Hôm nay,  

Điều Còn Lại Sau 40 Năm

27/02/201500:00:00(Xem: 23669)

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 3420-122880vb6270215

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005 với bài viết "Tháng Tư, Còn Đó Ngậm Ngùi," kể về tình gia đình chung thuỷ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết mới của cô.

* * * * *

Tôi tên là Mai, một người Việt Nam sinh ra ở Mỹ, được nuôi lớn lên bằng văn hóa Việt Nam, thức ăn Việt Nam và bằng sữa của Mỹ. Tôi được Ba Mẹ dạy tiếng Việt cẩn thận, và chỉ nói tiếng Việt ở nhà. Nên khi nghe tôi nói tiếng Việt pha lẫn âm hưởng Quy Nhơn -quê nội- và Biên Hòa -quê ngoại-, ít người biết tôi sinh ra ở California. Hồi nhỏ tôi còn được học tiếng Việt kỹ càng từ bà ngoại, một cô giáo dạy Tiểu học hơn 30 năm, nên không những chỉ nói, tôi còn biết đọc, và biết viết thông thạo. Sau này, ông bà ngoại dọn nhà về Florida, không còn ai ra bài và khảo bài tiếng Việt thường xuyên, khả năng đọc và viết của tôi không còn được như xưa, nhưng vẫn đủ để viết và đọc những chữ bình thường trong đời sống.

Ba Mẹ đặt tên Mai cho tôi vì đó là một cái tên Việt Nam mà tiếng Mỹ (my) và tiếng Việt (mai) đều có cùng một cách phát âm dù ý nghĩa khác xa nhau.

Theo Ba, đó là tên của một loài hoa thanh cao luôn xuất hiện trong phòng khách hay trước hiên nhà của người Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán ở quê nhà, là một biểu tượng của ngày Tết.

Mẹ chọn tên Mai cho tôi vì muốn theo gương ông ngoại đặt tên con không có dấu, càng giản dị càng tốt. Và cũng vì Mẹ có đến hai người bạn thân cùng tên Mai, một là Bạch Mai, và một là Hồng Mai. Đến phiên tôi, Mẹ chọn tên Thanh Mai để có đủ ba sắc trắng, xanh, hồng là những màu Mẹ thích nhất.

Tôi học Sử Mỹ rất có hệ thống từ chương trình ở trường, và học Sử Việt, đặc biệt là giai đoạn 25 năm cuối thế kỷ 20 qua lời Ba Mẹ trong những bữa ăn. Tôi là đứa con đầu tiên của ba mẹ, thằng em trai duy nhất nhỏ hơn tôi 8 tuổi, nên lúc nhỏ tôi không có bạn để chơi, chuyên "hóng chuyện" của Ba Mẹ. Nhờ vậy mà tôi biết được nhiều điều mà các bạn Việt Nam bằng tuổi tôi không biết.

Lớn lên một chút, tôi hay giúp Ba Mẹ "phụ bếp", "chạy bàn" mỗi lần Ba họp bạn cuối tuần ở nhà. Bạn của Ba đa số là lính Hải quân của QLVNCH nên chuyện của họ thường là thời còn mặc áo lính và thời gian khổ khi mới tới quê người không có tiền, không có thân nhân, và không có cả quê hương. Lúc đầu tôi cũng không chú ý, nhưng có một lần, bác T. khóc khi kể chuyện di tản lạc mất vợ con. Lần đó, tôi quên cả "nhiệm vụ waitress" của mình, đứng dựa ở sau bàn trong bếp để ý lắng nghe chuyện gì làm một người đàn ông cao to, cương quyết như Bác T. phải chảy nước mắt ? Không ngờ điều đó giúp tôi được một điểm A extra credit cuối năm lớp tám khi cô giáo dạy Sử cho viết một chuyện thật xảy ra trong đời sống do ảnh hưởng của một giai đoạn lịch sử. Từ đó tôi hay để ý nghe những câu chuyện bên ly cà phê sau bữa ăn tối cuối thứ bảy ở nhà giữa Ba và các bạn của Ba. Những câu chuyện đó nếu chỉ nghe kể mà không thấy nét mặt của người kể chuyện thì không có gì đặc sắc, nhưng khi thấy nước mắt của họ, hay thấy những khuôn mặt buồn hiu hắt, người nghe sẽ nhớ rất lâu, có thể là suốt đời.

* * *

Mẹ đẹp nhất trong các anh chị em, thừa hưởng được cái dáng cao gầy của ông ngoại, và màu mắt nâu hổ phách từ bà ngoại nên được nhiều nam sinh cùng lớp theo đuổi từ năm lớp mười một.

Thời đó, những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, miền Nam Việt Nam mới đổi từ chính thể Cộng hòa qua chính thể Cộng sản trong sự uất ức của khoảng hai mươi triệu người miền Nam, và sự thất vọng của hơn hai mươi triệu đồng bào miền Bắc vì họ cứ ngỡ là miền Nam sẽ giải phóng cho người miền Bắc khỏi cảnh đói nghèo. Mẹ cùng các cậu, các dì lớn lên, mà không có ông ngoại bên cạnh. Ông bị chính quyền VC lừa gạt đi học tập 30 ngày (theo thông báo lúc đầu là 30 ngày). Không ngờ 30 ngày kéo đến hơn 3,650 ngày (10 năm). Bà ngoại ở nhà vẫn tiếp tục đi dạy ở trường Tiểu học ở gần nhà với đồng lương không đủ để nuôi một người, trong lúc bà phải thay ông ngoại nuôi mẹ và các dì các cậu. Nhưng đó là một "thành trì vững chắc" để cả "gia đình ngụy quân" khỏi bị đi kinh tế mới (một nơi rừng núi hoang vu, chưa có dấu chân người), và để giữ được căn nhà từ đường xây nên bằng công sức của hai đời ông cố và ông ngoại.

Biết không thể nào để các con sống trong cảnh bị xếp hạng thứ 14 trong 15 thành phần xấu nhất của chế độ mới, bà ngoại thu xếp đưa các con lần lượt vượt biển tìm tự do và tìm tương lai. Ngày ông ngoại được về nhà, bầy con của ông đã sống rải rác từ Châu Âu qua Châu Mỹ.

Bà ngoại đi dạy từ hồi chưa lấy chồng, nên học trò cũ của bà rất đông. Vào thời điểm tháng 4 năm 1975, học trò cũ lứa đầu tiên của bà ngoại đã đi làm, và cũng đã phải khăn gói đi "học tập cải tạo" như bao "ngụy quân" hoặc "ngụy quyền" khác. Thời đó, học trò từ lớp 1 đến lớp 11 được dạy môn Công dân giáo dục cho nên người ta lớn lên luôn nhớ ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô.

Một trong những người học trò giỏi nhất của bà ngoại tự tử trong tuần đầu tiên của tháng 5 năm 1975 bằng súng của người cha quá cố để lại (ông là sĩ quan quân lực VNCH đã tử trận khoảng vài năm trước biến cố tháng 4/75). Nghe kể lúc đó giữa bao nhiêu bộn bề lo toan của chính thể mới ở miền Nam VN, chính quyền địa phương vẫn không quên cử người đến phạt tiền gia đình người quá cố với "tội chết ngu" ???!!! Trong nỗi đau mất con của mẹ người quá cố, mấy ông đeo băng đỏ đại diện chính quyền địa phương còn đứng trước quan tài, rao giảng "đạo đức cách mạng" như một con két mở miệng nói những điều được dạy mà không hiểu gì hết.

Ngày đưa tang anh, bà ngoại không thể đến tiễn người học trò cũ lần cuối vì biết sẽ không có ai dạy thế, và sẽ bị những con mắt cú vọ của các ông bà lo công tác đảng, đoàn trong trường để ý. Hôm đó, bà ngoại lo ra, không tập trung vào việc dạy dỗ, mắt cứ nhìn ra cửa sổ để khi xe tang anh chạy qua, có thể vẫy tay chào học trò lần cuối.

Lúc nghe kể chuyện này, tôi đang học lớp 12, bằng đúng tuổi anh học trò giỏi của bà ngoại năm xưa, tôi cứ nghĩ nếu người ta phải tự kết liểu đời mình ở tuổi 18 thì hẳn là người ta phải thất vọng, chán đời ghê lắm!

* * *

Tôi sinh ra ở Mỹ khi mà Ba Mẹ còn chân ướt chân ráo ở quê người. Tuần trăng mật của Ba Mẹ nghèo và có cả hạnh phúc lẫn mồ hôi. Ba Mẹ quen nhau ở trại tỵ nạn Pulau Bidong bên Malaysia, lấy nhau ở Mỹ lúc mới đến Mỹ được hơn một năm. Đám cưới nghèo, đơn giản, không có thân nhân, chỉ có bạn bè. Đàng trai kiêm luôn đàng gái là các cựu sĩ quan Hải quân VNCH, bạn trong quân đội của Ba. Lúc đó là năm 1979, cộng đồng Việt Nam tỵ nạn ở Mỹ mới có bốn năm, ai cũng nghèo. Nên đám cưới xong, cái account nhẹ tênh trong ngân hàng của Ba Mẹ không thể nhẹ hơn. Sau này, mỗi lần nhắc lại chuyện đó, các chú, các bác cứ vỗ vai Ba nửa đùa nửa thật:

- Hai vợ chồng mày làm một cái "vow renewal" để tụi tao còn đi mừng bù cho hồi xưa đi dự đám cưới mà không có tiền cho quà cưới.

Ba nhỏ nhẹ trả lời:

- Có cần thiết phải làm party không? Có nhiều cái không cần renew nhưng lúc nào cũng "tương kính như tân". Muốn mừng bù lại thì cứ viết check, "đây" sẽ nhận mà không hề thắc mắc khiếu nại gì hết!

Mẹ bỏ Michigan đầy tuyết trắng qua California nắng ấm vì lấy chồng thì phải theo chồng và vì California vừa ấm, vừa có nhiều đồ ăn Việt Nam. Nhất là mỗi dịp Tết âm lịch, ở một góc California có đủ mai vàng, pháo Tết, bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Nếu trời không lạnh thì ở trong một không gian nhỏ nơi quần tụ đông đảo người Mỹ gốc Việt, tưởng như quê nhà đã được mang theo trọn vẹn bên đời lưu lạc.

Dạo đó, tuần trăng mật của Ba Mẹ không phải là Paris lãng mạn, chẳng phải là Hawaii thơ mộng, mà là xa lộ California Highway 1 với ven bờ Thái Bình Dương chạy dọc California với bờ biển thơ mộng Big Sur Coast. Có những dãy biệt thự vắng vẻ có "ocean view" ở Carmel là nơi vacation của dân nhà giàu, không ai ở, nhưng được maintenance cẩn thận, lúc nào hoa cũng tươi, cỏ cũng xanh. Ba Mẹ đứng chụp hình trước cửa những biệt thự này, mắt nhìn ra biền, buồn xa xăm, nghĩ đến những em bé Việt Nam đi bán cà rem, bán vé số trên các bờ biển quê nhà.

Có một lần ngồi soạn lại những hình cũ để làm một video cho cả nhà, tôi đã tìm thấy những hình của Ba, của Mẹ ốm nhom, ốm nhách, đứng ở bờ biển của trại tỵ nạn. Hình tuần trăng mật của Ba Mẹ thì dù đỡ ốm hơn, nhưng đứng trước biển, mắt Ba Mẹ vẫn không vui dù là vừa cưới nhau. Hình như ở bên kia Thái Bình Dương, nơi Ba Mẹ chào đời, nhiều người, nhất là con nít vẫn còn khổ lắm.

Tuần trăng mật của Ba Mẹ có những giọt mồ hôi vì chiếc xe quá cũ. Ba Mẹ lại thích đi đường dốc lên xuống để có thể ngắm biển vào ngày trăng tròn, nên có những đoạn chiếc Volkswagen già nua cũng dừng lại giữa đường ngắm cảnh như Ba Mẹ nên Mẹ cầm lái, và Ba ra sức đẩy, vổ về chiếc xe lên dốc...cùng đi hưởng tuần trăng mật với minh. Lúc đó, không có nhiều tiền nên thay vì vô những nhà hàng sang trọng, tuần trăng mật của Ba Mẹ được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó: có những đêm uống mật (pha với nước trà) và ngắm trăng mùa hè chiếu sáng ven biển Thái Bình Dương. Tôi đã chào đời từ những ngày tháng như vậy, có màu hồng của hạnh phúc và màu xanh của hy vọng bên những giọt mồ hôi, những ngày đầu cơ cực của Ba Mẹ, như hầu hết người Việt Nam tỵ nạn.

* * *

Nghe kể, có một lần, lúc tôi mới được hơn 3 tuổi, một người bạn thân của Mẹ, của cả gia đình bên ngoại, mới từ trại tỵ nạn qua Mỹ đúng một tuần, từ San Francisco về Los Angeles thăm Mẹ. Hôm đó là một ngày cuối tuần gần giáng sinh, dù bận rộn với đủ thứ công việc cuối năm, nhưng háo hức muốn gặp bạn cũ, người bạn gắn với một thời hạnh phúc của Mẹ ở quê nhà, Ba Mẹ cùng đi đón bạn, bỏ tôi đang ngủ ở nhà một mình. Đón bạn xong, Ba vội vàng quay xe về lại nhà vì sợ tôi thức giấc sẽ khóc thét lên giữa một cái nhà vắng hoe, gợi sự chú ý của hàng xóm và của Child Care Agency thì...nguy to. Rất may là khi mọi người vừa về đến nhà khoảng 10 phút, tôi thức dậy, lò dò đi ra phòng khách nơi mọi người đang ngồi nói chuyện mà không biết là mình vừa bị "home alone" gần một tiếng đồng hồ!

Quà dành cho người bạn mới đến Mỹ của Mẹ là một năm báo Văn, gởi hàng tháng đến tận nhà. Vì Mẹ vẫn còn nhớ những giọt nước mắt của người miền Nam khi "chính quyền cách mạng" tịch thu từng xe sách, không chỉ ở các tiệm sách, mà còn từ nhà dân chúng.

Cứ như vậy, dù không được trực tiếp giới thiệu với những người bạn thân từ ở Việt Nam qua Mỹ của Mẹ, nhưng những tình cờ trong đời sống đưa đẩy tôi tiếp xúc và biết những người bạn thân của Ba, hay của Mẹ. Những người tỵ nạn chính trị thế hệ thứ nhất, mà một phần đời của họ là mẫu số chung của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

* * *

Hồi còn học Tiểu học, ông bà ngoại (qua Mỹ theo diện HO vào năm 1990) đi phỏng vấn trong tiến trình thành Công dân Hoa kỳ. Ba Mẹ phải đi làm, không tìm được babysitter, ông bà ngoại mang theo cả hai chị em chúng tôi đến văn phòng địa phương của Sở Di trú. Lúc đó tôi 9 tuổi, thằng An hơn 12 tháng, còn ngậm pacifier. Đến phiên ông bà ngoại vô phỏng vấn, người ta không cho đem theo con nít. Ông bà đành để chúng tôi ở ngoài, dặn dò tôi coi em cẩn thận, không được đi đâu cho đến khi ông bà trở ra. Tôi tự thấy mình quan trọng, ngồi ngay ngắn lại và cẩn thận nắm chặt tay em đang nằm trong Infant Seat.

Thằng An lúc đó chưa biết nói, hình như cũng biết thương chị, thương ông bà ngoại, dù còn thức nhưng miệng ngậm pacifier, mắt mở tròn, nhìn qua nhìn lại, không khóc la như lúc đói bụng ở nhà. Chỗ đó là văn phòng làm việc của chính phủ liên bang, có security đi qua đi lại nên chị em chúng tôi "coi nhau" an toàn cho đến lúc ông bà ngoại đi ra. "Thành tích giữ em" đó của tôi có được là ở nhà đã được Ba Mẹ dạy giữ em, và khuyến khích tôi:

- Hồi Ba bằng con, ở Quy Nhơn nghèo lắm, con nít năm, sáu tuổi đã phải bồng hay cỏng em mỗi ngày. Nhiều đứa lớn không nỗi vì phải bồng em cả ngày từ lúc chính bản thân mình đi đứng một mình còn chưa vững. Ở đây con coi em, chỉ ngồi bên cạnh em, không phải bồng bế em là sướng lắm rồi.

Những lời quen thuộc mở đầu "Hồi Ba/ Mẹ bằng con, ở Việt Nam..." tôi nghe nhiều lần, vẽ ra trong đầu tôi một đất nước VN chiến tranh lúc Ba Mẹ còn nhỏ, cái gì cũng thiếu thốn. Và vì vậy tôi trân trọng những gì mình đang có, những thứ mà tôi biết, cũng như những người Việt Nam tỵ nạn đến Mỹ với hai bàn tay trắng, Ba Mẹ phải vất vả rất nhiều để thế hệ chúng tôi có được ngày hôm nay.

Đất nước Việt Nam quê cha đất tổ của chúng tôi, mờ ảo với tôi (một người Việt Nam sinh ra ở Mỹ), nhưng là một "trời kỷ niệm" với thế hệ Ba Mẹ, là cả một "nỗi niềm mang theo" của ông ngoại, một cựu Sĩ quan QLVNCH phải chịu hơn 10 năm tù đày của đất nước xã hội chủ nghĩa. Nên càng lớn tuổi, ông ngoại càng buồn và khó tính hơn. Nhiều khi bà ngoại nửa đùa nửa thật với ông mỗi khi ông phàn nàn, bắt bẻ về một chuyện vặt vãnh nào đó:

- Ông ơi, tui chứ không phải là lính của ông trong quân đội hồi xưa mà ông cứ áp dụng nguyên tắc "làm trước khiếu nại sau".

Tôi phải vận dụng hết khả năng của mình trong môn Tâm Lý học để khuyên bà đó chỉ là trạng thái tạm thời của một người lớn tuổi đã bị ức chế tinh thần trong một thời gian dài ngày còn trẻ. Không biết vì thấy tôi có lý hay vì nghĩ đến thời gian khổ trong hơn 10 năm tù đày của ông ngoại trong các trại tù cải tạo của VC từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vô Trung, bà ngoại chỉ bực mình đôi chút, rồi vẫn chìu theo ý ông.

Hình như với thế hệ của ông ngoại, những người đã cầm súng chiến đấu bảo vệ tự do, rồi phải buông súng một cách đột ngột vì vận nước, 40 năm dài đăng đẳng chỉ như một cái chớp mắt, và vết thương thể xác dù lành, nhưng vết sẹo vẫn còn đó, nhắc nhở một vết thương lòng mãi mãi không lành? Phải chi lúc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, chính quyền Bắc Việt đối xử với quân đội miền Nam như người Mỹ đối xử với nhau khi Civil War (1861-1865) chấm dứt thì trong tâm hồn của cả một, hai thế hệ Việt Nam không hề có một vết thương lòng chưa bao giờ lành.

®®®

Mới đây ở năm cuối ngành Dược của UCI, tôi đi làm thêm ở một pharmacy để vừa có kinh nghiệm, vừa có tiền đổ xăng hay sắm những thứ vặt vảnh của con gái mà không phải ngửa tay xin tiền Ba Mẹ.

Như thường lệ, tôi đến nơi làm việc, chỉ kịp bỏ phần ăn trưa của mình vào tủ lạnh, khoác cái áo blouse trắng có gắn bảng tên, check trên computer các yêu cầu refill thuốc online, và bắt đầu đếm thuốc cho vào từng túi giấy nhỏ, có labels với tên thuốc, tên bệnh nhân, và liều lượng uống thuốc mỗi ngày. Công việc này tưởng đơn giản nhưng phải biết nhận ra các viên thuốc nhỏ xíu đủ màu đôi khi rất giống nhau về hình thức nhưng khác xa về thành phần và công dụng. Chỉ có vào buổi trưa khi nhân viên đứng ở quầy giao thuốc được nghỉ ăn trưa, tôi mới phải tiếp xúc với khách hàng, hay gọi điện thoại trực tiếp cho các vị bác sĩ khi không thể nào đọc ra chữ của họ trên các toa thuốc.

Hôm đó, tôi vẫn làm công việc "một ngày như mọi ngày" thì có cảm giác là ai đó đang quan sát mình. Tôi đảo mắt một vòng chung quanh, không có một khuôn mặt nào quen thuộc, ngay cả các khách hàng đến pharmacy nhận thuốc vài lần mỗi tuần.

Tôi tiếp tục làm việc và vẫn có cảm giác "đang bị nhìn", nhưng vẫn không phát hiện ra ai đang nhìn mình. Đến lúc giao thuốc cho một người Việt Nam, sau những giao dịch thông thường chuyên môn của ngành Dược bằng tiếng Mỹ, chú hỏi tôi với tiếng Việt giọng Saigon:

- Có phải má của cháu tên Duyên không?

Tôi ngạc nhiên vô cùng, trả lời bằng giọng Biên Hòa pha Quy Nhơn:

- Thưa phải, chú biết má của cháu?

- Không những biết mà còn học chung lớp với má cháu nữa.

- Chú có thể cho cháu biết tên để cháu về kể cho má cháu.

- Không cần đâu, cháu cứ nói là bạn học cùng lớp 12, thấy cháu giống hệt má cháu hồi xưa nên hỏi thăm vậy thôi.

Ông khách Việt Nam quay ra khỏi cửa, tôi tò mò nhìn vào tên tuổi bệnh nhân mình vừa giao thuốc, đó là một cái tên Việt Nam của đàn bà con gái, độ tuổi cũng khoảng bằng tuổi của Mẹ tôi. Nghĩa là ông khách vừa rời khỏi quầy nhận thuốc cho một bệnh nhân nữ, chắc là vợ của ông ta.

Tối đó, về nhà tôi kể cho Mẹ nghe tường tận chi tiết về người bạn cùng lớp thời Trung học của Mẹ. Tưởng là Mẹ sẽ ngạc nhiên, sẽ cố đoán tên người bạn cũ, nhưng thật không ngờ, Mẹ cười mỉm chi:

- Mẹ biết chú đó là ai rồi! Lần sau nếu có gặp chú đi refill thuốc, con nhắn chú là Mẹ con hỏi chú còn nhớ mấy phương trình Lượng giác không?

Tôi vừa rời Trung học chỉ vài năm, nếu tình cờ gặp một người bạn cùng lớp 12 ngoài đường, nếu không thân chắc cũng không nhớ tên. Vậy mà tình bạn thời thơ dại của Mẹ vẫn còn nguyên sau bao nhiêu năm tháng.

* * *

Ba Mẹ luôn luôn giữ truyền thống Việt Nam ở nhà, giúp chị em chúng tôi sống dung hòa được với cả hai nền văn hóa Việt và Mỹ. Không còn nhớ từ lúc nào, Ba Mẹ đã đưa chúng tôi đi chợ Tết hàng năm của người Việt ở miền Nam California với áo dài Việt Nam. Lâu dần trở thành một thói quen không thể thiếu của cả gia đình. Hồi nhỏ là vì có được những tờ tiền mới, được tha hồ ăn nhiều món ngon ở chợ Tết. Ngày Tết,giữ một truyền thống từ xa xưa, Ba Mẹ thường không từ chối những yêu cầu của hai chị em. Lớn lên, tôi có cảm giác tà áo dài Việt Nam làm có nhiều nữ tính hơn, dịu dàng, và... giống Mẹ hơn. Từ thương Mẹ, tôi thuơng luôn áo dài Việt Nam từ lúc nào không biết! Tôi thích mặc áo dài đi chợ Tết của người Việt lưu vong ở Little Saigon, Orange County mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Cầm cái bánh chưng vuông vức làm bằng nếp pha lá dứa với nhân đậu xanh, hay nhân thịt bên trong, chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của ông Hoàng Tử Tiết Liêu hiền lành làm món ăn có ý nghĩa cho vua cha nhân ngày Tết. Thấy trái dưa hấu bày bán ở chợ Mỹ quanh năm, chúng tôi nhớ đến chuyện ông Hoàng Tử An Tiêm bị lưu đày, vẫn sống được bằng sự cần cù như bao nhiêu người nông dân bình thường khác.

Ngược lại, chúng tôi cũng ăn món bắp cải màu xanh, mặc áo xanh lá cây vào ngày St, Patrick của người Mỹ gốc Irish; và đón lễ độc lập của Hoa kỳ bằng lòng tự hào như một người bản xứ. Hai nền văn hóa Việt Mỹ lúc nào cũng sống đoàn kết, hòa thuận trong tôi.

Tôi tin chắc chắn là truyền thống Việt Nam của người Việt tha hương (nhất là những nơi có đông người sống quần tụ) ở khắp nơi trên thế giới vẫn được gìn giữ đến thế hệ thứ tư dù nhiều khi lúc đó cũng như cả triệu người Việt Nam khác, chúng tôi vẫn phải sống đời lưu vong.

Mỗi lần đến Tết, như cây cỏ đâm chồi nẩy lộc hồi sinh sau mùa Đông lạnh giá, hy vọng của mọi người lại dâng cao. Ông ngoại, một cựu Sĩ quan QLVNCH mong ngày xuôi tay nhắm mắt được gởi thân ở quê nhà tự do dân chủ. Mẹ, thế hệ tỵ nạn đầu tiên, mong được về dạy Công dân giáo dục và "Tâm hồn cao thượng" cho học sinh ở Việt Nam. Thế hệ của chúng tôi mong các bạn trẻ ở trong nước biết học hỏi cách làm việc của người Mỹ thay vì chỉ nhiễm một số thói hư tật xấu của người Tây phương.

Mong vô cùng người ta nhớ là tiền chưa khi nào, và sẽ không bao giờ mua được hạnh phúc. Đất nước phát triển nhờ các nhà máy sản xuất, nhờ trình độ dân trí. Chưa một đất nước nào phát triển nhờ những quán cà phê, và những khu du lịch ăn chơi. Hy vọng làm chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống. Rồi sẽ có một ngày hy vọng thành sự thật. Phải tin như thế để sống, để nhìn ngày quê cha đất tổ được hồi sinh.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Ý kiến bạn đọc
18/01/201916:41:52
Khách
Sao Nam Trần Ngọc Bình
Chào Cô Diệu Hương
Đọc truyện Cô viết về gia đình Cô chú tưởng như cháu viết về chú.
Người Miền Nam mình ngây thơ quá cứ tưởng ai cũng chân thật nói 1 là 1 nói 2 là 2 Ai dè CS không phải là người Phạm văn Đồng khi về thăm quê ỏ Quảng Ngãi lúc được dân chúng hỏi về tù cải tạo y trả lời:
“Ta cho chúng ăn đói và bắt chúng lao động đạt chỉ tiêu. (để chúng chết dần chết mòn vì đói)
Chú cũng phải gỡ hơn 10 cuốn lịch như ông ngoại của cháu.
Đọc xong câu truyện thì cứ ngẩn người ra mà không hiểu tại sao mình sống sót trong cái trại “tù cải tạo”
Thăm cháu và gia đình thân tâm thường an lạc.
Mến
01/03/201502:13:41
Khách
Thưa Cô BX:

"Đồ cổ" xin được "Một duyên hai nợ âu đành phận, Năm nắng mười sương dám quản công" với mục VVNM đúng không thưa Cô?
Ước mong mình có đủ đồ cổ để lập được một bảo tàng viện của "người ... đọc qua truyện ta có nhớ gì không người? "

Kính mong Cô luôn "chân cứng đá mềm".

NTDH
01/03/201502:03:50
Khách
Thưa độc giả Đức Nguyễn:
Xin cảm ơn anh/chị đã đọc rất kỹ một chuyện khá dài và góp ý chân thành.

Xin lỗi là đã sai tên trường . Trần Thanh Mai, nhân vật chính trong chuyện học Dược ở USC (Private University of Southern CA ) chứ không phải UCI (University of California @ Irvine , a public school).

Sẽ cố gắng viết có trách nhiệm hơn để không sai sót nữa.
DH
28/02/201503:50:57
Khách
Đọc chuyện của "đồ cổ hiếm quí" thấy rất gần và như thấy cả tấm lòng của tác giả.
Cảm ơn Nguyễn Trần Diệu Hương thân quí.
TNBX
28/02/201500:44:28
Khách
Bài viết rất hay. Xin cám ơn tác giả. Chỉ xin hỏi tác giả một điều: Theo tôi biết thì trường UCI (University of California, Irvine) chưa có ngành dược. Xin tác giả giải thích giùm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,418
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.