Hôm nay,  

Quê Hương Của Tôi

01/03/201800:00:00(Xem: 11106)
Tác giả: Phước An Thy

Bài số 5326-19-31171-vb5022918
 

Tác giả là cư dân Garden Grove, California. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
 

***
 

Mười lăm tuổi, tôi mới được đặt chân đến thủ đô Sài Gòn của Việt Nam Cộng Hoà. Tiếc là khi ấy, chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã mất, nên tôi chẳng biết gì về sự giàu sang, đẹp đẽ của “hòn ngọc viễn đông”. Năm 1975, gia đình chúng tôi chạy giặc từ miền Trung qua các tỉnh vào đến Sài Gòn, cũng là lúc Sài Gòn “được giải phóng”. Gia đình chúng tôi vào sống tạm trong một căn nhà bỏ hoang của khu gia binh, gần phi trường Tân Sơn Nhất.

Sau 30/4/1975, cha tôi bị đi tù “cải tạo” không biết nơi nào vì ông là sĩ quan An Ninh Quân Đội của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Bơ vơ giữa Sài Gòn xa lạ, bạc tiền không có, mẹ tôi rối bời và lo lắng đến gầy tọp hẳn đi. Tối nào mẹ và bảy anh em chúng tôi, đứa em út chưa đầy một tuổi, cũng khóc sướt mướt. Đói quá, tôi bỏ qua sự xấu hổ, dắt các em lớn hơn đi làm nghề ăn xin. Hằng ngày tôi dắt các em đi xin ăn khắp nơi, từ sáng sớm cho tới tối mịt. Khi chân tay mỏi nhừ, cả người ê ẩm, anh em mới kéo nhau về. Sài Gòn lúc ấy thật tang thương, hoang tàn và mọi người ai cũng đói khổ. Tuy vậy, người dân Sài Gòn vẫn thương cho anh em chúng tôi ít gạo, chút tiền, đơn giản có nhà cho cái bánh, cây kẹo hoặc mấy trái chuối chín vàng.

Về sau, thấy các em tôi khóc mỗi sáng vì không muốn đi ăn xin, mẹ tôi đến một tiệm bánh của người Tàu, lấy bánh bao chỉ cho tôi và đứa em gái kế đi bán. Ngày đầu đi bán, hai anh em đón xe buýt đi lên Sài Gòn. Chúng tôi chia ra hai hướng đi bán, hẹn khi bán xong, gặp nhau tại bùng binh chợ Bến Thành để cùng về.

Đến trưa bán hết bánh, tôi đi đến bùng binh chợ Bến Thành tìm em. Tôi sợ hãi khi thấy em gái tôi ngồi khóc tức tưởi dưới tượng đài Quách Thị Trang. Em kể, có một chị tới mua bánh, nói em qua tiệm may của mẹ chị bên kia đường lấy tiền. Em đi qua tiệm may họ nói, không có đứa con nào. Em về lại bên này thì chị ấy trốn mất cùng với thau bánh. Kể xong em tôi càng khóc nức nở hơn. Tôi nói với em, mất rồi thì thôi, về chứ ngồi khóc được gì. Em nhất định không chịu về, bắt tôi phải đưa em đi tìm chị kia đòi lại thau bánh.

Mấy chú xích lô, xe thồ và những cô bán hàng rong quanh bùng binh thấy em tôi khóc dữ quá, nên đến bao quanh hỏi chuyện. Sau khi biết em tôi bị mất thau bánh, họ gom góp tiền lại cho hai anh em chúng tôi. Có chú còn đến gặp những người đi dạo quanh đó để xin tiền giùm cho chúng tôi. Em tôi mừng rỡ khi thấy các cô chú cho tiền còn nhiều hơn cả số vốn đã mất. Anh em tôi vòng tay, cám ơn từng cô chú trước khi về. Khi ấy tôi chưa nhận ra sự giúp đỡ tuy giản dị, nhưng lại lớn lao như thế nào, chỉ biết cám ơn như đã được dạy là phải cám ơn những ai giúp đỡ mình.

Mẹ con chúng tôi không phải là dân sống ở Sài Gòn, không có nghề nghiệp gì nên chính quyền “cách mạng” buộc chúng tôi phải đi kinh tế mới.

Lên vùng kinh tế mới chưa được một năm thì mẹ tôi qua đời vì bị bịnh sốt rét cấp tính. Anh em chúng tôi bơ vơ trong cảnh khó nghèo, tay chân mọc đầy u nần vì phải đào bới đất đá nơi vùng rừng núi để sống qua ngày. Chính quyền địa phương không cho chúng tôi tham gia vào các sinh hoạt hay hội đoàn vì có cha là “thành phần ác ôn đang cải tạo”, nên chúng tôi chẳng là gì trong xã hội.

Đến năm 1984, cha chúng tôi được thả về sống lây lất cùng với chúng tôi. Mấy năm sau, thấy nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện HO, cha tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ, vay mượn tiền để làm hồ sơ đi Mỹ. Chờ đợi mấy năm, chúng tôi nhận được giấy báo đi phỏng vấn, cả nhà rất mừng. Cha tôi lại chạy vay tiền bạc để vào Sài Gòn phỏng vấn, khám sức khoẻ. Chúng tôi hồi hộp, lo lắng từng ngày, chỉ sợ có điều gì trục trặc hay thay đổi.

Một trong những điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc sống của gia đình chúng tôi là ngày được đi Mỹ. Tháng 6 năm 1994, cha con chúng tôi mới được đi Mỹ. Ngày đi, mỗi người chúng tôi chỉ có vài bộ quần áo sờn rách làm hành trang để đi từ vùng rừng núi hoang dã đến một thế giới văn minh tiến bộ. Tâm trạng chúng tôi thật háo hức, vui mừng, nhưng cũng đầy âu lo.

Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ, chúng tôi bước ra khỏi phi trường Los Angeles. Ánh nắng vàng rực rỡ của tháng Sáu trên đất California là điều mới lạ đầu tiên làm chúng tôi bối rối, vì lúc đó đã tám giờ tối. Ông bác, người bảo trợ, lái chiếc xe Van chạy trên đường cao tốc, qua các phố xá, làm cả gia đình chúng tôi choáng ngợp trước sự giàu sang của nước Mỹ. Tôi thầm nghĩ, không biết bao giờ mình mới có xe để lái đi làm như những người dân bản xứ. Bác chở gia đình chúng tôi đến một căn nhà mà ông đã mướn sẵn cho gia đình. Trước khi về, ông còn chu đáo hướng dẫn cho chúng tôi cách sử dụng các tiện nghi trong nhà. Mấy tháng đầu, mỗi người trong gia đình nhận được gần ba trăm đô la của chính phủ trợ cấp để sinh sống và tìm việc làm trong thời gian hội nhập.

Gia đình chúng tôi định cư ở quận Orange, nơi khí hậu có phần giống ở Việt Nam. Người Việt tại đây tụ họp lại thành một cộng đồng đông đúc. Tuy đang sống tại nước Mỹ, nhưng chúng tôi có thể nói tiếng Việt mọi nơi, như khi đi chợ, đến văn phòng bác sĩ, nhà thương, luật sư, ngay cả ở các công sở của chính quyền thành phố, sở cảnh sát, toà án cũng có nhân viên người Việt thông dịch. Nhưng điều tôi thích nhất ở Mỹ là không còn lo vấn đề hộ khẩu, không bị ai phân biệt và mình muốn sống ở đâu thì sống.

Chúng tôi đến nhà thờ Saint Anselm, Hội thánh Tin Lành ở đường Galway, thuộc thành phố Garden Grove, gần khu trung tâm Little Sài Gòn, để làm giấy tờ và ghi danh học Anh Văn. Tuy bỡ ngỡ vì môi trường và ngôn ngữ, nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhân viên trong trường, chúng tôi cũng làm xong những giấy tờ cần thiết. Sau khi thử trình độ tiếng Anh, cả gia đình chúng tôi đều được xếp vào học chung một lớp có trình độ thấp nhất.

 

Mỗi sáng, cha con, anh em chúng tôi và những người Việt mới qua Mỹ, ăn mặc chỉnh tề, xách cặp đi học đúng giờ như những học trò ngoan. Mọi người kéo nhau từng đoàn đi bộ thong dong bên đường, khiến nhiều người Mỹ đang bận rộn lái xe phải ngạc nhiên. Vào lớp, già trẻ lớn bé ngồi bên nhau, thi đua học tiếng Anh, học phong tục, văn hoá Mỹ và học cách phỏng vấn để xin việc làm.

Sau ba tháng học hành, nhà trường chở chúng tôi đến một hãng điện tử ở thành phố Irvine để phỏng vấn xin việc làm. Tôi làm bài thi viết tiếng Anh và toán một dễ dàng. Đến lượt tôi được gọi tên vào phỏng vấn, người phụ trách phỏng vấn là một phụ nữ Mỹ trắng, khoảng bốn mươi tuổi. Tôi học tiếng Anh cũng không tệ, vậy mà tôi như người vừa điếc vừa câm khi nghe bà ta nói với tôi. Ở trường, tôi được các thầy cô dạy, đã tập dượt phỏng vấn nhiều lần, nhưng vì hồi hộp và bà ấy nói nhanh nên tôi chẳng hiểu gì.

Thấy ánh mắt bà ấy nhìn về phía cánh cửa, tôi đoán có lẽ là bảo khép cửa phòng lại. Tôi khép cửa lại và đứng chờ. Bà ta nói tiếp, tôi chỉ nghe chữ sit down nên vội ngồi xuống chiếc ghế trước bàn. Bà ấy nhìn vào bảng tóm tắt lý lịch của tôi và liên tiếp hỏi nhiều câu. Đầu óc choáng váng, tôi cứ nhìn mắt, miệng của bà ấy để đoán và trả lời đại. Tôi trả lời hú họa, khi yes khi no sau mỗi câu hỏi. Suốt buổi phỏng vấn, tôi chỉ trả lời được đúng hai từ yes và no. Bỗng dưng bà ta ngửa mặt lên, bật cười ha hả, rồi khua tay lia lịa ý bảo tôi đi ra. Tôi đỏ mặt, xấu hổ bước ra. Khép cửa phòng lại rồi mà tôi vẫn còn nghe tiếng cười, có lẽ bà ấy không còn kìm nén nổi cơn cười của mình vì những câu trả lời yes no chẳng đâu vào đâu của tôi.

Vậy mà bà ấy cho tôi đậu cuộc phỏng vấn, được vào làm việc trong hãng. Tôi mừng quá, tôi đã có việc làm và không cần ăn tiền trợ cấp của chính phủ nữa. Các em tôi không qua được cuộc thi nên đứa thì đi làm hãng may áo quần, đứa thì học làm nghề móng tay, móng chân.

Tôi không có xe, nhưng may có một anh làm ở hãng đó giúp chở tôi đi. Sáng sớm, tôi xách hộp cơm ra đường đứng chờ anh ấy đến đón đi làm. Công việc đầu tiên của tôi là lau chùi những máy móc điện tử, việc này rất nặng nhọc, làm tôi hơi chán nản. Những ngày kế tiếp, làm quen việc nên tôi thấy cũng không vất vả mấy nữa.

Tôi nói và nghe tiếng Anh không giỏi, nên tôi cố gắng làm việc chăm chỉ. Thấy vậy, người quản lý trong hãng thương và thường đến nói chuyện với tôi để giúp tôi học nghe nói tiếng Anh. Mấy tháng sau, tôi được cho lên làm ở khâu đóng thùng.


Đi làm về đến nhà, toàn thân mỏi nhừ, ăn uống không thấy ngon, nhưng tôi phải ráng ăn để có sức ngày mai đi làm. Trong thời gian này, tôi chi tiêu hết sức tiết kiệm vì tôi thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà mình làm ra. Tôi đến nhờ bác tôi giúp làm người bảo trợ để tôi mua xe trả góp, nhưng bác có việc riêng không giúp được. Lúc đó có một cô lớn tuổi, bạn của bác đang đến chơi, không cần lời nhờ giúp mà cô đã đứng ra chịu làm người bảo trợ cho tôi mua xe. Cô đã bỏ thời giờ đưa tôi ra nơi bán xe, bỏ công kì kèo trả giá hết cả nửa ngày trời để tôi mua được xe. Tôi rất ngạc nhiên về lòng tốt của cô, mới lần đầu gặp mặt, chẳng biết tôi thế nào, làm gì, nhưng cô đã tin tưởng, tận tình giúp tôi như vậy. Tôi thật không biết làm thế nào để tỏ lòng biết ơn cô một cách phải phép để cô không giận.

Mỗi ngày, sau khi làm những công việc cực khổ, chân tay rã rời, tôi lại đến trường học tiếng Anh và học thêm nghề điện tử vào ban đêm. Mấy năm sau, tôi vào học trường cao đẳng cộng đồng. Tôi biết tôi thiếu kiến thức tối thiểu, không có trình độ hay bằng cấp gì, nên tôi quyết tâm phải học. Vì không đúng tuổi đi học, tôi được chính phủ cho tiền khuyến khích hoàn tất chương trình đại học. Không như bạn bè cùng trang lứa, tôi phải mất nhiều năm hơn họ mới tốt nghiệp được. Nhờ được hưởng những lợi ích xã hội cùng với mơ ước được học hành đến nơi đến chốn, muốn thăng tiến, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn tất chương trình học. Tôi chăm chỉ việc học và tham gia vào nhiều hoạt động xã hội nên tôi cũng đã hoà nhập được với cuộc sống mới nơi đất khách quê người.

Từ một người không biết tiếng Anh, công việc ban đầu là lau chùi máy móc với đồng lương tối thiểu, tôi được cất nhắc lên làm kỹ thuật viên, rồi làm quản lý trông coi một bộ phận trong hãng khi tôi tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Bước đầu đến Mỹ, tôi chẳng có gì ngoài những kinh nghiệm khổ đau ở Việt Nam, nhưng cũng nhờ những sự nhọc nhằn đó mà tôi càng cố gắng hơn khi có cơ hội làm lại cuộc đời. Giai đoạn khó khăn ban đầu của tôi trên đất Mỹ đã qua. Tôi đã vượt qua những trở ngại về văn hoá, ngôn ngữ, thích nghi và hoà nhập với cuộc sống ở quê hương mới này.

Bây giờ có công việc ổn định hợp sở thích và vật chất tạm đủ nên cuộc sống của tôi thoải mái hơn. Vâng, tôi cảm thấy đầy đủ, vì so với khi còn ở Việt Nam thì tôi đã giàu có quá rồi. Tuy vậy, tôi vẫn phải nỗ lực hơn, vì cuộc sống ở nước Mỹ đòi hỏi sự học luôn mãi để không bị tụt hậu. Đã từng là gánh nặng cho chính phủ trong những tháng đầu tới Mỹ, nay tôi có thể đóng góp một phần công sức, của cải lại cho quê hương thứ hai của tôi. Lúc này tôi cảm thấy sung sướng vì đã đi qua những khó khăn.

Nhiều năm sau, cha tôi bị ung thư đã đến giai đoạn cuối. Bác sĩ phải giải phẫu một lỗ ngay cuống họng, đặt ống dây vào cho ông thở. Nằm nhà thương điều trị hơn một năm, như cây đèn cạn dầu, cha tôi yếu dần, thân người chỉ còn da bọc xương, nhỏ thó như một đứa con nít thiếu ăn. Vì ung thư đã lan tới phổi, nên bác sĩ không dùng phương pháp điều trị tia xạ hay phẫu thuật được, mà phải dùng hoá trị cho ông. Ông thở, ăn uống và chuyền thuốc đều phải qua những ống dây. Muốn nói chuyện ông phải dùng giấy viết.

Trước ngày chết, cha tôi lấy giấy bút ra viết, “Ba có ba ngàn đô trong ngân hàng, con lấy tiền đó để hoả thiêu, đưa tro cốt ba về Việt Nam chôn cạnh mộ mẹ con”. Tôi biết cha mình sắp chết, nhưng lại viết, “Ba chưa chết đâu, đừng lo lắng, hãy cố sức để bác sĩ chạy chữa”. “Ba biết bệnh tình của ba, ba muốn nằm bên cạnh mộ mẹ con khi từ giã cõi đời. Con hãy ráng lo cho nguyện ước cuối cùng của ba”. Câu cuối cùng cha viết cho tôi, “Thế là hết một kiếp người”.

Vì tất cả anh em chúng tôi đều ở Mỹ và nơi chôn cất xác mẹ ở vùng kinh tế mới heo hút, nên anh em bàn đem tro cốt của mẹ qua Mỹ, đặt bên tro cốt của cha trong nghĩa trang. Như vậy cũng thực hiện được ước muốn của cha là được nằm cạnh bên mẹ khi chết và chúng tôi cùng con cháu cũng được đến viếng thăm, thắp nhang cầu nguyện thường xuyên hơn.

Con đường đến nghĩa trang, nơi chôn cất mẹ tôi, đầy hoa cỏ dại, quanh co và gập ghềnh đầy rảnh bánh xe trâu bò. Anh em chúng tôi nhờ bà con họ hàng đến giúp bốc mộ, hốt cốt mẹ để chúng tôi đưa qua Mỹ. Anh em chúng tôi đốt nhang cắm trước mộ mẹ, quỳ xuống vái lạy xin mẹ cho anh em được cải táng đưa mẹ qua Mỹ. Một ông cậu đưa cho tôi cái búa tạ để đập nhát búa đầu tiên. Khi tôi đập búa vào mộ mẹ, nghe tiếng vang khô khốc của nhát đập, lòng tôi bỗng rung lên một cảm giác vừa buồn vừa sợ. Tôi buồn sợ vì đã đánh động, làm mẹ tỉnh giấc sau ba mươi mấy năm yên ngủ dưới mộ sâu.

Mọi người bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, anh em chúng tôi vừa đọc vừa thổn thức khóc bên mộ mẹ. Việc bốc mộ thật không dễ dàng, vì đã lâu năm nên hài cốt bị lệch vị trí nơi chôn trước đây. Sau nhiều tiếng đồng hồ mới chạm đến phần đất có lớp ván đã mục, cậu tôi gạt những phần đất đó qua một bên thì lộ ra bộ hài cốt trắng sáng của mẹ. Mẹ vẫn nằm ngay ngắn, nhiều sợi tóc chưa mục bao quanh hộp sọ chứa đầy đất đá và rể cây bên trong.

Cậu tôi cẩn thận nhặt từng cái xương, rũ cho bớt đất, rửa sạch bằng rượu, sắp xếp gọn gàng theo thứ tự từng chiếc xương vào một chiếc hòm nhỏ để đưa đến nơi hoả thiêu.

Sau bao nhiêu khê của thủ tục xin phép thôn xã, các cơ quan công quyền, phòng kiểm dịch, nhân viên phi trường, anh em tôi mới đưa được tro cốt mẹ qua Mỹ. Khi đặt hộp tro cốt của mẹ bên cạnh hộp tro cốt của cha, tôi nghĩ chỗ thật sự cha mẹ nằm là trong trái tim của chúng tôi. Cuộc đời cha mẹ đã hy sinh, chịu nhiều đau khổ vì chúng tôi, nên chúng tôi phải dành chỗ gần nhất, cao quý nhất trong tim mình cho cha mẹ.

Gia đình anh em chúng tôi thường đưa các con của mình ra nghĩa trang đọc kinh, cầu nguyện cho vong linh cha mẹ chúng tôi. Chúng tôi muốn các con biết cội nguồn đã sinh ra mình để nhờ đó mà anh em, con cháu được nối kết tình thân ái trong gia đình hơn. Tôi ước mong các con tôi sẽ tiếp tục gìn giữ lòng biết ơn tổ tiên và nhớ đến dòng chảy sướng khổ đầy vơi của gia đình trôi trong dòng đời vô biên, bao la của đất trời.

Tôi cũng không quên cầu nguyện cho các ân nhân và những người đã bỏ công của làm ra chương trình HO, nhờ họ mà tôi mới có ngày được sống cuộc đời đầy đủ, tự do. Tôi biết ơn nước Mỹ đã cho tôi có cơ hội để thực hiện những ước mơ của mình, để sống một cuộc đời ý nghĩa và có ích cho xã hội.

Tôi đã bỏ lại sau lưng đoạn đời tủi nhục, khốn khổ ở quê hương thứ nhất để bước tiếp quãng đường tương lai tươi sáng trên quê hương thứ hai. Trải qua bao khốn khó, thăng trầm trong đời, điều đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tim tôi là sự ban ơn của các ân nhân. Mang ơn nhiều người, nhưng có lẽ tôi không cách nào đền đáp cho đủ được tình thâm sâu của các ân nhân, tôi chỉ còn có thể chia xẻ các món nợ ân nghĩa đó với những thế hệ sau.

Tôi mang ơn những ân nhân trên đất Mỹ đã giúp tôi có ngày hôm nay, nhưng tôi cũng không quên những ân nhân nghèo khổ của tôi ở Việt Nam. Giữa lúc cuộc sống đầy khó khăn, dù thân mình không hề yên ấm, nhưng họ vẫn quan tâm trước mất mát của anh em chúng tôi. Lòng thương hại chân thành của họ cho tôi thấy, nhiều người dù đang có những thống khổ của riêng mình, nhưng vẫn không nhắm mắt làm ngơ với những khổ đau của người chung quanh. Tôi khó mà quên được những người tuy nghèo khó, nhưng vẫn cảm thông được với nỗi khổ và sẵn sàng giúp đỡ người khác như một hành động bình thường, một thói quen tự nhiên. Tôi may mắn có nhiều ân nhân, được họ ban cho nhiều niềm vui lớn và những tình thương yêu, tuy giản dị mà cao quý.

Bây giờ có ai hỏi, điều gì còn làm tôi khắc khoải? Vâng, đó là tôi vẫn luôn nhớ quê hương xa cả nửa vòng trái đất của tôi. Dù có quốc tịch Mỹ, đã hoà nhập với quê hương mới, nhưng vì tôi sinh ra lớn lên tại Việt Nam và qua Mỹ khi tuổi đã lớn, nên tôi không sao quên được quê hương Việt Nam. Tôi không chỉ nhớ những vùng đất tôi đã sống, đã đi qua, mà tôi còn nhớ cả những con người sinh sống ở trên những vùng đất đó. Đa số những kỷ niệm của tôi ở Việt Nam là những kỷ niệm buồn, còn những kỷ niệm trên đất Mỹ thì ngược lại. Mặc dầu vậy, tôi lại thường nhớ đến những kỷ niệm ở Việt Nam hơn, có lẽ chúng đã có đủ thời gian để thấm nhập, để bám chặt vào ký ức của tôi.

Phước An Thy

Ý kiến bạn đọc
01/03/201817:05:38
Khách
Xin cám ơn tác giả về một bài viết rất hay bằng cách kể chuyện đơn giản và chân tình. Có nhiều chi tiết ông đã trải qua trong đời rất giống hoản cảnh của tôi. Xin cám ơn ông một lần nữa và chúc gia đình ông luôn được bình an.
01/03/201816:53:03
Khách
Tôi đã khóc khi đọc bài viết này vì những lời lẽ chân tình từ trái tim tác giả. Rất ngưỡng mộ anh, một người Việt với ý chí phấn đấu và vượt qua nghịch cảnh.
01/03/201815:11:35
Khách
Phước An Thy
Ôi cuộc đời, ngược dòng thời gian sau đau buồn quá....
Ôi con người Phuoc An Thy sao Tuyệt vời quá...
Một chàng trai xúc động và cảm thật nhiều khi đọc bài của An Thy, vì đã viết lên nhiều điều mà bản thân đã trải nghiệm
Chúc sức khoẻ dồi dào và hạnh Phúc bên chồng con

Quí mến
01/03/201808:51:36
Khách
Tôi rất thích bài viết của bạn Phước An Thy. Lời lẽ mộc mạc đơn giản mà chân thành đầy tình nghĩa của bạn đã làm tôi thốn thức nhớ nhà, nhớ quê hương, và những người thân còn lại. Vâng! Nhũng người như bạn và tôi thật may mắn, đã vượt qua khó khăn và có thể đóng góp vào quê hương thứ hai này. Xin chúc mừng bạn. Xin ơn trên cho hương hồn cha mẹ bạn được mãi yên nghỉ bên nhau và phù hộ cho gia đình bạn. Cầu mong cho quê hương VN mình được bình yên, tự do và no ấm. Rất mong được đọc những bài kế tiếp của bạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,087
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.