Hôm nay,  

Yêu Thương Tương Kính

16/02/201200:00:00(Xem: 205619)
Yêu Thương Tương Kính

Tác giả: Anne Khánh Vân
Bài số 3485-12-289535vb5021612

vb5vvnm_02-16_400-large-contentAnne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Trong năm 2011, với những bước tiến mới trong công việc, học tập, Khánh Vân đã nhận giải Award Outstanding Academic Excellence do Tổng Thống Hoa Kỳ Obama trao tặng. Trước đó, năm 2007, cô là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ” kể về một gia đình VN có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời còn nhỏ, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt giấc mơ tới nước Mỹ. Khi biết có giải thưởng, tác giả đã vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày, đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ du lịch để kịp dự họp mặt phát giải thưởng trong tháng 8, 2007. Trong mấy năm vừa qua, Khánh Vân đã từng bước ổn định việc cư trú và mới đây, đón được ba má sang theo diện đoàn tụ. Tin vui này được kể trong bài viết sau đây của cô dành cho báo xuân Việt Báo 2012.
Hình bên, góc phải là cô Nguyên Phương, một tác giả Viết Về Nước Mỹ cư trú tại vùng Hoa Thịnh Đốn, đã cùng “ông xã” đến thăm, mừng gia đình Khánh Vân đoàn tụ.

***
Giỏ cơm trưa
Tôi mang giỏ cơm trưa vào phòng ăn với chúng bạn…
Như thường lệ, bọn tôi sẽ hỏi nhau, "Mày mang gì theo hôm nay?" Không biết là do tôi nấu ăn ngon hay vì lũ bạn thích ăn… chực nên chúng luôn ghé mắt nhìn đĩa cơm tôi. Có khi ghé mắt không đủ, chúng ghé luôn cả… miệng. Bọn chúng đúng là thích ăn chực nên cười hà hà và trả lời, "Lần sau nấu món này, mày phải mang nhiều hơn." Các bạn có tin không? Bọn chúng không phải Việt Nam nhưng lại thường thích ăn ké cái món canh Khổ Qua nhồi thịt của tôi.
Hôm nay, bọn chúng hỏi và đợi trả lời đã lâu; tôi vẫn làm thinh. Tôi cứ lẳng lặng hâm thức ăn và sắp ra đĩa. Sự im lặng có lẽ làm chúng nghi hôm nay tôi có món gì đặc biệt nên càng không tha, cứ dõi mắt nhìn theo. Cho tới khi ngồi vào bàn, tôi mới đưa đĩa cơm lên cao và trả lời, "Hôm nay là lần đầu tiên trong đời tao mang cơm trưa do ông tía tao nấu. Sao, còn ai hỏi gì nữa không?" Chúng không hỏi nữa mà đồng thanh "wao" một tiếng thiệt bự. Sau đó thì chĩa nĩa sang xin nếm!
Giờ ăn trưa của chúng tôi thường náo nhiệt vậy đó, nhưng đó cũng là lúc lũ bạn quậy trong sở làm thể hiện tình thân và chia sẻ buồn vui.
Phải thú thật rằng cảm giác ăn trưa hôm đó rất lạ. Và tôi nghiệm ra cái lạ không do vị tía Hai Lúa nấu ăn có khác vị tôi nấu, mà vì tôi chưa bao giờ biết thế nào là mang cơm trưa từ cơm tía mình nấu. Tôi thích nấu ăn nên thường nấu ăn mỗi chiều đi làm về và cố tình nấu dư để mang theo ăn trưa hôm sau. Từ ngày tía Hai Lúa qua, ban ngày tôi đi làm, tía ở nhà nấu những món thông thường tía thích. Chiều về, tôi cũng nấu thêm những món mình thích để bữa cơm thêm phong phú. Nhưng hôm đó, đi làm về hơi trễ nên tôi không nấu thêm mà chỉ ăn ké. Ngày hôm sau, giỏ cơm trưa lần đầu tiên được chuẩn bị từ cơm tía Hai Lúa.
Vừa ăn, tôi cứ vừa suy nghĩ miên man và cảm thấy sướng cái bụng. Con nhà nghèo, từ nhỏ tôi đã học cách dành dụm những khoảnh khắc hạnh phúc trong ngày và bỏ ống vào một con heo, một con heo vô hình. Hôm ấy, ăn trưa chỉ 15, 20 phút, nhưng tôi đã cảm thấy như mình bắt đầu được đền bù cho những thiếu thốn, mất mát từ thưở ấu thơ, và tôi tin mình sẽ còn “giàu” thêm dài dài.

Nước Mỹ… ngộ
Tiếng cười nói của chúng bạn đem tôi trở lại phòng ăn…
Cũng lạ là bọn bạn có vẻ rất quan tâm đến việc tôi có ông tía mới qua Mỹ. Đứa thì hỏi han với vẻ lo âu cứ như tôi vừa mới… về nhà chồng, ở nhà có mẹ chồng và tôi phải làm dâu. Đứa khác thì cho việc tôi bảo lãnh cha mẹ sang ở chung là một việc vô cùng lạ lùng. Vì với văn hóa của bọn chúng (đa số Mỹ và Châu Âu) thì không có chuyện làm dâu, càng không có chuyện "khùng điên" phải mang ba mẹ về ở chung, hoặc mang ba mẹ theo đến cả nơi mình đang định cư, lập nghiệp. Đứa khác nữa thì vừa thắc mắc, vừa khâm phục làm sao một người đã hơi đứng tuổi có thể rời quê nhà, sang một đất nước khác, hòa nhập vào một đời sống mới, một văn hóa mới. Bọn chúng hỏi, "Tại sao cha mẹ mày không ở lại Việt Nam mà phải đi?" Những đứa bạn khác nữa, thân hơn và biết nhiều về "cuộc hành trình" gần 20 năm "tìm đường cứu nước" của tôi thì xem "sự kiện" này là một dấu ấn "hoàn thành sứ mệnh" và bọn chúng chúc mừng.
"Có chuyện gì vui về tía Hai Lúa của mày kể tụi tao nghe đi, Anne."
Tôi nghĩ bụng: Về tía Hai Lúa của tao mà ngay bụng nói thì chuyện "ngộ" nhiều lắm. Nghe xong cười cũng có, nghe xong trợn mắt cũng có. Tụi mày muốn nghe loại nào? Hà hà hà. Để bọn chúng không bị cười sống, cười soài mà biết đâu sẽ có đứa lăn đùng ra chết bất tử, tôi quyết định kể một chuyện cười vừa đủ.
"Hôm qua, khi tao đi làm về, tía tao hỏi một câu, 'Ủa, 9 giờ tối rồi mà sao ông trời vẫn cứ sáng trưng như 3 giờ chiều vậy? Khi nào ổng mới tối cho mình đi ngủ?' "
Kể xong, vừa nhìn bọn chúng cười, tôi vừa nhớ lại những ngày đầu mình mới bước chân sang trời Tây, cũng lớ ngớ khi thấy ông trời Tây sao ngộ quá không giống ông trời Việt Nam. Sáng gì mà sáng lâu quá cỡ.
Tôi trả lời tía, "Vào hè rồi, ông trời ngộ vậy đó. Khi nào tía buồn ngủ thì cứ kéo màn, nhắm mắt lại ngủ, đừng chờ ông trời. 10 giờ hơn ông trời mới tối. Cũng vì mùa đông trời tối sớm, mùa hè trời tối trễ như vậy nên trong năm có 2 lần đổi giờ để tận dụng độ dài của trời sáng, tiết kiệm điện."
"Vậy làm sao để nhớ mùa nào thì giờ sẽ chạy tới, mùa nào thì giờ chạy lui?" – Tía hỏi thêm.
"Con được dạy cách nhớ rằng, Fall – fall back, cả hai đều "fall", có nghĩa vào Thu thì thụt lùi 1 giờ. Spring – forward, ra Xuân thì chạy lên 1 giờ. Chỉ cần nhớ Fall thì fall back, thì cái kia mình sẽ tự suy ra được."
Vài tuần sau, dần quen giờ bên Mỹ, tía đã biết cách hưởng cái sáng lâu vào mùa hè của ông trời.
Ngày đầu tía đến… lớp
"Trong ngày khi mày đi làm, ông tía mày làm gì ở nhà, hở Anne?"
Bọn bạn rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể đã ghi danh cho tía 3 lớp ESL và 1 lớp Computer.
Chúng nói, "Mày đì ông tía mày dữ há."
Tôi đính chính, "Không phải tao đì mà là ông tía tao muốn đuổi kịp những gì ông đã… 'fall back' 36 năm qua."
Nhìn tía đeo vai cặp sách đi học, thấy cũng thương.
Ngày đầu tiên đến lớp tiếng Anh với cô giáo Việt, khi cho tía thi xếp lớp, cô đã hỏi, "Tại sao ông không dùng tiếng Anh 36 năm qua?"
Với thầy Mỹ tía được khen phát âm cũng Mỹ lắm. Thầy ngạc nhiên và thích thú, cứ hỏi chuyện của tía thời trước 75, đã học tiếng Anh với ai, làm việc với ai… Và khi biết Tía đã làm việc với người Mỹ trong Tân Sơn Nhất từ trước 1975, thầy cũng đã tiếc khi tía đã không dùng tiếng Anh 36 năm qua.
Tía Hai Lúa nói, dù tía qua Mỹ có hơi trễ nhưng không sao, quan trọng là đã qua và quyết định bắt đầu mọi thứ. Trễ mà cố gắng phấn đấu, cố gắng khắc phục, cố gắng chạy đua, thì theo kịp người ta mấy hồi. Hoan hô tía Hai Lúa!
Mà thiệt, tía đã "tranh thủ" chạy đua. Hằng ngày tía đi học bằng xe buýt và metro vì nhờ đã dùng xe buýt và metro thành thạo khi sang Mỹ du lịch 3 tháng hồi 2007. Cái này phải cảm ơn Việt Báo vì nhờ có giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, tôi mới có dịp tham dự "chia sẻ buồn vui" và đoạt giải. Sau khi thành công "vận động" mang được tía má cấp tốc sang Mỹ dự lễ phát thưởng VVNM 2007, nhận giải xong, tôi đã dùng toàn bộ 10 ngàn nhận được cho tía má du lịch đông tây nước Mỹ trong vòng 3 tháng. Bây giờ họ không chỉ rành rọt Washington DC vì đã tham quan gần như mọi ngõ ngách, địa điểm du lịch ở DC, mà còn biết nhiều nơi khác hơn cả tôi. Họ đã qua mặt tôi rồi còn gì.

Sống cho mình,
sống cho cả người thân
Tía đã hụt đi Mỹ 5 lần. Lần đầu đáng lẽ đã đi khi còn cha mẹ nuôi người Mỹ; và lần hụt quan trọng nhất là ngày 30 tháng 4, khi tía làm việc với người Mỹ trong sân bay, sắp xếp các chuyến bay di tản. Vì tôi còn quá bé, chưa đầy một tuổi, nên tía đã về nhà, ở lại với vợ con.
Qua Mỹ lần này, tía không còn là khách du lịch như lần sang Mỹ năm 2007 nữa mà đã là thường trú dân Mỹ. Ngày tía ra đi, tía đã rất nôn nao ra phi trường. Tía đã muốn ra sân bay sớm. Tôi nhớ lại đã thấy tía thở "phào" khi ngồi vào chỗ và máy bay cất cánh. Không còn hụt nữa! Cuối cùng cũng đi! Và tía đã đến quê hương xứ sở cha mẹ nuôi của tía. Cha mẹ nuôi người Mỹ của tía không còn nữa nhưng nước Mỹ vẫn còn đó. Nó luôn mở rộng vòng tay cho những ai có tấm lòng, có ý chí.
Thật sự gia nhập vào đời sống của Mỹ, tía va chạm nhiều thực tế. Tôi định kể thêm một chuyện vui nữa của tía; chuyện này tôi cười mém bể bụng. Nhưng xin để dành kể sau. Nói thì nói vậy chứ thật ra những chuyện tức cười của tía chỉ làm tôi nhớ lại cái thời tức cười của chính mình gần hai mươi năm trước, những ngày đầu tôi vừa ra đi tìm đường cứu… cha, cứu mẹ, cứu anh chị em.
Khi quyết định ra đi với một cái "mục đích" thiệt bự mang theo trên lưng, chân ra đi mà lòng cứ nghĩ sẽ không có gì khó khăn lắm, sẽ không lâu lắm, rồi mọi người sẽ xum họp. Nhưng nhìn lui, không phải như vậy. Không dễ! Không nhanh! Không rẻ!
Thật ra, cuộc hành trình "tìm đường cứu nước" của tôi lâu hơn 20 năm. Nó đã được bắt đầu từ khi tôi chỉ 9, 10 tuổi, tức gần 30 năm trước. Những lần vượt biên không thành, tôi cũng nếm mùi "vào tù ra khám" như ai. Tôi cũng bị súng rượt đùng đùng phía sau lưng. Tôi cũng đói, cũng khát, nhiều đêm thiếp ngủ vì đuối sức, với cái bụng lép xẹp… Và lần cuối khi may mắn được "ăn theo" có chỗ trên ghe, nếu tôi đã cùng xuống ghe với các dì thì sẽ không có chuyện tôi đang ngồi đây gõ lọc cọc. Tôi đã sẽ qua thế giới bên kia như bốn người trong gia đình tôi rồi. Họ đã mất tích trong lần vượt biên tháng 5 năm 1985.

Gia đình tôi, nhất là ông bà ngoại tôi, không muốn nghĩ bốn người thân đó đã chết nên vẫn kiên trì nuôi hy vọng. Năm kia, khi ông ngoại tôi hấp hối, ông vẫn còn mong "biết đâu dì Đài sẽ về, dì Trang sẽ về, dượng Sáu sẽ về, cu Dũng sẽ về." Ông sắp ra đi nhưng vẫn không quên mong con cháu mình sẽ về gặp lại ông lần cuối. Ông đã nêu rõ tên từng người. Ông đã sợ sẽ lạc con cháu ông, không gặp lại con cháu ông qua cả kiếp sau chăng? Tôi luôn thấu hiểu ông đã thương nhớ và đau đớn cho con cháu của ông ra sao vì tôi cũng thương nhớ và đau đớn cho họ như vậy. Giờ đây, ông ngoại đã ra đi, chắc ông đã rõ chuyện gì đã xảy ra với con cháu của ông, hiện họ đang ở đâu, và có lẽ ông cũng đã được gặp lại họ rồi.
Tôi tin như vậy vì tôi đã chiêm bao thấy như thế trong đêm ngày lễ Các Thánh vừa mới qua. Giấc mơ rõ như thật. Tôi nghe người nhà xì xào nói chuyện rằng trong nhà ngoại tôi có ma mà chẳng ai thấy, chỉ cảm giác như vậy. Tôi đi vào nhà ngoại. Tôi không thấy ma mà thấy một đứa bé trai nhỏ với gương mặt rất quen. Nó tươi cười đi về phía tôi. Nó nói "Em muốn giới thiệu chị với một người mà chị rất thương." Và tự nhiên ông ngoại tôi hiện ra với một bộ veston rất bảnh. Tôi ôm lấy bụng ông ngoại. Tôi cười hì hì và nói với ông, "Ôi, cháu nhớ ông ngoại quá. Ông ngoại đẹp trai quá. Ông ngoại mặc đồ thiệt đẹp." Ông xoa xoa lưng tôi và tôi giựt mình thức dậy. Tôi cứ thắc mắc mãi không biết đứa bé trai đó là ai. Thế rồi đầu óc như được rọi sáng, tôi nhớ đến thằng cu em họ của mình ngày xưa. Khi đi vượt biên với bố mẹ, nó chỉ 3 tuối. Nếu không mất tích thì năm nay cũng gần 30 tuổi.
Tôi rất thường nằm mơ. Mỗi đêm mơ vài ba chuyện và nhớ rõ tất cả chúng khi thức dậy. Tôi có cảm giác mình sống rất nhiều đời sống song song. Vì hay được gặp lại những người thân mình muốn gặp, ở những thế giới nào đó rất xa lạ nên tôi thường cầu mong được gặp lại 4 người thân mất tích của gia đình, được chuyện trò và biết họ bình yên. Vài năm trước, cũng đêm ngày lễ Các Thánh, tôi được gặp lại dì Đài của tôi, được chuyện trò rất lâu với dì. Khi thức giấc, nước mắt còn đang chảy ròng. Tôi đã ngồi dậy, viết lại toàn bộ giấc mơ. Vậy mà với thằng cu em họ này, không biết trong 26 năm qua, nó đã ở thế giới nào mà tôi vẫn chưa một lần gặp lại, mãi đến giấc mơ hôm nay.
Gần mười năm, sau bao nhiêu trật vuột mất mát trong gia đình, khi tôi gọi là… thành công trong việc ra đi, tôi cũng chưa thật sự trưởng thành. Hôm nay, đã đụng cái mấu mà người ta thường nói "nửa đời người".
Tôi đã không tự nhiên có được sức mạnh để trải bao trầm luân thử thách trên đường thực hiện "mục đích" ra đi của mình. Tôi không chỉ nghĩ đến những người còn sống như tía má anh chị em. Tôi nghĩ đển cả những người không còn nữa như bà nội tôi, đã tắt thở ngay tại phòng lấy visa đi Mỹ hơn hai mươi năm trước; như cha mẹ nuôi người Mỹ của tía tôi, những người đã cưu mang, cho tía tôi có cơ hội có đời sống tốt hơn; và dỉ nhiên tôi chẳng bao giờ quên nghĩ đến 4 người thân mất tích trong gia đình mình. Tôi chưa bao giờ quên nghĩ về họ. Họ như vẫn luôn sống trong tôi nên trong bất cứ những gì mình làm, tôi luôn nghĩ tôi phải sống thêm cho cả phần của họ. Tôi phải cố gắng và thành công cho cả phần của họ. Và quan trọng hơn cả, tôi phải sống sao thật hạnh phúc, thật ý nghĩa.
Khi rời được khỏi Việt Nam, trong mười năm đầu tôi đã bay bổng lung tung đây đó, học hành, lập nghiệp. Thêm năm năm nữa để có nhà cho tía má ở, có xe chở tía má đi lanh quanh. Và gần năm năm sau đó, tía má mới được thật sự sống đời sống tự do hằng mong ước. Đó cũng chính là trả lời cho bọn bạn hỏi câu "Tại sao cha mẹ mày phải ra đi?" Tôi muốn nói thêm với chúng rằng, "Cha mẹ tao hay tao, không ra đi cho chỉ phần mình mà còn cho phần của cả những người thân khác, còn sống hay đã chết trên đường tìm tự do."
Nhờ sức mạnh vô hình của những người thân ấyï, mà tôi đã có thể vững bước.
Sợi tóc bạc… mang tin vui
Cảm giác sẽ thế nào khi có sợi tóc bạc đầu tiên kia há? Người ta thường làm gì với nó? Tôi thì… chỉ mới hôm qua thôi, tôi đã la làng lên với ông tía Hai Lúa, "Ba ơi con mới vừa tìm ra một sợi tóc bạc đầu tiên trong đời." Để nó trên đầu sợ nó lan nên tôi quyết định nhổ nó xuống. Ngắm nghía xong, tôi quyết định cho nó vào hộp… nữ trang, trân trọng nó, đặt cho nó một cái tên thật "ngầu": Hồn xoàn 37 carat.
Tôi 37 tuổi có nghĩa là nhỏ cọp cháu (được kể trong bài kể chuyện tía Hai Lúa qua Mỹ) được làm Thôi Nôi. Phong tục Việt Nam mình thì thôi nôi phải cúng xôi chè và phải có một mâm bày đủ thứ món đồ cho em bé 1 tuổi chọn. Thử đoán xem cọp cháu Khánh An của má Hai Khánh Vân chọn gì? Nó đã giống tôi nhiều thứ: nào là tuổi Cọp, nào là sinh tháng 9, còn dám ăn theo cả chữ Khánh trong tên. Bây giờ cô nàng còn cầm lên cây viết. Tôi la lên với tía ma, "Ô, vậy là Khánh An giống con nữa rồi. Thôi nôi của con, con cũng bốc cây viết. Vậy là chắc sau này lớn lên Khánh An cũng sẽ thích viết lách giống con" Tía Hai Lúa của tôi cười hề hề, vừa cười tía vừa giải thích "ý nghĩa" mới của Việt Nam 36 năm sau.
"Thời đó, con bốc cây viết thì có ý nghĩa con thích viết lách. Thời nay, bốc viết mà viết lách lạng quạng sẽ bị bỏ bót nên đa số những người thích viết ở Việt Nam đa số chỉ viết… số đề thôi con ơi. Phải cho nó bốc lại cái gì khác đi."
Cho cọp cháu bốc lại, nó lại chọn cây viết! Đành phải ghi lại trong album hình rằng cọp cháu đã bốc cây viết trong ngày thôi nôi giống cọp má Hai của nó.
Vài tháng sau tôi đã có cơ hội làm rõ nghĩa chọn cây viết của nhỏ cọp cháu. "Khánh An bốc cây viết là phải rồi. Nó viết tin vui phụ với con." Tin thứ nhất: Em trai Khánh An ra đời. Tôi nay tổng cộng có 4 đứa cháu. Em gái có một gái một trai. Em trai cũng có một gái một trai. Tôi đã nhận chúng làm con, gửi "sữa của má Hai" về cho chúng uống từ ngày lọt lòng.
Và tin vui thứ hai: Tía má Hai Lúa sum họp.
Do sự sơ xuất của tôi khi làm giấy tờ bảo lãnh, Tía được phỏng vấn đi trước còn má thì phải chờ. May sao, chỉ khoảng 8 tháng sau khi bổ túc hồ sơ là má Hai Lúa được đi phỏng vấn và qua Mỹ đón Giáng Sinh.
36 năm sống ở Việt Nam, đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là những gia đình có quá khứ với chế độ trước, tôi không nhớ đã nhìn thấy nhiều hình ảnh của tía má mình vui vẻ, hạnh phúc. Chữ hạnh phúc dường như bị lãng quên. Tình cảm vợ chồng như dần khô cằn. Hy vọng sau khi bị "cách ly" 6 tháng vừa qua, tía đã qua Mỹ, trở lại con người trước 75, khi xum họp má tía Hai Lúa sẽ "tình tứ" lại như xưa.
Trước ngày rời đất nước, Má Hai Lúa của tôi đã kèo nhèo bên kia webcam, "Làm sao má có thể đóng thùng cái phòng mấy chục năm của má vào 2 thùng đồ? Đáng lẽ khi được đi định cư, người ta phải cho mang theo 10 thùng đồ thay vì 2 thùng mới phải."
Tôi cười hì hì nói chuyện giúp má Hai Lúa dễ quyết định cái gì mang theo, cái gì nên để lại…
Từ hồi tháng 4 năm 75, một cơn gió cuồng bạo đã nổi lên, kéo dài cho tới nay, cuốn biết bao cây bông cải về trời, còn biết bao cây rau răm chịu đắng cay ở lại. Thiên sứ hàm ý nhắc, đã về trời thì hành trang càng nhẹ càng tốt. Còn biết bao người ở lại, má à, tôi nhắc mà Hai Lúa của tôi.
Sau cùng má Hai Lúa cũng đã được thuyết phục "đi càng nhẹ càng tốt" nên thay vì lo đóng thùng thì bà mang mang đồ đi chia với bè bạn còn ở lại.
Vậy là tuần rồi, tôi đã có dịp đưa má Hai Lúa đi dự tiệc Giáng Sinh sớm tại nơi tôi làm việc tổ chức, để bà có thể nhận lời thăm hỏi, chúc lành của những bạn đồng nghiệp của con gái và cám ơn họ.
Tại bữa tiệc vui, điều làm bà ngạc nhiên là trước khi bắt đầu mọi nghi lễ, tiệc vui, người Mỹ luôn cảm ơn Thượng Đế. Họ tin tưởng bên trên những người tài và sự làm việc hăng say, thành công có được còn là nhờ ơn trên. Sau khi nghiêm trang tỏ lời cảm ơn đến Thượng Đế, ông Tổng giám đốc của hãng đã nói trước khi vào tiệc, "Chúng ta có tiệc vui hôm nay không chỉ để mừng thành quả của chúng ta trong những năm qua mà còn để suy nghiệm coi làm sao và nhờ đâu chúng ta đã đạt được thành quả mà chúng ta đang hưởng. Hãy nghĩ tới những mục tiêu chung, những nỗ lực chung, nhưng cũng đừng quên những khó khăn và công sức từng người...”
Tôi đã dịch lại lời ông Tổng giám đốc nói cho má Hai Lúa nghe. Vâng, đúng thế, khi thu nhỏ ống kính từ một đất nước, hay một cơ quan tổ chức quan trọng về ngôi nhà hay gia đình nhỏ bé của mình… không phải chỉ nhìn vào ngôi nhà mua được, chiếc xe đang chạy, công việc làm sự nghiệp, hay việc tía má đã qua Mỹ mà quên nhìn lại chặng đường dài đầy gian nan thử thách mà mình đã vượt qua. Mọi thứ chúng ta đang có, đang hưởng, không phải tự nhiên mà có được. Đó là do biết bao nhiêu nỗ lực, khi có sự yêu thương và tương kính trong đời sống hàng ngày, có được phước lành từ Thượng Đế, mọi người sẽ được thật sự sống bình yên hạnh phúc.
Xin quí trọng gìn giữ những thứ mình đang có. Cũng đừng quên những vất vả cực nhọc để có ngày hôm nay. Có vậy, món khổ qua lúc đó ăn vào sẽ có hậu ngọt.
Xin chân thành cảm ơn bà con cô bác và các anh chị Viết Về Nước Mỹ gần xa đã có có lòng thăm hỏi. Cầu mong sự tốt lành sẽ đến với tất cả . Và trân trọng chúc mừng năm mới Nhâm Thìn.

Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
20/02/201207:52:29
Khách
Chúc mừng Anne . Nhớ lại lần đầu đọc bài viết về mùa đông ,trời tuyết đi bộ với giầy há mồm...mà thương quá...đã định hỏi...có muốn có cha mẹ..nuôi..cho đỡ buồn không! Thế rồi lần lần biết về Anne nhiều hơn qua Việt báo và rất mừng cho Anne vì cháu rất... và rất có..bản lãnh . Chúc cháu VUI-KHOẺ và viết thật nhiều ,vì cháu viết rất hoàn hảo ,đem lại sự thích thú cho người đọc.Thân.
24/02/201205:46:47
Khách
Ba Mẹ của Khánh Vân phúc hậu, ở hiền gặp lành.
04/03/201214:52:10
Khách
KhánhVân xin được cảm ơn thật nhiều những lời chia sẻ chân tình của độc giả CH và Thom, cũng như nhiều độc giả khác và gia đình Việt Báo, Việt Bút.
Được cha mẹ đẻ của mình thương yêu là chuyện tự nhiên, được những cha mẹ chưa bao giờ gặp thương mến mới thật quý hiếm. Cháu đang định sẽ viết một bài viết về Mẹ thì được đọc những lời chia sẻ này. Cháu vô cùng xúc động và có thêm thật "dồi dào" cảm hứng để bắt đầu viết.
Dạ, cháu sẽ dành thời gian viết thật nhiều, viết hoài hoài (và cháu cũng muốn có thêm cha mẹ nuôi nữa ạ... Muốn lắm muốn lắm (hihi)).
Cháu xin được cảm ơn lần nữa.
Rất quý mến,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,841
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.