Hôm nay,  

Đi Tìm Xác Em Tôi

14/04/201600:00:00(Xem: 16955)

Tác giả: Kim Chi
Bài số: 3797-17-30297vb5041416

Tác giả tên thật là Nông thị Ngọc Diệp. Khi còn ở Sài Gòn, từng là diễn viên ca vũ kịch. Vượt biển năm 1985, là thuyền nhân tại Galang, Indonesia. Định cư tại Canada năm 1986, sống ở thành phố Toronto. Từ 2005, di dân qua Úc, hiện sống ở thành phố Melbourne. Công việc: nội trợ và là công tác các sinh hoạt văn nghệ Cộng Đồng tại địa phương. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô “Kỳ Thị và Bạo Hành” đã được phổ biến ngày 20-2-2016. Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.

* * *

Em trai tôi đi vượt biển vào tháng 12/1980. Có ai ngờ được em đi mãi mãi không về... Chuyến tàu của một người quen tổ chức, khởi hành ở cửa Cần Giờ. Tàu thì nhỏ, chở quá đông người, một số đã bỏ về. Nhưng em tôi, Út Trị và anh bạn trai của tôi, anh H. vẫn ngồi trên con tàu định mệnh đó mà không chịu trở về nhà...

Nhà có bốn chị em gái và hai anh em trai. Anh Ba tôi vừa trầy vi tróc vảy mới lấy được mảnh bằng Bác sỹ Thú Y giữa những duyệt xét lý lịch khắt khe những năm ấy.. Còn Trị, là em út, tuy học giỏi nhất nhà, ngoan hiền nhất nhà, nhưng lại bị bọn Cộng Sản ngành Giáo dục gạt tên em ra, giống như tôi và Sáu, không cho vào Đại Học vì lý lịch của gia đình tôi quá tồi tệ! Anh H. đã tốt nghiệp Đại học rồi, nhưng vì thấy tôi muốn đi vượt biên quá đổi, nên anh đặt hai chổ ngồi cho tôi và anh lên tàu. Vào những ngày giờ, tôi bỗng muốn nhường cho Út đi. Em không muốn đi vượt biên, nhưng chúng tôi khuyên lơn, năn nỉ em, hầu như nài ép em phải đi để có một tương lai ở ngoại quốc, vì em là con trai, em cần đi hơn tôi. Nào ngờ...

Sau bao nhiêu năm chờ tin trong vô vọng, chúng tôi lấy ngày đi của hai anh em làm ngày giỗ.

Cho đến 1985, tất cả anh chị em chúng tôi đều lần lượt đến bến bờ tự do. Sau bao nhiêu năm khổ nhục trong trại học tập, ba tôi cũng được bảo lãnh qua Úc sống cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và tự do. Nhưng, càng ấm êm, chúng tôi càng đau xót cho em tôi đang ở đâu đó chắc rất lạnh lẻo... Chúng tôi luôn khoắc khoải nhớ thương Út. Riêng tôi, nổi đau, nổi cắn rứt này của tôi kéo dài có lẽ cho đến ngày tôi nhắm mắt....

Vô tình, người kiến trúc sư VN, anh L. ở Melbourne đang vẻ họa đồ cho nhà của chị Tư của tôi, kể cho chúng tôi nghe chuyến đi tìm cái... đầu ông ngoại của anh! Ông ngoại của anh bị đấu tố trước năm 1954 ở miền Bắc. Gia đình lúc ấy đem cái xác ông ngoại của anh đi chôn mà thiếu cái đầu! Trong nhà làm ăn không trôi chảy, cứ có toàn những chuyện kỳ lạ xãy ra. Rồi có người chỉ anh L. về VN nhờ một người có giác quan thứ sáu, chuyên tìm xác chết thất lạc lâu năm. Anh L đã về VN, theo từng chỉ dẫn của nhà ngoại cảm tên Dũng. Anh đi xe đò đến thành phố Hà Tây, xuống xe ở một ngã ba, tìm đến một căn nhà có trồng nhiều cây hoa giấy được cắt tỉa hình dáng các con thú vật. Vào trong ấy và hỏi tên ông Cang, ông Cang sẽ chỉ dẫn tiếp.

Ấy thế mà anh L. đã tìm được đến nhà ông Cang. Khi gỏ cửa nhà và hỏi có ai tên Cang ở nhà này không; thật không ngờ, ông ta bước ra, hỏi ngược lại ai đã cho biết cái tên Cang này, vì ông đã đổi tên lâu lắm rồi!

Ông Cang đã dẫn anh L. đi đến nơi chôn cái đầu. Ông ta là...đao phủ thủ ngày xưa!

Theo như những người đi chung tàu của em tôi bỏ về SG lại, con tàu không thể ra biển nổi, vì quá khẳm, mà gió biển hôm ấy cấp sáu, cấp bảy, cộng thêm là trên đường ra cửa Cần Giờ, có một nơi có đá ngầm, rất nhiều tàu bị đắm ngay đấy. Tôi cũng biết chuyện này, khi tôi đi công tác vài lần ở Duyên Hải năm 1978, 1979, đi trên con tàu đến đoạn đá ngầm này, gia đình chủ tàu bắt hành khách ngồi im cùng... khấn vái cho tai qua nạn khỏi! Do đó, chúng tôi hy vọng Út nằm đâu đó không xa cửa Cần Giờ.

Chúng tôi năm người gồm có: má tôi, chị Hai, chị Tư, và Sáu, (em gái tôi) từ Úc Châu về, còn tôi thì từ Canada, hẹn gặp nhau ở Sài Gòn để cùng đi tìm xác Út vào tháng 11 năm 2001.

Trước khi quyết định về, chị Tư từ Úc đã phone cho nhà ngoại cảm: anh Dũng. Anh tốt nghiệp ĐH Khoa Học trước 1975. Anh rất bận rộn, nhưng vẫn vui vẻ đồng ý giúp chúng tôi mà không hề nhận BẤT CỨ THÙ LAO gì. Chúng tôi ở khách sạn Palace ngày đầu, chờ giấc chiều tan sở rồi, chị Tư mới phone chào anh Dũng và để xin anh chỉ dẫn làm sao tìm được xác Út.

Trên phone, anh bảo chị Tư kể lại ngày giờ khi em Út đi, em mặc đồ gì, đem theo những gì, đi với ai, đi từ đâu... Rồi anh bảo cứ thắp nhang cầu nguyện hương hồn em Út. Đến tối khuya hôm ấy, anh phone lại, anh bảo hãy chuẩn bị sẵn dụng cụ đào đất, bao nylon đựng xác, trái cây, nhang... để cúng dọc đường, và anh cũng bảo ngày mai đi được rồi! Rồi anh bảo ghi xuống những điều anh đã thấy trước được đây:

- Chúng tôi đi chẳng bao lâu sẽ có một người đàn bà chỉ đường đi!

- Trên đường đi, sẽ có một người tên Tâm, một người tên Tùng giúp đở!

- Sẽ có một em bé gái nhỏ chừng sáu, bảy tuổi, tóc dài, kẹp cây kẹp ba lá, nắm tay dẫn ra một cái miếu hoang. Hãy cúng trái cây và thắp hương ở đây.

- Sẽ thấy một căn nhà có cánh cửa màu xanh dương. Trước hiên nhà, một cô gái mặc áo đỏ đang ngồi ghế chơi. Từ căn nhà này, cách đấy một trăm mét, có một bãi đầy chuồn chuồn bay. Có một cành cây chết, có vướng một bao nylon rác màu trắng. Dở bao rác lên, có một cái mai con cua chết nằm ngữa, nơi đấy là nơi Út nằm!

Tất cả chỉ có bấy nhiêu tin tức để đi tìm thằng em trai đã mất từ hơn hai mươi năm trước. Không có lấy một tên đường, không có một số nhà, không có địa chỉ để đi tìm... Chỉ biết là phải đi đến cửa Cần Giờ mà thôi!

Chúng tôi nhờ nhân viên khách sạn Palace bao thuê một chiếc Toyota Corrola, cộng với cậu tài xế trẻ, trên xe có tổng cộng sáu người.

Suốt đêm, cả nhà chúng tôi nôn nao! Bao nhiêu chuyện xưa chợt ùa về trong đầu tôi. Tôi đề nghị ghé thăm gia đình anh H, người bạn trai của tôi cùng mất tích chung với Út. Tôi muốn thắp nén nhang cho anh trước khi khởi hành chuyến đi này.

Đây là lần đầu tiên tôi về thăm lại VN sau mười sáu năm rời xa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu căn nhà thật khang trang, xinh xắn nằm trong một con hẻm rộng lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Tôi hình dung lại những buổi cơm gia đình ấm cúng những ngày cuối tuần, từng nụ cười ấm áp, từng ánh mắt rạng ngời như?đón một đứa con dâu, một em dâu, một chị dâu. Bỗng... Đùng! Tất cả trôi theo thân xác của anh xuống lòng biển sâu...

Mẹ của anh tóc trắng như tuyết phủ, lưng còng gãy cụp xuống, run-run nắm lấy tay tôi mà đầm đìa lệ! Tôi thắp nhang cho anh, tôi cầu nguyện... Trên bàn thờ, anh vẫn cười tươi với tôi mà tim tôi sao như có ai đâm hằng trăm, hằng nghìn nhát dao...

..... Đã bao nhiêu ngày tháng năm qua rồi nhỉ?
Ai quất nghìn roi cho máu rỉ tim côi
Đời vẫn lăn hai dòng mưa nắng, nhật nguyệt
Người chẳng có tin, từ buổi ấy chia phôi...
Hôm ấy anh đi trên chuyến đò trái ngang
Con thuyền mong manh tựa như chiếc lá vàng
Lá vàng rơi em còn nhặt cài lên tóc
Thuyền bặt tin.. em chỉ khóc.. lệ như tang...

Rời khỏi nhà của anh H, chúng tôi bắt đầu đi Cần Giờ! Anh tài xế tên là Tony. Anh hay chở du khách ngoại quốc đi chơi. Tony có thể nói tiếng Pháp và tiếng Anh. Tony cũng nói rằng anh là người quê ở Cần Giờ. Lâu lắm rồi anh không về lại đây. Hôm nay được đi Cần Giờ, anh rất là hứng thú! Chúng tôi không dám nói cho anh biết là đi tìm xác em trai, mà chỉ nói là đi tìm nhà người quen mà không có địa chỉ "chắc chắn"! Anh rất sốt sắng, vui vẻ chạy xe ra ngoại ô Saigon. Anh hơi lúng túng vì đường sá thay đổi nhiều quá, Tony bèn dừng xe lại ở một quán cà phê bên đường để hỏi đường. Khi anh trở ra, anh vui vẻ bảo:

- Chúng mình đi đúng hướng, đúng đường rồi!

Và anh nói tiếp:

- Lạ thật! Cả một cái bàn toàn là đàn ông ngồi ăn sáng uống cà phê, chỉ có MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ mà thôi. Mà bà ta lại rất rành rẻ đường sá. Chính bà này đã chỉ đường cho em đó bác và các chị! Mình cứ đi thêm một giờ nữa sẽ qua phà nhỏ, rồi sẽ đi tới một cái chợ, rồi qua cửa Cần Giờ...

Chúng tôi giật mình, chợt nhớ lại anh Dũng đã bảo sẽ có một người đàn bà chỉ đường đi... Sao lại trùng hợp như thế?!

Xe chạy trên một con đường đất đỏ đang làm dở, bụi mù mịt. Rồi cuối cùng đến bến phà. Trong thời gian chờ cái phà khoảng nữa giờ nữa mới khởi hành, tôi muốn đi mua ít nón lá để đội vì nắng quá là nắng. Mà "ngũ long công chúa" này chỉ vỏn vẹn có một cây dù thôi! Tôi thấy có một căn phố lầu rộng lớn, phía trước có xe nước mía có ghế ngồi, có mái nhà mát mẻ với các chậu cây cảnh xung quanh. Tôi mua vài ly nước mía cho các chị em tôi uống, và bảo má tôi ngồi chờ tôi băng qua đường để mua thêm vài cái nón lá. Khi tôi trở lại, má tôi và chị chủ nhà đang nói chuyện vui như pháo nổ. Thấy tôi lại chị nhìn tôi một thoáng, và bảo:

- Bác ơi! Bác nói bác ở Dalat về Cần Giờ tìm người quen.. Bác và các cô trắng trẽo hồng hào thế này, chẻ cái đầu cháu ra, cháu cũng nói các cô và bác không phải ở Dalat, mà ở nước ngoài về! Có đúng không?! Coi nước da của các cô kìa, đỏ au cả lên. Thật là nguy hiểm quá, các cô nhìn yếu đuối như thế này, sao các cậu, các chú đâu mà để bác và các cô đi như dzầy? Bác thì có tuổi, đau yếu, đi vào trong ấy hẻo lánh, rủi ro có gì có ai giúp không? Hay người ta sẽ... làm thịt cả nhà năm người đàn bà, không có lấy một người đàn ông đi cùng?!

Chúng tôi nhìn nhau, không biết phải nói sao! Nhìn lại em gái tôi, dù Sáu đã mặc một cái quần sa tin đen và chiếc áo bằng gấm lụa trông rất... thôn nữ!. Nhưng lại quên, Sáu xách một cái bóp đầm (hand bag), mang... đôi giày cao gót, nhìn không thôn nữ chút nào cả! Tôi thì mặc một cái jean overalls bạc màu nhìn thật... bụi đời. Đã thế, cái mặt và cánh tay trần của tôi đỏ như da lột vì tôi ở Canada bao nhiêu năm trời, không quen với cái nóng 35, 36 độ C như thế này. Ông bà trời đất đã phù hộ cho chúng tôi ngồi nghỉ chân ngay đúng nhà của chị chủ nhà thật tốt bụng này. Lúc ấy khoảng 11 giờ trưa, chị bảo chúng tôi chờ một chút thôi, rồi chồng của chị đang đi đón thằng bé con tan học về, chị sẽ bảo chồng của chị hộ tống chúng tôi đi vào sâu trong Cần Giờ!. Chị bảo, vợ chồng của chị còn không dám vào trong đó nữa, mà chúng tôi năm người đàn bà từ ngoại quốc về lại dám vào sao?!

Chờ chỉ độ mười phút, chồng của chị chở thằng bé con đi học về. Chị trình bày câu chuyện, và người chồng thật tốt bụng y hệt như người vợ, đồng ý đi theo hộ tống chúng tôi ngay. Chẳng những thế, anh còn bảo chị vợ và thằng bé con đi theo luôn! Anh dặn dò chúng tôi phải nói với mọi người chung quanh rằng vợ chồng của anh là người nhà của chúng tôi ở đây, để dân chung quanh đấy không ăn hiếp chúng tôi.

Sau khi qua phà, rồi lên xe hơi đi thêm một đoạn, đến một ngã ba đường, chúng tôi phải xuống xe hơi, vì đường nhỏ quá, nhỏ đến độ xe không cách chi trở đầu xe lại được, mà chỉ có cài số de để đi về thôi... Tony phải ở lại coi chừng xe. Chúng tôi đi bộ vào sâu trong làng, anh chị "bà con" này chạy xe phía trước, rồi chạy ngược lại phía sau kiểm điểm xem chúng tôi có được an toàn không. Càng đi sâu vào làng mạc, nhà cửa càng vắng vẻ. Xa xa mới có một cái nhà. Má tôi không thể đi bộ xa được. Tôi cũng thế. Trước ngày đi về VN vài ngày, tôi bị bong gân khá nặng vì mang giày cao gót trợt té xuống thang lầu. Chân của tôi sưng to, bị đau nhức khi cử động. Bác sỹ dặn tôi phải nghỉ ngơi vài tuần, nhưng tôi đã mua vé về VN rồi, tôi không thể "nghỉ ngơi" được! Tôi bó cổ chân rất chặt. Tôi mang một đôi giày thật êm. Nhưng chỉ đi bộ độ 300 mét thôi, chân tôi bắt đầu làm reo. Tôi ngồi bệt xuống đường để nghỉ chân. Bỗng dưng, có một em bé gái từ trong xóm đi ra, ẹo cái đầu ngắm chúng tôi, rồi buộc miệng hỏi chúng tôi:


- Đi đâu dậy mấy cô...đẹp ơi!

Hahaha! Em bé gái trông lôi-thôi lếch-thếch thế kia mà cũng biết nịnh đầm rồi! Tôi bảo em chúng tôi muốn đi tìm một cái miếu nào gần đây để thắp hương!

Em mừng rỡ, chạy lại nắm tay tôi kéo đi không kịp thở! Em nói:

- Cái miếu ở ngay sau nhà em nè. Ngày nào em cũng ra miếu chơi hết á! Đi theo em, đi nhanh lên. Tụi mình chơi... thắp nhang ở đó "nheng"?!...

Chị Tư của tôi bỗng kêu chị Hai tôi giật ngược, và bảo chị Hai tôi mở lại tờ giấy ghi chú lời dặn dò của nhà ngoại cảm xem sao! Thật kỳ lạ! Anh Dũng đã đoán trước có một cô bé gái nắm tay dẫn đi đến cái miếu. Tóc em như râu bắp, rối bời, rít chịch nước biển, được túm lại bằng cái cây kẹp ba lá, đúng hệt như anh Dũng đã nói. Không giải thích được!

Đi theo em gái, chúng tôi khó nhọc men trên những bờ ruộng ghồ ghề, bước lên những thân cầu mong manh bắc ngang những mương nước nhỏ để đến cái miếu.

Đây là một cái miếu như bỏ hoang. Ít cọng chân nhang vẫn còn cắm trong lon sữa bò. Một tượng Phật Bà Quan Âm bụi đất bám đầy. Một bức ảnh Phật Thích Ca cũ kỷ trong khung gổ không có kính, nên nhìn càng thấy buồn hơn. Chúng tôi bày hết trái cây ra đấy, phủi bụi, lau sơ khung hình Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm, rồi chúng tôi thắp nhang van vái.

Trên đường đi ra, chúng tôi cho em bé gái ít tiền, và dặn em khi nào đi ra đây chơi, nhờ em lau chùi, phủi bụi giùm chúng tôi. Em giương mắt to ngạc nhiên nhìn chúng tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên em được trả tiền cho một việc mà không bao giờ em được ai cho tiền cả!

Trên đường đi ra, anh chị "bà con" của chúng tôi đã lanh lẹ huy động được năm chiếc xe gắn máy của dân làng gần đó để chở chúng tôi đi sâu vào cửa Cần Giờ mà không cần đi bộ khổ cực nữa. Có hai người làm nghề xe ôm, và ba người là dân làng xin được làm để kiếm thêm tiền. Chị Tư của tôi là người... tròn trịa nhất, đã bị ông tài xế thiếu kinh nghiệm chở...Việt Kiều, chạy ngang qua ổ gà, đã...quăng chị té xuống đất, ướt bẩn hết cả người. Cũng may mà chị và ông ta không sao cả!

Chúng tôi đến bến tàu, anh chị "bà con" của chúng tôi lo đi ngoại giao để mướn một cái tàu đánh cá đẹp và khá lớn, nhưng phải chờ nước lên mới qua bên kia cửa biển Cần Giờ được. Trong thời gian ngồi chờ nước lên, chúng tôi giở bánh mì, xôi, trái cây, nước... ra ăn uống. Chúng tôi ngồi túm lại với nhau, và mời anh chị "bà con" dùng chung thức ăn, thức uống với chúng tôi! Má tôi chợt hỏi:

-Anh chị đi theo chúng tôi nãy giờ mà không biết tên anh chị là gì để xưng hô đây nữa.!

Người chồng vui vẻ trả lời:

- Dạ bác! Con tên là Tâm đó bác.

Tôi trợn mắt nhìn anh! Anh vẫn điềm nhiên, vợ anh vẫn vui vẻ nói chuyện. Chị Hai tôi kề tai má tôi nói nhỏ:

- Má ơi! Ảnh tên... TÂM, tên Tâm đó má ơi!.

Má tôi líu giọng lại, cứ nhìn anh Tâm, miệng lẩm bẩm:

- Sao... mà ngộ quá vậy? Sao... kỳ quá vậy... hả con?

Chị Tư tôi cũng trợn ngược mắt lên, hỏi lại lần nữa:

- Xin lổi anh, anh vừa nói anh tên gì?

- Tui tên là Tâm, Nguyễn văn Tâm. Mai mốt chị có dìa VN nữa ghé nhà tụi tui chơi. Cứ nói tên tui là không ai dám gạt hay ăn hiếp chị đâu!

Cô em gái, Sáu, chậm tiêu nhất. Nhìn thấy chúng tôi to nhỏ với nhau mà ngơ ngác không hiểu gì cả! Chị Hai tôi phải lấy tờ giấy con trong bóp ra, không nói gì mà chỉ lấy ngón tay dí đúng vào cái tên Tâm nằm trên tờ giấy. Sáu giật nẫy mình lên, nhìn anh Tâm chầm-chập, lại hỏi lại câu hỏi ngớ ngẫn này lần nữa:

- Anh tên là Tâm thiệt à? Oh... My... God...!

Gần ba giờ trưa, nước lên xấp xỉ đủ để tàu khởi hành qua bên kia là cửa Cần Giờ. Người ta cõng má tôi xuống thuyền trước. Từ trên bờ muốn xuống thuyền, phải xắn quần lên quá đầu gối, chân dẫm lên bùn, lún rất sâu, làm tôi bồi hồi nhớ lại ngày tôi xuống tàu đi vượt biên mười sáu năm trước, tôi cũng lội lên bùn như thế này để leo lên cái thuyền thúng, rồi chuyển qua tàu lớn và đến bờ tự do của Indonesia...

Sau khi cõng má tôi, họ quay lại cõng tôi, vì tôi đang băng một miếng băng elastic ở cổ chân. Nó cũng đang sưng, đau vô cùng khi tôi cử động.Tàu nổ máy, bắt đầu rẽ sóng chạy xình xịch qua bên kia cửa biển. Nhìn biển bắt đầu mở rộng ra, sóng nhấp nhô, má của tôi rưng rưng nước mắt, tưởng tượng ngày em tôi đi, không biết con tàu nhỏ bé như thế nào... Chị Tư của tôi thì bồi hồi nhớ lại chuyến đi vượt biên của chị, những rượt đuổi giữa đám Công An với con tàu, rồi tàu của chị đã liều mạng, một sống một chết, xã súng bắn hết cả đạn vào bọn CA đang rượt theo! Lucky, bọn chúng chết nhát, tưởng tàu của chị có nhiều đạn dược súng ống lắm, đâu ngờ rằng họ chỉ có một cây súng và một băng đạn độc nhất thôi! Còn tôi, nhìn sóng nước mênh mông, bờ lau sậy xa dần phía sau, tôi bồi hồi xúc động đến đau nhói cả trái tim... Tôi ngồi lâm râm cầu nguyện, lâm râm gọi tên anh H, gọi tên em trai Út vắn số của tôi...

Tàu chạy chỉ độ nữa giờ đồng hồ là qua đến cửa Cần Giờ. Chị Hai và chị Tư tôi cứ lấy giấy của anh Dũng dặn dò ra xem xét cẩn thận. Theo như anh dặn, tất cả sự việc đều đã xãy ra đúng hệt như có người sắp đặt. Chị Hai tôi quyết định mướn hai xe gắn máy của dân làng chở chị Hai và chị Tư, cùng anh chị Tâm đi tìm căn nhà nào có cánh cửa màu xanh dương. Còn tôi, má tôi, và Sáu thì ở trên thuyền chờ tin tức. Nhìn hai cha con người chủ tàu mặc quần xà lỏn, ở trần trùng trục, nước da nâu bóng ngời, cái bắp tay lực lưỡng, vấn thuốc rê hút phì phèo, tôi bỗng nhiên... lo lắng! Tôi tưởng tượng họ không phải là người VN, mà là.. cướp biển Thái Lan tuy tôi chưa biết bọn cướp biển Thái Lan như thế nào!

Trên đất liền ở ngay cửa biển Cần Giờ, nhà cửa rất thưa thớt. Xa xa mới thấy có một căn nhà lá. Phải chạy khắp nơi để tìm cho ra cái nhà nào có cánh cửa màu xanh dương, có cô gái mặc áo đỏ ngồi trước hiên nhà không phải là chuyện dể. Anh chị Tâm cũng chạy ngược xuôi trên những bờ ruộng, bờ ao nuôi cá tôm phu tìm kiém.. Còn tôi ngồi chờ trên tàu, tay thọc vào túi quần jean overalls đầy tiền mặt mà lo lắng vô cùng.

Cuối cùng, chị Hai tôi vui mừng chạy đến báo tin là đã thấy cô gái áo đỏ ngồi trước căn nhà có một cánh cửa màu xanh dương rồi! Nếu chỉ tìm cánh cửa xanh dương, chắc đến tết... Congo! Vì cánh cửa này tróc sơn hết tám mươi phần trăm rồi. Nhờ nhìn thấy cô gái áo đỏ trước, rồi thấy cái cửa xanh dương sau lưng của cô, mới tìm ra khu vực này. Thế là hai xe gắn máy bỏ hai chị tôi lại đấy, cùng vòng lại với anh chị Tâm, đón tôi, má tôi và Sáu. Tôi và Sáu ngồi chung một xe, má tôi một xe, và anh chị Tâm hộ tống vì anh chị không yên tâm để chúng tôi đi với dân chài ở đây! Tôi thật nhớ ơn anh chị này vô cùng, chúng tôi đã gặp người thật tốt giúp đỡ.

Cả gia đình năm người chúng tôi túa ra tìm chổ nào là đất có đám chuồn chuồn bay! Dân làng bắt đầu tò mò bu chung quanh chúng tôi đến mấy chục người. Lúc ấy, chúng tôi quyết định không giấu giếm nữa. Chúng tôi nhờ họ tìm giúp chúng tôi chổ nào là miếng đất có chuồn chuồn bay.

Bỗng, chị Tư tôi reo lên, và xăng xái lội xuống một bãi lầy có đầy chuồn chuồn đang bay vần vũ! Chúng tôi mừng rở, rồi vừa cầm máy quay phim, chị Tư vừa lội ra xa hơn. Chị lại reo lên:

- Đây rồi, đây có cành cây khô với bao rác đây...

- A! Cái mai con cua đây! Đúng nơi đây rồi.. Đúng chỗ rồi...

Tôi vì đau chân nên không thể bước xuống bãi sình này được. Nước biển đang ngập lầy lội. Vài căn nhà lá xa xa.Trước mặt là biển mênh mông, chỉ có dăm cây đước, cây lau sậy ngăn sóng biển không bổ mạnh vào đây như phía bên ngoài.

Dân làng đã biết chúng tôi đi tìm xác người nhà. Họ sốt sắng chạy về nhà lấy thêm cuốc xẻng. Những người đàn bà thì vây xung quanh bàn tán. Cách đây rất lâu, họ nói đã thấy ít tử thi trôi tấp vào đây. Lại có người còn nói thấy một tử thi có cái ba lô bằng kaki vắt chéo ngang vai. Giống như là em tôi ngày em đi... Má tôi khóc sụt sùi dù chưa thấy, chưa tìm được gì cả! Tôi ráng bước lại gần hơn để nhìn cái cành cây khô, cái bao rác màu trắng, và cái mai của con cua chết lật ngửa... Tim tôi tan nát, tưởng tượng anh H. và Út cái ngày giờ xuôi tay thua cuộc vẩy vùng, rồi đau đớn, lạnh lẻo, cô đơn, nằm chôn vùi ước mộng tuổi trẻ nơi đây... Tôi khấn vái em tôi. Tôi gọi tên anh H. Tôi chỉ biết ứa nước mắt cầu nguyện. Ngực của tôi nặng thật là nặng...

Trong khi tôi đang lặng lẻ cầu nguyện, có khoảng bốn thanh niên lực lưởng bắt đầu đào. Đào tới đâu, nước cứ túa ra tới đó. Họ cố gắng vừa đào, vừa chắt nước đổ sang chổ khác. Trời bắt đầu tắt nắng. Họ không thể nào đào sâu hơn được. Chị Tư tôi cầm phone, cố phone cho anh Dũng. Ở đây không bắt sóng điện đài (reception) dể dàng như trong đất liền. Sau nhiều lần phone, anh bắt phone lên và nói nếu đã tìm được địa điểm đúng rồi thì chỉ việc ráng đào lên thôi. Sẽ thấy được xương cốt nếu đào sâu xuống khoảng hai mét. Chúng tôi năn nỉ dân làng hết sức tát nước ra và xúm nhau đào trước khi trời tối. Nhưng, thật lạ, nước cứ ngập tràn vào, càng lúc càng nhiều hơn, nhanh hơn, không cách nào đào sâu hơn được. Chị Tư lại phone anh Dũng. Anh Dũng bỗng nhẹ giọng lại, khuyên chúng tôi hãy đi về đi: Anh thấy vong hồn của em tôi không muốn bị dời chổ ở nữa.!

Trời buông sập tối nhanh một cách kỳ lạ. Má tôi và chúng tôi cầu nguyện lần cuối rồi ra về. Chúng tôi cho những người đào đất tiền, trả cho những người chạy xe gắn máy tiền. Tôi đã cẩn thận chia tiền ra làm nhiều túi quần. Sau này, những người biết rành về anh Dũng đã nói, chúng tôi đi về mà chưa lấy được di cốt của em tôi là một chuyện ít thấy khi anh Dũng đã đoán đúng hết các sự việc nhỏ nhặt xãy ra trước đó.

Trên xe hơi đi về, chúng tôi giở tờ giấy ghi chú ra xem, chợt thấy còn tên một người mà chúng tôi chưa gặp trên đường đi. Đó là tên Tùng! Chúng tôi bàn với nhau:

- Chắc Tùng là tên của vợ anh Tâm đó mà mình đã quên không hỏi chị ấy...

Tony chợt lên tiếng:

- Em tên Tùng đây nè bác và các chị. Tên thật của em là Tùng đó mà!

Tôi không thể nào ngờ được mọi sự việc lại kỳ quặc như thế! Chúng tôi về đến SG trời đã tối lắm. Dùng cơm tối ở nhà hàng, rồi về lại khách sạn, mở lại cái video xem lại lúc quay phim, nhất là lúc các thanh niên đang trần trùng trục đào bới, tôi chợt thấy đám mây trên trời đang xanh biếc lúc ấy, bỗng dưng tối sầm lại như có một cái màn cửa màu xám đen đang cố kéo lại che mắt của mọi người. Tôi rewind tới, lui. Sao mây đen kia lạ lùng thế? Trời bỗng đổi màu xanh biếc qua màu xám xịt chỉ trong có tíc-tắc...

Anh chị Tâm phone cho chúng tôi vài hôm sau. Anh bảo chúng tôi hãy trở lại lần nữa đi, mà ngủ đêm ở nhà anh chị trước một ngày, rồi qua bên cửa Cần Giờ sáng sớm hôm sau để có nhiều thì giờ hơn. Nhưng, chị Hai tôi quyết định sẽ không đi lấy cốt của em nữa, vì tối hôm đi tìm cốt Út về, chị lần đầu tiên trong cuộc đời, đã nằm mơ thấy em đứng ở đầu giường, mĩm cười thật tươi với chị như hài lòng với quyết định của chúng tôi. Tôi buốt cả lòng, tôi chưa bao giờ chiêm bao thấy được anh H...

....Anh hãy về đây trong giấc ngủ em mong
Mơ thấy anh trìu mến nắn mấy tơ hồng
Ngày anh đi tóc em còn xanh như ngọc
Đợi mỏi mòn nên đã hoá vạn xiềng gông...

Em tôi và anh H đã không cùng với chúng tôi sống và hưởng thụ một cuộc sống tự do đầy màu sắc ở trần gian, nhưng chắc em cùng anh H đang vui và rất toại nguyện ở một thế giới nào đó. Nơi ấy, chắc chắn là thiên đường, không có áp bức, không có hơn thua, không có bom đạn, không ai... cứu xét lý lịch. Và chắc em cũng đang nắm tay ba của tôi, nắm tay anh H. nhìn thấu lòng thương nhớ của tôi đối với hai anh em...

Kim Chi

Ý kiến bạn đọc
25/01/201716:26:46
Khách
Những ngày đầu cắp sách đến trường, tớ đã thích bạn, ngày nào bạn cũng được bố đưa đón thật sung sướng. Vào trung học mình ngồi cạnh nhau, ngày nào mình cũng ké xe đạp của bạn khi tan trường, rồi học đàn, đàn cho nhau nghe.... Rồi bạn ra đi mãi mãi... Tao vẫn luôn cảm thấy thiếu mầy trong cuộc đời tao.... Tao thương và nhớ mầy lắm Trị ơi....
22/06/201601:57:50
Khách
Nội quy bài thì của Việt Báo là: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay."
Nhưng sao tôi chẳng thấy "kinh nghiệm" nào của tác giả ở Mỹ cả! Chỉ thấy toàn chuyện mê tín! Hai ngàn lính Mỹ mất tích chắc nghe tin này vui lắm! Hàng triệu đồng bào vượt biển vượt biên mất tích hoặc mất xác trong các trại tù tập trung chắc trứng số lớn! Mà bài này trúng giải cũng lạ à nha bà con!
19/06/201612:53:33
Khách
Em xin chúc mừng chị Kim Chi nhận giải thưởng vào chung kết của bài này. Bài viết này cảm dộng và huyền hoặc quá, nhưng em tin là có thật. Em trai và bạn trai của chị giờ này đã yên nghĩ ở cõi Vĩnh hằng rồi, chị đừng đau lòng nữa mà làm gì... Bài viết rất hay, rất thật, em đọc đi đọc lại cả chục lần rồi, muốn thuộc luôn. Nhưng, em không hiễu tại sao anh bạn và em của chị lại không chịu quay về nhà khi biết con tàu bị khẳm như thế? Thiệt là ông trời không công bằng mà. .. Em đọc bài nào của chị viết cũng hay quá. Hay nhất là bài Những con trùn... Theo em thấy bài viết đó mới là bài hay nhất của chị mà em được đọc. Câu văn của chị đơn giản nhưng thật sâu sắc, làm người đọc phải suy gẫm nhiều. Em rất thích... Mong đọc bài mới của chị nữa nha...
05/06/201613:41:42
Khách
Nếu "đức Chúa Trời huyền nhiệm lạ lùng" tại sao phải nhờ một nhà ngoại cảm tìm mộ và người này về sau đi tu theo Phật giáo?
Nếu" Đấng tạo ra thế giới này" và con người tại sao Đấng lại cho hai anh em chết còn những người khác trong gia đình còn sống? Nếu giải thích vì họ có niềm tin, họ đâu phải là người có lòng tin Chúa?
Chúa "tề trị mọi huyền nhiệm trên hết muôn loài muôn vật" nhưng vô hình và dửng dưng trước những đau khổ của con người phải nhờ đến nhà ngoại cảm.
Nhà ngoại cảm giúp gia đình này không lấy thù lao và chỉ dẫn chính xác.
Hãy dùng lý trí thực tế để thấy vấn đề. Niềm tin không đủ.
22/04/201614:37:45
Khách
Doc bài viêt cua chi KC vê nguoi em và nguoi ban bi mât tich trong cuôc vuot biên, tôi bôi hôi tuong nho lai nam 1977, ba toi và nguoi em trai ut cung di vuot biên và bi mât tich. Da gân 40 nam rôi tôi sông trong ky niêm dau thuong nguoi em trai luc doi chi co 14 tuôi thôi. Tuôi tre chua ra doi và chua duoc sông, vây mà phai chêt dê dôi lây su TU DO. Vây mà tôi thua chi KC nhiêù vi tôi chua hê co y dinh di tim xac em và ba tôi qua nhà ngoai cam. Nhung anh Dung mà chi KC quen biêt gio dây da qui y rôi thi tim nhà ngoai cam nào duoc giông nhu anh Dung dây ? Tôi cung nhu chi KC, nôi dau khô nây se theo tôi dên khi tôi nham mat. Tôi tin rang linh hôn cua nhung nguoi da mât tich dang huong môt cuôc sông hanh phuc bên kia thê gioi cua Thiên Dàng. Chi thuong cho nguoi o lai sông trong nôi mât mat cua nhung nguoi thân yêu. Thành thât cam on chi KC da chia se câu chuyên.
21/04/201601:27:05
Khách
Anh hai tôi ,cấp bậc trung sĩ quân cảnh đồn trú tại Phú Quốc,bị mất tích trên chuyến tàu Tân Hưng từ Rạch Giá qua Phú Quốc đêm 21 tháng 7 năm 1971 . Có ai biết được nhà ngoại cảm nào xin cho tôi biết để tìm xác anh tôi.Cám ơn
19/04/201618:42:57
Khách
Đọc câu chuyện chị kể cảm động quá. Em đọc ba lần rồi vẫn thấy hay và thật buồn. Cái giá phải trả cho tự do quá mắc phải không chị. Cầu chúc chị không còn phải dằn vặt và đau khổ nữa. Em chị và anh H chắc cũng đã đến miền cực lạc rồi chị ơi.
16/04/201607:08:51
Khách
Cám on chi Kim Chi chia sẻ cau chuyện đau thuong này! Có lẽ em của chị đã được hưởng Phước trên cõi Niét Bàn rồi! Oi thân phận biết bao nguòi phải chết oan ức, đau đớn quá!
16/04/201605:39:36
Khách
Chuyện rất hay. Xin cảm ơn và cầu cho vong hồn người quá cố yên nghĩ ở cõi Vĩnh hằng .
15/04/201615:47:05
Khách
Kim Chi xin chân thành cám ơn Nam Lê, Dung Hoa, Trần Đình Đức, HuuDuyen cùng các độc giả đã ghé đọc và chia sẻ nỗi đau buồn của KC.
Dang Hiep và Nguyen:
Cách đây vài năm, chị Tư của KC đi cắt tóc, vô tình nghe một người đàn bà cũng là khách cắt tóc than thở rằng chồng củ của bà bị người vợ bé dùng cái xẻng đập đầu ông chết ở VN. Bà vợ bé này bị bắt, nhưng không thể chỉ được nơi bà chôn cái xác ở đâu vì bà ta không nhớ chôn chổ nào trong rừng. Chị Tư có cho số phone của anh Dũng, và thật là huyền hoặc, lạ lùng... Bà về VN, đã theo lời chỉ dẫn của anh D, tìm được xác chồng chôn trong rừng. Khám nghiệm tử thi, đã thấy trên cái sọ, có vết nứt vì đã bị đập bằng vật nặng... Anh Dũng đã qui y mấy năm rồi, anh rất hạn chế việc tìm xác, Anh liên lạc với gia đình của KC chỉ bằng phone thôi. Gia đình KC chưa bao giờ biết mặt của anh và anh cũng không hề lấy bất cứ quà cáp gì của mọi người. Tên thật của anh không phải là Dũng, nhưng câu chuyện KC kể là chuyện thật 100% của gia đình KC. Xin liên lạc với KC bằng email: dnong27@hotmail.com, KC cố gắng giúp các anh chị trong khả năng của KC nhé
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,082,491
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.