Hôm nay,  

Xuân Về Nơi Phật Tự

11/01/201400:00:00(Xem: 14997)
Tác giả: Thạnh Hoà
Bài số 4111-14-29511vb7011113


Thạnh Hoà là bút hiệu mới của một tác giả từng có bài tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Sau đây là bài đầu tiên khai trương bút hiệu mới của ông.

* * *

Tháng 4/75, Quân cùng đồng-đội đang phục-vụ trên một chiến-hạm của VNCH tại vùng biển VN để yểm-trợ cho một đơn-vị bạn đang hành-quân thì có lệnh cho tàu đổi hướng ra khơi nên không ai có cơ-hội vào đất liền để từ-giả gia-đình! Khi tới Phi-Luật-Tân thì mọi quân-nhân đều trở thành người dân tỵ-nạn. Sau đó họ được đưa qua trại tỵ-nạn ở Mỹ, tạm trú một thời-gian, cuối cùng, họ được những người Mỹ hảo-tâm bảo-lãnh ra khỏi trại và xây-dựng cuộc đời mới.

Quân được ông John, chủ trại nuôi bò, bảo-lãnh và nhận anh về làm việc cho ông.

Trại bò nằm gần bên xa lộ I-5 ở vùng Lodi, thuộc miền Bắc California, cách thủ-phủ Sacramento chừng một giờ lái xe. Công việc của anh lúc đầu là lo cho bò ăn uống và làm vệ-sinh nông trại. Lần lần quen việc, anh được giao cho việc thu-hoạch sửa bò.

Quân năm ấy đã 30 tuổi. Ở đây chỉ có mình anh là người Việt-Nam, anh biết tiếng Anh nhưng không giỏi lắm. Nhờ mỗi ngày dùng toàn tiếng Anh cộng với sự siêng-năng học-hỏi nên trình-độ Anh-Văn của anh rất mau tiến-bộ. Mới vô, anh được trả lương căn-bản và được cho ăn ở gần bên nông trại. Ông chủ rất hài-lòng vì anh làm việc rất cần-mẫn và công-việc được hoàn-tất chu-đáo nên sau vài tháng thì anh được tăng lương

Suốt sáu tháng trời sống ở nơi đồng khô cỏ cháy, anh chỉ được chở đi tới những thành-phố chung-quanh mỗi tháng một hai lần để mua sắm những thứ cần-thiết, anh chỉ quen biết vài người Mỹ, Mễ làm chung và mấy trăm con bò trong trại. Anh ăn đồ ăn của Mỹ, Mễ ngán đến tận cổ! Anh thèm được ăn một chén cơm trắng, thèm chút nước mắm, thèm miếng cá khô v.v… mà không biết kiếm đâu ra! Mỗi ngày nhìn thấy xe chạy trên xa lộ anh ước-ao có một xe nào đó có người VN chạy vào nông trại để anh được nói chuyện bằng tiếng VN... biết bao là điều mơ-ước, một điều ao-ước quan-trọng nhứt là được gặp lại vợ con nhưng nó quá xa vời! Anh rất đau lòng vì phải bỏ vợ và hai con ở lại VN, nỗi nhớ niềm thương làm cho anh vô cùng đau khổ!

Tới tháng thứ bảy thì Quân có được người bạn mới là Jim, thỉnh-thoảng Jim chở anh đi ăn ở thành-phố bé nhỏ nầy và giúp anh đi chợ mua đồ ăn tươi để về anh tự nấu vài món ăn VN. Jim cũng giúp cho anh thi lấy được bằng lái xe và anh mua được một xe Toyota cũ để có dịp đi đây đi đó..

Những khi rỗi-rảnh anh lo học tiếng Anh và trồng-trọt rau cải xung quanh nhà. Với phân bò sẳn có, rau cải lên rất tốt, anh ăn không hết. Nhờ có chiếc xe, anh lần-lần lái đi đến các thành-phố lân-cận rồi đi đến Stockton. Anh nghe Jim nói Sacramento là thủ-phủ của California và có nhiều người Á Châu, anh nghĩ nơi đây có nhiều người VN nên mua bản đồ coi và lái xe đến đó.

Khi vào một chợ Mỹ khá lớn, anh đẩy xe đi tìm đồ ăn thì gặp hai ông bà người Á Châu khoảng trên 50 tuổi cũng đi chợ như anh. Anh liền hỏi bằng tiếng Việt:

- Thưa Bác! Bác có phải là người VN không Bác?

Ông cụ vui-vẻ trả lời: - Phải! Bác là người VN. Cháu qua Mỹ lâu chưa ?

- Dạ được hơn bảy tháng.

Ở nơi xứ lạ quê người Quân rất thèm nghe tiếng Việt-Nam, nay gặp được người VN anh mừng như gặp được bà con ruột thịt. Riêng hai Bác VN, Bác Thái, gặp được đồng-hương nên cũng rất vui mừng. Ba Bác cháu nói chuyện với nhau rất là tương-đắc. Bác Thái hỏi thăm về gia-cảnh của Quân, anh kễ cho hai Bác nghe. Hai Bác rất tội-nghiệp anh và mời anh về nhà chơi, nơi đây anh gặp được vợ chồng người con trai của hai Bác là anh chị Hiền cùng 2 con nhỏ.

Gia-đình nầy có phước quá nên được sum-vầy. Còn gia-đình anh thì chia ly mỗi người một ngã! Không biết đến chừng nào mới được gặp nhau! Bác Thái mời anh ăn bửa cơm trưa với cá kho tộ và canh chua gà nấu với cải bắp. Ðây là món mà anh ưa thích, anh ăn mà nghe nó ngon từng tế-bào của cái lưỡi. Anh rất cảm động nói với Bác Thái:

- Từ hôm sống ở Mỹ tới giờ, đây là bữa ăn ngon nhứt của con, con vô cùng cám ơn gia-đình Bác đã cho con ăn một bửa cơm ngon quá là ngon.

- Có gì đâu con, Bác thấy con rất hợp với Bác nên Bác thương như con cháu, khi nào có lên đây nhớ ghé nhà Bác chơi. Ở vùng nầy không có nhiều người Việt, Bác chỉ quen có vài gia-đình mà thôi!

Sau lần tới Sacramento, Quân dọ-dẫm xin việc làm ở đây, nhưng vì không có nhiều hảng xưởng nên đã hơn ba tháng rồi mà anh chưa tìm được việc làm!

Có một lần khi Quân tới chơi với anh Hiền thì Hiền hỏi:

- Anh Quân! Anh xin việc ở đây không được, anh có ý định đi San Jose sống không?

- Tôi chưa biết San Jose, anh biết ở đó có đông người Việt không và có dễ sống không?

- Tôi không biết nhiều! Tôi mới liên-lạc được với người bạn ở dưới đó. Nếu anh muốn, tôi gọi nó cho anh nói chuyện.

Quân đồng ý và Hiền liền gọi cho Kiên ở San Jose.

Hiền nói chuyện với Kiên và giới-thiệu Quân với Kiên rồi đưa máy cho Quân nói chuyện.

Sau khi nói chuyện với Kiên, Quân vui-vẻ nói với Hiền:

- Anh Kiên cho tôi biết, ở San Jose rất đông người Việt và nhiều hảng xưởng lắm, nếu mình đi xin nhiều chỗ thì sẽ có được việc làm. Tôi thấy cứ đeo theo nông trại làm nghề chăn bò thì buồn quá và tương-lai cũng không khá được. Làm hảng thì tương-lai chắc-chắc sẽ tốt hơn, Kiên kêu tôi xuống nhà ảnh ở tạm, chừng nào có việc sẽ tính sau, tôi sẽ làm cho nông trại một tháng nữa rồi đi San Jose ở..

*

Quân tới San Jose vào sáng thứ bảy nên Kiên có ở nhà. Kiên với hai người bạn là Hùng và Tính cùng mướn căn appartment hai phòng. Phòng của Kiên chỉ có một người nên Quân vào ở chung với Kiên.

Cả ba người nầy đều nhỏ tuổi hơn Quân và chưa ai có chiếc xe nào hết. Nhờ chợ ở gần nên họ đi bộ qua mua, còn đi làm thì làm chung một hảng, có bạn đưa rước. Nay có thêm Quân và có được chiếc xe nên họ rất mừng.

Chiều bửa đó Quân chở Kiên tới nhà anh Hưng để nhờ anh giúp làm giấy tờ đi xin việc làm. Hưng giỏi tiếng Anh và hay giúp-đở người Việt mình. Thứ ba tuần sau, anh xin nghỉ một buổi để giúp Quân đi nộp đơn ở các hảng.

Quân may mắn được nhận làm chung hảng với Kiên, Hùng và Tính, nhờ anh biết tiếng Anh nên việc học nghề không có gì trở ngại, anh lại là người khéo tay nên dù vô làm mới hai tháng nhưng món đồ anh làm không thua những bạn làm ở đây trước anh.

Sống ở San Jose được vài tháng thì cuộc sống của anh đã ổn-định, có nhiều thì giờ rảnh-rổi. Càng rảnh-rổi anh càng nhớ vợ con nhiều hơn. Anh hỏi thăm nhiều người nhưng vẫn không có tin-tức gì về vợ con anh cả! Anh biết chắc-chắn là vợ con anh không còn ở chỗ cũ nữa!

Để lấp khoảng trống thời-gian rảnh-rổi, anh đi làm việc thiện-nguyện giúp-đỡ đồng hương và ghi danh đi học để lấy bằng chuyên môn.

Ba năm sau anh đã lấy được bằng Technician, được hảng đổi chỗ làm, được lãnh lương cao hơn và anh ghi danh học tiếp.

Một buổi tối, khi bốn người đang coi TV thì có người kêu cửa. Kiên vừa mở cửa thì thằng Hiển vừa khóc vừa nói:

- Chú Kiên ơi! Má con bịnh nặng lắm! Con kêu hoài mà Má con không lên tiếng, chú giúp giùm Má con đi chú!

Thằng Hiến, 8 tuổi, là con của cô Liên. Nhà chỉ có hai mẹ con, mướn căn appartment hai phòng cũng trong khu nầy. Liên lớn tuổi hơn Kiên, Hùng và Tính nhưng nhỏ hơn Quân.

Thấy hai người cùng là trai đơn gái chiếc, ba người nầy thường “cáp đôi” Liên với Quân nhưng anh đối xử với Liên bình thường như những người khác.

Trước 75, chồng Liên là quân-nhân nhảy dù. Anh kêu Liên dẩn thằng Hiến rời VN trước rồi anh sẽ đi sau. Nhưng sau đó thì không có tin-tức gì về anh nữa!

Nghe Liên bịnh, mọi người liền ngó sang Quân vì anh có xe và là “chim đầu đàn”. Anh nói với Kiên:

- Chú mầy đi với anh qua coi cô Liên ra sao.

Thấy trán Liên nóng quá và cô nằm mê-man. Quân kêu Kiên lấy khăn thấm nước lạnh lau mặt cho cô. Phần anh thì gọi cho bác-sĩ. Bác-sĩ kêu anh chở cô Liên vô nhà thương ở gần đó.

Hai ngày sau, Liên được xuất viện về nhà nhưng cô rất yếu-ớt. Quân và các bạn phải lo chăm-sóc cho Liên. Khi Liên hết bệnh, hai nhà tới lui với nhau thường hơn. Cả Quân và Liên đều cô-đơn lại sống nơi xứ lạ quê người, nên hai người càng ngày càng thân-thiết và sau đó không tránh khỏi việc “lửa ở gần rơm”. Hai người cùng đồng-ý mướn nhà sống chung để nương-tựa với nhau, hai người cũng thỏa-thuận là nếu chồng Liên hoặc vợ Quân qua Mỹ thì hai người sẽ chia tay.

Sau sáu năm vừa đi học vừa đi làm, Quân đã lấy được mảnh bằng tốt-nghiệp Đại-Học. Hiện giờ anh là một kỹ-sư sáng giá của một hảng lớn ở San Jose.

Liên cũng lấy được bằng Đại-học hai năm và cũng đang đi làm. Cuộc sống êm đềm của ba người, cho đến một ngày kia, Liên được người quen từ trại tỵ nạn mới qua Mỹ cho hay: Quang, chồng của Liên, được ra tù và đã đi vượt biên tới được Thái-Lan. Liên mừng lắm nhưng cũng buồn vì nàng đã không chung-thủy với chồng trong mấy năm qua! Từ đó tính tình của nàng thay-đổi.

Quân cũng gặp được một người quen ở chung xóm hồi trước cho hay: Quyên, vợ anh, cùng con gái là Vân và con trai là Thanh bị đuổi ra khỏi nhà trong căn-cứ Hải-Quân và có ai đó rủ đi về sống ở Bến-Tre. Nghe được tin nầy, hy-vọng được gặp lại vợ con trong lòng anh bùng lên mãnh-liệt, anh tạo một căn nhà khang-trang rộng-rãi để chuẩn bị đón vợ con qua Mỹ. Những thì giờ rảnh-rổi, anh dành hết cho việc tìm kiếm vợ con.

Vì mỗi người đều có tâm-sự riêng tư nên cuộc sống chung của Quân và Liên không còn hạnh-phúc nữa! Hai người cùng tỏ thật lòng mình và đồng ý chia tay! Liên rời khỏi San Jose và về sống ở miền Nam California.

Khi VN đổi mới, có nhiều người qua lại VN, Quân mới dám về VN, xuống tới Bến-Tre bốn lần và đã nhờ các cơ-quan truyền-thông giúp-đở nhưng vẫn không có manh-mối gì về vợ con hết! Anh buồn quá bỏ bớt chuyện đời, thường đến chùa để tụng kinh và làm công-quả.

*

Thanh Landon nhìn mảnh bằng Ðại-Học mà em được lãnh hồi trưa nầy! Sau bao năm đèn sách em đã trở thành một kỹ-sư với một cuộc sống sáng-sủa ở tương-lai. Nếu Ba Mẹ ruột em có mặt trong lễ tốt-nghiệp nầy thì hai người mừng lắm! Nhưng buồn là em đã bặt tin cha mẹ của em mười mấy năm nay. Em nhớ Ba Mẹ và chị vô cùng nên ngồi mơ-màng nhớ tới những việc đã qua …

Năm 1975, Ba của Thanh không có ở nhà. Mẹ, chị Vân và Thanh bị đuổi ra khỏi nhà trong căn-cứ Hải-Quân. Nhờ có người quen rủ về định-cư ở Xã X, thuộc tỉnh Kiến-Hòa, sau nầy đổi lại thành Tỉnh Bến-Tre. Cuộc sống vô cùng khó-khăn, bửa đói bửa no. Lúc đó em được hơn 10 tuổi, em phải bỏ học, đi kiếm từng cọng rau, con cá để phụ với Mẹ và chị. Một đêm nọ, trời tối đen như mực, em đi thăm lưới ở mé sông Cửa Ðại, vừa lên bờ thì thấy có một số người đi về hướng chiếc đò máy lớn đang đậu ở mé sông. Có ba người tới bắt em đem lên đò máy. Em phản đối quyết liệt thì bị đánh vô càm làm em bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, em thấy có rất nhiều người ngồi xung-quanh em, hỏi ra mới biết họ đi vượt biên, gặp em nên họ bắt em đi theo vì nếu thả em về, sợ em tiết-lộ thì cuộc vượt biên sẽ bị “bể”.

Sau mấy ngày đêm lênh-đênh trên biển cả, đò máy tới được Mã-Lai. Thanh được xếp vào diện vị-thành-niên. Có hai vợ chồng người Mỹ là Ông Bà Landon, ở San Jose, nhận em làm con nuôi và bảo-lãnh em qua Mỹ. Em được đổi thành họ Landon. Em có người chị Mỹ là Jenny lớn hơn em bốn tuổi. Gia-đình nầy thương em như ruột thịt và nuôi em ăn học thành tài. Trước 1975, ông Landon đã từng qua VN phục-vụ nên biết ít nhiều phong-tục VN và nói tiếng Việt rất khá.

Ông Bà Landon muốn cho em giữ phong-tục Việt-Nam nên thường đưa em đến sinh-hoạt ở Chùa Phật, nơi có đông người Việt thường quy-tụ. Do đó hiện giờ em vẫn còn viết và nói tiếng Việt khá trôi-chảy.

Ba Mẹ nuôi của em cũng đã khuyên em viết thơ về VN để tìm gia-đình nhưng trong những lần tới Chùa, em nghe nhiều người nói là: nếu mình ở nước ngoài mà gởi thơ về VN thì người thân mình sẽ bị chánh-quyền địa-phương làm khó dễ, nên em không dám gởi thơ. Khi VN có lệnh đổi mới, em có viết thơ về VN nhưng thơ bị trả lại vì Mẹ và chị không còn ở tại Xã X nữa! Cho tới bây giờ, đã mười mấy năm sống ở Mỹ, em vẫn chưa có tin-tức về gia-đình. Em tự hứa với lòng là phải tìm cho được những người thân-thương ruột thịt của mình.

*

Ông Landon và Thanh xuống phi-trường Tân-Sơn-Nhứt vào buổi trưa nên trời nóng như thiêu đốt. Hai cha con được một hảng du-lịch đón tiếp và đưa về khách-sạn. Sáng hôm sau có tài-xế là Sinh đến rước và đưa về Xã X ở Bến-Tre. Sinh là người Bến-Tre nên chuyến đi không có gì trở-ngại.

Về tới quê, Thanh cảm thấy nôn-nao, xúc-động. Cảnh vật thay đổi rất nhiều làm em thấy xa lạ. Đồng ruộng trước kia giờ đây là vườn cây, nhà cửa. Vườn dừa trước kia nay không còn nữa mà được thay thế bằng một rừng nhản.Thanh phải hỏi thăm người trong xóm mới tới được nhà Dì Tư Xuyến, người ân của gia-đình em, người đã rủ Mẹ em về đây sống và cho Mẹ em miếng đất để cất nhà.

Xe vừa ngừng, Thanh xúc-động quá nên quên Ba nuôi bên cạnh, em bước xuống xe và chạy một hơi vô nhà kêu lớn:

- Dì Tư ơi! Dì Tư! Dì Tư có ở nhà hôn Dì Tư?

Thanh thấy một người con gái đang đi tới trước mặt mình. Thanh hỏi:

- Nhà nầy có phải nhà Dì Tư không cô? Dì Tư có ở nhà không cô? Cô là gì của Dì Tư vậy cô?

Thấy anh hỏi một hơi, cô gái không trả lời mà nghịch-ngợm hỏi lại:

- Anh là ai vậy? Anh ở đâu tới đây vậy? Sao anh biết má tôi vậy? Anh kiếm má tôi chi vậy?

Thanh ngó sững cô gái: đôi mắt, cái miệng, cái răng khểnh... Thanh nhận ra cô và nắm tay cô nói nhanh:

- Hạnh! Em là Hạnh phải hôn? Anh là Thanh, con của Dì Hai Quyên nè!

Hạnh xúc-động nhìn Thanh và mếu-máo:

- Anh Thanh! Em là Hạnh nè! Anh còn sống đây sao?

Cô khóc òa lên làm Thanh cũng khóc theo, Thanh ôm chặt lấy Hạnh, cả hai đầm đìa nước mắt. Qua cơn xúc-động, Hạnh thấy mình đang trong vòng tay của Thanh và thấy nhiều cặp mắt đang nhìn mình, cô thẹn quá vội đẩy nhẹ Thanh ra và hỏi trong màn lệ với vẻ trách-móc:

- Anh bỏ đi đâu mất biệt! Mười mấy năm nay sao anh không về? Lúc anh mất tích, Dì Hai bỏ ăn bỏ ngủ nên Dì bị bệnh xém chết đó!

- Anh đi qua Mỹ! Chuyện dài lắm để lát nữa anh kễ cho em nghe. Mẹ và chi Hai của anh giờ ở đâu em biết không?

- Dì Hai và Chị Vân rời khỏi đây sáu bảy năm rồi! Em nghe nói ở Mỹ-Tho nhưng em không biết nhà, Chị Ba em cũng ở Mỹ-Tho, chắc chỉ biết.

- Em đi Mỹ-Tho với anh nhen? Anh nôn gặp Má anh quá!

- Chắc được, để em hỏi má em.

Vừa lúc đó Dì Tư Xuyến, Mẹ của Hạnh và vợ chồng Hai Thiện, anh và chị dâu của Hạnh, ở ngoài vườn cũng vô tới, mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chòm xóm nghe tin cũng tới thăm chật nhà. Thanh kễ sơ qua về cuộc “vượt biên” của em cho mọi người biết. Mọi người mừng cho em được may-mắn. Ông Landon thấy tình-cảm đậm-đà của người Việt, ông rất vui-mừng và ngưởng-mộ vô cùng.

Hạnh cùng đi với cha con Thanh lên Mỹ-Tho. Khi mướn khách sạn xong, Thanh tính đem hành-lý vô phòng nhưng anh tài-xế khuyên:

- Người đâu của đó em ơi! Không nên bỏ đồ ở đó lúc không có mình!

Mọi người đi tới nhà chị Ba của Hạnh, hỏi thăm đường rồi chạy qua nhà Dì Hai Quyên.

Ông Landon nói: nếu Dì Hai gặp Thanh bất-ngờ, Dì có thể bị xúc-động mà nguy-hiểm đến tính-mạng. Ông dặn-dò Hạnh phải làm sao và phải nói những gì để Dì Hai bớt xúc-động.

Chỉ có một mình Hạnh đi vô nhà. Hai cha con ngồi đợi trong xe, Thanh thấy Mẹ mình thì muốn chạy vô nhà để gặp Mẹ ngay nhưng em ráng kiên-nhẫn ngồi đợi. Bà Hai Quyên nói chuyện với Hạnh mà nước mắt tuôn-tràn. Một lát thì Hạnh ra kêu Thanh vô. Thanh ào vô như một cơn lốc. Hai Mẹ con ôm nhau mà khóc một hồi mới nói chuyện được.

Ông Landon là người cứng-rắn nhưng trước sự sum-họp của hai mẹ con, ông cảm-động quá nên cũng không cầm được nước mắt.

Thanh nhìn lên thấy đôi mắt của cha nuôi đỏ hoe, em mới sực nhớ nảy giờ mình đã bỏ quên ông! Em giới-thiệu Mẹ ruột của mình với ông và giới-thiệu Ông với Mẹ ruột của mình.

Bà Hai Quyên chấp tay đứng trước mặt ông và nói:

- Mẹ con tôi rất đội ơn ông đã nhận thằng Thanh làm con, cùng nuôi dưỡng và lo cho nó ăn học thành-tài. Tôi không biết nói gì hơn là xin ông nhận một lạy này để tỏ lòng biết ơn của tôi.

Nói xong bà quỳ xuống tính lạy làm ông Landon lính-quýnh nói “nô, không, không”

Ông vội đỡ bà dậy và nói:

- Không có chi! Không có chi! Bà đừng làm vậy, nó cũng là con của tôi. Xin Bà đừng bận tâm.

Bà Hai dẩn Thanh lại bàn thờ. Thanh nhìn thấy ảnh của ba mình và ảnh của mình. Em lấy hình của em xuống, thắp hương và khấn lạy Ba em rồi gục đầu xuống mà suối lệ trào tuôn !

Sau đó anh chị Hai của Thanh đi làm vừa về tới. Cuộc tương-phùng làm ai cũng rơi nhiều nước mắt. Một người mà ai cũng nghĩ là đã chết mười mấy năm qua, giờ đây trở về với con người bằng xương bằng thịt thì làm sao tả cho hết được nỗi vui-mừng.

Ông Landon ở lại VN hai tuần, ông cùng gia-đình Bà Hai Quyên và Hạnh đi thăm vài danh-lam thắng cảnh. Ông trở về Mỹ trước, còn Thanh ở lại tới hai tháng mới về Mỹ. Trong thời-gian nầy Thanh và Hạnh rất tâm-đầu ý-hợp. Qua năm sau em về cưới Hạnh và năm sau nữa Hạnh được qua Mỹ.

Sau đó Bà Quyên cũng được qua đoàn-tụ với con, dâu và cháu nội, Thanh đã tạo được căn nhà rộng-rãi và đầy-đủ tiện-nghi. Dù ở riêng nhưng tới cuối tuần là Thanh chở hết gia-đình tới nhà Ba Mẹ nuôi ở chơi đến tối mới về. Ông Bà Landon cũng thường tới nhà Thanh thăm mọi người và nhứt là để nựng thằng cháu nội.

*

Hôm nay là 30 Tết, Thanh đem con qua gởi ở nhà Ba Mẹ nuôi. Thanh chở Mẹ và vợ đi chùa làm công-quả để chuẩn-bị đón Tết vào ngày mai. Bà Hai Quyên và Hạnh phụ với bà con lo việc ở nhà bếp. Thanh thì ra sân phụ với Bác Hai cắt tỉa cây kiểng.

Đến trưa, Bà Hai Quyên ra sân kiếm Thanh. Bà thấy một người đang tỉa kiểng vừa ngó lên, Bà lên tiếng chào:

- Chào ông! Rồi Bà nhìn ngay mặt người đó hỏi với giọng run run:

- Ông đây có phải là...

Người đàn ông cũng ngó chăm-chú vào Bà Quyên, trả lời:

- Tôi là Hai Quân.

Rồi ông mếu-máo kêu lên:

- Quyên! Trời ơi! Quyên đây mà!

Bà Hai Quyên kêu lên trong nước mắt:

- Anh Quân! Anh còn sống đây sao?

Ông Quân kêu lên “Quyên”! Rồi ông bước tới định ôm lấy Bà Quyên.

Dù xúc-động nhưng Bà Quyên vẫn nhớ đây là cảnh Chùa. Bà bước lui ra sau một bước để tránh vòng tay của Ông Quân. Hai người vô cùng xúc động, vừa khóc vừa kễ vắn-tắt cho nhau nghe về cuộc sống đã qua của mình.

Thanh nhìn Ba Má sum-họp, em rất mừng, em không ngờ người mà bấy lâu nay em rất ngưởng-mộ và kính-trọng lại là ba của mình, nước mắt em cứ tuôn rơi. Ðến khi nghe Ba hỏi Mẹ về các con, Thanh mới lên tiếng:

- Ba! Con là thằng Thanh của Ba nè Ba.

Hai cha con ôm chặt lấy nhau. Cùng bày tỏ biết bao nhiêu là niềm thương nỗi nhớ!

Nãy giờ Hạnh đã ra đứng cạnh bên Thanh. Thanh giới-thiệu:

- Thưa Ba! Ðây là vợ con. Hạnh là con của Dì Tư Xuyến ở kế bên nhà mình hồi xưa đó Ba!

Mọi người mừng-rỡ trong cuộc tao-phùng. Sau một hồi tâm-sự, Hai Quân nhìn vợ, nói:

- Anh sẽ bảo-lãnh gia-đình con Vân qua đây để gia-đình mình được hoàn-toàn sum-họp.

Những việc xảy ra nảy giờ không qua khỏi cặp mắt của một người và vài phút sau, mọi người trong chùa đều biết được tin vui nầy !

Vị Sư trụ-trì cùng nhiều Phật tử đi về phía gia-đình Hai Quân. Chấp tay trước ngực, với giọng hiền-từ, Sư chúc mừng:

- Mô Phật! Thầy chúc mừng gia-đình Chú Hai được đoàn-tụ một nhà. Những lời cầu-nguyện của Chú Hai nay đã được đạt-thành như ý nguyện. Xin nguyện-cầu Đức Phật từ-bi độ-trì cho gia-đình Chú Hai luôn luôn được hạnh-phúc.

Mọi người trong gia-đình Hai Quân đều chấp tay kính-cẩn chào Vị Sư trụ-trì và đồng đạo. Hai Quân thưa:

- Mô Phật! Con rất cám ơn Thầy! Chúng con xin đa tạ ơn Thầy đã lập ra ngôi Phật Tự nầy, nhờ ngôi Phật Tự nầy mà cha con chồng vợ chúng con mới có cơ-hội để được gặp nhau và cũng nhờ ơn Thầy mà gia-đình chúng con hưởng được mùa Xuân đoàn-tụ nơi xứ lạ quê người./.

Thạnh Hoà

Ý kiến bạn đọc
22/01/201408:00:00
Khách
That cam dong!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,530
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.