Hôm nay,  

Niềm Vui Ở Quanh Đây

29/11/201300:00:00(Xem: 23364)
Người viết: Nguyên Phương
Bài số 4072-14-29472vb6112913


Với bài viết “Lời Cám Ơn Của Mẹ Tôi”, kể chuyện bà Mẹ 90 tuổi thi đậu Quốc Tịch Mỹ, Nguyên Phương đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007. Tại Việt Nam trước 1975, bà là một dược sĩ. Vượt biển, định cư tại Mỹ từ 1982, bà làm việc trong một cơ quan chính phủ tại Virginia. Sau khi về hưu, Nguyên Phương hiện là cư dân vùng Little Saigon. Bài viết sau đây kể về niềm vui an cư trong một mobile home park tại vùng thủ đô Việt tị nạn.

* * *

Tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên, còn đang chập chờn trong giấc ngủ Uyển với tay tắt alarm đi rồi lại ngủ tiếp. Hôm trước thức khuya nên Uyển uể oải hơn bình thường.

Đồng hồ báo thức không có hiệu quả nhưng Uyển không ngủ yên được, "nửa kia" của Uyển đã lại lay Uyển dậy

- Dậy đi em, muộn rồi.

Lúc đó Uyển mới vùng dậy, vội vàng sửa soạn đi tập thể dục.

"Hai nửa" chào nhau và mỗi người đi một ngả.

Phương pháp ông theo không thích hợp với bà nên ông đi đường ông, bà đi đường bà rồi về kể lại cho nhau nghe những sinh hoạt trong lớp, những thế tập nào minh thấy thích hơp...

Hình như sinh hoạt ở đây bắt đầu từ rất sớm vì khi Uyển ra khỏi nhà thì đã thấy có những người (cụ) đi xe đạp, có những ngừơi đi bộ hoặc một mình hoặc một nhóm.

Mỗi sáng Uyển cùng vài người bạn dậy sớm đi bộ đi tập dưỡng sinh, một công hai việc, vừa được đi bộ, vừa được tập thể dục. Từ ngày dọn đến "nhà mới" Uyển may mắn làm quen được với vài người bạn, họ là những người rất chăm chỉ đi tập, chỗ tập lại xa vừa đủ để có thể đi bộ được.

Với tuổi không còn trẻ nữa, vợ chồng Uyển đã phác hoạ một chương trình sống mới cho thích hợp với tuổi về hưu. Sức khoẻ là trên hết, với tuổi già bệnh tật sẽ kéo đến chỉ nhanh hay chậm mà thôi. Quan niệm của vợ chồng Uyển là còn sức khoẻ thì còn phải tập thể dục, và thường nói với nhau rằng "về hưu mà còn phải dậy sớm hơn đi làm".

Thật vậy, gần sáu giờ sáng là đèn đuốc trong nhà đã sáng choang, nếu ở nhà quê chắc là lúc gà vừa gáy sáng, tuy vậy Uyển thức dậy với một tâm hồn phơi phới để chào đón một ngày mới, để cám ơn đời cho thêm một ngày nữa bình an.

Tuy chưa bao giờ về quê và chỉ biết làng quê qua sách vở nhưng Uyển vẫn thường gọi đùa con đường trong cái mobile home park này là con đường làng, chỉ thiếu tiếng gà gáy, thiếu những căn nhà mái tranh, vách đất mà thôi. Tại nơi đây Uyển không phải nghêu ngao hát “cho tôi đi lại con đường làng”. Sống ở đây nếp sống rất gần với nếp sống ở đồng quê, nhà nào cũng trồng cây, trồng hoa, cây ăn trái, Những giàn bầu, giàn bí, giàn xu xu, giàn hoa tigon mơ màng, những cây nhãn trĩu quả, những cây trúc nho nhỏ xinh xinh trong chậu, những cây mãng cầu, thanh long được trồng nhan nhản trước cửa hoặc bên hông nhà....., những hình ảnh chỉ có ở đồng quê Việt Nam, nơi nhà không có hàng rào, không có những bức tường cao che kín khu vườn của mỗi nhà để bảo vệ sự riêng tư. Nơi đây hình như muôn sự là của chung, nhưng không ai cầm nhầm hoặc tự nhiên xâm nhập vào mảnh vườn nho nhỏ của hàng xóm.

Có những buổi tối vợ chồng Uyển dắt tay nhau đi bộ trên con đường thật bình yên, mảnh vườn nho nhỏ ở trước cửa mỗi nhà với những ngọn đèn solar không đủ để soi chiếu những hoa lá trong đêm nên đã trở thành những bông hoa, trông cũng hay hay. Đi ngược chiều với vợ chồng Uyển cũng có những đôi từng đôi dìu nhau đi với những ngọn đèn nhỏ trong tay để tránh nhau. Danh từ dìu nhau nghe thật lãng mạn nhưng trên thực tế có khi vì hai chân này nương tựa với hai chân kia cho vững hơn.

Con đường vào park, với hoa cỏ ven đường, không có cổng sắt, không cần phải bấm số, không cần phải dùng remote control, nhưng khi qua con đường nhỏ đó mọi sinh hoạt ồn ào được bỏ lại sau lưng, những căn nhà đơn sơ, những tâm hồn mộc mạc của những cư dân đang ở trong tuổi vàng, đã tạo nên cái hồn của park này. Có một bà Mỹ hàng xóm đã nói với Uyển khi Uyển mới dọn đến rằng "nơi đây rất an ninh, nhà không cần phải khoá cửa ". Tình hàng xóm đầy ắp thân thương, không còn sự bon chen, ganh tỵ, so sánh, vì chẳng có gì để so sánh, địa vị, danh vọng, tiền tài …. đã được xếp vào quá khứ. Mọi người đang ngồi chung trên một chuyến tầu để rồi bước xuống một ga cuối cùng của riêng mình. Có những buổi sáng thức dậy, Uyển nhận được một rổ rau, quả mới hái từ trên cây xuống. Những rau, trái này ăn vào mát lịm và ngọt ngào làm sao cho tình hàng xóm.

Uyển liên tưởng tới một câu chuyện trong một bài thuyết giảng về sinh hoạt trong bữa ăn nơi thiên đàng và địa ngục, tại cả hai nơi dân được phát cho những chiếc muỗng (thìa) có cán thật dài, nơi địa ngục xẩy ra hiện tượng cãi vã, tranh nhau thức ăn nhưng không ai ăn được vì cán muỗng quá dài không làm sao tự xúc thức ăn cho vào miệng mình được. Cũng cảnh ấy nơi thiên đường với cả sự trìu mến thân thương, người này đã múc thức ăn và cho vào miệng người kia. Mọi người đều vui vẻ và ăn uống được no nê. Thiên đường là một nơi mà mọi người sống với nhau trong tình thân ái, tôn trọng lẫn nhau với tâm từ, bi hỷ xả.

Vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ, nhớ tới ngày đầu đi tập. Tưởng rằng chỉ thấy toàn bô lão, nhưng không ngờ khoảng ba chục vị thì chỉ có khoảng ba cụ khoảng tám chục tuổi, còn thì cũng không già. Hỏi ra thì toàn là sấp xỉ bẩy mươi. Có lẽ thời nay người ta già chậm (vì chịu khó tập thể dục ! ) có bà nhìn trẻ măng quần áo giặt ủi thẳng tắp, nhìn thật mỹ miều, Uyển không thể tưởng được bà đã bẩy mươi tuổi và đã có chắt, Uyển thường đùa và chấm bà là hoa khôi của lớp.

Những ngày trong tuần không có “thầy” chỉ cùng nhau tập với hướng dẫn viên là những học viên học lâu năm được "thầy" chỉ định. Ngày đầu của Uyển là một chị tập thật đẹp, cách tập của chị thật hài hoà khi thì mềm dẻo như múa, khi thì mạnh mẽ như đang nâng một tảng đá... Uyển liền nhận chị làm "thầy tôi". Những ngày cuối tuần thì có thầy huấn luyện viên thực thụ, thầy còn thật trẻ, cách tập và hướng dẫn thi thật đúng là... thầy. Những cách dơ tay giơ chân, bàn tay xoè ra, nắm lại, thật nhịp nhàng theo từng hơi thở.

Ngoài những buổi học thông thường thỉnh thoảng thầy còn tổ chức đi biển, để những "cụ" học viên được cùng nhau hit gió biển, cùng hàn hUyển tâm sự. Buổi đi biển đầu tiên của Uyến là một sáng sương mù, bờ biển thật đẹp suơng mù và những tia bụi nhỏ của sóng quện vào nhau tạo nên một cảnh quyết rũ, hít từng hơi dài mùi ngai ngái của biển mặn, buồng phổi của Uyển như vừa được rửa sạch.

Truyện trò cùng với những học viên cũ Uyển mới thấy những hiệu quả mà họ đã đạt được, có cụ tám mươi tuổi đã hết bệnh thấp khớp và có thể đứng lên ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và có thể làm vườn mà không biết mệt. Cũng thế một chị kia kể đã có thể ngồi nhổ cỏ cả ngày mà đầu gối không đau. Một chị khác thi vòng eo đang từ quần size tám xuống size hai.

Những thế tập trông thật nhẹ nhàng, có những thế như đang tát nước, mò cua bắt ốc, sàng gạo... Uyển kết luận với chồng "hèn gì người nhà quê họ khoẻ mạnh".

Sau mỗi buổi tập về, Uyển cảm thấy thật khoan khoái, thật vui cho một ngày mới. Uyển thầm cám ơn chính phủ đã nghĩ tới sức khoẻ những người già, đã khuyến khích và giúp đỡ để thành lập những lớp hướng dẫn duỡng sinh cho những người già được có dịp tập tành, chăm lo cho sức khoẻ của mình. Có rất nhiều lớp tập luyện như vậy của nhiều môn phái khác nhau trong thành phố này. Tùy nghi và tùy duyên mà chọn một lớp để theo và có lẽ tùy nghiệp mà sức khỏe mình được gia tăng.

Một ngày trên đường đi tập Uyển bỗng thấy một người đàn ông đang đứng trước thùng rác công cộng, (trong park này có nhiều thùng rác công cộng, một tuần họ đến lấy rác đi hai lần) dáng rất là suy tư, đăm chiêu, Uyển rất ngạc nhiên, không lẽ ông ta đang tìm vần thơ? Uyển ráng đi nhanh, nghểnh cổ nhìn xem có gì khác lạ không, có gì nên thơ không. Uyển không thấy gì lạ cả, thùng rác đậy kín, không có cọng rác nào ở ngoài, một cái walker nằm chơ vơ bên cạnh. Với một tâm hồn nhậy cảm, Uyển cảm thấy tội nghiệp người đàn ông, Uyển liên kết với một chuyện tình lãng mạn, có lẽ người đàn ông goá vợ, sau khi vợ chết, ông ta mang cái walker của vợ đi vứt và đứng lặng nhìn cái walker với một tâm hồn nặng trĩu những kỷ niệm.

Khi về nhà ngồi ăn sáng với chồng, Uyển ngậm ngùi kể lại câu chuyện "như thật" nọ, ông gật gù cũng ra chiều thông cảm. Đến chiều hôm đó trong buổi đi bách bộ Uyển níu tay chồng và thì thào vào tai ông giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện mà Uyển mới kể hồi sáng. Ông phá lên cười và nói nhỏ "em méo mó nghề nghiệp rồi". Những giả thuyết của Uyển về gia cảnh của ông ta hoàn toàn sai, tuy nhiên lý do cho sự trầm ngâm thì Uyển không giải thích được.

Từ ngày về hưu Uyển lấy thú viết làm một phương tiện để giúp cho trí óc phải làm việc nên mỗi lần thấy Uyển ngồi gõ keyboard ông thường trêu Uyển đang làm việc cho Viết Về Nước Mỹ. Uyển nghĩ vì luôn phải nặn óc ra viết nên hình như không có nhà văn nào bị bệnh Alzheimer cả, đó là lý do chính đáng để cho Uyển phải tập viết, để cho ông không cằn nhằn nếu có mải viết mà nồi đậu kho có cháy xém, vỉ thịt nướng có thành than. Ông cười khì khì tha thứ và nói

- Không biết có ngừa được Alzheimer không nhưng anh thấy ngay bây giờ em đã … quên hơi nhiều.

Ngoài việc luyện tập cho có một thân thể khoẻ mạnh là phần tâm linh. Không như những cặp vợ chồng già khác như chim liền cánh như cây liền cành, hình như hai vợ chồng Uyển đang thực tập cách sống một mình nên thể dục cũng như tôn giáo mỗi người đều chọn cho mình một con đường riêng, cùng theo đạo Phật nhưng thắp lên hai ngọn đuốc khác nhau để đi theo (theo lời Phật các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi). Tuy vậy không bao giờ "nửa này" đả kích "nửa kia" mà thưòng chỉ kể cho nhau nghe những cái hay, cái lạ và bổ túc cho nhau những điều đã học hỏi

Xong mọi công việc nhà, chung cũng như riêng là giờ phút riêng tư của " hai nửa", là giờ ngồi vào computer, Uyển hí hoáy viết, học hành và.... thoát tục.

Không còn gì vui hơn là được sống trong một làng quê ngay trên đất Mỹ, ngay tại thủ đô của người Việt tỵ nạn, ngay tại Little Sài Gòn.

Niềm vui như bất tận.

Nguyên Phương

Ý kiến bạn đọc
30/11/201308:00:00
Khách
Chúc mừng tác giả đã phần nào "giác" và "ngộ" giữa cuộc sống vốn nhiều nổi vô thường này. Bài viết nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Xin chúc sức khỏe tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,080,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.