Hôm nay,  

Nghèo

08/11/201300:00:00(Xem: 29277)
Tác giả: Tô Ba Lây
Bài số 4055-14-29455vb6110813


Tác giả là cư dân Nam Cali. Ông cho biết “bút hiệu Tô Ba Lây lấy cảm hứng từ mấy anh du khách vùng trời Tây sang du lịch ở Việt Nam. Không tin, xin nói lái sẽ hiểu.” Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Tào Lao Chuyện Mỹ”, rồi thêm “Những Chiếc Xe Kỷ Niệm”. Sau đây là bài viết thứ ba, vẫn chọn cách kể chuyện bằng đối thoại vui vẻ giữa hai ông già Nam. già Bắc. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

* * *

Bài viết này không liên hệ gì đến những bản nhạc đã được các ca sĩ Mạnh Đình, Mạnh Quỳnh hay Trường Vũ trình diễn. Chỉ đơn thuần để than thở cho những ai cùng một kiếp nghèo…như tác giả.

Miền nam California… Trong một thành phố nghèo… Nhà nào cũng nghèo. Quán cà-phê cũng nghèo. Nghèo đến nỗi các cô quây-trét (waitress) không đủ tiền mua áo quần lành lặn, phải mặc những bộ đồ thừa da, thiếu vải …

Hai ông bạn, già Bắc và già Nam, đang mơ màng trong cõi bồng lai, tiên nữ dập dìu…

Già Bắc (nạt lớn): Ông dòm cái gì mà dòm muốn lọt tròng luôn vậy?... Phải chừa một chút xíu cho người ta… dòm với chứ!

Già Nam (giật nẩy mình): Cái lão nầy… Làm người ta hết hồn! Tưởng là lọt ổ phục kích của “địch” chứ! May nhờ câu sau của ông, tôi mới lấy lại hồn vía…vì nghe giọng đúng là “bạn cùng chiến tuyến”!

Già Bắc (khoái chí): Ha ha! Bây giờ hết dám chối ông không phải là “râu quặp” rồi nhé!

Già Nam (chống chế): Ê, ê! “Râu quặp” đâu phải là “sợ bà” đâu cha nội! Đó là người ta chỉ … “nể bả” thôi!

Già Bắc: Thôi thôi, ông muốn nói sao cũng được. Trong “xóm nghèo” này chỉ có ông và tôi cùng các bậc quân tử khác cũng có lòng từ bi độ lượng như mình thôi, có gì đâu mà ông phải né đạn!

Già Nam (gân cổ cải lại): Tôi đâu có gì mà phải tránh né! Hồi sáng trước khi ra cửa, tôi đã xin được “visa xuất nhập cảnh” đầy đủ rồi mà! Giấy tờ có ghi rõ là “Đi chợ mua cá về nấu canh”. Lúc nào về nhà, tôi sẽ nói: phải chờ 2 tiếng, người ta mới mang cá tươi đến! Áo giáp chống đạn đã trang bị đầy đủ thì còn gì phải sợ nữa chứ!

Già Bắc (xuýt xoa): Thật là bái phục! Tôi phải tôn ông làm sư phụ mới được!

Già Nam (lên mặt): Thì phải chuẩn bị trước, chứ chẳng lẽ khai với bả là tôi đi thăm viếng “người nghèo”! À, nhân nói về chuyện “nghèo”, để tôi kể cho ông nghe vài kỷ niệm về thời kỳ “tả tơi” của tôi…

Hồi mới qua Mỹ, tôi quen được thằng T, nhỏ hơn tụi mình chừng 5 tuổi. Lúc đó, tôi cũng nghèo như mấy cô quây-trét bây giờ. Chỉ có điều khác ở chỗ là tôi thì áo quần cũ nhưng đầy đủ, nghĩa là che kín được cái thân ròm. Còn các cô trong tiệm này thì cũng nghèo nên áo quần tuy mới, mà lại không đủ che thân…(nói đến đây, ngừng lại, nuốt…nước miếng).

Già Bắc (ngắt lời): Thôi ông đừng nhắc đến mấy cổ nữa, làm tôi thèm, ủa quên, làm tôi bị chia trí! Kể tiếp về kỷ niệm của ông đi!

Già Nam: Tôi quen với thằng T trong một lớp ESL, tức là tiếng Anh dạy cho những người mới qua Mỹ mà giỏi như tui đó! Thật ra, nó cũng đâu giàu có gì hơn tôi. Chẳng qua vì nó có người dì qua Mỹ trước từ năm 1975 nên cuộc sống cũng đã ổn định. Vì tình nghĩa nên họ sang lại cho nó một chiếc xe cũ giá $1000, thay vì có thể bán cho người ngoài với giá $4000 (đó là họ nói). Thằng T gom tiền oei-phe (welfare) để dành mấy tháng trời rồi mua chiếc xe đó để đi làm và đi học. Từ lúc quen nó, tôi trở nên “VIP” (nhân vật quan trọng) vì đi đâu, cũng có tài xế đưa đón! (Chỗ này “nổ” một chút cho sướng miệng!) Một bữa nọ, trên đường chở tôi về nhà thì xe nó bị bể bánh. Sau khi tắp vào một bãi đậu xe có một điện thoại công cộng, nó mới định gọi phôn về cầu cứu một ông anh kết nghĩa ở se (share) phòng với nó. Lúc đó, mới tá hõa là cả nó và tôi không có được một xu trong túi! Trong lúc đang bối rối, tôi và nó cứ đi lòng vòng trong bãi đậu xe và…nhìn xuống đất…xem thử có ai làm rớt đồng xu nào không! Cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ, vận may cũng đến với hai đứa tôi: không phải từ mặt đường, mà từ bàn tay của một ông già Mỹ đang đi bộ ngang qua. Sau khi biết là tụi tôi đang “mò kim đáy biển”, ông già nọ cười ha hả, vừa nói “Tụi bây cứ ở đây mà tìm tiền cắc đến mai cũng chưa chắc kiếm cho đủ!”, vừa móc túi cho tụi tôi 25 cents để gọi phone. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một người Mỹ tặng cho tiền mặt.

Già Bắc (gật gù): Chuyện gì đầu tiên thì cũng khó quên lắm!

Già Nam: Chưa chắc! Có nhiều chuyện không phải đầu tiên, mà tôi vẫn nhớ hoài…Vài tháng sau thì tôi mua được một chiếc xe để không cần phải mướn tài xế nữa! (Chỗ này lại tiếp tục “nổ” nữa!) Ông còn nhớ trước đây, tôi có kể với ông về chiếc xe cũ tôi đã mua với giá $750 không? (Ghi chú: Tác giả đã kể trong bài “Những Chiếc Xe Kỷ Niệm” đã từng được đăng trên Việt Báo.) Một bữa kia, trời mưa tầm tã như trút nước từ sáng tới đêm luôn. Sau giờ học buổi tối, người bị ướt lạnh như chuột lột, tôi phóng nhanh ra xe để vọt về nhà. Xe vừa chuyển bánh, tự nhiên, tôi có cảm tưởng như đang có thêm người khác phía sau…

Già Bắc (rú lên): Trời ơi! Coi chừng bị ăn cướp!

Già Nam (lắc đầu): Ăn cướp nào mà thèm “nghía” chiếc xe lắc-xơ-ri (luxury) của tôi! Chưa kể, tôi quay lại ghế sau để nhìn mà chẳng thấy có ai cả!

Già Bắc (sốt ruột): Vậy tại sao ông lại linh cảm có người khác trong xe?

Già Nam: Tại vì tôi nhận thấy chiếc xe chở nặng hơn bình thường. Dù có đạp ga hết cở cũng không vọt nhanh lên được. Đã vậy, thĩnh thoãng tôi còn nghe thấy tiếng động phía sau…

Già Bắc (giọng đứt quảng, hồi hộp): Tiếng động ra sao?

Già Nam: Óc…ách…óc…ách…

Già Bắc (lại rú lên): Thầy bà nó ơi! Vậy là…ma rồi!

Già Nam: Đâu cần ông nhắc, lúc đó tôi đã nghĩ tới “nó” rồi! Chỉ biết cắn răng (cho khỏi run!) và chạy về tới nhà là tôi phóng vô phòng ngủ, trùm mền kín mít đến sáng. Sau khi gọi phôn vô hãng khai bệnh để xin nghỉ một ngày (mà đúng là bệnh thật! Suýt chút nữa là đứng tim luôn!), thấy trời đã sáng tỏ, tôi quyết định ra xe xem thử coi “nó” còn đó không? Nhìn vào băng ghế sau, chẳng có gì lạ; tôi liền mở cốp sau xe ra và…thấy “nó”!


Già Bắc (nhắm mắt, rên rỉ): Một xác chết… máu me đầy mình… đầu lìa khỏi cổ?

Già Nam (lẩm bẫm): Cái lão này coi phim kinh dị nhiều quá, nên tưởng tượng còn phong phú hơn mình nữa! (nạt lớn) Thôi, mở mắt ra đi, ông nội! Làm gì có cái xác nào đâu! Chỉ có nguyên một vũng nước trong cái cốp xe, to đùng như một cái bồn tắm, đến nỗi tôi muốn nhảy vào ngâm luôn cho đở “nực”! Bố khỉ! Làm tối hôm qua, tôi “teo” đến muốn rụng… (không dám nói tiếp!)

Già Bắc (vẫn còn ngơ ngác): Vậy vũng nước ở đâu ra?

Già Nam: Thì từ mấy khe hở do những chỗ mục nát trên xe của tôi nên nước mưa thấm vào chứ còn đâu nữa!

Già Bắc (thở một hơi dài): Vậy mà nãy giờ tôi cứ tưởng ông kể chuyện ma chứ!

Già Nam: Chuyện ma thì để lúc khác tôi kể cho ông nghe… Còn lúc đó, sau khi tìm được nguyên nhân làm cho chiếc xe bị chở nặng, tôi bắt dầu dùng một cái lon để múc nước trong xe ra. Múc một hồi, đã mỏi tay, mà thấy mực nước chẳng vơi được bao nhiêu, tôi mới nghĩ ra một “sáng kiến”. Tôi chạy qua nhà hàng xóm, mượn một cái khoan điện về, rồi đục hai cái lỗ nhỏ ở dưới gầm xe. Vậy là cái cốp cứ từ từ xả bầu tâm sự. Còn tôi thì đứng chắp hai tay sau…bàn tọa mà tự khen mình là… “thông minh”! Còn đang tự hào, đắc chí, chợt tôi ngó ra sau lưng thì thấy thằng H, thằng hàng xóm đã cho tôi mượn cái khoan, cũng đang tò mò đứng nhìn. Đến lúc tôi kể cho nó nghe về thành tích mới làm của mình thì nó bỗng ôm bụng cười bò, làm mình bị tự ái dồn dập!

Tôi mới nạt nó: “Ê! Mày đừng thấy tao nghèo, chạy xe “cùi” mà cười tao nghe mậy!” Thằng H, nhỏ hơn tôi 3 tuổi, vội chống chế: “Anh Nam đừng nóng! Em tức cười là vì nhìn thấy chiếc xe của anh mà em nhớ đến chiếc xe đầu đời của em!” Tôi hỏi: “Bộ xe mày cũng bị đọng nước như xe tao vậy hả?” Nó lắc đầu: “Ngược lại là đằng khác!” Rồi nó kể luôn: “Hồi đó, em mới quen được một con nhỏ. Rủ mãi nó mới chịu đi chơi với em. Vậy mà hôm nó lên xe, ngồi cạnh em, em lại thấy run… Không phải vì em sợ nó, mà vì dưới sàn xe, ngay chỗ con nhỏ để chân là nguyên một cái lỗ to bằng cái rỗ! Em đã lấy miếng cạt-tông đậy lên trên rồi, mà vẫn cứ sợ, mỗi lần xe dằn, chẳng may cái chân nó lọt xuống…”

Già Bắc (nhăn mặt): Chao ôi, sao mấy câu chuyện đau thương của ông toàn dính líu đến xe cộ không vậy? Ông còn kỷ niệm nào khác mà nhẹ nhàng, lãng mạn hơn không?

Già Nam (huênh hoang): Dĩ nhiên là có! Con người “nghệ sĩ hào hoa phong nhã” như tôi thì chắc chắn phải có những kỷ niệm rồ-măn-tịt (romantic) chứ!

Già Bắc (tán dương): Đoạn này coi bộ hấp dẫn nghe!

Già Nam: Năm ấy, tôi với thằng D, một người hàng xóm khác, cùng ra phi trường đón gia đình nó từ Việt Nam qua, do được nó bảo lãnh. Sau khi chào hỏi ba má nó xong, vừa quay qua nhìn thấy em gái của nó là tôi thấy “biển xanh sắp dậy sóng rồi”! Mà đúng như tôi nghĩ: gia đình nó chỉ vừa đặt chân tới hai ba ngày là lúc nào bên nhà nó cũng khách khứa đến nườm nượp; chủ yếu toàn là các ông, các cậu, các anh đến để thăm hỏi… em gái nó! Lúc đầu tôi nghĩ: thôi kệ chuyện nhà người ta, mình cũng chẳng cần để tâm làm gì…Nhưng mà,… hàng xóm sát vách nhau, đi ra đi vô, chẳng lẽ không liếc ngang nhà kia một cái? (Còn “liếc ngang, liếc dọc” để mong ngóng hình bóng ai thì ông đừng bắt tôi phải tự khai ra đây nghe!) Đột nhiên, sau một thời gian, tôi thấy khách đến thăm vắng dần, rồi chẳng ai tới nữa… Cho đến một hôm thì thằng D qua chơi, kể cho tôi nghe là không biết em nó nói gì mà mấy tay kia không còn lui tới đây nữa. Nhưng trước khi ra về, thằng D còn nói một câu mới chết người chứ…

Già Bắc (sốt ruột): Nó nói câu gì? Kể mau đi!

Già Nam: Thằng D kể: “Con em tao nói trong mấy người nó gặp khi qua đây, chỉ có mày là người đàng hoàng có tư cách”!

Già Bắc (buột miệng): Giời ơi, lâu nay tôi cứ tưởng mình đã già nên đôi mắt bị nhòa; bây giờ mới khám phá ra không phải chỉ mắt kém, mà tai mình cũng bị lảng nữa rồi!

Già Nam (nạt): Ông có im không, để cho tôi kể tiếp chứ! Khỏi phải nói cũng biết là tôi như bay bỗng lên chín tầng mây! Kể từ hôm đó, lúc nào rãnh là tôi sẵn sàng làm nghĩa vụ đưa đón “người ta” đi học, đi chợ, đi shopping (nói rõ là “window-shopping”, nghĩa là đứng ngoài tủ kiếng mà ngó thôi nghe!)…Rồi thấy “người ta” than buồn vì không có việc làm, tôi lặn lội vô trong một chợ Việt Nam, xin với ông chủ cho “em gái tôi” một chân bán hàng. Sau khi nàng đã được nhận vào rồi thì mỗi ngày, ngoài giờ đi làm và đi học, tôi còn nhiệm vụ đi đón “em tôi” về nữa. Đời tôi lúc đó tuy bận rộn, nhưng mà lại vui vì … “Tôi nghèo, em cũng chẳng cao sang…” (Chợt dừng lại, hét lớn) Cái lão kia, tại sao tôi đang hát mà lão lại bịt mũi?

Già Bắc (thở dài): Ông ơi, trước đây mắt tôi đã kém sẵn; lúc nãy ông lại làm cho tai tôi bị điếc; bây giờ chỉ còn có cái mũi, không bịt thì nó cũng bị hư luôn sao? Thôi ông làm ơn tạm ngưng chương trình tuyển lựa ca sĩ “American Idol” mà kể tiếp chuyện tình “nghèo và hạnh phúc” của ông đi cho tôi nhờ!

Già Nam (sửa lại): Chữ “nghèo” thì có; chứ chữ kia thì không!

Già Bắc (chưng hững): Ủa! Sao lạ vậy?

Già Nam (hậm hực): Có gì mà lạ! Thì ba tháng sau, “người ta” lên xe hoa lấy ông chủ chợ chứ còn gì nữa!

Già Bắc (suýt nữa văng tục): Đúng là chuyện tình…lãng nhách!

Già Nam chưa kịp nói gì thì chuông điện thoại cầm tay reo lên. Không đợi đến tiếng thứ hai, lão bắt lên, trả lời liền: “Bà hả…Thì tôi đang đợi người nghèo mang cà-phê ra, ủa lộn, ý tôi muốn nói là tôi đang đợi người ta mang cá ra… Bà hỏi quá làm tôi líu cả lưỡi đây này …Biết rồi, khổ lắm, nói mãi... Rồi, xong là tôi về liền…Được rồi…Nhớ rồi…”

Thấy già Nam cúp phôn với bộ mặt chảy dài, già Bắc hỏi liền: “Bên ấy nói gì mà ông cứ “rồi, rồi,…” hoài; mà điệu bộ của ông thì cứ như gà nuốt dây thun vậy?”

Già Nam (ỉu xìu): Bả nói lần sau “đi mua cá” thì nhớ mang theo cặp kính lão; coi chừng bị lầm đồ giả!

Tô Ba Lây

Ý kiến bạn đọc
08/11/201308:00:00
Khách
Đã lâu rồi, mới đọc lại được bài mới của tác giả. Xin cám ơn.
09/11/201308:00:00
Khách
Cali...nghèo như rứa thảo nào ai cũng ham ...nghèo cả. Bởi dzậy mới có "Liên khúc nghèo"... triền miên. Khi
nào Già Bắc, Già Nam đi thăm "người nghèo" để làm việc "từ thiện", nhớ rủ tui đi với nghe !
Lê Thị Mạt
12/11/201308:00:00
Khách
Bài viết vui lắm! Tôi thích nhất là câu cuối: "Coi chừng bị lầm đồ giả!"
25/11/201308:00:00
Khách
Hay tuyệt cú mèo, cười nôn cả ruột. Phải chi mình ở gần Los Angeles California dễ có cơ hội đi tới đó bái sư xin truyền tí bí kíp sống vui, sống khoẻ với đời.
Mong bài viết sau.
Thank you very nhiều
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,674
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.