫn còn tồn tại, khi chính quyền Cộng Sản chưa chịu một lần tạ lỗi hay chính thức nhận trách nhiệm đã gây ra tàn sát Mậu Thân.

Kể lại, gợi lại, không phải để làm đậm thêm mối hận thù mà chỉ là góp phần vào bài học lịch sử dành cho thế hệ sau. Xin coi bài viết này là một nén hương lòng kính cẩn tưởng niệm vong linh bà con đồng hương bị chết oan khiên trong cuộc thảm sát Mậu Thân, 1968.

Sắc Võ

 

Ý kiến bạn đọc
19/04/201817:26:10
Khách
Cám ơn Chú.
19/04/201810:06:35
Khách
Cháu Trí Nguyễn: Cậu rất vui và mừng được tin cháu. Cậu rất quen với Ba , Mẹ cháu. Thứ bảy hay Chủ nhật này cậu sẽ gọi để L/ L với cháu. Chúc cháu khỏe .
18/04/201813:53:08
Khách
Chú Liêm, ông ngoại cháu Hoàng Trọng Phụ, bà ngoại Đặng thi Mai. Cháu không biết chú, nhung chú co biết bên ngoai cháu như: Mụ Bồng, ong Khâm, Ngoạn. Neu đươc thì rất vui được nói chuyện voi Chú.
18/04/201813:37:13
Khách
Cám ơn chú Sắc đã có bài viết hay. Me cháu la Hoàng thi Sáo, ong ngoai là Hoàng Trọng Phụ (Đề), bà ngoại Viên Phu (Đăng thi Mai). Cháu biết những người trong bài như Cậu Sinh, O Liễn... Chú có thể cho DT de chu chau minh nói chuyen duoc khg hoăc goi cháu Tri 804 683 9074 (Richmond VA).
13/04/201807:24:13
Khách
Cám ơn Bác Trần Văn. Và thứa Bác vì nhiều người Việt nam nghe lầm, tưởng lầm nên Cọng sẵn mới lớn mạnh , Năm 1954 chiếm miền Bắc và Người Miền Nam hiểu lầm nghe luận điệu tuyên truyền yêu nước, chống Mỹ nhiều kẻ tiếp tay cho Cọng sãn nhiều người thờ ơ , lưng chừng, cầu an , để rồi 75 mất nốt miền Nam . Cả nước đói thể thảm phải ăn bo bo ,bị cướp nhà cửa, chúng bày trò đổi tiền để vơ vét của cải của người dân , đẩy dân thành thị đi kinh tế mới. Chiếm nhà , chiếm đất .Tù dày hàng trăm ngàn Quân, dân, Cán ,Chính VNCH trong các trại tù khổ sai . Cũng vì nghe, tưởng lầm không thấy cái đuôi chồn của CS mà hằng triệu dân VN khi tỉnh ngộ phải tìm đường vượt biển, vượt biên khiến nhiều người đã làm mồi cho cá ,là nạn nhân của bọn hải tặc, và vì nghe, tưởng lầm nên VNam đang là chư hầu của Trung cọng và trong tương lại là một tỉnh trong nước Tàu như Tân cương, Tây tạng, Nội Mông...Thưa Bác .
13/04/201804:46:20
Khách
Mừng cho tác giả được "tử thần bỏ sót". Nên bây giờ độc giả Việt Báo được có cơ hội đọc một bài viết hay về tình hình hai làng Nguyệt Biều và Lương Quán, khi lũ Quỷ Đỏ cộng sản túa vào thành phố Huế dịp Tết Mậu Thân.
12/04/201823:22:25
Khách
Vậy em con chị Bửu ? Chị Hồ xuân Đài Nếu phải thì Bà già lắm rồi cũng tầm 90 . Hỏi tên anh chưa chắc bà biết Hỏi anh Sắc con ông Xếp ( chef)Quát .Sẽ tìm cơ hội L/ lạc ..
12/04/201823:06:53
Khách
Anh Sắc,
Hoàng trọng Phú, dượng của tui. Chắc mạ tui củng biết Anh, để tui hỏi mạ tui. Tui thua anh 12 tuổi lân, nhưng mà tui biết mậu thân nhiều lắm. Nhà bị bắn sập ngày mùng hai tết. Nhưng không có ai bị thương và chết. Ba tui mất vài năm sau đó!
12/04/201820:49:01
Khách
Cám ơn Em Liêm( xin lỗi chắc nhỏ hơn anh) Anh biết bến xe Ng. Hoàng xưa có ông Phú ở đó ) có thể anh quen ba mẹ em ,
12/04/201820:05:17
Khách
Anh Sắc,
Tui đọc bài của Anh, thích lắm! Mẹ tui làng nguyệt biểu và ba thì ở Long thọ. Anh có hay xuống bến xe Nguyễn Hoành không?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,078,102
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.