Bỏ Gì Thì Bỏ
Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên
Bài số 3427-12-2887vb8121111
Tác giả sinh năm 1957, là cư dân Santa Ana, công việc: làm nail. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên: Chỉ Tại Cái Bằng. Bài thứ hai, trẻ trung hơn: “Chỉ Một Cú Phôn”. Sau đây là bài viết thứ ba, kể về hoàn cảnh những gia đình đông con, nhận trợ cấp tại Mỹ. Bài thứ tư của tác giả viết về sách, cho thấy cách viêt với tấm lòng. Hình bên: Tác giả và gia đình.
***
Nhân đọc bài "Cái chết của một nhà sách" của Trương Tấn Thành, tôi nhớ về chuyện "sách" của gia đình tôi mà muốn khóc .
- Bỏ gì thì bỏ không bỏ một quyển sách nào nha em. – Chồng tôi dặn mỗi lần dọn nhà.
Có lẽ không ai dọn nhà nhiều như tôi ở xứ Mỹ này.
Lần đầu dọn đi không xa, cũng cùng thành phố, vì lý do ban quản lý chung cư không cho chơi đàn Piano.
Moving.
- Bỏ gì thì bỏ không bỏ một quyển sách nào của anh nha em. - Chồng tôi căn dặn khi thấy tôi sắp soạn cho việc moving.
Sách của chồng tôi khoảng 20 thùng, mỗi thùng 30-40 quyển tuỳ theo dày mỏng. Đó là tôi đã lén anh ấy bỏ vô thùng rác bớt một số sách tôi cho rằng không quan trọng. Sách của tôi và hai con khoảng sáu thùng. Lần dọn nhà này chưa đến 30 thùng sách, nhưng đã thấy quá nhiều.
Lần thứ hai, dọn sang thành phố khác.
Lý do, nhà củ chỉ có hai phòng, vợ chồng tôi đã chiếm một phòng. Phòng kia hai chị em ở chung với cái giường hai tầng, em tầng trên, chị tầng dưới. Trẻ con mau lớn như trái bí, trái bầu, không đầy một năm, con trai tôi cao chồng ngồng vì đang ở tuổi “nhổ giò”, chung phòng với chị gái cũng bất tiện.
Con gái tôi rất thích vẽ tranh, ao ước:
- Khi nào có phòng riêng con sẽ đặt cái bàn vẽ ngay cạnh cửa sổ. Con muốn phòng có cửa sổ quay mặt về hướng mặt trời lặn. Hôm qua bố cho ra biển lúc mặt trời sắp lặn, con thấy mặt trời như trái banh màu đỏ rực đang trôi trên mặt biển, con sẽ vẽ lại cảnh này cho mẹ xem.
Thương con quá, sau nhiều đêm suy tới, tính lui, quyết định thắt lưng buộc bụng mướn nhà ba phòng cho hai vợ chồng và hai đứa con.
Lại moving.
Chỉ một năm mà chồng tôi đã mua thêm khoảng năm thùng sách nữa. Còn hai con và cả sách của tôi đang học chương trình B.A online là 10 thùng, tất cả sách 35 thùng.
- Bỏ gì thì bỏ, đừng bỏ quyển sách nào nha em. - Chồng tôi nhắc nhở
- Anh thật là con mọt sách mà. - Tôi vừa sắp sách vào thùng vừa phàn nàn.
- Mỗi quyển sách là một người bạn mà em. - Anh giải thích.
Tôi cố gắng sắp xếp đem đi hết không bỏ sót quyển nào vì không muốn phải tốn tiền mua lại khi có cần.
Vì nhà nhỏ, phòng hẹp, thiếu chỗ bày những kệ sách, nên tất cả chỗ trống ở phòng khách, nhà bếp, phòng tắm cho đến phòng ngũ, chỗ nào có thể biến thành kệ sách là chồng tôi biến ngay. Ngồi đâu đọc sách cũng được, cứ quơ tay ra là đụng sách. Sách tiếng Anh, tiếng Việt có đủ. Sách khoa học, triết hoc, văn thơ, thần học, tôn giáo, tình cảm, trinh thám, lịch sử, tiểu thuyết, truyện ngụ ngôn, tự điển Anh Việt, Hán Việt, Hoa Việt, tự điển y khoa, tự điển thương mại, tự điển Kinh Thánh,… ai muốn thứ gì cũng có.
Mà lạ, các thành viên trong nhà đều ham đọc sách. Rảnh một chút là ôm quyển sách lên tay.
Trong tuần, chúng tôi có hai buổi tối cùng “chung” với nhau.
Tối thứ sáu cùng xem phim hài của Mỹ và ăn Pizza chung.
Tối thứ bảy cùng đọc sách chung tại phòng sách.
Trao đổi và kể cho nhau nghe những gì hay của quyển sách mình đọc. Chồng và các con đọc sách tiếng Anh, tôi thì bám kệ sách tiếng Việt.
Đọc sách khiến kiến thức mỗi ngày một thêm hơn, thật đúng “mỗi quyển sách là một người bạn”. Mỗi người bạn cho chúng ta những bài học khác nhau, và những tư tưởng khác nhau. Vô cùng thú vị.
Nhà này ở gần tiệm sách củ và tiệm Borders nên hầu như ngày nào trên đường đón con đi học về hai bố con cũng ghé vào mua sách, sách củ, sách mới đầy kệ. Bià sách đủ màu, nhìn vào như những bức tranh được trang trí bằng những sọc xanh, đỏ, trắng, vàng, lục, lam, chàm, tím thật đẹp mắt.
- Khỏi tốn tiền trang trí là một mối lợi lớn đó em. - Chồng tôi dí dỏm
- Gia tài nhà mình chỉ có sách mà thôi. Anh đừng mua sách thêm nha. - Tôi năn nỉ.
- Ừ không mua nữa. - Anh ậm ừ cho qua chuyện.
Mấy hôm sau lại thấy một thùng sách mới order trên online gửi về .
- Anh à, có nhiều sách em thấy anh đâu đã đọc mà mua thêm sách mới chi vậy? Tôi cằn nhằn.
- Đâu phải sách nào cũng đọc ngay, thấy hay thì mua, khi nào có cần thì đọc, sách để làm tài liệu mà em. - Chồng tôi kiên nhẫn giải thích.
Thói quen cần tập rèn, ngoài sở thích đọc sách, chúng ta cần tập thói quen đọc sách. Mỗi khi thấy người Mỹ đứng ở bến xe bus hay ngồi đợi ở trạm xe hoặc chờ người nhà đi chợ họ đều đọc sách báo gì đó, chồng tôi chỉ cho vợ con:
- Người Mỹ họ có thói quen đọc sách, đó là thói quen tốt. Còn người Việt nam mình ít khi đọc sách nên ngồi lại toàn nói chuyện tầm phào, nói xấu nói hành nhau, thật đáng tiếc.
Nhà cửa tạm ổn định trong năm. Hơn một năm sau, có cơ hội đưa đến chúng tôi mua nhà mới, ngoài dự trù.
Lại moving.
Lần này số lượng sách tăng gấp đôi.
- Bỏ gì thì bỏ đừng bỏ quyển sách nào nha em.-
Chồng tôi lại căn dặn.
Về nhà mới, diện tích hơn hai ngàn Square feet và 3 tầng: 1 lầu, 1 trệt và tầng hầm. Tầng hầm được dành trọn làm phòng sách, chồng con tôi hào hứng sửa sang, thiết kế như tiệm bán sách Borders. Có bàn ngồi đọc sách, tủ lạnh, ghế dựa dài, quầy uống nước, bánh ngọt, trái cây luôn có sẵn. Mỗi góc là một bàn đọc sách nhỏ, giữa phòng là bàn lớn cho nhiều người ngồi với ghế dựa, nệm êm.
Không gì sung sướng bằng được ngồi đọc sách trong khung cảnh êm đềm và bình an như thế.
Mấy tháng sau, vị Mục sư quen được nghỉ hưu và dọn sang tiểu bang khác để ở với con gái. Ông cho chồng tôi khoảng 3.000 quyển sách đủ loại, đa số là sách thần học. Thế là các anh chị sách nhà tôi và chúng tôi lại có thêm bạn mới chen chúc vào chật kín; phải sắm thêm kệ sách cho chúng có chỗ thở. Tầng hầm mỗi ngày một chật hơn vì thêm những hàng kệ mới.
Hai cha con nhín từng chút thời gian rỗi rảnh chăm sóc cho “phòng sách” thật ngăn nắp, đẹp mắt.
- Sao, em có định thêm gì vào quầy sách của em không? - Anh nheo đuôi mắt đã thêm vài nếp nhăn hỏi khi thấy tôi ngắm nghiá quầy sách của mình.
- Em thấy…đủ rồi anh yêu. Cám ơn anh nhiều. - Tôi nhếch một vệt cười trên khoé môi, nhìn anh âu yếm.
Ba năm sau, chồng tôi tốt nghiệp M.Div.
Vì nhu cầu công việc của anh, chúng tôi phải đi sang tiểu bang khác, cách chỗ đang ở gần sáu tiếng lái xe. Buộc phải bán nhà.
Buộc phải moving. Có lẽ số tôi là số dọn nhà.
Bây giờ số lượng sách qúa nhiều, không đếm xuể.
- Bỏ gì thì bỏ không bỏ một quyển sách nào nha em. Chồng tôi dặn tới, dặn lui nhiều lần vì sợ tôi bỏ bớt mất sách
Mỗi tối đi làm về ngồi trước đống sách ngỗn ngang, sắp sắp, xếp xếp, trở tới, trở lui cho vừa vặn bỏ vô thùng. Tôi mệt muốn xỉu, người nhũn như cọng bún thiu. Nhớ đến lời của nhà thơ nào đó: “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo…” Làm người dọn nhà hoài như tôi thà làm cây thông chắc sướng hơn thật!!!.
- Em mệt hả, công khó của em không vô ích đâu, em có công lớn cho gia đình lắm đó. - Chồng tôi vừa soạn sách vừa nhìn tôi động viên.
Tôi vươn vai ngáp dài đi rửa mặt cho tỉnh để tiếp tục cho việc dời nhà.
Rút kinh nghiệm mấy lần trước, lần này tôi chỉ đóng thùng nhỏ vừa bưng, không nặng lắm. Mướn thêm một chiếc U-HAUL lớn, cùng với bốn chiếc xe cá nhân chúng tôi chỉ lấy theo một số ít vật dụng cần thiết, đồ kỷ niệm, ngoài ra bỏ lại hết cho bạn bè. Số lượng sách chở đi gấp 3 lần số lượng vật dụng gia đình phải mang theo.
- Bỏ gì thì bỏ nhưng sách thì không bỏ nhe em. - Ngày nào anh cũng nhắc tôi câu ấy.
Những người dọn nhà phụ, ai cũng ngạc nhiên khi thấy gia tài của chúng tôi mang theo chỉ toàn là sách, chất hơn nửa xe U-HAUL.
Về nhà mới, cũng có ba tầng. Tầng hầm cũng được dùng chứa sách, vì nhà thuê nên chúng tôi chỉ làm những kệ sách tạm mà thôi, chúng tôi mua những miếng ván dài, lấy gạch kê rồi xếp sách lên, thế là xong.