Hôm nay,  

Bay Sang Nhật Thăm Con

07/05/201600:00:00(Xem: 11993)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số:3813-17-30313-vb7050716

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính.” Người chồng sĩ quan VNCH sau nhiều năm tù đầy, hiện bị tâm thần suy nhược. Người con lớn là một quân y sĩ làm việc bên Nhật. Nhân Lễ Mẹ đang tới, mời đọc bài viết mới kể về cuộc hành trình của bà me.

blank
Tác giả và ông chồng.

* * *

Tôi bật ngã người trên chiếc giường nệm trải thẳng thớm. Hai tay đưa thẳng lên cao với vẻ mãn nguyện khi cô con dâu la to:

- Mom ! You did it. Finaly! You did it.

- Yes. I did it. Tôi nói

Rồi cả hai mẹ con cùng cười sung sướng. Thằng cháu nội nhảy tưng tưng.

- Ba nội did it. Bà nội come home.

Cô con dâu xoa hai chân mẹ chồng cảm động:

- You so strong ! Mom!

Vâng tôi đã thành công. Tôi đã đặt chân đến đây: Đất nước hoa Anh Đào tươi đẹp. Tôi đang hiện diện nơi này: Một căn cứ không quân của Mỹ trên đất nước Phù Tang. Tôi đã đến thăm con tôi như trong mơ ước.

Ông chồng của tôi quả thật đã kiệt sức trên chuyến hành trình dài trên 11 giờ bay và thời gian chờ đợi đi về tổng cộng hơn 20tiếng. Vừa đặt chân về tới nhà là tôi đã cởi giày dìu ông nằm ngay trên ghế salon cho thoải mái. Tôi xoa hai chân của ông và dịu dàng:

- Nằm nghỉ lưng cho khỏe đi ông. Mình đã đến đích.

Nước Nhật không xa lạ gì đối với những người trang lứa như tôi. Những người trên 65, đến tuổi hưu, hoàn thành trách nhiệm mình với con cái. Du lịch là một thú vui mà nhiều người thực hiện để thỏa mãn mơ ước đi khắp thế giới trước khi không thể nào còn sức để đi xa.

Cho nên nói về một chuyến Nhật du mọi người sẽ cuời “Có gì mới mẻ đâu mà viết” Đúng vậy. Chẳng có gì mới đối với nhiều người. Nhưng thật là đặc biệt đối với tôi. Bởi đây là lần đầu tiên tôi dám liều lĩnh mang ông chồng tâm thần suy nhược của mình làm một chuyến đi xa đến như vậy.

Nếu ai hỏi tôi có dám thực hiện một chuyến nữa hay không, chắc tôi sẽ lắc đầu từ chối. Tôi sợ.

Bài này tôi chỉ xin tường thuật lại chuyến bay đến Nhật của đôi vợ chồng già.

*

Tôi rời khỏi nhà lúc 7:40 sáng giờ Cali. Thằng con rễ phải đưa con đến trường rồi mới có thể đưa tôi ra phi trường được. Mọi người ai cũng lo sợ bị trễ máy bay. Vì xa lộ 91 nổi tiếng kẹt xe. Thế nhưng hôm nay may mắn kẹt xe không nhiều lắm nên đến phi trường LAX 10 am. Tôi phụ con rễ lấy hành ly rồi mới đỡ ông chồng xuống xe. Sau một hồi loay hoay tìm người giúp vì vừa lo hành lý vừa nắm tay ông chồng sợ ông đi lạc, tôi cũng đã đến khu vực check in. Một người phụ nữ Mỹ có nhiệm vụ giúp ông chồng tôi trên xe đẩy vì ông thuộc diện handicap. Đồ đạc tôi mang theo không có gì nhiều chỉ quần áo cho hai vợ chồng, tã và lót cho ông chồng. Một it gia vị và thức ăn khô tôi mang qua cho con. Chiếc xe đẩy để khi đi chơi ông chồng tôi được tiện lợi.

Vì quá lâu không đi xa, nên tôi cứ tưởng mỗi người được 2 vali, mỗi cái 70 lbs. Khi vào check in ở hảng American Airline tôi mới biết mỗi valy chỉ được 50lbs. Cái valy quần áo dư mất 5lbs. Đành phải lui cui tháo ra bỏ bớt lại cho đúng. Nhưng phải bỏ ra cái gì nặng cho mau xong. Tôi lấy cái máy đấm bóp ra, nhưng đi xa không thể thiếu nó. Nên tôi bỏ vào một túi nylon và đem theo luôn, còn lotion, xà bộng tắm và vài thứ nữa tôi phải bỏ vào thùng rác. Qua trạm kiểm soát lại một phen bị chận lại vì mấy hộp cháo tôi nấu và xay ra dự trù cho chồng ăn trên máy bay. Anh ấy thực quản có vấn đề nên phải dùng thức ăn lỏng Người phụ trách thông cảm nhưng phải kiểm tra nghiêm nhặt. Qua bao nhiêu máy móc, rồi xray, thật lâu cuối cùng cũng được qua trạm.

Đến phiên ông chồng tôi bị chận lại để khám tổng quát. Họ bắt phải cởi áo khoác ra. Thấy trong túi có gì đó nặng nặng, Họ lấy cái thau nhựa trút ra để xét. Thì ra toàn là kẹo, ai thấy cũng phì cười. Có lẽ trước khi ra khỏinhà, chàng của tôi đã trút hết hộp kẹo bỏ vào túi áo. Anh ấy sợ nhểu nước miếng nên đem kẹo theo để ngậm giữ lại. Một chuyên viên mặc đồng phục mò, nắn tay, chân, vai và cùng khắp người ông xem ông thế nào, có đủ sức khỏe ngồi lâu trên chuyến bay dài hay không?

Xong xuôi người phục vụ đi tới, đẩy chồng tôi vào trong

Thế là vợ chồng tôi vào phòng đợi để chuẩn bị cuộc hành trình dài 11 tiếng 30 phút chuyến bay AA169 của hảng American Airline.

Tới giờ, ưu tiên cho người handicap vào máy bay trước, một người phụ nữ dáng người phục phịch, đẩy chồng tôi đi trước, còn tôi kéo carry on nhỏ đựng ít thuốc men và quần áo đi theo sau.

Tới cửa máy bay, một lần nữa phải chuyển chàng từ xe đẩy này đến một xe đẩy nhỏ hơn để có thể đi qua hàng ghế hẹp để vào chỗ ngồi..

May quá thằng con đã mua cho ba mẹ chỗ ngồi chỉ có hai ghế và sau lưng là phòng vệ sinh.

Rất khó khăn mới đưa ông chồng tôi ngồi yên vị,vì cơ thể chàng cứ như dán xuống mặt ghế không chịu nhúc nhích. Phải dê dịch hai chân từng chút một để bẩy cái mông đi. Nhìn một dãy hành khách đứng chờ, tôi thật lòng áy náy nhưng không biết làm sao. Thôi thì nói xin lỗi để mọi người thông cảm.

Máy bay rời phi đạo và cất cánh lên cao. Tôi nắm chặt tay ông chồng lòng thật mừng. Gì thì gì, chắc chắn chúng tôi sẽ được tới nước Nhật trong mơ ước.

Bay độ hơn hai giờ cô tiếp viên hàng không mời bửa ăn trưa. Ông chồng tôi rũ người xuống mệt mõi và vì quá đau lưng.. Tôi chọn phần thức ăn thịt bò cho anh ấy, còn tôi phần gà. có gì thì đổi qua đổi lại. Chàng muốn uống nước cam. OK ! như vậy tốt cho sức khỏe, còn tôi thì chọn một cốc trà xanh.

Mừng quá phần ăn của chàng thịt mềm, dù cơm hơi khô. Nhưng lạy trời khi tôi đút, chàng đã ăn hết phần của mình. Uống một phần ly nước cam và còn đòi ăn luôn một ít trong phần tráng miệng. Điều tôi mừng nhất là không những chàng ăn được mà không bị sặc như ở nhà. Như vậy, chàng có đủ sức khỏe để chịu đựng cuộc hành trình còn dài.

Lo cho chàng xong thì người tiếp viên đã đi thu gom rác. Tôi từ từ thưởng thức phần ăntrưa của mình. Thức ăn tôi chọn là cơm gà. Ít cơm nóng và mấy lát thịt gà đựng trong một hộp nhôm nhỏ nhưng sao ăn quá ngon. Có một hộp nhỏ xíu đựng ít rau và hộp khác với vài lát trái cây tráng miệng. Phần ăn còn thêm một chai nước lọc và một cái bánh mì nhỏ với bơ.

Sau bữa ăn, mọi người ngủ gà, ngủ gật,người khách ngồi ghế kế tôi say sưa trong giấc nồng làm tôi thấy thật thèm thuồng. Chàng của tôi cứ mắt mở thao láo, thỉnh thoảng than đau lưng. Tôi đã chuẩn bị sẳn rất nhiều giấy nên nước miếng nhểu xuống ướt miếng giấy này thì tôi thay miếng khác. Giấy dơ tôi đã có một bịt rác riêng cho khoản này rồi.

Khoảng một tiếng sau, tôi bước ra, cố gắng dìu chàng xê dịch ra khỏi hàng ghế. Loay hoay không biết phải làm sao xếp lại cái tay kê để bẩy chàng ra ngoài.. Gọi cô tiếp viên để hỏi, cô ta cũng không biết phải làm sao. Cô ta bảo tôi chờ một chút, cô ta đi hỏi người tiếp viên trong buồng máy phía trước. Một lát sau, cô ta lại chỉ tôi cái nút bấm nằm khuất ở bên trong.

Dìu chồng ra tới ghế ngoài, xoay chân cho có thế, tôi dùng sức kéo chàng đứng lên, rồi dìu chàng vào phòng vệ sinh.

Đây mới là vấn đề lớn. Phòng vệ sinh nhỏ xíu. Khi bước vào trong, lock cửa đèn mới bật lên để người bên ngoài biết có người ở trong. Chàng của tôi cần tôi giúp, mà cùng vào thì không thể, một mình chàng thì không được. Tôi đứng tần ngần một hồi, rồi nghĩ thôi thì có xấu cũng một lần chịu, chả ai nhớ mình.

Tôi đưa chàng vào, đứng trấn ngay cửa chận không cho đóng. Xoay và đặt chàng ngồi xuống bàn cầu rồi tôi đứng ngay cửa chờ. Vậy là tôi đã chận lại con đường lưu thông này rồi. Các cô tiếp viên phải đi vòng khi qua lại, còn mấy người sắp hàng chờ đợi đứng xa xa nhìn tôi thông cảm.

Xong phần tiêu tiểu, tôi đở chàng đứng dậy, chỉnh trang lại quần áo, giặt khăn lau mặt rồi đem chàng ra ngoài. Nắm hai tay dìu chàng đi tới đi lui cho thông máu huyết. Xoa bóp hai vai, đấm lưng một hồi rồi mới đưa vào ghế.

Rút kinh nghiệm, tôi đưa chàng ngồi bìa, tôi sẽ bước qua người chàng ra vô trong còn dễ dàng hơn để chàng ngồi trong.

Tôi lấy viên thuốc ngủ cho chàng uống, dự tính như vậy chàng ngủ 4 đến 5 tiếng sẽ dậy cũng tốt cho sức khỏe. Tôi lót hai cái khăn tay từ cổ xuống tận đùi. Thôi tự do cho nước miếng chảy, tôi không còn sức để lau. Tôi cũng phải nghỉ ngơi.

Vậy mà chàng của tôi vẫn tỉnh queo, mắt mở, người cứ gập xuống mệt mỏi. Dù khó khăn, tôi cũng mấy lần dìu chàng đứng lên đi lại và xoa bóp, đấm lưng. Nhìn trên màn hình đã đi hơn nửa đoạn đường, còn hơn 5 giờ bay mới tới. Tôi lấy thuốc an thần bác sĩ cho dùng vào ban đêm để chàng uống.

May quá uống xong một hồi lâu, chàng đi vào giấc ngủ. Tôi chập chờn nhưng không dám ngủ vì sợ chàng thức dậy bất ngờ. Còn 2 giờ bay cuối cùng, tiếp viên mời thêm bữa ăn nhẹ. Trong lúc ngật ngừ chàng của tôi cũng đã ăn được một ít phần cơm của mình, và sau đó ngủ tiếp.

Còn 30 phút sau cùng, tôi đánh thức chàng dậy, đưa vào phòng vệ sinh cho chàng đi tiểu rồi giặt khăn lau cho chàng tỉnh táo. Thật mừng, tôi đã cùng chồng đi suốt đoạn đường bay tốt đẹp, không có bất trắc nào xãy ra.

Nhìn ra ngoài phi cơ, vẫn là biển xanh và cơn mưa ào đến, một màn trắng xóa như mây bao phủ. Máy bay giảm vận tốc và đáp xuống phi đạo, đường băng loang loáng nước, máy bay chạy vòng vòng rất xa và vào bãi đậu của American Airline.

Chúng tôi được lịnh ra sau cùng, hai người Nhật khá to con đến với chiếc xe đẩy nhỏ. Họ ra dấu cho tôi đi vòng ra phía trước để dìu chồng đứng lên và vào ghế. Họ chỉ đẩy xe chứ không đụng vào người chồng tôi, dường như đó là luật của họ, mặc cho tôi loay hoay dìu chồng đứng lên và cho vào ghế.

Tôi kéo valy theo họ ra ngoài. Một chàng trai còn trẻ, ăn mặc tươm tất, đeo khẩu trang đem chiếc xe đẩy đến nhận chồng tôi.

Một lần nữa tôi phải kéo chồng đứng lên rồi dìu vào xe đẩy. Chúng tôi đi ra khỏi cầu thông vận vào trong hành lang phi trường. Con đường khá dài, có những thang cuốn cho người đi bộ. Người thanh niên nói được tiếng Anh nên chúng tôi dễ thông cảm.


Tôi kéo trên tay carry on quần áo, thuốc men và cái lap top. Một túi xách đồ dùng trên máy bay, hai cái gối lót đầu và cái ví tay to đùng đủ vật dụng cá nhân, ipad, iphone và đồ lặt vặt...

Tới trạm kiểm soát, một nữ nhân viên mặc đồng phục ra dấu cho chúng tôi dừng lại. Cô ta tới trước nhóm phi hành đoàn đang xếp hàng và nói một tràng tiếng Nhật. Người đứng đầu lui ra và cô ta cúi đầu mời chúng tôi tới trước. Thật là cung cách phục vụ của người Nhật khác hẳn nước ta. Tôi cảm kích và lịch sự cúi đầu cám ơn. Xuất trình passport và giấy tờ nhập cảnh chúng tôi dễ dàng đi qua trạm.

Đến nơi nhận hành lý ký gửi, mỗi lúc nhận ra valy của mình, người thanh niên Nhật cũng giúp tôi bỏ lên xe đẩy hành lý. Vì có đem theo cái weelchair nên khá cồng kềnh. Qua mọi thủ tục hải quan một cách dễ dàng, chúng tôi ra ngoài phòng đợi.

Ra bên ngoài, nhìn dáo dác, không thấy con đâu. Thằng con trai đã hứa với tôi là sẽ đến sớm nhất chờ đợi mẹ. Vậy mà nhìn tới nhìn lui không thấy nó đâu hết. Tôi rút iphone ra, nhưng không thể gọi phone ngoài Hoa Kỳ. Không có internet nên không thể Face time. Cho nên cầm trong tay vừa Iphone, Ipad mà tôi chịu thua không cách sao liên lạc với con. Tôi lại gần cậu thanh niên nói lời xin lỗi. Và đoan chắc con tôi sẽ đến. Nếu cần cậu cứ thả chúng tôi đứng đây, cậu trở về nơi làm việc. Nhưng cậu nói không sao và sẽ chờ với chúng tôi.

Trong phi trường Arita Tokyo, người ta đi qua đi lại vội vã và thật đông. Họ dường như bị rượt đuổi vì thời gian và công việc. Ông chồng tôi ngồi trên xe đẩy đặt ở một góc vậy mà mấy lần người ta muốn va vào ông. Tôi nhìn đoàn người tấp nập qua lại với hành lý mà chóng mặt. Nhìn và đi tới đi lui cũng không thấy con đâu.

Cậu phục vụ người Nhật giúp tôi nối đường line Wifi free tại phi trường. Thế nhưng phone tôi vẫn không connect được, dù tôi không gọi mà chỉ dùng face Time.

Chờ hơn 30 phút, tôi nhờ cậu ấy gọi phone tới con tôi dùm, sau một lúc ngần ngừ, cậu bấm số phone tôi đưa. (bấm bằng đầu ngón tay co lại chứ không bằng ngón tay) có tiếng thằng con của tôi nói chuyện, rồi cậu đưa phone cho tôi tiếp chuyện. ( không cho tôi cầm mà đưa xa xa cho tôi nói ) Con tôi nói vì quá kẹt xe nên khoảng 20 phút nữa mới tới.

Tôi đỡ chồng rời khỏi xe đẩy đi tới đi lui cho giãn gân cốt. Lòng không mấy vui khi thấy người phục vụ đứng chờ tỏ vẽ rất lo lắng. Cậu ấy cứ thấy một người thanh niên Á châu nào đi vào một cách vội vã là cậu lại hỏi có phải con tôi không? Nhìn chàng thanh niên người Nhật trẻ tuổi ăn mặc lịch sự, mang khẩu trang, phong cách phục vụ chu đáo và chừng mực, tôi lại so sánh với hai người phục vụ ở phi trường LAX là hai thái cực. Có lẽ người Nhật họ chú ý ngay từ những việc nhỏ nhất để làm tốt hình tượng đất nước họ với du khách nước ngoài.

Tôi nói với người thanh niên Nhật là đẩy chồng tôi và hành lý ra ngay phía trước để khi con tôi chạy ngang dễ thấy. Nhưng cậu ta từ chối và cho biết cậu ta bắt buộc phải phục vụ bên trong và chỉ đợi ở phạm vi này. Cậu dẫn tôi tới quày tiếp tân và nhờ loa kêu con tôi tới chỗ chúng tôi đứng. Một lần nữa tôi phải cung cấp hồ sơ cá nhân để ghi vào sổ liên lạc. Con tôi vẫn bặt tăm.

Tôi lại năn nỉ cậu thanh niên liên lạc với con tôi lần nữa. Cậu ngần ngừ rồi cũng gọi và nói con tôi sắp tới vì quá kẹt xe. Một lúc sau cậu ta lại nhờ máy phóng thanh gọi tiếp.

...

Thằng con hớt hải chạy tới. Tội nghiệp, sự lo âu hiện ra trên mặt. Chúng tôi cám ơn người thanh niên Nhật đã ở lại với tôi 2 giờ đồng hồ chờ đợi. Vì người nhân viên chỉ được rời người handicap khi có người thân đến nhận trong sự an toàn.

Người Nhật không bao giờ nhận tiền típ từ khách, dù trong nhà hàng hay trong công việc vì tự trọng. Tôi lịch sự gửi cậu ấy ít tiền để cám ơn sự phục vụ tận tình. Có lẽ thấy tôi quá chân thành và thời gian chờ đợi cũng xứng đáng công sức nên cậu ấy nhận. Hay bởi vì tôi nhét tiền vào tay cậu ấy rồi hai mẹ con vội vã đi, cậu ấy không kịp từ chối.

Dù sao tôi cũng cám ơn và kính trọng sự phục vụ rất tuyệt vời của nhân viên hàng không của Nhật. Cậu ấy không tỏ ra bực bội mỗi khi tôi ái ngại tỏ lời xin lỗi. Lúc nào cậu cũng mỉm cười nói "Không sao" và khi con tôi tới cậu vẫn vui vẻ và lịch sự hỏi thăm. Tôi nghĩ biết bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất của mình có những người phục vụ như thế này. Chỉ cần nhìn cung cách làm việc của một nhân viên bình thường trên sân bay, người ta có thể ngưỡng mộ và tôn trọng đất nước họ.

Tháo chiếc weelchair ra, tôi đẩy chồng, con trai tôi đẩy hành lý, chúng tôi bấm thang máy đi về nơi gửi xe. Ông chồng tôi rũ người xuống vì mệt. Cho anh uống tí nước và đở ngồi vào ghế và cột dây an toàn. Tôi thương anh ấy quá. Tất cả là do tôi thương con nên quyết định chuyến đi chơi này. Anh ấy có nói gì được đâu, chỉ yên lặng và tùy tôi muốn đưa đi đâu thì đi.

Nhìn vẻ mọi mệt của chồng, tôi không biết mình đã làm đúng hay sai. Rồi những ngày ở đây và chuyến trở về không biết có được suông sẽ hay không?

Mong là những ngày ở đây anh ấy không có gì bất trắc xãy ra. Lạy trời!

Con trai tôi cho xe ra khỏi parking, thì ra đây là lần đầu tiên cháu lái tới phi trường này. Con đường thật xa, theo dự trù là đi 2 tiếng. Nhưng vì tất cả các dấu hiệu trên xa lộ được ghi bằng tiếng Nhật. nên cháu không thể nắm chắc rõ ràng đường đi. Cháu chỉ căn cứ theo máy định vị GPS. Cái máy trong xe hình và âm thanh hoàn toàn bằng tiếng Nhật, cháu phải dùng cái iphone, để nhận bằng tiếng Anh. Iphone hướng dẫn theo Google. Hai máy lại chỉ hai hướng đi khác nhau mà đường đi lại kẹt xe không thể nhúc nhích. Theo sự hướng dẫn GPS của Iphone đường đi vòng vo xuyên qua thành phố Tokyo rồi mới ra xa lộ để đến phi trường.

Cháu dự trù đi sớm để mẹ khỏi lo, nhưng không ngờ lại kẹt xe nên đến trễ. Hơn 4 tiếng lái xe trên con đường này mới tới gặp được cha mẹ. Mẹ thì lo lắng cho con, còn con thì nhìn đồng hồ mà lòng như lửa đốt.

Trên đường đi về tôi thương con mình thật nhiều, cái iphone chỉ đường thật lắt léo và khó đi. Tôi hồi hộp khi biết con tôi chỉ mò theo chỉ dẫn và cái lằn xanh trên chiếc iphone được để trên một cây chống gắn chặt vào kính trước.

(Do vậy khi nói chuyện với người thanh niên Nhật, nghe cũng không rõ mà cậu ấy nói cũng không nghe lớn được)

Bên Nhật, tay lái của tài xế nằm ngược với bên Mỹ, con đường của xe chạy nằm bên trái nên tôi luôn có cảm giác như xe khác lao vào xe mình. Nhìn không quen và mệt mõi nên tôi chóng mặt quá đi.

Máy chỉ xe chạy vào những con đường hẹp trong xóm. Con đường nhỏ xíu chỉ đủ hai chiếc xe đi qua và những cua quẹo thật gắt. Tôi thầm khen con tôi lái xe quá giỏi. Tôi ngạc nhiên hỏi con:

- Tại sao phải đi vào các con đường xóm vòng nghoèo, nguy hiểm này?

Cháu trả lời

- Con không biết, cứ phải đi theo máy chỉ mà đi. Đây là lần đầu tiên con lái xe đến phi trường này. Thường con hay đi bằng máy bay quân sự tại căn cứ. Nếu không, con chọn phi trường gần nhà. Mà phi trường đó không có chuyến bay nonstop từ LAX qua Nhật. Con không muốn ba má phải đổi máy bay vất vã,nên phải chọn phi trường Arito Tokyo.

Con đường dài lắm, càng dài thêm khi tôi vừa mệt vừa nôn nóng. Xa lộ không rộng, nhiều nhất 5 làn xe. Sạch sẽ, hiện đại. Nhưng cứ đi một chặng đường là gặp trạm thu phí. Tổng cộng đi về phải đóng cho trạm thu phí khoảng hơn 120 dollars (13.500 yen).

Ông chồng tôi than mệt và quá đau lưng, Anh ấy cứ đòi đứng dậy không chịu ngồi nữa. Đi hơn 2 giờ lái xe vòng vo mà vẫn chưa tới. Hết ra xa lộ, lại vào khu dân cư, chúng tôi quyết định phải dừng lại nghỉ ngơi và ăn tối trước khi về nhà.

Con tôi hỏi cha mẹ muốn ăn gì? Tôi nói tùy con, nhưng ăn cái gì có nước và nóng cho ba dễ nuốt. Thế là cháu ghé lại một tiệm ăn Sushi. Đở anh ấy xuống xe mà thương, hai chân cứ ríu lại và đầu gục xuống, nước miếng chảy không ngớt. Trong tiệm cũng khá đông người, con tôi vào ghi tên trên máy và hai mẹ con dìu anh ấy ra ngoài đi tới đi lui một hồi cho giãn gân cốt.

Đó là một tiệm ăn khá nổi tiếng, sushi từng dĩa cứ chạy đều đều trên hệ thống dây chuyền từ nhà bếp ra. Muốn ăn loại nào thì mình lấy xuống ăn.

Để thức ăn nóng, cháu order trên máy đặt ngay trước bàn. Cháu gọi mì và những món ăn mà ba cháu có thể ăn được. Khi thức ăn làm xong, đưa gần tới bàn mình, máy sẽ báo động và căn cứ theo màu dĩa và chữ trên bàn ngồi, mình lấy xuống ăn. Khi tính tiền người phục vụ dùng một cây thước để đo dĩa đã ăn xong và tính trên máy cầm tay. Sau đó lễ phép báo cho mình biết giá cả. Tiền sẽ trả ở thu ngân.

Vừa đói vừa lạ miệng, ông chồng tôi ăn cũng khá và thấy tươi tỉnh lên một chút. Thật mừng.

Về đến căn cứ Yokota chúng tôi phải vào ngay văn phòng để làm giấy phép tạm thời. Phải chụp hình và làm các thủ tục khác. Giấy phép này chỉ được ra vô căn cứ trong vòng 24 tiếng. Con tôi nói ngày mai mình phải đến văn phòng chánh để làm giấy tờ chính thức. Mỗi khi vào căn cứ phải trình giấy đó và passport cho người gát cổng mới được vào trong.

Đi qua con đường với những hàng cây anh đào thật đẹp vào nhà con. Tôi thấy mình vô cùng hạnh phúc và sung sướng. Chúng tôi đã đến được nước Nhật. Chúng tôi đã thực sự thành công làm một chuyến thăm con và cháu.

Cửa nhà vừa mở, con dâu, cháu nội đã hiện ra dưới chân cầu thang reo mừng làm tôi không ngăn được xúc động.

Tôi dìu ông chồng lên cầu thang khi con trai, con dâu lo lấy hành lý. Dìu chồng nằm trên ghế salon, cỡi giày cho anh ấy tôi nắm tay anh ấy siết mạnh.

- Mình đã đến Nhật. Mình đã thành công. Cám ơn Trời Phật.

Vâng! Tôi đã thành công như con dâu tôi nói. Một chuyến đi dài nhiều lo lắng cho tôi mất ăn mất ngủ. Nhưng bây giờ tôi đã đến được nơi này. Một hình ảnh nước Mỹ trong lòng nước Nhật. Tôi có thể gặp con và gặp cháu. Những đứa cháu yêu thương chỉ biết ông bà nội qua màn hình Face Time. Bây giờ là dịp để tôi làm quen với chúng, ôm chúng vào lòng và đùa vui với chúng.

Nước Nhật và mùa hoa Anh Đào đang chờ đợi chúng tôi.

Nguyễn Thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
20/06/201709:40:49
Khách
Đoc bai nay nhe
07/05/201616:21:03
Khách
Bài viết rất dản dị. Đọc thấy nhẹ nhàng, cảm động và làm người đọc nhớ lại thời quá khứ của năm 1965 khi có cơ hội làm viêc ở Biên Hòa. Thời gian đó tôi có quen với một nữ sinh Ngô Quyền tên Lệ Sinh (con Ông Tám Thiền) cũng sinh năm 1948 như tác gỉa bài viết. Chúng tôi mất liên lạc đã lâu. Muốn tìm lại người quen củ. Nếu tác gỉa bài viết có thể cho tin tức thành thật cám ơn. Nay kính thư. Dzai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 841,985,617
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
DAVEMIN.COM
Nhạc sĩ Cung Tiến